Truyện dịch
Tác phẩm định mệnh
08:47 | 29/10/2009
FRANK R- STOCKTONCách đây năm năm, một sự kiện kì lạ đã xảy đến với tôi. Cái biến cố này làm thay đổi cả cuộc đời tôi, cho nên tôi quyết định viết lại nó. mong rằng nó sẽ là bài học bổ ích cho những người lâm vào tình cảnh giống tôi.
Tác phẩm định mệnh
Nhà văn Mỹ Frank R-Stockton - Ảnh: en.wikipedia.org

Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã chọn nghiệp văn chương sau khi trải qua nhiều năm làm việc cật lực với đồng lương kham khổ. Những bài báo và truyện của tôi thuộc đủ thể loại, cuối cùng cũng được các nhà biên tập của các tạp chí để tâm tới và những khoản nhuận bút cũng đủ mang lại cho tôi một cuộc sống sung túc. Những tác phẩm của tôi không phải là những kiệt tác văn chương, cũng chẳng có giá trị gì cho lắm, nhưng luôn được chấp nhận.

Cũng vào lúc này, tôi kết hôn, sau khi đã đính hôn hơn một năm, nhưng trước đó tôi đã không nghĩ rằng mình phải nuôi vợ con cho đến khi tôi ý thức đầy đủ trách nhiệm của một người chồng. Tôi làm việc siêng năng và cật lực hơn. Tôi biết rõ nơi tiêu thụ sản phẩm ngòi bút của mình và biết rằng với số tiền nhận được từ sản phẩm của mình này, tôi không giàu nhưng đủ sống nhàn hạ.

Cũng giống như tất cả mọi người, tuần trăng mật đối với tôi thật là lý tưởng. Tôi thấy cuộc đời mới đẹp đẽ và ý vị làm sao, cuộc đời toàn hoa hồng và mật ngọt. Mọi vật xung quanh tôi đều đáng yêu làm sao. Một ngày mới bắt đầu tràn ngập niềm hân hoan vui sướng. Và trong khi tận hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào này, tôi đã sáng tác ra một câu chuyện. Ý tưởng truyện đến bất thình lình khiến tôi rất thích thú liền bắt tay ngay vào công việc với niềm vui thích và đam mê. Tôi đã hoàn thành công việc trong một thời gian ngắn và chọn tựa là “ Người em dâu giết chị”. Hypatia, vợ tôi, rất thích câu chuyện này. Khi tôi đọc nó, nàng xúc động đến rơi nước mắt và tôi đã thấy rằng nó tạo một ấn tượng sâu đậm với nàng. Cuối câu chuyện, nàng lau khô nước mắt và nói: “ Câu chuyện này sẽ tạo cho anh một tương lai rạng rỡ. Nó có thể sánh với “Chuyện cô hầu gái” của Lamartine đấy”.

Ngay ngày hôm sau, tôi gởi câu chuyện đến tạp chí mà tôi viết thường xuyên và thường đăng những bài hay nhất của tôi. Vài ngày sau, tôi nhận một lá thư từ nhà biên tập, ông nói không chỉ riêng ông mà tất cả những người biên tập khác ở trong phòng, ngay cả “ bố già” Gibson, người chẳng bao giờ thèm đọc một bài nào chưa lên khuôn và chẳng bao giờ khen bất cứ bài nào mà không có chút chê bai trong đó, cũng bị các đồng nghiệp thuyết phục đọc bản thảo này và những giọt nước mắt đầu tiên sau bốn mươi năm trong nghề xuất hiện. Vì thế, câu chuyện sẽ được đăng ngay khi ông tìm được một chỗ thích hợp cho nó.

Chẳng có gì có thể làm cho cuộc sống của chúng tôi tuyệt diệu hơn ngoài lá thư này. Rồi trong một thời gian ngắn, câu chuyện đã được in và được độc giả tiếp nhận nồng nhiệt không kém gì các nhà biên tập. Các đồng nghiệp của tôi bắt đầu viết cảm tưởng về nó, rồi những lời khen ngợi không ngớt trên báo chí, nó đúng là một kiệt tác văn chương. Dù không phải là người có thói quen kiêu căng tự phụ với những gì mình đã đạt được, ngay cả vợ tôi cũng thường trách tôi ít để tâm tới chuyện này, tôi cũng không khỏi cảm thấy ít hãnh diện và thỏa mãn. Nó không làm cho tôi giàu có như vợ tôi đã nghĩ, nhưng chắc chắn, nó sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong sự nghiệp văn chương của tôi.

