Truyện dịch
Tiếng nói của một thi sĩ
10:46 | 23/09/2009
KAHLIL GIBRANNguồn: A Treasury of Kahlil Gibran (Một kho tàng của Kahlil Gibran), Anthony Rizcallah Ferrris dịch từ tiếng Arập, Martin L. Wolf biên tập, Nxb Citadel Press, New York, HK, 1951.
Tiếng nói của một thi sĩ
Kahlil Gibran - Ảnh: jayabarathan.wordpress.com

1
Trong lòng tôi gieo rất sâu sức mạnh của hạt giống từ tâm; tôi gặt lúa, gom thành từng bó và đem cho người đang đói. Linh hồn tôi cung cấp sự sống cho cành nho, tôi ép các chùm quả lấy nước cho người đang khát.

Ngọn đèn của tôi trời châm đầy dầu, tôi đặt nó nơi cửa sổ nhà mình để người lạ biết hướng đi qua bóng tối.

Hết thảy những điều đó tôi làm vì tôi sống trong chúng; nếu định mệnh trói đôi tay tôi, ngăn không để tôi làm như thế, lúc ấy nỗi khao khát độc nhất của tôi là cái chết. Vì tôi là thi sĩ, nếu chẳng thể cho đi, tôi sẽ không chịu nhận vào.

Loài người nổ bùng cơn thịnh nộ như bão tố, còn tôi, tôi im lặng thở dài vì tôi biết giông bão sẽ qua đi còn tiếng thở dài thấu tới Thượng đế. Bản tính loài người là bám víu những điều tục lụy, còn tôi, tôi mải miết ôm ấp ngọn đuốc tình yêu để lửa của nó thanh tẩy tôi và để đốt sạch khỏi lòng tôi tính bất nhân.

Những điều thực tiễn trong cuộc đời làm con người lìm lịm chết không chút khổ sở, nhưng tình yêu đánh thức y chỗi dậy bằng những đau đớn bồi hồi.

Loài người phân chia thành dòng giống và bộ tộc, thành xứ sở và thị trấn, còn tôi, tôi thấy mình là người lạ đối với mọi cộng đoàn và tôi không thuộc về một chốn cư ngụ nào.

Vũ trụ là xứ sở tôi và gia đình loài người là bộ tộc tôi.

Loài người yếu ớt, và buồn biết mấy khi ngay giữa họ có phân rẽ. Thế giới này hẹp, và chẳng khôn chút nào khi chia cắt thành các vương quốc, đế quốc và nước này tỉnh nọ. Bản tính loài người khiến họ tự hiệp nhất là chỉ để phá hủy các đền đài của linh hồn, và để nối tay nhau xây nên dinh thự cho các cơ quan trần thế. Còn tôi, tôi đứng cô đơn lắng nghe từ trong sâu thẳm lòng mình vọng lên tiếng nói: “Khi tình yêu bằng những đớn đau làm sống động trái tim nhân thế thì vô minh dạy cho con người sự am hiểu”. Đớn đau và vô minh dẫn tới hoan lạc cao thượng và hiểu biết sâu xa, vì Đấng tối cao chẳng tạo ra điều gì vô ích dưới ánh mặt trời.

2
Lòng tôi ao ước nhiều điều cho xứ sở xinh đẹp của mình và hồn tôi yêu thương người dân quê hương vì những khốn cùng của họ. Nhưng nếu dân tôi vùng lên do lòng cướp bóc khích động và do cái gọi là “tinh thần yêu nước” thúc bách, để giết người và để xâm lăng xứ sở láng giềng, lúc ấy, vì tội ác độc dữ đối với con người đó, tôi sẽ căm ghét dân tôi cùng xứ sở tôi.

Tôi ca vang lời tán tụng nơi mình cư ngụ và khát khao thấy lại nơi mình chào đời; nhưng nếu hai nơi ấy không chịu làm chỗ trú ẩn và từ khước cung cấp lương thực cho người lữ thứ, tôi sẽ bằng tiếng nói trong lòng mình biến lời tán tụng ấy thành cơn căm giận và nỗi khát khao ấy thành niềm quên lãng. Tiếng lòng tôi sẽ vang lên: “Vì ngôi nhà này không làm mãn nguyện người đang cần tới, nên nó đáng bị hủy diệt”.

