Truyện ngắn
Đất không lối vào
10:19 | 19/11/2012

HẠO NGUYÊN

1.
Khi chiếc xe khách đã khuất phía cuối con đường, anh mới kịp nhận ra là mình đã thực sự tách khỏi cuộc sống cũ, những không gian cũ, những thói quen cũ, những quan hệ cũ, để bắt đầu một cái gì đó hoàn toàn chưa có tiền lệ.

Đất không lối vào
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Trời đang mưa lất phất. Những ngọn cỏ lá cây ướt một màu cô quạnh. Anh đưa mắt nhìn xung quanh: không một dấu vết của con người. Trước kia, nơi đây đã từng là một thị tứ miền núi sầm uất. Nhưng kể từ khi bệnh dịch hoành hành, người ta lần lượt bỏ thị tứ này ra đi. Những người ở lại, hoặc đã chết vì dịch bệnh, hoặc tàn phế, hoặc may mắn không bị dịch bệnh thì cũng bị bóng ma của nó ám ảnh tâm trí mà hóa ngây dại.

Anh xốc túi xách lên vai. Đi!

2.

- Tại sao anh lại phải đến nơi ấy?

Anh nhìn thật sâu vào mắt cô, một đôi mắt trong veo và yên tĩnh lạ thường.

- Thì phải chọn một nơi nào đó để đi chứ.

- Lẽ ra anh có thể chọn một nơi khác để đi. Có rất nhiều con đường để ta chọn đi, có rất nhiều nơi để ta chọn đến. Sao anh lại chọn nơi như thế để đến? Có khi nào anh nghĩ rằng cả cuộc đời anh sẽ phải đánh đổi với lựa chọn này?

Suốt mấy ngày qua, tình cờ làm quen với cô gái, anh và cô đã tâm sự với nhau nhiều điều. Thật lạ lùng là có những người sống cạnh ta cả đời, nhưng hầu như ta không thể nào thổ lộ được một điều gan ruột, nhưng lại có những người tình cờ ngồi bên ta trong một chốc lát của chuyến xe cuộc đời, lại có thể dễ dàng cảm thông và chia sẻ với ta trọn vẹn như thế.

- Em có nghĩ rằng, thực ra, không phải chúng ta đang chọn đường mình đi, mà chính con đường đã chọn chúng ta không?

Cô gái lắc đầu, đôi mắt trong veo và yên tĩnh nhìn anh, rồi chỉ lên trời:

- Em rất thích ngắm mây!

3.

Mưa suốt mấy ngày. Mọi thứ chìm trong ảm đạm. Bùn lầy nhão nhoẹt bám trĩu gót giày, mưa lạnh lẽo gặm nhấm từng phân da thịt, những cơn gió mồ côi nuốt chửng lấy hơi người… Có cảm giác cuộc sống đang thối rữa dần, từng giây từng phút, không cách nào cứu vãn được.

Khi lương khô sắp hết, may sao anh lại gặp túp lều của một bà cụ và bé trai chừng mười lăm tuổi. Lúc đó là buổi chiều. Gió thổi u u qua các tán lá, buồn rã rượi. Đâu đó có con hoẵng lạc mẹ, tác lên mấy tiếng u uẩn. Dừng dưới một gốc cây, châm một điếu thuốc để chống chọi cái âm u buổi chiều, bỗng dưng anh nhận ra trong không khí có mùi xào nấu thức ăn. Trời ơi, mới ba ngày trong rừng, nghe cái mùi ấy, lòng anh quặn lên cảm giác hạnh phúc như mới tìm lại được cuộc sống đã tuột mất cả thế kỷ. Anh định hướng và xăm xăm đi vào một lối đầy những cây dại nở từng chùm hoa trắng tí xíu.

- Bà ơi, có người.

- Ai thế?

Anh dặt dè bước vào mái hiên, không quên gửi chú bé một nụ cười thân thiện.

