Truyện dịch
Còn sống hay đã chết?
14:16 | 12/07/2021

Nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sỹ, dịch giả Ấn Độ Rabindranath Tagore sinh năm 1861 tại Calcutta, Ấn Độ và mất năm 1941. Ông để lại một di sản văn học - nghệ thuật đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm đủ các thể loại. Tagore còn là nhà yêu nước, đòi giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị của Anh. Ông được trao giải Nobel văn học năm 1913.

Còn sống hay đã chết?
Ảnh: wiki

RABINDRANATH TAGORE   

Còn sống hay đã chết?  

I.
Người góa phụ nhà Saradasankar không có ai là người bà con về phía cha cô. Lần lượt từng người bà con đã mất. Gia đình nhà chồng cũng chẳng còn ai, chồng con cô cũng đã không còn. Con trai của Saradasankar, em chồng cô, là người cô yêu quý. Sau khi sinh con một thời gian khá lâu, mẹ cậu bé bị bệnh và người góa phụ là bà bác dâu Kadambini đã nuôi nấng nó. Nếu một phụ nữ nuôi con của người khác thì tình cảm của cô ấy đối với đứa bé sẽ rất mạnh mẽ vì cô ấy không bị ràng buộc gì, kể cả quan hệ họ hàng, chỉ có tình yêu thương mà thôi. Tình cảm không thể được chứng thực bằng bất cứ phương tiện gì mà xã hội chấp nhận, mà nó cũng không cần được chứng thực, nó chỉ là sự dâng hiến những gì là quý giá nhất trong đời một cách say mê và dạt dào. Bởi thế, người góa phụ dành hết tình yêu vô biên của mình cho đứa bé. Một đêm nọ, Kadambini bỗng chết đột ngột. Vì một lý do nào đó, tim cô ngưng đập. Đời đã ngưng hành trình của nó; trái tim bé nhỏ nặng tình và như một chiếc đồng hồ giờ đã ngừng chạy vĩnh viễn.

Vì sợ bị cảnh sát làm phiền, bốn người hầu của gia đình cô sống đã mang xác cô đi để hỏa táng mà không làm nghi lễ gì. Nơi hỏa táng nằm rất xa ngôi làng. Có một túp lều nằm bên cạnh một cái hố và một cái cây banian đứng sát bên cái hố đó và chẳng có cái gì khác nữa. Trước đây có một dòng suối chảy qua khu vực nhưng giờ đã khô cạn, người ta đào ở giữa lòng suối một cái hố để thực hiện các nghi lễ hỏa táng. Người trong vùng xem cái hố như một phần của con suối và rất tôn kính nó.

Sau khi mang thi thể vào túp lều, bốn người đàn ông ngồi bàn chuyện kiếm củi. Thời gian trôi qua quá chậm, làm hai trong bốn người kia bồn chồn và bước ra ngoài hỏi tại sao lâu thế. Nitai và Gurucharan đã đi kiếm củi, Bidhu và Banamali ngồi lại trông thi thể. Đêm đó trời tối đen, không trăng sao. Hai người đàn ông ngồi im lặng trong túp lều tối tăm. Đèn và diêm sinh là vô ích. Diêm bị ướt, không quẹt được dù tất cả mọi người đã cố. Còn đèn thì đã hết bấc. Sau một hồi im lặng, một người nói, “Sẽ hay biết mấy nếu chúng ta có một gói thuốc lá. Tụi mình không mang theo”. Người kia đáp, “Để tôi đi ra tìm thuốc lá, đèn dầu”. Hiểu được lý do Banamali phải đi nhưng sợ là nơi hỏa táng thường có ma nên Bidhu nói, “Tôi sợ khi phải ngồi một mình ở đây!”. Cuộc trò chuyện dừng lại. Năm phút dài như một giờ. Họ chửi thầm hai kẻ đã đi kiếm củi, nghi ngờ họ đang ngồi tán dóc ở một góc yên tĩnh nào đó. Đêm yên ắng, không có âm thanh gì ngoại trừ tiếng dế và tiếng ếch kêu gáy liên hồi ở cái hố. Họ bỗng tưởng tượng là cái giường rung nhẹ, như thể thi thể đang trở người. Bidhu và Banamali bắt đầu run rẩy và lẩm nhẩm. Có tiếng thở dài trong túp lều. Trong khoảng khắc, hai người đàn ông vụt bỏ chạy về hướng ngôi làng.

