Truyện dịch
Tiếng gọi cửa
15:17 | 17/12/2020

Daly sinh trưởng tại thành phố Winchester, bang Indiana, Hoa Kỳ. Ông có bằng Cử nhân Văn chương của đại học Ohio Wesleyan University và bằng Bác sĩ Y khoa của đại học Indiana University. Trong 35 năm, ông là bác sĩ phẫu thuật tại Columbus, Indiana. Ông từng là một bác sĩ phẫu thuật cấp tiểu đoàn trong chiến tranh Việt Nam.

Tiếng gọi cửa
Ảnh: saturdayeveningpost.com

Ông học khoa sáng tác tại đại học Indiana University và đại học Louisville. Các sáng tác và tiểu luận của ông đã đăng trên nhiều báo và tạp chí văn chương như The Atlantic Monthly, The Sewanee Review, The Louisville Review, The Sycamore Review, và The Southampton Review. Sau khi về hưu ông không hoạt động phẫu thuật nữa, ông chia thời gian sống giữa Quechee, Vermont, và Boca Grande, Florida.

Tập truyện ngắn của ông “Surgion Stories/Truyện của bác sĩ phẫu thuật”, được in bởi nhà xuất bản the Louisville Review’s Fleur-de-lis Press, được đánh giá cao.

 

DALY WALKER


Một tiếng nắm tay nóng nảy đập vào cửa ngôi nhà gỗ của Harold. Tiếng động đánh thức ông ra khỏi giấc mơ thường trở đi trở lại của ông. Trong giấc mơ, người vợ quá cố của ông, Marge, vẫn sống nhưng vì lý do nào đó không rõ nàng đã biến mất. Harold đi từ phòng này sang phòng khác tuyệt vọng gọi tên nàng. Nhưng không có câu trả lời. Giờ thì tiếng gọi cửa lớn hơn. Kính cửa sổ rung lên.

Từ khi Marge qua đời, ông bác sĩ 93 tuổi sống một mình trong cánh rừng có con đường sỏi hẹp cách nhà hàng xóm gần nhất của ông bốn dặm. Ông ngủ khỏa thân. Mái tóc đen dầy dợn sóng của ông trước kia giờ đã thưa và bạc. Ông đã nuôi cho tóc mọc dài, và cột tóm đuôi ngựa về phía sau. Cơ thể của ông gầy, suông, như một miếng thịt sấy khô. Nhưng làn da trắng lão hóa của ông trên cơ thể có những nếp nhăn giống như ông mặc bộ quần áo quá khổ. Harold đã từng là một bác sĩ gia đình bận rộn và được yêu quý, là người đã cứu được nhiều người và đem lại sự bình ổn cho các bệnh nhân của ông bất chấp vị trí xã hội của họ. Bây giờ ông tin thành tựu lớn nhất của ông là ông còn sống. Ông mơ màng nghĩ chắc là Marge gọi cửa. Nàng đã trở lại, Harold nghĩ. Tim ông đập nhanh. “Đợi tí em yêu,” ông nói. “Anh mở cửa cho.”

Nhưng khi trạng thái mơ màng của giấc ngủ qua đi, ông nhớ rằng nàng đã mất được năm năm. Harold trở mình nằm nghiêng. Ông bác sĩ già nhíu mày nhìn kim chiếc đồng hồ dạ quang để cạnh bình đựng nước tiểu trên bàn cạnh giường. Kim chỉ 1 giờ 30 sáng. Ông nằm yên lắng nghe. Tiếng gọi cửa lớn hơn.

“Lạy Chúa, dừng dộng cửa đi,” Harold lầm bầm. “Yên lặng giùm và để tôi yên.”

Bình thường Harold không sợ những mối đe dọa từ ngoài xã hội. Điều ông sợ là sự tàn phá bên trong bởi tuổi già, như mất trí, hay mù vì thoái hóa điểm vàng làm ông không còn thấy cây thù du và hoa muồng búp đỏ vào mùa xuân, hay chứng xơ cứng tai lấy mất của ông khả năng nghe con cú lớn gọi ông vào ban đêm hỏi, “Ai nấu ăn cho ông?” Nhưng bây giờ một nỗi sợ ngột ngạt thắt quanh ngực Harold. Mồ hôi lạnh rịn trên trán ông. Ông ngồi dậy lắng nghe. Dù ông không tin Thượng đế can thiệp vào cuộc sống của cá nhân, ông cầu nguyện cho ai đang chờ ở cửa đi đi. Tiếng gõ cửa mạnh dần.