Tối đó, trong ánh đèn dầu, giữa cái im lặng mênh mông của rừng núi, sau bữa cơm tối, anh lặng lẽ nghe bà lão và chú bé kể chuyện.

- Bố mẹ nó đó.

Bà lão lấy tay quệt nước mắt, chỉ lên bàn thờ. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, anh thấy hai tấm hình của bố mẹ chú bé. Hai khuôn mặt còn trẻ, nhìn anh chăm chú, như hỏi: Người khách lạ kia, anh có biết vì sao chúng tôi phải chết không? Liệu anh có liên quan gì đến dịch bệnh nơi đây và cái chết của chúng tôi không?

Anh khẽ khàng nắm lấy bàn tay chú bé.

- Mười năm rồi! Tôi cứ nghĩ người ta đã lãng quên cái làng này.

Bà lão nhìn anh bằng đôi mắt có phần dửng dưng của một con người đã chịu quá nhiều đau khổ, và tuyệt vọng vì những niềm tin của mình bị sụp đổ quá tàn nhẫn.

- Hồi đó, hàng đoàn bác sĩ tới rồi cũng bỏ đi cả. Có mấy bác sĩ phải gửi xác lại đất này.

Giọng bà lão thì thầm giữa tịch lặng của núi rừng, nghe rờn rợn như một lời nguyền.

- May mà hai bà cháu không bị mắc bệnh. Nhưng đêm đêm nó vẫn tới trước nhà, gõ cửa kêu tên hai bà cháu.

Anh khẽ rùng mình. Đọc báo biết về vùng này đã lâu, nhưng phải đến lúc này, anh mới có cảm giác tương đối rõ ràng về những điều mình sắp đối mặt.

- Rồi bà và cháu làm sao?

- Im lặng, chứ sao? Ai mà trả lời, nó sẽ nhiễm vào người ngay. Cái bệnh quái quỷ ấy không lây qua đường miệng, đường mũi, đường mồm… bình thường, mà nó lây qua ý nghĩ. Chỉ cần ai trả lời nó, nó sẽ lập tức nhập vào trí não, rồi sau đó lây lan toàn thân.

Bà lão thôi không kể, như sợ hãi điều gì, đôi tay già nua gầy guộc ôm đứa cháu vào lòng, mắt nhắm lại, đau khổ và cam chịu.

Đêm đó, anh nằm trằn trọc mãi, cái câm lặng của không gian khiến anh thắc thỏm. Nhớ lời bà lão kể, anh gắng tỉnh táo để nghe ngóng có ai gõ cửa không. Nhưng mọi thứ vẫn yên ắng, sự yên ắng đầy đe dọa. Mãi đến gần sáng anh mới chợp mắt được một tí. Trong chập chờn giấc muộn, anh nghe có ai đó gọi tên mình, và cũng trong chập chờn, anh trả lời:

- Tôi đây.

4.

- Như tôi là khỏe nhất.

Bác lái xe vừa cười, vừa vươn vai cho đỡ mỏi.

- Mỗi chuyến đi đã có một lộ trình, không phải suy nghĩ, không phải định hướng, không phải đắn đo gì cả.

- Như một lập trình?

- Lập trình là cái gì?

- Là một thứ đã được quy định sẵn, cứ thế mà thực hiện.

- Tôi không hiểu lập trình là cái quái gì, nhưng nếu ý cậu là những thằng lái xe như tôi không cần tư duy trên những cung đường của mình thì cậu hoàn toàn sai lầm.

- Thì bác vừa mới nói…

- Ý tôi là tôi không cần phải suy nghĩ để lựa chọn con đường. Có gì để lựa chọn? Tôi chỉ việc rời bến và lái xe đến một bến khác mà lịch đã lên sẵn. Nhưng tôi chọn, trong hành trình đã định sẵn đó, tôi chọn, cách tôi điều khiển chiếc xe này, nơi tôi nghỉ dọc đường, quán cơm mà tôi sẽ đưa khách vào ăn. Tự do của tôi nằm giữa hai điểm đã được quy định sẵn ấy.

5.

