Truyện dịch
Ở Paris
14:34 | 31/03/2010
IVAN BUNHINLúc ông ta đội mũ, đi trên phố hay đứng trong toa tàu điện ngầm không thấy rõ mái tóc cắt ngắn hung hung đỏ có những sợi lóng lánh, qua vẻ tươi tỉnh của gương mặt gầy, nhẵn nhụi, thân hình cao xương xương cứng đơ trong chiếc pan- tô không thấm, có thể đoán ông không quá 40. Chỉ cặp mắt xám nhạt luôn chứa một nỗi buồn khô khốc nói lên rằng ông là một người đã nếm trải nhiều trong cuộc đời.
Ở Paris
Nhà văn Nga Ivan Bunhin - Ảnh: nguoibanduong.net

Cùng một lúc ông ta thuê trang trại ở Prôvanx, biết nhiều chuyện tiếu lâm hài hước sâu cay của vùng này và khi sống ở Pari, ông yêu thích lồng nó vào trong những câu chuyện ngắn gọn của mình với một nụ cười mai mỉa. Mọi người biết rằng ông bị vợ bỏ lúc còn ở Côngntăngtinôpol và mang mãi vết thương lòng không nguôi từ ngày ấy. Người đàn ông không bao giờ hé mở bí mật cõi lòng mình nhưng thỉnh thoảng vô tình chạm đến nó, đùa châm chọc lúc câu chuyện đụng đến phụ nữ.

- Rien n’est plus difficile que de reconnaitre un bon melon et une femme de bien (không có gì là khó hơn là phải phân biệt được quả dưa tốt và người phụ nữ đoan chính)

Có một lần, cuối thu, vào một buổi chiều Pari ẩm ướt, người đàn ông tạt vào ăn trưa tại một tiệm ăn Nga nhỏ nằm ở trong những ngõ tối tăm gần Paxxi. Trong tiệm, vô tình ông ta dừng lại trước cái quầy tương tự như cửa hàng thực phẩm. Đằng sau cái cửa sổ nhìn thấy rất rõ nhiều lọ màu hồng hình phễu thanh lương trà, những khối màu vàng với hình con bò rừng nho nhỏ, bánh rán khô, kalet màu xám, kẹo khabva, hộp cá trích, xa hơn là đồ nhắm. Đằng sau quầy là bà chủ người Nga với gương mặt hằn học. Cửa hàng sáng rực ánh đèn và nó đã hút ông ta vào từ cái ngõ nhỏ tối tăm có mặt đường trơn láng buốt lạnh. Ông ta đi vào, cúi chào bà chủ, qua phòng bên trống trải ít sáng hơn nằm kế tiếp quầy hàng. Trong phòng trăng trắng những chiếc bàn phủ giấy.

Ở đây, khách chậm rãi treo chiếc mũ màu xám và pantô dài lên mắc áo dựng đứng, ngồi vào sau cái bàn đặt trong góc xa nhất lơ đãng rửa bàn tay lông lá rậm rạp có những sợi hung hung. Ông ta đọc bảng thực đơn dằng dặc các món ăn, phần được in, phần được viết tản mạn bằng mực tím trên trang giấy.

Đột ngột phía góc bừng sáng, khách thấy một phụ nữ trạc 30 tuổi tiến lại gần, vẻ nhã nhặn đến dửng dưng. Tóc chị ta đen nhánh rẽ đường ngôi thẳng, cặp mắt đen với tạp dề trắng trên nền váy thẫm.

- Bonjours, monsieur (xin chào ngài)- người phục vụ nói bằng giọng dễ mến.

Vẻ duyên dáng của thiếu phụ làm khách luống cuống, vụng về trả lời:

- Bonjours... Nhưng chị là người Nga cơ mà?

- Vâng, người Nga, xin lỗi, tôi được huấn luyện thói quen nói với khách hàng bằng tiếng Pháp.

- Quán của chị có nhiều khách Pháp?

- Khá nhiều, tất cả chắc chắn sẽ hỏi món dưa chuột, thậm chí cả món canh củ cải đỏ. Ngài đã chọn món gì chưa?

