Truyện dịch
Kỷ niệm khốc liệt về ngôi làng Ka-tin
17:23 | 13/07/2010
A-đa-mô-vích sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ trong làng công nhân ở Gơ-lu-sa, tại Bi-ê-lô-rút-xi-a. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nhà văn mới 14 tuổi nhưng đã theo mẹ và anh tiếp tế cho du kích quân.
Kỷ niệm khốc liệt về ngôi làng Ka-tin
Ảnh: Internet
Còn nhỏ tuổi, ông đã mục kích những cảnh thảm sát, đốt phá của phát xít Đức. Nhưng ông muốn tất cả những hình ảnh khốc liệt đó chín muồi, lắng đọng trước khi ông viết thành tác phẩm. Cho nên, trước khi là nhà văn, ông là nhà phê bình và nhà lịch sử văn học. Hiện nay ông là tiến sĩ ngữ học và tiếp tục công tác trong lãnh vực nghiên cứu khoa học tại Min-xkơ.

Trong “Kỷ niệm khốc liệt về ngôi làng Ka-tin”, ngoài khía cạnh tư liệu, thống kê về những tội ác của phát xít Đức tại 432 ngôi làng ở Bi-ê-lô-rút-xi-a, còn có những chứng liệu vô cùng quý giá để loài người luôn luôn cảnh tỉnh trước những hiểm họa phát xít kiểu mới, trong đó hẵn có cái “kỷ niệm khốc liệt về vụ Sơn Mỹ” chẳng hạn mà A-đa-mô-vích có đề cập tới trong truyện, hẵn còn nóng bỏng trong lòng mỗi người Việt Nam.



ALÊCHXĂNGDRƠ AĐAMÔVICH


Kỷ niệm khốc liệt về ngôi làng Ka-tin


Sơn Mỹ, cái tên đột hiện lên từ vùng thăm thẳm của ký ức.

Ôi, chúng tôi, những người dân Bi-ê-lô-rút-xi-a, chúng tôi rõ những chuyện ấy lắm! Mới đây, cùng với một toán người làm phim, chúng tôi rảo khắp Bi-ê-lô-rút-xi-a để tìm những người nào may mắn thoát chết trong các làng mạc của xứ sở bị bọn phát xít hành hạ. Tôi ghi chép những lời thuật lại của họ

Sơn Mỹ! Mọi việc đơn giản đến thế sao? Con người ta có thể tách ra khỏi gia đình, rứt ra khỏi mái nhà đang ôm ấp những món đồ chơi còn nguyên vẹn, rứt ra khỏi mẹ, khỏi cha, một cậu thanh niên Mỹ mười chín tuổi, và khỏi cần chuẩn bị cho y vào những đơn vị đặc biệt mà cứ lôi tuột y đi qua tận Việt Nam xa xôi cho y mặc tình giết trẻ em, giết từng gia đình, làng mạc: như trước đây bọn biệt thám Đức đã làm, có lẽ nào?

Dễ dàng đến thế sao, giản dị như thế sao?

Bởi lẽ họ mới đúng tuổi hai mươi, những con người từng là sát nhân vụ Sơn Mỹ, theo báo chí Mỹ.

Tạp chí Life (Đời sống) viết:

Hê-bơt-lây (viên nhiếp ảnh) thuật:

“Những người Mỹ này sắc mặt tuyệt đối điềm tĩnh. Mắt tôi thấy mà y như là khó tin. Đi đến đâu họ tận diệt đến đó, họ hành động có chủ ý”… “Một đứa nhỏ đi về phía chúng tôi, không biết về sự việc đang diễn ra. Vài phát súng nổ, đạn trúng vào vai và chân đứa bé. Không có tiếng rú, cũng không có tiếng khóc đau”. Hê-bơt-lây chùn người xuống chụp hình đứa bé. Một người lính quỳ một chân xuống cạnh. “Tay lính này nổ súng ba lượt. Phát thứ nhất khiến đứa bé vật xuống đất, phát thứ hai tung nó lên, phát thứ ba thì nó bất động. Người lính đứng lên và bước đi tiếp… Một người đàn ông có tuổi tiến về phía chúng tôi, bên trái ông là một thằng bé, bên phải là một em gái. Người ta nghe em này thì thào bằng tiếng Việt: “Mấy ông đừng giết, đừng giết”. Người lính đưa khẩu tiểu liên lên và hạ cả ba”.

