Truyện dịch
Bức tranh thêu
08:49 | 16/03/2023


SHIMAZAKI TOSON

Bức tranh thêu
Ảnh: internet

Shimazaki Toson (1872 - 1943), nhà thơ và là tiểu thuyết gia, tên thật là Shimazaki Haruki. Sinh ra tại làng Magome, tỉnh Chikuma (nay là Magome, thành phố Nakatsugawa, tỉnh Gifu). Tập thơ đầu tiên do Shunyodo ấn hành có tên “Cỏ non” năm 1897 của ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà thơ sau này như là khởi đầu của nền thơ ca hiện đại Nhật Bản. Sau đó, năm 1906 ông xác lập vị trí là một tiểu thuyết gia qua việc công bố tác phẩm “Phá giới” và tiếp tục cho ra đời kiệt tác “Trước bình minh”. Năm 1943, ông mất tại nhà riêng ở Oiso.

                          Nguyễn Thống Nhất dịch và giới thiệu



Bức tranh thêu

Otsuka chợt tỉnh giấc.

Đã bình minh rồi. Nằm trong phòng, nghe có tiếng mưa rơi trên cửa chớp. Quả như là một cơn mưa ngang qua trên bầu trời đầu xuân của vùng Negishi. Tiếng mưa ấy đã đánh thức Otsuka. Một mình trên giường lắng nghe, âm thanh êm dịu của cơn mưa lọt vào tai. Thân thể già cỗi cuộn tròn bọc trong nệm và áo bông đã lâu của ông lại bắt đầu duỗi ra. Đó là thời điểm thích nằm nhất. Cả tay và chân đều uể oải. Ông muốn duỗi chân ra trên giường hơn nữa. Như côn trùng ẩn trong lòng đất, sự sống của ông lại trườn ra từ giấc ngủ.

Otsuka đã quá 50. Thế nhưng ông là một người không phân biệt được mình đang trẻ ra hay già đi, khí chất vẫn phong độ không thua kém người trẻ. Chẳng có con cái để nương tựa, cũng chẳng có niềm vui phân chia tài sản, cứ như vậy rồi chết đi sao, dù đã ở vào độ tuổi dễ suy nghĩ đến những điều như thế nhưng ông là người hay nói như một thói quen rằng: “Mình chưa già yếu lẩm cẩm đến thế đâu!” Với năng lượng dồi dào, đến nay ông đã xoay xở được nhiều việc và thậm chí còn muốn bắt đầu một điều gì đó mới mẻ. Ông không thể nằm mãi trên giường đợi người hầu hay các thư sinh1 đánh thức được nữa. Tuy nhiên, chỉ việc thức dậy sớm làm cho ông nghĩ có phải là có tuổi rồi không, nhưng khi tiếng mưa dứt thì ông cũng đã rời khỏi giường.

Một lúc sau, ông rời phòng bước ra khu vườn im vắng sau cơn mưa. Hít thở bầu không khí có mùi hương nhẹ nhàng vào sâu tận đáy lá phổi lớn của mình. Mái tóc dài và dày nay đã chuyển sang màu xám tro, nhuộm thì phiền phức quá nhưng ông chăm sóc nó rất tốt, mỗi khi hất những sợi buông thõng trước trán lên, ông lại cảm thấy thú vị như thời còn trẻ. Đã đến mùa, những mầm cỏ non cũng đã đục lớp đất cứng trồi lên xanh mơn mởn. Ông cảm thấy một sự ấm áp dễ chịu trào ra từ bên trong mình.

Như thường lệ, đã đến giờ tới công ty giải quyết công việc. Otsuka từ nhà riêng ở Negishi đi đến Kyobashi, dành một lúc ở công ty. Khi đến phố Ginza2 vì có công chuyện, ông thật sự cảm thấy cơ thể rất thoải mái. Quên luôn cả chứng đau lưng. Có lẽ những tháng ngày tay chân hoạt động tự do như biết nói đã quay lại rồi. Dưới ánh mặt trời chừng hơi làm cho xây xẩm, ông bước đi qua trước các cửa hiệu trưng bày đến phố Owari. Ở một bên của con phố rộng lớn, những cô gái trong trang phục hợp thời trang, những đôi vợ chồng trẻ, những phụ nữ người nước ngoài đang đi qua lại. Đột nhiên ông bắt gặp một người phụ nữ với mái tóc búi kiểu marumage3 đang mua sắm trước một cửa hiệu.

