[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
VALENTIN RASPUTIN
Ruy-đôn-phi-ô
Lần gặp nhau đầu tiên là trên tàu điện. Cô đụng vào vai anh và anh mở choàng mắt ra. Cô chỉ tay về phía cửa rồi bảo anh:
- Anh đến rồi đó.
Tàu điện đã dừng lại, anh len lỏi tìm lối ra, anh đi theo cô và nhảy xuống đất. Một cô bé mới mười lăm hay mười sáu tuổi, còn trẻ con, anh liền nghĩ về cô như thế; cô ngẩng về phía anh, đôi mắt mở to rồi khép lại trên khuôn mặt tròn, chờ đợi một lời cám ơn.
- Cám ơn cô, anh nói. Tôi suýt nữa đi quá trạm đỗ này đó.
Cảm thấy điều đó chưa đủ, anh nói thêm:
- Hôm nay loạn quá trời. Tôi mệt chết được. Tôi sắp chờ một cú điện thoại vào lúc tám giờ đó. Cô đã giúp tôi một việc rất tuyệt.
Cô hình như rất vui về câu nói của anh. Họ lao qua đường, vừa liếc nhìn qua khóe mắt chiếc xe đang trờ tới đầy đe dọa. Qua tuyết, anh nhận ra những chiếc gạt nước qua lại. Khi tuyết rơi mềm và mịn nõn như tơ thế này, tưởng như ai đó đang vặt những chiếc lông chim trắng thả rơi từ trên cao xuống trong các câu chuyện thần tiên và người ta không còn cảm thấy thích về nhà nữa. “Mình đợi cú điện thoại đó và mình sẽ ra khỏi nhà tức khắc”. Anh vừa nhủ thầm, vừa quay về phía cô, định tìm một điều gì để nói, sự im lặng đang trở nên khó chịu. Tất nhiên, anh tuyệt không có một chút ý nghĩ nào về những lý do có thể hay không thể bắt chuyện với cô, anh mãi bận trí kiếm tìm như thế, thì cô bảo anh:
- Em biết anh đó.
Ủa, vậy há! Anh ngạc nhiên. Cô làm sao biết tài thế?
- Anh ở nhà 112, còn em ở nhà 114. Ta đi cùng độ hai chuyến tàu điện mỗi tuần mà. Đúng là anh chẳng bao giờ chịu để ý đến em, thế đó.
- Hay thật đấy.
- Chẳng hay gì hết trọi. Người lớn các anh chỉ chịu để ý đến người lớn thôi. Đúng thế không nào?
Cô nghẹo đầu qua phải và nhìn anh từ phía trái, ngó từ dưới lên. Anh cười nhỏ, không đáp, chẳng biết phải ứng phó với cô ra sao đây.
Họ đi lặng yên một lúc, cô nhìn thẳng một điểm nào đó trong không trung phía trước mặt, rồi cái nhìn vẫn mãi đăm đăm như thế, cô thốt lên như người ta làm biên bản:
- Anh cho biết tên đi?
- Cô nghĩ là cần phải biết tên lắm ư?
- Đương nhiên rồi. Sao không nhỉ? Anh cứ làm bộ tưởng như sau này em hỏi tên một ai là em phải có những ý định nào đó.
- Thôi nào, anh nói, tôi đã hiểu rồi mà. Tôi tên là Ruy-đôn-ph nếu cô cần biết.
Cô phì cười.
- Tên gì lạ thế?
Cô cười đẹp tuyệt, anh để ý lúc dừng lại và chăm chăm nhìn cô lúc đi sát bên.
- Ruy-đôn-ph! Cô chúm môi và lại phá ra một tràng cười dòn dã. Ruy-đôn-ph! Em tưởng đúng ra là tên một con voi trong sở thú.
- Gì, gì hử?
- Anh đừng giận. Cô đụng vào tay áo anh. Quả là kỳ cục thật, kỳ cục quá trời. Anh muốn em có thể làm gì, nếu tức cười thế.
- Cô là một cô bé con, anh phật ý gầm lên. Cô mấy tuổi?
- Mười sáu.
- Còn tôi hai tám.
Cô lại cười vừa nhìn anh mãi từ phía trái ngó dưới lên bỡn cợt.
- Còn cô, cô tên gì?
- Em ư? Em tên I-ô.
- Gì hử? Gì hử?
- I-ô.
Thế là sự trả thù bắt đầu. Anh đứng đủ mọi tư thế đung đưa người từ trước ra sau. Mỗi lần nhìn cô, anh lại cười phá lên rung cả người, càng lúc anh càng cười tợn.
