Truyện dịch
Quê nhà
17:38 | 10/02/2012

L.T.S: LANGSTON HUGHES (1902 - 1967), nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch và dịch giả người Mỹ da đen, sinh ở Joplin, bang Missouri. Ông đã xuất bản 35 tác phẩm. Thơ của ông đã được dịch sang tiếng Việt. Những tác phẩm của ông phần lớn tập trung chủ đề đấu tranh cho quyền bình đẳng giữa người da đen và da trắng tại nước Mỹ. Truyện sau đây dịch trong tập truyện "The ways of white Folks".

Quê nhà
Ảnh: internet
Nhà văn Langston Hughes - Ảnh: internet



LANGSTON HUGHES


Quê nhà

I

Khi chàng trai trẻ về lại quê nhà, dân tản xứ thấy trên những túi xách và hộp đàn vi-ô-lông của chàng đầy phiếu hành lý và nhãn hiệu in những dòng chữ lạ mắt. Đó là nhãn hiệu của các trạm hải quan ở những biên giới xa xôi, của những khách sạn đồ sộ ở các thành phố Châu Âu và của những chiếc tàu chạy bằng hơi nước từ thành phố Hôp-kinh-vin vượt đại dương. Chúng làm cho những chiếc túi xách bằng da thuộc và chiếc hộp đựng đàn màu đen trông không nhịn cười được, gây sự chú ý cho những người da trắng cùng đi trên tàu. Và đến lúc chàng rời tàu xuống một ga xép trên sông Mít-xu-ri thì những tên du thủ du thực vây quanh chàng, chăm bẳm nhìn chàng.

Rôi Uyn-li-ăm từ nước ngoài về lại quê nhà thăm bà con, mẹ và các anh chị của chàng hiện đang ngụ trong một khu phố cổ. Rôi đã xa nhà bảy tám năm rồi, lang thang, cùng trời cuối đất. Chàng trở về, áo quần trắng bảnh bao nhưng người thì gầy rộc. Chàng không được khỏe.

Chính vì dầu chàng mới về nhà, linh tính báo cho chàng biết mình sắp chết nên chàng muốn gặp lại mẹ. Cảm giác này ám ảnh chàng suốt từ hai ba năm nay. Dường như nó bắt đầu từ khi chàng còn ở Viên, một thành phố náo nhiệt, nhưng đang giãy chết của Trung Âu. Ở đó dân khố rách áo ôm thì nhiều vô kể, nhưng vẫn có kẻ tung tiền mua rượu sâm banh, trứng cá ướp lạnh và đàn bà trong các hộp đêm có dàn nhạc của Rôi biểu diễn.

Những nốt nhạc Jazz hấp dẫn của Rôi chấm dứt đêm biểu diễn chẳng khác nào sợi dây nối liền với cái chết. Chúng làm cho chàng lợm giọng khi thấy cảnh người thì đói xỉu trên đường phố Viên, trong khi kẻ thì tọng đầy bụng nào rượu nào thức ăn. Và chính điều này khiến chàng chẳng thiết gì những người đàn bà da trắng lẻo đẽo theo chân chàng mỗi đêm, khi chàng trở về nhà sau giờ làm việc khuya, sẵn sàng hiến dâng thân xác để kiếm ít tiền mua miếng ăn.

Ở Viên, Rôi sống riêng một phòng. Chàng muốn yên tĩnh để trau dồi, học hỏi nghề nhạc của mình. Chàng đã theo học một trong những ông thầy dạy đàn vi-ô-lông giỏi nhất. Nhưng cũng khó mà xua đuổi những người đàn bà đẹp và đói khát ra khỏi phòng, những người đàn bà muốn hiến thân cho người đàn ông có công ăn việc làm, ngược lại người đàn ông phải cho họ ở chung phòng hoặc ném cho họ vài tờ giấy bạc để họ mang về nuôi bố mẹ đang nằm chờ chết vì đói ở nhà.

Quả là cảnh địa ngục ở Châu Âu. Rôi nghĩ "mình chưa bao giờ thấy ở đâu đói như ở đây, ngay cả dân da đen ở quê nhà cũng không đến nỗi thế".