Otsuka nhìn người phụ nữ, kinh ngạc đến chừng như muốn thét lên trong lòng. Đó là người vợ mà ông đã chia tay chừng 3 năm trước.

Chẳng có khoảng hở nào để tránh. Cô ấy đã quay mặt về phía người chồng cũ. Otsuka giật mình làm ra vẻ như nhìn mà không thấy, cứ thế nhanh chân bước qua nhưng cảm thấy toàn thân như có luồng điện giật.

“Osen đấy à…”. Ông gọi thầm tên cô, đi quá chừng hơn nửa đinh4 rồi mới quay lại nhìn. Qua hàng liễu rủ những nhành hoa màu vàng xanh rực rỡ, ông trông thấy hai người phụ nữ đang băng qua phía bên kia đường tàu điện… Một người có vẻ như là cô ấy…

Cô ấy trông rất trẻ; mà cũng dĩ nhiên thôi, vì khi kết hôn với Otsuka là lúc 20 tuổi, ly hôn lúc 25 tuổi. Otsuka đã nghe cô lấy một bác sĩ và cả chuyện cô cũng đang sống ở Tokyo. Tuy nhiên, tình hình của cô vốn không rõ từ khi chia tay ba năm trước, lúc ấy, như lóe lên trong đầu ông. Chỉ với cái nhìn lướt qua hình ảnh cô đang choàng chiếc khăn san thời trang màu nhạt, ông đã tưởng tượng mãi không dứt rằng không biết cô ấy đang sống với một người như thế nào, không biết cô ấy có một gia đình ra sao?!…

Ánh nắng ấm áp chiếu lên trên những bức tường nhiều màu của các tòa cao ốc phố Ginza. Trong khi đang đi quanh vì công việc, đôi khi ông dừng lại trên đường, đứng nghĩ về Osen. Nghĩ về nỗi buồn dài đằng đẵng mà cô ấy để lại lúc chia tay.

Có lẽ, bây giờ cô ấy đang hạnh phúc… chú chim nhỏ ngây thơ… Cái gia đình như đã tắt ánh lửa sau khi cô ấy ra đi… những ngày buồn u ám… Rồi thì, sao lại để tuột mất chú chim nhỏ đáng yêu đến thế… sao lại không quý trọng cô ấy hơn… Đến lúc này, khi chứng kiến cô đã là vợ người khác, Otsuka cứ nghĩ ngợi mãi về những điều như thế!

Minh họa: PHAN THANH BÌNH


Buổi chiều, khi về lại công ty, người kéo xe đã mang xe đến và đang chờ ông. Ông cảm thấy không thể chịu đựng nổi khi trèo lên đó rồi chạy đi khắp nơi được nữa. Bỏ việc đi ngân hàng, bỏ luôn việc thăm hỏi người của công ty khác, vội vàng giải quyết công việc rồi bảo kéo xe về nhà ở Negishi.

Việc Otsuka kết hôn với cô, lúc ấy, trong người thân và bạn bè cũng có những ý kiến phản đối kịch liệt. Bất chấp điều đó, ông đã chọn một người phụ nữ trẻ hơn mình nhiều tuổi. Cuộc hôn nhân vui vẻ không thể bị thay đổi bằng bất cứ điều gì. Từ mối ràng buộc giữa hai người theo cách ấy cho đến cái kết cục chia ly đầy bất hạnh, cả nỗi buồn của ba năm trước lẫn niềm vui của tám năm trước, hầu như cùng nhau trào dâng lên trong lòng Otsuka lúc ngồi trên xe.

Tất nhiên khi lấy Osen, Otsuka không phải là người lần đầu tiên kết hôn. Tuổi tác là bằng chứng rõ ràng nhất. Thế nhưng, tám năm trước, lúc cưới Osen mới 20 tuổi làm vợ, ông không hề nghĩ đến việc có thể trở thành một cặp đôi không hợp nhau như người thân và bạn bè ngăn cản. Sự sôi nổi, tràn đầy năng lượng và những tham vọng vô hạn đến bây giờ vẫn khiến ông cảm thấy như ở tuổi tráng niên. Huống chi là tám năm trước. Với bằng chứng đó, ngay cả khi sánh bước cùng với Osen, chẳng có ai nhìn họ rồi cười với vẻ trông không giống như vợ chồng cả. Ít ra thì Otsuka đã nghĩ như thế. Tại sao Osen lại không phục trang giản dị chẳng hạn để xích lại gần với ông một chút kia chứ?! Bây giờ cô ấy vẫn hào nhoáng như thế. Thế nhưng, việc có được một cô vợ trẻ trung xinh đẹp không hoàn toàn là niềm vui như ông tưởng tượng. Sau khi kết hôn chừng 60 ngày ông đã thấy mỏi mệt. Không, không, giá như cô ấy thấu hiểu tâm lý đàn ông thêm một chút, giá như cô ấy đừng ăn mặc quá thu hút ánh mắt người khác hơn một chút, giá như cô ấy có thể trở thành một phụ nữ chỉn chu thế nào đó hơn một chút thì trong những tháng ngày chung sống đã qua, từ trong thâm tâm ông sẽ không trách cứ cô một ngày nào…

