Truyện dịch
Tín điều của một con người
15:39 | 18/08/2008
ERNEST HEMINGWAYKhông ai có thể chỉ cho mọi người biết mình là thế nào rõ rệt hơn chính tôi làm việc đó. Không ai có thể giấu mình khỏi anh em đồng loại, bởi vì mỗi hành vi của con người, mỗi hành động của sáng tạo đều nói về tác giả của nó. Tôi kể hết cho mọi người biết mọi điều về tôi trong các cuốn sách của mình.
Tín điều của một con người

VỀ CÔNG VIỆC NHÀ VĂN
Tôi cảm thấy ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay tôi đã biết số phận về sau của tôi sẽ thế nào. Tôi không bao giờ có mảy may nghi ngờ việc tôi là người đi tiên phong của thời đại mới và tôi hiểu rằng tiếp sau đây mỗi bước đi của tôi sẽ được chăm chú theo dõi. Vì vậy tôi quyết định để lại cho hậu thế bản quyết toán chân thực về tất cả các hành vi và suy nghĩ của tôi.
Tôi đi tìm cái không phải nằm trên bề mặt sự kiện và không bị thời gian cuốn trôi. Nhưng mục đích của tôi - thể hiện cuộc sống con người như nó đang có, không tô vẽ và không trang điểm gì thêm. Tôi không xem mình thuộc hàng các nhà tư tưởng vĩ đại và không đưa lại cho nhân loại điều gì chấn động cả. Nhưng tôi đặc biệt biết rõ thế giới và thể hiện nó từ hàng nghìn điểm khác nhau.
Tôi không bao giờ phải lựa chọn các nhân vật, đúng hơn thì là các nhân vật lựa chọn tôi. Giống như nhiều bậc tiền bối của mình, tôi thán phục những con người mạnh mẽ có khả năng bắt hoàn cảnh phụ thuộc vào mình, bắt mọi người xung quanh phụ thuộc vào mình. Đề tài này cuốn hút tôi đến mức tôi không thể hiến mình cho một đề tài nào khác nữa. Cảm hứng có thể say mê như tình yêu vậy.
Nội dung các tiểu thuyết của tôi rút ra từ chiều sâu con tim và kinh nghiệm cá nhân, nhưng tôi không bằng lòng để chúng ra đời một cách dễ dãi và cẩu thả. Các kỹ năng nghề văn của tôi rất đơn giản: nghĩ lâu viết chóng.
Phần lớn công việc tôi soạn sẵn trong đầu. Tôi không bao giờ cầm lấy bút chừng nào các ý nghĩ chưa sắp xếp xong. Khi viết tôi thường đọc to lên thành tiếng các đoạn đối thoại: đôi tai là nhà kiểm duyệt tốt. Tôi không bao giờ tin vào cái câu nằm trên giấy chừng nào chưa tính được phải viết thế nào cho nó sẽ dễ hiểu đối với mọi người.
Tuy nhiên đôi khi tôi nghĩ truyện của tôi thiên về gợi hơn là nói thẳng ra. Bạn đọc thường phải phát huy đầu óc tưởng tượng, nếu không họ sẽ để lọt mất những sắc thái tế vi nhất của tư tưởng.
Tôi viết rất khó nhọc, không ngừng cắt gọt và sửa đi sửa lại. Tôi rất coi trọng sự hoàn thiện các tác phẩm của mình. Thường xuyên tôi quan tâm gọt giũa chúng kỳ cho đến khi chúng trở thành những viên kim cương. Cái mà nhiều nhà văn khác bình thản để nguyên khối một cục lớn, tôi biến thành một hòn ngọc quý nhỏ xíu.
Tôi có một khả năng hiếm thấy - biết áp dụng các năng lực phê phán của mình khi viết tác phẩm, dường như đó là công việc của một tác giả khác vậy. Nhiều lần tôi đã không do dự gạt bỏ những cái mà một nhà văn ít tận tâm hơn sẽ giữ lại mà không một mảy may nghi ngờ.
Cần phải viết chỉ nếu như việc đó mang lại niềm vui. Tôi hạnh phúc khi viết, nhưng tôi không bao giờ bằng lòng với những cái đã được viết ra.