Khi ban nhạc chuyển về Béc-lin tình hình lại càng bi đát hơn. Phía sau bộ mặt uy nghi của một thành phố lớn, là những cánh cửa mà du khách chưa bao giờ bước qua, sự đói khổ và đau thương lẩn khuất ở đó. Cảnh sát thì đánh đập những người chống đối, ăn cắp, ăn xin. Còn ở quán rượu nơi Rôi chơi đàn thì nhiều kẻ vẫn tiêu tiền như nước. Họ cười cợt, nhảy nhót thâu đêm nhưng chẳng quẳng lấy một hào cho những đứa trẻ ngủ trước cửa tiệm, những người sống trong những mái nhà làm bằng giấy thùng, hay những người đàn bà lê chân trên đường nhặt của bỏ mà dùng.

Chính ở Béc-lin nỗi buồn như một tảng đá nặng khủng khiếp đè lên người Rôi. Và cũng chính ở đó chàng bắt đầu ho. Một đêm ở Pra-gơ, chàng đã ho ra máu. Khi chàng đến Pa-ri, một cô bạn đã săn sóc cho chàng và chàng thấy dễ chịu hơn. Nhưng lúc nào chàng cũng cảm thấy rằng mình sắp chết. Hễ dứt cơn ho là buồn. Vì vậy chàng không thể nào không trở về quê nhà để gặp lại mẹ.

Chàng xuống tàu ở Niu-ioóc nhằm vào hôm Hu-vơ đuổi những cựu chiến binh ra khỏi Oa-sinh-tơn. Chàng ở lại khu Hac-lơm vài hôm. Hầu hết những bạn bè của chàng, nhạc sĩ và diễn viên ở đây, đều đói khát và thất nghiệp. Thấy Rôi ăn mặc diêm dúa, họ hỏi chàng xin tiền. Còn ban đêm trên đường phố, những người đàn bà thì thầm: "Cưng ơi! đến đây đi cưng. Em muốn đi với cưng mà!"

"Đĩ điếm khắp nơi, Rôi nghĩ. Ta nên về nhà thôi".

Đêm cuối cùng ở khu Hac-lơm chàng không ngủ được. Chàng nghĩ đến mẹ. Sáng hôm sau chàng đánh điện báo cho mẹ biết mình đang trên đường về.

II

"Một thằng mọi kiêu căng", bọn du thủ du thực thốt lên khi chúng nhìn thấy cái dáng mảnh khảnh, ăn mặc lịch sự của chàng giữa những chiếc túi xách dính đầy phiếu hành lý đủ màu trên sân ga vào một ngày tháng Chín đẹp trời. Rôi rời khỏi chiếc xe điện chạy trong thành phố, đây là điều bất thường cho một người da đen ở khu vực này.

"Đ.mẹ!" Bọn da trắng chửi đổng.

Thình lình một giọng nói quen thuộc thốt lên. "A, nếu không phải thằng Rôi Uyn-ly-ăm thì tao làm con chó ngay!".

Rôi nhận ra thằng Sac-li Mâm-pho, bạn cùng chơi với nhau hồi nhỏ, từ hẻm bên kia đường. Nó là một thằng phu da trắng, cao lớn trong chiếc quần bó sát người và cái áo khoác không tay ngắn cũn. Chàng tháo găng, đưa tay về phía thằng bạn da trắng. Nó vừa nắm bàn tay của chàng thì thả ra ngay. Rôi đã quên rằng chàng không còn ở Châu Âu, mang lại găng rồi bắt lại tay bạn một cách hời hợt. Mẹ kiếp!.

"Mày ở đâu về vậy?" Thằng bạn da trắng hỏi.

"Pa-ri", Rôi đáp.

"Mày về đây làm gì?" Một giọng miền Nam lơ lớ đãi dài ra từ sau chiếc xe đẩy hành lý.

"Tôi muốn hồi hương", Rôi trả lời "thăm mẹ tôi".

"Tao chắc mẹ mày mong gặp mày hơn bọn tao nhiều", một giọng khác tiếp theo cùng điệu như trước.