Gần một tháng sau khi câu chuyện này ra đời, điều kỳ lạ không mong đợi đã đến với tôi. Một bản thảo bị nhà biên tập của tờ tạp chí đã đăng bài: “Người em dâu giết chị” gởi trả cho tôi. “ Đó là một truyện hay, ông ta viết, nhưng nó không xứng đáng với tầm vóc của câu chuyện mà ông vừa viết. Chúng tôi e rằng nó có thể làm tổn hại đến danh tiếng mà ông vừa mới có, nếu chúng tôi cho đăng bất cứ bài nào kém hơn bài “ Người em dâu giết chị”.

Tôi không quen với việc bị trả lại bản thảo nên rất tức khi nhận bức thư này. Tôi chẳng nói gì với vợ tôi cả vì như vậy có khác gì phủ đám mây u ám vào ngôi nhà hạnh phúc của chúng tôi. Ngay lập tức, tôi gởi câu chuyện tới một nhà biên tập khác. Tôi không thể nào diễn tả nỗi ngạc nhiên khi thấy nó cũng bị trả lại sau gần một tuần. Giọng điệu trong bức thư của nhà biên tập này cũng chứng tỏ sự không hài lòng “Tôi rất tiếc phải gởi trả lại bản thảo, nhưng ông cũng biết đấy, nếu ông gởi cái gì giống như “Người em dâu giết chị” thì tôi chắc rằng nó sẽ được đăng ngay lập tức”.

Lần này thì tôi buộc phải nói cho vợ tôi biết, nàng cũng ngạc nhiên như tôi, nhưng có lẽ là không bị sốc. “ Chúng ta hãy đọc lại câu chuyện này một lần nữa xem sao- nàng đề nghị, và gắng tìm ra khúc mắc của nó”. Khi chúng tôi ngừng đọc, Hypatia nhận xét: “Nó cũng hay như các câu chuyện khác của anh và thú vị hơn nữa là đằng khác, nhưng đúng là nó không xứng với “ Người em dâu giết chị”

“ Dĩ nhiên là không rồi- tôi đáp- anh không mong mình viết được một câu chuyện như thế mỗi ngày. Nhưng chắc phải có điều gì sai trong tác phẩm cuối cùng này mà chúng ta không biết đấy thôi. Có lẽ thành công gần đây đã làm cho anh ít chú trọng tới việc viết lách của mình thì phải”

“ Em không nghĩ vậy đâu”, Hypatia đáp.

“ Dù sao đi nữa- tôi tiếp- thì anh sẽ dẹp chuyện này sang một bên và làm lại từ đầu”.

Rồi tôi hoàn thành một bản thảo mới và gởi cho tạp chí “ruột” của tôi. Nó được giữ một vài tuần và rồi thì cũng trở lại với tôi. Ông ta viết cho tôi rất thân mật “Nó không xứng chút nào. Sự đòi hỏi các ấn bản đăng những chuyện tựa như “Người em dâu giết chị” ngày càng tăng. Chúng tôi không thể để cho ông làm độc giả thất vọng được. Họ rất nôn nóng muốn đọc những câu chuyện của ông đó”.

Tôi gởi bản thảo này đến bốn tạp chí khác và ở đâu cũng bị gởi trả với lời nhận xét rằng câu chuyện không phải là tồi nhưng nó không phải là những gì mà độc giả mong muốn đọc từ tác giả của “ Người em dâu giết chị”.

Nhà biên tập của tạp chí Phương Tây nhờ tôi viết một câu chuyện cho số báo đặc biệt về kỳ nghỉ. Tôi viết và gởi đi. Tôi nhận lại nó cùng với tờ thư “Tôi đã hy vọng rằng khi tôi yêu cầu một câu chuyện từ ngòi viết của ông thì phải nhận được một cái gì đó tương đương với “ Người em dâu giết chị” chứ. Phải nói rằng tôi rất thất vọng đấy”.