Harold nghĩ đến việc gọi 911, nhưng điện thoại của ông đã hỏng trong cơn bão tháng trước. Ông chợt ước gì ông vẫn còn giữ khẩu súng săn hai nòng Winchester 21, nhưng vì tuổi già, ông đã thay đổi suy nghĩ của ông về súng và sát hại sinh vật. Trước kia ông từng là người say mê săn bắn, giờ ông không còn bắn được một con chim, nói chi đến con người, thậm chí nếu sinh mạng ông bị đe dọa. Cái chết của Marge đã củng cố niềm tin của ông không chỉ trong sự không vĩnh hằng của mọi chuyện mà còn trong quan hệ tồn tại giữa các chuyện đó. Harold tin rằng toàn bộ vũ trụ bị cột vào nhau với những gì tạo ra nó và chung quanh nó.

Tiếng đập cửa dừng. Harold nhắm mắt. Ông đợi. Trong một thoáng, ông nghĩ lời cầu nguyện thiếu đức tin đã được đáp ứng. Nhưng tiếng gõ cửa nóng nảy lại phá tan sự im lặng. Harold nhớ tuần trước cách vài dặm trên đường Plum Creek xác một cô sinh viên được phát hiện. Cô chết vì đã bị đánh vào đầu bằng một hòn đá sa thạch lớn. Một người đưa thư đã thấy cô trong một con mương trong tư thế nằm co, máu đọng vũng đen dưới đầu. Một cuộc truy bắt kẻ sát nhân được tổ chức. Cảnh sát và quân đội truy tìm trong những cánh rừng lớn. Hồi sáng sớm, Harold nghe tiếng chó sủa vọng tới khu đất của ông. Có phải kẻ sát nhân ở cửa nhà ông? Tim ông đập thình thình. Ông vói tay sờ cái gối mà đầu của Marge đã từng đặt lên. Bằng đầu ngón tay, ông cảm thấy làn da nàng. Ông tin rằng trong bất kỳ hình thức tồn tại nào nàng đều có thể nghe ông nói.

“Đừng lo, em yêu,” ông thì thầm. “Không có gì để lo. Chỉ là một kẻ nào đó lạc đường. Anh sẽ đi nói chuyện với họ. Giúp chỉ đường cho họ thôi.” Ông bỏ chân xuống giường. Ông đeo chiếc mắt kính dầy lên và nhìn ra cửa sổ. Trời đen không trăng. Bóng đêm dường như nuốt hết mọi thứ. Một cảm giác về điều không thể tránh được, về hành động cuối cùng, phát sinh nơi Harold. Bóng tối là nơi ta bắt đầu. Và là nơi ta kết thúc.

Tiếng đập cửa mạnh hơn. Harold nghĩ chắc cửa sẽ bể. Harold tính leo qua cửa sổ lên nấp trên nóc nhà hay phía trên lán giặt giũ hay nhốt mình trong phòng tắm. Ông buồn buồn nghĩ như thế sẽ chỉ kéo dài chuyện không thể tránh được. Ông tưởng tượng một dáng người cao mặc đồ đen tay cầm lưỡi hái lớn đứng ở cửa. Harold tự hỏi có phải ông đang phát điên không. Ông rời giường đứng dậy. Khớp gối của ông cứng và đau. Ông lấy cái quần tây màu xám vắt trên ghế xích đu. Ông mặc quần một cách khó khăn và cố giữ thăng bằng. Ông móc dây đeo quần lên vai. Harold mặc cái áo sơ mi vải jean bạc màu mà Marge đã mua cho ông vì nó phù hợp với màu xanh nhạt của mắt ông. Ông dò dẫm trong bóng tối đi lại chỗ khung cửa sổ hình cánh quạt nhìn ra lối vào nhà. Mặc dù ông thờ ơ với cái chết, mạch của ông vẫn tăng. Một cơn ngứa râm ran ở phía lưng cánh tay.

Harold nhìn ra từ cửa sổ phòng ngủ. Ông hấp háy mắt vì ánh đèn pha của một chiếc xe bán tải chiếu vào nhà ông. Harold nhớ có đọc rằng nghi phạm giết cô sinh viên có thể lái một chiếc Ramcharger.