Vì không có phu khuân vác, Rôi phải xách hành lý đến một chiếc xe Pho cũ mèm dùng làm ta-xi. Chàng cảm thấy chóng mặt và mệt lả người. Khói bụi của cuộc hành trình đã khiến cho chàng ho liên tục. Và những cặp mắt của dân da trắng ở trạm xe điện nhìn chàng chẳng có chút cảm tình nào. Chàng nghe một người nào đó lầm bầm "thằng mọi đen". Da chàng nóng bừng lên. Gần mười năm qua, lần đầu tiên chàng mới nhớ lại màu da của mình. Chàng đang ở quê nhà.

III

Hãy hát lên một bản nhạc về miền Nam, bông vải trắng xóa dưới mặt trời, bóng của những cây dâu đồng, những quả thị ướt đẫm sương đêm. Lũ chó săn leo cây đuổi bắt những con đại thử vào những đêm tháng mười. Ôi, những củ khoai tây ngọt ngào, nóng hổi, phết đầy bơ giữa cái ruột vàng mơ.

"Con ơi, mẹ sung sướng khi con đã về lại quê nhà. Mẹ có thể nấu cho con cái gì nào? Mẹ biết rằng con thèm một bữa ăn ra trò. Bánh mì, rau xanh và thịt lợn muối nhé! Lạy chúa... Con ăn mặc đến là bảnh, nhưng trông con gầy hẳn đi... Con cưng của mẹ, mẹ mong con ở nhà ít lâu... Mấy đứa con gái da màu ở đây sẽ nhảy cỡn lên vì con. Tụi nó sẽ tấn công con cho mà xem... Con yêu quí của mẹ, nghe con đàn mẹ mừng trong bụng. Tiếng đàn của con tuyệt diệu làm sao... Hãy đàn lên đi con! Thượng đế đã trao cho con một tặng vật. Quả không phí. Thật tức cười làm sao khi tất cả dân da trắng ở thành phố Hôp-kinh-vin này điều biết tên tuổi của con. Con mẹ ở chỗ chị con làm việc nói rằng mụ đã đọc ở đâu đó về một ban nhạc có con tham gia biểu diễn ở Pa-ri, mụ yêu cầu chị con hôm nào đưa con đến nhà để đàn cho mụ nghe. Mẹ bảo với chị là ý của con không muốn đến nhà riêng đàn cho ai nghe cả. Nói cho mụ biết rằng có một người đàn bà da trắng ở hội đồng giáo xứ sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc ở nhà thờ cho con. Ở đó mọi người có thể đến và trả hai mươi lăm xu để làm sáng danh Chúa và nghe con đàn. Có phải thế không con? Con sẽ đàn vì Chúa ở thành phố Hôp-kinh-vin này. Con đã đàn cho ma quỷ suốt đêm ở khắp Châu Âu rồi. Lạy đấng Giê-su lòng lành. Để mẹ đi tắm cái đã nghe con. Con cứ tập dượt đi, rồi mẹ sẽ làm cho con cái bánh nhân thịt chiều nay. Mẹ thấy con chảy nước miếng rồi đó… Con cưng của mẹ, mẹ sung sướng vô cùng khi con về lại quê nhà... Hãy đàn lên đi con!".

IV

Tính thất thường của dân thành Viên
Tấu khúc cho giây G.
Xô-nat trong bản kính mừng Maria
Những điệu múa của dân GYPSY.

Trên trái đất này có căn nhà bé nhỏ nào đã từng đủ sức chứa nhạc Bram và Bit-tô-ven, Bắc và Xê-da-Phrăng-cơ không nhỉ? Nếu có thì chắc hẳn là nhà của chị Xa-ra Uyn-li-ăm ở thành phố Hôp-kinh-vin. Khi Rôi đàn, trong tình trạng bệnh hoạn, tiếng đàn của chàng tuôn ra ngoài khung cửa sổ và rót vào tai dân da màu cũng như dân da trắng đi ngoài đường. Nhạc cổ điển của Bram đã vút lên từ căn nhà của một người da đen ở tận cùng phía Nam bang Mit-xu-ri. Lạy Chúa tôi! Đàn lên đi, Rôi. Tối nay là buổi diễn của mày.

