Truyện dịch
Sushi(1)
15:35 | 18/09/2024

Okamoto Kanoko (1889 - 1939) nhà thơ Tanka và là nhà nghiên cứu Phật giáo. Sinh ra trong một gia đình giàu có tại Tokyo, sau khi tốt nghiệp trường nữ sinh Atomi, bà theo học nữ tác gia Yosano Akiko và đã công bố một số bài thơ Tanka.

Sushi(1)
Nhà văn Okamoto Kanoko - Ảnh: wikipedia

Năm 1910 bà kết hôn với một sinh viên nghệ thuật nhưng sau đó vì tính cách mạnh mẽ của họ va chạm, gia đình đổ vỡ, bất hạnh chồng chất. Để vượt qua nỗi đau khổ của cuộc sống hôn nhân, bà đã tìm đến với Phật giáo. Bà qua đời ở tuổi 49 do xuất huyết não.

Những tác phẩm văn học của bà, phần lớn được sáng tác vào những năm cuối đời nên chỉ sau khi mất mới được xuất bản.

                                 Nguyễn Thống Nhất giới thiệu và dịch

 

OKAMOTO KANOKO

 

Sushi1


Tokyo có một nơi nhiều dốc đứng và vách đá, như thể là ranh giới phân tách hai khu vực Yamanote và Shitamachi2. Những người rẽ vào từ các khu phố lớn nhộn nhịp có cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Tóm lại, đó là những con hẻm nhỏ mà những người đã quá mỏi mệt bởi tác động từ đường phố lớn hay phố mới thỉnh thoảng trốn vào để tránh xa sự ồn ào huyên náo và để thay đổi tâm trạng.

Tọa lạc ở nơi thấp nhất trong khu vực ấy, tiệm Sushi Phúc là một ngôi nhà hai tầng với riêng phần mặt tiền mạ đồng là được cải tạo từ ba bốn năm trước. Phía sau chỉ thay thế phần chân của những chiếc cột được vách đá nâng đỡ, giữ nguyên trạng và tiếp tục sử dụng.

Đó là một tiệm sushi bình thường đã có từ lâu, nhưng do kinh doanh ế ẩm nên người chủ trước đã nhượng lại toàn bộ ngôi nhà, bao gồm cả biển hiệu, cho bố mẹ Tomoyo. Kể từ đó, cửa tiệm cũng dần dần trở nên khởi sắc.

Chủ nhân mới của tiệm vốn là một nghệ nhân được đào tạo trong một nhà hàng sushi bậc nhất ở Tokyo nên chẳng khó khăn gì trong việc đánh giá tình hình khu vực và nâng cao chất lượng món ăn. Trước đây, hầu như tiệm chỉ bán giao tận nơi nhưng kể từ khi đổi chủ mới, ngày càng có nhiều khách ngồi trước quầy hoặc ở phòng ăn, nên ban đầu, chỉ vợ chồng chủ tiệm cùng với cô con gái tự phục vụ, giờ đây phải thuê thêm đầu bếp và nếu không sử dụng trẻ chạy bàn cùng nữ giúp việc thì sẽ không đáp ứng kịp.

Khách hàng đến với tiệm mỗi người mỗi cảnh nhưng giữa họ có một điểm chung. Ấy là tất cả họ đều bị hiện thực cuộc sống dồn ép đến ngột ngạt, muốn thoát ra khỏi đó một chút để thay đổi tâm trạng. Mỗi người đều được phục vụ theo đúng ý mình, được sang trọng trong chừng mực của họ và trong khi đến đó, họ có thể buông tuồng, phơi bày hay che giấu bản thân tùy thích. Ở đó, cho dù họ có nói năng hay hành xử hèn kém thế nào cũng chẳng có ai coi thường. Họ nhìn cách nhón lấy sushi và dáng vẻ lúc uống trà của nhau với sự thân thiện như của những đồng đội cùng chơi trốn tìm với hiện thực khắc nghiệt, và với ánh mắt nhã nhặn như bảo vệ lẫn nhau. Hoặc cũng có những vị khách giống gỗ đá hơn là con người, chẳng hề quan tâm đến những người xung quanh nghĩ gì, lặng lẽ nhón lấy vài miếng sushi rồi nhanh chóng rời đi. Bầu không khí sống động và chân thực mà sushi tạo ra cho dù người ta có chìm đắm vào đó bao lâu cũng chẳng có gì làm xáo trộn được. Mọi sự đều trôi qua một cách nhẹ nhàng, không câu nệ.

Khách hàng thường xuyên của tiệm Sushi Phúc gồm có: ông cựu chủ tiệm súng săn, vị giám đốc quan hệ khách hàng của cửa hàng bách hóa, ông nha sĩ, cậu quý tử của cửa hàng bán chiếu, anh nhân viên bán hàng qua điện thoại, anh kỹ sư mô hình thạch cao, người bán đồ dùng trẻ em, nhân viên tiếp thị thịt thỏ, người môi giới chứng khoán đã nghỉ hưu… Ngoài ra, còn có một anh chàng chắc hẳn là nghệ sĩ làm việc liên quan đến sân khấu, sống đâu đó gần trong khu phố này, mỗi khi rạp hát rỗi việc hình như anh ta làm thêm công việc gì đó, khoác luộm thuộm chiếc áo lụa bóng, khéo léo nhón sushi bằng những ngón tay trắng nhợt nhạt, ăn rồi đi.

Nhóm khách hàng thường xuyên, người sống quanh đó thì những lúc rảnh rỗi đi cắt tóc chẳng hạn, nhân tiện tạt vào, người từ xa đến vì có công chuyện thì ghé qua trước hoặc sau khi giải quyết xong. Tùy theo mùa có khác nhưng khi ngày dài hơn, từ 4 giờ chiều đến lúc lên đèn là thời gian tụ tập đông đúc nhất. Mỗi người chọn lấy chỗ ngồi ở nơi yêu thích của mình, có người thì nhắm rượu cùng với sashimi3 được chế biến linh hoạt từ nguyên liệu của sushi hoặc với những món dưa muối chua trước, cũng có người bắt đầu ngay với sushi.

Bố của Tomoyo, chủ cửa tiệm, có lần từ nơi làm việc bước ra, đặt chiếc đĩa đựng món oshizushi4 màu hơi đen lên trên bàn ở giữa những khách hàng quen.

