JOHN L’HEUREUX
Three Short Moments in a Long Life - Ảnh: newyorker.com |
1. Điệp vụ
Năm ấy, Beverly và tôi mới lên lớp hai, cùng mài đũng quần trường New Carew Street. Hai đứa ghét cay ghét đắng giờ ra chơi. Beverly chẳng ưa gì mỗi lần giải lao và tùm lum khóc suốt, chẳng ai hay biết lý do nên hay túm lại trêu ngươi. Tôi cũng chẳng hứng thú gì với giờ ra chơi, vì đấy chẳng phải là trường học, và tôi sẽ chẳng biết được thêm được điều gì sất. Thật mất thời gian. Tôi biết độc mỗi cái tên, Beverly. Những gì tôi kể lể lại đây, đều do tò mò mà biết. Họ của Beverly là LaPlante, nghe lạ hoắc và do thế, chắc là không đúng. Beverly vẫn mang cái mác mít ướt. Bề ngoài, Beverly chẳng lấy gì làm xinh xắn và vì khóc lóc suốt ngày khiến tôi cũng thấy ớn, chẳng bao giờ tôi hé răng nói với Beverly nửa lời. Thêm nữa, tôi cũng không muốn ai nghĩ rằng tôi là bạn của Beverly. Beverly đâu có phải bạn bè gì. Và, thầm kín thôi nhé, tôi sợ là tôi cũng chẳng được Beverly coi là bạn.
Điều thú vị về Beverly LaPlante là vào mùa đông năm ấy, thỉnh thoảng Beverly lặn mất tăm. Một ngày, cô William điểm danh và, sau giây lát ngập ngừng, cô đã bỏ qua luôn cái tên Beverly. Chúng tôi nhoi nhoi xem Beverly sẽ ngồi ở đâu, còn cái chỗ thì trống huơ trống hoác. Tôi vẫn nhớ cái hồi đấy mình đã nghĩ, ừ thì, tốt thôi, cô ấy không phải là bạn của mình và giờ thì cô ấy đi rồi. Tôi đã tự hỏi liệu cô ấy có đang khóc lóc ở cái nơi cô ấy mới tới không, bất kể là nơi nao. Tôi tự hỏi là làm thế nào cô ấy sẽ xoay sở để chuồn học, hoặc giả như có điều gì đó xảy ra, do cha mẹ cô đối xử với cô mà ra. Lần đầu tiên tôi đã tự hỏi, vì sao Beverly ấy khóc.
Năm lớp hai kết thúc chán ngắt mà không có thêm bất kỳ ý nghĩ nào khác về Beverly LaPlante.
Năm lớp ba bắt đầu bằng một chuyện to bự chảng. Chúng tôi có giáo viên mới, cô Connolly, người quý tôi vì tôi gọn gàng tươm tất, còn tôi cũng quý cô vì tôi thấy ngó bộ cô xinh xắn. Vào một bữa tối nọ, mẹ tôi nói với bố tôi, “Cô ấy rất xinh xắn, nhưng, Chúa ơi, mấy cái răng thì…”
“Có chuyện gì với mấy cái răng cô ấy vậy?” Bố tôi hỏi.
“Cô ấy có hàm răng vổ. Như của ngựa ấy”.
Chỉ là chuyện tán hươu tán vượn lúc trà dư tửu hậu, nhưng chẳng lấy làm hay ho gì về cô Connolly, nên tôi đâm ra ghét cả hai cho tới khi leo lên giường khò khò.
Chúng tôi có sách tập đọc mới, dày cộp, cái bìa màu cam nâu, và trong lúc ra chơi, tôi cắp nách chui vào phòng vệ sinh đọc trước. Đến lần thứ ba làm trò ấy, bác bảo vệ bắt gặp và báo với cô Connolly, người sau đó đã cho tôi một bài giảng về thế nào là có một tư cách công dân tốt. Lúc ấy, tôi chẳng còn thấy cô xinh xắn gì nữa. Cô trông chẳng khác nào một con ngựa đang lồng lộn và khiến tôi phát khóc. Cô ôm tôi vào lòng, chỉ bảo tôi, rằng cô ấy hiểu nguyện vọng của tôi, nhưng tôi không thể phớt lờ giờ giải lao được. Tôi phải nhảy nhót tung tẩy giống như các bạn khác. Tôi hứa. Nhưng tôi vẫn lén đọc trước quyển sách có cái bìa màu cam nâu.
*
Năm lớp ba, chúng tôi chơi môn bóng né trong giờ ra chơi. Tôi thích bóng né, vì tôi chơi giỏi. Tôi mỏng con, tay chân cũng lẹ, lại hay thường đoán trước được vị trí mà người khác sẽ ném quả bóng tới, nên cứ thế tôi tránh, còn quả bóng sẽ chạm vào người khác, mấy đứa béo ụ và chậm rề. Bạn tôi Billy Muir, một trong số những đứa béo ụ và chậm rề, nhưng lại là trường hợp khác. Billy thường cố và hầu hết mọi lần tránh được quả bóng. Bố của Billy luôn mang bộ đồ vét. Ông ấy là doanh nhân thành đạt, được chuyển tới chi nhánh Chicago của công ty, nơi bố Billy tiếp tục ăn nên làm ra cho đến khi các sếp trên phát hiện ra bố Billy đã biển thủ và ông quyết định treo cổ tự tử. Bằng dây thắt lưng. Đó là chuyện sau này. Năm lớp ba, Billy Muir chẳng biết mô tê gì về chuyện bố mình sẽ rơi vào cảnh kết thúc trong tai tiếng như thế. Cậu ta béo ụ và chậm rề, nhưng cậu có thể né được quả bóng, đó là tất cả những ý nghĩ về Billy. Nhưng chuyện chà bá nhất để nhớ về năm ấy là cô bạn mới xuất hiện, Beverly. Cái tên giống y chang như của LaPlante, người đã lặn mất tăm từ mùa đông trước, nhưng Beverly mới này xinh xắn và cười suốt.