Hội đồng Giáo xứ và Hội Tương trợ phụ nữ đã bán được một số vé khá lớn cho dân da trắng trong giáo phận. Buổi biển diễn của Rôi ở nhà thờ Si-lô nhân ngày chàng về lại quê nhà là một thành công lớn về mặt tài chính. Dân da trắng đã chiếm hết những hàng ghế đầu giá năm mươi xu. Số ghế còn lại với giá hai mươi lăm xu thì đầy dân đa đen. Cả người theo giáo phái Mi-thơ-đít lẫn Bap-tit đều đến dự, quên cả sự đối nghịch về tín ngưỡng. Và có nhiều cô gái lai da màu xinh xắn, môi son má phấn dán mắt nhìn Rôi. Mỗi người mỗi vẻ trong mùi hương đủ loại, nói cười õng ẹo, trơ trẽn, lẫn những tiếng thì thầm hò hẹn tràn ngập cả ngôi nhà thờ bé nhỏ. Những đôi giày mới lộp cộp lên xuống hai bên lối đi. Người ta la ó vì quá giờ, nhưng buổi biểu diễn lại căn cứ vào giờ giấc của người da màu nên chậm trễ. Nhà thờ chật ních người.

V

Ông Bram tôn kính. Tôi từ Viên về, với cây đàn vi-ô-lông trong tay, biểu diễn trong nhà thờ của người da màu ở thành phố Hôp-kinh-vin, bang Mit-xu-ri. Đôi tay khẳng khiu của một thằng thanh niên đau ốm sẽ vang lên tiếng nhạc của ông phục vụ những người da trắng nghèo khó và ngay cả những người da đen khốn khổ hơn. Ông Bram tôn kính, đêm nay sau một chuyến viễn du tôi sẽ đáp lại giấc mơ của ông, tiếng đàn sẽ bay đi cùng trời cuối đất. Tôi cũng có một giấc mơ như ông. Ông Bram ạ, một giấc mơ vĩ đại nhưng chưa thành sự thật, mơ về một sân khấu rộng mênh mông trong một nhà hát khổng lồ như nhà hát Cạc-nơ-gi hay Xan-ga-vô. Và ông, ông Bram, sẽ đàn thâu đêm, đàn như điên cuồng và tuyệt diệu đến nỗi hàng ngàn người phải trố mắt nhìn người như họ đã say đắm nhìn Rô-Lăng Hai-ơ hát bài Chúa bị đóng đinh câu rút. Lạy chúa Giê-su, có một lần tôi mơ được như thế trước khi đau và phải về lại quê nhà.

Và đây là bản nhạc tôi biểu diễn lần đầu ở châu Mỹ tặng mẹ tôi, tặng Hội đồng Giáo xứ Si-lô và tặng những người nghèo khó đã tề tựu đến đây vì Bram và tôi để làm sáng danh Chúa. Đây không phải là nhà hát Cạc-nơ-gi. Tôi mới về đây thôi... Nhưng họ đang nhìn tôi, tất cả mọi người đưa mắt nhìn tôi. Những người da trắng ngồi những hàng ghế đầu và những người da đen ngồi phía sau như chung một đôi mắt đang nhìn tôi.