Cô chờ đợi, mắt mơ màng, lơ đãng nhìn cảnh vật; khi anh thôi cười, cô ỉu xìu hỏi:
- Anh thấy tên em kỳ cục ư? Trái hẳn lại, chẳng có gì đáng giễu cợt đến thế. Một cái tên như mọi cái tên khác, thế thôi.
- Cho xin lỗi nghe, anh mỉm cười nghiêng mình về phía cô. Tôi chẳng biết cái gì khiến tôi làm vậy. Thôi chúng ta chia tay đi. Đồng ý nghe.
Cô gật đầu.
Nhà của I-ô tới trước nhà của Ruy-đôn-ph. Đứng lại trước nhà mình, cô hỏi:
- Điện thoại anh số mấy?
- Cô không nên biết làm gì.
- À hà! Anh sợ ư!
- Không phải vấn đề đó.
- Người lớn thường sợ đủ thứ.
Cô rút một chiếc bao tay ra rồi đưa cho anh bàn tay nhỏ nhắn, lạnh cóng và có vẻ như cam chịu. Anh xiết chặt tay cô.
- Thôi, I-ô, nhanh nhanh vào nhà đi. Và anh còn cười.
Trước khi mở cửa, cô đứng lại.
- Từ nay về sau anh nhận ra em trên tàu điện chứ?
- Ừ, đương nhiên rồi. Khỏe mạnh nghe.
Hai hôm sau anh đi về phương bắc, một chuyến đi công chuyện nghề nghiệp mà anh chỉ phải trở về mười lăm hôm sau đó. Về tới nơi, anh đã hít thở thấy mùi hương sực nức rộn ràng và vui tươi của mùa xuân đang tới gần thành phố, thành phố đã trục xiết được làn hơi tàn mơ hồ và yếu ớt cuối đông. Sau những làn sương mù phương bắc, giờ đối với anh mọi vật như sáng rỡ lên, mọi âm thanh nghe rõ hơn ngay cả tiếng tàu điện.
Khi anh vừa tới ngưỡng cửa, vợ anh liền cho anh hay ngay lập tức.
- Có một con bé ngày ngày cứ gọi điện đến cho anh đó.
- Con bé ư? Bé nào nhỉ? Anh hỏi vẻ dửng dưng và mệt mỏi.
- Tôi không biết gì cả. Tôi tưởng anh phải biết chứ. Con bé ấy làm tôi phát ngấy lên, thôi tôi ớn rồi.
Hay thật, anh nói thầm với một nụ cười gượng gạo.
Anh đang ở trong phòng tắm thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Qua cánh cửa đóng, anh lắng nghe tiếng vợ anh: vâng anh ấy đang có nhà, đang tắm, chút nữa nhớ gọi nghe. Anh sắp đi ngủ thì chuông điện thoại lại vang lên.
- Vâng, anh nói.
- Chào anh Ruy-đích, anh trở về rồi à! Tiếng nói trong điện thoại đầy vui sướng.
- Xin chào, anh trả lời một cách thận trọng. Tôi đang có vinh dự nói chuyện với ai đó…
- Anh không nhận ra em ư? Tội thật! Em đấy, I-ô đây.
Anh nhớ lại và bật cười.
- Chào I-ô. Cô đã tìm ra một cái tên khác để gọi hay hơn tên kia à.
- Vậy ư. Anh thích tên đó không?
- Tôi được gọi thế khi trạc tuổi em ấy.
- Thôi nào, đừng làm bộ quan trọng nữa.
- Sao không. Định kiếm chuyện gì đó.
Yên lặng, không đợi được nữa, anh hỏi:
- I-ô này, có chuyện gì thế?
- Ruy-đích, cái bà kia… có đúng là vợ anh không?
Đúng phóc.
- Sao anh không nói với em là anh đã có vợ rồi.
- Xin lỗi nghe, anh đáp với một giọng đùa cợt, tôi chẳng biết điều đó quan trọng đến thế.
- Sao không quan trọng. Nhấn mạnh anh có yêu bà ấy không?
- Yêu. Nghe đây nào, I-ô hãy dễ thương đi, thôi đừng gọi nữa nhé.
- H.ế.t - h.ơ.i.
- Anh đừng bực mình thế, chẳng có gì mà cô phát từng âm tách biệt như thể đang hát. Hãy sống với bà ấy nếu anh ưa như vậy. Em cũng mặc. Nhưng mà “đừng gọi nữa nhé”, sao không, chẳng có gì cả mà. Mà giả dụ em có việc cần thì sao?
- Việc gì thế? Anh vừa nói vừa mỉm cười.