Tôi chơi món bóng né khá nhất lớp, nhưng đúng cái hôm cô bạn mới ấy xuất hiện, tôi lại là người đầu tiên bị loại, thật mất mặt. Đúng luật thôi, nhưng vấn đề là ở chỗ tôi đã chẳng để tâm chơi khi quả bóng đập vào người, trong khi tôi thì đang nghĩ về câu chuyện “Nàng tiên cá” mình đang đọc, do Hans Christian Andersen viết, với chữ “e” thay vì “o” trong đầu. Giờ thì đã bị loại, thế là tôi bắt đầu chú ý tới trận bóng. Đứng ngay cạnh vòng tròn, tôi có thể thấy hết mọi người, và đấy là khi tôi nhận ra khuôn mặt cô bạn mới. Tóc cắt ngắt, trông khác hẳn Beverly LaPlante, nhưng cô bạn mới cũng chẳng khác gì Beverly LaPlante năm xưa. Sao có thể thế được? Cô ấy mang bộ đồ Girl Scout với đôi giày cũng nhãn Girl Scout kỳ quặc. Cô ấy nói và cười và làm ồn, và, khi Billy Muir dính bóng, bị loại khỏi vòng tròn, cô ấy chú ý ngay khuôn mặt giận dữ của Billy Muir và nói “Chúa ơi!” “Mặt cậu trông chua loét như sữa ấy!”
Dường như chẳng ai để ý tới lời của cô, ngoài tôi, và rồi nhìn sang phía cô Connolly, người đeo cái khuôn mặt ngựa, xem chừng như cô ấy cũng đã nghe thấy. Nhưng cô chẳng nói gì. Gọi tên Chúa trời vô cớ như thế là phạm tội, và vì vậy, hẳn là cô Connolly không đúng rồi, khi giả đò như chẳng nghe thấy gì. Nhưng lúc ấy, đến lượt Joycie Adams dính bóng. Cô nàng đứng tần ngần như trời trồng cho đến khi mọi người la lên với cô nàng rằng cô nàng phải rời khỏi vòng tròn. Cô nàng cãi chày cãi cối, rằng như thế thì chẳng công bằng gì, vì quả bóng chỉ mới chạm phải cô, và Beverly nói, “Cái quỷ gì thế mi! Đừng làm dáng mít ướt như thế chứ”. Mọi người nghe thấy hết và lúc ấy cùng hướng về phía cô Connolly, người cuối cùng cũng mở miệng “Rồi, rồi! Để ý cái miệng vào, làm ơn!” Cả đám im lặng, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp, nhưng Beverly cười toáng lên giữa yên lặng và đáp lại: “Cái con khỉ gió ấy, vãi!”
Cô Connolly nói lớn, “Các em chú ý, vào lại lớp! Mọi người tập hợp nơi cầu thang ngay. Lập tức! Không phải đợi đến ngày mai nữa!” Cô nói từ “mọi người” bằng cái giọng đặc biệt, nên bọn tôi ùa tới tới cầu thang trước và đợi. Cô Connolly xách Beverly về phía mình và do đó, bọn tôi chẳng còn nghe được hai cô trò đã nhỏ to gì, nhưng Beverly lại phá lên cười và nói điều gì đó lại phía cô giáo. Cô Connolly nắm lấy cánh tay Beverly và lắc mạnh, nhưng Beverly thụt mình lại, chạy tới tâm vòng tròn môn bóng né, nơi Beverly nhún nhảy trên đôi giày Girl Scout, la toáng lên từng hồi “Chúa ơi, khỉ gió ấy, vãi, *éo!” Chúa ơi, khỉ gió ấy, vãi!”. Cô la lên ầm ĩ như thể cuối cùng mình đã tìm ra được chân lý và không thể nhịn được trước việc nói với thế giới. Connolly lùa bọn tôi lên cầu thang vào lớp học, nơi cô dành thời gian để chúng tôi đọc thầm cho đến giờ ăn trưa.
Tôi cố để hình dung chuyện gì đã xảy ra trong giờ ra chơi, nhưng nó chỉ khiến cho cái đầu tôi ong như búa bổ. Thốt ra những từ ngữ bậy bạ ấy rõ là sai rồi, dĩ nhiên, và còn gọi khan tên Đức chúa ra nữa thì không ai chấp nhận được, nhưng nó còn phức tạp hơn thế. Nó là cái gì đấy về chính bản thân Beverly nữa. Tôi tự hỏi chuyện gì đã làm cô ấy lúc này hạnh phúc vậy, nhưng cùng với những từ ngữ bậy bạ, trong khi chỉ một năm trước đây, cô ấy lúc nào cũng chỉ có biết mít ướt. Cô ấy chẳng có điểm nào giống bọn tôi. Cô ấy không thuộc về nơi đây. Cô ấy không hợp với nó. Tôi cũng đã cố gắng để mình hợp với nơi này nhưng không ai chú ý tới chuyện tôi chẳng có gì thuộc về nó, nhưng giờ tôi tự hỏi, một cách thầm thĩ, liệu tôi có giống với Beverly LaPlante.
Tôi bắt đầu nghĩ về cô ấy khi đang làm bài tập được giao với môn đại số và địa lý, mấy thứ chẳng lấy gì làm thú vị. Tôi bắt đầu nghĩ về cô ấy trên đường tới trường mỗi ngày cũng như mỗi khi trở lại nhà. Rồi thì, một đêm, lúc cầu nguyện trước khi đi ngủ, tôi kết thúc bằng việc làm dấu thánh giá và thay vì dâng lời cầu, tôi nói “Lạy Chúa, hãy để Beverly LaPlante chết đi”. Nó là một lời nguyện thật sự, tôi biết nó sai, và rồi tôi sẽ bị đày xuống địa ngục. Tôi thưa “Con xin lấy lại lời nguyện ấy”, nhưng bạn không thể lấy lại lời đã nguyện cầu. Tôi nguyện kinh Lạy cha rất nhiều lần và sau một chặp, tôi cảm thấy rằng có thể mình sẽ không còn bị đày xuống địa ngục và tôi nên dừng nghĩ về Beverly. Cô ấy chỉ là một trong số những thứ mà tôi lấy làm sợ hãi. Tôi không rõ mấy đứa trong lớp cảm thấy như thế nào, nhưng tôi biết chắc rằng mình sợ Beverly LaPlante.