Thử hỏi tại sao những thanh niên hai mươi tuổi đã từng làm một cách quá đơn sơ, quá dễ dàng, những việc không hề nằm trong qui phạm loài người, những việc trái với bản chất con người?

Cái khía cạnh phản bản chất của cái thiên chức làm đồ tể là đề tài cuốn tiểu thuyết tôi đang viết và tôi có ý nghĩ đặt đề cho nó là: Thời ném đá và thời nhặt đá. Đề tài nảy sinh trong tôi trong thời gian quay về trầm mình vào những thời buổi chiến tranh khi nghe những chuyện kể do những chứng nhân của các vụ tương tự Sơn Mỹ, Li-đi-xơ, Ô-ra-đua tại Bi-ê-lô-rút-xi-a, những chứng nhân của vụ Ka-tin.

Trong hàng trăm chứng nhân của Ka-tin, có những người còn tiếp tục khơi dậy những hình ảnh xảy ra cách hơn một phần tư thế kỷ. Không riêng gì họ, cả dải đất Bi-ê-lô-rút-xi-a vẫn chưa nguội.

Hôm chúng tôi đi gặp một số du kích địa phương thời trước, chúng tôi dừng chân giữa đường hỏi đường một người đàn bà. Một anh trong chúng tôi không kịp suy nghĩ buột miệng hỏi giống như du kích thường hỏi:

- Này, mẹ, có bọn Đức trong làng không?

Phải chi các bạn mục kích cái phản ứng bất thần qua ánh mắt của bà! Hẳn nhiên trong phút chốc bà nghĩ là mình vẫn sống thời 1943, còn 1968 chỉ như cơn mộng!

Chính tôi viết về cái dải đất còn nóng bỏng chiến tranh đã qua ấy trong tiểu thuyết Thời ném đá… Nhưng trong hiện tại không phải là tiểu thuyết gì hết mà là những chứng nhân, chứng liệu, những con người của Ka-tin. Mặt khác, tôi tin rằng không một tác phẩm văn chương nào có thể gần gặn với sự thật cho bằng lời lẽ của những người ấy chứa đựng trong mắt, trong giọng nói họ. Ta có cảm giác rằng chính họ cũng sợ nhớ hết: nhớ hết thì khó sống…

***
Một con đường cát rộng đến khó ngờ, thừa thãi, với những lối mòn thẳng góc nối nhà này với nhà kia.

Người ta xây dựng theo lối này sau một cơn hỏa hoạn lớn.

Hầu hết các làng xứ chúng tôi đều như thế cả, đánh dấu sau chiến tranh.

Một người đàn ông, sắc mặt vô cùng linh động, đầy nếp nhăn u ám mà chuyển động, nhưng mang một vẻ gì cứng nhắc trong ánh mắt - như thể cứng nhắc vì chết - ngồi trên một thân cây nhẵn đến đen bóng (dễ thường trước đây được dùng làm ghế dài trước chiến tranh). Người đàn ông thốt lên một tiếng cụt, tiếng chim đêm. Gã chỉ vào năm ngón tay xòe của mình rồi thêm một ngón nữa ở bàn tay kia.

Mấy bà trong đám đông làm thông dịch, giải thích - có chừng ấy con.

Sau đó, khỏi cần dịch: người câm ra dấu cây súng tiểu liên nhả đạn, ra dấu cây diêm được đốt lên và chụm tay che ngọn lửa…

Đã một phần tư thế kỷ, con người làng Pê-rê-kô-đi trước đấy cứ ra sức kể lể bọn chúng nó giết như thế nào, thiêu sáu đứa con mình cùng với dân làng ra sao.

