Truyện dịch
Số phận một con người
09:03 | 06/10/2009
MIKHAIN SÔLÔKHỐP                Truyện ngắn Mùa xuân thanh bình đầu tiên đã về lại trên sông Đông sau những năm tháng chiến tranh. Vào cuối tháng Ba, những cơn gió ấm áp cũng đã thổi đến, và chỉ sau hai ngày tuyết cũng đã bắt đầu tan trên đôi bờ sông Đông. Khắp mọi ngả đường việc đi lại cũng vô cùng khó khăn.
Số phận một con người
Văn hào Mikhain Solokhov - Ảnh: vietbao.vn

Vào lúc này, tôi cũng cần phải đi đến trạm xe Bucanôpxki. Tôi cùng với một anh bạn ra đi lúc Mặt trời còn chưa mọc. Con đường đi quá ư gian khổ. Đoạn nào ngựa không thể đi được thì chúng tôi xuống cuốc bộ. Sau 06 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đã đến được bến đò để vượt sông Êlanca. Nước sông đang lên rất to. Con sông ngày thường bé là thế, bây giờ bỗng rộng ra trông thấy. Việc qua sông chỉ trông chờ vào mỗi một chiếc thuyền nhỏ. Tôi qua sông trước, và ngồi trên một thân cây đổ chờ anh bạn tôi sang sau.

Chẳng bao lâu tôi trông thấy một người đàn ông bước ra đường, anh ta dắt theo một cậu bé năm tuổi. Họ thong thả đi đến bến đò. Khi bước đến gần tôi, người đàn ông nói:

- Xin chào người anh em!

- Xin chào! Tôi nắm bàn tay lao động, to sù đang chìa ra cho tôi.

- Hãy chào bác đi con,-người đàn ông nói với đứa bé. Cậu bé đưa cái nhìn thẳng đến tôi bằng đôi mắt trong sáng trên khuôn mặt thanh thản như bầu trời, bẽn lẽn cười và chìa ra phía tôi cánh tay  nhỏ nhoi, lạnh cóng của mình.

Tôi nhẹ nhàng nắm lấy tay cậu bé và đùa:

- Sao thế này hở ông già, tay sao mà lạnh thế này? Ngoài trời thì ấm, còn cháu lại bị lạnh cóng sao?

Cậu bé ngạc nhiên nhìn tôi:

- Cháu mà lại là ông già sao hở bác? Cháu chỉ là một đứa bé con và không hề bị cóng, còn tay cháu lạnh là do cháu nghịch tuyết đấy.

- Người anh em có biết lúc nào thuyền đến không?-Người bố hỏi.

- Phải sau hai tiếng nữa. Nước sông đang lên rất to và lại có sóng nên thuyền đi lại rất khó khăn.

- Đành vậy thôi, chúng ta sẽ vừa nghỉ ngơi và chờ đợi, chúng tôi cũng không vội lắm. Anh bạn có hút thuốc không đấy?

Chúng tôi hút thuốc và im lặng hồi lâu. Tôi nhìn người bố và cậu con trai. Cậu bé mặc giản dị, nhưng cẩn thận, ấm và cái chính là tỏ ra được chăm sóc. Còn trong đôi mắt người bố thì chứa đựng một nỗi buồn sâu xa.

- Này anh bạn, anh đã từng ở mặt trận không đấy? -Bỗng nhiên người đàn ông hỏi.

- Vâng, tôi cũng đã từng.

- Ra vậy ư, tôi cũng đã từng nếm trải khá nhiều, -Anh ta khẽ nói, -như vậy đấy, nếu như đôi khi về đêm anh không ngủ được, chong đôi mắt ráo hoảnh nhìn vào màn đêm và suy nghĩ: vì lẽ gì mà anh, cuộc đời đã đến nỗi như vậy không?

Bỗng anh nhìn lên cậu con trai và dịu dàng bảo:-Hãy đi chơi đi con, ra nghịch nước đi!

