Có lẽ tác giả tâm đắc lắm với truyện này nên mới chọn để đặt tên cho cả tuyển tập. “The Persimmon Tree, and Other Stories (1943)” gồm 15 truyện ngắn, góp phần mang lại chỗ đứng vững vàng trong văn đàn nước Úc cho nhà văn nữ Marjorie Barnard (1897-1987), người có thể sáng tác nhiều thể loại khác nhau, kể cả phê bình và lịch sử.
Trong toàn tập, “Cây hồng vàng, The Persimmon Tree” có nội dung và văn phong khác hẳn những truyện còn lại. Nhưng, tại sao chọn Cây hồng vàng? Theo tác giả, “chúng không bao giờ mất đi vẻ lạ lùng, kỳ bí của loài cây thần thoại”. Bản dịch tạm dùng “loài cây thần thoại” để dịch “Hesperidean Trees” là loại cây, theo thần thoại Hy Lạp, được trồng trong vườn Hesperides, được các nữ thần canh gác để bảo vệ những cây táo vàng (golden apples). Và cây hồng vàng khiến tác giả liên tưởng cây táo vàng và nhắc đến với mỹ từ “lạ lùng và kỳ bí” tất nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong truyện ngắn này, cũng lạ lùng và kỳ bí không kém.
Nhân vật trong truyện không hề có tên, lai lịch, thân phận cũng không rõ. Người xưng tôi, tức là nhân vật - người thuật chuyện, là một phụ nữ trong thời kỳ phục hồi sức khoẻ sau cơn bệnh, chọn sống cô đơn, không muốn giao tiếp. Nhân vật thứ hai cũng là một phụ nữ, ở nhà đối diện, cũng một mình và lựa chọn để sống cô đơn. Gạch nối giữa hai người là một “nhân vật” im lặng, không nói, không cảm xúc. Đó chính là cây hồng vàng trồng bên đường, mà chỉ cần cái bóng cây chiếu lên tường, giúp người nữ bên này quan sát người nữ bên kia, và phát hiện lắm điều thú vị. Cái bóng rọi cho thấy chậu cây gieo hạt mầm đang nhú lên. Cái bóng tạo ra sự tương phản giữa cô đơn, mặc cảm thu mình, và cuộc sống mới, mời chào, hy vọng. Hình ảnh cuối truyện, người nữ căn hộ bên kia đứng yên… Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Cách kết thúc mở, người đọc tự viết thêm. Và một cuộc sống mới đang mở ra, chờ đón hai tâm hồn cô đơn lặng lẽ, nụ mầm trong chậu, chồi non trên cây đang mạnh mẽ vươn lên.
Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu
MARJORIE BARNARD
Có lần tôi đã nhìn thấy mùa xuân và tôi sẽ không quên được. Chỉ một lần. Tôi bệnh suốt cả mùa đông và đang dần hồi phục. Không còn đau nhức, không còn điều trị hay đi bác sĩ. Cái khuôn mặt nhìn tôi từ chiếc gương bạc đã cũ là khuôn mặt của một phụ nữ vừa khỏi bệnh. Giờ tôi chỉ cần lấy lại sức. Muốn thế, tôi cần ở một mình, một động lực xưa cũ và tự nhiên. Tôi đã xa lạ mọi thứ từ khá lâu rồi và cần nỗ lực nhiều để quay trở lại. Trí óc tôi trong suốt và nhẹ nhàng như làn da non. Tất cả mọi chuyện, kể cả thứ quen thuộc nhất, dường như mới xẩy ra lần đầu, và mang cái vỏ trống rỗng, khác nào âm nhạc được tấu lên trong căn phòng không có người.
Tôi chọn một căn hộ trong một con đường cụt yên tĩnh, có hai hàng cây trồng dọc hai bên. Đó là căn phòng rộng, trần cao, tường màu nhạt, mộc mạc như giọt mật trong tổ ong. Phòng được trang trí theo kiểu hững hờ đúng mực của một nhà thiết kế nội thất hợp thời trang. Phòng đón nhận được ánh sáng ban trưa, tôi thích như thế hơn vì tôi muốn buổi sáng có bóng dim và mát mẻ, để đêm tối êm dịu có vẻ kéo dài thêm ra. Khi tôi đến ở, hàng cây còn trơ trụi và yên lặng trong bóng tối màu hoa tử đinh hương. Có một khối căn hộ đối diện, kín đáo, được chăm sóc cẩn thận, cổng vào rộng. Đêm đêm, khối chữ nhật của những căn hộ này hắt ánh sáng hồng và vàng lên bầu trời cao. Một cánh cửa sổ nằm ngay trước cửa sổ phòng tôi. Tôi nhận thấy là nó lúc nào cũng đóng kín, như để ngăn không khí. Con đường rộng nhưng yên tĩnh quá nên cửa sổ xem có vẻ gần hơn. Tôi vui vì thấy cửa sổ đó luôn được đóng, bởi lẽ tôi thường dành nhiều thời gian đứng bên cửa sổ, điều duy nhất khiến người khác có thể dòm ngó và can thiệp vào cõi riêng tư của tôi.
