Truyện dịch
Bà Zilensky và vua Phần Lan
09:05 | 24/02/2010
Nhà văn Mỹ Carson Mc Cullers sinh 1917. Các tác phẩm chính của bà là: Trái tim là kẻ đi săn cô độc (1940), Thành viên của đám cưới (1946), Khúc ballad của quán cà phê buồn (1951), Ngọt như dưa chua và sạch như heo (1954)…
Bà Zilensky và vua Phần Lan
Ảnh: harpercollins.com








CARSON
 MC CULLERS


Bà Zilensky và vua Phần Lan


Ô
ng Brook, trưởng khoa âm nhạc Đại học Ryder đã dàn xếp xong các thủ tục để nhận bà Zilensky vào làm việc trong khoa. Cả trường cảm thấy may mắn vì bà là nhà soạn nhạc đồng thời là nhà sư phạm tiếng tăm. Ông Brook nhận lấy trách nhiệm tìm cho bà một căn nhà tiện nghi, có vườn, thuận đường tới trường, gần với nhà nơi ông đang sống.

Trước khi bà Zilensky đến, không ai ở Westbridge biết bà. Ông Brook đã thấy ảnh bà trên một số tạp chí âm nhạc và có lần từng viết thư cho bà hỏi về tính xác thực của một số bản thảo của nhà soạn nhạc Buxtehude (1). Khi đang chuẩn bị các thủ tục để nhận bà về khoa, ông và bà cũng có gởi cho nhau thư và điện tín về các vấn đề của mục đích kể trên. Chữ viết tay của bà chân phương, rõ ràng. Điều duy nhất khác thường trong các lá thư đó là bà thi thoảng nhắc đến những sự vật và con người rất khó hiểu đối với ông Brook, giả như bà viết “con mèo vàng ở Lisbon” hay như “Heinrich đáng thương”. Những điều khó hiểu đó được ông Brook qui vào việc ông có sai sót nào đó trong việc giúp bà và gia đình bà rời Châu Âu.

Ông Brook là người có phần nhàn nhạt; sau nhiều năm nghiên cứu những bản nhạc Mozart (2) viết cho điệu vũ mơnuet và giải thích những quãng bảy giảm, quãng ba thứ, ông có tính nhẫn nại, kỹ lưỡng trong nghề nghiệp. Ông rất ghét những chuyện tầm phào trong trường và ở các ban bệ. Nhiều năm trước đây khi các thành viên trong khoa quyết định tập hợp lại để đi nghỉ hè ở Salzburg, vào phút chót, ông lẩn tránh khỏi mọi sự sắp xếp, đi nghỉ một mình ở Peru. Ông có phần lập dị và luôn bỏ qua sự lập dị của người khác. Ông thật sự có chút thích thú với những người lố bịch. Thường là khi đối diện với những tình huống vô lý và nghiêm trọng, ông cảm thấy có chút khó xử, làm khuôn mặt hiền hòa, dài ngoẵng của ông đanh lại, làm sắc hơn ánh mắt nâu của ông.

Ông Brook đón bà Zilensky ở ga Westbridge một tuần trước khi bắt đầu học kỳ mùa thu. Ông nhận ra bà ngay lập tức. Bà là người phụ nữ cao dong dỏng, khuôn mặt xanh xao, phờ phạc. Mắt bà thâm quầng, tóc đen, bù xù, chải ngược ra sau trán. Bà có bàn tay to nhưng thanh nhã và ít được rửa ráy. Con người bà có cái gì đó vừa quý phái vừa trừu tượng làm ông Brook sững người trong thoáng chốc và bối rối đứng mở nút cổ tay áo sơ mi. Mặc dù bà bận chiếc váy đen dài, áo vét da cũ sờn nhưng bà vẫn tạo được ấn tượng về một người phụ nữ thanh nhã, mơ màng. Đi cùng với bà Zilensky còn có ba đứa con của bà, là những chú bé tuổi từ sáu đến mười, tóc vàng, mắt ngây thơ, bô trai. Có một người Phần Lan khác cũng đi cùng mà sau này mới biết là người đày tớ.

Đó là nhóm người ông đón ở ga. Hành lý duy nhất mà họ mang theo là hai cái thùng lớn đựng bản thảo, phần đồ dùng cá nhân còn lại đã bị bỏ quên ở ga vùng Springfield khi họ đổi tàu. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Khi ông Brook cùng họ lên taxi, ông nghĩ những khó khăn tệ hại nhất đã trôi qua, nhưng bà Zilensky bỗng trườn người qua hai đầu gối ông, thò đầu ra cửa xe.