- Chưa, ở đây có nhiều món quá... Chị khuyên tôi nên chọn thứ nào?

Thiếu phụ bắt đầu kể bằng cái giọng đều đều thuộc lòng:

- Hôm nay chúng tôi có súp bắp cải, thịt băm viên theo kiểu Kadăc... có thể ăn món kalet bê dần, nếu ngài muốn có cả thịt nướng kiểu karcki.

- Tuyệt. Làm ơn cho tôi súp bắp cải và thịt băm viên.

Chị phục vụ nhấc quyển sổ nhỏ treo ở ngang lưng, dùng mẩu bút chì ghi vào đó. Tay người đàn bà trắng muốt, dáng xinh xắn, quần áo không mới nhưng rõ ràng là xuất thân từ một gia đình khá giả.

- Ngài muốn uống một chút gì chăng?

- Rất vui lòng. Ở sân ẩm ướt quá.

- Món nhắm ngài yêu cầu thế nào? Có cá trích tuyệt hảo vùng Đunai, trứng cá đỏ tươi, dưa chuột muối nhạt.

Ông ta lại nhìn nàng một lần nữa: Cái tạp dề trắng với đường may trên váy đen, bộ ngực trẻ khỏe của thiếu phụ hằn lên kì diệu dưới tạp dề... cặp môi đầy đặn không son phấn nhưng tươi tắn, bím tóc đen hất ngược ra sau đơn giản, làn da ở cánh tay được chăm chút, móng tay óng ánh, thoáng hồng- móng được trau chuốt cẩn thận.

- Tôi biết yêu cầu món gì bây giờ?- ông ta nói, mỉm cười - nếu chị cho phép thì cá trích và khoai tây nóng.

- Còn rượu vang ngài yêu cầu loại nào?

- Vang đỏ. Loại bình thường khách vẫn uống.

Thiếu phụ đánh dấu vào cuốn sổ nhỏ rồi nhấc bình nước từ bàn đặt lên trước mặt khách. Khách lắc đầu quầy quậy.

- Không, merci, không cần nước. Tôi không uống vang chung với nước. (L’ eau gâte le vin comme la charette le chemin et la femme l’âme) Nước làm hỏng rượu vang cũng như ổ gà làm hỏng con đường và phụ nữ làm hỏng tâm hồn.

- Ngài có ý kiến rất hay về chúng tôi!. Người phụ nữ thờ ơ trả lời và đi lấy cá trích, rượu vang. Ông khách nhìn theo dấu của nàng, vẻ nhịp nhàng, chiếc váy đen đung đưa trên lối đi...

Vâng, thờ ơ và nhã nhặn, tất cả là thói quen, chuyển động của một nhân viên phục vụ khiêm tốn, thích đáng. Nhưng đôi giày thì đẹp và đắt. Ở đâu ra? khả năng cô ta có một tay “bồ” đứng tuổi giàu có.

Người đàn ông đã lâu mới thấy vui vẻ như buổi chiều nay, đó là nhờ cô ta, ý nghĩ cuối cùng làm cho ông hơi bực bội. Đúng, từ năm này qua năm nọ, từ ngày này sang ngày khác, ta vẫn âm thầm chờ đợi chỉ có mi, cuộc gặp gỡ cho tình yêu và hạnh phúc, ta sống thực ra bằng hi vọng về cuộc gặp gỡ này - nhưng tất cả đã hoài công...

Ngày tiếp theo khách lại đến và ngồi sau cái bàn nhỏ của mình. Thiếu phụ đang bận việc ở bên trái, nhận đơn đặt hàng của hai người Pháp, lặp lại thành tiếng khi đánh dấu vào cuốn sổ:

- Caviar rouge, salade russe... Deux chachlyks (trứng cá đỏ, salat Nga... hai thịt nướng...). Một lát cô ta ra ngoài rồi quay lại và tiến đến ông ta với nụ cười dịu dàng như với một người đã quen thuộc.

- Xin chào ngài. Thật tuyệt là ngài đã thích cửa hàng chúng tôi.