“Lạy Chúa anh ta muốn gì ở anh?” Harold hỏi cứ như Marge có ở đó. “Anh chỉ là một ông già đâu có giá trị gì.”

“Mở cửa ra,” một giọng nói khàn khàn gọi.

Harold mở hé cửa sổ. Một làn gió đêm ùa vào mặt ông. Dáng người đàn ông đen lù lù trong bóng đêm đứng nơi cửa. Dáng người đó cao, to nhưng vai hơi xuôi.

“Anh là ai,” Harold nói to. Giọng rướn cao của ông vỡ ở giữa câu. “Anh muốn gì?”

“Tôi là phó quận trưởng cảnh sát.” Người đàn ông nói.

Harold không tin. “Bước ra chỗ sáng để tôi có thể thấy anh,” ông yêu cầu.

Người đàn ông lùi lại để ánh đèn xe chiếu vào anh ta. Anh ta đội một mũ công tác vành rộng và dẹt của ngành. Harold nheo nheo mắt, cố nhìn anh ta rõ hơn. Ông không nhìn rõ mặt người đàn ông cũng không biết anh ta có súng hay không. Người đàn ông đưa bàn tay lên vẫy vẫy vật gì đó.

“Phù hiệu ngành của tôi đây,” anh ta nói.

Harold cũng không thấy được phù hiệu đó, nhưng ông nói, “Ô kê, tôi sẽ xuống mở cửa cho anh vào.” Vịn thành cầu thang, ông lần bước theo các bậc thang để xuống tầng trệt chỉ có một phòng. Ông đi tới cửa và bật đèn hàng hiên. Ông hít một hơi dài và mở cửa. Trong ánh sáng điện vàng, người đàn ông cao to đứng dạng chân hai tay chống nạnh. Anh ta mặc chiếc áo ka ki có cầu vai và ngực có dây kéo. Thắt lưng rộng bản của anh ta có đeo một bao súng lục lớn. Anh ta đưa một phù hiệu ngôi sao bạc về phía Harold.

“Tôi là Armstrong, phó quận trưởng cảnh sát,” anh ta nói.

Harold nhìn mặt anh ta. Nhìn gần và trong ánh đèn, anh ta mặt cạo sạch, có đôi mắt to và chiếc cằm bạnh. Harold nghĩ anh ta có vẻ đáng được tôn trọng, nhưng ông vẫn chưa tin anh ta là người mà anh ta tự xưng.

“Tôi là Harold,” ông nói và bắt tay viên cảnh sát phó trưởng quận. Ông không còn tự giới thiệu mình là bác sĩ vì đã nhiều năm ông thôi hành nghề, ông nghĩ là mình không nên xưng danh kèm nghề nghiệp như vậy nữa.

“Tôi xin lỗi đã làm phiền ông. Nhưng chúng tôi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp 911 từ số của ông.”

“Sao lại thế được?” Harold nói. “Điện thoại của tôi đã không hoạt động vì cơn bão tháng trước.”

“Thỉnh thoảng một đường dây đứt sẽ bị chập và phát một cuộc gọi. Chúng tôi đã gặp trường hợp này trước đây.”

“Mong cho công ty điện thoại đến sửa chữa nó,” Harold nói.

Người đàn ông nhìn Harold rồi đưa mắt nhìn quanh gian nhà gỗ. “Ông chắc là không có việc gì chứ?” anh ta nói.

“Tôi sẽ ổn thôi,” Harold nói, “nếu được ngủ một giấc ngon.” Ông lùi lại một chút. “Vì anh đã đến, mời anh vào uống chút gì.”

“Tôi đang công tác,” Amstrong nói. “Tôi sẽ chỉ uống nước thôi.”

Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Harold mời anh ta lại cái bàn gỗ sồi kê ở góc phòng. Ông bật ngọn đèn chùm thủy tinh Waterford mà ông đã mua cho Marge ở Dublin nhân dịp 25 năm ngày cưới của họ. Ánh đèn mờ từ những bóng đèn hình ngọn lửa tỏa trên những thanh lăng trụ mỏng và chiếu lên gương mặt của viên cảnh sát.

