Truyện dịch
Ông Tương Đối
09:02 | 04/05/2011
LGT: Hồ Thích là nhà văn, học giả lớn của Trung Quốc. Truyện cực ngắn này đã rạch đôi hai nền văn minh với hai lối sống, hai cách tư duy. Với nền văn minh nông nghiệp, xã hội tiểu nông, mọi thứ chỉ cần tương đối. Đem lối sống, cách tư duy ấy sang nền văn minh đại công nghiệp thì trật khớp hết, và… chết.
Ông Tương Đối
Học giả Hồ Thích - Ảnh: bee.net.vn
HỒ THÍCH


Bạn có biết người nổi tiếng nhất Trung Quốc là ai không?

Ông họ Tương tên Đối, có họ với cả làng, xã, huyện, tỉnh. Chắc chắn bạn đã từng gặp, từng nghe. Tên của ông Tương Đối ngày nào chả treo ở cửa miệng mọi người, bởi vì ông là đại biểu toàn quốc của cả nước Trung Quốc. Tướng mạo của ông cũng tương đối giống như tôi và bạn. Ông có hai con mắt, nhưng nhìn rất mập mờ; có hai tai, nhưng nghe rất bập bõm; có mũi, có mồm, nhưng ngửi và nếm không thật rõ mùi và vị. Đầu óc cũng không đến nỗi bé, nhưng sức nhớ thì không thật rõ ràng chính xác, còn suy nghĩ tư tưởng thì chỉ đại khái. Ông thường nói: “Phàm mọi việc chỉ cần đại khái, tương đối, là được. Hà tất cứ phải quá tinh xác rõ ràng?”.

Hồi nhỏ, mẹ sai ông đi mua đường đỏ, ông lại mua đường trắng về, mẹ mắng, ông ngúc ngoắc đầu: “Thì đường trắng cũng là tương đối đúng là đường rồi!” Hồi đi học, thầy hỏi: “Phía Tây của tỉnh Trực Lệ là tỉnh nào?” Đáp, đó là Thiểm Tây. Thầy bảo: “Sai rồi, đó là tỉnh Sơn Tây!” Ông thưa: “Thì Thiểm Tây với Sơn Tây cũng tương đối không khác nhau mấy?” Sau này làm cho một cửa hàng tiền tệ, ông biết ghi chép, biết tính toán, nhưng vẫn không biết làm cho chính xác. Số 10 thì ông viết thành 1.000 và 1.000 thì ông viết thành 10. “Thì số 1.000 so với số 10 cũng chỉ là hơn có 2 số 0 vô nghĩa. Thế cũng là tương đối chả khác nhau mấy”.

Minh họa: Thái Ngọc Thảo Nguyên


Một hôm có việc gấp phải đi Thượng Hải. Ông cứ lững thững đi theo đám đông ra ga, chậm mất 2 phút, tàu hoả chạy mất. Ông lắc đầu nói: “Thì mai đi, nay so với mai thì cũng tương đối như nhau. Thật máy móc, 8giờ30 chạy với 8giờ32 phút chạy chả phải là cũng tương đối chẳng khác nhau mấy?” Vừa đi về nhà, ông vừa lẩm bẩm. Không rõ vì sao tàu hoả lại không chịu chờ ông lấy 2 phút đồng hồ.

Lần ấy, đột nhiên bị bệnh nặng, ông vội bảo người nhà đến phố Đông mời bác sĩ Uông. Không tìm được thầy Uông, đành đến phố Tây tìm thầy Vương là bác sĩ thú y. Ông Tương Đối biết là nhầm thầy, nhưng bệnh đã nguy kịch, không thể chờ được nữa, ông nghĩ bụng: “Thì bác sĩ Uông với bác sĩ Vương cũng đại khái tương đối như nhau, cứ để cho ông ta thử”. Thế là ông Vương bác sĩ thú y chuyên chữa trâu, đến trước giường bệnh, dùng phương pháp chữa trâu để chữa cho ông. Gần một giờ sau thì vận mệnh quý ngài Tương Đối đến hồi… ô hô.

Lúc hấp hối, ông Tương Đối phều phào nói: “Người sống với người chết cũng đại khái chỉ là tương đối. Phàm mọi việc trên đời, chỉ cần tương đối là được rồi… Nhớ kĩ điều đó chưa?” Nói xong, ông liền tắt thở.

Sau khi ông chết, mọi người đều rất ca ngợi ông quả là người biết nhìn rõ, nghĩ sâu. Mọi người đều nói suốt đời ông chả cần tỉ mỉ, chả cần tính sổ, chả cần so bì, ông thật là một người đức hạnh. Thế là người ta bèn tìm cho ông một cái pháp hiệu sau khi chết, gọi ông là vị Đại sư Tròn Trịa.

Vũ Quốc Huệ dịch
(266/4-11)




Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Một vụ án (18/03/2011)
Đêm giao thừa (18/02/2011)
Tuyết tan (04/01/2011)
Suối cá hồi (23/11/2010)