Các người khác, ở các làng khác, thì thuật lại kèm theo lời, nhưng hầu hết tất cả đều có ánh mắt giống nhau, đều khô cứng một nét hơ hãi gần như trẻ con… Gã chẳng bao giờ hiểu cho hết, luôn luôn không hiểu những sự việc xảy ra, làm sao, làm thế nào, gã không nghĩ người ta gây ra cho lão ngần ấy thứ…

Mỗi người thuộc mỗi một chuyện, đem ra kể suốt đời, kể cho hết thảy mọi người- một chuyện không thôi. Kể cho lối xóm. Cho trẻ con. Cho chúng tôi - nhóm làm phim “Ka-tin, 5 cây số”, phim ghi lại những câu chuyện kể của vài chục mạng người may mắn thoát nạn giữa bao nhiêu người bị thảm sát của hàng trăm ngôi làng Bi-ê-lô-rút-xi-a…

- Làng chúng tôi trước chiến tranh thì lớn. Người ta còn tiếp tục gọi là Đại thôn Go-ro-ra, dù chỉ còn có một con đường. Lúc bọn Đức đến, chúng đi hết nhà này đến nhà nọ. Đến nhà chúng tôi có hai đứa, mẹ tôi có ngờ gì đâu lên tiếng bảo:

- Ma-sa, khép cửa lại con, lạnh nó vào.

Nhưng tên Đức cười phá lên:

- Nóng đến nơi rồi đấy, bà già, nóng lắm là đàng khác.

Tên kia ngỏ lời với tôi và chỉ con bò bắt dắt ra. Hắn mang kính và cũng luôn miệng cười. Nó thọc ngón tay vào sườn tôi, lúc ấy thời con gái tôi mập mạp, mười bảy tuổi. Tôi ẩy hắn ra. Hắn cười. Tôi vào chuồng, hắn theo vào, tôi sợ, nó cười cái gì mà cười mãi. Hắn chờ tôi dắt bò ra. Thế là, từ phía sau, tôi bị một đòn như sét đánh. Ngay vai, chỗ này, hắn đánh tôi chỗ này. Không hiểu làm thế nào tôi mò vào nhà được, bò lết bốn cẳng. Mẹ thì gục ở bực cửa. Tên Đức không theo tôi vào. Em trai tôi mười tuổi, núp sau lò. Nói các bác không tin: xảy ra chuyện gì thì mình trông thấy hết mà vẫn không hiểu. Như ngây như dại. Chị em tôi chạy ra đường, ra đây lại một tên Đức khác chận lại, hắn đang lùa bò lại với nhau. Hắn ra dấu chỉ cách phụ hắn một tay. Hắn nói, hắn diễn giải đủ thứ, chữ một chữ hai, rằng là chúng nó đưa chúng tôi đi Đức, không hề hấn gì. Chẳng bóng dáng ai ngoài đường, còn trong nhà thì: “Đoàng! Đoàng!” “Chúng nó giết người mà!” Tôi hiểu ra. Đến lúc đó tôi mới hiểu. Thế là chạy. Tôi mất dép, bấy giờ trời mùa đông, tuyết. Tên Đức nhả đạn. Nó bắn trúng em tôi ở cổ, nhưng cũng chạy nổi vào tới rừng. Tôi hái lá thông ủ lên hai bàn chân. Ngón chân bị cóng, còn lại như thế này đây…”

(Maria Ghê-rat-xi-mốp-na Mi-kai-lich, Đại thôn Go-ro-ra, huyện Ốt-xi-po-vít-si, vùng Mo-ghi-lép).

Tới với những người sống sót giữa nhân dân, chúng tôi đi qua nhiều ngôi làng chết, qua những ngôi làng của họ.

Qua những làng ma.

Có một trăm ba mươi sáu ngôi làng ma trên các nẻo đường và rừng Bi-ê-lô-rút-xi-a hiện thời.

Chiếc xe đó lăn bánh vui nhộn giữa các cánh đồng, hành khách mãi chuyện trò không để ý gì đến một trái núi xanh um trong một ngôi làng trải theo chiều dài, nó chẳng bày ra cái gì lạ mắt đến lúc gần cuối. Nhưng sau một khúc quanh, ta thấy từ giữa màu xanh hiện ra một con đường càng đi tới càng nhỏ lại. Toàn cây phong và đồng loại. Không thấy có nhà, mà chỉ lác đác những khúc cây làm ghế ngồi được dịch tới cho gần người hàng xóm, dưới gốc cây trong bờ rào, gọi là “chỗ chung”.

Làng mạc ở Bi-ê-lô-rút-xi-a thường lộ ra như thế đối với khách qua đường.