Buổi sáng thức dậy, sương mù vẫn còn giăng kín những gốc cây ngọn cỏ. Cậu bé đã dậy từ rất lâu trước anh, đang ngồi nói chuyện với những bông hoa trắng.

- Từ đây vào làng bao xa bà nhỉ?

- Còn xa lắm. Bà không nhớ chính xác, mười năm trời rồi còn gì. Mười năm sống chỉ để lãng quên những điều đã sống.

Bà lão nhìn ra sân:

- Từ khi lên bảy, nó đã biết nói chuyện với lá. Lên mười, nó đã biết nói chuyện với hoa rồi.

Có lẽ cả bà lão và thằng bé cũng là nạn nhân của dịch bệnh. Anh sợ hãi nghĩ trong bụng.

- Trước khi có dịch bệnh, cả làng ai cũng có thể nói chuyện với cây cỏ, chim muông, với trăng và các vì sao, với ánh sáng và bóng tối. Khi dịch bệnh mới bắt đầu, người trong làng bị mất dần các khả năng ấy. Nhưng chúng tôi vẫn sống được. Đến khi dịch bệnh thật sự bùng phát, không chỉ không nói chuyện được với những thứ ấy, mà người làng còn không thể nói chuyện với nhau, rồi tay chân mặt mày biến dạng, rồi chết. Sợ nhất là nhìn xác những người chết, không ra hình hài con người nữa. Ngay cả người trong gia đình cũng không dám nhận xác người thân.

Anh choáng váng vì những lời bà lão kể. Anh không biết, rốt cuộc là mình sẽ đối mặt với cái gì đây. Hay là anh đang đối mặt với chính dịch bệnh ấy, hiện diện trong bà lão và đứa bé? Phải mất một lúc lâu sau, khi bà lão dừng lời, đôi mắt rưng rưng nhìn đứa cháu, anh mới nói:

- Sao bà và cháu không đi hẳn khỏi nơi này?

- Sau khi bố mẹ nó mất, giữa đêm, hai bà cháu dắt díu nhau tìm đường ra khỏi làng. Nhưng đến nơi này thì thằng bé ngã bệnh. Đến khi thằng bé khỏe lại thì hai bà cháu hiểu rằng không thể đi khỏi đây được.

- Sao vậy bà?

- Như thế là chạy trốn.

Anh im lặng nhìn bà lão run rẩy lấy tay chùi nước mắt.

- Sống cũng được, chết cũng xong, nhưng chạy trốn thì nhục lắm!

6.
 

Minh Họa: Đặng Mậu Tựu

- Anh sẽ làm gì ở đó?

Cô gái nhìn anh trìu mến. Anh bối rối ngắt một ngọn cỏ.

- Việc đầu tiên có lẽ là tìm hiểu căn nguyên dịch bệnh.

- Nhưng nhiều đoàn bác sĩ đã đến và quay về. Thậm chí một số bác sĩ đã chết. Họ hoàn toàn bất lực. Anh có thể làm gì khác?

Đến lượt anh nhìn cô, ánh nhìn của anh sượt qua bờ vai thanh mảnh, rồi dừng lại ở một nhánh hoa rừng đang đong đưa trong gió.

- Anh không nghĩ sự bất lực của con người là vĩnh cửu.

Hành khách vẫn đang tranh thủ chợp mắt dưới những bóng râm ven đường. Họ đang mơ gì? Có ai cùng chung giấc mơ với tôi? Câu hỏi ấy khiến anh bàng hoàng nhận ra rằng bản thân anh cô độc kinh khủng.

- Nhưng… chỉ có mình anh, liệu rằng…?

Giọng cô chùng xuống. Anh không nghĩ rằng cô sắp khóc. Đôi mắt trong veo và yên tĩnh ấy không nên có nước mắt.

- Có lẽ ban đầu thì thế. Nhưng biết đâu sẽ có nhiều người khác đến sau anh?

Thực ra anh biết mình đang tự phủ dụ. Và anh biết cô cũng hiểu điều đó.