Sau khi chạy được khoảng ba dặm, họ gặp hai người đồng sự đang cầm đèn chạy ngược lại. Thực tế là hai người này chỉ ngồi hút thuốc, không quan tâm gì tới chuyện kiếm củi. Nhưng họ tuyên bố là họ đã chặt được một cái cây và khi cây được bửa ra, họ sẽ mang củi về ngay. Sau đó, Bihdu và Banamali kể lại với họ những gì đã xảy ra trong túp lều. Nitai và Gurucharan mắng khi nghe câu chuyện và giận dữ trách cứ Bidhu và Banamali vì đã từ chối trách nhiệm. Không chút chần chừ cả bốn người quay trở lại túp lều. Khi đi vào, họ không thấy thi thể đâu, chỉ thấy một chiếc giường trống không. Họ trố mắt nhìn nhau. Đi ra ngoài, họ thấy trên đám bùn trước cửa lều có dấu chân còn mới của phụ nữ. Saradasankar không phải là kẻ ngu và họ khó có thể thuyết phục anh ta tin vào chuyện ma. Do đó, sau một hồi bàn bạc, cả bốn thấy tốt nhất là nên nói rằng thi thể đã được hỏa táng.

Vào lúc bình minh, khi một số người khác mang củi đến, họ được báo rằng, do họ đến muộn nên việc hỏa táng đã được tiến hành và vẫn còn một số củi thừa trong túp lều. Không ai nghi ngờ gì vì kẻ chết không phải là một tài sản quý giá để bị người ta cướp đi.

II.
Mọi người đều biết rằng, cả khi không có dấu hiệu gì, sự sống vẫn thường là một món quà bí ẩn và một tử thi vẫn có thể sống lại. Kadambini chưa chết, bộ máy sự sống của cô chỉ đột ngột dừng lại mà thôi. Khi tỉnh lại, cô thấy quanh mình tối đen và biết mình không phải đang nằm ở chỗ quen thuộc, cô kêu “Em ơi!” nhưng trong bóng tối, không có tiếng trả lời. Khi hoảng hốt ngồi dậy, cô nhớ ra chiếc giường nơi người ta đặt thi thể cô, cơn đau tim đột ngột và cảm giác nghẹt thở khi đó. Cô nhớ, em bạn dâu cô đã đun sữa nóng cho đứa bé khi mình đã quá yếu, ngã xuống giường và nghẹn ngào nói, “Em mang đứa bé lại đây. Chị thấy lo quá”. Sau đó, mọi thứ trở nên mờ tối như một vết mực lấm vào cuốn sách bài tập. Trong ý thức và trí nhớ của Kadambini, mọi thứ chữ trong sách vở trên đời trong phút chốc trở nên méo mó. Người góa phụ không nhớ nổi là đứa bé bằng giọng ngọt ngào, có gọi cô là “Bác!” lần cuối cùng hay không. Cô cũng không thể nhớ khi cô giã từ cuộc đời trong chuyến đi vô định, miên viễn của cái chết, cô có nhận được món quà tình cảm và tiền phúng điếu để đến miền đất câm lặng hay không. Tôi nghĩ, đầu tiên, cô đã nghĩ tới bóng tối của địa ngục, nơi không có gì để nhìn, không có gì để nghe, không có gì để làm, chỉ có bóng đêm vĩnh cửu. Nhưng khi có một cơn gió lạnh lùa qua cửa để mở, cô nghe được tiếng ếch kêu rồi nhớ ra những tai ương trong cuộc đời ngắn ngủi của mình và cảm nhận được hơi ấm quen thuộc của đất. Sau đó, bằng một tia sáng của ý thức, cô thấy cái hố, cây banian, vùng đất bằng phẳng và cây cối ở xa xa. Cô nhớ những đêm trăng tròn cô đã thi thoảng đến tắm trong cái hố nước và nhớ cảm giác rùng rợn khi cô thấy tử thi nằm trên giàn hỏa táng. Ý nghĩ đầu tiên của cô là hãy trở về nhà. Nhưng sau đó, cô lại nghĩ: “Mình đã chết rồi, làm sao có thể trở về? Về sẽ mang tai họa đến cho mọi người. Mình đã rời bỏ vương quốc của sự sống. Mình là một con ma!” Nếu không phải vậy, cô lập luận, làm sao mình có thể thoát được đám tang được canh gác cẩn trọng ở nhà Saradasankar và đến được khu vực hỏa táng xa xôi này vào giữa đêm? Cũng vậy, nếu các nghi lễ hỏa táng chưa kết thúc thì những người đàn ông đem mình đi hỏa táng đã đi đâu? Sau khi hồi nhớ lại khoảng khắc cô chết ở ngôi nhà sáng đèn của Saradasankar, cô giờ thấy mình đang cô độc ở nơi hỏa táng xa xôi, lạnh lẽo và tăm tối. Chắc chắn cô đã không còn là một thành viên trong xã hội! Chắc chắn, cô đã là một con ma gây sợ hãi và mang điềm xấu! Nghĩ thế nên cô thấy tất cả những ràng buộc của cô đối với cuộc đời đã bị đứt gãy. Cô thấy mình có sức mạnh tuyệt vời, có sự tự do mênh mang. Cô có thể làm những gì cô thích, đến những nơi cô muốn. Điên dại với sự hưng phấn của các ý nghĩ đó, cô vùng dậy như một cơn gió và đến đứng trên khu đất hỏa táng. Mọi sự xấu hổ và lo lắng đã biến mất. Nhưng khi dần bước, cô thấy mệt mỏi, yếu ớt. Bình nguyên trải dài vô tận, đây đó có đồng lúa và thi thoảng cô thấy chân mình ngập trong nước, tới tận đầu gối. Trong ánh bình minh đầu tiên, cô nghe có một hai con chim kêu trên bụi tre ở làng xa. Cô thấy sợ. Cô chẳng thể giải thích được các quan hệ mới của cô đối với cuộc đời và những người bà con đang sống. Miễn là cô cứ còn ở trên bình nguyên, trên vùng đất hỏa táng, bị bao phủ bởi bóng tối, thì cô vẫn là một cư dân của vương quốc của cô và cô do đó, không đáng sợ. Trong ánh sáng ban ngày, nhà cửa của con người làm cô thấy sợ hãi. Ma và người sợ nhau, do họ cư ngụ trên các bờ khác nhau của con sông sinh tử.
 

