Truyện dịch
Khách hàng quý nhất
15:16 | 22/10/2010
LTS: Henri Troyat (1-11-1911_4-3-2007) sinh tại Matx-cơ-va, định cư ở Pháp kể từ 1920, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Pháp từ 1959, một trong những cây bút viết khỏe nhất của văn học Pháp hiện đại. Chuyên viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Ngoài ra, nghiên cứu về Đốtx-tôi-ép-xki, Tôn-xtôi, Lét-mông-tốp, Ô-la, Ban-zắc… Truyện ngắn của ông giàu nét dí dỏm, ký họa.
Khách hàng quý nhất
Văn hào Henri Troyat - Ảnh: henritroyat.fr
HENRI TROYAT


Khách hàng quý nhất


Cửa hàng của vợ chồng Ơ-tec-pơ có cái hên là ở cạnh một nghĩa trang tư sản. Màu sơn lục thẫm dễ coi quét kín các khoảng gỗ ở mặt tiền. Phía trên mặt kính bên mặt có ghi một hàng chữ vàng: “Vòng hoa đặt có ngay: cườm, nhựa mềm, nhựa cứng và tráng mạ”; phía trên mặt kính bên trái:

Đi đâu khắp phố khắp phường
Kiếm đâu cho được một vòng hoa tang
Vừa rẻ mà lại vừa sang
Không đâu sánh kịp cửa hàng chúng tôi
”.

Lời lẽ này không phải là vu vơ bắt khách hàng thấy ngay là mình bị gạt đâu. Hai mươi lăm năm nay, vợ chồng Ơ-tec-pơ điều hành cửa tiệm, bao nhiêu kẻ cạnh tranh trong vùng, kẻ trước người sau không còn đứng ra cản mũi nữa. Bước thành công này là sự tấn phong hợp lẽ cho một tài nghệ đáng kể về phương diện buôn bán và thủ công. Luôn luôn lo lắng làm vừa lòng khách về giá cả và chất lượng kiểu hàng bày bán, hai vợ chồng không từ nan trước một cải tiến nào hết trong những cung cách biểu lộ nỗi đời đời tiếc thương. Thật ra, người vợ mới đúng là linh hồn của cửa tiệm. Người đàn bà cao lớn dềnh dàng, khô chắc, miệng lưỡi ấy, lôi cuốn vào công cuộc tất bật của mình một đức ông chồng lục tuần nhỏ thó, thuộc loại tàn úa nhấp nhem. Hễ vợ gọi: Vích-to! Là chồng giật nảy người, như có ai dí súng vào ngực. Và khi nào vợ mân mê tóc chồng là chồng rụt cổ, mặt mày như con rùa chịu trận. Vì không mướn người đứng bán và vì chồng thể chất èo ọp, người vợ lãnh trọn những việc nặng nề: đẩy lên kéo xuống một tấm sắt nặng, nhổ đinh khui mấy thùng gỗ, khuân những tảng đồng và đá vân vừa thở phì phò như người đấu võ. Còn Vích-to là tay xâu cườm vào gọng thau có một không hai. Ông kết những màu buồn thành tươi. Vợ bảo với mấy người lối xóm là ông ta có ngón tay thần.

Minh họa: Phạm Đại


Chiều hôm ấy, gần giờ đóng cửa, giữa lúc bà vợ tính toán sổ sách thì một người lạ mặt, gầy đét, chừng bảy mươi, bước vào tiệm. Vẻ đăm đăm tỏ ra là một khách hàng chín chắn. Muốn cho khách tự nhiên, bà ngọt giọng hỏi:

- Thưa ông cần gì ạ?

Và khách đáp:

- Tôi muốn xem vòng hoa.

Bà nở một nụ cười mời mọc, nói nhỏ:

- Xin ông tự nhiên. Vòng hoa của chúng tôi chờ đợi có thế. Ông nhắm đặt giá khoảng nào?

- Giá cả không quan trọng lắm.