Khách hơi nhỏm dậy, vui vẻ:

- Chị khỏe chứ! Tôi rất thích cửa hàng này. Quý danh của chị là gì vậy?

- Olga Alêchxăngđrovna. Thế còn ngài, cho phép biết?

- Nhi- kô- lai Platonưch.

Họ bắt tay nhau và thiếu phụ cầm lấy cuốn sổ nhỏ:

- Hôm nay cửa hàng có món dưa chuột muối chua tuyệt diệu. Đầu bếp của chúng tôi loại đặc biệt, anh ấy đã từng nấu trên du thuyền của công tước vĩ đại Alêchxăngđra Mikhailôvich.

- Tuyệt, dưa chuột chua, vậy là dưa chuột chua... Ờ, chị làm việc ở đây lâu chưa?

- Tháng thứ ba.

- Còn trước kia?

- Trước tôi bán hàng Printemrs.

- Chị mất việc vì nơi bán phải giảm nhỏ?

- Vâng, nhẽ ra tôi không phải ra đi nếu người ta có thiện ý.

Ông khách hài lòng nghĩ rằng chuyện “ bồ, bịch” của cô ta là không có, hỏi tiếp:

- Chị đã có gia đình rồi chứ?

- Vâng.

- Anh ấy đi làm?

- Vâng, làm ở Nam Tư. Cựu thành viên phong trào Trắng. Còn ngài, hình như cũng vậy?

- Vâng, tôi có tham gia nội chiến.

- Nhìn biết ngay. Và có thể là cấp tướng - nàng nói, mỉm cười.

- Cựu thôi. Bây giờ tôi viết lịch sử chiến tranh theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản ngoại văn... Làm thế nào mà chị có thể sống cô độc như vậy được?

- Vậy đấy, một thân một mình.

Buổi chiều thứ ba ông ta hỏi:

- Chị có hay xem phim không?

Thiếu phụ đặt lên bàn bát súp củ cải đỏ và trả lời:

- Thỉnh thoảng mới có phim hay.

- Này, hiện nay đang chiếu ở rạp “ Etoile” nào đó phim đặc biệt, mọi người nói thế. Chị có muốn chúng ta cùng đi xem không? chắc chị có ngày nghỉ?

- Merci. Tôi được nghỉ thứ hai hàng tuần.

- Được, chúng mình sẽ đi xem vào thứ hai. Hôm nay bao nhiêu? Thứ bảy? Tức là ngày kia, chị đồng ý chứ?

- Đồng ý. Ngày mai ngài không đến à?

- Không, tôi ra ngoại ô thăm người bạn. Mà chị hỏi để làm gì?

- Tôi không biết... Thật lạ lùng, nhưng hình như tôi đã quen với sự có mặt của ngài.

Ông ta nhìn nàng tỏ ý biết ơn và hơi đỏ mặt:

- Tôi sẽ tới chỗ chị. Chị biết không, trên đời này rất hiếm những cuộc gặp thú vị. Và vội vàng lái câu chuyện:

- Như vậy nhé, ngày kia. Chúng ta hẹn nhau ở đâu? Chị ở nơi nào?

- Gần metrô Motte Picquet.

- Đấy, chị thấy chưa, tiện làm sao, đi thẳng Etoile. Tôi sẽ chờ chị ở lối ra vào metrô, chính xác vào 8 giờ 30’.

- Merci

Ông khách nghiêng người chào đùa:

- C’est moi qui vous remercie (Không, tôi mới là người phải cám ơn). Chị hãy thu xếp gửi lũ trẻ. Người đàn ông mỉm cười, nói để dò nàng đã có con chưa, rồi tới chỗ hẹn.

- Lạy chúa, tôi chưa được có hạnh phúc ấy. Nàng trả lời và uyển chuyển nhấc cái đĩa khỏi ông ta.

