Hình ảnh rồng Việt Nam từ xa xưa đã sớm đi vào nghệ thuật với nhiều loại hình khác nhau. Trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc, nhiều công trình điêu khắc lấy con rồng làm đề tài đã trở thành những tác phẩm có giá trị văn hóa, trong đó không ít công trình điêu khắc đá được xem như là những tác phẩm mang dấu ấn phong cách nghệ thuật của một thời kỳ.
Theo các nguồn sử liệu Thanh Hóa là địa phương có nghề làm đồ đá rất lâu đời, từ sơ kỳ Thời đại Kim khí ở khu vực Đông Khối đã hình thành một công xưởng lớn, sản phẩm là những công cụ sản xuất bằng đá được chế tác tại chỗ. Không những thế xứ Thanh còn là nơi có nhiều công trình kiến trúc lớn qua các thời kỳ với hình tượng rồng Việt Nam được sử dụng nhiều trong việc trang trí như chùa Linh Xứng, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh.
Ngoài ra ta còn bắt gặp hình tượng rồng Việt Nam được thể hiện trong nhiều công trình kiến trúc của kinh thành Tây Đô. Hình tượng con rồng thời Trần qua các công trình kiến trúc điêu khắc ở Thanh Hóa được thể hiện với kiểu dáng to, khỏe, mập mạp, điển hình nhất là đôi rồng đá còn lại ở khu nội thành Tây Đô, đây là khối tượng rồng thời Trần vào loại lớn nhất, điển hình cho phong cách điêu khắc thời Trần, có thể xem đây là tác phẩm điêu khắc có giá trị văn hóa tiêu biểu.
Xu hướng dân gian hóa trong nghệ thuật điêu khắc được thể hiện trong nhiều tác phẩm điêu khắc ở niên đại cuối triều Lê ở Thanh Hóa, góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu mỹ thuật giai đoạn lịch sử này. Con rồng Việt Nam trong điêu khắc đá nghệ thuật thời Nguyễn ở Thanh Hóa có mặt trong nhiều công trình kiến trúc với một phong cách riêng, do chịu ảnh hưởng nhiều của nghệ thuật phương Bắc, phần đầu rồng có những nét dữ tợn và phần đuôi hình xoáy ốc, tạo nên một phong cách riêng trong kiểu dáng rồng nhà Nguyễn.
Trong dòng nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam, hình tượng con rồng đã đi vào nghệ thuật và hóa thân thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn hóa. Con rồng trong nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống ở Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ vào lịch sử mỹ thuật của dân tộc.