*
Beverly chết vào mùa hè năm ấy, vì viêm tủy xám. Mẹ tôi nói “Không được bơi ở hồ nữa đâu. Con sẽ bị bệnh viêm tủy xám ở đấy đấy. Đó là vì sao cô bạn nhỏ của con chết, cô bé LaPlante, người bơi ở hồ”. Do đó, cả mùa hè năm ấy tôi đã không bơi biếc gì nữa, nhưng tôi biết rằng tôi sẽ để Beverly LaPlante náu trong tâm trí tôi mãi mãi.
Lên lớp bốn, mọi thứ trở nên khác đi. Một vài bạn mới, một số bạn cũ rời đi. Tôi bắt đầu hiểu rằng con người lặn mất mặt và rồi họ thay đổi và đôi khi họ tự vứt đi đời mình, hoặc trở lại, nhưng khác đi và vẫn không làm sao vừa vặn được với cái cuộc đời ngày cũ. Con người là một bí mật, tôi đã quyết định, giống như lễ Phục sinh ở trường vào ngày chủ nhật. Jesus đã chết và bị đem chôn, và rồi ngài đội mồ sống dậy từ trong kẻ chết. Ngài nói lời chào đón với Mary Magdalene - người đầu tiên tới thăm mộ, vì bà đã rửa và lau khô chân ngài bằng tóc của mình - và sau đó ngài đã làm bữa sáng cho các môn đệ để chứng minh rằng ngài đã chết và rồi trở lại. Chẳng có khóc lóc gì hết khi gắn với Jesus. Và chẳng có những lời báng bổ. Và rồi ngài đã ra đi vĩnh viễn, giống như Beverly LaPlante.
2. Nhà văn
Tôi đang miệt mài chắp bút cho quyển tiểu thuyết của mình - đừng có ý định tò mò - chợt nghe thấy chuông rung ngoài cửa. Vợ tôi đã tới trường dạy, do vậy tôi tự thân ra mở cửa. Tôi tắt máy, chậm rãi bước xuống cầu thang vì cái đầu gối bị trẹo mấy ngày trước đó, và ngay khi tôi bước tới cửa, tôi vấp ngay vào cái thảm mới trải. Tôi nghe thấy mình kêu lên “Ôi Chúa ơi!” Tôi mở cửa và ngoài kia, chính là ngài ấy.
“Xin chào”, ngài ấy nói.
“Xin chào”, tôi nói.
Tôi nhận ra ngài ngay lập tức, y như trong các tấm hình. Mái tóc dài của ngài ánh vàng, với đôi mắt kia, từng ánh nhìn chăm chú dõi theo ta khắp chốn.
Cái đầu gần đây hay phản bội tôi. Tôi đoán, chắc là do thuốc hen suyễn uống mấy bữa nay, nhưng vẫn chẳng thể tin được là chúng đủ mạnh để khiến đầu tôi loạn xạ gọi ra được hình ảnh Jesus ngay ở cửa trước. Tôi đã luôn định sẽ lúc nào đấy dành thời gian để đọc trực tiếp một cuốn Phúc âm nào đấy, để biết chân xác câu chuyện từ một nguồn khả tín, do thế, đây có thể là chính nó. Ngài ấy vẫn luôn ngụ trong tâm trí tôi những ngày này, và giờ ngài ấy đang đứng trước cổng vòm nhà tôi.
“Đúng rồi,” ngài nói.
Đầu tiên, tôi đã cảm thấy hết hồn, nhưng sau mấy phút, tôi quan sát mái tóc vàng hoe và đôi mắt và tôi có thể thấy ngài ấy không có gì đặc biệt, chỉ là một gã đàn ông bình thường khác đang xoay xở kiếm cơm. Có thể gã ta là một bác sĩ thú y. Iraq? Afganistan? Bất kể thế nào, gã ta mang bộ jeans nhàu nhĩ và cáu bẩn với cái áo khoác ngoài màu cam, và có thể gã ta mới tắm.
“Mọi việc tốt chứ?”, gã hỏi.
Tôi bị dỗ ngọt để nói cho gã biết mọi việc đang tỉ mẩn thế nào. Tôi đã viết tất cả những cuốn sách này và không ai thèm để ý tới chúng và tôi cũng đang dang dở một cuốn khác nữa đây, một cuốn mà rồi cũng chẳng có ma nào để ý nốt. Chủ đề lần này là về, nếu như có thể nói tiểu thuyết cũng có chủ đề, tội lỗi. Đấy là câu chuyện về một thầy giáo dạy cấp ba, người đã phạm rất nhiều lỗi khác nhau - bội tín, chửi thề, ăn cắp vặt, hay nói dối và lừa phỉnh - nhưng ông thầy không hề quấy nhiễu một trong số các học sinh của mình, cái tội mà ông đang bị cáo buộc. Tôi đang cố dùng cái nhân vật ông thầy bị thịt khốn khổ này để khám phá muôn hình vạn trạng của tội lỗi, của công lý và cả bất công. Khi chuông reo, tôi đang viết về cảnh nói chuyện nghe chẳng có vẻ gì là tội lỗi giữa ông thầy và đứa học trò bị một ông thầy khác nghe lén, kẻ tọc mạch, người sau này sẽ ra tòa để làm chứng rằng mình đã chứng kiến cảnh dụ dỗ kia. Tình huống truyện tôi đã viết quá phức tạp, và tôi đã cố để đơn giản hóa nó đi mà không làm giảm mức độ căng thẳng của tình huống, hoặc làm khác đi cốt truyện. Vấn đề là tôi đã không thực sự thấu hiểu ông thầy giáo, hoặc những lỗi phạm phải của ông ấy. Dường như ông chẳng khớp với cái tội ấy. Ông không thuộc về nó và tôi chẳng biết tại sao. Và giờ thì tôi đang nhìn chằm chằm vào cái gã kia, cái gã mang bộ áo khoác ngoài màu cam đứng ngay trước cổng vòm nhà mình.