Minh họa: NGUYỄN DUY LINH

III.
Bùn đóng cục trên quần áo cô. Những ý nghĩ lạ và việc đi trong đêm làm cô trông giống một người điên. Thực tế, cô có ảo giác là xóm làng sẽ sợ cô, trẻ em sẽ ném đá cô hoặc bỏ chạy. Thật may mắn, người đầu tiên thấy cô là một lữ khách. Anh ta đi tới và hỏi: “Này chị, chị trông giống một phụ nữ đáng kính. Chị đi đâu một mình trong bộ dạng này vậy?”. Do không thể tập trung nên Kadambini im lặng trừng nhìn anh ta. Cô không thể nghĩ rằng mình còn tồn tại trong đời, còn trông đáng kính, còn người lữ khách kia thì đang thăm hỏi mình. Người lữ khách lại nói, “Này chị, tôi sẽ đưa chị về nhà. Nói cho tôi biết chị đang sống ở đâu”. Kadambini nghĩ ngợi. Trở về nhà bố chồng sẽ là vô lý, còn mái nhà của cha ruột thì không còn. Sau đó, cô nhớ tới một người bạn thời thơ ấu. Cô chưa gặp lại Jogmaya từ thời con gái nhưng thi thoảng hai người có trao đổi thư từ. Thảng hoặc giữa họ có cãi vã, mà cũng đúng, do Kadambini nói tình bạn cô dành cho Jogmaya là vô bờ, trong khi đó, bạn cô phàn nàn là cô không đáp lại tình cảm một cách tương xứng cho cô ấy. Cả hai chắc chắn rằng, nếu gặp lại, họ sẽ không chia ly nữa. Kadambini nói với người lữ khách, “Tôi sẽ đi đến nhà Sripati ở Nisindapur”. Người lữ khách đang trên đường đi tới Calcutta nên dù không gần nhưng Nisindapur nằm trên đường anh ta đi. Do vậy, anh ta đưa Kadambini đến nhà Sripati và hai người bạn gặp nhau. Ban đầu, họ không nhận ra nhau nhưng dần dà họ nhận ra nét mặt của bạn mình, như thời thơ ấu.