Tôi yêu làng quê trong tình yêu đất nước, tôi yêu đất nước trong tình yêu quả đất và mọi miền quả đất đều là xứ sở của tôi. Tôi yêu quả đất bằng những gì tôi có vì đó là nơi nương náu của loài người, tinh thần biểu thị của Thượng đế. Loài người là tinh thần của Đấng tối cao nơi trần thế và loài người đang đứng giữa những điêu tàn không thể thấy, đang che giấu mọi trần truồng của nó đằng sau các miếng giẻ tả tơi, đang tuôn dòng nước mắt trên đôi má hóp, đang kêu gọi con cái bằng tiếng nói xót thương. Nhưng con cái của nó đang bận rộn hát quốc ca, đang bận rộn mài sắc lưỡi kiếm và chẳng thể nào nghe ra tiếng gào la của mẹ mình.

Loài người khẩn thiết van xin con dân của nó nhưng chúng chẳng lắng nghe. Nếu kẻ này nghe ra, ủi an và lau nước mắt cho mẹ mình, kẻ kia sẽ nói “Lòng nó yếu mềm bị tình cảm tác động”.

Loài người là tinh thần của Đấng tối cao nơi trần thế, và Đấng tối cao giảng dạy tình yêu cùng thiện chí. Nhưng dân chúng chế giễu lời rao giảng ấy. Giê su Người Nadarét đã lắng nghe, và cuộc đóng đinh là phần số của ngài; Socrates đã lắng nghe và rồi cũng chịu thua hết thảy. Môn đệ của Người Nadarét và Socrates đều là những kẻ đi theo của Thượng đế, và vì dân chúng sẽ không giết họ, chỉ nhạo báng họ, nên có lời nói rằng: “Nhạo báng thì đắng cay hơn giết chết”.

Giêrusalem không giết nổi Người Nadarét, Athens cũng chẳng giết nổi Socrates: cả hai đang sống và sẽ sống mãi. Nhạo báng không thể chiến thắng những người đi theo Thượng đế vì họ vẫn sống và gia tăng lên mãi.

3
Bạn là người anh em của tôi vì tôi thương yêu bạn; cả hai chúng ta đều là con của một Tinh thần độc nhất; chúng ta chẳng ai hơn ai và được làm thành bởi cùng một thứ đất.

Bạn ở đây làm người cùng tôi chung bước trên lối đi cuộc đời và bạn là kẻ giúp cho tôi am hiểu ý nghĩa của Chân lý ẩn mật. Bạn là con người, với tôi thực tế ấy là đủ, và tôi thương yêu bạn như người anh em của tôi. Bạn có thể nói về tôi bằng những lời do bạn chọn vì Ngày mai sẽ đem bạn đi mãi mãi và sẽ dùng lời luận bàn của bạn làm bằng chứng xét xử, và lúc đó bạn tiếp nhận công lý.

Bạn có thể lấy đi mọi thứ tôi sở hữu vì những của cải tích lũy ấy do bởi lòng tham xúi giục tôi, và bạn có quyền có tất cả những cái ấy của tôi nếu chúng sẽ làm mãn nguyện bạn.

Bạn có thể đối xử với tôi bằng mọi cách bạn muốn nhưng bạn chẳng thể nào chạm tới Chân lý của tôi.

Bạn có thể làm đổ máu tôi và thiêu rụi thể xác tôi nhưng bạn chẳng thể nào tiêu diệt hay làm tổn thương tinh thần tôi.

Bạn có thể xiềng tay tôi, cùm chân tôi và tống tôi vào nhà ngục tối tăm, nhưng bạn chẳng thể nào biến tư duy của tôi thành nô lệ vì nó tự do, tựa làn gió mát giữa trời cao rộng.

Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn. Tôi thương yêu bạn khi bạn dâng lễ trong nhà thờ, khi bạn bái lạy trong đền chùa, khi bạn nguyện cầu trong thánh đường Hồi giáo. Bạn và tôi đều là con cái của một tín ngưỡng vì mọi lối đi muôn hình muôn vẻ của tôn giáo chỉ là các ngón của bàn tay thương yêu Đấng tối cao xòe ra cho hết thảy sinh linh, cống hiến một tổng thể tinh thần cho hết thảy và khắc khoải nhận vào hết thảy.

Tôi thương yêu bạn vì Chân lý của bạn bắt nguồn từ am hiểu của bạn và vì sự ngu dốt của mình nên tôi không thể thấy Chân lý đó. Nhưng tôi tôn kính nó như một điều thiêng liêng do bởi nó là một hành động của tinh thần. Chân lý của bạn sẽ gặp Chân lý của tôi trong thế giới đang đến, rồi cùng nhau hòa lẫn như hương thơm của các đóa hoa, và trở thành Chân lý toàn bộ và miên viễn, thẩm thấu và sống động trong vĩnh cửu của Tình yêu và Cái đẹp.