- Bài toán này nghe! Đây này… đây này…
Cuối cùng cô tìm ra.
- Bơm nước từ một bể này sang một bể khác, em không tìm được cách giải bài toán này ghi ở trong cuốn toán nào? Như vậy được phép gọi điện chứ nếu không… còn bà ấy, anh đừng sợ, bà ta một mà ta lại hai.
- Em nói ai đấy?
- Về vợ anh đấy…
- Thôi chào I-ô.
- Anh mệt à?
- Mệt.
- Nào, bắt chân nghe, anh đi ngủ đi. Đừng hở ra một lời với kẻ khác đấy. Đừng nói với cả vợ anh nghe.
- Ừ, anh vừa nói vừa mỉm cười. Tôi sẽ câm như hến đấy.
Còn mãi mỉm cười, anh quay sang vợ.
- I-ô đấy, anh giải thích, tên con bé gọi thế. Con bé vui nhỉ, phải không nào?
- Hình như thế, vợ anh đáp cảnh giác.
- Con bé đang vật lộn với bài toán có hai cái bể.
- Anh giúp nó giải à?
- Không, anh thú nhận, tôi quên hoàn toàn rồi. Hai cái bể quả là một vấn đề phức tạp.
Sáng sớm hôm sau, chuông điện thoại bắt đầu réo lên ầm ĩ ngay từ lúc những tia sáng bình minh mới bắt đầu. Nói cho đúng ra cũng chưa có tia sáng nào cả, thành phố mới mơ hết giấc mơ cuối cùng trước khi bình minh đến. Vừa thức giấc, Ruy-đôn-ph nhìn căn nhà đối diện: không một cánh cửa sổ nào sáng điện, chỉ có những chiếc lòng cầu thang máy đang sáng rỡ lên như những chiếc kèn ac-mô-ni-ca mạ kền chiếu ra những chùm tia sáng ngời ngời từ bốn mặt thẳng đứng. Điện thoại réo lên dữ hơn. Vừa nhắc máy, Ruy-đôn-ph vừa ngó đồng hồ. Mới năm rưỡi.
- Tôi nghe đây. Anh càu nhàu.
- Ruy-đích, Ruy-đích…
Anh nổi giận.
- I-ô, chà, quá thể! Trời ơi, biết làm sao đây!
- Cô cắt ngang lời anh.
- Ruy-đích, nghe này, em cũng chẳng muốn thế đâu, anh biết em sắp nói cái gì đây không?
- Cái gì mới được chứ? Anh hỏi, cảm thấy cơn giận qua đi.
- Ruy-đích, anh không còn là Ruy-đích nữa, anh là Ruy-đôn-phi-ô, cô tuyên bố một cách trang nghiêm, Ruy-đôn-phi-ô! Phi thường không nào? Em vừa mới nghĩ ra tức thì đó. Ruy-đôn-ph và I-ô thành ra Ruy-đôn-phi-ô, như tên những người Ý ấy mà. Anh nhắc lại đi.
- Ruy-đôn-phi-ô. Một lần nữa, giận dữ và tuyệt vọng hòa lẫn trong giọng nói của anh.
- Tốt. Từ rày về sau anh và em cùng có một tên. Ta không tách rời nhau, Ruy-đôn-phi-ô chính là anh. Ruy-đôn-phi-ô cũng là em đó.
- Này, anh đáp, vừa đang lấy lại bình tĩnh, cô không tìm được giờ nào thích hợp hơn để đặt tên mới cho tôi sao?
- Sao, anh không hiểu gì hết cả à? Em không thể đợi được, phải gọi đúng lúc anh thức dậy bằng mọi cách. Nghe em kỹ điều này đây, Ruy-đôn-phi-ô: bảy giờ rưỡi em sẽ chờ tại trạm đổ tàu điện đó nghe.
- Sáng nay tôi không tới được đâu.
- Sao thế?
- Tôi được nghỉ phép một ngày.
- Cái gì hở?
- Một ngày nghỉ đặc biệt thêm vào những ngày nghỉ khác tôi không đi làm.
- Ứ, cô nói, thế còn em thì sao?
- Tôi chẳng biết nữa. Đi học đi. Điều quan hệ ấy mà.
- Thế còn vợ anh thì sao? Bà ấy cũng được nghỉ phép à?
- Không.
- À! Cũng tốt thôi. Anh đừng quên nghe, ta cùng có tên Ruy-đôn-phi-ô đó.
- Cô thấy, tôi đang mê nó đây.
Anh móc điện thoại và bắt đầu đi pha trà, vừa đi vừa càu nhàu và rủa thầm. Mọi cách, giờ chẳng có vấn đề ngủ lại. Ở nhà đối diện, ba cửa sổ đã sáng đèn.