Người đàn ông vẻ xúc động, chau mày đi về nhà. “ Tôi đã quen với việc có mặt của ngài...” Vâng có thể đó chính là cuộc hẹn hò hạnh phúc đã được chờ đợi từ lâu. Chỉ có điều là hơi muộn, quá muộn. Le bon Dieu envoie toujours des culottes à ceux qui n’ ont pas de derrière (Chúa nhân từ luôn ban cái quần cho những ai không có mông)

Chiều thứ hai, trời mưa, bầu trời Pari sương mù đỏ vẩn. Hy vọng sẽ ăn tối với nàng tại Monparnax, ông ta bỏ bữa trưa, tạt vào một quán ca fê trên đường Chausse de la Muette, ăn tạm bánh xăngđuych với giò, uống hết một vại bia trong lúc hút thuốc, sau đó ngồi vào taxci. Ông dừng taxci ở lối ra vào metrô Etoile, bước ra vỉa hè dưới mưa, viên tài xế to béo, cặp má đỏ au vẻ cả tin, ngồi chờ khách trở lại. Từ trong metrô thổi ra một thứ gió ngột ngạt, đám đông dày đặc, đen ngòm đang nhích dần lên theo từng bậc thang tạo ra những cái ô nhỏ trên đường đi. Từ phía sau, bằng âm giọng trầm thấp ành ạch của loài vịt, người bán báo hét lên inh ỏi tên những số báo mới in trong chiều.

Bất ngờ nàng hiện ra, từ đám đông đang chuyển động dần lên, người đàn ông sung sướng chạy về thiếu phụ để đón:

- Olga Aléchxăngđrovna.

Nàng ăn mặc đẹp và mốt, vẻ phóng khoáng chứ không như ở trong tiệm. Thiếu phụ ngước cặp mắt đen nhìn về phía chàng, bằng động tác mềm mại đầy nữ tính, chìa tay ra, tay khoác cái ô nhỏ và đang cố giữ tà áo của chiếc áo choàng dài buổi chiều. Ông ta mừng thầm: “ Ao choàng dài, nghĩa là cô ta cũng nghĩ sẽ cùng đi đâu đó sau buổi xem phim” và vén mép găng tay của thiếu phụ, hôn lên bàn tay trắng muốt.

- Tội nghiệp, anh chờ lâu chưa?

- Không, tôi vừa mới đến. Nào, vào takci mau...

Với sự hồi hộp đã lâu không trải qua, ông ta theo nàng ngồi vào chiếc xe ngựa tranh tối tranh sáng thoang thoảng mùi dạ nỉ ẩm. Ở chỗ ngoặt, xe ngựa lắc mạnh, phía trong của người đàn bà chớp mắt bị pha đèn chiếu sáng. Ông ta vô tình giữ lấy eo nàng, cảm nhận rõ mùi son phấn từ cổ, thấy đôi chân to tướng trong áo choàng dài, ánh lóe của cặp mắt đen và đôi môi đầy đặn đẫm son đỏ: hoàn toàn là một phụ nữ khác giờ đây đang ngồi cạnh mình.

Trong gian phòng tối om, cùng nhìn lên màn ảnh trắng sáng, nơi lũ phi cơ đang trải rộng cánh kêu vo vo ầm ĩ bay chênh chếch rồi mất hút sau đám mây, họ thì thầm chuyện gẫu:

- Chị sống một mình hay sống chung với bạn gái?

- Một mình. Thật đáng sợ. Hotel nhỏ thì sạch và ấm, nhưng anh cũng biết đấy, một người phụ nữ thì đi đâu được vào ban đêm hay lúc 1 giờ sáng. Tầng sáu không có thang máy, tất nhiên, cầu thang chỉ trải thảm đỏ đến tầng bốn... Về đêm trong mưa, buồn khủng khiếp. Mở tung cửa sổ, đầu óc chơi vơi, hoàn toàn là một thành phố chết, chúa mới biết phía dưới kia ở đâu đó có một ngọn đèn đường trong mưa... còn anh, tất nhiên chưa vợ và cũng sống trong hotel?

