Truyện dịch
Jeanne ở phòng trưng bày (*)
08:44 | 26/05/2010
DANIEL BOULANGERĐó là mùa thu ở Concile, thành Rome mang mọi vẻ Rome và ở đó người ta đã không còn kiếm được nơi cho thuê phòng nữa.
Jeanne ở phòng trưng bày (*)
Nhà văn Daniel Boulanger - Ảnh: pagesperso-orange.fr
Jeanne Cousineau xuống tàu buổi sáng chuyến từ Paris đến để tìm gặp người yêu, người đang vẽ tranh tĩnh vật ở Transtevere. Giờ đây nàng đã bắt đầu không lê nổi bước chân nữa. Từ lúc nàng bấm chuông nhà Arduino Agresti và từ lúc một đứa bé gái trả lời nàng: “Ba đi rồi.

- Đi đâu?

- Đi Sicile, ba vẽ núi.”

Jeanne đã cầm chắc rằng nàng sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại anh nữa. Nàng đã vào hỏi tới hai mươi hôtel, mười nhà trọ gia đình, đều hết chỗ, và thành phố đang bắt đầu chao đảo, màu vàng ngả nâu rơi vãi thành bụi rồi biến thành ximăng trong bóng mát của các khu phố nhỏ. Đứa con gái của Arduino thật xinh, quai hàm hơi bạnh như cha nó và đôi mắt than đen nhánh với những đồng tử màu nâu gạch. Jeanne gửi vali ở phòng giữ đồ trong một tiệm càphê rồi tiếp tục đi kiếm một chỗ ở. Nếu Arduino không gọi nàng đến, nếu anh đã không muốn nàng đến thăm anh, tại sao anh lại cho nàng địa chỉ? Anh ở Sicile để vẽ phong cảnh cũng như anh ở Paris để vẽ đường phố.

“Ở nhà anh chỉ vẽ hoa quả trong đĩa, một bó hoa, những đồ vật. Anh chẳng thể nào cho ra một cái gì khác hơn và khi anh đã vẽ xong một loạt anh lại ra đi bất cứ đâu, để có tiếng ồn, cuộc sống, những chiếc xe hơi lớn.”

Nàng nhìn lại những bức tranh anh đã vẽ trong tháng mà anh và nàng cùng đi với nhau: những ngã tư quay cuồng, nhà hát về đêm, chợ Mouffetard và bức tranh phấn màu anh đã tặng nàng treo trên đầu giường: đám đông trong các khu vườn của điện Versailles trước đài Nước Lớn.

Để thêm phấn chấn cứ mười lăm phút Jeanne lại uống một tách càphê, nhưng đôi xăng đang khiến nàng khó chịu. Nàng tháo ra rồi đi chân trần. Nàng đã mất hi vọng tìm được chỗ ngủ, bây giờ đã sang chiều, phòng trọ thứ năm mươi đã được cho thuê, nàng lại đi qua dòng sông Tibre một lần nữa. Nàng trở lại khu phố mát mẻ nhà Arduino mà không chủ định tìm nó. Nàng bấm chuông, nghĩ rằng sẽ gặp lại con bé, nhưng một người đàn bà mỉm cười với nàng, đúng là người mà chàng họa sỹ đã miêu tả, và Jeanne chợt nghĩ thật là quái lạ lại có những người sống vì cái đẹp mà lại gắn đời họ với những hình thù khó coi đến vậy.

“Có việc gì thế? Bà Agresti hỏi.

- Nhầm, Jeanne nói. Người ta đã cho tôi địa chỉ sai, chắc thế. Bà có cho thuê phòng không?

- Không, bà ta nói.

- Chẳng còn lấy một chỗ cho trọ ngay cả một con mèo nữa trong cái thành phố này. Tôi đã gõ cửa đến hai trăm nhà rồi.