Giữa trưa, có tiếng ai gõ cửa. Anh đang bận lau sàn nhà, lúc mở cửa anh còn đang cầm cái giẻ ướt. Trong đầu anh chẳng có ý tưởng vứt bỏ nó.
Chính là cô ta.
- Chào anh Ruy-đôn-phi-ô.
- Cô đấy ư! Anh ngạc nhiên. Ngọn gió lành nào vậy?
- Em cũng được nghỉ một ngày.
Khuôn mặt cô trông giống một nữ thánh, chẳng có bóng một chút gì gọi là tiếc nuối hay ngượng ngùng.
- À! Thế đó, anh đáp một cách nghiêm nghị. Chuồn học thì có. Thôi, vào đi, trong lúc cô ở đây, tôi còn bận một chút nữa, không lâu đâu.
Không cởi áo khoác ngoài ra, cô tới ngồi nơi bệ cửa sổ và bắt đầu quan sát anh đang chùm hum đưa đi đưa lại cái giẻ sũng nước.
- Ruy-đôn-phi-ô, em thấy hình như anh có vẻ chẳng hạnh phúc gì trong cuộc sống vợ chồng đó. Cô tuyên bố sau một lúc đã nhìn anh làm.
Anh đứng lên.
- Sao lại nghĩ kỳ quặc thế hở?
- Thấy thì biết ngay. Sàn nhà này, anh chẳng có thích thú gì lau nó cả. Ở những vợ chồng hạnh phúc, khác thế.
- Đừng tìm bão nữa, anh vừa nói vừa mỉm cười. Tốt hơn là cô nên cởi áo khoác ra đi.
- Em sợ anh, cô vừa nói vừa nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Sao! Nói gì thế hở?
- Anh, dù sao cũng là đàn ông.
- Đừng nói thế. Anh bắt đầu cười. Dẫu sao cô cũng đang ở đây. Cô muốn vậy mà.
- Ấy là… Anh em ta cùng tên Ruy-đôn-phi-ô mà.
- Không chối, anh khẳng định. Tôi thì quen luôn đó. Dĩ nhiên, bổn phận bắt buộc tôi mới nhớ đó.
Cô lặng thinh. Cô đứng yên lặng nghe anh đang loảng xoảng với cái xô rỗng trong bếp. Khi anh về lại phòng, chiếc áo khoác của I-ô đã được treo nơi thành ghế; khuôn mặt cô bé có vẻ đang mơ mộng và buồn buồn. Đột nhiên, cô thú nhận:
- Em mới khóc sáng nay anh Ruy-đôn-phi-ô à.
- Sao thế?
- Chị em mới làm cho em một trận về vụ nghỉ này đây.
- Tôi tưởng chị ấy có lý đấy.
- Không, Ruy-đôn-phi-ô à, không, còn lâu mới vậy.
Cô rời ghế bành và tới đứng nơi cửa sổ.
- Nghỉ một lần, thì được mà. Sao anh không hiểu gì hết ư? Anh biết đó, cuối cùng, em hạnh phúc biết dường nào khi được nói chuyện với anh.
Cô lại im lặng và anh nhìn cô chăm chú. Vú cô mới nhú, hai chiếc tổ chim nhỏ bé, hơi nhô lên sau chiếc “coóc-xê” của cái áo “rốp”. Một năm nữa, anh tự nhủ, những đường nét của cô vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nhưng chúng sẽ trở nên tinh tế hơn, sẽ đẹp hơn, và tim anh nhói lên cái ý nghĩ một ngày kia cô cũng có một anh chàng người yêu. Anh tiến lại gần cô, đặt hai tay lên vai cô, vừa nói vừa mỉm cười.
- Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp thôi.
- Tốt chứ, Ruy-đôn-phi-ô à.
- Ừ, tốt.
- Em tin anh, cô nói.
Anh làm ra vẻ xa cô ra, nhưng cô gọi anh lại:
- Ruy-đôn-phi-ô, sao anh lại kết hôn sớm thế? Hai năm nữa, anh và em, chúng ta lấy nhau có hay hơn không.
- Em cũng chẳng nên vội gì. Dù sao chăng nữa, em cũng sẽ lấy được một chàng trai tử tế, một chàng trai tuổi em ấy.
- Không đâu, em muốn điều đó với anh thôi.
- Cái chàng ấy sẽ tốt hơn nhiều.
- Anh nghĩ thế à, cô nói bằng một giọng chậm rãi, nặng chĩu cả ngờ vực. Có thật anh tin như vậy ư?