“Ông ok chứ?”, gã nói.
“Thì sao”, tôi nói.
Gã vào chuyện. Gã hỏi, liệu gã có thể giúp tôi làm cái gì đấy không, đổi lại tôi sẽ lo cho gã bữa cơm, còn tôi thì giải thích rằng điều này là bất khả, vì tôi là một nhà văn mang theo một nỗi ám ảnh và rằng chẳng ai có thể giúp gì cho tôi cả đâu. Tôi thúc nhè nhẹ khuỷu tay vào cánh cửa, ra chiều giải thích. Gã nói, bố gã cũng là một nhà văn, và tôi nói: “Thế thiệt sao?” Và gã nói, “Mặc dù vậy, ông chưa bao giờ in cuốn sách nào” và tôi nói, “Đúng thế, in sách khó lắm”. Tôi nhếch người để khỏi dồn trọng lượng vào cái đầu gối đang đau, gợi ý để gã biết tôi và gã đã hết chuyện. Tôi nhìn gã trân trân, gã cũng nhìn lại tôi như vậy. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ, gã có thể cướp đồ nhà tôi, hoặc giết tôi mà chẳng ai biết cả. Tôi cố để không cho gã biết tôi đang nghĩ gì. Cuối cùng, gã hỏi nếu tôi có thể cho gã vài đồng bạc lẻ hay không. Có gì đó như tự hào - hoặc cũng có thể là khúm núm khiêm tốn - trong cái cách gã hỏi, dường như là một sự hàm ơn từ gã, và dường như là tôi chẳng còn lựa chọn nào khác để xử lý. Tôi nghĩ, quái quỷ gì thế này, và đưa cho gã ta 5 đô-la. Gã có thể mua được một ly cà phê latte với cái bánh sữa nho nhỏ đủ cho bữa sáng ở cửa hàng Starbucks, tôi tưởng tượng, mặc dù trông gã không có vẻ gì là ưa cái món cà phê kia. Tôi tưởng tượng về cách vợ tôi sẽ đối xử với gã, và cho thêm gã 5 đô-la nữa.
“Chúc một ngày tốt lành nhé, ông bạn”, gã nói, và vẫy tay chào, đúng kiểu như vừa chào cờ vừa hoan hỉ.
“Vâng, anh cũng vậy nhé”, tôi nói và khép cửa.
Tôi nhận ra mình chẳng làm gì sai cả khi leo được nửa đường cầu thang. Gã đàn ông này là một bước chuyển đột phá có thể đã khiến đời tôi khác đi. Tôi nên mời gã vào nhà và pha cho gã ly cà phê và sau đó đơn giản là chuyện trò thú nhận hết mọi thứ. Mọi thứ. Nhưng về cái gì, chính xác là về cái gì? Liệu đó có phải là lời thú nhận tôi muốn hay là một kiểu giải tội? Tôi ngồi xuống trên bậc cầu thang để nghĩ về điều này. Chúa ơi, khỉ gió, vãi! Sau một lát, tôi chạy xuống, mở cửa nhìn xung quanh. Dĩ nhiên, gã kia đã đi lâu rồi.
Tôi quay trở lại máy tính và coi lại những gì đang viết. Cái cảnh chẳng ra gì, vì nó chỉ là một đống ý tưởng. Giờ thì tôi có thể thấy chúng rành mạch. Sự thật là tôi hầu như là loại vô vọng nhất: Một nhà văn ám ảnh với Jesus. Và nghi hoặc về ngài. Tôi không có ý giống như Flannery O’Connor. Cô ấy bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải viết được những truyện tốt - và Jesus thường được tụng truyền trong đó. Tôi ám ảnh với Jesus. Tùy lúc. Jesus và tội lỗi. Và cái kết nào đây? Tôi chắc là chẳng biết Jesus nếu ngài ấy gõ cửa nhà mình và tôi chưa bao giờ lỗi phạm lần nào trong suốt đời mình, trừ cái lần duy nhất tôi nguyện cầu để Beverly LaPlante chết đi. Nếu không, tôi đã vô nhiễm, thực sự. Vợ tôi hiểu rõ điều này.
Cái sự kịch hóa trong tình huống truyện ở tiểu thuyết của tôi là chính cái nỗi ám ảnh của bản thân tôi và sự thất bại của tôi khi không nhận ra điều ấy. Tất cả đều vô nghĩa. Cuộc đời cũng vậy. Tất cả đều vô vọng.
Có lẽ, sau tất cả, tôi đã bắt đầu cảm thấy bản thân mình khớp vào với cái cuộc đời này.
Suốt một thời gian dài, tôi đã gắn mông mình trước màn hình máy tính, tự lừa dối bản thân. Rồi, tôi bôi đen tất cả bản thảo và ấn nút xóa.
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức |
3. Cái cốt lõi của mọi vật mà chúng ta ngóng vọng
“Đây là một người khác”, nhân viên cấp cứu nói. “Đàn ông da trắng, tám mươi tuổi”.
Tôi chứ ai. Tôi nghĩ. Tôi đây này. Đầu tôi ong cả lên với loạn xạ ý nghĩ, một vài trong số đó là có lý. Vợ tôi gọi 911 khi thấy tôi nằm bẹp chéo giường, đầu và vai quặp vào một bên, hai chân - từ khuỷu đầu gối xuống - quặp vào bên còn lại. Tôi chẳng thể cựa quậy được và vợ tôi cũng chẳng thể dìu tôi đi. “Người ông nóng giãy ấy”, vợ tôi nói, tay đặt lên trán tôi. Tôi bảo vợ tôi cho tôi một vài giờ để tôi xem xem mình bị làm sao, nhưng vợ tôi nói, “Giờ nó loạn xà ngầu lên rồi. Đi quá xa rồi. Chúng ta không thể cứ nằm chờ thế này được nữa”, và bà ấy gọi 911.