Gặp lại người vợ sau ba năm kể từ khi chia tay, Otsuka có cảm giác như những điều bình thường ông đã tin - Đúng rồi, đó là việc ai đó, kể cả phụ nữ khen ngợi cô ấy là một người chỉn chu - bị đảo lộn từ gốc rễ.

“Người chỉn chu à, ấy là gì vậy?!” - Ông hỏi ngược lại với chính mình trước kia lúc về đến nhà. Ông tìm kiếm trong ngôi nhà của mình hình bóng Osen, người đã không còn nữa. Ông đi khắp các phòng.

Ở hành lang đối diện khu vườn trong, con Maru với bộ lông dài màu trắng phát hiện ra chủ liền chạy lại. Đó là chú chó Chin5 được Osen nuôi khi còn ở đây. Thân thể nhỏ nhắn nhưng rất thông minh nên thân thiện với con người. Mỗi khi hai người ra ngoài hay đi đâu đó về, Maru là kẻ đầu tiên nghe thấy tiếng bước chân của Osen. Và là kẻ luôn bám vào vạt áo của cô ấy. Otsuka cũng cảm thấy như Osen vẫn đang đứng trên hành lang ấy, ôm nựng chú chó nhỏ.

Ông đến phòng ăn. Vẫn như khi Osen đang còn, ở đó đặt một chiếc bàn ăn lớn bằng gỗ cây keyaki. Chiếc đồng hồ treo tường lục giác màu đen vẫn đang treo ở đó. Ông ngồi xuống bên cạnh chiếc bàn ăn ấy và bảo cô bé nhà quê đem cà phê đến. Có thể nhìn thấy căn bếp nằm ngăn cách hành lang. Có tiếng dép zori6 đi trong nhà của bà lão chăm chỉ. Cô bé là cháu của bà, sau khi Osen ra đi, đã gọi từ quê lên. Trong nhà cũng có chừng hai thư sinh. Nhưng người biết những chuyện thời còn Osen, ngoài bà lão tận tụy chăm sóc chủ ra thì không còn người nào khác. Bà lão đã phục vụ lâu năm, biết cả những sở thích ăn uống của chủ.

Cô bé đem đến một tách cà phê. Bà lão từ phía nhà bếp mang bình đựng sữa đến. Con Maru cũng theo vào.

“Maru cũng lớn tuổi rồi đấy. Mùa này bị cảm lạnh suốt, hắt hơi liên tục!” - Bà lão nói.

Otsuka không kể với ai trong nhà chuyện hôm ấy ông đã gặp lại người vợ cũ. Maru vừa ve vẩy đuôi vừa tiến lại gần chủ. Khi Otsuka xoa đầu, nó liền ngước bộ mặt bị những sợi lông dài màu trắng che phủ lòa xòa lên, nhìn ông với vẻ rất là Chin, khịt khịt mũi vui mừng.

Khi nhìn ngắm căn nhà như thế, điều đầu tiên làm ông nghĩ đến là như thể Osen đang ở quanh chiếc bàn ăn vắng vẻ đó. Osen vừa không phải là phụ nữ có thể giúp chồng trong công việc, vừa làm ông nhiều lần nghĩ rằng, đặc biệt là những khi có khách, giá như cô ấy tỏ ra quyền uy như một người vợ một chút thì… “Phu nhân quá nhu mì, với ai cũng quá muốn làm họ hài lòng!” - Đến ngay cả bà lão cũng đã nói như thế. Nhưng, cô là người rất thích loay hoay bên bàn ăn nên thường lấy từ góc phòng ăn ra dụng cụ xay cà phê rồi tự mình xay những hạt cà phê đã rang lách cách.