“Mời anh ngồi,” Harold nói. “Anh là khách của tôi.”

Viên cảnh sát chọn ngồi trên cái ghế dựa gỗ. Anh gỡ nón để lên bàn. Harold đi lại bồn rửa còn nhiều đĩa bẩn. Ông mở vòi nước hứng vào cái ly thủy tinh. Với bàn tay run run, ông đặt ly nước xuống trước mặt viên cảnh sát. Rồi ông rót cho mình một ly vang đỏ và ngồi đồi diện với anh ta.

“Tôi tưởng chừng anh là kẻ đã giết cô gái ở Plum Creek đấy,” Harold nói.

“Chúng tôi đã bắt thằng đó hôm nay,” Armstrong nói. “Ông không phải lo về hắn nữa.”

Viên phó quận cảnh sát nhìn gian phòng mà Marge đã bài trí những đồ đạc với khiếu thẩm mỹ thừa hưởng từ cha mẹ truyền lại và nghệ thuật dân gian. Trên tấm thảm Navajo sờn trải trên sàn nhà gỗ anh đào là những mảnh vỏ đấu mà mấy con sóc để lại.

Harold tự hỏi không biết ông đã biết hết câu chuyện tối nay chưa. Một sự im lặng sau đó. Harold e rằng viên cảnh sát sẽ xin lỗi và ra đi.

“Tôi cho là anh đói,” Harold nói. “Tôi có bánh đây. Để tôi đãi anh bánh qui.”

Harold rời ghế đến tủ đựng thức ăn vặt lấy bịch bánh qui mà ông đã mua ở một hiệu bánh tuần trước. Ông để bánh lên một cái đĩa. Tay ông run run khi ông đặt bánh lên bàn.

“Đời tôi đã có những thăng trầm của nó,” ông nói. “Và nhiều nuối tiếc. Nhưng phần lớn thì đó là một cuộc sống tốt.”

“Chính xác thì ông bao nhiêu tuổi?” Armstrong hỏi.

“Già như đồi núi,” Harold nói. “Chính xác là chín mươi ba tuổi.”

“Ồ. Đó là một thành tựu.”

Harold lắc đầu.

“Tuổi già không phải là một thành tựu,’ ông nói. “Nó là một sự thử thách. Giống như bay trong một chiếc máy bay qua một cơn bão. Khi anh đi vào bão và bị quăng quật, anh không thể nhảy dù để thoát ra. Anh chỉ tiếp tục bay và cố mà vận dụng sự thông minh trong cơn bão.” Ông sờ vành kính bằng một ngón tay. “Anh may mắn đó, con trai. Anh trẻ, khỏe và có nhiều năm tốt đẹp trước mặt nếu anh gắng sức hoạt động đứng đắn.”

“Hy vọng ông nói đúng,” viên phó quận cảnh sát nói. “Tôi có thể biết chuyện gì xảy ra cho vợ ông không?”

“Ung thư,” Harold nói. “Họ gọi đó là một ung thư biểu mô tế bào nhỏ. Nó bắt đầu trong phổi của nàng và lan rộng ở đó. Hóa xạ trị không hiệu quả. Tôi đưa nàng về đây cho tới khi nàng qua đời. Đây là nơi nàng muốn ở.”

Harold nhớ Marge đêm nàng qua đời và một nỗi buồn dâng lên trong ông. Mê sảng vì đau, nàng đã té ngã khi cố rời giường. Nàng đã nằm trên nền nhà tóc xõa rối bời, còn chiếc áo ngủ thì cuộn lên tận eo. Da nàng vàng. Ông đã bế cơ thể dềnh dàng của nàng trở lại giường. Ông lót một cái gối lông xuống dưới đầu nàng và nói ông rất tiếc là làm nàng đau. Rồi ông cho nàng moóc phin bằng một ống nhỏ thuốc cho tới khi nàng phát ra một tiếng thở dài và ngừng thở.

“Nàng được hỏa táng,” Harold nói. “Tôi thuê một máy bay rải hóa chất để rải tro của nàng khắp nơi. Nàng cũng yêu nơi này như tôi. Nàng biết mọi chỗ hoa dại mọc và nơi có nấm ăn được.”