Nhân viên cấp cứu tới và nói, “Ông ấy đâu rồi ạ?”, và “Bà gọi cho chúng tôi là đúng rồi đấy”, và “Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi”. Gã nhân viên trẻ măng nhất trong đám coi một vòng và nói, “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều sách vậy. Ông ấy làm nghề gì thế, một giáo sư hay nghề gì tương tự chứ? Ông ấy là ai, ý tôi vậy.”
Vợ tôi dẫn đường lên cầu thang và nói, “Nâng ông ấy cẩn thận giúp tôi với. Ông ấy bị Parkinson.”
“Ông thấy sao rồi”, nhân viên trẻ nhất đám hỏi, và tôi trả lời, “Quá ổn!”
Rồi tôi được đưa lên xe cứu thương và vi vu tới bệnh viện, cách đây đích xác ba dặm, một trăm bảy mươi đô-la. Nhưng chuyện tiền nong tính sau. Vì giờ, xe cứu thương đang được đẩy vào băng tải.
“Đây là một người nữa”, nhân viên cứu thương nói. “Đàn ông da trắng, độ tám mươi”.
“Bệnh chứng thế nào?”
“Viêm phổi, gần như vậy. Sốt cao. Khó thở. Không thể di chuyển.”
“Tôi có đi lại được mà.”
“Nhưng ông không thể di chuyển được lúc chúng tôi đưa ông vào bệnh viện”.
“Vợ tôi đâu?”
“Đàn ông da trắng, tám mươi tuổi”. Họ đỡ tôi xuống băng tải và để tôi dựa vào tường trong một cái phòng rộng. Rất đông những người khác nằm la liệt trên băng ca cứu thương và tôi lấy làm vui khi thấy họ, nhưng ai đó kéo rèm xung quanh tôi lên và đó là tất cả những gì tôi biết.
Vậy là. Tôi là một thứ gì đó mang nhãn hiệu “đàn ông”, “da trắng”, “tám mươi tuổi”. Một món hàng không tên nghe chẳng lọt tai. Tôi không còn là tôi nữa.
Phía ngoài tấm rèm, ai đó đang lặng lẽ khóc và ai đó nữa, có thể là một bác sĩ, nói “Sẽ ổn thôi, rồi sẽ ổn cả thôi.”
Tôi trở lại thời lớp ba, nghĩ ngợi, nó sai rồi, nó không đúng, chẳng có gì là ổn cả hết. Mặc dù thế, tôi hiểu là vị bác sĩ, cũng giống như cô Connolly thôi, chỉ mang theo thiện ý.
Rồi có lúc tôi chẳng hiểu mô tê gì nữa. Chắc có gì đó xảy ra. Có lẽ tôi đã không còn đủ sức tưởng tượng nữa. Tôi chỉ còn cảm giác được là đôi bàn tay mình cứng ngắc còn cái đầu nóng giẫy. Vợ tôi cũng ở đó và có lúc cô ấy không còn ở đó nữa.
Một người phụ nữ mở rèm và nói “Tôi là y tá của ông. Tên tôi là Tiffany”. Trông dáng vẻ cô như vẫn đang chập chững thuở đôi mươi và cô búi tóc kẹp sát đầu và rồi cô cau có lanh lẹ hỏi tôi. “Tên”, cô nói. “Ngày sinh?” Và rồi, tức tốc, “Địa chỉ? Thứ mấy? Ngày nào?”.
Tôi vượt qua bài kiểm tra đầu tiên một cách dễ dàng: Tôi biết mình là ai, sinh năm nào và nơi tôi sống, nhưng tôi không thể nhớ được thứ mấy ngày nào. Cô dường như thân mật hơn.
“Ông không nhớ ra là thứ mấy sao?”
“Vợ tôi đâu?”
“Bà ấy không thể gặp ông bây giờ đâu”.
“Tại sao không? Bà ấy ở đây chứ?”
“Ông ở đây vì ông vị biêm phổi”, cô đáp, “do đó ông sẽ được đi chụp X quang và chụp cắt lớp vi tính”.
“Tôi mắc chứng Parkinson”, tôi nói.
“Sao cũng vậy à”, cô nói. Rồi bỏ đi, lách ca lách cách.
*
Giờ, tôi thấy mệt và mới ôm sách cả ngày, tôi chẳng có ý niệm gì mấy về thời gian. Khi Tiffany hỏi tôi giờ là thứ mấy, tôi lại nghĩ về cái bức tranh biếm họa ấy, cái bức có hai con hà mã vều cằm lên trong nước và một con nói với con kia, “Tôi cứ nghĩ bây giờ là thứ Ba.” Dĩ nghiên, nếu tôi nói ra điều ấy, họ sẽ tống tôi vào một cái phòng thần kinh rồi. Tôi sẽ ở đó năm hoặc sáu năm trước, sau khi tôi cố tìm cách kết liễu đời mình. Ba mươi sáu viên Ambien và một tá Xanax, và rồi ngày hôm sau, tôi đã không chết, nhưng đau đầu khủng khiếp và ho rũ rượi. Kế đến là hai tuần bị nhét với một đám người như tôi. Giống tôi, họ nghĩ họ không muốn trở thành gánh nặng cho ai đó mà họ yêu nữa.
Tôi ngã sõng soài khi bước ra khỏi bồn tắm. Vội vội vàng vàng, trượt vỏ chuối và tôi nằm đó. Gãy ba cái xương sườn. Khi họ chữa lành, tôi chẳng còn bao giờ thở sâu được nữa. Và tôi cũng không thể dừng được việc cố mà thử. Nó giống như bạn bị bóp nghẹt chậm rãi, cứ thế từ tư, từ từ. Trong vòng ba tuần, tôi cứ hổn ha hổn hển mà thở hắt ra. Cạn sức. Cơn hốt hoảng tấn công. Một lần, vào giữa khuya đêm, khi đang giả vờ ngủ, tôi nghe thấy tiếng vợ tôi lặng lẽ thổn thức khóc và tôi nhận ra tôi đang khiến vợ tôi trở nên điên khùng. Tôi đang giết cô ấy. Do thế, chẳng có ý nghĩ nào dính dáng tới Jesus hay thậm chí là dành cho Beverly LaPlante, tôi đi đến quyết định kết liễu bản thân thay vì sẽ đương tâm giết vợ. Và rồi thì cứ tống Ambien và Xanax. Và rồi thì bị nhét vào cái cũi với những tay ôm ý định tự tử khác. Sau đó, tôi nói với vợ rằng tôi xin lỗi và cô nói, “Nếu ông còn có ý định đấy, hãy để tự tay tôi giết ông.”