“May mắn làm sao!”, Jogmaya nói. “Mình không bao giờ mơ tới việc gặp lại cậu lần nữa. Làm sao mà cậu lại có thể đến đây được? Bà con của cha chồng cậu chắc chắn là không cho cậu đi!” Kadambini im lặng rồi cuối cùng nói, “Cậu đừng nói tới cha chồng của mình nữa. Cho mình một góc và đối xử với mình như đày tớ. Mình sẽ làm việc nhà thay cậu”. “Cái gì?”, Jogmaya thét lên. “Coi cậu như đày tớ! Sao vậy, bạn thân. Cậu là…”. Ngay lúc đó, Sripati bước vào. Kadambini chằm chằm nhìn anh, rồi từ từ trở nên rũ rượi. Cô lấy tay che mặt, tỏ ra không chút bình thường và không tự tôn. Jogmaya vì sợ Sripati sẽ xử sự thành kiến với bạn mình nên giảng giải một cách tỉ mỉ. Nhưng Sripati luôn sẵn lòng chấp nhận mọi thứ vợ mình nói nên cắt lời chị, làm cho chị khá khó chịu.

Kadambini sống nhưng không đồng điệu với bạn. Cái chết trước kia đã ngăn cách họ. Cô không thể có được sự thân mật với kẻ khác kể từ khi cô sống lại. Điều ấy làm cô lúng túng. Kadambini nhìn Jogmaya và ngẫm nghĩ. Cô cho rằng, “Nó sống với chồng, với công việc, thế giới của nó xa cách với thế giới của mình. Nó chia sẻ tình cảm và nghĩa vụ với con người trên đời, trong khi đó, mình chỉ là một cái bóng vô hồn. Nó ở trong thế giới sự sống, mình thì ở cõi chết”. Jogmaya cũng thấy khó chịu nhưng không thể giải thích vì sao. Phụ nữ không thích những điều mơ hồ, đó là bởi vì tuy những điều mơ hồ đó có thể chuyển hóa thành thơ ca, anh hùng ca, thành triết luận nhưng nó không thể trở thành tiền bạc trong nhà. Do vậy, khi một người phụ nữ không hiểu một điều gì đó, cô ta hoặc là quên bẵng nó đi hoặc cấp cho nó một ý nghĩa mới để tự mình sử dụng. Nếu cô ta thất bại trong việc xử lý nó, cô ta sẽ mất bình tĩnh. Kadambini càng tỏ ra mơ hồ bao nhiêu thì Jogmaya càng mất kiên nhẫn bấy nhiêu, tự hỏi liệu có nỗi âu lo nào đó đang đè nặng lên trí óc bạn mình hay không. Một điều nguy hiểm đã xảy ra, đó là Kadambini thấy sợ hãi chính mình nhưng không thể xuất cảm giác đó ra được. Người sợ ma sợ kẻ luẩn quẩn phía sau mình, nhưng không phải ở bất kỳ đâu, họ cũng thấy sợ. Song nỗi sợ của Kadambini là sợ chính mình, do đó, cô không sợ gì ngoài sợ bản thân. Trong đêm khuya khoắt, khi còn lại một mình trong phòng, cô thét lên, còn vào lúc trời tối, khi thấy bóng mình trên vách, toàn thân cô run rẩy. Chứng kiến cô sợ hãi, mọi người trong nhà cũng thấy khiếp đảm. Những người giúp việc và Jogmaya bắt đầu nằm thấy ma.

Một đêm nọ, Kadambini chạy ra khỏi phòng ngủ, khóc và gào thét ở cửa phòng Jogmaya: “Cậu ơi, cậu ơi, cho mình nằm dưới chân cậu, đừng để mình nằm một mình!” Jogmaya vừa giận vừa sợ. Chị muốn đuổi Kadambini ra khỏi nhà ngay ở phút ấy. Anh Sripati tốt bụng sau nhiều cố gắng đã thành công trong việc làm cho khách của anh im lặng và đưa cô vào phòng kế bên.