Harold chỉ mấy bức tranh màu nước vẽ thực vật treo trên bức tường gỗ phía sau viên phó quận cảnh sát. Có một bức vẽ cây diên vĩ Siberia. Một cây dương xỉ non. Một chiếc lá cây thích đỏ mép cong lên.

“Đó là họa phẩm của Marge,” ông nói với vẻ tôn trọng.

Armstrong rời bàn đứng dậy. Trong khi anh xem mấy bức tranh, Harold hình dung Marge ở trong xưởng vẽ của nàng phía trên nhà xe. Nàng đứng bên giá vẽ, mái tóc trắng dài của nàng cột trong chiếc khăn xanh. Một vở nhạc kịch đang phát trên ra đi ô. Chiếc áo khoác ngoài của nàng lấm vết màu là chiếc áo khoác trắng mà Harold đã mặc hồi ông còn tiếp xúc với bệnh nhân. Đôi mắt ươn ướt của Harold long lanh. Ông lau mắt bằng lưng bàn tay.

“Hãy nhìn những đường gân lá kia,” viên phó quận cảnh sát nói. “Tôi thích chi tiết. Chúng trông quá thật.”

“Nàng là một họa sĩ giỏi,” Harold nói. “Và nàng là một phụ nữ giỏi. Tôi yêu hầu như mọi điều nơi nàng.”

“Chắc chắn là ông nhớ bà.”. Viên phó quận cảnh sát ngồi lại vào ghế. “Ông bà có con không?”

“Không,” Harold nói. “Chúng tôi không may về chuyện đó. Đó là trường hợp y khoa.”

“Vậy là ông ở một mình tại đây, nơi chẳng có ai chung quanh.”

“Tôi có cỏ cây và động vật làm bạn,” Harold nói. “Tôi ăn trưa mỗi ngày với hai con chim sẻ. Chúng luôn để tôi trả tiền hóa đơn.” Harold uống một hớp rượu. Ông nhắm mắt, mường tượng những kỷ niệm về Marge. “Anh có lẽ nghĩ tôi điên. Nhưng tôi khác với hầu hết những người khác. Đây là cách sống mà tôi thích. Nó giúp tôi bình yên.”

“Ông định ở đây đến bao lâu?”

“Lâu đến chừng nào tôi còn có thể. Tôi không có những dự định. Tôi cho là anh sẽ nói những ngày sắp tới thì ở sau lưng tôi.”

“Ông không cảm thấy cô đơn?”

“Có chứ. Thỉnh thoảng. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại cô đơn nhất khi có nhiều người chung quanh.” Harold dừng lại một lúc. Ông nhìn bầu trời đen qua cửa sổ. Ông có thể nghe được tiếng con chim cú, tiếng kêu ủ ê của nó vang trong đêm. “Nói vậy không phải là tôi không thích nhiều người. Tôi thích, nhưng không hợp với họ và những chuyện bàn luận của họ. Điều tôi thích hơn bất kỳ gì khác là sự im lặng của đất.”

Viên cảnh sát gật đầu hiểu biết. Rồi anh ta nhìn đồng hồ tay.

“Tôi về làm báo cáo,” anh ta nói. Anh ta nâng ly nước lên. “Chúc sức khỏe ông, Harold. Một người độc lập, trường thọ và can đảm.”

“Trường thọ thì chắc rồi. Đó là câu chúc vui. Tôi mà biết tôi sẽ sống lâu như thế này, tôi sẽ chăm sóc mình tốt hơn.”

Viên phó quận cảnh sát cười nhỏ. Anh uống hết ly nước và để ly lên bàn. Harold cảm thấy ấm nhờ mấy hớp rượu ông uống. Ông muốn Armstrong ở lại nói chuyện thêm chút nữa.

“Anh thật không muốn uống gì khác sao? Một ly rượu sẽ rất hợp với một cái bánh nữa.”

“Cám ơn ông, nhưng tôi đang làm nhiệm vụ.”

Viên cảnh sát đứng dậy đội nón. Anh sửa vành nón bằng ngón tay.

“Tôi sẽ báo họ sửa điện thoại cho ông ngay,” anh nói.

“Tôi rất cảm kích.”

“Nếu ông không phiền, thỉnh thoảng tôi sẽ trở lại để thăm ông.”

“Vậy cũng tốt lắm,” Harold nói. “Có điều đừng đến lúc nửa đêm.”

