KURT KUSENBERG Áo xống của Rê-jin Ga-xpa không thuộc loại người kiếm ra nhiều tiền, nhưng có lợi tức. Anh còn có thể dành dụm ít nhiều, giá như người chị của anh đừng có thỉnh thoảng chọc vào quỹ tiết kiệm của anh. Người chị này, một trang tuyệt sắc, không ngừng hứa hôn mà chẳng kết hôn. Có thể là vì, phút cuối, bao kẻ rấp ranh ngần ngại lấy làm của riêng cho mình cái sắc đẹp dạt dào thế kia. Rê-jin để ra ba hôm, ít khi nhiều hơn, để nhỏ nước mắt cho đấng lỡ làng; kế đó, chị gạt nước mắt và đi tìm một anh chàng khác. Giữa lúc đó, chị nghĩ nhiều nhất đến bao nhiêu phương cách sắm sanh ăn mặc. Xuất hiện một mối nào mới là lập tức những ước ao của Rê-jin phồng lớn lên không lường nổi; cái gì mình đã có chẳng có nghĩa lý gì so với những gì mình hãy còn thiếu. Thế là Ga-xpa phải móc túi và, nếu chưa đủ, anh chỉ còn nước phải bán một món đồ đạc. Chúng tôi quen biết Ga-xpa nhằm vào cái phút anh ngắm nghía các thứ trong gian nhà khả dĩ đem về cho anh một món tiền. Hầu như anh không còn gì trong tay, bởi lẽ hơn một lời hứa cưới đã sa sẩy, và mỗi một lời như thế lại làm anh nghèo đi một nấc. Nhưng làm thế nào được? Anh cứ phải can thiệp để góp áo xống cho Rê-jin và, một lần nữa, một vị hôn phu nào đó sốt ruột chờ đợi để có thể rước giai nhân về nhà mình. Đưa mắt rảo xem tàng vật lưa thưa, Ga-xpa nhận ra rằng chuyến này mình phải chia tay với chiếc đồng hồ treo. Khổ tâm thật, vì chiếc đồng hồ được coi như có giá lắm. Phải nói rằng, trên lớp thùng bảo vệ máy, chễm chệ một con chim sắc màu rực rỡ khi nào báo giờ thì vừa hót vừa đập cánh. Nó báo giờ không phải bao giờ cũng đúng nhưng kẻ sành sõi thì hiểu rành rọt những gì con chim hót muốn ngấm ngầm diễn đạt. Như thế là chiếc đồng hồ phải đem đi bán vì lòng yêu Rê-jin. Không ai ngạc nhiên khi hay rằng chiếc đồng hồ, vì gắn bó với Ga-xpa y như Ga-xpa với nó, cho nên nó rắp tâm tự vệ. Ngay khi đã quyết định bán, Ga-xpa kinh ngạc để ý rằng chiếc đồng hồ càng lúc càng trở nên nhạt nét và trong suốt đến độ tia mắt anh hoàn toàn không gắn được. Anh ôm chầm lấy nó. Không nghi ngờ vào đâu được, nó rành rành ra đó và ngoan ngoãn để cho người sờ nắn, nhưng người hết nhìn thấy nó. Ga-xpa có toan tính nhẹ lời dỗ dành nó cũng bằng thừa. Nó thừa hiểu khó lòng đem bán một món hàng tàng hình và nó không nhượng bộ. Dĩ nhiên nó có thể buộc anh làm theo ý nó, giá như anh chưa nghe tin có một ông tên là Ti-ét định mua một chiếc đồng hồ treo có chim hót. Dẫu cực lòng phải gạ gẫm một món đồ vật khiếm khuyết một cách tai hại dường này, anh không chọn lựa gì khác hơn, bởi đám cưới Rê-jin ngày một gần. Tỉnh khô trước tiếng cười của thiên hạ ngoài đường nom thấy anh ôm một vật tưởng tượng, anh đi đến nhà ông Ti-ét, leo bốn tầng lầu và đứng trước tấm biển một cánh cửa đúng phóc địa điểm anh muốn đến. Anh xiết chiếc đồng hồ vào ngực như thể vĩnh biệt nó rồi bấm chuông. Bước chân tiến gần ra, cửa mở và một người đàn ông to lớn dị thường, râu màu hung, xuất hiện trước mặt anh. Ông là ông Ti-ét, Ga-xpa hỏi. - Phải, anh cần gì? - Tôi nghe ông muốn mua đồng hồ, đồng hồ có chim hót, vừa hót vừa báo giờ. - Đúng như thế, tôi có ý định như thế thật. Đồng hồ đâu rồi? - Tôi mang theo đây. Tiếc rằng tôi không đưa ra cho ông thấy được. Rủi là mấy hôm nay nó biến ra vô hình. - Không hề gì, con người khổng lồ thân mật bảo. Tôi lại thích hơn là khác, vì vật vô hình để đâu cũng tốt. Mời anh vào, để xem ta có thể ngả giá được