“Chúa ơi!”, bà nói. “Tôi còn… tôi phải nói gì đây? Cái tic, tic, tic… của tôi”.

“Đồng hồ của bà?”, ông Brook hỏi.

“Ồ, không!”, bà nói nhanh. “Anh biết đó, cái tic, tic, tic của tôi” Và bà đưa ngón tay trỏ qua lại như quả lắc đồng hồ.

“Tic, tic”, ông Brook nói, đặt hai bàn tay lên trán và nhắm mắt lại “Hay là chị muốn nói tới chiếc máy nhịp”?

“Vâng!, Vâng! Tôi nghĩ chắc tôi đã bỏ quên nó ở nhà ga nơi tôi đổi tàu”.

Ông Brook cố trấn tĩnh bà. Ông còn nói bằng sự ân cần, ấm áp là ông sẽ mua cho bà chiếc máy nhịp khác vào hôm sau. Nhưng khi ông định thú nhận với chính mình rằng, có điều gì đó đáng phải tò mò về sự rối tung rối bời trong câu chuyện bỏ quên chiếc máy nhịp thì ông thấy còn có những hành lý đã bị bà bỏ quên khác để suy xét.

Gia đình bà Zilensky đến ở tại căn nhà sát nhà ông Brook và nhìn bề ngoài, mọi thứ đều tốt đẹp. Các con trai bà là những cậu bé lặng lẽ. Chúng có tên Sigmund, Boris và Sammy. Chúng luôn chơi với nhau và khi đi chơi, đứa này đi sau đứa kia, làm thành hàng một. Sigmund thường đi đầu tiên. Giữa bọn chúng với nhau, chúng nói một thứ ngôn ngữ kỳ lạ, kết hợp giữa tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Phần Lan, tiếng Đức và tiếng Anh. Khi có người khác ở xung quanh, chúng lặng lẽ một cách kỳ lạ. Đó không phải là điều duy nhất gia đình bà Zilensky nói và làm làm cho ông Brook thấy khó chịu. Có những sự việc khác. Chẳng hạn, có điều gì đó về bọn trẻ nhà bà Zilensky làm ông thấy phiền toái trong tiềm thức khi chúng đến một ngôi nhà nào đó, và cuối cùng ông thấy điều làm ông phiền toái chính là ở thực tế rằng các cậu bé nhà bà Zilensky không bao giờ bước chân lên thảm, chúng chỉ đứng hàng một trên sàn nhà không trải thảm, và nếu nhà có trải thảm, chúng chỉ đứng ở ngưỡng cửa, không bước vào bên trong. Một điều khác là sau nhiều tuần trôi qua mà bà Zilensky không chịu sắp xếp, bày biện đồ dùng trong nhà, ngoại trừ một cái bàn và vài cái giường. Cửa trước nhà bà để mở cả ngày và đêm, làm cho ngôi nhà bắt đầu có cái gì đó trông kỳ cục, ảm đạm như một ngôi nhà bị bỏ hoang đã nhiều năm.

Nhà trường có nhiều lý do để hài lòng với bà Zilensky. Bà dạy rất nhiệt tình. Bà sẽ trở nên vô cùng giận dữ nếu cô Mary Owens hoặc cậu Bernadine Smith nào đó không lau chùi những chiếc máy láy rền hiệu Scarlatti của bà. Bà tìm mua bốn chiếc piano và dùng chúng để dạy cho sinh viên của trường và bà phân công bốn sinh viên, tất cả đều có tâm trạng bị choáng ngợp, cùng chơi với nhau các bản fuga của Bach. Lời ong tiếng ve về bà lan tràn trong một số người trong khoa nhưng bà Zilensky dường như không dao động, và nếu những nỗ lực và mong muốn trong sáng của bà có thể giúp hoàn tất một ý tưởng âm nhạc thì Đại học Ryder không thể làm gì được hơn. Ban đêm bà Zilensky viết bản giao hưởng thứ mười hai của mình. Bà dường như không ngủ; bất cứ vào lúc nào trong đêm, ông Brook nhìn ra cửa sổ phòng khách đều thấy đèn trong phòng làm việc của bà sáng rực. Không, không phải vì bất cứ lý do nghề nghiệp nào mà ông Brook trở nên hoài nghi.