Mùi cà phê thơm phức đưa tâm hồn Otsuka về lại quá khứ. Otsuka vẫn còn nghe thấy tiếng cười nhỏ nhẹ của cô khi ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn ăn ấy với Maru trên đùi. Cô rất giỏi đan len, trải ra trên chiếc bàn ăn ấy tấm lót bình hoa được đan bằng những sợi len màu xanh và trắng rồi đặt lên đó những cành hoa hồng thơm để trang trí. Loài hoa nào cô cũng thích nhưng Osen đặc biệt thích hoa hồng vàng. Rồi cô nheo mắt, không chỉ để bản thân thưởng thức mà còn muốn cho mọi thứ trong nhà đều được hít hà với mùi hương ấy. Cho cả Maru ngửi. Otsuka vẫn còn có thể trông thấy được đôi bàn tay trắng nõn mềm mại của cô đặt trên bàn. Thậm chí còn có thể nghe thấy được cả hơi thở của cô khi cô đưa bình hoa hồng ấy mời chồng.

Ông đi ra vườn. Khu vực từ phòng ăn đến phòng zashiki7 bên trong được làm theo kiểu hồi lang, giữa đó có một vườn tiểu cảnh yên tĩnh. Nhiều loài cây được trồng trong khu vườn khá rộng kéo dài đến khu tiểu cảnh, bao quanh lấy căn phòng zashiki. Gần chiếc giếng vườn nhỏ cổ kính, có một cây anh đào non nở hoa hằng năm. So với các loại cây khác, thân cây mảnh mai của nó cao hơn. Đã bung những nụ màu hồng rủ xuống nhưng một số đã nở trong cơn mưa ấm áp lúc ban sáng. Đó là nơi Osen giắt vạt áo kimono vào obi8, chỉ để lộ ra tấm nagazuban9 với hoa văn rực rỡ, xỏ chân trần vào đôi guốc đi vườn và kiên nhẫn nhổ cỏ dại. Otsuka đi loanh quanh trên mặt đất vườn được ánh nắng mùa xuân chiếu rọi và hồi tưởng vẻ nhí nhảnh như trẻ con của cô ấy.

Phải rồi. Một đứa trẻ với tấm lưng thon thả nữ tính và mái tóc trước duyên dáng. Khi mới cưới cô ấy, Otsuka có một ngôi biệt thự lớn hơn ở Yushima nhưng ngân hàng mà ông có quan hệ thân thiết bị phá sản nên đã cho người khác thuê rồi chuyển đến ngôi nhà ở Negishi này. Trong khi xảy ra sự việc như thế, người mà ngay cả đến hộp đồ trang điểm của chính mình cũng phải phiền đến tay chồng như Osen chẳng biết nên làm gì, chỉ biết ôm con Maru và nhìn. Trẻ con đến chừng như thế. Lúc ấy, Otsuka chỉ biết thở dài. Nhưng, sau khi chuyển đến và đã ổn định ở Negishi này, cô ấy đã rất vui vì có nơi để đi hái chồi ngải cứu vào đầu mùa xuân, với trang phục gọn nhẹ, cô ra khỏi nhà và trên đường về thì mua theo những nhành lan tím từ tiệm hoa. Có điều gì đó trong vẻ ngây thơ của cô khiến ông không thể ghét hay làm bất cứ điều gì.

Với kiểu bé bỏng, đôi khi cũng rất đáng yêu nhưng cứ mãi như thế của Osen, dần dần biến thành một người mà ông phát mệt khi nhìn thấy. Những năm trước khi chia tay, Otsuka để mọi thứ diễn ra theo ý cô, bỏ mặc mọi sự gia đình. Không hề than phiền… chỉ cố gắng tránh cô ấy… và bản thân thì đến công ty suốt… nếu không thì cũng lấy cớ giải quyết việc công ty để đi du lịch… Bằng những cách đó, ông cố quên đi nỗi buồn không tên…

Sau chừng 5 năm chung sống với Osen, Otsuka chỉ chờ cơ hội để chia tay cô. Cơ hội đã đến… Hơn nữa lại đến với một cách không thể chấp nhận được… Otsuka nghĩ.

Ông đến xem căn phòng cũ của cô ấy. Giờ nó được dùng làm phòng tiếp khách đặc biệt, cho cả những vị khách thân thiết. Chỉ ở đó mới đặt bộ bàn theo phong cách phương Tây và những chiếc ghế bành. Ông ngồi vào một chiếc.

