Truyện dịch
Người mẫu
10:20 | 15/10/2008
BERNARD MALAMUDLGT: Bernard Malamud sinh năm 1914 tại Brooklyn, New York, lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng hoảng Kinh tế, là người Nga gốc Do Thái trong một gia đình bán tạp hoá. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và được nhận nhiều giải thưởng văn học.
Người mẫu

Tiểu thuyết “Người thợ đặt máy” của ông được trao giải Pulitzer năm 1967. Tuyển tập truyện ngắn “Cái thùng ma quái” của ông được tặng giải thưởng quốc gia dành cho văn học hư cấu năm 1959. Hai cuốn “Cái thùng ma quái” và “Con người chất phác” của ông đã được người ta dựng thành phim. Ông mất năm 1986.
Xin giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn “Người mẫu” dưới đây của nhà văn.  Đây là truyện ngắn hay ở cách chọn tình huống đặc sắc với thủ pháp “nghịch đảo”. Người đi thuê cô người mẫu khoả thân để vẽ tranh “nude” lại không biết vẽ, bất ngờ và bất hạnh là cô người mẫu lại chính là hoạ sĩ. Cô đã phát hiện ra sự giả mạo, bịp bợm. Đến lượt cô lại bắt người thuê cô phải khoả thân và vẽ chân dung đen tối của tâm hồn y. Qua đó, truyện đặt ra vấn đề nghệ thuật/ tiền bạc/ và nhân cách. Đối thoại truyện gọn, nhanh, sinh động làm nổi bật được chất kịch tính của tình huống và tính cách, phô diễn được quan điểm của các nhân vật.
Truyện được kể ở người thứ ba có vẻ như khách quan, nhưng chính ra được trần thuật qua quan điểm, cái nhìn, giọng điệu của ông già Elihu, nên thấm đượm giọng mỉa mai, pha lẫn âm điệu chua xót, cay đắng về nỗi xấu hổ và tuổi già. Tác giả còn sử dụng kỹ thuật điện ảnh với những góc quay đa dạng làm nổi bật ngôn ngữ của cử chỉ, điệu bộ, hành động trong việc miêu tả và làm tăng tốc tiết điệu truyện.

Một sáng sớm hôm nọ, Edhraim Elihu gọi điện cho Liên đoàn Sinh viên Mỹ thuật và hỏi người phụ nữ trả lời điện thoại làm sao ông có thể tìm được một người mẫu nữ có kinh nghiệm để ông có thể vẽ tranh khoả thân. Ông bảo người phụ nữ rằng ông cần một người khoảng 30 tuổi. “Có lẽ bà có thể giúp tôi được chứ?”
“Tôi không nhận ra tên ông”, người phụ nữ trên điện thoại nói, “Trước đây đã có lần nào ông giao dịch với chúng tôi chưa. Một số trong các sinh viên của chúng tôi sẽ làm việc như là người mẫu, nhưng thường thường chỉ dành cho các hoạ sĩ mà chúng tôi quen biết”. Ông Elihu nói ông muốn được hiểu ngầm ông là một hoạ sĩ đã từng theo học tại Liên đoàn. “Ông có xưởng vẽ không?”.
“Đó là một phòng khách lớn với nhiều bóng đèn. Tôi không phải là người trẻ tuổi”, ông nói, “nhưng sau nhiều năm tôi bắt đầu vẽ trở lại và tôi thích làm một vài cuộc nghiên cứu về tranh khoả thân để lấy lại cảm giác của tôi về hình thể. Tôi không phải là một hoạ sĩ chuyên nghiệp, nhưng tôi nghiêm túc về hội hoạ. Nếu bà muốn có bất cứ sự giới thiệu nào liên quan đến các đặc tính của tôi, tôi có thể cung cấp chúng”. Ông hỏi bà thù lao cho người mẫu theo lệ thường là bao nhiêu, và người phụ nữ, sau một lúc ngừng lại, nói, “Sáu đô la một giờ”.