Vào cuối tháng mười, lần đầu tiên ông Brook cảm thấy có điều gì đó lệch lạc không thể nhầm lẫn được. Ông ăn trưa với bà Zilensky và thấy thích thú vì bà đã trao cho ông một bản miêu tả chi tiết một công viên safari Châu Phi bà đã viết từ năm 1928. Sau đó vào buổi chiều, bà dừng lại trước phòng làm việc của ông và đứng có chút lơ đễnh ở ngưỡng cửa.

Ông Brook nhìn ra và hỏi “Chị có cần điều gì không?”

“Không, cảm ơn anh”, bà Zilensky nói. Bà có giọng nói trầm ấm, nghiêm trang. “Chỉ là một thắc mắc nhỏ thôi. Anh nhớ chiếc máy nhịp chớ? Anh có nghĩ là có khi nào tôi bỏ quên nó trong hành lý của người đàn ông Pháp đó không?”

“Đó là ai vậy?”, ông Brook hỏi.

“Sao, đó là người đàn ông tôi đã kết hôn”, bà đáp.

“Người Pháp”, ông Brook ôn tồn nói. Ông cố hình dung ra hình ảnh người chồng của bà Zilensky nhưng đầu óc ông đã từ chối điều đó. Ông lẩm nhẩm như nói với mình “Cha của những đứa trẻ?”

“Không phải”, bà Zilensky nói quả quyết “Ông ấy chỉ là cha của Sammy”.

Ông Brook tiên đoán nhanh trong đầu. Bản năng sâu thẳm trong ông cảnh báo ông đừng nói gì thêm. Tuy nhiên vì sự tôn trọng trong nghi thức giao tiếp, lương tâm ông muốn ông hỏi, “Còn cha của hai đứa còn lại là ai?”

Bà Zilensky đưa tay đặt ra sau đầu và làm rối bù mái tóc ngắn của bà. Gương mặt bà trở nên mơ màng và sau một hồi lâu bà vẫn không trả lời. Sau đó bà nói nhỏ nhẹ, “Boris có cha là người Ba Lan, ông ấy thường chơi sáo kim”.

“Còn Sigmund?” ông hỏi. Ông Brook nhìn xuống chiếc bàn ngăn nắp của mình, có một chồng giấy ngay ngắn, ba cây bút chì đã gọt nhọn, một cái chặn giấy làm bằng ngà voi. Khi ông liếc lên nhìn bà Zilensky, ông thấy bà rõ ràng đang suy nghĩ căng thẳng. Bà nhìn quanh các góc phòng, hai hàng lông mày nhíu lại, hàm dịch qua dịch lại. Cuối cùng bà nói, “Chúng ta đang nói về cha của Sigmund?”

“Sao, không”, ông Brook nói. “Không cần nói về chuyện đó”.

Bà Zilensky trả lời bằng một giọng vừa giận dữ vừa dứt khoát. “Ông ấy là người đồng hương”.

Ông Brook thực sự nói chung không quan tâm đến những điều đó. Ông không có thành kiến. Người ta có thể kết hôn tới mười bảy lần và có những đứa con có cha người Trung Quốc là những điều ông có thể nghĩ tới. Nhưng có điều gì đó trong cuộc chuyện trò với bà Zilensky làm ông thấy khó chịu. Bỗng ông hiểu ra. Tất cả bọn trẻ, nhìn đều không giống bà Zilensky nhưng chúng hoàn toàn giống nhau và nếu như chúng có những người cha khác nhau thì ông Brook nghĩ, đó là sự giống nhau đều đáng kinh ngạc.

Nhưng, bà Zilensky đã kết thúc chủ đề cuộc trò chuyện. Bà kéo khóa chiếc áo vét da lại và quay đi.

“Thật giống với nơi tôi đã rời đi”, bà vừa nói vừa gật đầu cái rụp, “Rời đi từ nhà người đàn ông Pháp đó”.

