Peter Bichsel sinh tại Lucerne (Thụy Sĩ) ngày 24 tháng 3 năm 1935, là con của một người thợ thủ công. Ông là nhà giáo dạy tại một trường tiểu học cho tới năm 1968.
Ông nổi tiếng với tập truyện ngắn đầu tiên “And really Frau Blum would very much like to meet the Milkman/ Và thật sự Frau Blum rất muốn gặp người bán sữa” (1964); sau đó ông được mời gia nhập vào Nhóm 47 (Group 47), là Hiệp hội Nhà văn Đức do Hans Werner Richter làm chủ tịch; và tiểu thuyết đầu tiên của ông The Seasons/ Các mùa (1965) được giải thưởng Group 47 Prize năm 1965. Từ 1985, ông là thành viên của học viện Ngôn ngữ và Văn chương Đức tại Darmstadt. Bichsel sống ở Bellach thuộc bang Solothurn. Ông đã có nhiều giải thưởng văn chương, trong số đó là Great Schiller Prize và Gottfried Keller Prize. |
PETER BICHSEL
Tôi muốn kể một câu chuyện về một ông già, một người không còn nói một lời nào, có một khuôn mặt mệt mỏi, quá mệt để cười và quá mệt để giận. Ông sống ở một thị trấn nhỏ, ở cuối một khu phố hay gần một giao lộ. Gần như không có gì quan trọng để miêu tả ông, khó mà phân biệt ông với những người khác. Ông đội một cái mũ màu xám, mặc quần xám, áo vét xám và áo khoác dài mùa đông màu xám, và ông có cái cổ gầy da nhăn và khô, những cái cổ áo sơ mi trắng của ông quá rộng đối với ông.
Phòng ông ở tầng trên cùng của tòa nhà, có lẽ ông đã từng lập gia đình và có con, có lẽ ông từng sống ở một thị trấn khác. Chắc chắn ông từng là một đứa trẻ, nhưng vào thời mà trẻ con được cho ăn mặc như những người lớn. Người ta có thể thấy chúng như thế trong quyển an bum ảnh của bà nội. Trong phòng của ông có hai cái ghế dựa, một cái bàn, một tấm thảm, một cái giường và một tủ quần áo. Trên cái bàn nhỏ là cái đồng hồ báo thức, kế bên đồng hồ báo thức là chồng báo cũ và cuốn an bum ảnh, trên tường treo một tấm gương và một bức tranh.
Ông già sẽ đi dạo một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều, nói vài lời với người hàng xóm của ông, và buổi tối thì ông ngồi ở bàn.
Những việc này không hề thay đổi, luôn là vậy kể cả những ngày chủ nhật. Và khi ông già ngồi ở bàn, ông sẽ nghe tiếng đồng hồ tích tắc, đồng hồ luôn luôn tích tắc.
Thế rồi đến một ngày đặc biệt, một ngày nắng tốt, không quá nóng, không quá lạnh, có chim kêu chiêm chiếp, có nhiều người thân thiện, trẻ em thì đang chơi - và điều đặc biệt là bất chợt ông già thích tất cả những điều này.
Ông mỉm cười.
“Bây giờ mọi chuyện sẽ thay đổi,” ông nghĩ.
Ông cởi nút trên cùng áo sơ mi, cầm nón trong tay, bước đi nhanh nhẹn, thậm chí có cả vẻ nhún nhảy trong bước chân khi ông đi dạo, và vui vẻ. Ông về con đường nhà ông, gật đầu với lũ trẻ, đến trước tòa nhà ông ở, lên đến bậc cầu thang trên cùng, lấy chìa khóa ra khỏi túi, và mở cửa phòng ông.
Nhưng trong phòng ông mọi thứ vẫn như cũ, một cái bàn, hai cái ghế tựa, một cái giường. Và khi ông ngồi, ông lại nghe tiếng đồng hồ tích tắc, và tất cả niềm vui của ông rời bỏ ông, vì không có gì thay đổi.
Và ông già bùng phát cơn giận.
Ông thấy trong gương khuôn mặt ông đang đỏ, mắt trừng trừng; rồi ông nắm chặt hai bàn tay, nâng lên, và nện xuống mặt bàn, mới đầu là một cú nện, rồi thêm cú nữa, rồi ông nện thình thình lên mặt bàn như đánh trống đồng thời quát to:
“Phải thay đổi, phải thay đổi!”
Và ông không còn nghe tiếng đồng hồ nữa.
Khi tay ông bắt đầu đau, giọng ông yếu, ông lại nghe tiếng đồng hồ, và không có gì thay đổi.
“Luôn luôn là cái bàn cũ,” ông nói, “hai cái ghế cũ, cái giường, bức tranh. Và mình gọi cái bàn là cái bàn, gọi bức tranh là bức tranh, cái giường là cái giường, và người ta gọi cái ghế là cái ghế. Nhưng thực sự tại sao vậy? Người Pháp gọi cái giường là “lee”, cái bàn là “tahbleh”, họ gọi bức tranh là “tahblo” và cái ghế là “shez”, và họ hiểu được nhau. Và người Trung Quốc cũng hiểu nhau.
“Tại sao cái giường không được gọi là bức tranh,” ông già nghĩ và mỉm cười, rồi cười thành tiếng, cười cho tới khi mấy người hàng xóm dộng vào tường và quát “Im đi nào!”