Tôi thích căn phòng này ngay từ đầu. Nó như chiếc vỏ, vừa khít tôi mà không chạm vào người. Mặt trời chiều in bóng ngọn cây vào bức tường màu nhạt phòng tôi. Chính trong cái bóng đó tôi lần đầu tiên nhận ra là những cành cây trơ trụi bắt đầu nhú mầm. Một bức tranh màu nước, đẹp mà tẻ nhạt, treo trên tường. Hôm nọ, tôi nhờ người phụ nữ ít nói giúp việc tôi hạ bức tranh xuống. Sau đó, bóng cây chiếm trọn bức tường, và tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, như vừa giũ sạch một hạt cát khỏi tâm trí.
Tôi quen thuộc dần với người dân ở trên con đường này. Họ đến rồi đi đều đặn lạ thường, và ít nhiều như được cắt ra từ một khuôn mẫu rất chính xác. Họ là một phần của một kịch bản dàn dựng, chẳng hề có thực, và tôi không mảy may thích được làm quen với bất kỳ ai trong số này. Chỉ có một phụ nữ tôi để ý, cô trạc tuổi tôi. Cô ở bên kia đường. Tôi nghĩ trước cô này chắc xinh đẹp lắm, mà bây giờ vẫn còn xinh, dáng người cao thanh tú. Cô luôn ăn mặc trang phục màu sẫm, cắt may riêng, và tỏ ra chừng mực trong từng cử chỉ. Cô ấy thường chỉ đi về một mình, nhưng bạn cảm thấy như đó là lựa chọn của cô, những gì cô làm đều do sự lựa chọn kiên định của cô. Cô mạnh mẽ bước lên các bậc cấp, và mất hút dứt khoát trong toà nhà yên lặng kín đáo phía bên kia. Điều này khiến tôi cảm thấy chút ganh tỵ mơ hồ, rất mơ hồ, với ai đó đang hoàn toàn điều chỉnh cuộc đời cô.
Minh họa: Nguyễn Duy Linh |
Rồi có một ngày ấm áp hơn mọi ngày, ấm áp, yên lặng, thanh bình. Ngay khi mới ngủ dậy, tôi nhận thấy cửa sổ bên kia hé mở vài phân. “Mùa xuân đang đến, ngay cả những con tim thận trọng nhất cũng thấy.” Tôi thầm nghĩ. Và sáng hôm sau, không những cửa sổ mở ra mà còn cả hàng cây hồng vàng trước ngưỡng cửa cũng vươn ra, mạnh dạn, dứt khoát, để ửng chín dưới ánh nắng. Vừa nhú ra như bộ ngực của thiếu nữ trẻ, căng mọng, dồi dào với sắc màu vàng cam, chúng trông như ngời sáng trong ánh ban mai thanh tịnh mùa xuân. Tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh này. Tôi nhớ khi còn nhỏ ở nhà cũng có một lùm cây hồng vàng bên hông nhà. Mùa thu, chúng đỏ thẫm một màu, khiến bạn như nín thở. Chúng hắt ánh sáng màu hồng vào các phòng phía bên hông nhà giống như có lửa cháy bên ngoài. Sau đó, lá rụng hết, để lại những quả vàng đậm lủng lẳng trên cành cây trơ trụi. Chúng không bao giờ mất đi vẻ lạ lùng, kỳ bí của loài cây thần thoại. Khi tôi nhìn những con chim lửa(1) nhảy múa, trái tim tôi rung lên đau đớn vì hồi tưởng lại những cây hồng vàng vào những buổi sớm mai trước bóng tối những cây sơn trà Nhật Bản. Tại sao đang xuân tôi lại nghĩ đến mùa thu?
Trái hồng vàng thuộc về mùa thu, và bây giờ là mùa xuân. Tôi ra đứng nhìn nơi cửa sổ. Vâng, những quả hồng đang ở đó, chúng có thật. Không phải tôi tưởng tượng ra, những trái cây mùa thu được sưởi ấm đến độ chín mọng trong ánh nắng xuân. Hẳn là chúng đã được đóng gói đắt tiền trong những thùng mùn cưa chuyển từ California đến, hoặc là chúng nằm trong kho lạnh suốt mùa đông. Trái cây trái mùa.
Đến lúc chiều muộn, mặt trời đã lặn khuất ngoài ngưỡng cửa, tôi thấy cửa sổ mở và một bàn tay thò ra gom lại mấy quả hồng. Một khuôn mặt phụ nữ hiện ra trên nền những mảnh rèm cửa. Cô ấy sống ở đó. Và cửa sổ đối diện với cửa sổ phòng tôi là của cô.
Bây giờ thì cửa sổ mở thường xuyên hơn. Tự nó như thế, giống như nụ mầm mở ra. Một cái chậu sứ màu kem có hình chiếc thuyền xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Có cây trồng trong chậu. Tôi nghĩ là loại cây thân hành. Cô ta thường tưới nước cho nó bằng những cái bình nhỏ xíu, có vòi dài và được sơn bằng tay, loại thường dùng để đổ nước vào chậu. Cô cẩn thận xới đất bằng cái nĩa bạc loại dùng ở bàn ăn. Cô không nhìn lên, không nhìn sang bên kia đường. Không lần nào.