Đọc những dòng này tôi tức giận đến nỗi phải thốt lên trong sự ngạc nhiên của vợ tôi “Ông phải xin lỗi vì đã xúc phạm tôi và vì câu chuyện này sẽ không làm tổn hại được tôi. Đã thế, tôi sẽ chẳng viết gì cả chừng nào mà mọi người chưa quên chuyện này”.

“ Anh không thể mong người ta quên hết được”, Hypatia nói với đôi mắt ngấn nước.

Tôi không cần kể chi tiết về những nỗ lực của tôi trong những tháng kế đó. Các nhà biên tập đã đánh giá quá cao câu chuyện quái quỷ “Người em dâu giết chị” nên tôi gần như vô ích khi gởi những tác phẩm kém tầm vóc hơn. Và tương tự, các tạp chí khác mà tôi đã cố gởi, họ đều cho rằng tôi đã làm một điều sỉ nhục họ khi gởi những tác phẩm kém tầm vóc hơn các tác phẩm đã làm cho tiếng tăm của tôi “nổi như cồn”. Sự thật rằng cái câu chuyện thành công rực rỡ đó đã thiêu hủy cuộc đời tôi. Nguồn thu nhập của tôi đã bị cắt đứt. Và càng vô ích hơn khi phải cố gắng viết những truyện hay như “ Người em dâu giết chị”. Vì tôi đâu có thể kết hôn mỗi khi tôi bắt đầu viết một tác phẩm mới và trí óc tôi cũng đâu thể lúc nào cũng ở tình trạng hưng phấn cực điểm như lúc tôi viết câu chuyện đó đâu.

“Khủng khiếp thật- vợ tôi nói- bây giờ anh ghét cay, ghét đắng các tác phẩm đẹp đẽ của anh rồi”.

“Đó không phải lỗi tại anh- tôi đáp- anh đâu có chủ ý làm mọi người nghĩ và mong đợi anh lúc nào cũng có thể viết hay như vậy đâu. Giả sử những người hâm mộ Raphael (1) cũng cảm thấy tương tự như vậy với bức tranh “ Sistine Madonna” thì họ sẽ không mua bất cứ bức nào mà không đẹp như bức này nữa mất. Trong trường hợp này, anh nghĩ rằng ông ấy sẽ chết từ khi còn khá trẻ quá”.

“Nhưng, anh yêu- Hypatia rất am hiểu về lãnh vực này- bức Sistine Madonna là một trong những bức tranh cuối cùng của ông ta đó”

“Đúng vậy, nhưng nếu ông ấy cũng lấy vợ như anh thì chắc ông ấy đã vẽ nó sớm hơn rồi”

Một buổi chiều khi tôi đang đi bộ về nhà thì gặp Barbel, người mà tôi biết rất rõ ngay từ những ngày đầu viết văn. Anh trông gìa hơn cái tuổi năm mươi của mình. Râu tóc đều bạc và quần áo thì cũng sờn màu luôn. Chắc rằng màu quần áo cũng như râu tóc nguyên thủy là màu đen. Tuổi tác đã ghi dấu lên cái vẻ bề ngòai của người đàn ông này. Anh chào đón tôi rất nồng nhiệt.

“Sao, có chuyện gì thế? Tôi chẳng bao giờ thấy cậu buồn như vầy cả”

Tôi chẳng có gì phải giấu Barbel. Lúc tôi mới tập tành viết lách, anh đã giúp tôi rất nhiều, anh có quyền biết tình cảnh của tôi. Tôi kể cho anh nghe những khó khăn tôi gặp phải.

“ Này - anh nói khi tôi kể xong - đi về phòng tôi đi, tôi có vài điều lí thú cho cậu đấy”.

Tôi theo Barbel về phòng. Căn phòng ở tầng trên cùng của ngôi nhà cũ kỹ và ảm đạm nằm trên con đường hẹp và tối.

“ Cậu thấy đấy, đây không phải là một khu đẹp đẽ gì cho lắm- Barbel nói khi chúng tôi tiến gần đến ngôi nhà - nhưng có một vài điểm khiến tôi nhớ đến những khu phố ở Italia, nơi có những ngôi nhà san sát nhau trông rất thân thiện”.