Nhưng bỗng đâu lại bắt gặp, thay vì nhà, một cái thánh giá… một cái bia.. bia… thánh giá…

Không hẳn là bờ rào, mà là những tấm mành nhỏ, thấp, bằng kim loại hay bằng gỗ.

Một tấm bia ghi một họ. Kèm theo năm, mười, mười hai tên.

Hoặc giả một mảng tường dày, trắng - một tấm biển - cuối một con đường cụt, với nhiều cột tên dài khắc chữ nhỏ - hai ba chục tên có họ giống nhau. Những họ tộc trọn vẹn, những “cây” trong làng, với những chiếc rễ chín chục năm là hàng ông bà cố, kèm những cành non ba tháng.

Vụ thảm sát Sơn Mỹ - Ảnh: Internet


“Làng bị vây từ sớm. Trời còn sương, sương dày, bọn chúng dồn ra sau. Suốt nửa buổi, bọn chúng lục lạo quanh làng, bắn vào sương mù. Tiến tới gần mãi. Chúng tôi dồn vào nhà, khoảng hai chục mạng, có cả người lối xóm. Ai nấy sợ riêng lẻ với gia đình mình, nên tụ với nhau. Chúng tôi nghe chúng tới gần. Chúng nả vào cửa sổ, rồi ra lệnh đi ra. Chúng thấy có đàn bà con nít, và bảo chúng tôi đưa giấy tờ, tiền bạc. Chúng quẳng ngay giấy tờ xuống đất. Rồi bảo vào lại. Rồi nhả đạn vào cửa sổ, cửa lớn. Con gái nhỏ của tôi kêu “mẹ!”. Tôi nhìn lại thấy nó bị đạn chỗ này, dưới mũi. Nó chỉ đủ thời gian thoi thóp. Con gái đầu của tôi nó không nghe biết. Nó mười sáu tuổi. Nó đấy, nơi tấm hình là nó đấy. Bọn chúng sát hại chúng tôi hết thảy, và tôi nghe chúng thanh toán bà con lối xóm phía sau lò. Tôi mở mắt. Một bà hôn lên bàn tay trái hắn, ngăn hắn kéo chiếc giường ra, con cái bà ẩn sau giường đó, còn hắn thì giáng cây súng lục nện lên đầu bà. Bọn chúng đẩy giường ép bẹp mấy đứa nhỏ, bọn nhỏ thì kêu chí chóe. Trời hỡi Trời! Một tên khác bắt gặp tôi đang nhìn, hắn tiến lại, đoàng, đoàng, đoàng, tôi tưởng mình còn trông thấy hắn, khẩu súng lục xanh lè, và hắn giáng súng nện lên mặt tôi, nện nữa. Hắn cầm chân kéo xệch tôi xa đám con. Thế mà tôi vẫn sống. Tôi vẫn còn nghe chúng nó bước đi. Tôi nghĩ vẫn là tụi Đức. Nào ngờ là Rô-ra thằng con trai tôi, thân hình đầy máu, nó chẳng trông thấy gì hết, nó đi về phía cửa. “Con!” Còn nó thì: “Mẹ, mẹ chết rồi phải không, con muốn đi ra cho chúng giết, đây…”- “Con, nằm xuống con, nằm ngay xuống đó, may ra!” Tôi không biết tụi nó có nghe tiếng mẹ con tôi hay không, nhưng có một đứa bước vào tru tréo: “Đứng lên!” Rồi hắn liệng một quả lựu đạn vào dưới lò. Khói đã tỏa, chúng đốt nhà, chúng có rưới một thứ gì đó. Trần nhà bốc lửa trên đầu. Không giết chúng tôi, nhưng tệ hơn: chúng định thiêu sống chúng tôi. Tôi vọt dậy, chiếc giường nằm cạnh cửa sổ, tôi đập vỡ kính, réo Rô-ra: “Giúp mẹ đưa mấy đứa ra”. Tôi bế đứa con gái đầu, một nhúm tuổi trong tay tôi, mềm nhũn!... Tôi bế không nổi, nó nặng, còn tay tôi như chết, tôi không muốn con cái chết cháy. Tôi lôi xệch chúng nó chẳng rõ bằng cách nào đặt lên giường, kê lên thành cửa sổ, rồi buông mình rơi xuống với Rô-ra, lôi chúng nó ra ngoài hầm khoai. Trọn làng bốc cháy, bọn chúng lôi người ra ngõ này ngõ kia, tiếng rên, tiếng thét, bọn Đức thì đi loanh quanh vườn, huýt còi, và có mấy con heo nhai bỏm bẻm cạnh chỗ nhà cháy sém… Rồi tiếng còi, tiếng bỏm bẻm lại gần, gần hơn nữa, tôi đã bắt đầu đâm ra hận sao bọn chúng không giết chúng tôi trong nhà cho xong: chứ nếu gặp chúng tôi, chúng lại giở trò tra tấn lần nữa, rồi chúng tôi lại hét, lại kêu chí chóe”…