Nghe mấy câu giáo đầu vững bụng, bà đưa khách vào phía bày hàng. Áp sát vào tường, đùn đùn lặng lẽ một núi phao chầu người chết. Vành nguyệt quế kim loại, nụ hồng không rửa, hoa lưu ly không rỉ, dây leo không mục, mọi thứ đều bố cáo sự vững bền cho bao nhiêu niềm đau xót của con người. Giá cả đủ hạng, nỗi lòng đủ bậc. Đó đây những dải màu tím tươi nổi lên giữa đám vòng hoa ủ dột: “Kính dâng mẹ hiền”, “Khóc anh yêu quý”, “Tiễn cha”, “Viếng em thúc bá thân yêu”, “Thương xót cháu cưng”, “Phụng dâng nghĩa tỷ”, “Tiếc thương con rể tri âm”… Bao nỗi buồn riêng gói gọn trong những công thức chung ấy. Cũng ít khi có khách đòi hỏi một câu phân ưu riêng khác để tỏ nỗi lòng tang tóc của mình. Bà Ơ-tec-pơ lên tiếng:

- Ông xem, chúng tôi chọn khá nhiều loại. Cần phải như thế thôi.

Vừa tránh lải nhải quá đáng để khỏi gây thương tâm cho khách hàng mà cũng vừa lưu ý khách đến chất lượng mặt hàng, bà nói năng cao hứng vừa phải, kèm theo vẻ lịch thiệp đượm buồn. Kinh nghiệm cho biết rằng khó làm cho người mua vòng hoa tang quên được một điều là cái may của người bán là nhờ cái rủi của người mua. Bởi giữ lễ, bà làm ra vẻ cảm thông tâm trạng xao xuyến của khách, dè dặt nói:

- Lắm khi những người như ông vì nặng ưu phiền cho nên đắn đo chọn lựa và thôi thì gặp món nào tốt món ấy. Mạn phép khuyên ông…

- Đừng khuyên gì tôi, khách bảo.

Bà Ơ-tec-pơ vẫn không chịu thôi:

- Hoa lưu ly thì nổi rõ xa hơn, còn hoa tím theo cách chúng tôi tết thì đẹp mắt nhờ màu sắc kín đáo của nó. Hoa hồng bằng sành nên đi cho những ai vắn số hay là phụ nữ. Mạo muội hỏi ông họ hàng thế nào với người chết ạ?

Nghe hỏi, khuôn mặt người lạ co rúm lại biểu lộ nỗi đau thương hằn lên da thịt. Mắt im sững. Môi chu lại giữa hai đường nhăn hiện rõ. Ông thở dài thườn thượt hỏi nhỏ:

- Họ hàng thế nào?

- Phải, bà chủ tiệm đáp. Đàn ông hay đàn bà?

- Đàn ông.

- Là thế nào đối với ông?

Khách hất hàm và ánh mắt đi thẳng vào giữa trán người đàn bà như một vòi nước lạnh.

- Tính tò mò của bà lạ thật.

Người đàn bà ấp úng:

- Không phải tò mò đâu ạ. Tôi buộc lòng dò hỏi để biết ông, cần vòng hoa điếu tang cho em họ, hay cụ thân sinh, hay là em út…

Khách khoát tay ngăn tràng kể lể thảm sầu kia rồi bảo:

- Tôi muốn mỗi thứ một cái.

- Ông bảo sao? Bà Ơ-tec-pơ nghèn nghẹn buột miệng.

Khách gắt giọng:

- Mỗi thứ một cái. Nhưng những cái nào dành cho đàn ông mà thôi. Bà hiểu ý tôi chứ?

Bà chủ nuốt nước bọt đáp:

- Vâng ạ. Như thế nghĩa là: một cái cho cha, cái cho anh, cái cho con, cái cho cháu…

Khách nôn nao vớt lời:

- Cái cho chú nữa, thêm một cái cho anh họ, một cho bạn, với một cái cho bạn đồng nghiệp, một cho khách trọ, với một cái cho ông nhạc, với một cho con rể! Đủ hết!

Mắt khách sáng rực lên một vẻ tự đắc bất chính. Gò má đỏ ửng. Con người này điên chăng, hay một kẻ trở chứng, hay là mê tín nhập nhằng…

Bà chủ không dưng đâm hoảng, tháo lui phía quầy hàng gọi:

- Vích-to!... Vích-to!...

Nhưng ông chồng ở phía sau nhà không nghe. Nhân vật dị thường lên tiếng:

- Thế nào, bà quyết định phục vụ cho khách không đấy?

Bà chủ dè chừng:

- Ông không chờ được đến mai sao?

- Không, tôi có việc gấp. Gấp lắm. Tôi có gọi xe ta-xi để chuyên chở tất cả. Bà từ chối thì tôi đi hỏi cửa hàng khác vậy!