Trong hành trình này, anh hoàn toàn không có đồng hành.

Cô lại nhìn lên bầu trời. Áng mây khi nãy đã bay đi mất, để lại một khoảng xanh rợn mắt. Cô cứ nhìn mãi vào khoảng xanh bất tận ấy, như đang tìm lời cho một ý nghĩ, khuôn mặt thông minh và thánh thiện ngời sáng như được tạc bằng thứ đá quý. Bỗng dưng anh thấy bình thản lạ lùng, anh lại châm một điếu thuốc, và ngồi ngắm rèm mi cong vút của cô.

Sau một lúc im lặng, mà anh tưởng chừng đủ lâu để một mùa đi qua mặt đất mênh mông này rồi quay trở lại, cô nhìn anh:

- Điều quan trọng nhất không phải là chúng ta lựa chọn cái gì, mà là cái tâm thế của chúng ta khi dấn thân vào lựa chọn ấy.

Anh lại nhìn vào mắt cô, trong khoảnh khắc ấy, anh thấy cả thế giới nằm trọn trong đôi mắt trong veo và yên tĩnh lạ thường của cô.

7.

Anh không nói với bà lão và cậu bé là anh đi vào làng.

- Cháu chỉ đến để điều tra tình hình. Việc tiêu diệt dịch bệnh sẽ có kế hoạch sau.

Anh biết chắc chắn điều mình đang nói là cần thiết. Không phải lúc nào chúng ta cũng có quyền nói thật.

- Thì bà cũng chỉ mong có thế, cậu ạ. Mười năm rồi còn gì. Không biết liệu bà có còn sống được đến lúc nó bị diệt hay không.

Nắng đã bắt đầu len qua được những tán lá rậm rạp, anh mường tượng một con đường đầy gai góc và còn đẫm sương đêm đang chờ mình phía trước.

Trước khi anh ra khỏi nhà, bà lão còn kịp giúi cho anh mấy củ khoai nướng còn nóng hổi:

- Cậu đem theo dọc đường mà ăn.

Anh bịn rịn cầm tay bà:

- Dạ.

Anh đi. Con đường um tùm trước mặt. Túp lều hai bà cháu xa dần sau lưng, rồi khuất hẳn trong sương sớm. Lúc chuẩn bị ra khỏi ngã rẽ vào nhà hai bà cháu, anh giật bắn mình khi nghe một giọng nói:

- Xin chào!

Anh nhìn quanh, không có ai. Chẳng lẽ… Bất giác anh rợn tóc gáy.

- Chào anh!

Giọng nói lại khẽ khàng vang lên. Anh mất mấy giây mới định thần lại được trước khi nhận ra một cành hoa trắng đang sà xuống trước mặt anh:

- Xin chào anh!

Chiếc xe đều đều lăn bánh trong đêm, như không có gì để vội vàng. Từ đầu hôm đến giờ, chiếc xe đi qua những cung đường hoàn toàn vắng vẻ, suốt hai bên là những cánh đồng mông quạnh. Dường như cả nhân loại đã rút lui vào cố thủ trong giấc ngủ của mình, để mặc vầng trăng mênh mông với cái im lặng đầy bí nhiệm của thiên nhiên.

Cô gái ngồi bên anh, nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ. Anh thở thật khẽ để lắng nghe hơi thở của cô. Tại sao việc ấy lại đem tới cho anh một cảm giác dễ chịu và bình an? Dưới ánh trăng, khuôn mặt thanh tú của cô càng trở nên huyền hoặc, đôi lúc anh cứ ngỡ mình đang bị ảo giác.

- Còn bao lâu nữa thì anh đến nơi ấy?

Anh bối rối khi chạm trong gió mùi thơm của cơ thể cô. Anh biết, nếu muốn, anh có thể nắm lấy làn hương trinh bạch ấy trong những ngón tay của mình. Nhưng như thế thật khiếm nhã.

- Có lẽ khoảng chừng một hay hai ngày nữa.