- Tốt hơn cả nghìn lần. Vậy đó.
- Nhưng hắn không phải anh mà.
Cô thốt ra một tiếng thở dài vụng dại, một tiếng thở dài trẻ thơ.
- Uống trà nghe, cái đó tốt hơn, anh đề nghị.
Anh đi vào nhà bếp và đặt ấm lên bếp lò.
- Ruy-đôn-phi-ô à.
Cô xem xét những cuốn sách được sắp xếp nơi những tầng của kệ sách.
- Ruy-đôn-phi-ô à, ta có một cái tên đẹp hơn tất cả đấy. Này, ngay cả những nhà văn cũng chẳng có tên đẹp hơn.
Yên lặng một lúc, cô nói tiếp:
- Có lẽ trừ tên này, Xanh E-xuy-pê-ry. Tên đẹp thật anh há?
- Có lẽ vậy, anh nói. Cô chưa đọc ư? Muốn mượn không nào? Chỉ thế này thôi: lần tới đừng “nghỉ học” nữa. Được không nào?
Cô đã mặc áo khoác vào.
- Còn uống trà nữa chứ. Anh nhắc.
- Ruy-đôn-phi-ô à, tốt hơn là em nên chuồn khỏi đây, anh há? Nụ cười của cô u hoài - Nhất là đừng nói với vợ anh là em đến đó nghe Ruy-đôn-phi-ô.
- Ừ, hứa.
Khi cô đã đi khỏi, anh cảm thấy trong anh một nỗi trống không, ngập đầy một nỗi buồn khó tả mà anh mới vừa khám phá ra lập tức, trước đây ít lâu có chẳng tồn tại trong vạn vật, quanh anh. Anh mặc áo khoác vào và đi ra đường.
Mùa xuân đến đột ngột hầu như không báo trước. Trong một vài ngày, sự tốt lành và nhân hậu lại phục quyền, với vẻ tài tình của những hiền nhân minh tuệ, những giấc mơ điềm lành tiên báo cho mọi người hạnh phúc và tình yêu, mọi người họ tưởng như thấy được ở đó cái thời kỳ chuyển tiếp giữa đợi chờ và khát vọng sẽ thỏa nguyện.
Một chiều kia, khi Ruy-đôn-ph trở về nhà thì một phụ nữ trung niên tiến lại gần anh.
- Tôi là mẹ I-ô, bà bắt đầu. Xin lỗi, nếu tôi không lầm, cậu là Ruy-đôn-phi-ô à?
- Dạ, đúng thế, anh đáp. Và anh mỉm cười.
- Tôi biết cậu qua con gái tôi. Ít lâu nay, em nói nhiều về cậu nên tôi …
Bà bối rối và anh hiểu là bà dò hỏi anh điều mà bà muốn biết với tư cách bà mẹ.
- Bác yên tâm đi, Ruy-đôn-ph nói. I-ô và cháu, chúng cháu là bạn rất tốt của nhau. Bác chẳng có gì mà sợ cả.
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên rồi, bà lúng túng ngượng nghịu. Mà I-ô con bé nó cứng đầu, nó hơi chế nhạo tất cả chúng tôi. Bây giờ nếu cậu nhận là người ảnh hưởng tới nó… Vì vậy, tôi lo lắm; tới tuổi nó, cậu cứ nghĩ mà xem, nó có thể làm những chuyện bậy bạ. Và vì vậy, điều làm tôi băn khoăn chính là nó chẳng có bạn, ở trường cũng không, trạc trang lứa của nó cũng không.
- Đúng là bậy thật.
- Tôi tin cậu. Đối với tôi, ảnh hưởng của cậu…
- Cháu sẽ nói với cô ấy, anh hứa. Cháu thì cháu nghĩ rằng I-ô là một cô gái tốt, bác lo như vậy là vô lý. Cháu sẽ nói với cô ấy. Mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Anh quyết định gọi điện cho cô ngay lập tức, không chần chừ, chừng nào vợ anh còn chưa về.
- Anh Ruy-đôn-phi-ô đó ư! Anh cảm thấy cô đang vui thích. Anh gọi điện cho em thật là tốt. Ruy-đôn-phi-ô, anh tuyệt lắm! Còn em, em đang khóc đây.
- Khóc nhiều quá, luật cấm đấy.
- Lỗi tại “cậu hoàng tử bé” đấy. Em thương hoàng tử quá! Nói cho em biết đi, có thật hoàng tử đến trái đất mình không?
- Tôi có ấn tượng là hoàng tử đến thật đấy.