- Ở Concile mà, bà Agresti nói trong khi nhìn đôi xăng đan trên tay Jeanne. Ngay cả những nhà thổ cũng đã chật cứng rồi. Bà bạn Giuseppina Forni của tôi ở gần quảng trường Tây Ban Nha cam đoan với tôi như thế. Giuseppina đã ở cùng với tôi một dạo chỗ nhà chị em “La Bonne Aventure” (1) xưa kia. Nếu chị ấy giúp được gì là chị ấy sẵn sàng ngay. Cô có muốn tôi nhờ giúp không?”

Từ chỗ đứng ở cửa Jeanne nhìn thấy hành lang lát đá vàng, cây vả phía trong cùng trên một mảnh vườn hẹp hoang dại.

“Cô là người Pháp à? Chồng tôi rất yêu nước Pháp. Anh ấy sang đó hằng năm.

- Hằng năm? Jeanne chớm ghen hỏi.

- Anh ấy là nghệ sỹ mà, bà Agresti bảo. Nếu anh ấy có nhà, anh sẽ hết lòng giúp cô đấy. Cô vào đi. Tôi sẽ gọi cho Giuseppina. Điện thoại ở tầng một cơ.”

Jeanne vuốt ve con triện của thành cầu thang. Nàng nghe thấy nhạc ở phía tường bên kia. Một hương vị cũ kĩ của cà chua xốt rải trên các bậc thang đá cho tới bức họa trang trí đầu cầu thang vẽ hai chiếc cốc đặt trên bàn, rỗng không và từng cái hắt ánh sáng lên bụng, như phần đông các đôi lứa, rồi Jeanne tưởng tượng thấy bà Agresti và Arduino kề bên nhau.

“Giuseppina đấy à? Cornelia đây, khỏe không?”

Jeanne Cousineau chẳng buồn nghe, nàng đang chăm chú quan sát phần bên trong cái nơi mà người tình của nàng đều đặn trở về sau những chuyến phiêu du. Có một điều gì đó đang tự nới lỏng ra bên trong nàng giống như sau nỗi sợ hãi, khi người ta vừa thoát khỏi tai họa. Phía dưới, con bé vừa bước vào vừa hát, vừa tung tung quả xoài trên tay. Nó không ngạc nhiên khi gặp lại cô người Pháp, Jeanne nghĩ rằng con bé sẽ nói về cuộc gặp lúc nẫy giữa hai người, nhưng đôi mắt đen với đồng tử màu da cam đã chuyển hướng, còn mẹ nó đang ầm ĩ báo địa chỉ bà Forni.

“Tôi đã viết cho cô rồi đây, cô cầm lấy. Cô hãy hỏi Giuseppina nhé, ai cũng biết bà ấy. Bà đang đợi cô.”

Jeanne đi lại dép, nàng nhìn thấy một con kiến trên cầu thang, sau đó một con khác rồi hai hàng lớn dần lên ở chân bức tường trắng. Thông thường nàng vẫn hay thích thú nghiền nát chúng, nhưng nàng cảm thấy niềm vui sướng lan tỏa với hình ảnh một ngôi nhà bị côn trùng gặm mòn sụp xuống gia đình Agresti.

“Tôi thấy sung sướng lắm, bà Agresti nói. Có những ngày ngẫu nhiên khiến ta được làm việc tốt. Cô thích nó à? bà ta nói thêm khi thấy Jeanne đang nhìn bức tranh có hai cái cốc. Chống tôi có những ý tưởng rất giản dị. Anh ấy vẽ những gì anh ấy nhìn thấy và anh nhìn chúng thật tự nhiên. Những chiếc cốc đó chúng tôi đã kiếm được trong trò xổ số, hôm đó chúng tôi thật hạnh phúc.”

Không phải lúc nào bà ta cũng hạnh phúc, Jeanne nghĩ và khoái trá về sự sụp đổ của ngôi nhà.

“Những người sưu tầm muốn mua bức tranh này, nhưng Arduino thiết tha với nó. Cô có hiểu lắm không? Tôi nói nhanh quá à?”

Arduino cũng đã hỏi nàng như vậy, trước đây ít lâu.