Công việc trong khoa âm nhạc diễn ra trôi chảy. Ông Brook không có lo lắng lớn nào để phải bận tâm, chẳng hạn như vụ việc năm ngoái, khi một cô giáo dạy đàn hạc cuối cùng đã bỏ trốn cùng một công nhân cơ khí phụ trách gara. Ông chỉ duy nhất có sự lo lắng về bà Zilensky. Ông không thể hiểu được là có gì sai trái không trong quan hệ giữa ông và bà và tại sao cảm xúc của ông lại rối bời. Hồi bà mới về, bà tỏ ra là một người từng đi du lịch nhiều, và bà thường thêm mắm thêm muối một cách vô lý trong những câu chuyện kể của mình về những nơi khó có thể tin được. Bà có thể đi lại cả ngày mà không mở miệng, lang thang dọc hành lang, tay đút trong túi chiếc áo vét và khuôn mặt trông suy tư. Rồi bà bỗng nhiên níu áo ông Brook, một mình nói huyên thuyên, miên man, mắt sáng rực lên, không chớp và giọng nói thì hăm hở. Bà có thể nói về bất cứ điều gì hoặc chẳng nói về điều gì cả. Song không có ngoại lệ là có điều gì đó kỳ cục, không thẳng thắn trong những tình tiết mà bà đề cập đến. Nếu bà nói đến việc đưa Sammy đi hớt tóc thì bà tạo ra một ấn tượng rất lạ lùng, như thể bà đang nói tới một buổi chiều ở Bagdad . Ông Brook không thể hiểu nổi.

Sự thật đến với ông rất đột ngột, làm sáng tỏ mọi thứ hay ít nhất là làm sáng tỏ tình huống ấy. Ông Brook về nhà sớm và đốt lò sưởi nhỏ trong phòng khách. Tối đó ông thấy thư thả, bình yên. Ông mang tất dài ngồi bên lò sưởi, một tập thơ của William Blake nằm trên chiếc bàn bên cạnh ông. Ông rót cho mình nửa ly rượu mạnh. Cạnh lò sưởi ông thấy buồn ngủ lúc mười giờ, trong đầu ông đầy ắp những câu nói của nhà soạn nhạc Áo Mahler và những ý nghĩ mơ hồ khác. Sau đó, thật bất ngờ, ngoài cả sự sững sờ của ông, bốn từ ấy ập đến với ông: “vua Phần Lan”. Các từ này dường như quen thuộc nhưng lần đầu tiên, ông thấy không thể nhận diện được chúng. Rồi bất ngờ, ông hiểu ra chúng. Chiều đó khi ông đang đi trong khuôn viên trường thì bà Zilensky gọi ông lại và bắt đầu huyên thuyên những điều khó tin mà ông chỉ nghe có một nửa vì ông đang nghĩ về một khối qui tắc mà ông sẽ giảng trong lớp về cách thức phối hợp các giai điệu. Giờ đây những lời tuôn ra từ giọng nói trầm bổng của bà lại ngấm ngầm nhập và ông. Bà Zilensky lúc đó bắt đầu bằng những lời sau: “Một ngày nọ, khi tôi đang đứng trước một pâtisserie, vua Phần Lan đến trên một chiếc xe trượt tuyết”.

Ông Brook giật nảy người trên ghế và đặt ly rượu xuống. Người phụ nữ ấy là kẻ nói dối bệnh hoạn. Hầu hết những lời bà thốt ra ngoài giờ dạy trong lớp đều sai sự thật. Nếu bà làm việc cả đêm, bà sẽ lạ kỳ nói với bạn rằng bà đã có cả một buổi tối ở rạp cinê. Nếu bà ăn trưa ở nhà hàng Old Tavern thì chắc chắn bà sẽ nói bà ăn trưa với các con bà ở nhà. Người phụ nữ này đơn giản là kẻ nói dối bệnh hoạn và điều đó thể hiện ở từng lời nói.

Ông Brook bẻ đốt ngón tay và đứng dậy, phản ứng đầu tiên của ông là bực dọc. Rằng, ngày lại ngày, bà Zilensky đã trơ tráo ngồi ở văn phòng của ông và làm ngập tràn con người ông bằng những lời dối trá không bình thường. Ông Brook bị kích động rất mạnh. Ông bước tới bước lui trong phòng rồi xuống nhà bếp làm cho mình một ổ bánh mì sandwich cá mòi.

Một giờ sau, khi ông đến ngồi lại bên lò sưởi, sự giận dữ đã biến đổi thành sự tự vấn sâu sắc và đầy chất trí tuệ. Ông nói với ông rằng, điều ông cần làm là nên xem xét sự việc một cách khách quan và hãy nhìn vào bà Zilensky như một bác sĩ nhìn vào bệnh nhân. Lời nói dối của bà chỉ là sự láu lỉnh. Bà không dùng chúng để che đậy bất cứ ý định lừa lọc nào và cũng không dùng nó để tìm kiếm bất kỳ lợi lộc có thể có nào. Nó chỉ là sự rồ dại và đơn giản là không có động cơ nào phía sau nó.