không”. Ga-xpa theo chân người đàn ông râu hung vào một gian nhà bày biện tiện nghi và chứa đủ thứ đồ vật dị kỳ. Ngồi xong, ông Ti-ét động tính hiếu kỳ, chúi người hỏi: “Xem nào, xin anh trao nó cho tôi”. Ga-xpa ngại ngùng nhận lời. Ông Ti-ét cân nhắc món đồ vật tàng hình và hạ giọng: “Nó đây”. kế đó, ông nhắm mắt và sờ nắn chi ly chiếc đồng hồ. Sự khảo sát có vẻ khiến ông vừa ý; ông mỉm cười, chúi đầu về trước, cuối cùng nói: “Hoàn toàn giống y chiếc đồng hồ của tôi, trăm phần trăm chiếc ấy. Anh nên biết rằng quả tình tôi đã có một chiếc như thế này và chính vì thế mà tôi cố tậu cho được chiếc thứ hai. Kia kìa, nó đấy”. Ga-xpa theo dõi bàn tay nhấc lên và bắt gặp một chiếc đồng hồ trên cái tủ thấp nó giống chiếc của anh đến độ thoạt trông anh ngỡ là chính nó. Chưa chi tim anh đã đập dồn hơn, đã muốn lao mình tới vồ lấy vật yêu quý - vừa gặp lúc ông Ti-ét trịnh trọng đặt đồng hồ tàng hình lên bàn và nói tiếp: “Tôi cũng bị rủi ro, số là từ lâu con chim hót của tôi nó bặt tiếng. Tôi mặc sức dỗ dành nó bằng thích: nó không báo giờ nữa, nó õng ẹo, im hơi lặng tiếng. Anh thấy đấy, chiếc câm tiếng với chiếc tàng hình bổ túc cho nhau là tuyệt hảo, không có kỳ ngộ nào hơn. Anh ra giá bao nhiêu cho cái chiếc song sinh này?” Dù là phải chuẩn bị nghe câu hỏi vừa rồi, Ga-xpa vẫn thấy nó đặc biệt không nhằm lúc. Anh đang suy tính thì con chim bật ra và báo ba giờ chiều. Anh coi đó là dấu hiệu dự ứng, nói: “Theo tôi thì nó đáng giá 300 mác. - 300 mác? Ông Ti-ét nhắc lại. Không phải là vô lý lắm, có điều là bỏ ra ngần ấy tiền thì thấy nhiều. Thật tình tôi ngóng một số tiền không cao đến thế”. Ga-xpa nghĩ đến chị và chau mày. Ông nghĩ giá bao nhiêu? - 20 mác, là vì anh muốn rõ. Nhưng tôi không thích mặc cả, hạ mình làm cái việc đổi chác ti tiện. Đâu vào đó: ba trăm mác, không thêm không bớt. - Hãy khoan, Ga-xpa vừa nói vừa chìa tay ra trước mặt ông Ti-ét, nhưng ông này không đáp lại cử chỉ mời mọc. Ông nhìn chăm chăm anh, nói trong họng: - 300 mác, một món tiền lớn. Anh định làm gì với nó? Ga-xpa ngồi không yên chỗ: Tôi cần vì chị tôi muốn lấy chồng và trang phục chưa đủ. - Chị anh đẹp không? - Đẹp vô cùng, chị là người phụ nữ đẹp nhất theo tôi biết. - Đáng tiếc, ông Ti-ét bảo. Không phải đáng tiếc vì đẹp, mà vì chị đi lấy một người khác. Thật tình tôi cũng kiếm tìm một người đàn bà đẹp. - Ai cũng thế cả, Ga-xpa đáp. Sắc đẹp cuốn hút đàn ông. - Đã hẳn, đã hẳn. Người trần mắt thịt quả nhiên ao ước ít hơn. Nhưng với tôi thì không: tôi quyết lấy vợ đẹp. Chị của anh không chừng đúng là người cho tôi. - Biết thế nào là thế nào? Chính ông cũng không biết chiếc đồng hồ nó có giống như cái ý niệm của ông về nó hay không. Phút này đồng hồ nó vô hình giống như số tiền 300 mác mà tôi đang chờ. Ông Ti-ét thót người: “Anh đừng nói tới tiền khi trí tưởng của tôi hướng về người chị của anh. Anh nên cho tôi biết chị có thật sự nghĩ đứng đắn đến chuyện lấy chồng không đã. - Thật sự nghĩ đứng đắn?” Nãy giờ Ga-xpa đã muốn mình đang đi trên đường về: “Tôi muốn tin là như vậy lắm - nhưng ai biết được lòng người? Thường ta vẫn nghe nói đến những hôn lễ dở dang”. Một hồi chuông the thé cắt ngang câu chuyện. Người đàn ông khổng lồ đứng lên đi ra cửa. Ga-xpa kinh ngạc biết bao khi nghe ra giọng của Rê-jin ở bên ngoài, Rê-jin đang nóng nảy muốn biết em có mặt đó hay không! Lát sau, chị bước vào, nối gót theo là ông Ti-ét đang nhìn theo, tràn đầy ngưỡng vọng. Đôi má người