Đôi lúc, khi nhàn tản dạo chơi tôi đi ngang qua cô trên đường. Giờ thì tôi biết cô khá tường tận, biết nước da, đôi bàn tay, những bộ quần áo và cả từng cử chỉ điệu bộ. Cái cách mà ta biết ai đó và tin chắc rằng sẽ không cố tìm cách tiếp cận. Tôi có thể dễ dàng tìm ra tên cô ấy. Chỉ cần đến tiền sảnh của tòa nhà và tìm tên cô trong danh sách những người thuê nhà, hoặc xem danh thiếp để lại trước cửa nhà cô. Tôi không bao giờ làm thế.
Cô ấy là người phụ nữ cô đơn, tôi cũng thế. Đó là rào cản, không phải là điều gắn kết. Những phụ nữ cô đơn thường ở trạng thái tự vệ. Tôi thì không thực sự cô đơn hẳn. Tôi chỉ tạm thời xếp cuộc sống của tôi vào một góc, thế thôi. Tôi có thể có hàng tá bạn bè bên cạnh suốt cả ngày. Nhưng không hề có một người bạn tôi yêu thương và tin cậy hơn những người khác, không có người yêu, bí mật hay công khai. Nhưng cô ấy, tôi nghĩ cô có một đời sống nội tâm phong phú cuốn hút cô.
Cái cây thân hành trong chậu của cô đã đâm chồi. Tôi có thể nhìn thấy những cái mầm màu xanh nhạt nhú lên từ lớp đất mùn đen. Tôi thực sự quan tâm đến chúng, không hiểu chúng là cây gì. Tôi hy vọng đó là hoa tulip. Chẳng hiểu tại sao. Giờ thì cửa sổ phòng cô mở suốt ngày, những chiếc màn cửa mỏng, mịn treo đằng trước, chúng không bao giờ được vén lên. Đôi khi màn lay động nhưng chỉ khi có gió nhẹ.
Hàng cây bên đường nay chuyển sang màu xanh lục, dày đặc lá mầm non. Bóng cây đổ trên tường nhà tôi giờ cũng tạo hình phong phú, rối rắm hơn. Không còn sắc thái khắc khổ của mùa đông như ban đầu. Ngay cả chuyển động của cành cây trước gió trông cũng khác rồi. Lúc nghỉ trưa, tôi hay nằm ngắm bóng cây trên tường. Tôi thường hay mỏi mệt những lúc đó và thấy dễ xúc động. Tôi thường nghĩ đến những chồi non, chúng thật là mỏng manh, yếu ớt, nhưng không thể khuất phục. Theo cách như đứa trẻ chưa ra đời cũng không chịu khuất phục vậy. Nếu thế giới loài người có thành tro bụi thì mùa xuân vẫn cứ tới. Tôi nhắm nhìn những cành lá lay động mà con tim bỗng xao xuyến theo trong nỗi sầu mong manh, pha chút ngọt ngào.
Một buổi chiều, tôi ngồi nhìn ra ngoài thay vì nhìn vô trong. Lúc này đã là chiều muộn, mặt trời sắp lặn, nhưng không khí vẫn còn ấm áp. Có những hạt bụi vàng trên không, ánh sáng như thẫm hơn. Bóng cây và bóng tòa nhà đổ xuống đường với vẻ quyến rũ lạ thường như thỉnh thoảng vẫn thấy vào những ngày đẹp trời như thế này. Cô ấy đang đứng kia, sau những bức rèm cửa, cuộn mình trong tấm áo choàng sẫm, chừng như vừa tắm xong, sắp mặc trang phục để sớm đi ra ngoài tối nay. Cô đứng đó thật lâu, bất động, nhìn đăm đăm vào hàng cây đang đâm chồi, tôi nghĩ vậy. Đầu óc tôi bắt đầu căng ra. Mạch máu trong tôi đập rộn ràng như tiếng đồng hồ tích tắc. Cô chậm rãi vươn hai cánh tay lên và tấm áo choàng rơi xuống. Cô vẫn đứng đó, khỏa thân, sau tấm rèm cửa, hình dáng khó phân biệt nhưng không thể nhầm lẫn của một người phụ nữ với khuôn mặt chìm trong chiếc bóng.
Tôi quay mặt đi. Những cành cây với những chồi non vẫn đổ bóng trên bức tường trắng. Tôi nghĩ trái tim mình sắp vỡ ra.
(Nguyên bản tiếng Anh: https://archive.org)
(TCSH374/04-2020)
........................................................
(1) Chim lửa: firebird. Trong văn hóa dân gian và truyện cổ tích Slave, đây là loài chim phát sáng kỳ diệu từ vùng đất xa xôi, nó vừa là phước lành, vừa là người mang đến sự diệt vong cho ai bắt giữ nó.