Dõi mắt theo cậu con trai, anh im lặng và một lần nữa tâm tình:

“Cuộc đời tôi thoạt đầu khá bình thường. Tôi sinh năm 1900 tại một làng quê gần thành phố Varônher. Thời nội chiến tôi tham gia Hồng quân. Năm 1922, lúc nạn đói xảy ra thì tôi đã đến Cuban làm việc, vì vậy mà tôi thoát chết, còn bố và mẹ tôi đã bị chết vì nạn đói đó. Một năm sau tôi từ Cuban trở lại Varônher. Tôi làm việc trong một nhà máy. Ít lâu sau tôi lấy vợ. Vợ tôi là một cô gái mồ côi, đã từng ở trong nhà trẻ. Cô ta rất tốt bụng, thông minh, dịu hiền và vui vẻ. Nếu xét về mặt hình thức thì cô ta không phải là đẹp. Nhưng đối với tôi đã và sẽ chẳng có ai trên đời này tốt đẹp hơn cô ấy... Chẳng bao lâu chúng tôi có con. Thoạt đầu là một cậu con trai, sau đó thêm hai cô gái nữa. Năm 1929, tôi học nghề ôtô và trở thành lái xe. Tôi đã sống mười năm trời như vậy mà không hề nhận thấy những năm tháng ấy đã trôi qua như thế nào. Tôi làm việc nhiều, kiếm tiền cũng khá và chúng tôi sống không thua kém những người khác. Bọn trẻ đều ngoan cả và học hành tốt. Riêng đứa con trai đầu, thằng Anatôli dường như có năng khiếu Toán học, ngay cả báo chí trung ương cũng có bài viết về nó.

Trước chiến tranh chúng tôi dựng được một ngôi nhà. Có lẽ việc tôi làm nhà bên cạnh nhà máy luyện kim là một điều bất hạnh. Nếu như ngôi nhà của chúng tôi nằm ở một vị trí khác thì rất có thể cuộc đời tôi cũng đã sẽ khác đi.

Chiến tranh nổ ra. Tôi được điều ra mặt trận. Hôm tôi lên đường cả nhà đi tiễn tôi: Irina, Anatôli và hai cô con gái Natasa và Ôlia. Bọn trẻ cố kìm lòng, không khóc. Còn Irina  thì ...thật là tôi chưa hề nhìn thấy cô ta như thế bao giờ. Cô ấy đã khóc suốt cả ngày đêm... Khi chúng tôi đến ga thì không thể nào nhận ra cô ta được nữa - Hai mắt cô ấy đỏ hoe, toàn thân run lẩy bẩy và miệng cứ lắp bắp mỗi câu: “Anđrây yêu quý của em, chắc là mẹ con em sẽ chẳng bao giờ được gặp lại anh nữa” ... “Đừng có mà nói gở Irina! Phải chăng đó là những lời vĩnh biệt, em định liệm sống anh sao?”. - Tôi thét lên, nhưng cô ấy dường như không nghe thấy gì hết. Tôi ôm Irina vào lòng, âu yếm hôn cô, từ biệt các con và bước vào toa tàu... Từ trong toa tôi đứng nhìn Irina: đôi môi cô ấy nhợt nhạt, cặp mắt mỡ to đẫm lệ. Trong ký ức của tôi mang suốt cuộc đời, hình ảnh Irina của tôi đọng lại là như vậy đó.

Chúng tôi đi đến Ucraina. Tại đây, người ta giao cho tôi một chiếc xe tải và tôi lái nó ra mặt trận. Tôi tham gia chiến đấu không lâu và bị bắt làm tù binh vào tháng 5 năm1942. Lúc đó, nbọn Đức tấn công rất nhanh, một đơn vị pháo binh của ta đang lâm vào tình thế bị thiếu đạn. Người ta mang xe của tôi đến... Người chỉ huy nói: “Đồng chí Xôcôlôp sẽ lên đường chứ?”.-“Còn phải hỏi cái quái gì nữa? “Ở đó quân ta đang phải hy sinh, còn tôi sẽ phải suy nghĩ nữa sao? -Không có thảo luận gì nữa hết! - Tôi trả lời anh ta, -Tôi cần phải lên đường, chỉ có thế thôi!”.