“Gì thế, món gì thế?”

Những người xung quanh nhìn vào với ánh mắt tò mò.

“Nào, xin mời thử. Món nhắm rượu đêm của tôi đấy!”

Ông chủ nói với khách bằng giọng điệu như với bạn bè mình.

“Cá mòi làm thế này thì vị đậm quá…”.

Một người nhón lấy và nói.

“Có phải cá thu ngựa không nhỉ?”

Bà chủ - mẹ của Tomoyo - đang ngồi dưới chân cột trong phòng nhìn thấy liền lắc lư thân hình đẫy đà, bật cười ha hả, nói: “Mọi người đều bị bố cho ăn quả lừa rồi!”

Đó là món oshizushi được làm từ cá thu đao muối rẻ tiền, dùng bã đậu phụ để loại bỏ bớt lượng muối và mỡ thừa.

“Ông chủ xấu tính quá nha, món ngon vậy mà làm để lén lút ăn một mình…”.

“Ủa, cá thu đao mà ăn thế này thấy khác quá nhỉ!”

Thực khách lao xao bàn tán không dứt.

“Dù sao chúng tôi cũng không có tiền để ăn sang được!” - Ông chủ nói.

“Ông chủ ơi, sao không đưa món này ra bán vậy?”

“Đừng đùa chứ. Nếu đưa thứ này ra thì những món sushi khác sẽ bị gạt đi không bán được. Quan trọng là cá thu đao rẻ quá, cũng không biết phải định giá thế nào.”

“Ông chủ biết buôn bán quá!”

Ngoài ra, thỉnh thoảng ông còn khéo léo chế biến những thứ như phần thịt ở xương của cá ngừ vằn sau khi phi lê lấy nguyên liệu cho sushi, ruột bào ngư, tinh hoàn cá tráp, v.v rồi đột xuất đưa ra chỉ để dành riêng cho những khách hàng quen. Nhìn thấy những món ấy, Tomoyo lại nhăn mặt nói: “Trông ghê quá đi!”. Tuy thế, những món đó, dù khách hàng thân thiết có yêu cầu ông cũng không phục vụ, chỉ bất thình lình đưa ra vào những lúc họ không ngờ đến. Vì biết tính ông chủ với riêng chuyện ấy ông rất thất thường và bướng bỉnh nên họ cũng không cố nài nỉ. Khi quá muốn ăn, họ rỉ tai với Tomoyo. Thế là cô đi tìm và đưa ra cho họ với vẻ miễn cưỡng.

Quen gặp những người đàn ông như thế từ khi còn bé nên thông qua họ, Tomoyo cảm thấy cuộc sống chẳng có gì nghiêm trọng và có đôi chút trẻ con.

Thời còn học phổ thông, có phần xấu hổ vì là con gái của nhà bán sushi, Tomoyo đã rất khó khăn để tránh mặt bạn bè mỗi khi ra vào nhà nên có cảm giác rất cô độc. Nhưng cảm giác cô độc ấy, ở một mức độ nào đó, cũng là do bị lây nhiễm bởi mối quan hệ của bố mẹ trong gia đình. Tuy không có chuyện cãi vã giữa bố và mẹ nhưng tình cảm của họ độc lập. Chỉ là do nhu cầu cuộc sống, họ ngầm hợp tác và đồng tình với nhau thiên về bản năng hơn là vì tính chất công việc. Điều này phát triển đến mức trở thành phản xạ nên người ngoài nhìn vào thì thấy họ có vẻ như là một đôi vợ chồng ít nói và có quan hệ khá tốt. Bố thì ấp ủ mở một chi nhánh ở trong một tòa nhà nào đó dưới khu Shitamachi và có thú vui nuôi chim. Mẹ thì chẳng đi đó đi đây, cũng chẳng mua áo sắm quần mà thay vào đó, dành dụm tiết kiệm tiền hàng tháng cho riêng mình từ doanh thu của tiệm. Họ chỉ thống nhất với nhau về chuyện của cô con gái. Vì dù sao cũng phải để con gái được học hành đến nơi đến chốn. Trước không khí tri thức dồn dập ập đến từ xung quanh, về điểm này, họ bất ngờ cùng chung ý thức bon chen với xã hội.

“Bởi vì chúng ta chỉ là người làm nghề nên ít ra con gái thì…” - Họ nói, nhưng rồi chẳng biết phải làm gì tiếp theo.

Lớn lên một cách hồn nhiên, có hiểu biết thế sự dù chỉ là bề mặt, vui vẻ và cô độc, đó là tính cách của Tomoyo. Với một cô gái như thế, chẳng có ai lấy làm phiền và ghen ghét. Chỉ là đối với nam giới, cô đối xử rất thẳng thắn, chẳng có vẻ e lệ nữ tính, cũng chẳng có thái độ giả tạo nên một thời gian, hồi còn học phổ thông, cô đã làm cho các thầy cô ở trường bối rối. Tuy nhiên, khi nhận ra rằng, vì là con gái của gia đình kinh doanh, tự nhiên, sẽ trở nên như thế thì sự nghi ngại cũng dần tan biến đi.

Tomoyo đã từng đến bờ sông Tama trong chuyến dã ngoại của trường. Ở một khu vực lắng đọng của nhánh sông nhỏ đầu xuân, cô trông thấy nhiều chú cá diếc bơi đến, quẫy những chiếc đuôi loang loáng trong làn nước trong xanh như lá trà non, đớp lấy đám rêu trên những chân cọc rồi rời đi. Tiếp theo sau, lại những con khác bơi đến, dừng lại, quẫy đuôi. Chúng bơi đến bơi đi nhưng hoạt động luân phiên đó diễn ra rất nhanh và mơ hồ đến mức mắt người không nhận ra được, trông cứ như cùng những con ấy đang chơi đùa ở đó. Thỉnh thoảng còn có những chú cá trê lừ đừ tiến lại. Tomoyo có cảm giác những vị khách vào ra ở cửa tiệm mình như những chú cá trên dòng sông mùa xuân ấy. (Dù có nhóm khách thường xuyên nhưng từng người trong đó liên tục thay đổi). Cô cảm thấy mình như lớp rêu xanh trên những chiếc cọc. Mọi người đến, chạm nhẹ vào để được an ủi, rồi ra đi. Cô không hề cảm thấy công việc ở cửa tiệm là nghĩa vụ hay sự chịu đựng. Khoác bộ đồng phục nữ sinh vải cashmere làm khuất đi cả phần ngực và hông, lê lạch cạch đôi guốc nam nào gặp phải, cô bưng trà cho khách. Mỗi khi bị khách trêu ghẹo bằng những lời ong bướm, Tomoyo liền bĩu môi, nhún vai, đáp.