- Em cũng vậy. Vậy mà chúng ta chẳng ai biết điều đó cả. Khủng khiếp thật và nếu không có Xanh E-xuy-pê-ry thì chúng ta chẳng bao giờ biết gì cả. Chẳng thế mà ông ấy cũng có một cái tên đẹp như chúng ta.
- Đúng vậy.
- Em cũng ước rằng tốt hơn cả là cậu hoàng tử bé vẫn mãi là hoàng tử bé. Nếu không, sau này cậu ta hoàn toàn tầm thường thì sao nhỉ? Em lạnh người, lúc đó chẳng còn gì mà nghĩ nữa. Đã có quá nhiều người trong chúng ta như thế rồi.
- Cái đó còn phải bàn nghe.
- Không đúng à. Em biết rõ quá mà.
- Cô đã đọc “Đất xứ quê người” chưa?
- Em đọc hết rồi, Ruy-đôn-phi-ô à. Em nghĩ rằng Xanh E-xuy-pê-ry là một nhà văn rất thông thái. Thông thái kinh khủng. Mà cũng tốt bụng nữa. Anh nhớ chứ. Bắc sau cùng đã chuộc tự do, người ta cho anh ấy tiền, thế mà anh ấy đem tiêu hết để mua những đôi giày vàng cho trẻ con, và anh ấy chẳng còn gì nữa cả.
- Đúng thế, anh nói. Và Bon-na-phu nữa, em nhớ lại đi, hắn ăn cướp ăn bóc của những người Ả-rập, vậy mà họ lại vừa yêu vừa ghét hắn cùng một lúc mới chết chứ.
- Tại vì sa mạc mà không có hắn thì chẳng còn là sa mạc nữa. Chính hắn vừa làm cho sa mạc nguy hiểm mà lại vừa lãng mạn.
- Cô là một cô gái tốt, anh nói, cô hiểu hết mọi việc.
- Anh Ruy-đôn-phi-ô à…
- Tôi nghe đây, anh đáp.
Cô vẫn lặng yên.
- Ruy-đôn-phi-ô, anh nói, đột nhiên anh cảm động lạ lùng, em đến đây ngay nhé, anh đang ở một mình.
Cô đến nơi ghế bành, cô nhìn quanh quất, thận trọng rồi ngồi xuống.
- Có chuyện gì vậy em? Anh lo lắng.
- Có thật là mụ ấy đi vắng không?
- Vợ anh hả?
- Vâng.
- Đi vắng thật.
- Đồ làm bộ làm tịch.
- Sao?
- Mụ ấy đấy, đồ làm bộ ta đây.
- Từ ấy em đào đâu ra vậy?
- Trong tiếng Nga vĩ đại. Chỉ có từ ấy mới thích hợp với mụ ta.
- Nói thế, I-ô à… là nói quá lắm đấy.
- Gọi em là Ruy-đôn-phi-ô! lúc nãy gọi điện thoại, em chẳng ra gì trước mụ.
Anh biết mụ nói gì với em không? Mụ bảo em, nếu cô còn hỏi chuyện mấy cái bể nước, thì cô tới mà hỏi ông thầy của cô đấy. Chắc mụ ghen đấy.
- Anh không tin.
- Ruy-đôn-phi-ô, có phải mụ đẹp thua em không? Vóc hình em còn chưa trưởng thành, em nhận đấy. Nhưng em còn có cả thời gian trước mắt.
- Anh mỉm cười và gật đầu.
- À! Anh thấy được hở? Vậy theo em, anh nên ly dị đi, đúng lúc đấy.
- Đừng nói bậy bạ, anh cắt ngang. Tôi quá dễ dãi với em rồi đó.
- Vì yêu phải không?
- Không, vì tình bạn thôi.
Cô im lặng, cảm thấy bị tổn thương; tuy nhiên, anh có cảm giác rằng sự câm lặng ấy chắc sẽ không kéo dài lâu.
- Bà ta tên gì?
- Kla-va.
- Dào, giống sợi dây thừng đeo vào cổ ấy!
Sau cùng, anh nổi giận:
- Em im đi!
Cô đứng dậy, nhắm mắt một lát và thình lình cô nói:
- Ruy-đôn-phi-ô, em khùng quá, tha lỗi cho em đi, em không muốn…
- Nhưng mà đừng khóc đấy, anh nói thêm, làm bộ như răn đe. Cô xa ra và đi về phía cửa sổ.
- Ruy-đôn-phi-ô à, sau cùng cô nói, ta hãy ký kết một giao kèo đi. Em chẳng tới nhà anh nữa và chẳng nói gì nữa về chuyện em vừa nói. Đồng ý nghe.
- Tùy ý.