(Ma-ri-a Phê-đo-rốp-na-kô, làng Bon-si-ê Pờ-rut-xki, huyện Ko-pin, vùng Min-xkơ).

Những kẻ đã đi sống trốn núp ở những nơi như Tây Ban Nha và Ác-hen-ti-na và nay đã hóa thành những trùm áp-phe rất đáng nể và những người cha rất là đằm tính trong gia đình, nhìn họ mà coi, họ vô cùng vững tin về quyền hạn tậu tài sản của mình, không những thế mà họ lại còn vững tin về “nhiệm vụ công dân Đức” sống giữa lòng nhiều thế hệ mới.

Nhưng còn những con người khác, những nạn nhân của họ, những nạn nhân của phát xít - cũng là những con người chứ! - mang trong lòng mình những vấn nạn cay nghiệt vốn xưa kia chỉ ám ảnh những vĩ nhân, những Sếch-xpia, những Đôt-xtôi-ép-xki mà thôi.

Một khi một điều như thế còn lưu dấu trong trái tim con người, một khi một điều như thế bị cả một dân tộc chịu đựng, thì văn học của chúng ta (đã đến lúc phải nói đến phương diện này) - không những có quyền mà có bổn phận tường thuật với loài người những gì đụng tới mọi người: cái nạn phát xít (và dưới nhiều dạng mới mẻ nó vẫn tiếp tục đe dọa thế giới hiện nay). Đồng bào của chúng tôi đã biết, đã thấy khuôn mặt nhăn nhở hãi hùng mà Tây Âu có lẽ chưa từng mục kích. Bởi cái nét nhăn nhở ấy, trong một khoảng thời gian, chỉ hướng về phía đông.

Cách Min-xkơ năm mươi cây số, tại Ka-tin, ngôi làng di tích lịch sử (cột lò sưởi đen, những cửa đá chết sửng, những lối mòn tối đen lát đá mộ), người ta đã chôn cất bụi đất lấy từ 136 ngôi làng Bi-ê-lô-rút-xi-a nay chỉ còn là những bãi mồ không còn sống dậy nữa.

Về phần những làng mạc nào bọn phát xít “chỉ giết” dân mà thôi (hàng chục chứ không phải hàng trăm hàng nghìn), những làng “chỉ bị đốt” mà thôi, thì con số lên gần đến 9.000 ở Bi-ê-lô-rút-xi-a.

Khi ta viếng thăm hàng chục làng như Ka-tin, khi ta nghe những người may mắn sống sót kể chuyện, bỗng nhiên ta bắt đầu phân biệt: có làng thì “chỉ bị giết”, có làng thì “chỉ bị đốt”.

Bởi vì Ka-tin “không phải chỉ bị giết”, ở Ka-tin bọn phát xít “có việc làm”, bọn chúng “thí nghiệm”.

Một số báo cáo của bọn thủ lãnh Biệt thám còn lưu trữ, một số được in ra chẳng hạn như trong cuốn Bọn tòng phạm giết người của V.F. Rô-ma-nốp-xki (“Bi-ê-lô-rút-xơ”, Min-xkơ, 1964, bằng ngữ Bi-ê-lô-rút-xơ).

Bọn trùm thủ lãnh các cấp có viết lại những thí nghiệm của chúng: cách nào tốt nhất, êm nhất để giết trọn vẹn hàng làng mạc, nạn nhân thì đối phó ra làm sao (trong những điều kiện nào nhất định), tâm tư bọn đồ tể, những yếu tố nào đáng ghi nhận và cách “làm việc” hay nhất.