Ngày hôm sau, dù không mong muốn nhưng Sripati vẫn bị mời vào phòng của vợ anh. Chị bắt đầu quở trách anh: “Anh có còn là đàn ông nữa không? Một phụ nữ bỏ nhà cha chồng vào ở nhà anh cả tháng rồi mà anh không gợi ý để cô ta ra đi, cũng không phản đối gì cả. Em chiếu cố cho anh nếu anh giải thích được điều đó. Đàn ông các anh ai cũng giống nhau cả”. Đàn ông nói chung có xu hướng thiên vị với nữ giới. Nếu ai đó là kẻ thù của nữ giới thì họ phải chịu trách nhiệm trong việc trả thù. Dù Sripati muốn ôm lấy Jogmaya và thề rằng tình cảm tốt đẹp của anh dành cho Kadambini xinh đẹp và bất lực là không nên ít hơn tình cảm phải có song anh không nói và làm gì. Anh nghĩ cha chồng của cô ấy đã đối xử tệ với cô nên khi không thể chịu được nữa, cô đã bỏ đi, tới lánh nạn ở chỗ mình. Cô ấy không cha không mẹ nên nỡ nào anh lại đuổi cô ấy đi? Nói thế xong, anh gút lại vấn đề. Lòng nào mà anh nỡ làm cho Kadambini đau khổ bằng cách hỏi những câu không vui. Sau đó, vợ anh cố dùng các biện pháp khác của một bà chúa, cho đến khi anh thấy rằng vì sự bình yên, anh phải viết thư cho cha chồng Kadambini. Nhưng anh nghĩ, thư từ là không đủ, do đó, anh quyết định đi tới Ranihat để tận mặt biết điều gì đã xảy ra. Thế là Sripati lên đường. Còn về phần mình, Jogmaya nói với Kadambini, “Bạn ơi, dường như thật là khó nếu bạn ở đây lâu hơn nữa. Người ta sẽ nói gì?” Kadambini nghiêm trang nhìn Jogmaya và nói: “Mình phải làm gì đây với người ta?” Jogmaya sửng sốt, sau đó chị ta nói sắc lẻm, “Nếu cậu không có gì để nói với mọi người, chúng tôi có. Chúng tôi phải giải thích sao đây khi cứ giữ lại trong nhà mình một phụ nữ thuộc nhà người ta?” Kadambini nói, “Nhà cha chồng mình ở đâu?” “Thật rắc rối!”, Jogmaya nghĩ. “Người phụ nữ khốn nạn này sẽ lại nói gì nữa đây?” Kadambini chậm rãi nói: “Mình có thể làm gì đây với bạn? Mình sống trên cõi đời ư? Bạn cười, khóc, yêu đương, tự chủ còn mình chỉ biết nhìn ngó. Bạn là người còn mình chỉ là cái bóng. Mình không hiểu tại sao thượng đế lại để mình sống trong nhà bạn như thế này”. Vẻ mặt và cách nói của cô quá lạ, đến mức Jogmaya chỉ có thể hiểu được vài ý chính, chứ không phải tất cả. Do không thể đuổi cô ấy đi và không thể hỏi gì nữa nên Jogmaya hậm hực bỏ đi.

IV.
Sripati trở về từ Ranihat vào khoảng mười giờ đêm. Mặt đất ngập tràn nước mưa. Có vẻ mưa sẽ không dứt và đêm sẽ không bao giờ kết thúc.

Jogmaya hỏi, “Có tin gì hay ho không anh?”.