Chưa bao giờ tôi từ chối khi nhận một nhiệm vụ như vậy. Vẫn biết rằng, tôi không phải đi chở khoai tây... Tôi sẽ lên đường một mình, cách đơn vị không xa thì sẽ rẽ trái đến một địa điểm của quân ta, xung quanh đó cất giấu đạn dược... Nhưng tôi đã không đi đến được chỗ đó... Một tiếng nổ vang lên và thế là tôi không còn nhớ gì hơn được nữa. Lúc đó tôi cũng không hiểu là làm sao mà tôi lại sống sót, và tôi nằm cạnh đường bao nhiêu lâu tôi cũng không biết nữa. Khi tỉnh dậy, tôi không tài nào đứng lên được. Tôi lê bụng trên mặt đất khá lâu và gắng gượng đứng dậy. Tôi không tài nào nhớ nổi là điều gì đã xảy ra với tôi. Tôi rất sợ lại phải nằm xuống một lần nữa - nếu thế tôi sẽ không đứng lên được và sẽ bị chết. Lại một lần nữa tôi bị ngất đi và ngã vật xuống đất. Khi tỉnh lại tôi liền hiểu rằng, tôi đang rơi vào tay quân thù. Từng đoàn xe tăng Đức chạy ngang qua tôi, rồi sau đó pháo binh chuyển quân. Bỗng tôi thấy trước mặt có sáu tên lính Đức đi đến. Một tên trong bọn chúng cởi tiểu liên ra, “Thôi rồi, phen này nó sẽ bắn mình đây!” - Tôi thoáng nghĩ vậy. Nhưng lúc đó bọn chúng không giết tôi. Chúng tháo đôi ủng của tôi và khoát tay về phía Tây: “Hãy xéo đi, đồ súc vật biết làm việc, giờ đây mày phải làm việc cho bọn tao” - Thế nào, mày biết làm gì rồi chứ?!. Tôi dò dẫm lần ra phía đường cái và bắt đầu đi về phía Tây, tôi đã là một tù binh. Tôi rất yếu nhưng phải gắng gượng bước đi. Khi mới đi được một quãng thì có một toán đông tù binh người của ta đuổi kịp tôi. Có mười tay súng tiểu liên áp giải họ. Một tên trong bọn chúng tiến đến phía tôi và lập tức phang một báng súng vào đầu tôi.

Nhưng tôi đã không ngã. Nếu như tôi ngã thì nó đã bắn tôi ngay tại đó. Người của ta đã giúp tôi, xốc nách và dìu tôi đi. Chừng nửa giờ sau khi tôi đã có thể tự đi được, mọi người nói cho tôi biết: “Hãy cố mà đi, cái chính là không được ngã, nếu ngã chúng sẽ bắn ngay!”. Nếu có ai đó bị thương, yếu quá rớt xuống, bọn chúng bắn tại chỗ. Đến đêm, chúng tôi đi đến một làng nhỏ và ngủ qua đêm trong một ngôi nhà đã bị phá hủy một nửa. Suốt đêm hôm đó chúng tôi nằm trên nền đá. Vào lúc nửa đêm bỗng có tiếng ai đó hỏi tôi: “Đồng chí ơi! đồng chí có bị thương không?”. Tôi trả lời anh ta: “Người anh em cần gì?” - Anh ta nói: “Tôi là bác sỹ, rất có thể tôi sẽ giúp được anh?”. Tôi nói rằng, vai tôi rất đau. Anh ta khám vai cho tôi, dường như vai tôi bị dập. Anh ta nắn lại vai cho tôi. Tôi cảm tạ anh ta. Còn anh ta vẫn mò mẫm bò đi trong bóng đêm và hỏi khẽ: “Còn có đồng chí nào bị thương nữa không?”. Đúng là một bác sỹ chân chính! Cũng là một tù binh, nhưng trong đêm tối anh ta đang làm công việc vĩ đại của mình.

Đêm đó trôi qua hết sức nặng nề.