Căn phòng của Barbel còn thua cả con đường nữa. Nó tối và bẩn, mạng nhện giăng đầy nhà. Vài cái ghế gãy chỗ tựa lưng và vài quyển sách chất đống trên cái bàn vấy mỡ. Cái giường nhỏ ở trong góc phủ đầy những tờ báo cũ xoăn góc.

Thấy tôi nhìn cái giường, Barbel thanh minh: “ Không có gì tốt hơn một cái giường lót đầy báo đâu nghen. Nó giữ ấm và làm căn phòng sáng sủa hơn”.

Phần duy nhất trong căn phòng được chiếu sáng, đó là chỗ cửa sổ ở cuối phòng. Có một cái bàn gỗ với ít đá mài ở trên đó.

“ Có cái bếp lò ở cuối phòng, cậu sẽ không thấy được đâu nếu tôi không thắp nến lên, nhưng nếu cậu không thích xem thì thôi vậy. Cậu sẽ thấy nhiều vật lạ trong phòng này nếu thắp đèn lên, mà thôi tốt hơn đừng làm thế. Vật trang trí đặc biệt trong phòng mà tôi muốn cậu biết là cái này đây”. Anh đưa tôi một cái khung gỗ nhỏ treo trên tường gần cửa sổ. Đằng sau lớp kính bụi bặm là một trang báo hay tạp chí gì đó. “Đó - anh nói - cậu thấy một trang Grasshopper tờ báo nhỏ trong thành phố này thường đăng bài tôi cách đây vài năm. Cậu có lẽ còn nhớ, tôi đã từng viết đều đặn cho tờ báo này?

“ Ồ, vâng, đúng vậy. Tôi chẳng bao giờ quên những trang mục của anh thường xuất hiện trên mỗi số báo. Nó luôn là mục vui nhộn nhất của tờ báo. Tôi và bạn bè luôn cười chảy nước mắt khi đọc nó”

Barbel im lặng nhìn tôi một lúc rồi anh chỉ vào cái khung và nói trịnh trọng “Trang báo này có bài hay nhất của tôi. Tôi treo nó trên tường để có thể nhìn thấy nó khi tôi làm việc. Mục này trong bài báo đã thiêu hủy cả đời tôi. Đó là bài cuối cùng tôi gởi cho Grasshopper. Công chúng đón đọc bài báo như chẳng bao giờ đọc gì trước đó. Theo ý độc giả thì bài báo quá hay đến nỗi những gì tôi viết sau đó đều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Từ một người viết đều đặn và thành công, tôi dừng bút hẳn. Rồi cuối cùng tôi cũng tìm ra cái nghề hiện tại của tôi đây, mài đinh ghim. Với công việc này, tôi cũng kiếm đủ tiền mua bánh mỳ, cà phê và thuốc lá, đôi khi còn có cả khoai tây và thịt. Một ngày nọ, khi tôi đang miệt mài làm việc, có một người đánh đàn hộp đi dưới đường. Anh ta chơi bản “ Il Trovatore”, giai điệu quen thuộc khiến tôi nhớ lại thời vàng son xa lắc, khi còn là một nhà văn nổi tiếng, tôi diện áo quần sang trọng, đi xem opera rồi quen biết những quí bà quí ông, nói chuyện vầ âm nhạc Ý, khi tương lai tràn đầy những viễn cảnh sáng lạn và những trò vui nhộn mà tôi nghĩ nó sẽ kéo dài bất tận. Trong khi tai nghe say sưa và trí nhớ lang thang trở về những ngày xa hoa xưa mà không mảy may nghĩ tới thực tại chút nào, tay tôi vẫn mài đều đặn, tôi mài tốt đến nỗi các đầu nhọn chắc sẽ dễ dàng đâm xuyên qua lớp da giày cứng. Khi tiếng đàn dứt, tôi trở lại cái thế giới thực của tôi với đầy mạng nhện và đồ đạc bụi bặm. Tôi nhìn chằm chằm vào những cái đinh mà tôi đã mài và không chút do dự, tôi ném chúng đi. Tôi đã báo rằng chúng bị hư. Việc này khiến tôi tốn một ít tiền nhưng tôi vẫn giữ được chỗ kiếm ăn. Chứ nếu tôi nộp những lô đinh đã mài quá tốt đó cho chủ thì chắc chắn ông ta sẽ chẳng bao giờ chấp nhận những thứ mà tôi vẫn thường mài nữa”.