Cô cúi xuống nhìn đôi bàn tay, nói rất khẽ:

- Liệu chúng ta còn có thể gặp nhau?

Anh những muốn nắm lấy bàn tay thon mảnh, trắng muốt của cô thay vì trả lời.

- Cuộc sống nhân hậu lắm. Nếu chúng ta thực sự khao khát một điều gì đó, rất có khả năng cuộc sống sẽ giúp điều đó trở thành hiện thực.

Xe đang đi ngang một vùng đầm lầy, thảng thốt tiếng vỗ cánh của một loài chim nước khi nghe động cơ ầm ì.

- Phần lớn những người mang khát khao trong mình là những người cô đơn.

9.

Trời thật oi bức. Anh lấy khăn lau mồ hôi.

- Chắc chắn chiều nay sẽ có giông. Anh nên cẩn thận. Giông sẽ kéo theo lũ rừng.

- Vâng, tôi biết.

- Nếu không vội, anh có thể ngủ lại đây, sáng mai hẵng đi.

- Không. Tôi phải đi. Thời gian không cho phép.

- Chúng tôi có một triết lý rất đơn giản: đừng đến sớm, đừng đến muộn, hãy đến khi trái cây vừa chín tới.

Bầu trời đã nặng trĩu những đám mây đen. Có tiếng sấm đì đùng.

- Những đoàn người đến trước đây thất bại là vì họ đến không đúng thời điểm. Họ không hiểu rằng những người họ muốn cứu lại chưa sẵn sàng để được cứu, dịch bệnh họ muốn tiêu diệt lại chưa đúng lúc để tiêu diệt, và quan trọng hơn, chính họ cũng hoàn toàn không ý thức được rằng họ đã thật sự sẵn sàng cho sứ mệnh ấy chưa.

- Nhưng rõ ràng là họ không thể ngồi chờ.

- Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của họ.

Anh nhăn mặt. Cuộc tranh luận này sẽ chẳng đi đến đâu.

- Tôi sẽ còn phải đi bao xa nữa?

- Từ đây, anh cứ đi thẳng về hướng Tây, qua chín cánh rừng mà chúng tôi gọi là Bầy Quạ, qua chín con suối mà chúng tôi gọi là Lũ Chuột, qua chín hang động mà chúng tôi gọi là Đám Hổ Mang, lúc đó anh sẽ đến con đường hầm vào làng.

- Đường hầm?

- Làng nằm trong một thung lũng, tứ bề là núi cao. Lối vào làng là một hang động được khoét thông, trở thành đường hầm. Tuy nhiên, sau khi không ngăn chặn được dịch bệnh, người ta đã cho nổ mìn để lấp đường hầm, nội bất xuất ngoại bất nhập, chỉ có cách ấy mới ngăn dịch bệnh lây lan ra khỏi ngôi làng.

- Vậy làm sao tôi vào được?

- Vẫn có một con đường khác. Anh phải trèo qua ngọn núi mà đường hầm ấy xuyên qua. Ngọn núi rất cao. Đường đi sẽ rất gian nan, hầu như người thường không qua nổi. Ngày xưa, sau khi lấp đường hầm, người ta đã thử dùng trực thăng để bay lên đỉnh núi nhằm quan sát ngôi làng nhưng trực thăng cũng không thể lên đến đỉnh núi. Ở đó gió rất mạnh, thổi bạt những chiếc máy bay. Không ai có thể biết nó cao bao nhiêu. Chúng tôi thường gọi nó là Ngọn Tuyệt Vọng.

Anh cảm thấy mệt mỏi. Đầu óc mụ đi, hai mắt ríu lại. Và anh tựa lưng vào thân cây, ngủ lúc nào không hay.

Khi anh tỉnh giấc thì trời đã xế chiều. Tán lá quanh anh còn đẫm ướt, chứng tỏ vừa mưa xong. Anh bối rối nhìn xung quanh thì mới biết mình đang ở trên một chạc ba của cây đại thụ, nhìn ra xa, anh thấy con suối mà anh định vượt chiều nay đã biến thành một dòng sông mênh mông và cuồn cuộn nước lũ réo gào.