- Tôi có một căn hộ nhỏ ở Paxxi. Sống một mình. Trở thành người Pari lâu rồi. Cùng lúc tôi sống ở Prôvanx, thuê trang trại, muốn tránh xa mọi người và tránh tất cả, sống bằng lao động của chính tay mình, rồi không chịu đựng nổi những lao động đó. Tôi thuê một gã Cadắc giúp việc, té ra gã là tay rượu chè be bét. Hắn ta ảm đạm, khủng khiếp trong cơn say. Hắn đuổi gà thỏ chạy tán loạn cho đến chết. Có một lần tí nữa con la cắn phải tôi, một con vật rất thông minh và hung dữ. Nhưng còn lại vẫn là một sự cô độc tràn ngập. Vợ tôi bỏ tôi khi hãy còn ở Côngxtăngtinnôpôn.

- Anh không nói đùa đấy chứ?

- Không đùa tí nào. Chuyện bình thường thôi... Qui se marie par amour a bonnes nuits et mauvais jours (Ai lấy vợ vì tình yêu thì sẽ có những đêm đẹp và ngày khó chịu). Tôi thì cũng có chuyện này nọ nhưng rất ít. Cô ấy bỏ tôi vào năm thứ hai của cuộc hôn nhân.

- Chị ấy giờ ở đâu?

- Tôi cũng không biết...

Thiếu phụ im lặng hồi lâu. Trên màn ảnh, một người nào đó bắt chước Traplin, đầu đội lệch chiếc mũ bêrê, đi đôi giày rách to tướng một cách phi lí, đang chạy ngu xuẩn theo từng bậc thang chìa ra.

- Vâng, đúng là anh rất cô độc. Nàng nói.

- Vâng, làm sao được. Cần phải chịu đựng. Patience- medecine des pauvres (Chịu đựng, đó là thuộc chữa cho người nghèo)

- Một thứ y tế buồn.

- Đúng, không vui chút nào. Trước kia - ông ta cười nhạo, nói: Tôi thỉnh thoảng có liếc qua “ Nước Nga minh họa”. Ở đấy chị biết không, có một gian phòng dăng những gì tương tự như quảng cáo hôn nhân và tình yêu: “ Một thiếu nữ Nga ở Latvi cô độc, buồn chán và mong muốn trao đổi thư từ với một người đàn ông Nga nhạy cảm sống tại Pari, đề nghị gửi ảnh...

Một phụ nữ đứng đắn, tóc màu hạt dẻ, không môđéc nhưng dễ thương, góa, có con trai chín tuổi mong muốn trao đổi thư từ với mục đích nghiêm túc với đàn ông tuổi ngoài 40, không rượu chè, yêu thích, hạnh phúc gia đình, có việc làm đảm bảo về vật chất như lái xe hay này khác. Học vấn không nhất thiết... Tôi hoàn toàn hiểu bà ta muốn gì, không nhất thiết.

- Nhưng anh không có bạn, người quen hay sao?

- Không bạn. Còn làm quen thì thật lố bịch.

- Ai lo cho anh việc cơm nước.

- Việc cơm nước rất khiêm tốn. Tôi tự pha cà fê, tự chuẩn bị bữa ăn sáng. Buổi chiều thì bà làm nội trợ.

- Tội nghiệp - nàng nói, bóp tay ông ta và họ ngồi rất lâu như vậy, tay trong tay, dính kết với nhau bởi một thứ ánh sáng lờ mờ, bởi vị trí ghế liền sát, làm bộ như đang theo dõi lên màn ảnh, nơi ánh sáng từ trong cabin ở bức tường đằng sau bay tới ngang qua trên đầu họ bằng một dải khói xanh trắng. Kẻ đóng giả Traplin, mũ bêrê rách tuột khỏi đầu vì sợ hãi, với cái vòi ấm xamôva bốc khói, chạy như điên dại về chiếc máy điện thoại nằm trong đống sắt vụn của chiếc ô tô cổ lỗ sĩ. Tiếng thuyết minh rống rít lên trên tất cả các giọng, từ phía dưới khói thuốc lá tràn ngập phòng - hai người ngồi ngoài ban công - những tiếng cười khà khà đắc ý, tràng vỗ tay ầm vang. Người đàn ông cúi xuống nàng:

- Này, chúng ta đi đâu đi? đến Monparnax chẳng hạn, ở đây khó chịu quá và chẳng có gì để thở.