Đó cũng chính là căn phòng đọng lại nhiều ký ức muộn phiền. Việc bỏ lại người vợ trẻ đẹp, đi du lịch cô đơn một mình suốt và việc bất chấp phản đối của người thân, bạn bè, không nghe lọt tai lời của bất cứ ai để đón Osen về và cuối cùng thì chờ đợi cơ hội để chia tay với người đó, sau này khi nghĩ lại cứ như một giấc mơ. Thực tế, đó là sự thực không thể tránh được. Là sự thực từ chiếc nệm kết hôn vui vẻ mà không điều gì có thể thay đổi được ấy, những con côn trùng đáng sợ như chực bò ra cắn xé cuộc sống già cỗi…

Otsuka nghĩ đến những ngày bỏ rơi cô ấy mà không hề quan tâm. Nghĩ đến cả sự thân mật lẫn niềm vui chồng vợ mà giờ đã trôi qua. Nghĩ đến việc Osen là người không những chỉ biết đan len mà bất cứ thứ gì liên quan đến thủ công cũng đều yêu thích nên cũng thích thêu thùa nhưng cuối cùng đã trốn vào những công việc tủn mủn như thế để qua ngày trong căn phòng này.

Đi đến vén bức màn buồn bã lên. Otsuka đã bắt gặp cạnh bên khung thêu đó, không thể tha thứ, hai người trẻ. Đương nhiên, không thể trách cô ấy chỉ vì trông thấy cô trò chuyện thân mật và người thư sinh ở trong nhà lúc đó hay ra vào phòng cô nhưng… có quá nhiều điều không nghi cũng phải ngờ… Ông đã giận run lên vì ghen tuông cực độ đến mức muốn xẻ bộ ngực trắng nõn của vợ ra xem bằng đầu một con dao nhọn.

Nghĩ tiếp đến đó, không chỉ toàn chuyện của Osen, Otsuka bắt đầu nhìn nhận bản thân mình rõ ràng hơn trước. Dồn ép cô ấy về phía bức màn buồn bã đó, là ai?! Hãy xem như Osen không có tội tình gì như lời cô ấy đã biện minh cho mình - Thay vì một người chồng lạnh lùng bỏ bê, có lẽ cô cảm thấy vui vẻ hơn với một người trẻ tuổi tốt bụng cho dù anh ta không có chí khí đi nữa. Kẻ làm cho cô vui vẻ với điều đó, là ai?! Lấy đó làm cơ hội để chia tay, chờ đợi cái ngày cô ấy ra đi, là kẻ quái nào?!

Một cảm giác hối hận khó lòng đè nén trỗi dậy. Hình ảnh Osen để làm ra bức tranh thêu hoa lan tím trong căn phòng này, cô đã ướm mảnh giấy có hình hoa lên vải, quét phấn trắng lên, rồi luồn chỉ thêu màu tím nhạt theo đó làm ông bắt đầu thấy đáng thương nhiều hơn đối với người chỉ biết rơi nước mắt. Ngồi tựa vào chiếc ghế, Otsuka nhớ lại rất nhiều điều. Ông nhớ lại người vợ trẻ cũng đã nhìn mình với ánh mắt e ngại không rõ lý do. Nhớ lại việc thường hay nghe thấy âm thanh sụt sịt của cô từ trong phòng này.

Một thư sinh hiện đang trọ học bước vào. Báo có khách đến. Như bị phá vỡ phút trầm tư, Otsuka bảo với người thư sinh rằng không muốn gặp ai cả, hãy hỏi xem có chuyện gì là được.

“Bảo họ rằng xin để thảo luận với người trong công ty rồi sẽ gọi điện thoại lại!” Ông nói thêm. Việc Otsuka từ chối tiếp khách là chuyện hiếm khi xảy ra.

Sau khi người thư sinh ra khỏi, Otsuka đi đi lại lại trong phòng, chợt nhớ đằng kia có chiếc tủ, ở đây có dựng tấm bình phong xung quanh. Ông gạt một tấm cửa trượt ngăn chia rồi bước vào căn phòng chứa đồ ngay bên cạnh. Đó là căn phòng nhỏ nơi Osen soi gương chải tóc. Đó là nơi cô ấy thường treo bộ kimono dài và áo lót sát thân của mình.

Nghĩ không biết có để lại vật gì không, Otsuka mở luôn cả tủ ra xem.