Tôi không tin là các sách của tôi đến một lúc nào đấy sẽ thành tượng đài cho tôi - tôi gắng đánh giá mình một cách trung thực. Tôi may mắn thành nhà văn nhờ sự kiên trì hơn là tài năng; tôi là thí dụ rõ rệt nhất về một người đi vào nghề văn mà chỉ dựa hoàn toàn vào mình. Nhưng tôi không bao giờ xứng với những thành công và vinh quang to lớn mình đã được hưởng.
Tôi có nhiều người nhiệt thành hâm mộ nhưng chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào của tôi. Hơn thế, dư luận xã hội luôn có xu hướng đánh giá quá cao tầm quan trọng của tôi mà lại đánh giá chưa đúng ý nghĩa.      
Các cuốn sách có sự bất tử. Đó là sản phẩm bền vững nhất của sự lao động con người. Các đền miếu rồi sụp đổ, các tranh tượng rồi tiêu tan, nhưng sách vẫn tiếp tục tồn tại. Thời gian không có quyền uy đối với các tư tưởng vĩ đại, hôm nay chúng vẫn tươi nguyên như cái lúc nảy ra trong đầu óc các tác giả của chúng nhiều thế kỷ trước đây. Những điều được nói ra và suy ngẫm khi đó đến bây giờ vẫn còn tác động mạnh mẽ đến chúng ta từ trang sách in. Năm tháng chỉ cắt tỉa và mang đi cái gì xấu dở, bởi vì chỉ cái gì thực sự hay tốt mới có thể sống lâu trong văn học.
Nhà tiểu thuyết hiện đại, ngoài việc biết lao động một cách kiên trì và nhẫn nại, còn cần phải biết kết hợp khéo léo các năng lực. Hắn phải có đầu óc suy luận tỉnh táo và cảm giác mức độ chính xác để lựa chọn được cái thiết yếu trong đống chất liệu to lớn và sắp xếp tất cả những cái đó tuân thủ sự cộng cách của các bộ phận và sự phối cảnh đúng. Hắn phải có trí tưởng tượng để di chuyển tâm tưởng ngược quá khứ, về hiện tại và sống ngay giữa lòng cái hắn đang mô tả. Hắn phải có trực giác phê phán giúp nhận ra nguyên nhân và hậu quả và phán đoán đúng về con người và sự kiện. Chỉ khi nhà văn hình dung rõ các motiv hành vi của con người, hắn mới thực sự có thể bắt đầu viết tốt được.
Rất ít tìm được những cuốn tiểu thuyết trong đó có tất cả: đấu tranh, truy đuổi, sự nghiệt ngã, tình dục, các tính cách mạnh, hành động phát triển như cuộc tấn công của sư đoàn thiết giáp, cũng như sự tôn trọng đối với các nhân vật của mình và với sự thật.
Thường thì cái mà phần đông các tác giả viết ra ở những thời kỳ sau - đó chỉ đơn giản là những biến thể mới của những cảnh, những tính cách và những sự kiện từ các tác phẩm hồi đầu, chỉ khác một điều là chúng ít tính nghệ thuật hơn, ít sức mạnh và ít lửa hơn.
Quá nhiều cuốn tiểu thuyết hiện đại không đưa lại một bài học nào và không nhằm một mục đích nào, ngoại trừ sự khơi dậy nỗi sợ hãi mang tính thú vật ghê tởm khiến máu đông cứng lại trong huyết quản. Tôi sẽ rất sung sướng nếu khi đọc một cuốn tiểu thuyết mới của một tác giả xa lạ mà thấy nó không đượm mùi đau thương và là một cuốn sách hồn hậu, hào phóng và thông minh.
Giá trị và sức hấp dẫn của một cuốn sách hay là ở sự giản dị rất mực, sự cởi mở và sự bộc lộ dường như bất ngờ các tính cách và các motiv hành động. Đó là sự giản dị của ngôn ngữ và tư tưởng. Nó không giả tạo và thoát được sự cố ý làm văn. Nhưng viết với sự giản dị chân thực khó hơn là với sự phức tạp cố ý.
Phong cách của nhà văn cần phải mang tính trực tiếp và cá nhân, hình tượng cần phải phong phú và sung mãn, từ ngữ cần phải giản dị và mạnh mẽ. Các nhà văn vĩ đại có biệt tài viết ngắn rất xuất sắc, đó là những người lao động kiên trì, những nhà khoa học miệt mài và những nhà phong cách khéo léo.