Sáng ra, bọn Đức tập trung chúng tôi lại gần nhà. Chúng hỏi, những ai là Đảng viên cộng sản, là cán bộ chỉ huy. Không có ai nhận cả. Chính xác ra là đã không có ai phản bội, bởi quá nửa trong chúng tôi là Đảng viên và cán bộ chỉ huy. Nhưng chẳng ai nói ra điều đó. Cuối cùng bọn Đức lôi ra bốn người: một người Do Thái và ba người Nga. Chúng túm ba người Nga vì tóc của họ màu đen giống như của người Do Thái. Bọn Đức bắn họ xong và xua chúng tôi đi tiếp. Chúng xua chúng tôi đến Pôznan, ở đó có một trại tập trung.

Anh bạn ạ, anh thấy đấy, ngay từ ngày đầu tiên tôi đã có ý đinh chạy trốn, nhưng cơ hội thuận lợi chưa có. Và thế là có một lần vào cuối tháng Năm, bọn chúng đưa chúng tôi đến một khu rừng gần trại để đào hố chôn những thương binh đã chết. Tôi vừa đào vừa để ý quan sát: có hai tên lính Đức đang ngồi ăn trưa, còn tên thứ ba đang phơi nắng. Chớp thời cơ, tôi liền vứt xẻng và rón rén lẩn ra phía sau một thân cây... và sau đó cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về phía Đông. Từ đâu tôi có một sức mạnh như vậy, - tôi đã chạy ngót bốn mươi km mà chính tôi cũng không hay. Tôi đã băng qua tất cả các chướng ngại vật. Sang ngày thứ tư, khi tôi đã cách trại khá xa thì bọn Đức lại chụp được tôi. Mấy con chó lần theo vết chân tôi và chúng tìm thấy tôi. Bọn Đức đi hai mô tô đến. Thoạt đầu chúng thẳng tay đánh tôi, sau đó xua chó vào xâu xé. Khắp người tôi thịt da tơi tả. Bọn chúng điệu ngược tôi về trại với thân hình đẫm máu. Nghĩ lại thật hãi hùng, nhưng lại một lần nữa tôi sóng sót.

Không còn thiếu nơi nào mà bọn Đức lại không lùa tôi đến trong những năm tôi bị bắt làm tù binh! Tôi đã đi qua một nửa nước Đức: làm việc trong nhà máy hóa chất ở Sacsôxia, làm trong hầm mỏ ở Rura, đào đất ở Bavaria và cũng đã từng ở Triuringia. Anh bạn ạ, bên đó thiên nhiên khắp nơi thì không giống nhau; nhưng ở mọi nơi bọn Đức đánh đập chúng tôi là như nhau. Chúng đánh anh vì anh là người Nga, vì anh còn nhìn đến một thế giới sáng sủa và cũng bởi anh đang làm việc cho chúng. Ở đâu bọn chúng cũng cho chúng tôi ăn một kiểu như nhau: 150 gam chất thay thế bánh mỳ và xúp loãng. Nước sôi nơi thì có, nơi thì không. Trước chiến tranh tôi cân nặng 86 kg, đến năm 1944 còn không hơn 50 kg. Người tôi chỉ còn da bọc xương.

Đầu tháng 9, bọn Đức chuyển chúng tôi sang một trại khác cách Đrezđen không xa. Ở trại này lúc bấy giờ có gần 2000 tù binh của ta. Tất cả làm việc trên mỏ đá từ sáng đến chiều. Chúng tôi ai cũng gầy yếu mà công việc lại rất nặng nề. Qua hai tháng đội của tôi từ chỗ có 142 người, giờ chỉ còn lại 57 người.

Một hôm, vào buổi chiều, khi chúng tôi vừa đi làm về thì có một phiên dịch và hai tên lính đi đến. “Ai là Xôcôlôp Anđrây?” -“Có tôi”. -“Hãy theo chúng tôi, ngài Trưởng trại cho gọi anh”. Tôi từ biệt các đồng chí của mình - mọi người đều hiểu rằng, hẳn là tôi đi nhận cái chết, và tôi ra đi. Vừa đi tôi vừa nghĩ: “Lần này chắc xong phim rồi Anđrây Xôcôlôp ạ, tù nhân số 331”. Tội nghiệp cho Irina và các con tôi”.