“Em chẳng biết những chuyện ấy đâu, không trả lời được đâu!”

Quả thật, trong giọng nói ấy có thoáng nét cực kỳ quyến rũ. Khách bật cười vì cảm nhận được điều gì đó vui vẻ mơ hồ nhen nhúm lên trong cảm xúc của chính mình. Ở chừng mực ấy, Tomoyo là thương hiệu của tiệm Sushi Phúc.

Minato, một trong những vị khách, là một quý ông tuổi chừng quá năm mươi với đuôi lông mày rậm rủ xuống khuôn mặt ẩn chứa đầy nỗi niềm. Có khi trông già hơn tuổi, cũng có lúc lại trông như một thanh niên đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, có điều gì đó như một loại buông bỏ đến từ trí tuệ sắc bén hằn rõ lên tính cách của ông, mài dũa cho khuôn mặt cay đắng trở nên nhu hòa đi.

Mái tóc dày và xoăn chia thành từng lọn đều đặn, bộ ria để theo kiểu Pháp. Phục trang thì có khi ông mặc chiếc áo vải thô, đi đôi giày cổ thấp màu đỏ lấm lem bụi đất, cũng có khi khoác tình cờ chiếc áo Yuuki5 hơi cũ. Chắc chắn là một người độc thân nhưng chẳng ai biết ông làm công việc gì, ở cửa tiệm mọi người đều gọi ông là “thầy”. Cách ăn sushi cho thấy ông là một người sành ăn nhưng không bao giờ cố tỏ ra hiểu biết.

Gõ lạch cạch chiếc can Sabita6 lên sàn, ông ngồi xuống ghế rồi xoay người sang bàn làm sushi, uể oải xem xét những món đặt trong tủ kính.

“Ồ, hôm nay có nhiều loại nhỉ!” - Ông nói và nhận lấy cốc trà Tomoyo đem đến.

“Cá cam rất béo, ngoài ra hôm nay nghêu cũng…”.

Bố của Tomoyo, chủ tiệm Sushi Phúc, biết được tính ưa sạch sẽ của vị khách này nên mỗi khi Minato đến, ông vừa liên tục dùng chiếc khăn sạch lau thớt và khay sơn mài một cách vô thức vừa nói.

“Vậy thì cho tôi những thứ đó đi!”

“Xin vâng!”

Ông chủ tiệm tự nhiên đáp lời khác với những vị khách khác. Cho dù Minato không nói ra, bố của Tomoyo cũng đã biết trình tự thưởng thức sushi của ông. Bắt đầu với phần giữa lưng và bụng có độ béo vừa phải của cá ngừ vây xanh rồi đến sushi đồ chín rưới nước sốt, sau đó dần chuyển qua các loại cá vảy xanh vị thanh đạm hơn. Và kết thúc với món sushi trứng cuộn rong biển. Theo trình tự ấy, người chế biến có thể thêm món được gọi thêm riêng của hôm đó vào sao cho thích hợp.

Trong khi uống trà hoặc nhấm nháp sushi, Minato hoặc là một tay chống cằm hoặc gục đầu xuống, tựa cằm lên hai tay đặt trên đầu cây can, mắt nhìn đăm đăm. Có thể là ông ngắm nhìn cái đầm nằm thấp thoáng sau hàng cây của thung lũng phía sau qua căn phòng để mở cửa bên trong, hoặc những tán lá sồi buông xuống từ tường rào bên kia con đường lớn được rưới nước.

Ban đầu, Tomoyo chỉ nghĩ rằng đó là một vị khách hơi khó chịu nhưng khi dần quen với ánh mắt bí ẩn của ông, những lúc ông cứ nhìn sang hướng khác mà không quay lại phía cô, từ lúc mang trà ra cho đến khi ăn xong, là cô cảm thấy thiêu thiếu. Tuy nói là vậy nhưng khi bắt gặp ánh mắt đó quay lại nhìn lâu vào mình, cô lại có cảm giác rợn người như bị hút mất hết sức lực.

Những lúc tình cờ bắt gặp cái nhìn của nhau, nếu được ông mỉm cười, dù chỉ là với một chút thiện cảm, Tomoyo cảm thấy như nhận được từ người đàn ông lớn tuổi này một cảm giác gì đó ấm áp, làm cô rất dễ chịu, khác với bố mẹ mình. Vì thế, những khi Minato nhìn đi hướng khác quá lâu, ngồi trước lò đun nước trong góc phòng, Tomoyo liền dừng tay thêu thùa, hoặc là giả vờ ho hoặc tạo ra âm thanh gì đó, làm những hành động mà bản thân cũng không hiểu được, để thu hút sự chú ý của ông. Thế là ông giật mình nhìn về phía cô, mỉm cười. Đôi môi mím chặt như một đường thẳng với hàm trên và hàm dưới khớp đúng vào nhau giãn ra, một đầu bộ ria kiểu Pháp cong lên phía mắt… Ông bố đang làm sushi khẽ ngước lên nhìn. Nghĩ chỉ là trò đùa của cô nên lại cúi xuống tiếp tục công việc với vẻ mặt khó gần.