Ông Brook uống cạn ly rượu. Cho đến nửa đêm một khám phá nữa chầm chậm đến với ông. Lý do nói dối của bà Zilensky là do đau khổ và không có ý định lừa lọc. Cả đời mình, bà Zilensky đã làm việc: chơi piano, dạy học và viết những bản giao hưởng mười hai chương hoành tráng, tuyệt diệu. Ngày cũng như đêm, bà đã lao lực, vật lộn và quẳng cả tâm hồn mình vào công việc và chẳng còn nhiều thời gian thừa nào để dành cho việc khác. Là con người, bà đau khổ vì sự thiếu thốn đó và đã làm những gì có thể để bù đắp cho điều ấy. Nếu bà đã dùng cả buổi chiều cặm cụi bên chiếc bàn ở thư viện thì sau đó bà sẽ tuyên bố rằng bà đã dùng hết buổi chiều đó để chơi bài, và nó như thể là bà đã xoay sở để làm cả hai việc đó.

Bằng việc nói dối, bà đã sống như một người khác. Lời nói dối làm tăng lên gấp đôi sự tồn tại nhỏ bé của bà, do có thêm thời gian rỗi qua lời nói và làm tăng thêm niềm vui cho cuộc sống cá nhân.

Ông Brook nhìn vào lò sưởi và gương mặt bà Zilensky hiện ra trong đầu ông. Đó là gương mặt nghiêm trang, đôi mắt đen mệt mỏi, cái miệng khôn khéo thanh nhã. Ông thấy có hơi ấm trong lồng ngực, thấy trào dâng cảm xúc thương mến, muốn bảo vệ và muốn có sự hiểu biết, đồng cảm lớn đối với bà. Trong chốc lát, ông rơi vào trạng thái mến thương rối bời.

Sau đó ông đánh răng và mặc đồ pajama. Ông cần phải thực tế. Điều đó có nghĩa là gì? Người đàn ông Pháp, người đàn ông Ba Lan chơi sáo kim và thành phố Bagdad là sao? Còn bọn trẻ, Sigmund, Boris và Sammy, chúng là ai? Chúng thực sự có phải là con bà ấy không hay là bà ấy đã tập hợp chúng lại từ một nơi nào đó? Ông Brook lau cặp kính và đặt nó xuống chiếc bàn bên cạnh giường. Ông cần phải có một sự hiểu biết ngay về bà. Nếu không, trong khoa sẽ tồn tại một tình hình có thể nói là rất khó hiểu. Đã hai giờ sáng. Ông liếc nhìn ra cửa sổ và thấy đèn trong phòng làm việc của bà Zilensky vẫn còn sáng. Ông Brook nằm vào giường, khuôn mặt suy tư trong bóng tối và cố sắp sẵn những gì sẽ nói vào hôm sau.

Ông Brook đến văn phòng của mình lúc tám giờ. Ông cúi khom xuống bàn, sẵn sàng bẫy bà Zilensky khi bà đi ngang qua. Ông không phải chờ lâu và ngay khi nghe tiếng bước chân bà, ông lên tiếng gọi tên bà.

Bà Zilensky đứng ở ngưỡng cửa. Bà trông mơ màng và nhợt nhạt. “Anh khỏe không? Tôi đêm qua ngủ ngon lắm”, bà nói.

“Xin chị vui lòng ngồi ghế”, ông Brook nói “Tôi muốn nói với chị một lời”.

Bà Zilensky đặt chiếc cặp giấy sang một bên và mệt mỏi ngả người trên chiếc ghế bành đối diện với ông. “Có chuyện gì vậy?”, bà hỏi.

“Hôm qua khi tôi đi trong khuôn viên trường chị gặp và có nói chuyện với tôi”, ông chậm rãi nói. “Nếu tôi không nhầm thì tôi tin là chị có nói điều gì đó về một tiệm bánh nướng và vua Phần Lan. Đúng không?”

Bà Zilensky ngả đầu qua một bên, vừa hồi tưởng lại vừa nhìn chăm chăm vào một góc của ngưỡng cửa sổ?

“Chị nói điều gì đó về tiệm bánh nướng”, ông lập lại.