Vợ tôi. Bạn phải biết bà ấy như thế nào để hiểu được chuyện. Bà ấy là một vị thánh thực sự, một cái gì đấy thực hữu, chẳng mảy may có cái gì gắn với đạo nghĩa nơi bà mà nhăng nhít cả, vậy nên, chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng mà sống với bà.
Bà ấy không phải là một vị thánh khi kết hôn lần đầu. Bà cũng có lầm lỗi - rất nhiều, thời đó tôi đã nghĩ vậy - nhưng bà xinh xắn, thông minh và vui vẻ, và bà thấy tôi có gì đó thích thú, vậy thì ai mà cưỡng lại được chứ? Chặp sau, khi vẻ ngọc ngà hiện ra sau lớp vỏ xù xì, suy nghĩ của tôi về bà bắt đầu thay đổi. Hoặc cũng có thể là bà ấy đã khác đi. Tôi không biết nữa. Nhưng tôi bắt đầu nhận thấy có một ngọn lửa bên trong bà ấy, ngọn lửa mà chẳng gì có thể làm nó nguội tắt, ngay cả ốm đau hay giận dữ, hay cả cơn thịnh nộ hay sự ghen tị của tôi, những thứ chỉ khiến bà ấy buồn, thay vì giận dữ. Với bà ấy, mỗi ngày như mọi ngày, đều là cái gì đấy thiêng liêng thần thánh. Bà ấy có lòng thành kính quá đỗi khiếp hoảng với sự thật và khi biết bà ấy, bạn sẽ trở nên một người tốt hơn. Không phải lúc nào làm bạn với các thánh cũng dễ dàng.
Sau lần tự tử không thành - ngay gần như sau đó - tôi bỏ được nỗi ám ảnh và bắt đầu tận hưởng cuộc sống. Có vẻ như tôi đã chết và trở lại, thành một người khác tự do, không còn vướng víu trước những thứ vô vị. Tôi đã luôn lo sợ trước cuộc đời, nhưng tôi không còn phải thế và tôi cũng không còn sợ Jesus nữa. Ngoài ra, nếu Beverly LaPlante vẫn còn quanh quất đâu đây, tôi sẽ không còn sợ cô ấy nữa: Giờ thì tôi tự tin rồi.
Vậy là cuộc đời lại tươi đẹp và những chuyện bất ngờ kinh tởm không còn vẻ kinh tởm gì nữa cả. Ngay cả bệnh Parkinson. Nó diễn tiến chậm rãi. Tay trái tôi bắt đầu run khi tôi gõ máy, nhưng đó là bản thảo cuối cùng của cuốn sách mới và cho đến khi mọi thứ gọn ghẽ, tôi cứ phớt lờ chuyện tay chân run rẩy kia, chữa lỗi và hoàn tất tác phẩm. Rồi tôi đưa bàn tay run rẩy của mình tới bác sĩ Burn. “Chứng run tay do di truyền”, bác sĩ nói. “Không phải bệnh Parkinson”.
“Run tay do di truyền”, vợ tôi nói. “Ít nhất bản thân nó không phải là cái bệnh khiếp đảm.”
Một năm sau, tay tôi càng hay run hơn và mỗi khi bước đi gần như sắp vấp ngã, nên quay lại chỗ bác sĩ Burn, người nói, “Hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh”.
Đấy là Gershfield, vị bác sĩ chuyên khoa thần kinh biết tất cả mọi thứ. Gershfield nói, “Nó không phải bệnh Parkinson đâu, nghiêm túc mà nói. Nó là hội chứng Parkinson.”
“Hội chứng?”
“Vâng, hội chứng Parkinson”.
“Vâng”, vợ tôi nói. “Tôi vui mừng chúng ta đã làm rõ được bệnh tình.” Sau đó chúng tôi cùng vui vẻ cười tươi theo cái kiểu người mang hội chứng Parkinson.
Chúng tôi gặp lại bác sĩ Gershfield một tháng sau đó, và rồi cứ mỗi tháng một lần trong vòng một năm sau đó. Thời gian đó, tôi cứ như bắt đầu chết mê chết mệt ông bác sĩ vậy, vợ tôi cũng thế. Sau tất cả, giống như Jesus, ông ấy có quyền năng để phân phát sự sống và cái chết. Tôi cũng gần như chết mê chết mệt với Jesus.
*
Đấy là một đêm dài khi họ đánh thức tôi dậy mỗi giờ đồng hồ để chắc chắn rằng tôi vẫn thở. Tới sáng, họ chụp X quang ngực một lần nữa và chụp cắt lớp vi tính ở vị trí phổi. Tôi thấy buồn ngủ lại, và chỉ vài giây sau lại tỉnh táo như sáo.
Tiffany đứng cạnh bên giường, sẵn sàng. Tôi nói, “Chào buổi sáng”, nhưng cô quá bận bịu để trả lời. Cô gật đầu và bắt đầu kiểm tra tim gan phổi phèo của tôi.
“Tôi vẫn cứ nghĩ nó là thứ Ba”, tôi nói.
“Nó đúng là thứ Ba”, cô nói. “Rất tốt”.
“Con hà mã nói với con kia, “Tôi vẫn cứ nghĩ nó là thứ Ba.”
“Nó là thứ Ba”, cô nói. “Đừng lo lắng”. Trần nhà quay như chong chóng.
“Tôi nghĩ tôi sẽ chẳng thể nào cựa quậy được nữa vì mắc Parkinson”.