Lệ thường, các tác giả đã thành công có thể viết rất có nghề những truyện ngắn đầy lôi cuốn về bất cứ chuyện gì. Tội lỗi văn học to lớn của các nhà văn hiện nay - đó là xu hướng trang điểm và thích sự lấp lánh bề ngoài. Tôi rất sợ những nhà văn viết sách bằng kỹ xảo nhà nghề.
Phần lớn những sách được in bây giờ - đó là những tác phẩm còn non nớt và yếu về nghệ thuật. Rất nhiều tác giả viết nhanh và ẩu, họ hiếm khi sửa chữa lại thứ văn bản được viết vội ra trong cơn phấn hứng làm văn. Kết quả là văn phong của các nhà văn như thế phạm những sai lầm không thể dung thứ được. Đối thoại của nhân vật thiếu tự nhiên, từ ngữ lựa chọn không chính xác, ngôn ngữ thường hết sức cẩu thả. Các sách của họ phần lớn thường không có sự thống nhất cốt truyện và hành động. Câu chuyện nhiều chỗ bị kéo dài lê thê và giống như sự ba hoa rỗng tuyếch. Có cảm tưởng như những người viết không biết chắc cái gì sẽ xảy đến ở chương sau cuốn tiểu thuyết của họ. Đôi khi chẳng vì một nguyên nhân rõ rệt nào cả họ cũng bày ra những cảnh khó hiểu và hoàn toàn không cần thiết, thường là đưa thêm những nhân vật mới vào cuối sách. Mà nhân vật của các tác giả đó thì hoặc là quỷ sứ, hoặc là thiên thần, được phản ánh một cách kỹ càng đến phát khiếp. Thông thường hành vi của chúng không có nguyên cớ chắc chắn, bản thân các nhân vật thì lạnh lùng và thiếu sức sống, đó chỉ là những hình nộm dùng để giải quyết một vấn đề hoang tưởng, khó xác định nào đó của tồn tại. Xin thêm vào đây là những cốt truyện phi thực đến kinh khủng. Trong các cuốn sách như thế rất ít có gì gắn với thế giới hiện thực, sống động.
VỀ LAO ĐỘNG VÀ THỜI GIAN
Đi biển lúc sóng yên gió lặng - mọi hoa tiêu đều làm vậy. Nhưng mặt trời mà không có mây đen và niềm vui thiếu nỗi khổ - đó hoàn toàn không phải là cuộc sống. Thí dụ, số phận của ngay những người thành đạt nhất - một cuộn sợi rối. Mất và được thay đổi nhau luân phiên làm ta đau buồn và vui sướng. Thậm chí cái chết cũng làm cho cuộc sống đáng muốn sống hơn. Vào những giờ khắc khó khăn của cuộc sống, khi lâm cảnh khổ đau và mất mát, con người càng trở nên chính mình.
Chỉ nhìn thoáng qua ta cũng đủ thấy rằng nếu như ta được thành đạt trong một sự nghiệp to lớn nào đấy thì phải khó khăn lắm mới đạt được. Và con người phải cảm tạ số phận về điều đó. Thất bại tôi rèn thêm khả năng chống chọi của ta. Tính cách sinh ra khi hy vọng sụp đổ. Chỉ khi ta nhận biết rõ mình, thử thách đúng mình và đã nhiều lần tin chắc rằng đánh giá quá cao khả năng của bản thân là nguy hại cho mình biết chừng nào, khi đó kinh nghiệm sẽ dạy ta biết phán đoán đúng các mặt mạnh yếu của mình.
Hối tiếc những sai lầm mình mắc phải đến mức để không lặp lại chúng nữa - đó nghĩa là hối hận thực sự. Không có gì là cao thượng trong việc đứng cao hơn một ai đó khác. Cao thượng thực sự hiện ra khi con người trở nên cao hơn cái "tôi" cũ của mình.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, điều quan trọng hơn hết không phải năng lực mà là tính cách, không phải trí tuệ mà là trái tim, không phải thiên tài mà là sự tự chủ, bền bỉ và kỷ luật tuân theo một đầu óc suy luận tỉnh táo.