Phải rồi, Osen đã khóc, nói không nhớ chuyện gì cả nhưng cuối cùng có vẻ cô đã chuẩn bị tư tưởng, ngước khuôn mặt đỏ hoe sưng húp lên, tuân theo lời chồng bảo, quay về nhà mình. Ngay cả trong lúc đó, cô cũng không biết làm sao thu xếp với đồ đạc của chính mình. Hầu như bế tắc. Không có sự giúp đỡ của chồng, cô thậm chí không xếp được cả đồ vào chiếc va-li bằng mây. Không thể khoanh tay đứng nhìn, Otsuka đã phải gói lại giúp cô chiếc tay nải. Nhìn theo cho đến tận khi cô lên xe. Như thể đưa tiễn con gái của mình. Một người hồn nhiên đến mức như thế.

Từ nơi chứa đồ có thể nhìn ra vườn xuyên qua phòng ngủ. Hình ảnh Osen lúc đi ra đi vào phòng hiện lên trong mắt. Trong vườn còn có một cây đỗ quyên già, khi những bông hoa màu tím nở trên những cành mảnh mai của nó, ánh mặt trời phản chiếu màu tím nhạt đến cả cánh cửa shoji10 của căn phòng. Bằng cách nào đó, có khi màu sắc ấm áp đó còn chiếu đến cả trên chiếc chiếu tatami11 nơi cô đang nằm chợp mắt.

Đột nhiên, từ phía ngoài vườn vang lên tiếng gọi của người thư sinh. “Maru… lại đây, lại đây!”

Maru chạy ra hành lang, không có ý định nhảy xuống vườn mà sủa lên với giọng điệu đùa nghịch.

Tiếng sủa của chú chó Chin mà Osen yêu như con làm ông nhớ cô ấy nhiều hơn. Nó cũng làm ông nghĩ đến cả chuyện đã chưa có đứa con chung nào với cô. Otsuka rời khỏi phòng để đồ, đi vòng ra phía sau chiếc ghế bành trong phòng. Bước ra hành lang, những chiếc lá non của hoa anh đào ở ngay trước mặt. Ánh nắng mùa xuân rực rỡ chiếu trên những đóa hoa.

Maru vừa gầm gừ vừa chạy lại bên chủ, cào cấu và vẫy đuôi ra chiều vui vẻ. Chú chó nuôi đã lâu này nhận biết được tâm trạng con người. Khi không còn trông thấy Osen, nó đã đi quanh nhà tìm kiếm, trở nên héo hon với vẻ mặt đầy chán chường.

Otsuka bế Maru lên đùi, ghé sát vào mặt như ôm chặt. Những sợi lông màu trắng mềm mại của nó làm ông có cảm giác như thể chạm vào đôi má của Osen.

Chia tay cũng là vì cả hai thôi, ông đã nói những lời như thế với Osen và buộc cô về lại nhà mình. Otsuka cũng nghĩ về việc đó.

Chia tay là vì điều gì nhỉ?! Nhất định không phải là do chuyện kia. Sau đó, Otsuka đã tưởng tượng một cách sống động những lời nói, những bức thư hai người trẻ trao cho nhau mà ông không thấy được, thậm chí cả cảnh họ lén lút hẹn hò. Cứ nghĩ đến điều đó là ông không thể nào làm việc được, khi thì muốn tìm xem bọn họ đang ở đâu, lúc lại cười vào sự nông nổi không phù hợp với tuổi tác của mình, lúc thì khinh miệt lòng dạ của người phụ nữ xinh đẹp mà không đoan chính, rất nhiều lần ông ngồi giữa sự chế giễu của người thân và bạn bè, những người hoàn toàn không trông thấy việc đó, trải qua những ngày tháng cô đơn. Nỗi buồn dài đằng đẵng mà cô ấy để lại khiến mái tóc vốn đã bạc của Otsuka càng trở nên bạc hơn.

Tin đồn Osen đã kết hôn với một bác sĩ làm lòng ông chùng xuống như bị một vật nặng nào đó đè lên. Người phụ nữ từng là vợ của ông giờ đã hoàn toàn là của người khác. Ông bắt đầu nhận ra sự thật đó.

Otsuka trở nên hối tiếc mọi điều. Đổi sang nhìn nhận theo cách suy nghĩ của phụ nữ. Tâm tình của đàn ông không cần hiểu cũng được, có giúp đỡ được công việc hay không cũng được. Thay vì là một phụ nữ quyết đoán được cho là chăm chỉ hay có tính cách mạnh mẽ để rồi toàn tranh đấu với đàn ông thì ngược lại, là một người mau nước mắt, mong manh dễ vỡ thì tốt hơn. Nếu vui vẻ nữa thì càng tốt. Không thể tránh được tính khí thất thường. Dù là người có làm việc bất nghĩa đi nữa cũng có mặt nào đó khiến lòng ta nhớ nhung. Với phụ nữ như kiểu Osen nếu quan tâm săn sóc thì khi lớn tuổi hơn có thể trở thành một phu nhân tốt không chừng. Tình cảm cũng tốt đẹp khi chín muồi.