Sau một phút im lặng, Barbel nói: “ Tôi chẳng có gì nhiều để nói nữa đâu, anh bạn trẻ ạ. Tất cả những gì mà tôi muốn cậu làm là hãy nhìn tờ báo trong cái khung này, nhìn vào cái cục đá mài kia rồi đi về nhà mà suy ngẫm. Còn tôi thì phải mài năm trăm cái đinh nữa trước khi mặt trời lặn".

Tôi thật bất ngờ khi tận mắt chứng kiến tình trạng của Barbel. Đã lâu rồi tôi không gặp Barbel vì tôi nghĩ rằng anh vẫn là một nhà văn trào phúng nổi tiếng. Thật là một cú sốc lớn khi thấy anh lâm vào cảnh nghèo túng, một nhà văn có năng lực lại đi là nghề mài đinh mạt hạng này. Tình cảnh của anh khiến cho tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cái tương lai u ám đang chờ chúng tôi. Kinh nghiệm buồn của Barbel là một bài học cho tôi.

Về nhà, tôi kể toàn bộ câu chuyện cho vợ tôi. Nàng nghe chăm chú với vẻ mặt rầu rĩ.

“ Em sợ rằng - nàng nói - nếu may mắn không đến thì có lẽ chúng ta cũng phải mua hai cục đá mài thôi. Về việc này thì em có thể làm cùng anh được”.

Chúng tôi ngồi vạch dự án cho tương lai. Tôi nghĩ chưa đến lúc phải làm nghề mài đinh nhưng hoặc là tôi phải nghĩ cách kiếm ra tiền hoặc là chúng tôi sẽ chết đói. Tôi phải tìm một việc khác và có lẽ sẽ khó khăn nếu không thuộc chuyên môn của tôi. Tôi thấy nuối tiếc khi phải từ bỏ cái công việc mà tôi đã chọn và dự định làm suốt đời. Thật là khó chịu khi phải nghỉ viết vĩnh viễn. Chúng tôi đã nói chuyện suốt phần còn lại của ngày và gần hết đêm nhưng cuối cùng cũng không đi đến một quyết định dứt khoát nào cả.

Ngày hôm sau, tôi quyết định đi đến gặp nhà biên tập của tờ tạp chí đã đăng bài “Người em dâu giết chị”. Tôi muốn cho ông ta rõ tình cảnh của tôi và cho tôi một lời khuyên. Ông ấy là một người tốt và luôn như là bạn của tôi. Ông nghe rất chăm chú và tỏ vẻ tiếc nuối về những gì tôi đã gặp phải.

“ Như chúng tôi đã viết cho ông đó- ông ta nói - lý do duy nhất mà chúng tôi không chấp nhận bản thảo của ông là sợ làm thất vọng độc giả, những người đã đánh giá ông rất cao. Chúng tôi nhận được hàng trăm lá thư gởi đến hỏi khi nào thì chúng tôi khởi đăng những truyện khác của ông như “ Người em dâu giết chị”. Chúng tôi thấy thật là sai lầm khi phải hủy bỏ cái tiếng tăm lừng lẫy mà ông đã đạt được. Nhưng... - ông nói với nụ cười tử tế -tiếng tăm cũng chả để làm gì khi người ta đang chết đói mà vẫn cố giữ nó”.

“ Đúng vậy - tôi mừng rỡ - ông đã hiểu ra vấn đề”.

Sau một lúc suy nghĩ, ông nói: “ Hay là ông cho phép chúng tôi in các câu chuyện mà ông vừa mới viết dưới một cái tên khác? Điều này sẽ đáp ứng lòng mong mỏi của chúng tôi và của độc giả và sẽ mang lại tiền cho ông mà không làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của ông”.

Tôi mừng rỡ chộp tay người bạn quí phái này và đồng ý ngay lập tức “ Tất nhiên rồi, tôi nói, tiếng tăm là rất tốt đấy, nhưng nó không thể mang lại cho tôi cơm no, áo ấm được”. Tôi vui vẻ chấp thuận để cái tên nổi tiếng của tôi biến mất và xuất hiện trước công chúng dưới một nhà văn vô danh mới.

“ Tôi hy vọng điều này sẽ kéo dài không lâu- ông nói, vì tôi biết chắc rằng ông sẽ còn viết nhiều truyện hay cỡ “ Người em dâu giết chị” vậy”.