Này, các bạn… Tôi muốn nói, Thưa quý vị (những thính giả da trắng không phải là bạn của tôi)… Đây là bản Meditation from Thais của Mat-dơ-nê... Đây là trái tim tuyệt vọng về giấc mơ hư hư thực thực. Đây là âm nhạc, và tôi, đang đứng trên ngưỡng cửa của cuộc đời, cần đến ông... Ôi, vì cuộc sống, và tình yêu mà cả đôi tay đen đủi, đôi chân nâu sòng, bộ ngực trắng ngần và khuôn mặt sáng ngời đang hòa nhập cùng tiếng đàn vi-ô-lông ngân lên tiếng hát... Hãy vững tâm nghe Rôi! Trong nhà thờ thì nóng như nung, còn mày thi đau chí tử... Đây, giấc mơ cùng người mộng mơ đang lang thang trong cõi hoang vắng từ thành phố Hôp-kinh-vin đến Viên đi yêu một kẻ giang hồ lãng tử có tên là Âm nhạc... Các người, hãy nghe đây! Tôi muốn các người đẹp như ánh trăng đêm chiếu trên những ngọn đồi ở Mít-xu-ri. Tôi sẽ làm cho các người trong sáng ra... Bản Meditation from Thais... Thưa mẹ, mẹ còn nhớ (ngay lúc nghe con đàn tối nay, mẹ vẫn ngồi ngay chỗ những tín đồ nhiệt thành với Chúa thường ngồi, như mọi sáng Chủ nhật), mẹ còn nhớ đĩa Crai-xle mà mẹ con mình đã nghe bằng cái máy hát quay tay hồi con còn bé tí không? Chẳng ai thích nó ngoài con. Còn mẹ thì đâu có để ý thử con nghe đi nghe lại bao nhiều lần... Mẹ mua cây đàn vi-ô-lông cho con ở đâu? Mẹ chỉ trả được nửa học phí cho cụ Mi-lơ dạy con đàn hàng tuần. Chúa sẽ cứu rỗi linh hồn cụ, nói theo cách của người theo đạo Ca-tô-lich... Thưa mẹ, tại sao mẹ khóc khi con bỏ nhà đi lang thang khắp miền Nam hát những bài dạo thay vì hát thánh ca? Thưa mẹ, vì sao mẹ khóc khi con viết thư báo cho mẹ biết rằng con đã tìm được việc làm trong một ban nhạc Jazz chơi cho một hộp đêm ở đường Xtêit, bang Si-ca-gâu? Tại sao mẹ cầu nguyện suốt đêm khi con nói với mẹ rằng bọn con đã ký một hợp đồng biểu diễn cho một quán rượu ở Béc-lin? Con đã cố giải thích cho mẹ hiểu rằng những bậc thầy vi-ô-lông giỏi nhất thiên hạ đều ở Béc-lin và rồi con sẽ về lại, đàn giống như cái đĩa Crai-xle trên cái máy hát cũ kỹ kia cho mẹ nghe... Con chẳng gởi đồng xu nào về cho mẹ phải không… Ô, con mơ được đứng trên đài danh vọng! NàngTa-id! NàngTa-id! Chắc chắn cô không giống nàng Ta-id. Cô là người đàn bà da trắng gầy nhom trong chiếc áo lông rẻ tiền, đầu đội chiếc mũ đỏ đang ngồi ở hàng ghế đầu chăm chú nhìn tôi. Cô không giống nàng Ta-id chút nào cả. Cô muốn âm nhạc dâng hiến cho cô cái gì nào? Cô muốn cái gì hơn tôi?... Đây là thành phố Hốp-kinh-vin, bang Mít-xu-ri mà... Hãy nhìn những cô nàng da màu ngồi chung với những người da đen ở phía sau kia. Họ đang chăm chú nhìn tôi và nghe tiếng đàn của tôi. Lần đầu tiên bọn họ mới thấy một người trong bộ áo quần mặc buổi tối nửa trắng nửa đen. Lần đầu tiên bọn họ mới có được một người đồng chủng từ nước ngoài trở về quê nhà biểu diễn đàn vi-ô-lông. Mẹ xem họ đang hãnh diện nhìn con và lắng nghe tiếng đàn của con qua đầu của những người da trắng ngồi ở các hàng ghế đầu, qua đầu của một người đàn bà da trắng trong chiếc áo lông rẻ tiền và cái mũ đỏ - một con người hiểu được âm nhạc là tất cả những gì mà... Nhưng thưa cô, cô là ai thế?

Khi buổi biểu diễn kết thúc, ngay cả một vài người da trắng cũng đến bắt tay Rôi và ca ngợi chàng. Những người da màu tán tụng, "Cậu chơi tuyệt quá!" Rôi mới bắt tay một vài người thì đôi mắt chàng bốc lửa, chàng muốn ho không nhịn được. Đôi vai chàng đau nhói. Nhưng chàng cố mỉm cười cám ơn dàn nhạc đệm, nụ cười mà các cô chiêu đãi ngà ngọc của những hộp đêm ở Châu Âu mê mẩn. Chàng đưa tay chào mọi người. Người đàn bà da trắng đội chiếc mũ đỏ đang đợi chàng ở cuối đám đông. Khi giáo đường thưa người, cô ta đến bên Rôi và bắt tay chàng. Cô ta nói về những buổi hòa nhạc ở Xen-Lu-i, tiết lộ cho chàng biết cô là một giáo viên dạy đàn pi-a-nô và vi-ô-lông, nhưng cô chưa có một học sinh nào như Rôi, và ở thành phố Hôp-kinh-vin này chưa bao giờ có ai đàn hay đến thế. Rôi ngắm khuôn mặt xương xương và đầy tàn hương của cô, vô cùng sung sướng vì có được một người hiểu mình và hiểu âm nhạc.