Trong văn phòng tên Trưởng trại có năm tên đang ngồi uống vôtka và nhấm thịt ướp muối. Tôi thấy ngồi hướng đối diện tôi là tên Miulle-Trưởng trại, hắn nhìn tôi như một con rắn độc. Tôi nói: “Tù binh Anđrây Xôcôlôp có mặt theo lệnh của ông”. Tên Miulle hỏi tôi:  “Mày bảo tiêu chuẩn của chúng mày cao lắm phải không?”- “Vâng, đúng vậy, thưa ngài Trại trưởng”. - Tôi nói.

Hắn đứng dậy và nói: “Giờ tao sẽ bắn mày vì những lời nói này, hãy đi ra sân!”

Sau đó hắn dừng lại, chợt nghĩ ra một điều gì, hắn cất súng, rót một ly vôtka, lấy một mẩu bánh mỳ, đặt lên đó một miếng thịt ướp muối và đưa cả cho tôi: “Trước lúc chết mày hãy uống vì thắng lợi của chúng tao”. Thoạt đầu tôi cầm lấy, nhưng sau đó trấn tĩnh lại: “Làm một người lính Nga như tôi mà lại uống vì thắng lợi của kẻ thù ư?! Mày không thể muốn điều gì khác hơn thế sao, hở tên Trưởng trại?”.

Tôi đặt các thứ lên bàn và nói: “Cám ơn ông, tôi không uống”. Hắn nhếch mép cười: “Mày không uống vì thắng lợi của chúng tao sao? Thế thì giờ hãy uống vì cái chết của mày!” -“Được, nếu vì cái chết của tôi, tôi sẽ uống”. Nói xong, tôi cầm ly rượu lên và uống một hơi cạn hết.

Hắn chăm chú nhìn tôi rồi nói: “Hãy nhấm nháp một tý gì đi trước khi chết!”. Tôi trả lời hắn: “Tôi có thói quen không nhấm gì sau ly đầu tiên”. Và thế là tôi uống liền một mạch ba ly vôtka mà không hề ăn một miếng gì: Tôi muốn giữ thể diện của mình. Sau sự việc này tên Trại trưởng rời khỏi bàn và nói: “Khá lắm, Xôcôlôp ạ, anh là một người lính chân chính. Tôi cũng là một người lính, tôi kính phục những ai là kẻ thù mà có khí phách. Tôi sẽ tha chết cho anh. Ngày hôm qua quân đội Đức đã thắng trận trên sông Vonga. Đó là một niềm vui lớn đối với chúng tôi, vì vậy tôi cho anh được sống. Hãy đi đi!” - Nói rồi, hắn đưa chỗ bánh mỳ và thịt ướp muối cho tôi. Tôi cầm lấy và lê bước về trại: bởi lúc này tôi đã rất yếu, hoàn toàn đói mà lại uống liền một lúc ba ly vôtka... Khi tôi mò về được đến doanh trại thì liền ngã vật xuống nền. Tỉnh dậy, tôi kể lại những gì đã xảy ra cho anh em nghe. Mọi người chia bánh mỳ và thịt ra những phần bằng nhau. Mỗi người tuy chỉ có tý ty thôi nhưng ai cũng có phần cả.

Sau đó bọn Đức điều chúng tôi đến vùng Rurxki để làm việc trong hầm mỏ. Tôi ở đó cho đến năm 1944. Có một lần bọn Đức tập trung chúng tôi lại và một tên thiếu úy nói qua phiên dịch: “Ai ở trong quân đội hay trước chiến tranh biết nghề lái xe, bước lên trước một bước!”.

Có bảy người như vậy. Bọn chúng liền đưa chúng tôi đến Pốtsđam. Nhiệm vụ của tôi là lái xe riêng cho một tên thiếu tá - kỹ sư công binh Đức. Suốt hai tuần liền tôi chở hắn đi, về giữa Pôtsđam và Beclin. Sau đó hắn được điều ra gần mặt trận hơn để chỉ huy xây dựng công sự. Thế là ở đây tôi quyết định chạy trốn. Chúng tôi đến thành phố Pôlôtsk. Một buổi sáng sớm, lần đầu nghe tiếng pháo binh ta nhả đạn, tim tôi như nghẹn lại.  Ngay lúc đó tôi quyết định phải nhanh chóng chạy về phía quân mình. Nhưng tôi sẽ không chạy một mình mà phải bắt theo cả tên kỹ sư Đức.