Khôn ngoan là quà tặng cuối cùng của số phận cho một trí tuệ trưởng thành. Con người sau khi đã nếm trải nhiều bắt đầu xem thời gian như một trợ thủ của mình. Nói về thời gian người ta cho là nó che đậy quá khứ và an ủi động viên, nhưng nó còn khuyên dạy nữa. Thời gian là thức ăn nuôi dưỡng kinh nghiệm, là nền đất gây trồng khôn ngoan. Nó có thể là bạn hoặc thù của tuổi trẻ. Thời gian đứng đầu giường tuổi già làm người an ủi hoặc tên đao phủ tùy ở chỗ người ta dùng nó có ích hay có hại, cuộc đời đã sống cần thiết hay phí phạm.
Cuộc đời hầu như đã trôi qua hết trước khi ta kịp hiểu ra nó là cái gì. Nhưng không thể đo nó chỉ bằng độ dài. Cây sồi sống hàng trăm năm - khoảng thời gian đó nhiều thế hệ người trần đã nối tiếp nhau thay đổi. Nhưng có ai ưng thuận đánh đổi cả một thế kỷ tồn tại của loài thực vật lấy một ngày sống sung mãn, có ý nghĩa và mục đích, của con người?
Xung quanh ta có rất nhiều điều tuyệt đẹp và gây xúc động sâu sắc, và tôi hơi thấy xấu hổ là đã không quý trọng tất cả những cái đó được nhiều hơn. Tuy nhiên, ngoái nhìn lại sau, tôi có thể nói về mình bằng một câu thế này: tôi đã sống một cuộc đời sung sướng.
VỀ CÁI CHẾT VÀ NỖI SỢ
"Ông già và biển cả" là cuốn sách tôi muốn kết thúc kết thúc mỹ mãn cả một đời lao động sáng tạo. Viết nó quả khó khăn. Tuổi già đã lén đến bên tôi. Nhưng ít người chết vì già. Hầu như tất cả chết vì tuyệt vọng, vì lao động trí óc hay chân tay quá mức, vì những cảm xúc nặng nề, vì một trường hợp bất hạnh. Con người là con vật có khả năng lao động nhất trong muôn loài. Sống lâu quá mọi người hay bị tước mất niềm lạc quan. Sống ngắn thì tốt hơn.
Vị tất đã có người nào trong đời chưa từng một lần trải qua một nỗi đau mạnh hơn nỗi đau những người trần thường trải. Một vị bác sĩ nổi tiếng có lần bảo tôi cơn đau của cái chết thường yếu hơn cơn đau răng.
Mỗi người đều buộc phải là một chiến binh và mỗi người đều buộc phải chết, nhưng chỉ có những kẻ hèn nhát mới chết một cách uổng phí. Tôi luôn luôn tin rằng nghĩa vụ đầu tiên nhất của đàn ông - đó là khắc phục nỗi sợ hãi. Không có gì làm nản chí con người nhiều hơn thái độ bạc nhược và sự sợ sệt nguy hiểm. Chúng biến con đường dễ thành khó, con đường khó thành không thể vượt qua. Mọi người thường có nỗi lo sợ vô ích khi sợ tìm hiểu mọi việc đến tận cùng. Do sợ thấy ra cái hành động còn tệ hơn chính nỗi sợ nên họ sợ hãi cái tệ hơn cả hành động đó. Họ sống với tâm trí thấy ma và sợ cái tâm trí ấy. Biết cái xấu còn hơn ngày qua ngày sống trong nỗi sợ trước cái xấu.
VỀ TỘI LỖI
Trong tất cả các tội lỗi ghê tởm làm ô nhục thế gian này, cái tác hại nhất, nguy hiểm nhất, cố nhiên, đó là sự cuồng tín. Không một tội lỗi nào khác sánh được với nó về tinh thần tăm tối và ác độc. Sự cuồng tín thể hiện ở chỗ con người thường xuyên và khăng khăng giữ rịt lấy ý kiến riêng biệt của mình. Kẻ quen phê phán tất cả, thực chất, đó là kẻ phá quấy. Hắn xa lạ với lối tiếp cận sự vật một cách tỉnh táo, sáng tạo. Suy luận cá nhân trở thành chúa tể của hắn, còn thói tự phụ khoa trương - là ông thầy duy nhất. Đối với loại đầu óc quái đản như vậy các quan điểm riêng được đồng nhất với chân lý tuyệt đối.
Thói hiếu thắng - đó là nguồn gốc của tất cả mọi tội lỗi. Nó sinh ra thói đạo đức giả, gây nên sự ganh tị, xô đẩy đến sự lừa dối.