Viên cảnh sát cười. Anh quay lưng đi ra cửa. Harold theo tiễn.

“Anh có đi câu chứ?” Harold nói.

“Có,” viên cảnh sát nói. “Ông có thể gọi tôi là dân câu.”

“Anh thích câu ném mồi thẳng hay quay?”

“Tôi thích ném thẳng hơn.”

“Anh có thể thích đến đây và thử vận may. Mấy cái hồ ở đây nhiều cá vược và cá thái dương.”

“Tôi sẽ thích,” Armstrong nói. “Tôi có thằng con thích đi câu. Tôi có thể đem nó theo. Ông có thể dạy nó quăng câu mồi giả.”

Harold nhớ lại 80 năm trước cha của ông lần đầu tiên đưa ông đến vùng đồi nhấp nhô này trong chiếc xe Ford Model A. Ông đã dạy cho Harold cách bắn cung săn hươu và câu cá vược ở hồ Yellow Wood. Hồi ấy thật tuyệt vời, những chuyện ấy đã thay đổi cuộc sống của ông và cách ông nhìn nhận về trái đất.

“Đem nó theo,” Harold nói. “Tôi có cần câu cho cha con anh dùng. Tự tôi làm cần đó. Chúng làm bằng tre. Tôi chẻ tre bằng một con dao đặc biệt.” Ông nói vậy mặc dù ông không làm một cần câu nào từ hồi Marge mất và chứng run tay của ông tệ hơn. “Tôi đi lấy một cần cho anh xem. Chúng cất trong nhà xe.”

“Chắc là chúng tốt rồi,” viên cảnh sát nói. “Tôi muốn xem lắm nhưng phải đi.” Anh ta sờ mũ. “Chúc ông ngủ ngon, ông Harold. Bảo trọng nhé.”

“Chúc ngủ ngon. Cám ơn anh đã ghé qua.”

Viên cảnh sát bắt tay Harold và đi ra xe. Harold miễn cưỡng đẩy chốt cửa vào vị trí, một tiếng cạch vang lên. Ông tắt ngọn đèn chùm. Ông chầm chậm lên thang gác. Ông ngừng lại nghỉ một giây nửa đường đi lên. Ông không tin nổi chân ông lại yếu như thế. 93 năm của Harold dạy ông rằng đừng tin tưởng nhiều quá vào các sự việc, nhưng một điều gì đó bảo ông rằng ông sẽ sớm gặp lại anh cảnh sát. Harold vào phòng ngủ. Ông cảm thấy rất mệt. Không buồn thay quần áo, ông lên giường nằm nghiêng. Ông nằm trong bóng tối. Hơi thở ông chậm và đều. Ông nghe tiếng xe chạy đi. Tiếng máy o o. Tiếng bánh xe lăn trên đường sỏi. Những âm thanh đột ngột dừng, rồi tiếp tục và lặng dần. Sự im lặng trở lại hoàn toàn và sâu lắng. Không có gió thổi qua vòm lá. Không tiếng côn trùng va vào cửa sổ. Không có tiếng cú kêu. Những súc gỗ của ngôi nhà gỗ dường như phát ra tiếng thở dài.

Harold lăn về phía giường vốn của Marge.

“Nè, em,” ông nói. “Anh đã nói mà. Không có gì để lo lắng. Anh ấy có vẻ là người tốt. Hôm nào ảnh đến để đi câu đấy.”

Harold từ giường nhìn ra khung cửa sổ hình cung. Đã có hai ngôi sao trên nền trời đen. Một quầng sáng mờ mờ vây quanh chúng. Giống như chiếc khăn của một nhà ảo thuật, một đám mây lướt qua làm chúng biến mất. Khi xuất hiện trở lại chúng có vẻ sáng hơn và nhìn rõ hơn. Không khí có hơi lạnh buốt. Ông chợt nghĩ mùa đông sẽ đến sớm mà ông chưa chuẩn bị gì. Ông nhắm mắt và hy vọng đủ sức để cắt và chẻ mớ củi vào buổi sáng.

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “A knock at the door”) Nguồn: https://www.saturdayeveningpost.com
(SHSDB38/09-2020)

 

 

 

 

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Đứa bé (16/10/2020)
Kính vỡ (15/07/2020)
Cây hồng vàng (05/06/2020)
Chuyện cổ tích (22/05/2020)