Sáng sớm ngày 29/6 tên thiếu tá ra lệnh cho tôi chở hắn ra ngoại ô thành phố, nơi hắn đang chỉ huy xây dựng chiến lũy. Chúng tôi ra đi. Tên Đức ngồi ngủ gà ngủ gật ở ghế phía sau. Thoạt đầu tôi cho xe chạy nhanh. Sau khi ra khỏi thành phố tôi dừng xe lại. Tôi mở cửa xe và nện tên Đức một cú vào đầu cho nó ngất xỉu đi - tôi muốn đem hắn còn sống về nộp cho quân ta. Tôi tước súng ngắn của hắn. Thay cho mình bộ quân phục lính Đức mà tôi đã ngầm chuẩn bị để chờ những cơ hội như thế này. Tôi phóng xe qua mặt trận. Bọn Đức không chặn xe tôi lại vì chúng thấy có tên thiếu tá Đức và tôi cũng mặc quân phục Đức. Sau đó thì chúng bắn theo hai bên xe tôi, nhưng tôi đã chạy thoát được. Quân ta chạy đến phía tôi và tôi đã kể lại những gì đã xảy ra... Ngay chiều hôm đó tôi được dẫn đến gặp chỉ huy Trung đoàn. Đồng chí Trung đoàn trưởng rời bàn làm việc đến ôm chầm lấy tôi và nói: “Cám ơn đồng chí, người lính, món quà đồng chí mang về rất có giá trị. Tên thiếu tá và chiếc cặp tài liệu của nó - đó là một món quà vô giá. Còn đồng chí, ngay ngày hôm nay phải vào quân y viện để điều trị, nghĩ ngơi. Sau đó đồng chí sẽ được về thăm gia đình, còn sau đó nữa thì trở lại đây với chúng tôi”.

Từ quân y viện tôi lập tức viết thư cho Irina. Suốt hai tuần liền tôi chỉ có ăn và ngủ. Sau đó thì không thể ăn thêm gì được nữa. Tin nhà càng trông càng vắng và tôi bắt đầu thấy sốt ruột. Sau ba tuần thì tôi nhận được một bức thư từ Varônher. Nhưng không phải thư của Irina mà là thư của ông bạn láng giềng Ivan Timôphiêvich gửi cho tôi. Cầu Chúa để đừng bao giờ có ai phải nhận những bức thư như thế này! Ivan báo tin là vào tháng 6/1942 bọn Đức đã ném bom xuống nhà máy luyện kim, và có một quả bom đã rơi trúng nhà tôi. Lúc đó Irina và hai cô con gái đang ở nhà và đều bị chết cả. Chỉ có Anatôli là thoát chết, vì trong lúc có cuộc oanh kích thì nó đang ở trong thành phố. Buổi chiều, khi về đến nhà, nhìn thấy cảnh tang thương như vậy, đến đêm nó quay trở lại thành phố. Trước khi đi nó nói với người láng giềng là nó sẽ đề nghị để được ra  mặt trận. Tất cả là như vậy đấy”.

Người đàn ông im lặng. Anh ta không thể nói được nữa vì quá xúc động. Nhưng im lặng đâu phải dễ dàng gì. Anh ta lại kể tiếp: “Sau đó tôi được đi nghỉ phép. Một tuần sau tôi có mặt ở Varônher. Tôi tìm đến nơi trước đây có ngôi nhà của chúng tôi, nơi mà những người thân yêu đã từng sống cho tôi. Tôi chỉ đứng lại được một lúc, sau đó trở ra ga và ngay ngày hôm đó tôi trở về trung đoàn. Tôi không thể ở lại Varônher được.

Nhưng ba tháng sau niềm hạnh phúc cuối cùng còn lại đã cổ vũ tôi. Anatôli của tôi đã tìm thấy tôi. Nó gửi thư đến đây từ một mặt trận khác. Người láng giềng đã ghi địa chỉ của tôi cho nó. Anatôli kể rằng, đã tốt nghiệp Trường pháo binh, ra mặt trận, đang mang lon Đại úy và đã được tặng thưởng 6 Huân chương.