Đức hạnh của phần đông mọi người giảm xuống khi của cải của họ tăng lên. Đưa cho một người những thứ cần dùng - hắn lại muốn tiện nghi. Bảo đảm cho hắn tiện nghi - hắn lại ước xa xỉ. Làm cho hắn xa xỉ - hắn lại cầu thanh lịch. Cho hắn được thanh lịch - hắn trở nên phát cuồng. Cấp cho hắn tất cả những gì hắn muốn - hắn sẽ lại than phiền là bị lừa dối, là chỉ nhận được những thứ hắn không đòi hỏi.
Rồi đến lúc bản tính con người chạm mặt với số phận của hắn - vụ nổ này sẽ mới thật kinh hoàng!
VỀ MỤC ĐÍCH CUỘC SỐNG
Từ lúc nằm nôi đến lúc xuống mồ, khi túng thiếu và khi sung sướng tìm hiểu thế giới xung quanh và chính bản thân mình, con người hiện đại phải len lách qua những khu rừng bất tận nhằng nhịt khác nhau; tất cả giờ đây không còn đơn giản: cả tư tưởng, cả hành động, cả khoái cảm, và ngay cả cái chết.
Tôi luôn tin rằng con người khi bắt đầu cuộc sống bên trong nghiêm túc hơn thì cũng sẽ bắt đầu sống ở bên ngoài đơn giản hơn. Vào cái thế kỷ ngông cuồng và thừa mứa này, tôi muốn chỉ cho mọi người thấy các nhu cầu thực sự của chúng ta thực là ít ỏi.
Tôi muốn có khả năng quý trọng cái tôi không có hơn là có cái mà tôi không thể quý trọng.
Tôi kinh ngạc khi thấy nhiều thời khắc quý giá đã bị tiêu phí cho việc dung túng vô bổ các thói xấu cá nhân, cho những trò đùa nhạt nhẽo, cho những câu chuyện tầm phào, cho những cuộc vui vô ích và đáng ngờ. Mở rộng phạm vi các mối quan tâm của mình mà không đi sâu vào chúng - thế nghĩa là đánh cắp chính mình.
Cần phải hành động. Ngắm nhìn thụ động - đó là trạng thái tinh thần nguy hiểm. Không nên tiêu tốn cuộc đời cho những mơ ước trống rỗng.
Những người thích cá cược và những con bạc thường chết trong nghèo túng. Nhưng ngay cả khi có ai gặp may hồi trẻ, kết cục cuối cùng vẫn thường là rất thảm thương. Những người đó đã bỏ qua sự cần thiết phải lao động kiên trì, đã xem nhẹ kinh nghiệm chung được mọi người chấp nhận. Công việc mất đi hứng thú và cuộc sống sụp đổ khi ngồi chờ một cơ hội tốt đẹp không bao giờ đến.
Người đời bao giờ cũng đi tìm những con đường ngắn đến hạnh phúc. Không có những con đường như thế.
Con người trở nên khôn ngoan hơn khi ý thức được rằng mong muốn một điều gì và đạt được điều đó - đấy là hai việc khác nhau. Một đặc điểm tiêu biểu của các nhà văn lớn là thái độ hết sức nghiêm túc đối với công việc. Cuộc sống của họ thường khó khăn và thiếu niềm vui, nhưng họ không bao giờ ngồi không. Dù họ làm gì đi nữa: tôn giáo, chính trị, giáo dục hay chỉ đơn giản là kiếm miếng ăn, họ đều làm việc hết mình.
VỀ SỰ CÔ ĐƠN
Đôi khi tôi ngồi viết suốt ngày chỉ vì hoàn toàn một mình.
Nhưng những con người dũng cảm thường dùng sự cô đơn bất đắc dĩ đó làm lợi cho mình, để hoàn thành một công việc quan trọng nhất. Chính khi một mình lại nảy ra khát vọng hoàn thiện. Trong cảnh cô đơn tâm hồn trò chuyện với chính mình, và thường là năng lượng của nó có hiệu lực. Vì thế nếu con người mong được hạnh phúc, hắn cần phải dành nhiều thời gian hơn cho mình.