Minato trò chuyện với những khách hàng thường xuyên đến tiệm một cách cởi mở, không phân biệt. Chuyện về đua ngựa, cổ phiếu, thời sự, cờ vây, cờ tướng, cây cảnh, v.v. Đại thể, đó là những chủ đề thảo luận giữa những vị khách ở những nơi như thế này. Nhưng tám phần thì Minato để người khác nói, ông chỉ mở miệng hai phần. Tuy nhiên, sự dè dặt đó không phải là ông coi thường người khác hay cố chịu đựng điều tẻ nhạt. Bằng chứng là khi được mời rượu thì, “Ồ không, cảm ơn. Cơ thể tôi không khỏe nên đã bỏ hẳn rượu rồi. Nhưng mà chẳng mấy khi, thôi thì, xin uống vậy!” - Ông xua xua cánh tay thon lẳn rắn chắc của mình, nhưng cũng vui vẻ nhận lấy cốc rượu như thể hiện sự tôn trọng, uống một cách sảng khoái và trả lại cốc. Sau đó thì khéo léo nhấc chai rượu lên rót cho người mời. Trong cách cư xử ấy thể hiện rõ tính cách hòa đồng, nếu không đáp lại ý tốt của người khác nhiều hơn thì thấy không phải. Vì thế, trong nhóm khách hàng thường xuyên, “thầy” rất được mọi người kính trọng.

Tomoyo không thích nhìn ông với kiểu như thế. Cô cảm thấy, với con người ấy, thái độ đó là quá dễ dãi. Việc ông lịch sự đáp lại sự thân thiện mà người khác thể hiện theo ý muốn của họ như thế khiến cô thấy như ông đã hạ thấp mình. Cô nghĩ, sao một người đàn ông lớn tuổi, bình thường thì mặt ủ mày chau, mà một khi được quan tâm đến lại tỏ cái vẻ khao khát tình cảm, nồng nhiệt một cách nhún nhường thế nhỉ?! Những lúc ấy, đến chiếc nhẫn bạc có hình con bọ Ai Cập cổ đại Minato đang đeo ở ngón giữa cũng làm Tomoyo thấy đáng ghét.

Nhìn cảnh người khách kia hân hoan trước sự hưởng ứng của Minato, liên tục rót rượu cho ông và Minato, thậm chí còn bật cười trước sự dụ dỗ, bắt đầu chuyển qua lại cốc rượu, Tomoyo liền rảo bước tiến lại, giằng lấy cốc rượu trên tay ông.

“Đã bảo cơ thể không uống được nhiều rượu rồi mà lại, thôi, đủ rồi đấy!”

Sau đó cô thay Minato trả lại cốc cho vị khách kia rồi lẳng lặng rời đi. Điều đó không hẳn là vì lo cho sức khỏe của ông mà do một sự ghen tị kỳ lạ đã khiến cô hành động như thế.

“Chà, con bé Tomoyo này cũng là một người vợ chu đáo đấy!”

Người khách kia nói, và chuyện dừng lại ở đó. Minato cũng gượng gạo mỉm cười, xin lỗi, quay về chỗ, đặt tay lên chén trà nặng trĩu của mình.

Tomoyo ngày càng quan tâm đến Minato một cách kỳ lạ, nhưng cũng có khi cô làm ra vẻ bất biết, chẳng thèm nói một lời. Thấy ông đi vào là cô liền đứng dậy, hất mặt bỏ đi. Bị đối xử lạnh nhạt như thế, Minato chỉ mỉm cười. Tuy nhiên, khi hoàn toàn không thấy bóng dáng cô đâu, ông lại nhìn đăm đăm ra con đường phía trước hoặc cảnh sắc của thung lũng phía sau với vẻ buồn bã hơn thường lệ.

Một hôm, Tomoyo xách theo chiếc lồng, đi đến tiệm côn trùng trên phố lớn để mua ếch. Bố của cô rất thích nuôi những con vật như thế nên cũng chăm sóc tốt nhưng đôi khi thất bại, làm cho số lượng giảm đi. Năm nay cũng đã vào hè, đã đến lúc nghe những tiếng kêu mát mẻ như của ếch rồi.

Khi đến gần cửa tiệm, cô trông thấy Minato đang xách chiếc chậu thủy tinh từ đó đi ra. Ông không trông thấy cô nên vừa cẩn thận giữ chiếc chậu vừa thong thả đi về hướng khác.

Tomoyo bước vào tiệm, nhanh chóng nói ra yêu cầu và trong khi chờ người trong tiệm cho ếch vào lồng, cô chạy ra đằng trước nhìn theo hướng Minato đang đi.

Nhận lấy chiếc lồng với lũ ếch bên trong, Tomoyo xách lấy, vội vàng đuổi theo Minato.

“Thầy! Thầy ơi! Chờ đã!”

“Ồ, Tomoyo à, ngạc nhiên quá, ít khi gặp cô bên ngoài!”

Hai người vừa đi vừa cho nhau xem những thứ đã mua. Minato mua những con cá dao ma đen, một loại cá cảnh phương Tây. Xương của chúng lộ rõ qua lớp thịt trong suốt như thạch rau câu, ruột hơi phồng lên dưới mang.

“Nhà của thầy gần đây sao?”

“Hiện đang ở trong căn hộ phía trước. Nhưng chưa biết lúc nào sẽ chuyển đi!”

Minato bảo là hiếm khi gặp Tomoyo bên ngoài nên muốn mời cô uống trà hay gì đó. Họ bèn tìm kiếm xung quanh một lát nhưng ở đó chẳng có quán nào như mong muốn.

“Chẳng lẽ lại xách theo những thứ thế này mà đến Ginza7 sao?”

“Vâng, cũng không cần phải đến Ginza đâu ạ, chúng ta tìm nơi nào đó thoáng đãng gần đây nghỉ một chút đi!”

Minato nhìn quanh, dường như vừa chợt nhận ra đã là mùa cây cối thay xong lá mới, ông ngước mặt lên trời thở dài.

“Thế cũng được!”

Rẽ khỏi con đường chính một quãng là bãi đất trống của một bệnh viện bị cháy nằm ở rìa vách đá. Một phía bức tường gạch cháy dở trông như phế tích La Mã cổ đại. Tomoyo và Minato đặt đồ trên bãi cỏ, ngồi xuống duỗi chân ra.

Tomoyo đã muốn hỏi Minato rất nhiều chuyện nhưng giờ đây, khi ngồi cạnh nhau thế này, điều đó không còn cần thiết nữa, chỉ cảm thấy bình yên và tĩnh lặng như được bao bọc bởi mùi hương của sương mù. Minato, ngược lại, trở nên hào hứng.

“Hôm nay trông Tomoyo lớn hẳn nhỉ!” - Ông vui vẻ nói.

