Truyện dịch
Bữa trưa
16:39 | 18/10/2024

WILLIAM SOMERSET MAUGHAM

William Somerset Maugham là tiểu thuyết gia người Anh. Ông sinh năm 1874 tại Paris, Pháp, và là con của một cố vấn pháp luật trong tòa đại sứ Anh tại Paris.

Bữa trưa

Mồ côi sớm - khi chưa đầy mười tuổi - Somerset Maugham được một người chú làm giáo sĩ tại Kent nuôi dưỡng. Có lẽ vì hồi nhỏ ông học tiếng Pháp nên khi theo học tại các trường Anh ông mắc chứng nói lắp. Bị bạn bè chê cười, ông rất xấu hổ, tình trạng này kéo dài suốt từ thời học tiểu học tại Canterbury cho đến sau này tại đại học Heidelberg (Đức). Khi trở về Anh, ông tập sự ngành kế toán ít lâu rồi chuyển sang học ngành thuốc. Tuy tốt nghiệp y khoa ông không hành nghề trừ thời gian còn là sinh viên tập sự tại các khu lao động London. Cũng nhờ khoảng thời gian này mà ông có chất liệu để viết cuốn Liza ở Lambeth. Sau khi cuốn này được xuất bản năm 1897, ông bỏ nghề thuốc để quay hẳn sang viết văn.

Năm 1915 là năm kiệt tác Of Human Bondage (Thân phận làm người) xuất hiện, và cũng là năm ông lấy vợ. Trong Thế Chiến Thứ Nhất, ông làm trong cơ quan tình báo Anh. Ngoài những tiểu thuyết nổi tiếng như The Moon And Sixpence (Mặt trăng và đồng sáu xu - 1919), Cakes And Ale (Bánh ngọt và rượu bia - 1930), The Razor’s Edge (Lưỡi dao cạo - 1944), Catalina (1948), ông còn viết rất nhiều kịch, phóng sự, khảo luận, và truyện ngắn. Năm 1954 ông được Nữ Hoàng Elizabeth đặc biệt khen ngợi về những công trình mà ông đã đóng góp vào kho tàng văn học Anh. Ngòi bút sắc bén của ông trước những sự thật chua chát của cuộc đời khiến một số nhà phê bình gọi ông là một Maupassant của Anh quốc.

Somerset Maugham mất năm 1965, thọ 91 tuổi.

                             Nguyễn Đặng Hồng Chương giới thiệu và dịch

 

Bữa trưa

 

Tôi thấy bà ta trong khi xem kịch, và, để đáp lại cái vẫy tay gọi của bà ta, vào lúc giải lao tôi đã chuyển xuống ngồi bên cạnh. Lâu rồi tôi không được gặp lại bà ta và nếu không có ai đó nhắc đến tên thì chắc là tôi đã không nhận ra bà ta rồi. Bà ta vui vẻ nói với tôi:

“Ồ, lâu quá rồi mới được gặp lại ông. Thời gian trôi đi mới nhanh làm sao! Chúng ta ai rồi cũng già. Ông còn nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Lần ông mời tôi ăn trưa ấy.”

Tôi còn nhớ không ư?

Đã hai mươi năm rồi và lúc đó tôi đang sống ở Paris. Tôi có một căn hộ bé tí xíu nhìn ra nghĩa trang trong khu Latin và chỉ kiếm được vừa đủ tiền để giữ cho hồn không lìa khỏi xác. Bà ta đã đọc một cuốn sách của tôi và viết thư nói với tôi về nó. Tôi trả lời, cảm ơn bà ta, và sau đó nhận được thêm một lá thư nữa nói rằng bà ta sắp đi ngang qua Paris và mong được gặp tôi; nhưng thời gian có hạn và lúc rảnh rang duy nhất bà ta có là thứ Năm tới; bà ta sẽ qua buổi sáng ở Luxembourg và sau đó tôi sẽ mời bà ta một bữa trưa nhỏ xinh ở Foyot chứ? Foyot là nhà hàng nơi các thượng nghị sĩ Pháp đến ăn và ở quá cao so với túi tiền của tôi tới mức tôi chưa bao giờ thậm chí chỉ nghĩ đến việc tới đó. Nhưng tôi tự hào và còn quá trẻ để biết cách nói không với một phụ nữ. (Tôi có thể nói thêm rằng không mấy đàn ông học được cách này trước khi quá già không thể khiến cho điều mình nói còn chút ý nghĩa nào với phụ nữ nữa). Tôi có tám mươi franc (franc vàng) để sống đến hết tháng và một bữa trưa khiêm tốn sẽ không làm tốn quá mười lăm franc. Nếu bỏ cà phê trong hai tuần tiếp theo thì tôi vẫn có thể trang trải được khá ổn.