"Cô Ri-dơ, mẹ chàng đã nói với chàng khi cô đã đi khuất - Một giáo viên lỡ thì dạy nhạc ở trường trung học dành cho học sinh da trắng đó".

"Con biết mẹ ạ - Rôi đáp - Cô là người sành nhạc".

VI

Một thời gian ngắn sau đó, nhân kỳ khai giảng, chàng đã gặp cô Ri-dơ ở trường cô ta dạy. Rồi một hôm chàng nhận được một mảnh giấy lịch sự với nét chữ duyên dáng yêu cầu chàng biểu diễn cho lớp nhạc sắp tốt nghiệp của cô. Cô sẽ phụ trách phần đệm đàn. Cô Ri-dơ làm như mình có bổn phận nâng cao trình độ thưởng ngoạn âm nhạc cho dân thành phố Hôp-kinh-vin này vậy. Cô đang dạy cho học trò của cô về Bách và Mô-da, và bây giờ cô ao ước được Rôi đến thăm lớp học và trình diễn nhạc của hai bậc thầy vĩ đại này.

Rôi nhận lời. Mẹ chàng cho rằng đây là một niềm vinh dự lớn lao đối với một trường dành cho học sinh da trắng được đứa con da màu của bà đến biểu diễn đàn. "Cô Ri-dơ tính tình dễ thương lắm", Bà Uyn-li-ăm nói với con mình. "Cứ việc đến đó đàn cho họ biết tài nghệ của con mẹ. Ở thành phố Hôp-kinh-vin này lâu lắm rồi, nhưng chưa bao giờ mẹ thấy một người da đen nào được làm gì ở đó, ngoài việc chùi nhà. Con hãy đến đó đàn cho họ nghe để làm sáng danh Chúa!"

Rôi biểu diễn đàn trong lúc cuống họng chàng khô khốc và nóng ran, đôi mắt chàng bốc lửa. Chàng ho suốt buổi sáng. Khi đàn, chàng muốn tắt thở, người ướt đẫm mồ hôi. Tiếng đàn của chàng không làm chàng vừa lòng.

Nhưng cô Ri-dơ là người hiểu được chàng. Cô đệm pi-a-nô theo chàng. Và khi tiếng đàn vừa dứt, cô quay xuống chỗ những chú nhóc da trắng đang ngồi dựa ngửa lên bàn, nói "Đây là nghệ thuật, các em ạ đây mới là nghệ thuật chân chính?"

Buổi chiều hôm đó, bọn trẻ về nhà kể cho cha mẹ chúng nghe rằng có một tên da đen ăn mặc bảnh bao, đến trường với cây đàn vi-ô-lông, đàn nhiều bản nhạc nghe chối tai, chẳng ai hiểu gì cả ngoài cô Ri-dơ. Chúng kể tiếp rằng một mình cô Ri-dơ rất khoái chí cười và reo lên "Tuyệt diệu!" Cô còn cúi đầu chào tên da đen khi hắn rời khỏi phòng!

Rôi trở về nhà. Những ngày sau đó chàng vật vã trên giường, người càng lúc càng gầy yếu. Không còn tập đàn được nữa. Cũng chẳng màng đến những bữa ăn mà mẹ chàng nấu hay chị chàng mang từ nơi làm việc về. Nhiều đêm yên tĩnh, nóng bức, chàng choàng dậy mặc áo quần, mang đôi găng tay màu vàng, ra khỏi nhà đi lang thang trên những con đường trong khu phố nhỏ vào lúc mười, mười một giờ, cái giờ mà mọi người đều ngủ cả. Ở Hôp-kinh-vin nửa đêm coi như đã khuya lắm rồi. Nhưng Rôi thì nhiều năm chỉ làm việc về đêm, chàng khó dỗ giấc ngủ trước khi trời sáng.