Trong khi khách nói, một sự dằng co thê thảm choán hết suy nghĩ của người đàn bà. Bà có quyền khước từ cái lộc bán lô hàng này vì cung cách quái dị của khách chăng? Một con người dị thường cỡ này không đủ sức bạo hành nếu bà nhất quyết cản ngăn hay sao?

Khách bảo:

- Thế nào? Tôi chờ.

- Vâng, tôi chiều ý ông, bà đáp.

Sợ mướt mồ hôi, bà đi lấy vòng hoa, từng cái một, và đưa ra để vào xe. Cả một gia đình đông đủ chồng chất trên ghế sau của xe hơi. Cha gối lên rể, con trai đè cháu trai. Dù đã làm quen với những nghi thức tang tế, cái tang tập thể này vẫn không khỏi làm bà Ơ-tec-pơ rung động. Một ý nghĩ thoáng lóe lên trong đầu, bà vọt miệng:

- Tôi hiểu rồi, bao nhiêu đàn ông trong gia đình của ông thiệt mạng trong một tai nạn!

- Đúng như vậy, người lạ mặt đáp. Nhưng bà nhanh tay cho. Xếp cái vòng hoa ông chủ ngay ngắn hơn một tí. Đấy! Tôi ngồi bên tay lái…

Khách ngẫm nghĩ một lát rồi nói thêm:

- Cho tôi một cái cho ông nội.

- Ông cũng mất luôn ông nội?

- Tôi đã bảo mà lại!

- Gần trăm tuổi.

Hiểu ra, bà chủ đưa một vòng hoa dành cho ông nội và mẫu giấy tính tiền cho khách. Khách không thêm bớt, trả tiền đầy đủ. Lên xe, ập cửa và đưa tay lên vành mũ chào. Xe rồ máy. Đứng như trời trồng bên lề đường, bà Ơ-tec-pơ trông theo bao nhiêu tiêu chứng cho một nỗi đau thương, ngoại lệ bay biến về một phương trời nào không rõ.

Trở vào, bà trông thấy Vích-to ở nhà sau bước lên đưa tay ngập ngừng cái quần. Bà dóng dả:

- Vích-to!

Chồng giật mình, chớp mắt:

- Cái gì đấy, bà?

Thế là bà thuật lại đầu đuôi. Nghe xong. Vích-to cau mày lầu bầu.

- Khiếp thế!

- Có gì đâu? Tôi cho là người ta mất sạch đàn ông trong nhà trong một tai nạn rồi thì…

Vích-to ngắt ngang, giọng gắt:

- Bà tin thế sao, bà tin có tai nạn như thế sao?

- Không hẳn, bà vợ đáp. Nghĩ cho cùng, tôi cũng chẳng tin. Nhưng ông giỏi thì giải thích coi! Hay biết đâu là người trong nghề đến mua đủ hàng cho cửa tiệm của họ?

- Mà lại trả tiền nguyên giá ư? Vích-to vặn lại. Đâu có chuyện! Không đòi bớt tiền, mà cũng chẳng thêm hàng. Không phải đâu. Lẽ ra không nên để cho bà coi cửa tiệm một mình. Người khách này nó bệnh.

- Bệnh?

- Một con người đi mua hoa để tang cho cả loạt đàn ông trong nhà nếu không bệnh thì là gì bây giờ. Không biết chừng y rấp ranh giết sạch, người này đến người kia, hay là tất cả một lượt, sắp tới đây. Rồi hàng của mình sẽ có mặt nơi an táng nạn nhân. Kinh thế chứ! Bằng mọi giá phải ngăn ngừa vụ giết tập thể này mới được. Gấp gấp. Bà có hỏi tên, hỏi địa chỉ không?

- Quên hỏi mất.

- Có ghi số xe không?

- Không nốt.

Vích-to tặc lưỡi bất bình:

- Hỏng! Phải nói cho Xi-mông nó biết. Cho nó góp ý.

Xi-mông, cháu của vợ chồng Ơ-tec-pơ làm cảnh sát. Ngay tối hôm đó, Vích-to gọi gã đến để trình bày tự sự. Cả ba ngồi trong phòng ăn phía sau cửa hàng, trước mặt là chai rượu ma-la-ga kèm theo chai rum cất lứa trước. Xi-mông uống rum, còn vợ chồng uống ma-la-ga. Nghe ông cậu thuật câu chuyện, viên cảnh sát vốn có óc chủ lý trầm ngâm một mình. Sau một hồi lâu, gã lắc đầu quyết rằng trường hợp này không bình thường nhưng theo gã biết thì không có điều luật nào ngăn cấm một con người mua nhiều vòng hoa tang. Hành vi này, vì không mang tính phạm pháp nào nên không thể tống đạt truy nã, đối với kẻ lạ mặt cũng thế.