Tôi trả lời qua thư rằng sẽ gặp bà ta ở Foyot vào lúc mười hai giờ rưỡi ngày thứ Năm. Bà ta không còn trẻ như tôi kỳ vọng và có vẻ bề ngoài oai vệ thì đúng hơn là quyến rũ. Thực ra bà ta là một phụ nữ bốn mươi tuổi (tuổi hấp dẫn, nhưng không kích động đam mê bất chợt và tàn phá ngay từ cái nhìn đầu tiên), và tôi đã có ấn tượng rằng bà ta có nhiều răng, những cái răng trắng và lớn và đều, hơn mức cần thiết cho bất cứ mục đích thiết thực nào. Bà ta nói nhiều, nhưng vì có vẻ như thích nói về tôi nên tôi sẵn sàng làm một người nghe chăm chú.

Tôi giật mình khi thực đơn được mang ra, vì giá cao hơn rất nhiều so với mức tôi đã dự đoán. Nhưng bà ta trấn an tôi:

“Bữa trưa tôi không bao giờ ăn gì cả,” bà ta nói.

“Ồ, đừng nói thế!” Tôi hào phóng trả lời.

“Tôi không bao giờ ăn nhiều hơn một món. Tôi nghĩ ngày nay người ta ăn quá nhiều. Một con cá nhỏ, có lẽ. Tôi tự hỏi không biết họ có cá hồi không.”

Ồ, chưa đến mùa cá hồi và món đó không có trong thực đơn, nhưng tôi vẫn hỏi bồi bàn rằng có không. Có, một con cá hồi tuyệt đẹp vừa đến, nó là con đầu tiên họ có. Tôi gọi món đó cho bà khách của tôi. Bồi bàn hỏi bà ta có muốn dùng gì đó trong lúc chờ chế biến không.

“Không,” bà ta trả lời, “tôi không bao giờ ăn nhiều hơn một món. Trừ phi ông có trứng cá muối. Tôi không ngại trứng cá muối đâu.”

Tim tôi lắng xuống một chút. Tôi biết mình không kham nổi trứng cá muối, nhưng không thể nói thế với bà ta được. Tất nhiên tôi bảo bồi bàn mang trứng cá muối ra. Tôi chọn cho mình món rẻ nhất trong thực đơn và đó là sườn cừu.

“Tôi nghĩ anh không khôn ngoan khi ăn thịt,” bà ta nói. “Tôi không biết anh mong làm việc thế nào sau khi đã ăn những món nặng nề như sườn. Tôi không tin vào việc làm quá tải dạ dày mình đâu.”

Rồi đến vấn đề thức uống.

“Bữa trưa tôi không uống gì cả,” bà ta nói.

“Tôi cũng thế,” tôi đáp ngay.

“Trừ vang trắng,” bà ta nói tiếp như thể tôi chưa nói gì. “Những thứ vang trắng Pháp này thật nhẹ. Chúng rất tuyệt cho sự tiêu hóa.”

“Bà muốn uống gì?”, tôi hỏi, vẫn mến khách, nhưng không còn nhiệt tình lắm nữa.

Bà ta tặng cho tôi một tia tươi sáng và thân ái từ hàm răng trắng của bà ta.

“Bác sĩ của tôi không cho tôi uống gì ngoài champagne.”

Tôi nghĩ mình hơi tái mặt. Tôi gọi nửa chai. Tôi làm như ngẫu nhiên nhắc đến việc bác sĩ của tôi cấm tiệt tôi không được uống champagne.

“Thế anh sẽ uống gì?”

“Nước.”

Bà ta ăn trứng cá muối và bà ta ăn cá hồi. Bà ta vui vẻ nói chuyện về nghệ thuật và văn chương và âm nhạc. Còn tôi thì tự hỏi không biết hóa đơn sẽ lên đến bao nhiêu. Bà ta nghiêm túc khiển trách tôi khi món sườn cừu được mang ra.

“Tôi thấy anh có thói quen ăn trưa no. Tôi chắc chắn đó là một sai lầm. Sao anh không noi gương tôi chỉ ăn một món thôi nhỉ? Chắc chắn nhờ thế mà anh sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều đấy.”

“Tôi chỉ ăn một món thôi,” tôi nói, khi bồi bàn lại mang thực đơn đến.

Bà ta vẫy ông ta sang một bên bằng một cử chỉ duyên dáng.

“Không, không, bữa trưa tôi không ăn gì cả. Chỉ một chút thôi, tôi không bao giờ ăn hơn thế, và tôi ăn để có cớ chuyện trò thôi chứ chẳng có gì. Có lẽ tôi không thể ăn gì hơn - trừ phi họ có một chút món măng khổng lồ đó. Tôi sẽ tiếc nếu rời Paris mà không được ăn một chút món đó.”

Tim tôi lắng xuống. Tôi đã trông thấy chúng trong những cửa hiệu và tôi biết rằng chúng đắt tiền kinh khủng. Tôi vẫn thường chảy nước miếng khi trông thấy chúng.

“Madame muốn biết ông có chút nào món măng khổng lồ đó không,” tôi hỏi lão bồi bàn.

Tôi cố gắng bằng tất cả sức mạnh buộc lão phải nói không. Nhưng một nụ cười hạnh phúc đã nở trên bộ mặt rộng, như thầy tu của lão, và lão cam đoan với tôi rằng họ có một chút rất lớn, rất tuyệt, rất mềm, rằng đó là một sự diệu kỳ.