Và điều đặc biệt hiển nhiên là “thí nghiệm” đúng nghĩa (một cách ghê khiếp!) khi ta nghe những câu chuyện kể lại của chính các nạn nhân. Đó là những trang bị mà mục tiêu không chỉ là Bi-ê-lô-rút-xi-a, cũng không phải là Liên Xô, mà cũng chẳng phải là những dân tộc Xla-vơ.

Bọn chúng nó chi li trong phương pháp, chuẩn bị những tên “chuyên viên” nhằm “thanh toán dứt điểm”, tiêu diệt toàn bộ một số dân tộc Đông và Tây Âu, và lục địa khác nữa.

Dĩ nhiên đó là công cuộc tiến hành sau khi đã tiêu diệt những đối thủ chính yếu.

Như thế ta hiểu cái “chính sách phía đông” khởi đầu thực hiện như thế nào, cái chính sách của chủ nghĩa na-di này được Hit-le phát lộ ngay từ 1932: “Các miền đất phía đông sẽ trở thành một bãi thí nghiệm khổng lồ nhằm đến sự thiết lập một trật tự mới ở Âu Châu, và tầm mức quan trọng của chính sách phía đông của chúng ta là nằm ở đó”.

Be được chọn trước tiên làm bãi thí nghiệm. Tại sao lại Bi-ê-lô-rút-xi-a chứ? Bọn ngông cuồng cũng có cái lo-gic riêng. Bởi vì, nói riêng, cái miền đất này là đất rừng, đất đầm lầy, theo quan điểm của bọn chúng, không phải là đất “quý báu nhất” về phương diện kinh tế. Cho nên, chính nó là miếng đất cần cải biến thành một “khu đất lưu trữ chủng loại” khổng lồ, người ta sẽ đưa đến đây một số dân tộc trọn vẹn để “cô lập”, để được “giải quyết riêng” (tất cả những thành ngữ nhục mạ một cách lấp liếm này chỉ có một nghĩa là: tiêu diệt, sát hại). Nhiều đoàn xe tải đã lên đường, xuất phát từ Bỉ, Hà Lan… Nhưng trước tiên thì phải “giải quyết riêng” dân Bi-ê-lô-rút-xi-a. Phải nghiên cứu, thấu triệt “kỹ thuật giảm dân” (bọn chúng cũng bịa ra từ này nữa), chuẩn bị “cán bộ”. Trong khi tính toán chúng cũng nhận định rằng dân Bi-ê-lô-rút-xi-a, theo đầu óc của bọn Ro-den-be và Him-le tưởng tượng, chẳng phải là một dân tộc hiếu chiến gì cho lắm, là dân tộc “mềm yếu” nhất của chủng tộc Xla-vơ. Dân tộc này mềm yếu lắm đấy, thế mà sự tính toán kia đành phải bỏ - và những ban tham mưu Đức hoảng hốt đến như thế nào! Hàng trăm ngàn du kích địa phương của Bi-ê-lô-rút-xi-a, trọn vùng này trọn vùng kia do bọn chúng kiểm soát! Gần đến thành phố Cuôc-xkơ là đổ nhào những hy vọng chiến thắng cuối cùng và sau lưng bọn chúng là Bi-ê-lô-rút-xi-a, và không có lấy một con đường sắt nào trưng dụng được, “mặt trận đường ray” đấy!

Trong đầu óc bọn ngông cuồng vẽ ra một nếp ngoằn ngoèo mới, một “lý luận” mới: muốn thi hành cái kế hoạch mật “giảm dân” và “chương trình nghiên cứu” thì phải kiếm cớ dẹp yên du kích.

Quả tình quân du kích địa phương đã làm tê liệt lực lượng địch, cần phải duy trì đường sắt và đường nhựa, cần phải bảo vệ những mục tiêu quân sự.

Giữa lúc ấy nhiều toán đặc biệt được thành lập, chúng nó “làm việc” và viết biên bản. Thu góp kinh nghiệm. Chuẩn bị cán bộ khả dĩ cầm đầu không những hàng trăm mà hàng ngàn hàng vạn Biệt thám, chừng nào đến giờ phút “thanh toán dứt điểm” ở Âu châu. Chúng nó làm thí nghiệm.