- Tôi đói bụng.

- Ngồi yên đây nhé, tôi kiếm ít trái cây cho anh. Tốt nhất là nương tựa vào thiên nhiên, thiên nhiên lúc nào cũng giàu có và bao dung.

Anh nhìn kẻ đối thoại phóng qua một cành cây và thoăn thoắt chuyền từ lùm cây này sang lùm cây khác. Bất giác, anh phì cười. Hoàn toàn không thể gọi đó là “kẻ” được.

Kẻ là danh xưng dành cho con người.

Trong khi, đây lại là một con khỉ. Một con khỉ, theo nghĩa đen. Nhưng không hiểu sao nó nói được tiếng người.

Hay là, không hiểu sao, anh nói được tiếng khỉ.

10.

Chuyến xe dừng lại bên một dòng sông, bác tài xế hào hứng bảo:

- Đường còn dài lắm. Mọi người xuống tắm rửa cho mát mẻ tỉnh táo, nhé!

Anh lặng lẽ ngồi ngắm khi cô xuống sông. Làn da trắng như hoa sứ hiện lên khi cô xắn ống quần, bước xuống vùng nước nông để rửa mặt. Anh ước anh là những giọt nước ấy, để chạm vào đôi mắt dịu dàng của cô, chạm vào bờ môi mềm mại cô, chạm vào vùng cổ cao thanh thoát của cô. Anh ước khoảnh khắc này là vĩnh cửu, để anh được ngắm nhìn như thế, hoàn toàn lãng quên mọi day dứt vì hành trình này.

Sau khi ăn bữa trưa đã mua sẵn dọc đường, mọi người nằm nghỉ trên vệ cỏ. Anh và cô đang ngồi dưới bóng râm của một cây phượng thì bác tài xế đến cạnh anh, vỗ vai:

- Ông ta kìa.

Anh và cô gái cùng nhìn ra hướng ngón tay của bác tài xế: giữa dòng, có một chiếc thuyền nhỏ, và một người đàn ông đang quăng lưới.

- Câu chuyện về ông ta là câu chuyện lạ đời nhất mà tôi từng nghe.

Trời thật xanh và cao, những làn gió nhẹ mang hơi nước khiến cơ thể anh rã ra một cách sảng khoái. Ngồi bên cạnh nàng, anh muốn được vùi mặt vào mái tóc của nàng, để chiếm hữu đầy ngực mùi cây trái thơm tho trong từng sợi tóc, để được tan đi trong nỗi khao khát yêu thương mà suy nghĩ về sự ngắn ngủi của chuyến đi khiến anh không dám thể hiện.

Cô quay sang anh, cười dịu dàng. Nhưng trong ánh mắt cô, anh thấy nỗi xót xa lẩn khuất. Lòng anh lại quặn thắt. Anh muốn đến run người được nắm tay cô, và nói với cô rằng trong tình cờ ngắn ngủi này, họ vẫn có thể tìm được một thiên thu. Nhưng rõ ràng, anh không được phép nói điều đó. Anh hiểu, ranh giới giữa tình yêu và nỗi bất hạnh là rất mong manh.

Chính bởi vậy, anh nhắm nghiền mắt, bàn tay run run bấu chặt một nắm cỏ.

11.

Theo hướng dẫn của con khỉ, anh đi về hướng Tây, xuyên qua những cánh rừng rậm rạp, có lẽ đã như thế từ thuở hồng hoang, xuyên qua những bình minh và những hoàng hôn hun hút, có lẽ đã như thế từ thuở khai thiên lập địa.

Anh đã đi, qua bảy cánh rừng mọc đầy một loại hoa màu đen và có mùi cháy khét của lông thú mà anh gọi là Bảy Tai Ương, qua bảy con suối có nước màu vàng da nướng và xộc lên mùi xác thối rữa mà anh gọi là Bảy Ám Ảnh, qua bảy hang động âm u mà cửa vào hang có hình thù của đầu bảy loại rắn mà anh gọi là Bảy Diệt Vong.