- Tạm biệt nghe. Câu đó cũng được nói qua điện thoại đấy.
Cô đi khỏi.
Năm phút sau, điện thoại reo vang.
- Tạm biệt nghe, Ruy-đôn-phi-ô.
- Tạm biệt.
Anh chờ đợi. Cô đã bỏ máy xuống.
Những lần gọi điện đã ngưng. Từ khá lâu, anh không gặp lại cô; một lần nữa, anh lại đi xa và chỉ trở về vào tháng năm, khi ánh trời tốt lành lửng lơ giữa đôi mùa xuân Hạ, cuối cùng đã lệch hẳn về phía mùa hạ. Anh ngập đầu trong công việc; nhớ tới I-ô, anh do dự, tự nhủ: mai mình sẽ nói: mốt mình sẽ… Cuộc chuyện trò vẫn còn khất mãi.
Sau đó một thời gian, họ tình cờ gặp nhau vẫn trên tàu điện. Khi anh thấy cô anh vội chen đến cô, sợ cô biến mất; thực thế, cô vẫn có thể xuống ở một điểm đỗ khác với điểm đỗ thường xuống lắm. Tuy thế, cô vẫn còn đó và anh cảm thấy một niềm vui có lẽ lớn hơn cái niềm vui nếu quan hệ giữa hai người chỉ thuần là tình bạn.
- Chào I-ô, anh vừa nói vừa chạm vào vai cô.
Cô quay lại, sững sờ, trong một giây lát, trông cô có vẻ bối rối mà mừng rỡ, cô lắc đầu.
- Ruy-đôn-phi-ô, chứ không phải là I-ô, vẫn như trước kia, cô chữa… Ta vẫn là một mà, phải không?
- Đương nhiên rồi, Ruy-đôn-phi-ô à.
- Anh vừa mới đi xa à?
- Úi chà.
Em đã gọi điện cho anh, anh không có nhà.
- Anh vừa mới trở về đúng một tuần.
Tàu điện đầy nghẹt, xô lấn không ngừng. Họ phải đứng sát nhau, đầu cô chạm vào cằm anh, khi cô ngẩng mặt lên và khi anh cúi xuống để lắng nghe cô cho rõ hơn, mắt anh phải ngoảnh đi chỗ khác, gần quá nên thật lúng túng.
- Ruy-đôn-phi-ô, anh có muốn em nói với anh một chuyện này không?
- Muốn chứ.
Cô lại ngước mắt lên sát gần mắt anh khiến anh muốn nhắm mắt lại.
- Thiếu anh, em cô đơn quá, Ruy-đôn-phi-ô ạ.
- Cô bé ngốc nghếch đáng thương ơi, anh nói.
- Em biết. Cô thở dài. Nhưng nói thật, em không nghĩ thế đối với bọn con trai; em chẳng muốn thế, có lẽ mãi mãi, cả một thế kỷ cũng vậy!
Tàu điện dừng lại, họ bước xuống.
- Anh về với Kla-va của anh à? Cô hỏi.
- Không, ta đi dạo đi, được chứ?
Họ quay về phía bờ sông, hướng tới một giải đất trống và bước ra ngoài các lối đi, nơi có niềm hạnh phúc bé nhỏ của vận may, họ nhảy qua các mô đất, bụi bờ, những đống đá thấp; anh nắm tay cô, giúp cô vượt qua.
Cô không nói gì cả. Điều đó không giống lệ thường, dẫu sao cô cũng chẳng nói gì cả, và anh cảm thấy cô cũng xúc động như chính anh, một nỗi bối rối xao xuyến mãnh liệt, một nỗi rung động sâu xa, nổi loạn chống với mọi quyền lực.
Từ trên bờ dốc cao, tay vẫn trong tay, họ nhìn ra dòng sông, nhìn ra khoảng không gian xa xôi phía trước, rồi lại nhìn dòng sông.
- Anh Ruy-đôn-phi-ô à, cô nói. Em chưa bao giờ được hôn cả.
Anh cúi xuống và hôn lên má cô.
- Không, lên môi cơ, cô yêu cầu.
Đau đớn như một kẻ tuẫn tiết, anh ấp úng:
- Chỉ có những người rất thân mới hôn như thế.
- Còn em, không phải rất thân ư?!
Cô run rẩy, anh sợ. Ngay sau đó, anh nhận ra trong chớp nhoáng, vâng, nhận ra ngay tức khắc mà chẳng hề cảm thấy, cô vừa giáng một cái tát thật thực, một cái tát đích đáng trước khi phóng chạy hết tốc lực ngược xuống phía dưới kia, nơi từ đó họ đi đến, qua khoảng đất, qua những mô đất, bụi bờ, ngược trở lại con đường của nỗi xao xuyến và khát khao đợi chờ của cô.