Giá trị con người như đảo lộn. Ông cảm thấy rất buồn trước việc chia tay Osen mà không có lựa chọn nào khác. Tự hỏi tại sao ngay từ đầu không coi trọng cô ấy hơn?!

Bà lão với khuôn mặt trung thành từ nhà bếp đi vòng qua hành lang, đến nơi ông đang vừa vuốt ve bộ lông của Maru vừa đắm chìm trong những suy nghĩ ấy. Bảo rằng có thứ gì đó như quà xuân từ người thân Otsuka gửi đến. Trên những chiếc lá trúc xanh tươi, có những con cá bơn như đang còn sống. Bà đem đến cho ông xem. Tay vẫn cầm chiếc đĩa lớn, bà lão nhìn Otsuka.

“Nướng muối được không ông chủ? Lúc này là thời điểm ít cá nên cá bơn này hiếm lắm đấy. Cá ngừ vằn, cá thu chỉ vừa mới có thôi” - Bà nói và chờ xem thái độ vui vẻ của chủ.

Có áo quần gì đó của Osen để lại không? Otsuka bất chợt hỏi bà lão như thế.

Bà tỏ ra kì lạ.

“Áo quần của phu nhân à? Không để lại thứ gì. Đã gửi về nhà cô ấy hết rồi. Vì ông bảo đừng nên để lại gì cả nên… Vì thế, ngay cả áo ngủ, sau đó lão cũng giặt rồi gửi đi cùng với chăn hay gì đó luôn rồi.”

Bà trả lời rồi lẩm bẩm như tự nói với mình.

“Ông chủ hôm nay làm sao vậy… Có bao giờ hỏi đến chuyện áo quần của phu nhân còn hay không thế đâu.”

Nói xong, bà bê đĩa cá đi về phía nhà bếp.

Ngay cả tiếng chim hót trong vườn, cũng thầm thì bên tai Otsuka rằng mùa xuân đã trở lại. Là thời điểm mọi ký ức sống lại như cỏ non. Thân nhiệt dễ chịu khiến ông nhớ vợ cũ đến lạ.

Khoảng giờ ăn tối, người phụ nữ đến may vá cũng đã ra về. Những thư sinh liên tục lạch cạch với ống nghe điện thoại. Trong phòng ăn đã được thắp đèn, Otsuka nhớ lại lúc cùng Osen ngồi ăn đối diện nhau qua chiếc bàn ấy. Nhớ lại gò má cô khi ánh đèn chiếu vào. Nhớ lại nụ cười trên đôi má hồng ấy, nhất là khi cô ra khỏi bồn tắm.

“Ông chủ muốn dùng cá nướng muối không? Với súp nhum biển thì sao ạ?” Bà lão từ nhà bếp đi đến nói. Bên cạnh cô cháu gái của bà đang cung kính phục vụ có cả con Maru, nó nhìn chủ nhân ăn, thỉnh thoảng lại sủa lên như thèm muốn, như bắt chước cầu xin.

Trong lòng Otsuka cũng hiện lên hình ảnh người con trai đã lâu không có tin tức, không biết là đang làm gì. Không phải Otsuka hoàn toàn không có con. Có một người. Nhưng giờ đây đã trở nên bặt vô âm tín. Đó là người con ông có từ khi còn rất trẻ, vóc dáng to lớn như bố. Chiều cao cũng gần như bố.

Khi Otsuka giới thiệu người con trai này với Osen thì người mẹ, trái lại còn nhỏ tuổi hơn.

Hình ảnh bố mẹ con cái cùng ngồi ăn trong ngôi nhà ở Yushima hiện lên. Có một chiếc bàn ăn tương tự thế này ở ngôi nhà xưa đó. Ngọn đèn với cái chụp màu xanh đang chiếu sáng. Ở đó có Osen vừa mới cưới. Có cậu con trai của ông, người dù gọi cô ấy một cách thân mật “Cô Osen, cô Osen” nhưng nhất quyết không gọi là “Mẹ”… Dĩ nhiên, nó cũng làm ông nhớ ra rằng có vẻ như từ lúc đó trở đi cậu con trai dần dần không về nhà nữa.