Khuôn mặt mệt mỏi của bà bừng sáng lên. “Đúng”, bà hồ hởi nói. “Tôi nói lúc đó tôi đang đứng trước tiệm bánh nướng thì vua Phần Lan…”

“Chị Zilensky!”, ông nói to. “Phần Lan không còn vua”.

Bà Zilensky trông rất trơ vơ. Và sau một khoảng lặng, bà lại nói “tôi đang đứng trước tiệm bánh nướng Bjarne’s và lúc quay ra thì thấy vua Phần Lan…”

“Bà Zilensky, tôi muốn nói là Phần Lan không còn vua”.

“Vua ở Hensingfors”, bà tiếp tục nói với giọng nghiêm nghị, một lần nữa, ông để cho bà đề cập đến vua và bà không nói gì thêm ngoài điều đó.

“Phần Lan là quốc gia dân chủ”, ông nói. “Chị không thể thấy vua Phần Lan. Vì vậy, những gì chị nói là không đúng sự thật. Một lời nói sai sự thật hoàn toàn”.

Sau này, ông Brook không bao giờ có thể quên được nét mặt bà Zilensky lúc đó. Trong mắt bà có điều kinh ngạc, choáng váng và hoảng sợ như bị dồn vào chân tường. Bà có ánh mắt của một người đã nhìn được vào cái thế giới bên trong đã được tách mở ra và đang phân rã của ông.

“Thật đáng tiếc”, ông Brook đồng cảm nói.

Nhưng bà Zilensky đã lấy lại bình tĩnh. Bà ngẩng cằm và nói lạnh lùng, “Tôi là người Phần Lan”.

“Tôi không chất vấn về điều đó”, ông Brook trả lời sau một giây suy nghĩ và câu trả lời có chút bực bội.

“Tôi sinh ra ở Phần Lan và tôi là công dân Phần Lan”.

“Điều đó là tốt thôi”, ông Brook cao giọng nói.

“Trong chiến tranh”, bà tiếp tục nói dạt dào, “tôi cưỡi xe máy đi làm liên lạc”.

“Lòng yêu nước của bà không bắt đầu bằng những việc đó”

“Chỉ vì tôi đang viết những trang tài liệu đầu tiên về điều đó nên…”

“Chị Zilensky!”, ông Brook nói. Hai tay ông nắm chặt cạnh bàn. “Đó là một vấn đề không có liên quan. Cái chính ở đây là chị cứ khẳng định và nói rằng chị thấy…, rằng chị thấy…” Nhưng ông không nói hết câu. Nét mặt bà đã làm ông ngừng lại. Người bà hoàn toàn trở nên nhợt nhạt, có những mảng tối xung quanh miệng bà. Mắt bà mở to, đau khổ nhưng tự hào. Ông Brook bỗng thấy mình như một kẻ sát nhân. Một cảm giác phức hợp của sự thông hiểu, hối hận và tình yêu mơ hồ tràn ngập khắp người ông, làm ông lấy hai tay che mặt lại. Ông chẳng thể nói được điều gì cho đến khi những cảm giác ấy lắng xuống, sau đó ông thì thào, “Vâng, tất nhiên, có vua Phần Lan chị ạ. Ông ấy có tốt không?”

Một giờ sau ông Brook ngồi nhìn ra cửa sổ văn phòng ông. Cây cối trên đường Westbridge gần như trơ trụi và những tòa nhà màu nâu của trường đại học trông lặng lẽ và u buồn. Khi thư thả ngắm nhìn quang cảnh quen thuộc đó, ông thấy một đàn vịt đực đang lạch bạch đi dọc theo con đường. Quang cảnh ấy ông đã nhìn ngắm hàng trăm lần, giờ sao với ông lại xa lạ quá! Rồi ông giật mình lạnh người nhận ra rằng, cáo chết ba năm lại quay đầu về núi. Ông Brook nhìn theo đàn vịt cho đến khi chúng đi xa khuất, rồi ông lại trở lại với những khối qui tắc mà ông đã chuẩn bị để giảng về cách thức phối hợp các giai điệu.

TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG dịch
từ “50 great Short Stories”,
      NXB Bantam Books, 1965.


(252/02-2010)


-----------------
(1) Buxtehute (1637 - 1707), Nhà soạn nhạc Đan Mạch (T.N.H.T)
(2) Mozart (1756 - 1791), nhà soạn nhạc Áo (T.N.H.T)




 

 

 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Đám tang (04/12/2009)
Horla (09/09/2009)