Ở vào thế kỷ chúng ta cái chữ “thí nghiệm” càng ngày càng sáng nghĩa hơn thêm bằng một ánh hào quang ảo não. Hi-rô-si-ma, Na-ga-xa-ki cũng là những “thí nghiệm”. Có những hình ảnh thời sự chỉ rõ những mục tiêu ném những quả bom nguyên tử đầu tiên như thế nào.

Tốt hơn thì địa điểm, địa hình phải là …

Nhà cửa phải là…

Dân cư cần có con số là…

Những điều kiện hội đủ ứng hợp với những thành phố (bàn tay cầm bút chì màu lướt trên bản đồ) Hi-rô-si-ma (gạch xéo), Na-ga-xa-ki (gạch xéo)…

May bọn Na-di chưa có được vũ khí tương tự. Chỉ cậy vào những phương tiện bình thường. Và cũng cậy vào bọn Biệt thám, đông hơn một tí, nhiều kinh nghiệm, vì những cuộc sát hại dự trù phải diễn ra trên một quy mô có lẽ quan trọng ngang bằng với quy mô của bọn ngông cuồng nắm giữ nguyên tử: hàng chục hàng trăm triệu mạng người được ghi vào kế hoạch.

Trên con đường đưa đến mục đích “thanh toán dứt điểm” ở Âu châu kia, là xứ sở Bi-ê-lô-rút-xi-a với hàng hàng làng mạc là Bot-ki, Pê-rê-ki-đi, Bơ-rít xa-lo-vit-xi, Ma-ko-vi-ê, Bu-si-nơ, Pac-xa-ka, Ka-pat-xi. Ka-tin… Hơn bốn trăm làng như Ka-tin!

“Thí nghiệm”: “chiến dịch Bot-ki”, “chiến dịch Pê-rê-ki-đi”, “chiến dịch Ma-ko-vi-ê”…

Một cuộc hành quân trong toán diện của nó mang tên khác hơn, không phải là mang tên một ngôi làng không thôi (bọn chúng ít khi chịu giới hạn vào một làng riêng lẻ): hành quân “Sốt rét”, “Sự tích mùa đông”, “Hội xuân”, “Bọ hung”, “Hec-man”, “Ni-ki-ta”, “Diều hâu”, “Cú vọ”, v.v…

Tuy nhiên cuộc hủy diệt ở làng Bót-ki chẳng hạn (huyện Ki-rốp-xkơ), cũng giống như hủy diệt từng làng một trong số 432 làng, là một cuộc hành quân đặc biệt với nhiệm vụ đặc biệt và các bản báo cáo ghi lại cung cách của nạn nhân, cung cách của bọn đồ tể trong những điều kiện nhất định.

Những điều kiện cuộc hành quân Bót-ki là những điều kiện như sau: những cuộc điều động cỡ này chưa hề đem ra thực hiện ở các khu vực lân cận, ngôi làng có cảnh binh riêng, làng thì rất rộng (trên 1.800 dân) và chia làm nhiều thôn v.v…

Trong mỗi làng trong số 432 đó của Bi-ê-lô-rút-xi-a, bọn chúng giết người mỗi cách khác nhau, dùng một “giọng điệu” khác nhau, một “phương pháp” khác nhau: thường thường là chọn lúc “xét giấy tờ”. Bọn chúng lùa mọi người vào nhà để thóc, vào kho, rồi châm lửa (làng Bu-si-nơ, Pac-xa-ka, Ka-pat-xi, Ma-li-nơ); hoặc là, như ở Bót-ki vùng Ki-rốp-xkơ hoặc ở Đại thôn Go-ro-ra, thì đi từng nhà mà giết; hoặc xua dân vào một nhà nào đó rồi chia làm từng toán hay từng gia đình đưa qua một ngôi nhà khác hay đưa ra hầm (Ma-ko-vi-ê, Bót-ki, Xmu-ga, Ko-păng-ka), hoặc nữa, đàn bà được lệnh quay ngổng quay gà, rồi mỗi “thực khách” giết gia đình trong ngôi nhà hắn đang có mặt (Xlo-bo-đa); cách khác nữa, hai ba tên lính đứng trước một ngôi nhà, rồi tới khi có lệnh là đột nhập vào nhà, mỗi tốp vào nhà “mình”, rồi quay tiểu liên hạ sạch (Li-ta-vê); chúng nó ra lệnh cho mọi người đi nhà thờ “cầu nguyện” rồi hô: những ai để con cái lại trong nhà thờ mà đi ra thì được tha (Đo-ri).