Một đêm khuya, chàng muốn rời khỏi nhà đi dạo mát một tí. Trăng đã lên, nên Rôi chẳng cần thắp đèn dầu để mặc quần áo. Ánh trăng chiếu vào căn phòng chật hẹp của chàng qua tấm khăn trải giường màu trắng, dọi xuống những chiếc túi có dính đầy thẻ hành lý nằm xếp hàng dài dưới chân tường. Ánh trăng chiếu vào nhãn hiệu của những chai thuốc trị bệnh nằm trên bàn. Rồi Rôi cũng thắp đèn, chàng muốn nhìn thấy mình rõ hơn trong chiếc gương soi nơi bàn trang điểm. Khuôn mặt màu nâu ngày nào bây giờ ngả sang màu xanh nhợt nhạt. Đôi gò má hóp sâu. Chàng rùng mình, mặc áo, mang giày, đeo đôi găng tay, màu vàng, và đội chiếc mũ phớt. Chàng choàng chiếc áo khoác, lấy cây gậy mà lâu nay đi đâu chàng cũng cầm theo không phải để làm dáng mà để chống đi cho vững. Chàng bước ra khỏi phòng dưới ánh trăng thu.

Khi rón rén qua phòng khách, chàng nghe tiếng ngáy của mẹ trên giường. (Bà đã nhường phòng của bà cho chàng). Cửa trước vẫn còn mở. Rôi nghĩ mấy người anh của chàng đi chơi với bạn gái chưa về. Còn chị chàng đã ngủ từ lâu.

Con đường im phăng phắc. Màn sương đêm làm mờ đục ánh trăng và hàng cây hai bên đường ngập lá thu. Rôi bước đi trên những chiếc lá vàng, về hướng trung tâm thành phố, tay chống gậy vừa đi vừa thở bầu không khí mát hơi trăng. Màn đêm và những đường phố luôn luôn làm cho chàng cảm thấy dễ chịu. Chàng nhớ những con đường rộng thênh thang ở Pa-ri, ở Béc-lin, nhớ ca sĩ Tô-bơ hát bài Wien, Du stadt meiner Träume. Tâm trí chàng đang hướng về những ngọn đèn sân khấu và tiếng nhạc ở những thành phố của Châu Âu chẳng khác nào một giấc mơ. Bởi vì mẹ chàng thì nghèo xơ nghèo xác. Con cái của bà chỉ được học qua bậc tiểu học. Ở Hốp-kinh-vin chẳng có trường trung học nào dành cho người da màu. Còn chàng chỉ là gã hát rong học lóm thiên hạ, gặp dịp may theo một ban nhạc Jazz đến Béc-lin. Và nhờ cây vi-ô-lông, giống như một người bảo trợ suốt đời, chàng đã kiếm được tiền trả học phí cho những ông thầy dạy nhạc nổi tiếng ở đó. Ban đêm thì chơi nhạc Jazz, ban ngày học nhạc cổ điển. Chàng đã cật lực làm việc, và miệt mài học tập cho đến khi tiếng đàn của chàng đạt đến trình độ nghệ thuật tuyệt vời. Âm nhạc, âm nhạc chân chính! Thế rồi chàng bắt đầu ho ở Béc-lin.

Lúc này Rôi đang bước qua một đám đông trên đường phố chính đầy ánh sáng, nhưng chàng chẳng để ý một ai. Chàng chỉ thấy những giấc mơ, những kỷ niệm và chỉ nghe tiếng nhạc. Một vài người đi đường đứng lại nhìn chiếc áo khoác mua từ Châu Âu lấp lánh trên tấm thân gầy nhom của chàng, bỉu môi cười. Táo tợn thật! Một thằng da đen non choẹt mang giày da cao cổ, chống gậy đi trên đường phố Hốp-kinh-vin, bang Mit-xu-ri! Một vài thằng nhóc da trắng giọng meo meo như mèo kêu lên: đồ hủi!...

Nhưng dù cho ai cười cợt, khen chê hay thóa mạ đi nữa, thì người đàn bà trong chiếc áo khoác rẻ tiền, đầu đội chiếc mũ đỏ từ trong cửa hàng dược phẩm bước ra đúng lúc Rôi đi qua cũng vui mừng cúi đầu chào chàng: "Chào cậu".