thiếu nữ đẫm đầy nước mắt, nhưng sắc đẹp không vì thế mà suy tổn. Đang khóc Rê-jin sà vào đôi tay em, rên rĩ: “Hết rồi, Ga-xpa, lần này hết nữa rồi. Nó bỏ rơi chị, vì thiếu can đảm và chị chạy lại đây ngăn em đặt vào tay người lạ chiếc đồng hồ gia sản cưng quý nhất của em”. Trong khi Ga-xpa siết người đàn bà đau khổ và vỗ về rối rít thì mắt anh nhìn chằm chặp vào chỗ đặt chiếc đồng hồ tàng hình. Và ngay lúc đó ta có thể trông thấy rằng chiếc đồng hồ quái ác đang lấy lại hy vọng, vì mỗi lúc một trở nên hiển hiện. Giống như mũi tên chỉ hướng gió trên nhà thờ còn phủ sương, con chim hót nhìn về phía chủ nó. Ông Ti-ét góp lời: “Tất nhiên là tôi rút lại cái quyền mua của mình. Làm sao tôi có thể có ý nghĩ làm cho một phụ nữ đẹp như thế này vốn đã khổ lại khổ thêm?” Rê-jin buông Ga-xpa ra và nhìn con người khổng lồ bằng đôi mắt ướt: “Ông đúng là một con người thật tốt bụng. Phải chỉ có cách gì cảm ơn ông? - Tôi biết cách, ông Ti-ét nói nhỏ. - Cảm ơn thế nào ạ? - Bằng cách cho tôi được phép cầu hôn cô. Rê-jin làm như thể không nghe. Chị thấm những vệt nước mắt cuối cùng trên mặt, tươi tỉnh trở lại và nhích bước trong gian phòng. - Ở đây thật xinh xắn, thưa ông. - Nhưng tôi trơ trọi, trơ trọi lắm. Người đàn ông đáp. Người thiếu nữ dừng bước đứng trước chiếc đồng hồ bặt tiếng: “Ông làm mất lòng con chim hót vốn là người bạn trung thành chung sống với ông. - Một người bạn lặng lẽ chẳng có giá trị bao nhiêu. Từ ngày con vật bé mọn mất giọng, tôi không còn có dịp nghe âm thanh lạ nào. Rê-jin mỉm cười quay lại chiếc đồng hồ của Ga-xpa lúc bấy giờ trở lại hoàn toàn nguyên hình: “Tôi may mắn hơn ông. Tôi mà lấy chồng thì em tôi sẽ tặng tôi chiếc đồng hồ có con chim hót thật hay. Phải thế không, Ga-xpa?” Kẻ vừa được nhắc tên hí hửng lên tiếng: “Đúng thế. Nói cho ngay, đồng hồ này đã là của chị, vì tiền bán ra đã nhắm cho chị. Chị sử dụng nó lúc nào tùy thích”. Có một quãng im lặng ngắn, ông Ti-ét lợi dụng để trình bày ý kiến, ông nhìn chăm vào Rê-jin hỏi: - Cô định chừng nào lấy chồng? - Lúc nào tìm ra con người đúng theo tôi nghĩ. - Thế cái gì khiến cô không tin là tôi chẳng phải người đó? - Là vì tôi có biết ông gì đâu. - Nhưng tôi thì tự biết mình và tôi nghĩ là có thể trách nhiệm về mình. Tôi là người đi tìm một người đàn bà nhan sắc và là người không lùi bước trước nhan sắc, nhan sắc của cô cũng thế. Có tiền, có của cải, thêm vào đó có một trái tim biết yêu và đôi tay khỏe để bảo vệ cô. Cô còn muốn gì hơn nữa kia? - Tôi không muốn gì hơn, Rê-jin cúi mặt đáp. Đôi má phớt đỏ khi cô nàng day sang phía Ga-xpa: “Ý em thế nào? - Hai người nên đính ước với nhau vì sẽ không bao giờ diễm phúc như thế này nữa đâu. - Lời hay ý đẹp! Ông Ti-ét vừa buột miệng vừa vỗ đốp lên tủ, ngang sát bên chiếc đồng hồ câm tiếng, nhưng lạ lùng thay, nó chẳng hề hấn gì. - Tôi có quyền hy vọng chăng, thưa cô, cô là người tôi mến mộ? - Ông có quyền chứ, Rê-jin đáp và đăm chiêu mỉm một nụ cười, nhưng tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi làm sao mình có thể nhận lời nhặm lẹ thế này. Cái động mạnh đối với chiếc đồng hồ áng chừng đã sửa được chỗ hỏng bên trong nó, là vì con chim đổ ra đập cánh và cao giọng báo giờ. Điệu hót của nó vừa cất lên thì con chim của Ga-xpa cũng hòa theo, và khúc song ca ngân vang lảnh lót như chúc mừng cho lứa đôi. Đến đây chúng tôi xin phép kết thúc một câu chuyện đúng là có hậu về mọi phương diện. BỬU Ý dịch (16/12-85) |