“Tôi không đói tẹo nào,” bà khách của tôi thở dài, “nhưng nếu anh cố nài thì tôi không phiền ăn một chút măng đâu.”

Tôi gọi măng.

“Anh không ăn à?”

“Không, tôi không ăn măng bao giờ cả.”

“Tôi biết có những người không thích măng. Sự thật là, anh hủy hoại khẩu vị của mình bằng tất cả thịt mà anh đã ăn đấy.”

Minh họa: HIỀN LÊ


Chúng tôi chờ chế biến măng. Tôi hoảng loạn. Vấn đề bây giờ không phải là tôi còn bao nhiêu tiền để sống đến hết tháng, mà không biết có đủ để thanh toán bữa này hay không nữa. Thật nhục nếu thấy thiếu mười franc và buộc phải mượn tiền bà ta. Tôi không thể tự ép mình phải làm việc đó được. Tôi biết chính xác mình có bao nhiêu tiền và quyết định nếu hóa đơn cao hơn sẽ thọc tay vào túi rồi đứng bật dậy với một tiếng kêu rất kịch và nói rằng nó thủng. Dĩ nhiên sẽ rất ngượng nghịu nếu như cả bà ta cũng không đủ tiền để thanh toán. Nếu thế thì chỉ còn cách để đồng hồ lại và nói sẽ trở lại thanh toán sau mà thôi.

Măng xuất hiện. Chúng to, mọng và ngon. Mùi bơ tan cù vào lỗ mũi tôi như đồ cúng của người Semite mộ đạo cù vào lỗ mũi Jehovah vậy. Tôi nhìn người đàn bà phóng đãng kia nuốt mạnh măng xuống họng bằng những mồm đầy lớn khêu gợi và bằng cách lịch sự của mình tôi thuyết trình về thân phận của vở kịch ở Balkans. Cuối cùng bà ta cũng ăn xong.

“Cà phê chứ?” tôi hỏi.

“Ừ, chỉ một kem và cà phê thôi,” bà ta trả lời.

Bây giờ tôi cóc quan tâm nữa, nên gọi cà phê cho mình và kem và cà phê cho bà ta.

“Anh biết không, có một điều tôi hoàn toàn tin,” bà ta nói, lúc ăn kem. “Đó là sau khi ăn xong người ta luôn luôn có cảm giác rằng mình có thể ăn được thêm chút nữa.”

“Bà vẫn còn đói sao?” tôi thiểu não hỏi.

“Ồ, không, tôi không đói; anh thấy đấy, tôi không ăn trưa. Tôi dùng một tách cà phê vào buổi sáng và rồi bữa chiều, nhưng bữa trưa tôi không bao giờ ăn nhiều hơn một món. Tôi đang nói anh đấy.”

“Ồ, tôi hiểu!”

Rồi một chuyện kinh khủng đã xảy ra. Trong lúc chúng tôi đợi cà phê, người quản lý bồi bàn, với nụ cười lấy lòng trên bộ mặt giả dối, xách một làn lớn đựng đầy những quả đào khổng lồ đến chỗ chúng tôi. Chúng có màu đỏ mặt của một cô gái thơ ngây; chúng có tông sặc sỡ của một phong cảnh nước Ý. Nhưng chắc chắn chưa đến mùa đào kia mà? Chỉ có Chúa mới biết chúng đắt thế nào. Tôi cũng biết - sau đó một lát, vì bà khách của tôi, vẫn nói chuyện, đã lơ đễnh nhón lấy một quả.

“Anh thấy đấy, anh đã làm đầy dạ dày của mình bằng quá nhiều thịt” -miếng sườn nhỏ khốn khổ duy nhất của tôi - “nên không thể ăn thêm chút nào nữa. Còn tôi chỉ ăn qua loa, nên có thể thưởng thức thêm được một quả đào.”

Hóa đơn đến và sau khi thanh toán tôi thấy mình chỉ còn đủ để boa một cách rất bần. Bà ta nhìn ba franc tôi để lại cho bồi bàn một lát và tôi biết bà ta nghĩ tôi bủn xỉn. Nhưng khi ra khỏi nhà hàng tôi có cả tháng trước mặt và không còn một xu trong túi.

“Hãy noi gương tôi,” bà ta nói lúc chúng tôi bắt tay nhau, “và bữa trưa đừng bao giờ ăn nhiều hơn một món.”

“Tôi sẽ làm hơn thế nữa kia,” tôi vặn lại. “Bữa chiều đêm nay tôi sẽ không ăn gì cả.”

“Anh vui tính thật!” bà ta vừa vui vẻ kêu lên vừa nhảy vào tắc xi, “anh thật là vui tính!”

Nhưng cuối cùng tôi cũng trả được thù. Tôi không tin mình là kẻ thù dai, nhưng khi những vị thần bất tử đã nhúng tay vào chuyện thì có thể miễn thứ cho việc quan sát kết quả một cách sung sướng. Bây giờ bà ta nặng những hai mươi mốt stone (Gần một tạ rưỡi - ND).

W.S.M
(TCSH427/09-2024)

 

 

Các bài đã đăng
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)