Và thế là tôi bắt đầu mơ ước: Chiến tranh rồi sẽ kết thúc, con trai tôi sẽ cưới vợ, và tôi sẽ sống với chúng, chăm sóc cháu nội...

Nhưng mơ ước đó đã không thành.

Vào sáng ngày 9/5, đúng vào ngày Chiến Thắng, một tên xạ thủ tiểu liên Đức khốn kiếp đã cướp đi sinh mạng Anatôli của tôi.

Bây giờ đây, như là một giấc mơ, tôi nhớ lại tôi đã đi đến Trung đoàn, nơi Anatôli phục vụ. Tôi bước đến nơi đặt quan tài. Con trai tôi nằm đó mà không phải của tôi. Con trai tôi là một cậu bé vui tính kia, còn nằm ở đây là một người đàn ông trẻ trung, khôi ngô tuấn tú... Tôi hôn con tôi và rời quan tài. Đồng chí chỉ huy Trung đoàn đọc lời truy điệu. Những người đồng chí - những người bạn của Anatôli lau nước mắt. 

Còn ở tôi nước mắt không còn nữa. Nước mắt của tôi đang đọng lại trong tim. Có thể, bởi vì thế mà trái tim tôi quặn thắt.

Tôi đã chôn vào đất Đức xa lạ niềm hạnh phúc và  niềm hy vọng cuối cùng của đời mình...

Ít lâu sau tôi được xuất ngũ. Về đâu bây giờ đây? Về Varônher ư? - tôi không thể! Tôi nhớ là ở Uriupinsk tôi có một người bạn, anh ta có lúc đã mời tôi đến.Và thế là tôi đi Uriupinsk. Vợ chồng bạn tôi đón tôi rất nồng hậu, và tôi ở lại đó với họ. Tôi làm nghề lái xe. Và thế là có một lần tôi đã làm quen với đứa con trai mới của tôi, nó đấy. Anh dịu dàng nhìn về phía thằng bé.

Lần đó tôi nhìn thấy ở gần nhà ăn cậu bé này nó gầy gò, bẩn thỉu. Ngồi trong xe tôi gọi nó: “Này Vanhia! Ngồi vào xe nhanh lên, chúng ta ra bến xe rồi quay lại đây ăn trưa”. Cậu bé chạy bổ đến: “Sao bác biết tên cháu là Vanhia”. Hỏi rồi cậu bé mở to mắt ra chờ đợi tôi trả lời. Tôi nói với cậu bé là tôi biết tất cả. Tôi đặt cậu bé ngồi ghế bên cạnh và đánh xe đi. Cậu bé ngồi buồn rầu, nhìn tôi và thở dài. “Một đứa bé như thế mà cũng phải bắt đầu học thở dài ư! Liệu đó có phải là việc của nó không!?” - Tôi nghĩ.

- “Thế bố cháu ở đâu hả Vanhia?” - Tôi hỏi.

- “Đã hy sinh ngoài mặt trận” - “Thế còn mẹ?”

- “Mẹ cháu đã chết khi nhà cháu đi trên tàu”.

- “Thế nhà cháu từ đâu đi?”- “Cháu chẳng hiểu, chẳng nhớ gì nữa cả”. - “Thế cháu không còn ai thân thích sao?” - “Dạ không có ai cả”.

Tôi nhìn đứa bé, lòng dấy lên niềm thương cảm và liền quyết định: “Tôi sẽ nhận cậu bé làm con nuôi!”. Lập tức tâm hồn tôi trở nên nhẹ nhàng và thanh thản ra.

“Vanhia, thế cháu có biết bác là ai không?”- Tôi hỏi cậu bé. -“Là ai ư?”, cậu bé nói khẽ. Còn tôi khẽ trả lời cậu bé : - “Bác đây là bố của cháu”.

Trời đất ơi! Điều gì vừa xảy ra ở đây thế này?!