Ông Elihu nói việc ấy là thoả đáng đối với ông nhưng người phụ nữ không muốn nghe ông nói thêm gì nữa. Bà viết tên và địa chỉ của ông và nói bà cho là bà có thể có một người nào đó cho ông vào ngày mốt. Ông cảm ơn sự chu đáo của bà.
Đó là ngày thứ Tư. Người mẫu xuất hiện vào sáng thứ Sáu. Đêm trước cô đã gọi điện, và họ thoả thuận một thời hạn cho cô đến. Vào khoảng sau 9 giờ một chút, cô nhấn chuông cửa của ông, và ông Elihu lập tức đi ra cửa. Ông là một người đàn ông tóc bạc trạc bảy chục tuổi, sống trong một ngôi nhà sang trọng ở gần Đại Lộ Số Chín, và ông phấn khích trước triển vọng được vẽ cô người mẫu trẻ tuổi này.  Người mẫu là một phụ nữ ăn bận giản dị khoảng 27 tuổi và người hoạ sĩ nghĩ rằng cái đẹp nhất của cô là ở đôi mắt. Cô bận một cái áo mưa màu xanh dương, mặc dù hôm nay rõ ràng là một ngày mùa xuân đẹp trời. Ông già hoạ sĩ yêu thích cô nhưng giữ kín điều đó cho riêng mình. Cô chỉ liếc nhìn ông khi cô đi thẳng vào trong phòng.

“Chào”, ông nói, và cô đáp “Chào”.
“Giống như mùa xuân”, ông già nói “Các cây đang mọc lá trở lại”.
“Ông muốn tôi thay đồ ở đâu?”, người mẫu hỏi.
Ông Ehilu hỏi tên cô là gì và cô đáp, “Cô Perry”.
“Cô có thể thay đồ trong phòng tắm, thưa cô Perry, hoặc nếu cô muốn, phòng riêng của tôi ở dưới đại sảnh đang để trống, và cô cũng có thể thay đồ ở đó. Nó ấm cúng hơn là phòng tắm”.
Người mẫu nói đối với cô việc đó chẳng tạo ra sự khác biệt gì, nhưng cô nghĩ cô thích thay đồ trong phòng tắm hơn.
“Cứ làm theo ý cô”, ông già nói.
“Vợ ông có nhà không?”, sau đó cô hỏi, vừa liếc nhìn vào căn phòng.
“Không, rủi thay tôi đã goá vợ”. Ông nói ông cũng đã từng có một đứa con gái nhưng nó đã chết trong một vụ tai nạn.
Người mẫu nói cô rất tiếc. “Tôi sẽ thay đồ và sẽ ra đây trong vài phút nữa”.
“Đừng vội vã gì”, ông Ehilu nói, hài lòng là ông sắp được vẽ cô.

Cô Perry đi vào trong phòng tắm, cởi đồ ở đó, và nhanh chóng quay ra. Cô cởi cái váy bằng vải bông hút nước ra. Đầu và vai cô mảnh khảnh và cô có vóc dáng đẹp. Cô hỏi ông già xem ông muốn cô đứng tạo thế như thế nào. Ông đang đứng cạnh một cái bàn nhà bếp mặt tráng men gần một khuôn cửa sổ lớn. Trên mặt bàn ông đã nặn ra và đang trộn chung lại hai ống sơn nhỏ. Có ba ống sơn khác mà ông không đụng đến. Người mẫu, rít một hơi thuốc lá cuối cùng, dụi nó vào một nắp hộp cà phê trên bàn nhà bếp. “Tôi hy vọng ông không phiền nếu thỉnh thoảng tôi lại hút thuốc chứ?”.
“Tôi không sao nếu cô hút thuốc khi chúng ta giải lao”.
“Ý tôi là như thế”. Cô ngắm ông khi ông chậm rãi trộn màu.
Ông Elihu không trực tiếp nhìn vào cơ thể trần truồng của cô nhưng nói ông thích cô ngồi trên chiếc ghế dựa gần cửa sổ. Họ đang đối diện một sân sau với một cây lá lĩnh lá vừa mới trổ.
“Ông muốn tôi ngồi như thế nào, bắt tréo chân hay không bắt tréo chân?”.
“Tuỳ ý cô muốn để sao cũng được. Bắt tréo hay không bắt tréo chẳng tạo ra nhiều sự khác biệt đối với tôi. Bất cứ điều gì khiến cô cảm thấy dễ chịu là được”.