Bà vợ la hoảng:

- Nhưng trường hợp này ta biết chắc cái thứ người này mua bao nhiêu vòng hoa là nhằm giết nhiều người một lúc kia mà!

Xi-mông đĩnh đạc thở ra, bảo:

- Ta sẽ bắt y chừng nào tội ác đã vi phạm và được ghi nhận. Thế thôi.

Khổ thân bà tốn công khẳng quyết với cháu rằng là cả tá nhân mạng hiện đang lâm nguy vì tắc trách của công lực, Xi-mông bình thân như vại cố thủ đàng sau những điều lệ, dốc chai rượu, quẹt râu mép rồi cáo từ cậu mợ vừa tấm tắc khen rượu rum ngon.

Vẻ bình thản không lay chuyển nổi của viên cảnh sát cuối cùng làm cho Vích-to yên bụng, ông tuyên bố rủ sạch trách nhiệm vì chỉ cần một người vận đồng phục đại diện cho trật tự khuyên nên bỏ qua sự vụ là đủ. Bà vợ, trái lại vốn giống như đa số đàn bà ít chịu nghe pháp lý, trải qua một đêm ngủ trằn trọc. Trong khi chồng nằm cạnh, mồm máy động theo tiếng ngáy chung chăn chung gối nhẹ nhàng, thì vợ đăm đăm nhìn vào bóng đêm lờ nhờ bằng con mắt mở to vì nỗi khắc khoải của những con người nhìn thấu suốt. Cái bản mặt của người khách hàng hằn lên võng mô của bà một cách rõ nét nhức nhối. Bà nhớ những chi tiết nhỏ nhặt trên khuôn mặt và áo xống của khách. Và, trong nét mặt cũng như cách ăn mặc, bà nhận ra những dấu hiệu thương luân bại lý. Nghe lời bóng tối và im lặng mách bảo, bà tưởng tượng ra một trường thảm sát gia đình thực thụ. Dễ thường ngay giờ phút này, con người mua cả ôm hoa tang kia đang cất bước từ phòng này sang phòng nọ, rón rén trên đầu ngón chân, đưa tay bóp cổ trẻ con trong nôi, phênh ruột ông nội ông ngoại râu trắng như bông, cắt chân chặt tay chú bác cháu chắt bằng từng nhát dao cạo, đập vỡ sọ một thằng em đang thiêm thiếp, ngắt cổ ông cha không đề phòng, băm vằm đứa cháu trai, thiến đứt thằng rể, vừa cười ha hả vừa dẫm bì bạch giữa đống não và máu tung tóe.

Sáng hôm sau, bà đi mua một xấp báo chí, chắc mẫm sẽ tìm thấy ngay trang đầu cái tin thảm sát hàng loạt mà bà tiên liệu. Nhưng giở hết các trang báo từ bài xã luận đến rao vặt vẫn không thấy đâu, các tờ báo chỉ đăng những vụ tự sát không có tầm vóc và những vụ giết người tập tễnh xoàng xỉnh. E cái con người đốn mạt kia vẫn chưa ra tay rửa hận. Y chờ cái đã. Y sắp xếp mọi sự cho êm trôi về phía mình. Bà tự cam kết sẽ không xao nhãng dò la và, thật vậy, suốt nhiều tháng trường, nhật báo ra ban mai cũng như nhật báo ra ban chiều không có nổi độc giả nữ nào trung kiên và mê say đến thế.

Gần một năm trôi qua mà con người mua hàng bí mật kia vẫn không thi thố hành động giết người của y. Đã từ lâu, bà không mời chồng can dự vào âu lo của mình. Bà lại còn vờ cười ra tiếng, trước mặt Vích-to, khi gợi lại cơn sợ hãi trước đây của mình. Nhưng bà âm thầm đinh ninh rằng thảm kịch sẽ nổ ra giữa thanh thiên bạch nhật đúng vào lúc người ta ít dè hơn cả.