Tomoyo ngập ngừng một lát, không biết nên nói gì nhưng cuối cùng cô chợt hỏi một câu chẳng ăn nhập vào đâu.

“Thầy thích sushi thế sao?”

“Ờ thì…”.

“Vậy sao thầy hay đến ăn thế?”

“Không phải là không thích, nhưng mà, những khi không thèm lắm cũng ăn vì điều đó trở thành niềm an ủi của tôi”.

“Ý thầy là sao?”

Minato bắt đầu kể vì sao việc ăn sushi, ngay cả khi không thấy thèm lại là niềm an ủi của ông.

“Phải chăng những đứa trẻ kỳ lạ sẽ được sinh ra trong một ngôi nhà cũ kỹ, sắp sụp đổ, hoặc phải chăng một ngôi nhà lớn lúc sắp sụp đổ thì trẻ con dự cảm được mối đe dọa ấy hơn là người lớn? Có lẽ, khi điều đó ập đến, số phận của đứa bé đã bị mối đe dọa ấy gặm mòn ngay từ khi còn trong bụng mẹ…” - Minato bắt đầu bằng những lời như thế.

Đứa bé ấy từ khi còn nhỏ đã không thích đồ ngọt. Với những món ăn vặt, cùng lắm là nó chỉ muốn những thứ như bánh gạo mặn. Khi ăn, nó cẩn thận nhe hàm trên và hàm dưới, cắn đều xung quanh mép chiếc bánh gạo tròn. Nếu là những chiếc bánh không quá bị ỉu thì hầu hết đều phát ra âm thanh rất hay. Nó nhai thật kỹ miếng bánh đã cắn, sau khi nuốt trôi tất cả xuống họng rồi mới cắn miếng tiếp theo. Lại cẩn thận nhe hàm trên và hàm dưới ra, cho mép bánh kế tiếp vào giữa chỗ đó… Nghe nào, khi cắn, đứa bé nhắm nghiền mắt lại, lắng tai nghe.

Rộp.

Tuy cùng là những tiếng rộp nhưng chúng có sắc thái khác nhau. Đứa bé đã nghe quen nên có thể phân thành từng loại. Khi nghe thấy một âm thanh nhất định nào đó, nó sung sướng đến run cả người. Nó dừng tay lại một lát, ngẫm ngợi. Trong đôi mắt mơ màng của nó đẫm ướt nước mắt.

Gia đình chỉ có bố mẹ, anh, chị và người giúp việc. Trong nhà, nó được coi là đứa kỳ quặc. Việc ăn uống của nó bị mất cân bằng. Ghét cá, nhiều loại rau không thích, không bao giờ đụng đến thịt.

Ông bố yếu đuối nhưng bề ngoài luôn tỏ ra mạnh mẽ thỉnh thoảng lại đến nhìn vào bữa ăn của nó và nói:

“Thằng bé ăn thế thì làm sao mà sống nổi!”

Một phần cũng là do thời thế nhưng với tính cách nhút nhát mà tỏ vẻ mạnh mẽ, ông vừa bực bội nhìn gia cảnh đang lụi tàn vừa cay cú nói: “Gì chứ, chưa sao đâu, vẫn còn tiền mà!”. Trên khay ăn nhỏ của đứa bé luôn là món trứng xào và rong biển khô. Khi ông bố đến nhìn, bà mẹ lại lấy tay áo che đi và nói: “Đừng có làm ầm ĩ, nó đã khó ăn thế rồi, sẽ không ăn nữa đâu!”

Đứa bé ấy thật sự rất khổ sở trong việc ăn uống. Khi đưa những thức ăn có màu sắc, hương vị vào miệng thì nó có cảm giác lờm lợm sao đó trong người. Nó nghĩ rằng chẳng lẽ không có thức ăn gì như không khí sao?! Khi bụng trống rỗng, nó cũng cảm thấy rất đói nhưng lại không hề muốn ăn. Nó thè lưỡi liếm hay tựa má vào thứ đồ bằng thủy tinh trong suốt, mát lạnh đặt trang trí ở hốc tường. Bụng đói meo, đầu óc trống rỗng rồi cứ thế mụ mị đi. Những khi như thế, nếu nhìn thấy khung cảnh ánh trời chiều đang dần lặn xuống phía sau ngọn đồi A, cách hồ nước của thung lũng một quãng (Ngôi nhà nơi Minato sinh ra cũng nằm ở một góc thành phố có địa thế như vùng này) thì thậm chí nó nghĩ rằng, cứ thế này ngã xuống chết đi cũng không sao. Nhưng, lúc ấy, nó dùng hết sức nhét cả hai tay vào giữa chiếc thắt lưng được buộc chặt quanh chiếc bụng rỗng, cong người về phía trước, ngẩng đầu lên gọi: “Mẹ ơi!”

Người mà đứa bé gọi không phải là người mẹ sinh ra nó trên thực tế. Người mẹ sinh ra nó là người nó yêu thương nhất trong nhà. Thế nhưng, nó có cảm giác vẫn còn một phụ nữ khác mà nó có thể gọi là “Mẹ” đang ở đâu đó. Nếu lúc đó gọi mà người phụ nữ đó đáp “Mẹ đây!” và xuất hiện trước mắt thì chắc nó sẽ kinh hãi mà ngất đi mất. Đó chỉ là một trò chơi buồn bã mà thôi.

“Mẹ ơi! Mẹ ơi!”

Nó tiếp tục với giọng như tờ giấy mỏng manh phất phơ trước gió.

“Mẹ đây!” - Người mẹ sinh ra nó đáp và chạy ra.

“Ối, con làm gì ở đây thế, sao vậy?”

Mẹ lắc vai và nhìn vào mặt nó. Nó cảm thấy xấu hổ, mặt đỏ lên vì bị mẹ hiểu nhầm.

“Vì thế mà mẹ đã bảo phải ăn đủ ba bữa mỗi ngày đấy! Mẹ xin con đấy!” - Giọng mẹ hoảng hốt.

Sau những ồn ào lo lắng đó, trứng và rong biển khô được cho là thích hợp nhất với nó. Nó cảm thấy nếu là những thứ ấy thì chỉ nặng bụng chứ không làm nó bị nhơ bẩn.