Người mẫu có vẻ ngạc nhiên ở điều đó, nhưng cô ngồi xuống chiếc ghế dựa màu vàng gần cửa sổ và bắt tréo chân này qua chân kia. Thân hình cô thật đẹp.
“Như vậy có tốt cho ông hay không?”.
Ông Elihu gật đầu. “Tuyệt”, ông nói “Rất tuyệt”.
Ông nhúng cọ vào mớ sơn mà ông đã trộn trên mặt bàn, và sau khi liếc nhìn vào thân hình loã thể của cô người mẫu, bắt đầu vẽ. Ông nhìn cô đoạn mau chóng nhìn qua chỗ khác, làm như thể ông ngại sẽ làm cô bị xúc phạm. Nhưng vẻ mặt ông rất khách quan. Rõ ràng ông vẽ rất lan man, tuỳ tiện, đôi khi lại ngước nhìn cô người mẫu. Ông không thường nhìn vào cô. Có vẻ như cô chẳng để ý đến ông. Một lần cô xoay người để quan sát cây lá lĩnh, và trong thoáng chốc ông nhìn kỹ cô xem thử cô có thể nhìn thấy gì ở nó. Đoạn cô bắt đầu ngắm ông hoạ sĩ với vẻ quan tâm. Cô ngắm đôi mắt ông và cô ngắm hai bàn tay ông. Ông tự hỏi không biết ông có làm điều gì sai trái không. Gần hết một giờ đồng hồ, cô nóng nảy nhổm dậy khỏi chiếc ghế dựa màu vàng.

“Mệt hả?”, ông hỏi.
“Không phải việc đó”, cô nói, “nhưng tôi muốn biết nhân danh Chúa ông nghĩ ông đang làm gì đấy? Tôi thực tình nghĩ ông chẳng biết cái quái gì về hội hoạ cả”.
Cô làm ông kinh ngạc. Ông vội vã phủ bức tranh lại bằng một tấm vải. Sau một lúc lâu, ông Elihu, thở hổn hển, thấm ướt đôi môi khô ráo và nói ông không cho mình còn là một hoạ sĩ nữa. Ông nói ông đã cố gắng để khiến việc đó hoàn toàn rõ ràng với người phụ nữ mà ông tiếp xúc tại trường mỹ thụât khi ông gọi điện thoại đến đó. Đoạn ông nói “Có thể tôi đã sai khi gọi cô đến ngôi nhà này ngày hôm nay. Tôi cho là tôi nên kiểm tra mình thêm một thời gian nữa như thế tôi mới không làm lãng phí thời gian của người khác. Tôi độ rằng tôi chưa sẵn sàng để làm được những gì mà mình ưa thích”.