Thiếu phụ gật đầu, xỏ găng tay.

Một lần nữa, họ ngồi vào trong cỗ xe ngựa tranh tối tranh sáng, ngắm những tấm kính lấp lánh do mưa phùn, đôi lúc sáng rực lên bởi những hạt kim cương nhiều màu khác nhau xuất phát từ ngọn đèn đường, bởi màu máu, màu thủy ngân của những tấm biển quảng cáo lóng lánh phía trên cao đen thẫm. Người đàn ông tiếp tục vén cái mép găng tay và hôn lên tay nàng. Nàng nhìn ông bằng cặp mắt long lanh lạ thường, hàng lông mi dài đen thẫm, nghiêng nghiêng về phía ông vẻ buồn buồn tình tứ. Mùi son phấn từ cặp môi đầy đặn bay ra ngọt ngào.

Ở ka fê “Coupole” họ ăn món sò và sau đó là gà gô với vang đỏ. Hút khá nhiều. Cái gạt tàn tràn ngập những mẩu đầu thuốc dang dở thẫm huyết. Chàng vừa nói chuyện vừa ngắm nhìn khuôn mặt đang ửng đỏ của thiếu phụ và nghĩ rằng nàng quả là một người đẹp hoàn toàn.

- Này, kể thật đi. Nàng nói, khi dùng đầu lưỡi đẩy ra khỏi miệng một nhúm mảnh vụn thuốc. Anh phải có chuyện bồ bịch trong những năm qua chứ?

- Có nhưng chị đoán xem là loại nào? Bướm đêm... còn chị?

Thiếu phụ im lặng.

- Chuyện của tôi cũng buồn lắm. Nhưng thôi, tôi sẽ không kể đâu. Một gã choai, thực ra là người bảo vệ... Thế anh chia tay với vợ thế nào?

- Nói ra thì xấu hổ. Cũng lại là một gã choai, người Hi Lạp, đẹp mã, rất giàu. Chỉ trong vòng hai tháng, cô ta đã thay đổi hẳn, không còn là một cô bé trong trắng, dễ thương như xưa. Bắt đầu từ lúc ăn bữa tối với hắn trong cái quán sang trọng nhất tại Pera, nhận từ tay hắn những lẵng hoa to tướng...

“ Em không hiểu? Không lẽ anh lại ghen với cậu ta? Anh thì bận cả ngày, cậu ấy làm cho em vui vẻ... đối với em, đó chỉ là một cậu bé không hơn không kém...”. Một cậu bé dễ thương! Nhưng thật ra thì cậu bé đã 20 tuổi. Quên cô ấy thật khó, cổ điển và lộng lẫy làm sao.

Lúc hóa đơn thanh toán đưa ra, nàng chăm chú nhìn, và yêu cầu không trả “ Puốcpa” quá mười phần trăm. Sau đó, cả hai bỗng cảm thấy lạ lùng nếu phải chia tay sau nửa giờ đồng hồ nữa.

- Chị đến nhà tôi chơi đi. Người đàn ông rầu rầu nói. Chúng ta sẽ còn trao đổi...

-Vâng, vâng... thiếu phụ trả lời, đứng dậy, khoác tay ông ta và áp chặt vào mình. Người lái xe đêm, một người Nga, đưa họ vào cái hẻm vắng vẻ, tới cửa ra vào của một ngôi nhà cao tầng, dưới ánh sáng cây đèn ga biêng biếc, mưa gõ vào thùng sắt tây cùng đống rác rưởi cặn bã kêu choang choang. Hai người vào tiền sảnh sáng đèn rồi chui vào cái thang máy chật hẹp, chậm chạp trườn lên và ôm lấy nhau, hôn khe khẽ. Người đàn ông kịp tra được chìa vào ổ khóa căn phòng trong lúc chưa bật điện, đưa nàng vào nơi đặt giày dép, sau đó vào phòng ăn nhỏ chỉ có một ngọn đèn đang cháy buồn bã trong bộ đen chùm. Gương mặt cả hai đều mệt mỏi.