Ngoài ra, đôi khi đứa bé cảm thấy có một nỗi buồn ngập tràn trong cơ thể nhưng không biết là từ đâu. Lúc ấy, nó sẽ gặm nhấm bất cứ thứ gì có vị chua và mềm mại. Nó ra ngoài, hái và nhai những quả mơ hay quất tươi. Khi cơn mưa đầu hè đến, như những chú quạ, đứa bé biết rõ nơi nào giữa ngọn đồi và thung lũng trong thành phố có thứ quả đó.

Đứa bé học rất giỏi. Những gì đọc qua hoặc nghe qua một lần là nó hiểu ngay và ghi nhớ vào não như một cuộn phim. Những bài học quá dễ ở trường khiến nó thấy chán. Sự dửng dưng đối với những thứ nhàm chán ấy, ngược lại, khiến nó đạt được kết quả học tập rất tốt.

Cả ở nhà hay ở trường, nó đều bị mọi người đối xử như là một đứa trẻ cá biệt.

Một hôm, sau cuộc tranh cãi giữa bố và mẹ trong phòng, mẹ đến nơi của nó, nói với vẻ nghiêm túc:

“Này, vì con quá ốm yếu nên các thầy cô ở trường cho rằng do gia đình không chú ý giữ gìn vệ sinh đấy. Bố nghe vậy, tính bố thì biết rồi, đã vặn vẹo trách móc mẹ đấy!”

Mẹ chống tay lên chiếu, khẩn khoản cúi đầu trước nó.

“Mẹ xin con! Xin hãy cố ăn uống nhiều thêm cho mập lên, nếu không thì mẹ không thể ở yên được trong cái nhà này đâu!”

Đứa bé cảm thấy như mình đã gây ra tội lỗi, tội lỗi mà nó đã dự cảm hẳn có lúc sẽ phạm phải do thể trạng khác thường của mình. Thật là xấu xa! Nó đã khiến mẹ phải đặt tay lên chiếu, cúi đầu cầu xin nó. Mặt nó nóng bừng, toàn thân run lên. Thế nhưng, kỳ lạ là lòng nó lại thấy thanh thản. Mình đã trở thành một kẻ xấu xa vì làm điều bất hiếu rồi! Đã là một đứa như thế thì có chết đi cũng chẳng hối tiếc nữa! Được rồi! Mình sẽ ăn thử bất cứ thứ gì, nếu ăn những thứ không quen làm cơ thể run lên, nôn mửa và vì thế mà toàn thân nhơ bẩn, thối rữa rồi chết đi cũng được! Như vậy chẳng tốt hơn lúc nào cũng kén chọn thức ăn, gây phiền phức cho người khác và cả chính mình sao?!

Đứa bé giả vờ ổn, cùng ăn những thứ tương tự như của người trong nhà. Nó lập tức nôn mửa. Nó đã cố gắng đè nén cật lực cảm giác trong miệng và cổ nhưng thức ăn nuốt xuống, vào giây phút nó nghĩ rằng đó là những thứ mà những phụ nữ khác ngoài mẹ đã chạm vào, thì bất giác dạ dày nó trào ngược lên… Ấn tượng chiếc áo lót đỏ bạc màu lộ ra dưới tà áo kimono của người nữ giúp việc và vệt dầu đen nhuộm tóc chảy xuống một bên mặt của bà lão nấu ăn khuấy đảo dữ dội trong ngực nó.

Anh và chị nó tỏ vẻ ghê tởm. Bố khẽ liếc nhìn rồi nốc cạn cốc rượu với bộ mặt bất biết. Mẹ vừa dọn dẹp những thứ nó ói ra vừa nhìn bố một cách căm hận.

“Nhìn đi! Đây không phải hoàn toàn là do tôi đúng không. Đứa bé này nó bị như vậy!” - Mẹ thở dài. Tuy vậy, mẹ vẫn rụt rè trước bố.

Ngày hôm sau, mẹ trải một tấm chiếu rơm mới ra dưới hàng hiên rợp bóng cây xanh rồi mang nào là thớt, dao, chậu, lồng bàn ra. Tất cả đều là đồ vừa được mua, mới tinh. Mẹ bắt nó ngồi đối diện phía bên kia chiếc thớt. Một chiếc đĩa được đặt trên khay trước mặt nó. Mẹ xắn tay áo lên, chìa cánh tay trắng hồng ra rồi lật sấp ngửa bàn tay như một nhà ảo thuật cho nó xem. Sau đó, bà xoa hai lòng bàn tay vào nhau hòa nhịp với lời nói.

“Đấy, con nhìn kỹ đi. Những dụng cụ mẹ dùng, tất cả đều là đồ mới. Và người làm là mẹ của con đây. Mẹ đã rửa tay sạch đến thế này đây. Thấy không? Nếu đã thấy rõ rồi thì, nào, bắt đầu…”.

Mẹ trộn giấm vào cơm đã nấu chín đựng trong chiếc bát to. Cả hai mẹ con đều sặc sụa. Sau đó, mẹ đặt chiếc bát sang một bên, nhón lấy từ bên trong một ít cơm, dùng hai tay nặn nó thành hình chữ nhật nhỏ. Trong lồng bàn, nguyên liệu làm sushi đã được chuẩn bị sẵn. Mẹ nhanh tay lấy ra một lát mỏng, sau đó đặt lên trên nắm cơm, ấn nhẹ. Đặt nó vào bát trên khay của nó. Đó là món sushi trứng chiên.

“Đấy, là sushi, món sushi đấy. Con có thể dùng tay bốc nó để ăn”.

Đứa bé làm theo. Trong cái vị chua chua như được vuốt ve mơn man làn da trần, cơm và vị ngọt của trứng hòa quyện vào nhau ngập tràn nơi đầu lưỡi… Ăn vào một miếng, vị ngon và tình thương trào dâng lên trong cơ thể nó như được ngâm mình trong bồn tắm hương hoa ấm áp đến chừng muốn ngả người vào lòng mẹ. Nói là ngon quá thì ngại ngùng nên nó chỉ nhoẻn miệng cười rồi ngước lên nhìn.

“Nào, ăn thêm một miếng nữa nhé!”