Cậu bé liền ôm ngay lấy cổ tôi, hôn tôi và vui sướng reo lên: “Bố yêu quý! Con biết, con biết mà, thế nào bố cũng tìm được con! Con mong đợi điều này đã lâu lắm rồi!”.

Thằng bé bật khóc, và tôi cũng không cầm được nước mắt.

Tôi đem đứa con trai mới của tôi về nhà như thế đấy. Tôi rửa ráy cho nó, bế nó ra ngồi cạnh bàn. Vợ anh bạn tôi chỉ có biết đứng nhìn Vanhia và khóc.

Thấy thế, thằng bé chạy đến và nói: “Cô ơi! Sao cô lại khóc? Hôm nay bố cháu đã tìm lại được cháu, cả nhà vui mừng mới phải chứ, cô đừng khóc nữa!”.

Ăn trưa xong, tôi dẫn thằng bé ra quán cắt tóc, sau đó bế nó vào giường ngủ. Tôi chạy ra cửa hàng mua quần áo cho nó, cả áo Pantô nữa... Tôi ngả lưng cạnh thằng bé một cách nhẹ nhàng và lần đầu tiên tôi chợp mắt thanh thản. Tôi đã quen với nó, bây giờ vắng nó tôi cảm thấy rất buồn. Vào ban đêm , nếu anh nhìn thấy nó ngủ thì tâm hồn anh thanh thản đi rất nhiều.

Có một lần tôi nằm ngủ với nó, còn nó thì nhìn tôi và nghiêm trang hỏi: “Bố ơi! Thế bố để cái áo Pantô da của bố ở đâu?”. Tôi thì chưa bao giờ có áo Pantô da cả! nhưng tôi cứ trả lời: “Ở Varônher ấy”.- “Tại sao bố đi tìm con lâu thế?”. Tôi trả lời: “Con trai ạ, bố đã đi tìm con ở nước Đức, ở Ba-lan và khắp cả Bêlarus, còn con té ra lại ở Uriupinsk”. “Thế Uriupinsk gần với nước Đức hơn à?, còn từ nhà mình đến Ba-lan lại xa hơn à?” - Tôi đã trò chuyện với thằng bé như vậy trước giấc ngủ. Còn chuyện cái áo Pantô da nó cũng không có ý hỏi han thêm nữa. Điều đó có nghĩa là người cha của đứa bé đã từng mang áo Pantô da.

Chúng tôi sống với nhau ở Uriupinsk một năm. Giờ đây tôi và cháu đang trên đường đến Kasar, nơi anh bạn thân của tôi đang sống. Anh ta tha thiết mời chúng tôi đến đó ở. Chúng tôi sẽ sống ở đó. Tính tôi cũng không thích ở cố định một chỗ. Chỉ khi nào Vanhia đi học, lúc đó chúng tôi sẽ chọn một nơi ở cố định.

Lúc này thuyền cũng vừa cập bến.

Một con người xa lạ. Giờ đây đối với tôi cũng đã trở nên thân thiết. Anh ta đứng dậy, chìa bàn tay to, cứng như gỗ cho tôi và nói:

-  Tạm biệt anh bạn, chúc anh may mắn!

-  Chúc anh đến Kasar bình an.

-  Cám ơn anh.

Này con trai, chúng ta lên thuyền thôi.

Cậu bé chạy đến và sánh bước bên cạnh bố. Tôi nhìn theo hai bố con hồi lâu.

Hai con người đã mất đi tất cả trong chiến tranh, không có nhà cửa, không gia đình. Cái gì đang chờ họ phía trước.

Thiết nghĩ được rằng có một người Nga mạnh mẽ và vững vàng, kề vai bố có một con người đang lớn dần lên và cũng sẽ trở thành một người lớn, rất có thể sẽ vững vàng và chiến thắng mọi trở ngại trên con đường của mình nếu như Tổ quốc gọi đến anh ta.

HÀ VĂN LÂM dịch                                 
(Theo bản Tiếng Nga “Số phận một con người”)

(189/11-04)





 

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Horla (09/09/2009)
Con Gái (31/08/2009)
Sonny không buồn (26/08/2009)
Xem trộm (18/08/2009)
Trở về (10/07/2009)