“Tôi chẳng cần biết ông tự kiểm tra mình trong bao lâu”, cô Perry nói, “Thực tình tôi không nghĩ rằng ông đã vẽ tôi chút nào cả. Thật ra tôi thấy ông chẳng thích thú trong việc vẽ tôi. Tôi nghĩ ông chỉ thích thú khi ông đặt cặp mắt của ông lên khắp cơ thể trần truồng của tôi vì một vài lý do riêng tư nào đó của ông thôi. Tôi không biết các nhu cầu cá nhân của ông là gì, nhưng tôi dám chắc như đinh đóng cột rằng chúng chẳng có đếch gì liên quan đến hội hoạ cả”.
“Tôi nghĩ tôi đã gây ra một sai lầm”.
“Tôi độ rằng ông đã như thế đấy”, cô người mẫu nói. Lúc này cô đã bận váy vào, thắt lưng buộc chặt. “Tôi là một hoạ sĩ”, cô nói,“và tôi là một người mẫu bởi tôi đã sạch tiền rồi, nhưng trông thấy ai tôi cũng biết đó là kẻ giả mạo ngay”.
“Lẽ ra tôi sẽ không cảm thấy khó xử như thế này”. Ông Elihu nói “nếu như tôi lưu ý hơn để cắt nghĩa tình hình một cách rõ ràng cho người phụ nữ ở Liên đoàn Sinh viên Mỹ thuật”.
“Tôi đã rất tiếc đã để cho việc này xảy ra”, ông Elihu khàn khàn nói, “Lẽ ra tôi phải suy nghĩ việc ấy một cách thấu đáo hơn nữa. Tôi đã bảy mươi tuổi. Tôi luôn luôn ưa thích phụ nữ và cảm thấy một nỗi mất mát đáng buồn là tôi không có một người bạn gái đặc biệt nào trong quãng thời gian này của đời tôi. Đó là một trong những lý do mà tôi muốn được vẽ lại, mặc dù tôi không hề tuyên bố rằng tôi có tài năng siêu việt gì. Tôi cũng cho rằng mình đã quên nhiều trong việc vẽ tranh. Không chỉ về việc đó, mà còn vì về cơ thể phụ nữ. Tôi không nhận ra là tôi quá xúc động bởi thân thể của cô, và khi hồi tưởng về quãng đường đời tôi đã đi qua. Tôi hy vọng việc vẽ tranh lại sẽ khơi lại mạch sống cho tôi. Tôi lấy làm tiếc đã làm cô buồn lòng và đã gây rắc rối phiền toái cho cô”.
“Tôi được trả công cho sự buồn lòng của mình mà”, Cô Perry nói, “nhưng những gì ông không thể trả cho tôi là nỗi ô nhục phải đến đây và cam chịu để cho đôi mắt ông trườn lướt trên cơ thể tôi”.
“Tôi không có ý định muốn làm nhục cô đâu”.
“Đó là điều mà tôi lại cảm thấy”.
Đoạn cô yêu cầu ông Elihu cởi đồ ra.
“Tôi à?” ông ngạc nhiên nói “Để làm gì?”
“Tôi muốn phác hoạ ông. Cởi quần áo của ông ra đi”.

Ông nói ít khi ông cởi bỏ đồ lót mùa đông của mình, nhưng cô chẳng thèm mỉm cười. Ông Elihu cởi quần và xấu hổ vì ông chắc là đáng chán trước mắt cô.
Với những nét cọ nhanh nhẹn cô phác hoạ cơ thể ông. Ông không phải là người đàn ông xấu trai, nhưng lại cảm thấy bực mình. Khi cô đã hoàn thành bức phác hoạ, cô nhúng cây cọ của ông vào một cái ô màu đen mà cô đã nặn ra từ một ống sơn và bôi bẩn hình thể của ông đi, để lại một mớ đen thùi.
Ông ngắm nhìn cô trút sự bực tức ra nhưng không nói gì. Cô Perry ném cây cọ vào sọt rác và quay lại phòng tắm thay đồ.
Ông già viết một tờ ngân phiếu cho cô theo số tiền mà họ đã thoả thuận. Ông xấu hổ khi ký tên mình vào, nhưng ông phải ký và trao nó cho cô. Cô Perry nhét tờ ngân phiếu vào cái xắc tay lớn của cô và ra về.

Ông nghĩ cứ theo phong cách của cô thì cô không phải là một phụ nữ xấu, mặc dù cô thiếu sự duyên dáng. Sau đó ông già tự nhủ, “Bây giờ đời mình chẳng còn gì hơn nữa à? Đó là tất cả những gì còn lại cho mình sao nhỉ?”.
Câu trả lời dường như là đúng, và ông khóc cho tuổi già của mình sao lại đến nhanh như thế. Sau đó ông lấy tấm khăn ra khỏi bức tranh vải và cố gắng điền khuôn mặt cô vào đó, nhưng ông đã quên mất rồi.
                                                                          
VĨNH HIỀN dịch
                                                                             (Theo nguyên bản tiếng Anh)

(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Vua cờ (04/09/2008)
Lối trăng (03/09/2008)