Một ngày thứ sáu, buổi chiều tối, trong khi Vích-to bận rộn giao hàng đặt lấy gấp, bà ngậm chiếc kẹo chanh, trùm lên tóc một vuông khăn rua màu mỡ gà và ngồi ra trước cửa hàng hóng gió mát. Ngồi yên chỗ chưa đầy năm phút, bà bỗng thoáng thấy, trên lề đường đối diện, cái con người quỷ dữ ấy, ăn vận toàn đen, bước đi sát sạt hông tường. Một cái nhói người khủng khiếp làm nhộn nhạo dạ dày bà. Không nghĩ ngợi, bà vụt đứng lên, băng qua lòng đường và theo gót người lạ. Người này vô tình tiến bước dáng dấp ngập ngừng. Đôi vai so, hai tay đong đưa bên hông, y nhìn bên trái, bên phải, như một công dân vô tội. Nhưng bà không dễ bị trò kịch cỡm này lừa phỉnh đâu. Bà tự hào đã tìm ra tung tích tên khốn khiếp, bất chấp ông chồng lừng khừng với thêm một thằng cháu không biết tưởng tượng. Dù cuộc theo dõi phải kéo dài, bà sẽ không rời tên này nửa bước. Ra sao thì ra, bà sẽ buộc hắn ta thú nhận dã tâm của hắn. Bà đang hình dung phải xáp mặt hắn ngay giữa đường phố, thì người lạ bỗng dừng bước trước một khách sạn có vẻ bề ngoài tồi tàn rồi giở mũ ra bước vào cầu thang. Bà cũng bước vào. Người kia bước lên cầu thang, cứ mỗi bậc lại thở hắt. Bà nhất nhất bước theo, giữ khoảng cách. Y tiến vào một lối hành lang. Và bà nấp vào hóc tường theo dõi từ xa. Đến lúc bà thấy y đưa tay ra mở cửa bà vọt ra nạt lớn:

- Đứng lại!

Y phỏng người ở bực cửa, mắt ngớ ra, mồm mở hoác. Bà lấy giọng ra lệnh, bảo:

- Để tôi vào!

Rồi không đợi trả lời, bà lách mình vào phòng. Gian phòng này xoàng xỉnh, căng giấy hoa màu tím nhạt, kèm một chiếc giường đồng và một nơi rửa ráy ẩn sau một tấm bình phong tre đan. Tựa vào vách, lũ lượt theo một trật tự âm binh là những chiếc vòng hoa điếu tặng bao nhiêu người trên, kẻ dưới với họ hàng nam. Nhìn lướt một cái, bà Ơ-tec-pơ nghiệm thấy không thiếu vắng món nào giữa đống âm trang ấy. Bà đến đúng lúc. Nhịp thở đắc thắng làm phồng mũi người đàn bà. Người lạ đóng cửa lại, ngập ngừng hỏi:

- Thưa bà cần gì? Tôi không quen bà.

- Tôi thì lại quen ông, bà dùng giọng thẩm vấn đáp. Ông tên gì?

- Tôi là Mô-rít-xơ Ba-lo-tanh!

- Tình trạng gia đình thế nào?

- Độc thân.

- Bao nhiêu tuổi?

- Bảy mươi… Nhưng bà lấy quyền gì hỏi tôi như vậy?

Mô-rít-xơ Ba-lo-tanh đứng thẳng người trước mặt bà khách. Thịt trên khuôn mặt trễ xuống, xám mà nhão. Bọc quanh chiếc mũi lưỡi dao. Đôi mắt buồn ướt nước mắt. Bàn tay trái run run đặt lên chéo áo. Mặc, bà Ơ-tec-pơ, vì có đọc truyện, các tác giả lớn, biết rằng có nhiều người già, dưới vẻ bên ngoài bệ rạc, tiềm tàng một sức mạnh và sức dẻo dai như hùm. Ý thức cái thế nguy hiểm, bà nhìn bám chặt vào mấy ngón tay người đối thoại. Đến khi người đàn ông bước một bước ra cửa, bà thét:

- Đứng im!

- Ô hay, nhà tôi kia mà, tôi có quyền…

- Ông không có quyền gì hết. Ông theo lệnh tôi. Chính tôi là người bán vòng hoa cho ông!

Nghe mấy lời này, người đàn ông đưa hai tay che mặt mình và khẽ quỵ gối xuống. Tin chắc đánh đúng tim đen, bà tiếp:

- Đúng thế. Lúc ấy tôi không hiểu nguyên do mua hàng loạt của ông. Nhưng tôi vỡ lẽ ra ngay. Ông là một con người thương luân bại lý. Ông suy tính một sự thanh toán như thế nào đó phương hại những người thân thuộc. Cảnh sát đã được báo động…

- Báo cảnh sát? Người đàn ông lẩm nhẩm.