Rôi cúi đầu chào đáp lễ, "Chào cô Ri-dơ" và tỏ vẻ sung sướng được gặp người đàn bà sành nhạc. Một thanh niên da màu bệnh hoạn, và một cô giáo dạy nhạc lỡ thì cùng đứng dưới ánh đèn sáng trưng của đường phố chính trao đổi nụ cười. Cô ta hỏi chàng vẫn thích đàn bản Xa-rơ-sêit phải không?

"Vâng", Rôi đáp. "Nó dễ thương".

"Cậu có nghe cái đĩa tuyệt diệu của Hai-phốt chơi bản đó chưa?" Cô Ri-dơ hỏi.

Rôi vừa mở miệng trả lời thì chàng nhận ra khuôn mặt người đàn bà biến sắc, có vẻ sợ hãi. Trước khi biết điều gì sẽ xảy đến, chàng cảm thấy quai hàm của mình bị một cú đấm như trời giáng. Chàng đụng đầu vào cánh cửa kính của hiệu thuốc, đau như búa bổ. Cô Ri-dơ la lên. Trên đường đầy nhóc bọn côn đồ da trắng, lăm le những cú đấm chờ tấn công. Những người đi xem chiếu bóng mới về, cùng với những người đi đường hùa theo chống lại chuyện một thằng da đen dám đứng nói chuyện với một người đàn bà da trắng. Họ cho như thế là sỉ nhục phụ nữ da trắng. Rồi họ phóng đại lên là chàng muốn tấn công một phụ nữ da trắng. Và cuối cùng họ nhất quyết rằng chàng cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Chính mắt họ trông thấy Rôi tháo găng tay và cúi đầu mà… Và chính lúc cô Ri-dơ la lên, thì Rôi bị đánh gục ngay. Như thế thì Rôi chẳng muốn làm tình với cô ta là gì? Rõ ràng trước đó Rôi đã cố cưỡng bức cô ngay trên con đường chính trước cửa hiệu thuốc tây kia. Không thể chối cãi được. Nó đã cưỡng hiếp cô Ri-dơ!

Bởi những lý lẽ ngụy tạo như thế, họ đã đánh Rôi nhừ tử. Họ dẫm bẹp mũ găng tay, và bẻ gãy cây gậy của chàng, trong lúc cả chục tên tranh nhau ôm chàng lại. Một tên rất hả hê vì cú đấm của hắn đã làm chàng ngã xuống. Trong bọn đứa nào cũng muốn được hưởng cái đặc quyền đánh cho chàng chết.

Nằm trên lề đường, Rôi nhìn thấy bọn da trắng vây quanh chàng. Miệng chàng đầy máu và đôi mắt chàng cháy bỏng. Áo quần nhớp nhúa. Chàng chẳng hiểu vì sao cô Ri-dơ chận chàng lại và hỏi về bản nhạc Xa-rơ-sêit. Bây giờ chàng chỉ biết một điều là chàng không thể trở về nhà với mẹ chàng được nữa.

Một tên nào đó lấy chân lay xác chàng. Tên khác nhổ nước dãi vào mặt chàng. (Có lẽ thằng Sạc-li Mâm-pho, bạn hồi nhỏ của chàng thì phải). Đứa thì thóa mạ chàng là một thằng mọi đen, đứa khác lại đá vào lưng chàng. Rồi cả một bọn đàn ông con trai trên đường bắt đầu la hét vang trời như những thằng điên. Chúng gầm gừ như bầy chó đói, lôi kéo chàng da đen bé nhỏ bằng những sợi giây thắt lưng diễu qua phố rồi đi về phía cánh rừng nhỏ.

Chú da đen bé nhỏ có tên là Rôi Uyn-Ii-ăm đã trào máu và tắt thở. Nhưng tiếng gào thét và những bước chân xào xạc của bọn chúng vỡ tan trong đêm trăng thành hàng ngàn nốt nhạc giống như một bản xô-nát của Bít-tô-ven. Và khi bọn da trắng bỏ đi hết, thì cái xác màu nâu trần truồng đong đưa trên cành cây ở cuối khu phố, chẳng khác nào cây đàn vi-ô-lông được cơn gió thổi thâu đêm dạo lên tiếng nhạc.

LÊ KÝ THƯƠNG dịch
(SH19/6-86)





 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Rồng đá (20/01/2012)
Khasima Bi (09/12/2011)
Cỏ dại (24/10/2011)
Zippo (23/08/2011)