“Chứng viêm phổi sẽ được kiểm soát vào ngày mai. Chắc cú luôn ”.
Tôi cười lớn và nói, “Chắc cú luôn!”
“Nó là một thành ngữ”, cô nói. Và rồi, cô rời bước đi, tính tang, tính tang.
Vợ tôi tới thăm tôi hàng ngày, buổi sáng và cả chiều. Bà đọc sách khi tôi ngủ và luôn cố nói chuyện với tôi mỗi lúc tôi thức, nhưng tôi thì cứ tậm tà tậm tịt chẳng nên hồn, nên tất nhiên, bà ấy phát chán đến chết.
Ngay cả các vị thánh cũng cảm thấy chán khi phải chờ đợi. Có lẽ, đặc biệt là với các thánh.
Một tay bác sĩ ôm cái bảng kẹp, chúi đầu quanh cửa. “Chỉ kiểm tra thôi”, tay bác sĩ nói.
“Nó là thứ Ba,” tôi nói.
“Ông có cảm thấy đau lắm không?”
“Tôi chẳng cảm thấy đau gì hết. Tôi là đàn ông, da trắng, tám mươi tuổi.”
“Tôi biết mà”, tay bác sĩ nói.
“Trông bác sĩ như độ mười bốn tuổi ấy nhỉ,” tôi nói.
Tay bác sĩ viết gì đó trên bảng kẹp. Tôi thấy nóng và mơ mơ màng màng và chóng mặt đôi chút.
“Không đau?” tay bác sĩ hỏi. “Ông chắc chứ?”
Tôi cần phải giải thích cho tay bác sĩ cái giới hạn của việc trở thành chỉ còn là một người đàn ông da trắng, vân vân và vân vân, nhưng tôi chẳng thốt ra được thành lời. Tôi cảm đang cảm thấy mệt lử đi, và trần nhà quay như chong chóng, dường như tôi đang say rượu vậy.
“Tôi đâu có say xỉn”, tôi nói.
“Ông là một kẻ nổi loạn”, tay bác sĩ nói. “Đấy là nói tào lao xí bộp cho vui thôi nghen”.
Thời gian vụt trôi, có lẽ là một giờ đồng hồ hoặc có thể là cả ngày dài, và bác sĩ khác xuất hiện, một nữ bác sĩ. Nữ bác sĩ nói, “Tiffany cho tôi biết là ông có triệu chứng liên quan tới Parkinson, nhưng vấn đề của ông hiện giờ là viêm phổi. Ông đang được điều trị bằng kháng sinh - đó là cái túi thuốc I.V bên trái ông - và cơn sốt của ông sẽ được kiểm soát trong vài ngày tới. Có lẽ là hai ngày thôi. Sau đó ông có thể về nhà. Ông có câu hỏi nào không?
“Vậy liệu bệnh viêm phổi của tôi có chữa được không?”
“Tất nhiên, mặc dù chúng tôi không thể chữa được Parkinson”.
“Nhưng chứng liệt là do bệnh viêm phổi à? Tôi chưa bao giờ thấy người ta nói thế”.
“Dẫu vậy.”
“Tên của bác sĩ là gì?”, tôi nói. “Để tôi biết thôi”.
“Janet,” nữ bác sĩ nói.
“Ý tôi là họ của bác sĩ cơ? Bác sĩ gì nhỉ?”
Một đoạn lâu ngập ngừng. Cuối cùng, nữ bác sĩ nói, “Chúng tôi ở đây để giúp bệnh nhân giành lại sức khỏe, không phải để làm bạn”. Và cô rời đi.
Vậy là bệnh viêm phổi chứ không phải Parkinson đã khiến tôi trong một thời gian ngắn bị liệt. Thật thảm hại! Tôi sẽ không bao giờ mò chân tới bệnh viện nếu như tôi biết là mình bị viêm phổi. Vợ tôi cũng không bao giờ gọi 911. Kế hoạch là để cho bệnh viêm phổi hết đã, trước khi Parkinson làm cú chót với tôi. Dù sao, nếu bạn sắp chết, chúng tôi cùng đồng tình, rằng sẽ là tốt hơn khi chết quách đi cho rồi trước khi tay chân bạn bắt đầu run rẩy cả ngày và giọng nói thì lúng ba lúng búng và có thể cả tâm trí bạn nữa cũng thế. Từ trước đến nay, tôi đã vật lộn ba lần với chứng viêm phổi, nên chúng tôi đã định sẵn mọi thứ khi chuyện nó xảy đến. Một đêm, khi chúng tôi đang chuẩn bị kết thúc một cuộc chuyện trò dài dòng về việc liệu chúng tôi có thể dựa vào bệnh viêm phổi mà liệu việc không, hoặc là liệu chúng tôi sẽ phải đối mặt với nỗi sợ hãi của thần chết mang tên Parkinson, vợ tôi ngáp và nói, “Có lẽ ông sẽ gặp may mắn, tình yêu ạ. Có lẽ ông sẽ kết thúc chuyện này với một cái xe tải”.
*
Cơn sốt của tôi biến mất và tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Tay-mười-bốn- tuổi xuất hiện sau bữa sáng để báo cho biết kết quả chụp X quang và cắt lớp đều tốt, nhưng có một khối mờ chẳng rõ nguyên nhân ở phía phổi trái.
“Khối mờ của cái gì?” tôi nói.
“Trông rất là buồn cười”, tay bác sĩ nói. “Nhưng đây là một vấn đề nghiêm trọng và ông nên để bác sĩ chuyên khoa phổi thăm khám”.
“Mà khối mờ của cái gì?” tôi nói. “Cái thứ ấy là thứ gì?”
“Ít nhất, ông sẽ thỉnh thoảng gặp phải chứng viêm phổi. Những cơn viêm phổi sâu”.
Tôi nói, “Tôi biết! Tôi đã luôn luôn may mắn.”
“Ông có câu hỏi gì nữa không?”, tay bác sĩ nói.
“Cậu bao nhiêu tuổi?”, tôi nói.