“Anh giờ có rất nhiều thứ để kể...”. Nói xong, Sripati thay quần áo và ăn tối, sau đó nằm hút thuốc lá. Anh thấy lúng túng. Vợ anh ngẫm ngợi một hồi lâu sau đó đi đến bên ghế tràng kỷ chỗ anh nằm và hỏi: “Anh nghe được gì?” “Em chắc chắn đã phạm sai lầm”. Jogmaya phát cáu. Phụ nữ không bao giờ phạm sai lầm, nếu họ phạm phải, một người đàn ông có lý trí sẽ không đề cập tới; tốt nhất là anh ta nên cứ mặc kệ. Jogmaya nói gắt gỏng, “Em có quyền được nghe hay không?” Sripati đáp: “Người phụ nữ em đưa vào nhà không phải là Kadambini”. Nghe thế, chị ta vô cùng bực bội, đặc biệt khi đó là lời của chồng mình. “Cái gì! Em không nhận ra bạn em sao? Phải nhờ tới anh để giúp em nhận ra cô ấy hay sao? Anh thật thông minh!” Sripati giải thích là không cần thiết phải ồn ào về trí thông minh của anh. Anh có thể chứng minh điều anh nói. Không nghi ngờ gì nữa, Kadambini của Jogmaya đã chết. Jogmaya đáp: “Anh nghe đây! Anh chắc chắn đã lầm to. Anh chắc đã đến lộn nhà hoặc đã nghe không đúng. Ai bảo anh đi? Chỉ cần viết thư là mọi thứ sẽ rõ ràng”. Sripati thấy bị tổn thương do vợ anh không tin vào khả năng sắp xếp công việc của mình. Anh đưa ra đủ chứng cứ nhưng không có kết quả. Cho đến nửa đêm họ vẫn còn bất hòa với nhau. Dù họ đồng ý với nhau rằng Kadambini cần phải đi khỏi nhà, dù Sripati tin vị khách của họ đã lừa vợ anh khi vờ làm người quen biết và dù Jogmaya tin cô ấy là một ả điếm nhưng cuộc trò chuyện giữa họ vẫn không có kết quả gì. Họ càng lúc càng to tiếng mà quên bẵng đi là Kadambini đang ngủ ở phòng kế bên. Một người nói, “Thật rắc rối! Anh nói với em là anh đã nghe tận tai!” Người kia giận dữ đáp: “Còn em thì sao? Em đã thấy tận mắt điều đó!” Cuối cùng, Jogmaya nói: “Tốt. Hãy nói cho em biết Kadambini chết khi nào?” Chị ta nghĩ là nếu thấy có sự bất nhất giữa ngày Kadambini chết và ngày chị nhận được thư từ cô ấy thì chị có thể chứng minh là Sripati đã sai. Anh nói với chị ngày Kadambini chết và cả hai thấy rằng ngày đó xảy ra trước khi cô ấy đến nhà họ. Jogmaya thấy run rẩy còn Sripati thì bất động. Cánh cửa bỗng mở toanh ra, một cơn gió lạnh tràn vào và thổi tắt ngọn đèn. Bóng tối lan khắp căn nhà. Kadambini đứng dậy giữa phòng. Lúc đó khoảng một giờ sáng, ngoài trời mưa như trút nước. Kadambini nói: “Bạn ơi, mình là Kadambini của bạn nhưng mình không còn sống nữa. Mình đã chết”. Jogmaya thét lên sợ hãi. Sripati á khẩu. “Nhưng trừ việc đã chết rồi, mình chẳng làm gì sai trái với bạn cả. Nếu không có chỗ khi sống mình cũng sẽ không có chỗ lúc chết. Ô, mình biết đi đâu đây?” Cô gào khóc như muốn đánh thức tạo hóa đang ngủ say trong đêm mưa và nói lần nữa, “Ô, mình biết đi về đâu?”. Nói xong, Kadambini chạy ra ngoài tìm một nơi chốn nào đó cho mình, bỏ lại cô bạn đang bị ngất xỉu.