Lại như một nhà ảo thuật, sau khi lật ngược bàn tay lại cho nó xem, mẹ nhón một nắm cơm, lấy từ lồng bàn ra một lát mỏng, ấn xuống rồi đặt lên đĩa của nó. Lần này, đứa bé kinh tởm nhìn vào cái lát mỏng trắng nhỡn hình chữ nhật đặt trên nắm cơm. Thấy vậy, mẹ trở nên nghiêm trang, tỏ vẻ không có gì là đáng sợ.

“Chẳng có gì đâu, hãy nghĩ đó chỉ là lát trứng chiên màu trắng rồi ăn là được thôi!” - Bà bảo.

Cứ thế, đó là lần đầu tiên trong đời đứa bé ăn thứ gọi là mực. Nhẵn bóng như ngà voi, dễ ăn hơn nhiều bánh mochi8. Trong khi mạo hiểm ăn miếng sushi mực ấy, đứa bé thở phào hơi thở bị dồn nén, cơ mặt giãn ra. Nó chỉ có thể biểu lộ sự ngon miệng bằng nụ cười trên khuôn mặt.

Tiếp theo, mẹ đặt lên trên nắm cơm một lát mỏng trong suốt màu trắng. Khi nó nhặt lên đưa gần đến, một mùi đe dọa lướt qua nhưng nó bịt mũi, quyết tâm cho vào miệng. Lát mỏng trong suốt ấy càng nhai càng ngon, trộn lẫn với cảm giác có độ dinh dưỡng vừa phải, trôi qua cuống họng nhỏ hẹp của nó.

“Lát này chắc chắn là thịt cá. Mình đã ăn được cá rồi!”

Khi nhận ra điều đó, đứa bé, lần đầu tiên có cảm giác tươi mới và chinh phục, như cắn xé những sinh vật sống, cảm nhận được niềm vui muốn nhìn rộng ra bốn phía. Với niềm vui tương tự, nó dùng những ngón tay cứ ngọ nguậy cả lên, cấu gãi hai bên hông ngứa ngáy rộn ràng.

“Hi hi hi…”.

Nó chợt bật ra tiếng cười cao vút lạ lùng. Nhận thấy sự thắng lợi của mình, sau khi cố tình chậm rãi gỡ từng hạt cơm dính trên tay, mẹ nhìn vào bên trong chiếc lồng bàn và không để cho nó trông thấy.

“Tiếp theo là gì nhỉ?! Xem nào, còn gì không ta?...”.

Đứa bé sốt cả ruột, hét toáng lên.

“Sushi! Sushi!”

Mẹ đè nén nỗi vui mừng, giữ vẻ thản nhiên - Với đứa bé, đó là cách biểu lộ mà nó yêu nhất của mẹ, là nét mặt xinh đẹp suốt đời không thể nào quên.

“Nào, tiếp theo xin phục vụ theo sở thích của quý khách!”

Cũng như lúc đầu, mẹ đưa cánh tay trắng hồng lại gần trước mắt nó, lật sấp ngửa bàn tay cho nó xem như một ảo thuật gia rồi bắt đầu nặn. Đó là miếng sushi với lát thịt cá màu trắng tương tự.

Dường như mẹ đã rất cẩn thận lựa chọn loại cá không có mùi tanh và màu sắc cho lần thử nghiệm đầu tiên. Đó là cá tráp và cá bơn.

Đứa bé tiếp tục ăn. Bàn tay nặn rồi đặt lên đĩa của mẹ và bàn tay bốc lấy của đứa bé như một cuộc đua. Sự say mê đó kéo hai mẹ con vào một thế giới cảm giác tê dại, vô thức, không còn nghĩ ngợi gì. 5, 6 miếng sushi được nặn, bốc và ăn… Một nhịp điệu thú vị hình thành trong chuỗi chuyển động ấy.

Món sushi do người mẹ nghiệp dư làm mỗi miếng đều có độ lớn khác nhau, hình dáng cũng chẳng xinh xắn. Có miếng ngã ra trên đĩa làm lát cá bên trên rơi sang một bên. Đứa bé, trái lại rất thích những miếng ấy, khi nó tự mình chỉnh lại hình dáng và ăn thì có cảm giác còn ngon hơn. Nó bất chợt cảm thấy bối rối chẳng biết là người mẹ mà nó thầm gọi tên trong tưởng tượng của nó hằng ngày và người mẹ đang làm sushi trước mặt lúc này hóa làm một chỉ là do cảm giác hay ảo ảnh trong đầu. Nó muốn hình ảnh đó khớp thêm hơn nhưng cũng cảm thấy lo sợ nếu khớp nhau quá! Nó tự hỏi không biết người mẹ mà nó luôn thầm gọi nhưng không để ai biết ấy có phải là người mẹ này không, nếu đó là người mẹ này, người đã làm cho nó món ngon đến thế mà nó lại đem ví với một người mẹ khác thì thật là tội lỗi!

“Thôi, hôm nay chừng này đủ rồi. Con đã ăn cho mẹ được rất nhiều rồi!”

Mẹ vui vẻ vỗ lộp bộp cánh tay trắng hồng dính cơm trước mặt nó.

Sau đó, còn có 5, 6 dịp như thế nữa, làm đứa bé quen với món sushi tự tay mẹ làm. Nó đã ăn quen được thịt sò huyết trông giống như màu hoa lựu hay thịt cá gai với hai sọc màu bạc trên thân. Từ đó, đứa bé dần dần đã có thể ăn được cá trong các bữa ăn bình thường hằng ngày. Thân thể cũng trở nên khỏe mạnh như đổi khác. Khi vào trung học, nó trở thành một thiếu niên mạnh khỏe, đẹp trai đến mức người khác cũng phải ngoái nhìn. Và thật bất ngờ, người cha vốn luôn thờ ơ cho đến lúc ấy bỗng trở nên quan tâm đến nó. Ông cho nó ngồi làm bạn cùng nhâm nhi buổi tối, đưa nó đi chơi bi-a và thậm chí còn cho uống rượu ở hộp đêm.

Trong khoảng thời gian đó, gia đình dần trở nên suy sụp. Người cha say sưa ngắm nhìn đứa con trai đáng yêu của mình trong bộ kimono màu chàm xanh, tay cầm cốc rượu. Ông cảm thấy như là thành tích của mình khi nhìn nó được những cô gái chiều chuộng. Lên 16, 17 tuổi, cuối cùng, nó đã trở thành một tay chơi hoàn hảo.