Tất cả các bản thảo mà tôi có trong tay, tôi đều gởi hết cho người bạn tốt của tôi - nhà biên tập - và trong một thời gian ngắn, chúng lần lượt xuất hiện trên các tạp chí của ông dưới cái tên tôi đã chọn John Darmstadt. Tôi cũng làm tương tự đối với các tờ báo khác và tên John Darmstadt trở thành tác giả của hàng loạt bài báo của tôi. Tình cảnh của chúng tôi đã tốt hơn và chúng tôi có thể cho phép mình mơ đến một tương lai tốt đẹp”

Thời gian đều đặn trôi, năm này qua năm khác và rồi cậu con trai của tôi ra đời. Bây giờ tôi thật khó để nói tuần đầu kết hôn hay là tuần đầu đứa con ra đời là tuần lý thú và hạnh phúc nhất. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi cũng phấn khởi như tuần trăng mật vậy. Và rồi cái ý tưởng của một câu chuyện xuất hiện và thúc giục tôi viết. Không trì hoãn, tôi bắt tay ngay vào việc. Khi cậu bé được sáu tuần tuổi thì bản thảo hoàn tất. Một tối, ngồi trong căn phòng ấm cúng, tôi đọc cho vợ tôi nghe câu chuyện. Khi tôi đọc xong, nàng choàng tay quanh cổ tôi và nói với đôi mắt chớp chớp “ Em chẳng bao giờ quá tự hào về anh như lúc này cả. Câu chuyện thật tuyệt. Vâng, em chắc rằng nó sẽ HAY như “Người em dâu giết chị”

Nàng nói câu này làm rùng mình cả hai chúng tôi. Niềm hãnh diện mà tôi cảm nhận khi nghe nàng khen ngợi vụt biến mất trong chốc lát. Chúng tôi buông nhau ra và nhìn chằm chặp vào nhau. Chúng tôi đều cảm nhận sự thật rằng câu chuyện này HAY như “Người em dâu giết chị”.

Chúng tôi đứng trong im lặng và bỗng chốc cảnh hãi hùng mà câu chuyện đã gây ra cho chúng tôi trở lại như một cuốn phim quay chậm.

Vợ tôi tiến đến gần và cầm đôi tay giá lạnh của tôi “Can đảm lên, anh yêu. Nguy hiểm lớn nhất đang đe dọa chúng ta đấy, anh phải mạnh mẽ và can đảm lên mới được”

Tôi áp chặt tay nàng và chúng tôi đã không nói gì suốt đêm đó.

Ngày hôm sau, tôi lấy cái bản thảo mà tôi vừa hoàn thành cuộn nó lại cẩn thận trong tờ giấy dày màu nâu. Rồi tôi đi đến cửa hiệu gần nhà và mua một cái hộp thiếc nhỏ. Tôi đặt bản thảo trong cái hộp thiếc và khóa nó lại. Khi về nhà, tôi lên căn gác lấy xuống một cái rương, cái này trước kia là của một người trong gia đình chúng tôi làm thuyền trưởng. Cái rương này rất nặng và có hai ổ khóa lớn. Tôi gọi vợ tôi lại và nói cho nàng nghe cái gì được cất giấu trong cái hộp thiếc này, rồi tôi đặt nó vào trong rương, đậy nắp rương nặng nề lại và khóa hai lần khóa.

“ Những cái chìa khóa này - tôi nói khi đặt nó vào trong túi - anh sẽ vất xuống sông khi anh đi ra ngoài vào chiều nay”.

Nàng nhìn tôi làm và tôi có thể thấy vẻ tán thành của nàng.

“ Và bây giờ, em yêu - tôi tiếp - không ai, ngoại trừ em và sau này là con chúng ta biết được cái bản thảo này tồn tại cả. Khi anh chết, người thừa kế mới được mở cái rương và cho đăng câu chuyện này. Có như vậy thì tiếng tăm sẽ không làm hại anh được nữa”.

NGUYỄN THỊ HỒNG MINH dịch
(130/12-1999)
 




 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Horla (09/09/2009)
Con Gái (31/08/2009)
Sonny không buồn (26/08/2009)
Xem trộm (18/08/2009)