Tôi thương yêu bạn vì bạn yếu đuối trước kẻ áp bức mạnh bạo, và bạn nghèo khó trước kẻ giàu có tham lam. Các nguyên cớ ấy làm tôi ứa nước mắt vỗ về bạn; và từ đằng sau những giọt lệ, tôi thấy cánh tay Công lý ôm ấp bạn và bạn đang nở nụ cười tha thứ kẻ áp bức mình. Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn.

4
Bạn là người anh em của tôi nhưng cớ sao bạn tranh chấp với tôi, cớ sao bạn xâm lăng đất nước tôi và cớ sao bạn ra sức khuất phục tôi để làm vừa lòng kẻ đang tìm kiếm vinh quang và quyền lực?

Cớ sao bạn để lại vợ con mình, đi theo Thần chết tới vùng đất xa xăm vì kẻ mua vinh quang bằng máu của bạn và danh dự bằng nước mắt của mẹ bạn?

Có phải đối với con người, danh dự là giết chết người anh em của mình? Nếu cho rằng đó là danh dự, bạn hãy xem nó như một hành động lễ bái, và hãy dựng lên một đền thờ cho Cain, kẻ cuồng sát Abel em mình.

Có phải sự tự bảo tồn là định luật thứ nhất của Thiên Nhiên? Vậy cớ sao Tham lam xúi giục bạn hiến thân chỉ để thành tựu mục đích của nó trong hành động làm thương tổn anh em mình? Người anh em của tôi ơi, hãy đề phòng kẻ lãnh đạo nào nói: “Tình yêu cuộc sinh tồn buộc chúng ta phải tước bỏ quyền của dân chúng!” Tôi chỉ nói với bạn rằng: bảo vệ quyền của người khác là hành động nhân tính cao nhã nhất và đẹp đẽ nhất; nếu cuộc sinh tồn đòi hỏi tôi phải giết kẻ khác, thế thì cái chết là vinh dự hơn cho tôi, và nếu tôi không tìm được ai đó giết tôi để tôi bảo vệ danh dự cho mình, lúc đó tôi sẽ không ngại ngần, bằng chính bàn tay tôi, lấy đi sự sống của mình vì Vĩnh cửu trước khi Vĩnh cửu đến.

Hỡi người anh em của tôi, tính ích kỷ là nguyên cớ của lòng tự tôn mù lòa, và lòng tự tôn tạo ra tinh thần phe đảng và tinh thần phe đảng tạo ra thẩm quyền, cái dẫn tới bất hòa và tranh giành quyền kiểm soát.

Linh hồn tin rằng quyền năng của am hiểu và công lý thì ở bên trên ngu dốt tối tăm; nó không chấp nhận thứ thẩm quyền cung cấp gươm đao để phòng ngự, để củng cố vô minh và áp bức – thứ thẩm quyền đã hủy diệt Babylon, lung lay nền móng Giêrusalem và để cho La Mã điêu tàn. Chính thứ thẩm quyền đó khiến dân chúng gọi các tên tội phạm là vĩ nhân, khiến các nhà văn tôn trọng danh tính của chúng và khiến các sử gia kể lại các câu chuyện bất nhân của chúng bằng bút pháp tán tụng.

Thẩm quyền duy nhất tôi vâng phục chính là sự am hiểu, canh giữ và chấp nhận Định luật Tự nhiên của Công lý.

Thẩm quyền cho thấy công lý nào khi nó giết chết kẻ giết người? Khi nó bỏ tù kẻ cướp bóc? Khi nó tấn công đất nước láng giềng và giết người dân xứ ấy? Thẩm quyền nghĩ tới công lý nào khi kẻ sát nhân trừng phạt kẻ giết người và kẻ cắp kết án kẻ trộm?

Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn; và Tình yêu là công lý với đầy đủ cường độ và trọn vẹn phẩm cách của nó. Nếu công lý ấy chẳng tiếp tay cho tình tôi thương yêu bạn bất chấp bộ tộc và cộng đoàn của bạn, thì tôi chỉ là gã lừa đảo đang che giấu lòng xấu xa ích kỷ đằng sau lớp giả trang tình yêu thuần khiết bên ngoài.

Nguyễn Ước dịch
(246/08-09)





 

 

 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Horla (09/09/2009)
Con Gái (31/08/2009)
Sonny không buồn (26/08/2009)
Xem trộm (18/08/2009)
Trở về (10/07/2009)