Truyện dịch
Lỗi tại cây cầu
13:51 | 08/08/2011
LGT: Ngày nay, khi văn học dần rời xa đại tự sự mà thay vào đó là sự lên ngôi của tiểu tự sự thì truyện cực ngắn là một trong những thể loại được người sáng tạo và người đồng sáng tạo quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay thì dường như vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho cái gọi là “truyện cực ngắn”. Truyện cực ngắn còn được biết đến dưới nhiều dạng thức định danh như “truyện chớp” (flash fiction), “truyện bất ngờ” (sudden fiction), “vi truyện” (micro fiction)...
Lỗi tại cây cầu
Minh họa: Internet

Trung Quốc, đầu những năm 80, nhất là sau khi tạp chí Vi hình tiểu thuyết tuyển sanquảng diễn bạn đọc vào năm 1984, thì thể loại truyện cực ngắn bắt đầu thịnh hành. Nhìn chung truyện cực ngắn có những đặc điểm như: dung lượng ngắn, nhịp điệu diễn trình của các chi tiết nhanh và mạnh, chấp chới giữa ranh giới của thơ và truyện. Đó là những lát cắt mỏng trong cuộc sống đương đại khi con người đối diện với một quái trạng văn hóa bùng nổ trong một thế giới đầy rẫy sự ngụy tạo.

Tạp chí Sông Hương kỳ này xin giới thiệu đến quý bạn đọc một truyện cực ngắn của Du Phượng Lâu (Trung Quốc) qua sự chuyển ngữ của Nguyễn Thị Bích Hải.




DU PHƯỢNG LÂU


Lỗi tại cây cầu


Cô giáo Liễu, họ liễu, tính lại thích liễu. Liễu không có nước không thể sống được. Cô sinh ra ở làng Liễu Khê, vừa có liễu vừa có suối. Cuộc đời cô có thể nói là xuôi buồm thuận gió: học xong tiểu học thì lên học sơ trung (trung học cơ sở), học xong sơ trung thì thi vào trường trung học sư phạm, rồi lại được về dạy học ở Liễu Khê.

Suối Liễu ở phía đông thôn, nguồn suối ở trên núi, ngày đêm nước chảy dạt dào, chảy về phương xa. Dòng suối như một thanh kiếm sáng loáng, chia cách hai bờ. Từ khi có ngọn khói bốc lên ở thôn Liễu Khê, các bậc nhân sĩ có chí đã muốn bắc một cây cầu để nối hai bờ. Đó là việc công đức. “Bắc cầu, làm đường, con đàn cháu đống”, bắc một cây cầu là lập một tấm bia, những nhà không có con đều tranh nhau làm. Thế là, hầu như mùa thu năm nào trên suối cũng có một cây cầu độc mộc đơn giản bắc qua.

Nhưng cứ đến trận mưa năm sau cầu lại bị lũ quét cuốn mất, dòng suối vẫn là thanh kiếm chia cách hai bờ. Người ta bảo đó là do người bắc cầu không thành tâm! Người bắc cầu lại bảo nước suối bất nghĩa. Ai đúng ai sai, chẳng ai bình luận.

Cô giáo Liễu dạy tiểu học ở Liễu Khê, có một phần ba học sinh ở phía đông suối Liễu, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều lội qua suối đến học. Ba mùa xuân, hạ, thu nước suối dịu dàng như tay người mẹ ve vuốt bàn chân con trẻ, gội hết cáu ghét, xoa gãi bàn chân ngứa ngáy. Mùa đông nước suối lạnh buốt, như cắt thịt da. Cô giáo Liễu hồi nhỏ cũng từng nếm mùi lội suối mùa đông: mới đầu chân như bị chó cắn, đau như kim đâm, sau đó thì tê dại như hai khúc gỗ. Thế là cô trịnh trọng tuyên bố: các em ở phía đông suối, đến mùa đông đi học không được cởi giày lội suối, cô sẽ cõng từng em qua suối.

Mùa hạ, lũ quét cuồn cuộn, suối rộng và sâu hơn, cha mẹ không cho học sinh đến trường, phòng học trống mất một phần ba. Trái tim cô giáo cũng trống trải. Để cho phòng học được đông đủ, cũng là để bù đắp nỗi trống trải trong trái tim, sau mỗi cơn mưa lớn, cô Liễu lại hẹn giờ qua suối gõ cửa từng nhà đón học sinh.

Sự tích cô giáo Liễu cõng học sinh qua suối theo dòng Liễu Khê chảy đến phương xa...

Huyện, rồi khu, rồi tỉnh đều tuyên dương cô giáo Liễu là “Giáo viên ưu tú”.

Bốn mùa thay đổi, suối nước dạt dào. Cô giáo Liễu được tuyên dương vẫn cứ cõng học sinh qua suối mùa đông và sau những cơn mưa lớn. Nhưng lại có thêm một câu chuyện mới - cô dẫn học sinh đi khai hoang, trồng cây. Cô định bắc một cây cầu, dự toán kinh phí khoảng 1000 đồng nhân dân tệ (khoảng 3 triệu đồng). Một nghìn rốt cuộc đã lo đủ. Tiền lao động được 500 đồng, cô giáo Liễu tự góp 500 đồng tiền tiết kiệm của mình nữa. Người nhận thi công cảm động trước tinh thần của cô giáo Liễu, cố gắng ngày đêm, thông cầu ngay trước ngày “giáo sư tiết” (lễ nhà giáo, ngày 1 tháng 10). Đôi bờ bị chia cách mấy trăm năm giờ đã được nối liền.

Trên cầu không lập bia, cũng không cắt băng khánh thành, chỉ vang lên tiếng cười giòn giã và tiếng bước chân rộn ràng của trẻ thơ. Nhưng những âm thanh ấy gõ rộn rã trong trái tim cô giáo Liễu, dậy lên những làn sóng ấm áp.

Kỳ nghỉ đông đã đến, lại đến công việc mỗi năm một lần xét duyệt “giáo viên ưu tú”. Nhưng, lần này báo cáo thành tích cô giáo Liễu của trường tiểu học Liễu Khê gửi lên cấp trên đã nhanh chóng bị trả về. Trên bản báo cáo ghi rõ: Thiếu thành tích điển hình cõng học sinh qua suối, không đạt “tiêu chuẩn cứng”.

Cô giáo Liễu biết được điều ấy, đem các giấy khen, bằng khen của huyện, của khu, của tỉnh tặng cho cô mấy năm qua trải trên dòng suối dạt dào. Cô nghĩ: “Vinh dự này thuộc về dòng suối, nên trả lại cho nó”.

Các em học sinh như thể có hẹn hò nhau, vác vồ, búa đến đập cây cầu đá, định đập gãy cây cầu. Bởi vì chúng nghe nói: Vì có cây cầu này nên cô giáo Liễu mới không được công nhận cô giáo ưu tú.

Liễu không có nước không thể sống.

Cô giáo Liễu, họ Liễu lại thích liễu, có lẽ cũng không xa nước được chăng...
 

DU PHƯỢNG LÂU
Nguyễn Thị Bích Hải dịch 
(Truyện đăng trên
 Vi hình tiểu thuyết tuyển san số 1)
(268/06-11)









Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Bàn tay Chúa (06/06/2011)
Ruy-đôn-phi-ô (27/05/2011)
Ông Tương Đối (04/05/2011)
Một vụ án (18/03/2011)
Đêm giao thừa (18/02/2011)
Tuyết tan (04/01/2011)
Suối cá hồi (23/11/2010)