“Không”, Jeanne nói trong khi nhét cái địa chỉ vào xắc.

“Xin tạm biệt. Cảm ơn.”

Ngôi nhà của Giuseppina Forni có một tia nước mà tiếng động khi đã ở trong những căn phòng bằng đá cẩm thạch nhắc gợi rằng cái nóng vẫn còn gay gắt.

“Nếu cô không thấy bất tiện, bà chủ nhà nói với Jeanne, tôi sẽ sử dụng phòng của cô trong suốt buổi chiều, trong lúc cô còn đang đi dạo. Tôi không nhận khách hàng, song cũng chả nên làm quá. Chúng ta cứ giúp nhau, có phải không nào? Ở tủ tường phòng tắm, trong trường hợp quên, cô hãy nhớ rằng tôi đã để nhiều cặp khăn trải giường trong đó rồi. Cô quen thuộc thành Rome chứ?

- Không, Jeanne nói.

- Đó là một tỉnh lẻ. Một cái kệ để bình dầu dấm. Bên trong, có một vài vị chủ giáo cay nghiệt soi sáng. Còn những viên hạt tiêu đàn bà thật chắc mẩy lại được giấu dưới cùng.”

Giuseppina quăng chiếc lưỡi câu đầu tiên song cô gái trẻ không nhận ra điều đó.

“Từ nay tới mai tôi không động cựa gì đâu, Jeanne nói. Chân tôi rớm máu rồi.”

Nàng vừa kịp duỗi mình trên giường thì có tiếng gõ cửa và một con ở mang muối và thuốc cao dán vào, theo lệnh của bà chủ. Jeanne để cho chị ta tắm và xoa bóp đôi chân. Một chiếc gương hình ôvan được treo bằng giây sợi gai ở đó có chân hình các vị thần phản chiếu lại hình ảnh nàng và toàn cảnh chiếc giường. Đường chạm trổ các vị thần ái tình chạy theo đường viền của trần nhà. Một cây đèn nấm ủ ánh sáng dưới chụp treo trên móc. Jeanne thiếp ngủ và hôm sau thức dậy vào buổi trưa, nàng đã ăn mặc cẩn thận. Giuseppina mời nàng cũng dùng bữa, nơi một cái sân nhỏ phía trong được che mát bằng vòm vây đậu nành.

“Vậy cô có quen bà Agresti à?

- Chồng bà ấy, Jeanne nói mà chả thích thú gì nói cũng như chả muốn giấu diếm những gì đã xảy ra.

- Một nghệ sỹ đấy! Giuseppina kêu lên. Cô sẽ thấy bức tranh của anh ấy ở phòng số 11, một con da đen trùm lên một con nữa. Cái mà tôi còn thiếu, đó là một con bé da đen. Dạo đầu tôi cũng đã có một vài đứa. Chúng làm việc cho đến một hôm đẹp trời chúng tạm biệt tôi rồi cùng rủ nhau đi sống riêng một nơi. Tôi chúc phúc họ bởi vì tôi chỉ có một nguyên tắc, hạnh phúc là của chung. Người ta đến chỗ tôi làm không kí hợp đồng. Chỉ duy có trái tim là đáng kể và chính dựa vào nó mà người ta thiết định những hợp đồng vững chắc nhất. Cô đã tới đây vì Arduino, phải không?

- Vâng, Jeanne trả lời.

- Và anh ta lại không có nhà. Và anh ta lại cho cô địa chỉ. Và cô lại yêu anh ta!

- Tôi nghĩ là thế, Jeanne nói.

- Thế thì tốt, Giuseppina nói. Tôi có thể nói cho cô ngay bây giờ.

Jeanne ngước đôi mắt lo lắng lên nhìn và cảm thấy cổ họng nghẹn lại.