“Giữ mọi việc thật tốt nhé”, tay đó nói. “Tiếp tục cười nhé.” Gã rời khỏi phòng mà chẳng thèm chào tạm biệt.
Vậy là, một khối mờ ở phổi. Tay bác sĩ đã tránh không dùng cái từ có chữ U, nhưng liệu cái khối đấy còn có thể là cái gì nữa? Ung thư phổi. Chắc là vậy. Ung thư ở phổi. Nó thực ra nghe cũng không phải là quá tệ. Có lẽ nó là cái xe tải sẽ băng qua đời tôi trước khi trận chiến cuối cùng với Parkinson ập tới. Trước khi, mọi chuyện, như nước dãi chảy ròng chẳng ngừng. Vậy là, giờ thì chúng tôi có hai khả năng để thoát khỏi lịch trình: viêm phổi và ung thư. Cái nào trước đây? Tôi tự vấn. Món nào đỡ đau đớn hơn? Và rồi tôi chợt thấy nhẹ nhàng vì nhận ra, rằng ung thư hay viêm phổi, vợ tôi vẫn sẽ ở đó. Và bác sĩ Burn tốt bụng cũng sẽ chỉ định cho tôi thuốc giảm đau. Có lẽ với một ít morphine đựng trong cái bình nho nhỏ của tôi. Tôi mong ngóng với một cái chết như thế và tôi không thể đợi được để nói với vợ tôi.
Một thoáng không lời. Một lát giây ngừng thở.
“Có chuyện gì với tay bác sĩ măng tơ kia thế?”, tôi hỏi cái phòng trống không. “Còn về Tiffany thì sao?”
Không ai trả lời. Chuông reo. Tiếng sập cửa.
Tiffany xuất hiện và nói, “Ông sẽ được xuất viện hôm nay. Ông sẽ ký vào đống giấy tờ trên bàn. Vợ ông ở đây. Vẫn như mọi khi”. Cô cuộn ga giường của tôi vào trong góc và đẩy ghế của thân nhân ra khỏi lối, bỏ đi để lo cho những tính mệnh khác. Đôi giày nện lọc cọc nghe phát mệt khi cô nhấc gót.
Một năm trôi qua, và tôi bắt đầu thấy lẩy bẩy nhiều hơn, đi lại cứ lảo đảo như say rượu, cái giọng giống như là đang rên rỉ. Vợ tôi lấy làm nghiêm trọng, và để bày tỏ niềm cảm thông, bà cũng rên rỉ cùng với tôi hoài như thế. Nhưng phần lớn thời gian, bà chăm sóc tôi như thể hầu hạ một người đàn ông da trắng tám mươi tuổi gần chết thật sự là một việc thật sự vui vẻ và đó là những gì bà đã ngóng đợi ở đời này.
Sau nhiều năm bên nhau, chúng tôi càng trở nên gần gũi hơn. Chúng tôi dần trở thành một người, hoặc có thể là hai người trong cùng một hiện hữu, như thánh Aquinas đã nói. Chúng tôi đã hóa thể và trở thành một vấn đề trong triết học. Hoặc có thể là trong thần học.
Nhưng chuyện nó đang đi vào khúc cuối và bệnh viêm phổi diễn tiến ra sao, chúng tôi muốn biết. Còn ung thư ra sao? Hóa ra đó là khối u lành với một ít hy vọng, mặc dù chúng đã tôi cố mong nó đến nhanh cùng với dâng lời nguyện cầu và làm những việc tốt. Giờ thì viêm phổi là hy vọng duy nhất của chúng tôi.
Chúng tôi gặp gỡ bạn bè và ra ngoài ăn tối và tiếp tục hành trình cùng với cái cuộc đời quanh co của mình. Xung quanh chúng tôi, tất cả mọi người đều ho khan và thở khò khè và cho chúng tôi biết họ không thể chịu được cái loại cúm này, họ ước thà chết còn hơn, và giờ thì ở đây, chúng tôi cùng đợi, chỉ một con vi khuẩn viêm phổi bé tí xíu thôi làm việc ấy.
Và rồi đúng thế thật. Chúng tôi cùng ngồi coi tivi - chính xác là chương trình Judge Judy - thì đột nhiên tôi cảm thấy lạnh. Không phải cả người, chỉ ở tay và chân. Đầu tôi nóng và ngày càng nóng bừng, còn tay thì bắt đầu lạnh. Tôi cố đứng lên nhưng không thể di chuyển được. “Đến giờ rồi đấy”, tôi nói. “Hoặc, ít nhất, tôi nghĩ thế”.
Vợ tôi nói, “Ôi, Chúa, không!”
Vợ tôi giúp tôi đứng lên khỏi cái giường bệnh nhưng, đơ ra, tôi nặng như cả tấn và bà ấy đành bỏ cuộc. “Không sao đâu”, tôi nói. “Nhưng đừng gọi 911”. Do vậy, chúng tôi đành ngồi lại cùng nhau trên giường bệnh. Hai tấm thân choàng lấy nhau trong từng cánh tay già nua.
*
Tôi lại có thể di chuyển được và bà dìu tôi tới giường. Một ngày trôi và lại một ngày nữa trôi qua. Bà nguyện cầu để biết phải làm gì nhưng bao lâu nay chúng ta đã đồng lòng là chẳng làm gì nữa cả, nên đó là tất cả những gì chúng tôi thực hiện.
Tôi nói, “Tôi sẽ nhớ bà khi tôi chết.” Và trong giây lát, cái thời khắc cuối cùng cũng tới: trái đất ngừng quay và sự im lặng chói ngời ụp xuống. Và rồi, như chúng tôi có thể cùng nhau thì thào hơi thở sau cùng, tôi chộp lấy tay bạn. Và giữ nó. Nắm lấy nó, và nắm lấy nó, và vẫn nắm lấy nó, tôi trút hơi cuối cùng.
Mặc dù thế, tôi vẫn sẽ nhớ bạn khi tôi chết.
Vượng Nguyễn dịch từ New Yorker
(https://www.newyorker.com)
(TCSH383/01-2021)