Người đàn ông đề nghị tiếp tục uống rượu vang.

- Không, anh thân yêu, nàng nói, em không thể uống hơn nữa.

Ông ta khẩn khoản:

- Chúng mình chỉ uống từng cốc một thôi. Tôi có loại vang trắng tuyệt hảo đang để sau cửa sổ kia kìa.

- Anh uống đi, anh thân yêu, em thay đồ và tắm rửa một chút. Rồi sẽ đi ngủ. Chúng ta không phải trẻ nít. Em nghĩ rằng anh biết rõ em đồng ý đến với anh một lần... Thật ra việc gì chúng ta phải chia tay ngay.

Ông ta không trả lời được vì hồi hộp, im lặng dẫn thiếu phụ vào phòng ngủ, bật đèn và đưa vào buồng tắm có cánh cửa hé mở về phía phòng ngủ. Đèn ở đây rất sáng, khắp nơi tràn ngập ấm áp chảy ra từ lò sưởi.

Trên mái nhà mưa đập nhanh và đều đặn. Thiếu phụ lập tức trút bỏ áo dài qua đầu.

Ông ta ra ngoài, uống liền tù tì hai cốc vại vang chát, lạnh buốt rồi không tự chủ được, lại đi vào phòng ngủ. Trong phòng ngủ tấm gương lớn đối diện trên tường phản chiếu rõ mồn một buồng tắm rực rỡ. Quay lưng lại phía ông, thiếu phụ cúi xuống bồn rửa mặt, lau cổ và ngực, tất cả trần truồng, trắng muốt, mạnh mẽ.

- Không được vào, nàng nói, choàng vội lấy khăn tắm, nhưng không che được bộ ngực rắn chắc, bụng trắng nhễu khỏe mạnh, bộ mông trắng tròn căng, rồi tiến đến ôm lấy ông ta như một người vợ. Và ông ta cũng ôm lấy nàng toàn thân lạnh buốt như ôm vợ, hôn vào bộ ngực ẩm ướt thoang thoảng mùi xà phòng, vào mắt, đôi môi đã rửa sạch son phấn.

Một ngày sau, thiếu phụ nghỉ việc để dọn đến ở hẳn với ông ta.

Có lần vào mùa đông, ông thuyết phục nàng gửi vào qũi tiết kiệm của nàng tại Liông tất cả số tiền ông ta kiếm được.

- Đề phòng trước bao giờ cũng hơn... - Ông nói - L’amour fait danser les ânes (Tình yêu thậm chí bắt những con lừa cũng biết nhảy múa), tôi cảm thấy mình như ở tuổi 20. Nhưng có ít quá không điều có thể có...

Ngày thứ 3 của lễ Phục Sinh ông ta chết đột ngột trên toa tàu điện ngầm, đang đọc báo bỗng ngửa đầu ra lưng ghế, mắt lạc đi...

Sau đám tang, khi thiếu phụ từ nghĩa địa trở về đã là một ngày xuân tuyệt đẹp, vòm trời Pari mềm mại buông lững lờ đâu đó áng mây xuân, và tất cả đang nói về cuộc sống của tuổi trẻ, cuộc sống của vĩnh cửu, về một phần đời đã kết thúc của nàng.

Ở nhà, thiếu phụ bắt đầu dọn dẹp căn hộ. Ngoài hành lang trên giá nàng nhìn thấy cái áo choàng mùa hè đã lâu của ông ta, màu xám lót đỏ. Nàng tháo nó ra khỏi mắc áo, áp chặt vào mặt, ngồi bệt xuống sân, áp chặt nữa, toàn thân rung lên vì thổn thức, bật kêu cầu nguyện cho ai đó.

26/ 10/ 1940
NGUYỄN THIÊN VIỆT dịch
(134/04-00)



 

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Gelka (24/03/2010)
Con mọt sách (16/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Đám tang (04/12/2009)