“Tôi đã quen Arduino khi anh ta lớn bằng này, Giuseppina nói. Cả khi lớn hơn. Anh ta đã giữ lại những kỉ niệm tốt nhất từ sự giáo dục của tôi. Bọn con trai cần phải bắt đầu cuộc sống trong những vòng tay thành thạo. Đó là bí quyết để giữ một trái tim non trẻ, không bị thương tổn. Thỉnh thoảng do lòng biết ơn anh ta đã gửi đến cho tôi những phụ nữ mà anh ta đã gặp. Tôi thú thực rằng cô đến đây theo đường ngoặt tinh tế hơn bởi thông thường anh ta vẫn dẫn các bạn gái tới dây. Anh ta đã không dám tiếp cô. Bọn đàn ông đôi khi cũng có những thói hèn nhát, nhưng có lẽ anh ta đã yêu cô hơn những người đàn bà khác.”

Jeanne nhìn một con ruồi đang tuột xuống cổ chiếc bình trên bàn mà bóng râm của lá cây dệt nên tấm thảm hoa. Nàng đang ở bên kia của nỗi thống khổ và trở lại bản tính lười nhác của mình, thấm thía sâu sắc duyên phận.

“Cô vẫn còn yêu anh ta chứ? Giuseppina hỏi. Thông thường những tình cảm của chúng ta là những thử nghiệm ngụy trang của xác tín. Thực ra tất cả chúng ta đều mong muốn được yên ổn, chính cái đó là hạnh phúc, chứ không phải cái gì khác hơn.”

Mụ ma cô dán chặt con mắt sắc lạnh vào Jeanne và nhìn thấu nàng. Con bé này chẳng có gì bí hiểm ngoài hình thức. Mụ đoan chắc rằng nàng không thể chịu đựng được nỗi khổ, rồi cân nhắc nàng bằng thước đo của mụ, mụ tính xem có thể khai thác được ở nàng những gì.

“Phụ nữ Paris! Điều đó vẫn còn làm dấy lên huyền thoại đấy. Ở đây cần phải tận dụng nó. Jeanne yêu quý, chỉ trong vài tháng thôi cô sẽ ki cóp được khối tiền ra đấy. Cô sẽ lại trở về nhà, cô nghỉ ngơi, cô sống thoải mái chẳng phụ thuộc ai, và cô lại sang thăm tôi vào mùa sau.

- Tôi chẳng còn bao giờ muốn gặp lại con người đó nữa, Jeanne bảo. Anh ta có đến đây không?

- Tôi sẽ sắp xếp để cô không gặp.

- Anh ta đến đây ư? “Jeanne thì thầm.

Một đợt sóng chồm lên nàng, một trong những con sóng trong cơn tai biến cuốn phăng đi những bức tường và hoa, đồ đạc, khách qua đường, những đồ vật yêu dấu, tạo thành chất bầy nhầy và phủ kín mặt đất bằng bùn nhão nhọet. Mụ Giuseppina đã nhìn thấy Jeanne trong suốt, cô sẽ đón khách với nụ cười buồn bã làm mê hồn, sẽ chỉ còn là một hình thù bất định một chỗ gồ lên nào đó trong cái vũng bùn phổ thông.