“Giờ thì sự việc thay đổi,” ông nói to và từ lúc này trở đi ông gọi cái giường là ‘bức tranh”.
“Mình mệt, mình sẽ đến bức tranh,” ông nói thế, và trong những buổi sáng ông sẽ thường nằm nán trong bức tranh một hồi lâu và ngẫm nghĩ về vật mà lúc này ông gọi là cái ghế, và ông đặt tên cho cái ghế là “đồng hồ báo thức”.
Minh họa: Nguyễn Duy Linh |
Vậy là ông rời giường, mặc quần áo, ngồi lên cái đồng hồ báo thức, và đặt hai tay lên bàn. Nhưng cái bàn không còn được gọi là bàn nữa, mà lúc này có tên là tấm thảm.
Vậy là trong buổi sáng ông già sẽ rời bức tranh, mặc quần áo, ngồi chỗ tấm thảm trên cái đồng hồ báo thức và ngẫm nghĩ về các vật bây giờ ông có thể gọi bằng những tên khác.
Cái giường ông gọi là bức tranh.
Cái bàn ông gọi là tấm thảm.
Cái ghế ông gọi là đồng hồ.
Tờ báo ông gọi là cái giường.
Tấm gương ông gọi là ghế.
Cái đồng hồ ông gọi là anbum ảnh.
Tủ quần áo ông gọi là tờ báo.
Tấm thảm ông gọi là tủ quần áo.
Bức tranh ông gọi là cái bàn.
Và album ảnh ông gọi là tấm gương.
Thế là:
Vào buổi sáng, ông già sẽ nằm nán lại trong bức tranh một hồi lâu, đến chín giờ thì album ảnh reo, ông già dậy và giẫm lên tủ quần áo để chân không lạnh cóng, rồi ông sẽ lấy quần áo ra từ tờ báo, mặc vào, nhìn mình trong cái ghế trên tường, ngồi xuống trên cái đồng hồ ở chỗ tấm thảm và lật lật tấm gương cho tới khi ông đụng đến cái bàn của mẹ ông.
Ông già thấy sự vụ này vui, và ông tập suốt ngày và nhớ những từ mới. Bây giờ tất cả được đặt tên lại: ông không còn là một người đàn ông, mà là một bàn chân, và bàn chân là buổi sáng, và buổi sáng là người đàn ông.
Giờ thì bạn có thể tự mình viết ra truyện. Và lúc ấy bạn có thể làm như ông già đã làm và đổi tên gọi những từ khác:
tiếng chuông reo được gọi là tiếng bước chân,
ướp lạnh được gọi là giương mắt nhìn,
nằm được gọi là reo,
đứng gọi là đóng băng,
bước được gọi là trổ lá.
Vậy thì đoạn văn đọc là:
Trong người đàn ông, bàn chân già sẽ vẫn reo trong bức tranh một hồi lâu, lúc chín giờ anbum ảnh sẽ bước, bàn chân cảm thấy lạnh và trổ lá trên tủ quần áo để nó sẽ không nhìn buổi sáng.
Ông già mua mấy quyển vở màu xanh và viết đầy những từ mới, việc này làm ông rất bận rộn và bây giờ ít khi thấy ông già ra đường.
Rồi ông học những từ mới về tất cả các thứ, và khi ông học từ mới thì ông ngày càng quên những từ đúng. Ông có một ngôn ngữ mới chỉ thuộc về ông.
Thỉnh thoảng ông mơ về ngôn ngữ mới, rồi ông dịch những bài hát hồi ông còn đi học sang ngôn ngữ của ông, và ông hát nho nhỏ cho chính mình nghe.
Nhưng chẳng bao lâu việc dịch thuật này cũng vất vả đối với ông, ông hầu như đã quên ngôn ngữ cũ, và ông phải tìm những từ đúng trong mấy quyển vở màu xanh của ông. Và việc trò chuyện với người khác làm ông lo âu. Ông phải nghĩ hồi lâu về những gì người ta nói.
Bức tranh của ông người ta gọi là cái giường.
Tấm thảm của ông người ta gọi là cái bàn.
Cái đồng hồ báo thức của ông người ta gọi là cái ghế.
Cái giường của ông người ta gọi là tờ báo.
Cái ghế của ông người ta gọi là tấm gương.
Cuốn anbum ảnh của ông người ta gọi là cái đồng hồ báo thức.
Tờ báo của ông người ta gọi là tủ quần áo.
Tủ quần áo của ông người ta gọi là tấm thảm.
Cái bàn của ông người ta gọi là bức tranh.
Tấm gương của ông người ta gọi là cuốn anbum ảnh.
Đến một lúc ông già phát cười khi nghe người ta nói chuyện.
Ông bật cười khi ông nghe một người nói:
“Ngày mai ông cũng đi xem bóng đá chứ?” Hay khi một người nói: “Tôi có một người chú ở Mỹ.”
Ông phải cười, vì ông không hiểu hết các câu đó.
Nhưng đây không phải là một chuyện vui.
Truyện khởi đầu buồn và kết thúc buồn.
Ông già mặc áo khoác xám không còn hiểu được người khác, điều đó không tệ lắm.
Điều tệ hơn nhiều là họ không còn hiểu được ông.
Và vì thế ông không nói nữa.
Ông im lặng, chỉ nói với chính mình, thậm chí không chào hỏi họ.
(TCSH372/02-2020)
..............................................
(Nguồn: http://www.thewhitereview.org/fiction/a-table-is-a-table/)