Sau bữa ăn, bà lão mang trà thơm và nho khô đựng trong chiếc dĩa nhỏ đến đặt lên bàn. Bà vừa mời ông chủ dùng vừa kể ông nghe lời của người phụ nữ đến may vá.

“Người đó nói như vậy đấy. Bảo rằng hình như ông chủ ở đây đang tìm vợ, đúng lúc có người rất phù hợp. Nghe nói rất tốt… Nhà đó là nhà chùa đấy12… Vì gia thế quá tốt như thế nên trái lại lại làm lỡ hôn sự của con gái. Nghe nói là có học vấn và cũng đẹp người nữa. Tuổi chừng 40. Vẫn đang độc thân. Cũng có rất nhiều cô nương gia đình quý tộc già đi như thế đấy… Cô ấy bảo, người như thế ông có muốn không?! Dĩ nhiên là cũng còn tùy theo số phận!”

Mỗi lần nghe đến những chuyện như thế, Otsuka lại muốn bịt tai lại.

Không biết những ngày sống cùng người vợ như Osen có quay trở lại không. Nghĩ đến đó, hình ảnh người đã gặp ở Ginza lại ẩn hiện trước mắt Otsuka nhiều hơn. Người phụ nữ mà ông đã trông thấy qua những bông liễu úa vàng… Hơn cả một cái nhìn chi tiết nếu có, không hiểu sao ông còn có thể hình dung được rõ rằng cô ấy đã rất thong dong, cơ thể đã rất tự nhiên và toàn bộ dáng vẻ đầy nữ tính của cô ấy.

Đêm đó, Otsuka nhốt mình trong căn phòng, nơi mà ông cứ nằm xuống lại ngồi dậy, tìm kiếm hình bóng cô. Tìm trong tủ, trong ngăn kéo, trong cả những bức thư cũ. Rất hiếm khi cô ấy viết thư cho chồng. Ngay cả như thế nhưng nó cứ lẩn khuất đâu đó.

Bức tranh thêu xuất hiện. Đó là vật cô ấy tự tay thêu. Một kỷ vật rất tốt. Cánh hoa hồng màu đỏ làm gợi nhớ đến đôi môi cô ấy. Otsuka cứ áp mãi nó vào mặt mình.

Một đêm thật ấm áp. Không khí thế này thì hoa trong vườn sắp nở rộ rồi. Ngay cả ánh nắng mặt trời sau khi trời sáng cũng đáng lo nghĩ. Ánh sáng và nhiệt độ… là mong ước của tất cả mọi sinh vật. Tuy nói là vậy nhưng sự thực là sự hứng thú với điều đó của cả bà lão và Maru đã phai nhạt đi rồi. Mọi thứ xung quanh đang già đi. Trong khi đó, chỉ mỗi mình Otsuka lại đang ngày càng trẻ ra…

S.T
(TCSH408/02-2023)

Dịch từ nguyên tác tiếng Nhật. Nguồn: https://www.aozora.gr.jp/cards/000158/files/844_20940.html

-----------------------------
1 Học sinh trọ học trong nhà quan lại, học giả v.v, vừa học vừa giúp việc nhà cho chủ dưới thời Minh Trị, Đại Chính.
2 Khu phố ăn chơi nổi tiếng ở Tokyo.
3 Kiểu búi tóc của phụ nữ đã lập gia đình.
4 1 đinh = 109.1 m.
5 Một giống chó Nhật lông xù.
6 Loại dép xỏ ngón, đế bằng cỏ hoặc gỗ.
7 Loại phòng truyền thống, sàn lót chiếu tatami.
8 Thắt lưng đi kèm của kimono.
9 Áo dài mặc bên trong tránh làm bẩn kimono.
10 Cửa trượt dán giấy mỏng để lấy sáng.
11 Loại chiếu dùng để lót sàn nhà làm từ các sợi rơm khô đan ép chặt vào nhau. Tatami cũng được dùng làm đơn vị đo diện tích phòng với kích thước tiêu chuẩn tùy theo vùng, chừng 180 x 90cm.
12 Nhà sư ở Nhật có thể lập gia đình, sư thầy còn là hình mẫu lý tưởng của nữ giới.

 

 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Tuyết (18/01/2023)
Chị Linda (25/11/2022)
Kẻ hách dịch (31/08/2022)
Người con trai (18/08/2022)
Những bức hình (16/06/2022)