“Tôi hiểu rằng cô đang nghĩ ngợi, mụ Forni nói, đó đã là câu trả lời đồng ý rồi. Cô bé ạ, tương lai là của cô. Đống tiền bỏ ống kha khá đấy. Đừng nói với ta về cuộc sống của cô ở Paris làm gì. Arduino đã cho ta biết hết rồi. Cô chỉ có một mình. Phụ bán hàng trong một tiệm may. Chuyển kim cho chị thợ sửa áo. Đi tìm trả áo lông ở phòng gửi đồ, đưa tách càphê cho bà trưởng cửa hàng, đôi tất cho một bà khách, chạy đến xưởng, những hàng đặt đã xong chưa? Này chú loong-toong, thợ học việc, nhảu lên lo bộ đồ mới! Đừng có quên hàng mẫu đấy! Đi hỏi chỗ manơcanh xem đã là ủi cái thứ tám của bộ sưu tập chưa. Nhanh lên, Jeanne! Và đến lượt nó manơcanh lại phái cô đi kiếm cho nó một thỏi son môi, song bà trưởng lại không muốn manơcanh giữ cô. Hãy để cô phụ bán hàng lại đây cho tôi, tôi cần đấy! Tôi chả bao giờ thấy mặt cô ấy cả. Lúc nào nó cũng chạy vác tù và hàng tổng. Tất nhiên, cũng có những phút dễ chịu, khi người ta thử những chiếc áo choàng của các bà khách dưới tầng hầm một cách kín đáo, khi người ta tháo nhãn những hàng hạ giá để bán cho các bà các cô muốn trang điểm cho áo váy rẻ tiền của họ. Cái đó phụ thêm cho lương tháng nhưng thật quá ít ỏi và hiếm hoi! Đấy là chưa kể chuyện nghi thức buổi sáng khi tới làm! Cô sẽ phải xéo ngay nếu cô quên không chào bà giám đốc phòng trưng bày và theo trật tự đối với tất cả các nấc thang thứ bậc! Song rốt cục đó cũng là một cuộc sống, bởi lẽ rồi một hôm xuất hiện một ngài muốn tặng một chiếc khăn choàng, và cái ngài đó đã nói năng lịch sự với cô, với cô, với riêng cô vì ngài có con mắt thẩm mĩ. Ngài đó tên là Arduino. Mắt đen, đường hầm mở lên trời, lên các tấm vải hoa, căn phòng tình yêu, lên thành Rome, lên tôi, Jeanne ạ! Và cô có biết rằng tất cả, tất cả những con bé tôi đã giúp đỡ, sau bấy nhiêu khách hàng, với một thân chủ tuyệt hảo và cô bước vào nghề với Concile, tất cả đã kiếm được một tấm chồng? Họ đã viết thư cho ta. Ta sẽ cho cô xem thư của họ. Đó là những người bạn.”

Jeanne chậm chạp nhấc chiếc bình lên và lật lại, làm ướt sũng khăn bàn và giải phóng cho con ruồi đang bò qua bàn, rất lâu, trước khi bay lên dược. Đôi mắt mụ Giuseppina thất sắc và trở thành những vành tròn trong suốt, một màu xám chết chóc. Làm sao mà mụ ta lại có thể bị lừa ở điểm này được nhỉ? Song le, Arduimo bao giờ cũng mát tay. Và thật không may là Jeanne lại bất ngờ lần thứ nhất gặp được con bé rồi còn quay về nhà Agresti nữa! Định mệnh mới tai quái thế nào chứ? Mụ nhìn đồng hồ giắt giữa cặp vú và sắp sửa nói: “Thưa cô, trong hai tiếng nữa cô có chuyến tàu về Paris”, thì Jeanne mìm cười với mụ. Giuseppina nhìn nàng cầm cổ chiếc bình nhấc lên và nỗi khiếp sợ khiến mụ chẳng còn nghĩ được gì. Có lẽ rằng cái chết, khi nó đến, nó chỉ nhập được vào một cơ thể đã rỗng không. Giuseppina cảm thấy mênh mang và lạnh lẽo, dinh thự hoang vắng với những tấm kính mênh mông đang chờ đêm tối, nhưng Jeanne lúc này đang vuốt ve bằng cả hai tay thành của cái bình pha lê mà nói bằng một giọng rành rẽ khiến mụ kia nghe như lời than thở từ đáy sâu thẳm của cái phòng xa nhất:

“Được, tôi bắt đầu từ ngày mai.”

ĐÀO DUY HIỆP dịch
(140/10-00)


----------------------------------
(*) Đây là một trò chơi chữ không dịch hết được. Salon vừa có nghĩa là phòng trưng bày, vừa có nghĩa là phòng tiếp khách.
(1) Có nghĩa: "Cuộc phiêu lưu êm ái".




Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Ở Paris (31/03/2010)
Gelka (24/03/2010)
Con mọt sách (16/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)