Người mẹ tức giận như điên vì đứa con do một tay bà bỏ ra nhiều công sức nuôi dưỡng đã bị ông bố hủy hoại. Đáp lại sự giận dữ tuyệt vọng ấy của người mẹ, người cha chẳng thèm đếm xỉa, chỉ im lặng và gượng cười. Cậu con trai cảm thấy chán nản khi nhận ra rằng bố mẹ đang cố gắng làm giảm bớt căng thẳng đang đè nặng lên gia đình thông qua những tranh chấp như thế.

Ở trường, dường như cậu hiểu và nắm chắc được hết các môn học. Ở trung học cơ sở, cậu không cần phải học cũng đạt thành tích tốt. Tiến từ trung học phổ thông lên đại học chẳng khó khăn gì. Dẫu thế, trong cậu vẫn có điều gì đó buồn bã và dù cố gắng tìm cách giải tỏa nó đến đâu cũng cảm thấy như không tìm được. Sau một thời gian dài buồn bã chán nản ăn chơi, cậu cũng ra trường và có được việc làm.

Gia đình đã hoàn toàn sụp đổ, cả bố mẹ và anh chị lần lượt theo nhau lìa đời. Người con trai rất thông minh nên dù có đi đến đâu cũng đều được trọng dụng, nhưng không hiểu sao anh không hề hứng thú với công việc và cả thăng tiến. Lúc đã gần 50 tuổi, sau khi người vợ thứ hai chết đi, anh ta đã kiếm được một số tiền đáng kể chỉ bằng một khoản đầu cơ nhỏ. Nhận thấy với chừng đó đủ để sống một mình đến hết quãng đời còn lại, anh ta liền đã vứt bỏ công việc. Sau đó thì bắt đầu cuộc sống vô định, khi thì ở căn hộ này lúc thì nhà trọ kia…

Sau khi kết thúc câu chuyện dài, Minato nói với Tomoyo rằng, đứa bé và sau đó là người đàn ông trong câu chuyện chính là ông.

“À, hiểu rồi. Chính vì vậy mà thầy rất thích sushi!”

“Ồ không, khi đã lớn thì không còn thích như thế nữa nhưng gần đây, có lẽ là do tuổi tác nên cứ nhớ về mẹ mãi. Mỗi khi nhớ đến bà thì lại nhớ cả món sushi!”

Trong đám hoang tàn của cái bệnh viện bị cháy nơi hai người họ đang ngồi, có một giàn hoa tử đằng đã mục nát đổ sụp, dây hoa từ trên không chen chúc buông xuống mặt đất. Đầu mỗi dây đâm đầy lá non và giữa đám lá là những chùm hoa mỏng manh màu tím nhạt, nở đong đưa như những giọt sương. Một cây đỗ quyên được chèn gốc bằng đá lát vườn, sau khi tảng đá được chuyển đi, một nửa bị sạm đen, để lại dấu vết của lửa, nửa kia vẫn đang nở những đóa hoa màu trắng. Bên dưới vách đá ở rìa khu vườn là đường ray tàu điện, thỉnh thoảng lại nghe thấy âm thanh ầm ầm của những đoàn tàu qua lại. Bông diên vĩ tím mọc giữa đám mạch môn đong đưa trong gió chiều. Một cây cọ mập mạp đứng gần chỗ hai người bọn họ dần đổ bóng nghiêng dài trên bãi cỏ. Bầy ếch Tomoyo mua nằm trong chiếc lồng đặt ở đó bắt đầu kêu lên vài ba tiếng.

Hai người mỉm cười nhìn nhau.

“Thôi, đã muộn quá rồi. Tomoyo không về thì không hay đâu!”

Tomoyo đứng dậy nhấc chiếc lồng lên. Minato cũng tặng cho cô những con cá dao ma trong suốt thấy cả xương mà ông đã mua rồi rời đi.

Kể từ sau đó, Minato không hề quay lại tiệm Sushi Phúc lần nào nữa.

“Gần đây không hề thấy thầy ấy nhỉ!”

Những vị khách thường xuyên hỏi lẫn nhau nhưng rồi chẳng mấy chốc họ cũng quên hẳn ông.

Tomoyo lấy làm tiếc vì đã quên hỏi căn hộ của Minato nằm ở đâu lúc chia tay. Vì thế, cho dù có muốn đến thăm cũng không thể nên thỉnh thoảng cô đến chỗ cái bệnh viện bị cháy, đứng nhìn quanh thơ thẩn một chốc, ngồi xuống trên tảng đá, nghĩ về ông, đôi khi nước mắt còn trào lên và thẫn thờ quay về. Nhưng rồi việc ấy cũng dừng lại.

Gần đây, mỗi khi nhớ về Minato, Tomoyo chỉ biết nghĩ vẩn vơ rằng:

“Có lẽ thầy ấy đã chuyển đi đâu đó và lại đến một tiệm sushi nào đó rồi… Tiệm sushi thì đâu mà chả có!”

O.K
(TCSH426/08-2024)

__________________
Dịch từ tiếng Nhật, nguồn: https://www.aozora.gr.jp/cards/000076/files/1016_19596.html

---------------------------
1 Món cơm cuộn truyền thống của Nhật.
2 Yamanote (Phố Núi), Shitamachi (Phố dưới): Hai khu vực cư trú ở Tokyo. Yamanote được xem như là khu cư trú của giới thượng lưu, Shitamachi là của tầng lớp bình dân.
3 Món ăn truyền thống được chế biến từ các loại hải sản và được ăn sống.
4 Loại sushi được ép bằng khuôn gỗ rồi dùng dao cắt thành những miếng vừa ăn, thường là hai lớp cơm kẹp lấy một lớp nhân ở giữa.
5 Sản phẩm lụa được sản xuất ở Yuuki, tỉnh Ibaraki sử dụng thuốc nhuộm chàm tự nhiên.
6 Một loại cây thân gỗ có nhiều ở Hokkaido, cành thường được dùng làm gậy, rễ được chế tạo làm tẩu thuốc lá.
7 Khu vực giải trí sôi động ở Tokyo.
8 Loại bánh làm bằng gạo nếp, như bánh giầy của Việt Nam.

 

 

Các bài đã đăng
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)