Nhưng sự cô đơn mang lợi hay gây hại, điều đó tùy thuộc nhiều vào khí chất, sự giáo dục và những phẩm chất cá nhân của con người. Nếu trái tim trong sạch của những người quảng đại trong cô đơn càng trở nên trong sạch hơn, thì trái tim cộc cằn của những kẻ hẹp hòi càng cộc cằn hơn khi lâm cảnh cô đơn. Bởi vì dù cô đơn có thể tiếp thêm tinh thần cho những tâm hồn mạnh, nó lại là cực hình đối với những tâm hồn yếu.
Nhưng nhà văn không nên chạy trốn thế gian khi hắn không viết.
Tôi bao giờ cũng quan tâm trước hết đến những con người sống, những người đàn ông và đàn bà, chứ không phải đến các tư tưởng. Điện ảnh, truyền hình và sân khấu khiến tôi buồn chán. Và dù cho những người kể chuyện có tài lại thường là những nhà văn tồi, tôi vẫn thích trò chuyện với một ai đó hay lắng nghe một ai đó hơn.
Khi anh còn có khả năng ban phát nhiều, bạn bè anh sẽ rất đông. Khi anh cần một thứ gì đấy, số bạn bè sẽ giảm dần; nhưng những người còn lại sẽ là những người bạn chân chính.
VỀ TÌNH YÊU
Tình yêu - tạo hóa duy nhất của con người và thế giới. Tình yêu - đó là bản năng ôm trùm toàn thể. Nó làm cho những người yêu nhau trở nên thông thái, khiến đầu óc họ sắc sảo hơn và tình cảm họ tươi mới hơn, nó gây niềm phấn chấn. Tình yêu sống động và bền chặt khi dâng hiến. Sứ mệnh của nó là chia sẻ mọi thứ nó có, chia sẻ cả chính tình yêu. Tình yêu ngầm định sự hòa hợp tương quan. Hiểu người khác - đấy là hạnh phúc gần như to lớn nhất, còn được người khác hiểu - có thể, đó là món quà tình yêu thích thú nhất và mang lại sự thỏa mãn lớn nhất. Tình yêu đưa cho mà không toan tính nhận cái gì đổi lại. Tình yêu bền bỉ và thánh thiện ngay cả trong cảnh giết chóc, lừa dối và ô nhục. Nó không chấp nhận cả thời gian, cả không gian, cả những hoàn cảnh bên ngoài chia lìa đôi lứa tình nhân. Tình yêu ban tặng niềm vui, mang lại hòa thuận thay vì chia rẽ và bất hòa, nó không xét đoán theo vẻ ngoài. Tình yêu - mục đích tối cao của tồn tại, hiện thân của tình bác ái, bản chất của những nguyên tắc đạo đức cao cả, nền tảng của sự cộng đồng. Tình yêu đi tìm cái tốt ở khắp nơi, trong mọi cảnh huống và nó tìm thấy cái tốt ấy. Tình yêu từ một cái nhìn phát hiện cho mình cấu tạo của vũ trụ và tính cách của con người. Còn tôn giáo - đó là tình yêu trong hoạt động.
VỀ HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Ngày hôm nay - đó không phải dòng suối lặng lờ của lịch sử, mà là ngọn sóng triều đang xô mạnh về phía trước. Những thời vĩ đại không phải ở trong quá khứ, những thời vĩ đại - đó là thời hiện nay của chúng ta, những thời vĩ đại hơn nữa - ở tương lai.
Các khả năng ngày càng phát triển của các phương tiện giao thông và sự dư thừa của cải hàng năm sinh ra những dòng thác khách du lịch đi khắp đó đây trên hành tinh. Mỗi người có thể đi bất kỳ nơi nào muốn, và rất có thể họ sẽ trở về thành con người đáng kính hơn, có cái nhìn cởi mở hơn và ít ác cảm hơn đối với các đồng loại của mình, cũng như hiểu ra một chân lý là sự sung túc riêng của họ gắn liền với tất cả giống loài mà họ thuộc về. Mặc dù nhịp đập còn yếu, nhưng trái tim nhân loại đã bắt đầu đập hòa cùng nhau như một toàn thể.
NGÂN XUYÊN dịch
Theo bản tiếng Nga đăng trong tạp chí "Inostrannaya Literatura" số 2/2000 (nguyên bản tiếng Anh A Man's Credo đăng trên tạp chí "Playboy" số 1/1963).

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Biến cố (29/07/2008)
Ngày lễ hội (03/06/2008)
Bụi Cây (22/05/2008)