Anh đứng đó, bất động, không dám gọi cô, không dám phóng mình đuổi theo cô. Anh đứng thế một lúc lâu.
Hôm sau, ngày chủ nhật, mẹ cô bé gọi điện cho anh từ rất sớm.
- Xin lỗi, chắc tôi vừa mới thức anh dậy…
Giọng bà ngập ngừng, lẩy bẩy.
- Cháu nghe bác đây.
- I-ô đi đâu suốt đêm.
Anh còn có thể trả lời ra sao? Anh lặng thinh.
- Tôi thật tuyệt vọng, tôi chẳng biết làm gì nữa, đây là lần đầu…
- Trước hết, bác bình tĩnh cái đã, anh nói. Cô ấy hẳn ở lại đêm ở nhà bạn gái. Nếu hai giờ nữa, cô vẫn chưa về, thì chúng ta sẽ đi tìm. Mà bác cứ bình tĩnh đi, hai giờ nữa cháu sẽ gọi lại.
Anh đặt ống nghe xuống, nghĩ ngợi, tự nhủ: mày cũng thế, hãy bình tĩnh đi, cô phải ở nhà người bạn gái, hẳn phải thế. Nhưng thay vì được trấn an, anh lại cảm thấy một cơn rùng mình ngây sốt. Để trấn tĩnh, anh đi vào căn bếp phụ để đồ đạc, ở đó anh vừa lục lọi những cuốn sách giáo khoa cũ, vừa huýt sáo. Cuốn toán đại số đã lâu anh không biết ở đâu, việc kiếm tìm nó làm cho anh hơi khuây khỏa.
Như một con thú nhỏ rình chờ, điện thoại vẫn im bặt, Ruy-đôn-phi-ô khép cửa bếp lại đằng sau và lật từng trang cuốn sách toán. Nó đây rồi: nếu người ta bơm nước từ bể này sang bể khác trong hai giờ liên tiếp …
Chuông điện thoại vang lên.
- Em nó mới vừa trở về.
Mẹ I-ô chẳng thể nén mình được nữa, bật khóc. Anh lắng nghe, đờ người thẳng đuột.
- Làm ơn đến ngay chỗ chúng tôi.
Bà lại nức nở, rồi nói thêm:
- Có chuyện gì bất hạnh xảy ra đối với em.
Không đợi xin phép, anh tự tiện cởi chiếc áo khoác, mẹ I-ô không nói không rằng, chỉ ra hiệu cho anh phòng của con gái mình.
Ngồi trên giường, chân xếp lại dưới người, I-ô nhìn đăm đăm một điểm phía trước, ở phía những cửa kính, đưa người lắc lư từ sau ra trước.
- Ruy-đôn-phi-ô, anh gọi.
Cô quay lại phía anh, nhưng chẳng nói chẳng rằng.
- Ruy-đôn-phi-ô!
- Ôi! Cô buột miệng, một vẻ nhăn nhó, ghê tởm chạy dài trên nét môi cô. Anh chẳng còn là Ruy-đôn-phi-ô nữa, mà là Ruy-đôn-ph, một Ruy-đôn-ph hoàn toàn tầm thường như bất cứ ai, tầm thường như mọi người hiểu không!
Một cú choáng khủng khiếp đến nỗi toàn thân anh đau đớn; dẫu sao anh vẫn cố nán lại, anh đi đến cửa sổ và ngồi xuống trên bệ cửa.
Cô vẫn đung đưa người, nhìn về phía trước như không thấy anh. Những chiếc lò xo giường cô khe khẽ rít.
- Thôi được, cuối cùng anh chấp nhận. Nhưng ít ra cô cũng nói cho tôi biết cô đi đâu chứ?
- Xuống địa ngục, cô nói không quay lại, giọng chán nản. Thôi, đi đi.
Anh lắc đầu, lấy áo khoác. Không để ý đến những câu hỏi câm lặng của mẹ cô gái, anh đi xuống cầu thang, đi thẳng xuống địa ngục. Chủ nhật chỉ mới bắt đầu, đường còn thưa người, chẳng ai có ý níu anh lại. Anh đi qua khoảng đất trống, đi nhanh xuống bờ sông; một ý nghĩ đột nhiên băng qua tâm trí anh: anh phải đi xa như thế ư?
HOÀNG KIM THƯ dịch
(Theo bản dịch tiếng Pháp của Guennadi Bobrinski, Spoutnik số đặc biệt dành cho Festival tháng 7-1985).
(15/10-85)