Những tên đầu sỏ bọn Biệt thám thảo những tờ biên bản trông gần như rập khuôn, có vẻ “quan liêu”, rõ ràng là chúng không có “lý thuyết”, không được thông báo gì về những kế hoạch dài hạn, nhưng khi thực hành thì thay đổi những “điều kiện nhất định” một cách sáng tạo đáng rùng mình. Ta có thể tự hỏi, căn cứ trên một mô hình nào tương tự như thế kia mà tên trung úy mỹ Co-li (Calley) đã hành động tại Sơn Mỹ.

Vụ thảm sát Sơn Mỹ - Ảnh: Internet


Theo tên lính Pôn Mit-lâu (Paul Midlow):

“Tại đây có đàn ông, đàn bà, trẻ con và trẻ sơ sinh nữa. Chúng tôi gom tất cả lại thành một đồng rồi ra lệnh cho ngồi bệt xuống. Trung úy Co-li đi đến và hỏi chúng tôi có biết phải làm như thế nào đối với đống người ấy không. Tôi đáp là biết. Tôi đinh ninh là canh giữ chứ gì. Trung úy bỏ đi, mười phút sau trở lui và rất ngạc nhiên thấy chưa giết đám người Việt Nam ấy đi. Tôi đáp là tôi hiểu như là lệnh canh chừng họ. Co-li bảo tôi hiểu sai và ông muốn thấy họ chết. Ông giang ra ba bốn thước rồi nổ súng vào đám người. Theo lệnh ông tôi cũng bắn theo. Có lẽ tôi trút hết bốn băng đạn… bắn liên thanh. Đạn lao đi đủ hướng, cho nên khó nói đích xác tôi giết bao nhiêu người. Chúng tôi lùa vòng người sát lại. Khi chỉ còn bảy tám người còn sống, chúng tôi lùa vào một nhà chứa thóc và ném một quả lựu đạn vào. Có người khuyên chôn người nào còn sống sót. Chúng tôi cho họ ra và lùa tới hố. Trong hố đã sẵn chừng 70, 75 người Việt Nam. Trung úy Co-li gọi tôi bảo phải cố làm thêm. Ông vừa lùa người xuống hố vừa bắn. Khi ai nấy rơi xuống hố thì súng nổ liên thanh. Có đủ đàn ông, đàn bà, trẻ con và trẻ sơ sinh nữa… Còn chúng tôi thì vẫn nổ súng loạt này tiếp loạt kia. Có lệnh tiết kiệm đạn dược, chúng tôi thay vì bắn liên thanh quay ra bắn phát một, và bắn thêm hồi nữa”.

Ngày nay những hành động như thế kia lại diễn ra dưới cái bóng đen khổng lồ, đầy hăm dọa của những hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử. Ở đâu đó, trong tận cùng những vọng gác thăm thẳm, đang ẩn núp những Biệt thám ngoại hạng đã có được những mô hình leo thang chiến tranh hạt nhân và mô hình tự sát…

Nếu không có cái kỷ niệm khốc liệt về những ngôi làng như Ka-tin ở Bi-ê-lô-rút-xi-a, thì đâu có những hình ảnh Bu-sen-van và Au-sơ-vich, thế giới vẫn không thể cho mình là đã nếm mùi phát xít, là đã biết cái hiểm họa do phát xít đã và đang giáng nặng trên đầu loài người.

Bửu Ý trích dịch theo bản tiếng Pháp, Tạp chí Tác phẩm và ý kiến, số 146, tháng 2-1971, trang 102-118.

(1/5&6-83)




Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Một hộp đào (25/06/2010)
Con hổ (16/06/2010)
Ở Paris (31/03/2010)
Gelka (24/03/2010)