V.
Thật khó nói là Kadambini đã làm thế nào để trở lại Ranihat. Lúc đầu, cô trốn cả ngày trong một ngôi đền bỏ hoang, không để ai thấy và nhịn đói. Khi đêm xuống, mưa vẫn rơi dày và mọi người đều ở trong nhà vì sợ có bão, thì cô đi ra khỏi ngôi đền. Cô run rẩy khi đi tới gần nhà bố chồng. Cô mang mạng che mặt dày và đi vào nhà, không có người gác đền nào ngăn cản cô vì họ nghĩ cô là một người hầu. Mưa gió vẫn gào thét. Bà chủ nhà, vợ của ông Saradasankar đang chơi bài với cô em gái góa chồng của bà. Một người hầu đang ở dưới bếp, còn đứa bé bị bệnh thì đang nằm trong phòng ngủ. Kadambini tránh được sự chú ý của mọi người và đi vào phòng đứa bé. Tôi không biết tại sao cô ấy lại đến được nhà cha chồng của mình, cô ấy cũng không biết. Cô chỉ muốn được nhìn thấy đứa bé kia một lần nữa. Cô không nghĩ tới việc tiếp theo mình sẽ đi đâu hoặc làm gì. Trong ánh sáng lờ mờ, cô thấy đứa bé đang ngủ, hai nắm tay nắm lại, người nóng sốt. Thấy thế, lòng cô nhói đau. Cô chỉ mong được ôm thân thể đang bị bệnh đau hành hạ của đứa bé vào lòng. Nhưng cô bỗng nghĩ: “Mình không còn sống. Ai sẽ trông nom nó? Mẹ nó chỉ thích đàn đúm và cờ bạc. Từ khi phó đứa bé cho mình, cô ta trở nên vô lo. Ai sẽ trông coi đứa bé như mình đang trông coi bây giờ?” Đứa bé trở mình, mơ màng nói, “Bác ơi, cháu muốn uống nước”. Đứa bé đã không quên bà bác dâu yêu quý! Trong sự hứng khởi, cô rót nước, ôm đứa bé vào lòng và cho nó uống nước. Do đang ngái ngủ, đứa bé không nhận thấy có gì lạ trong bàn tay đang cho nó uống nước. Nhưng khi Kadambini do muốn thỏa lòng thương nhớ nên cúi hôn và đòng đưa nó, đứa bé tỉnh dậy và ôm lấy cô, “Bác chưa chết sao?”, nó hỏi.

“Đã chết rồi cháu ơi”.

“Bác trở về sao? Bác không chết nữa chứ?” Trước khi cô có thể trả lời, tai họa đã ập đến. Một người hầu gái bưng ly sago vào thấy cô nên ngã xuống, đánh rơi chiếc ly. Nghe tiếng ly rơi, bà chủ nhà bỏ ván bài và đi vào phòng. Bà đứng như trời trồng, không nói được một lời. Thấy thế, đứa bé bỗng sợ và khóc thét: “Bác đi đi, đi đi”, nó nói. Đúng lúc đó, Kadambini hiểu rằng mình chưa chết. Căn phòng cũ, đứa cháu ngày nào và tình yêu thương như xưa trong cô bỗng sống dậy, quen thuộc và không thay đổi. Trong nhà bạn cô, cô nghĩ người bạn thuở ấu thơ của bạn cô đã chết. Nhưng trong căn phòng của đứa bé, cô biết là “Bác” của đứa bé chưa chết. Cô nói mạnh bạo: “Này chị em, tại sao lại sợ tôi? Hãy nhìn, tôi vẫn là tôi”. Cô em bạn dâu của cô không chịu nổi tình huống nên té xỉu. Ông Saradasankar bước vào phòng. Ông vòng tay, nói như van xin: “Như thế này có đúng không? Satis là con trai duy nhất của tôi. Tại sao chị lại hiện về với nó? Chúng tôi không phải là bà con của chị sao? Từ ngày chị đi, nó mòn mỏi từng ngày, sốt không hết, ngày đêm kêu “Bác ơi, bác ơi!” Chị đã bỏ cuộc đời, bỏ yêu thương. Chúng tôi sẽ cúng giỗ tử tế cho chị”. Kadambini không chịu được nữa, cô nói: “Ô, tôi chưa chết, chưa chết. Ô, làm sao tôi có thể thuyết phục chú rằng tôi chưa chết? Tôi còn sống, còn sống”. Cô cầm cái ấm đồng lên và đập vào trán mình. Máu chảy ra. “Nhìn đi”, cô nói, “Tôi còn sống”. Saradasankar đứng như phỗng, đứa bé sợ thét lên, còn hai người phụ nữ thì nằm bất động. Sau đó Kadambini thét, “Tôi chưa chết, chưa chết!” rồi cô đi xuống tầng trệt, ra giếng và nhảy xuống. Từ tầng trên, Saradasabkar có thể nghe được tiếng nước tung tóe. Đêm đó, mưa rơi cả đêm. Mưa rơi đến tận bình minh ngày hôm sau và tới trưa. Bằng cái chết, Kadambini chứng minh rằng mình chưa chết.

Trần Ngọc Hồ Trường dịch
Nguồn: Tagore.com
 
(TCSH388/06-2021)




 

 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Trở về ký ức (08/06/2021)
Qismati và Nasibi (29/04/2021)
Quả bóng đỏ (16/04/2021)
Cô bé bán diêm (18/02/2021)
Ván cờ (08/01/2021)