Ông ngồi xuống ghế. Bà chủ tiệm vẫn không nom thấy mặt ông. Nhưng bà nghe ông khóc. Và tiếng râm ri này khiến bà dễ chịu.

Giữa hai tiếng khóc, người đàn ông nói:

- Lẽ ra đừng báo cảnh sát. Tôi đâu có dự tính tội lỗi gì. Tôi thề với bà như thế…

Bà cười nhạt, bảo:

- Tôi muốn tin ông lắm chứ, nhưng nếu thế thì giải thích cho tôi rõ ông dùng những vòng hoa do tôi bán vào việc gì?

Người đàn ông ngẩng đầu lên và khuôn mặt già nua hiện ra, nhăn nheo, ướt đẫm, như miếng giẻ thấm nước mưa. Đôi môi mấp máy trên lớp răng đã vàng. Ông nói không rõ tiếng:

- Chuyện này… chuyện này là chuyện dấu kín… Nhưng tôi sẽ nói hết cho bà… Nó thế này… Tôi đã già… Bị bệnh tim… Bác sĩ lắc đầu… Còn vài tháng, vài ngày không biết chừng… Nói tóm lại, tôi nghĩ luôn luôn đến cái chết của mình, đến ngày xuống đất. Nhưng tôi trơ trụi một mình. Không họ hàng. Không bạn bè. Không ai hết. Đúng như thế… Bà thử tưởng một chiếc xe tang đi trong đường phố, không người đưa tiễn, không có bó hoa, vô danh, trần trụi, lẻ loi. Để tránh cho mình đoạn cuối đời não lòng đó, tôi nghĩ cách tạo cho mình cả một vòng họ hàng. Tôi mua bao nhiêu vòng hoa với những dải hoa viết lên nỗi đau đớn điếu tang tôi là một kẻ làm cha, ông, làm anh, con trai, chú, anh họ, rể, chồng, bạn… tôi đã sẵn sàng mặc vào mình bấy nhiêu thương cảm ngụy tạo ra đó. Tôi quàng vào mình mớ ràng buộc đông đảo ấy. Kể từ đó, lòng tôi yên ổn hơn. Tôi cảm thấy mình được đùm bọc, thương yêu. Ấm áp trong lòng. Tôi có cảm tưởng thiên hạ sẽ thương tiếc mình thật…

Nghẹn ngào xúc động. Bà Ơ-tec-pơ nhìn lại người đàn ông mà bà đã ngờ là tên giết người mà kỳ thật là một nhà thơ của gia đình. Ông nói thêm vừa đủ máy môi:

- Chắc hẳn tôi có vẻ kỳ quái đối với bà… xin lỗi.

- Chính tôi là người xin lỗi ông, bà nói nhỏ.

Bà nắm lấy bàn tay người đàn ông, bóp chắt, bóp nghiến trong mấy ngón tay lực lưỡng của mình. Sau đó, hai người nhìn thẳng vào mắt nhau, nhìn thăm thẳm, rồi bà Ơ-tec-pơ cao giọng:

- Mời ông đến nhà dùng bữa tối mai. Chúng ta sẽ quen biết nhau hơn.

Thế là Mô-rít-xơ Ba-lo-tanh trở nên người bạn hiền số một của vợ chồng Ơ-tec-pơ. Nhưng rồi vài tháng sau, ông chết, đúng như tiên liệu. Tang lễ ông khiến khách qua đường trố mắt.

Đàng sau xe tang, chỉ có hai người sánh bước, là vợ chồng Ơ-tec-pơ. Nhưng xe quan bị phủ lấp dưới một núi hình ảnh phúng điếu làm bằng cườm bằng lá đồng thau, bằng cánh hoa nhựa. Những tua dải tím nói lên nỗi bi thương của một đám người đông đúc thủy chung. Và, nổi bật lên cả lùm tuyệt vọng ấy, nghễu nghện một vòng hoa to tướng do vợ chồng Ơ-tec-pơ phúng điếu với hàng chữ đơn sơ màu vàng viết lên tấm dải: “Thương tiếc người khách hàng quý nhất của chúng tôi”.

(Bửu Ý dịch truyện Le meilleur Client của Henri Troyat)
(6/4-84)





Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Trên bờ sông (15/09/2010)
Một hộp đào (25/06/2010)