Phía trước anh vẫn còn hai cánh rừng, hai con suối, hai hang động.

Và anh chưa biết anh sẽ gọi tên nó như thế nào.

12.

Bác tài xế kể:

- Tôi làm quen với ông ta lần đầu tiên khi tôi đi chuyến thứ năm trên tuyến này. Lúc đó tôi mới khoảng hai mươi tuổi. Bây giờ tôi đã trên năm mươi. Nhưng có một điều hết sức lạ lùng là ông ta vẫn như thế, hơn ba mươi năm rồi mà ông ta không hề già đi. Bao giờ nhìn ông ta cũng cỡ khoảng năm lăm, năm sáu tuổi. Tôi đoán rằng vào cái tuổi ấy, ông ta đã đạt được một trạng thái nào đó trong tâm linh, để có thể đứng bên ngoài thời gian. Sau này có dịp nói chuyện với ông ta, tôi mới biết là ông ta đã dừng lại cái tuổi ấy cách đây rất lâu rồi. Tôi đoán ít nhất phải trăm năm trước. Và tôi biết, chắc chắn, ông ta không hề nói dối.

- Vậy ông ta làm gì suốt hơn trăm năm trên khúc sông này?

Anh đăm chiêu nhìn ra dòng sông, lòng đầy ngạc nhiên.

- Em đoán là hơn cả trăm năm đấy. Có khi cả mấy thế kỷ rồi.

- Rất có thể là đã muôn năm trước. Ngày xưa, ông ta ở một nơi khác, tít ở một nơi rất xa, mà ông ta gọi là Miền Không Gốc Tích. Theo lời ông ta kể, đó là một vùng đất mà chúng ta có thể gọi là thiên đường. Tuy nhiên, ông ta đã bỏ vùng đất ấy để ra đi.

- Vì sao?

- Ông ta đã yêu. Một hôm ra dòng sông đầu làng, ông gặp một người con gái đến từ vùng khác. Phụ nữ ở làng ông đều có nước da trắng, từ muôn đời. Riêng cô gái có nước da nâu nhạt. Cô đẹp khiến ông tê dại từ cái nhìn đầu tiên. Cô nói với ông là quê ở vùng biển. Lần đầu tiên ông nghe từ “biển”. Cô nói là do mải đi theo một đàn cá mà cô qua khỏi cửa sông và lạc đến nơi này, đàn cá đó đến bến sông này thì biến mất.

Chàng trai nhìn cô gái. Lòng chàng nao lên cảm giác được ôm lấy nàng, được quyện chặt lấy cơ thể của nàng, được bao phủ bởi hương thơm tỏa ra từ làn da nâu nhạt của nàng. Trái tim của chàng thắt lại, đau đớn và hạnh phúc khi nhìn khuôn mặt của nàng, khi nghe giọng nói của nàng, khi nhìn mái tóc của nàng. Chàng nghe cô gái kể về vùng quê biển của nàng mà không lời nào lọt vào tai cả. Toàn bộ sự sống của chàng tràn ngập hình ảnh nàng, không thứ gì có thể chen vào nữa. Toàn bộ sự sống của chàng đã đủ đầy khi có nàng.

Chàng dẫn nàng đi tìm đàn cá thần tiên ấy. Nhưng chính chàng cũng không hề biết là đàn cá ấy ở đâu, và thậm chí nó có thật hay không. Nhưng chàng vẫn dẫn nàng đi tìm dọc theo khúc sông quanh làng. Và tự một lúc nào đó, không hay, bàn tay của nàng đã nằm trong tay chàng, hai người không tìm kiếm đàn cá nữa.

Trưa hôm ấy, trong một góc vườn có mùi lan thoang thoảng, giữa những khóm tường vi len kín, trên thảm cỏ xanh mượt, chàng và nàng đã có nhau. Họ đã khóc, vì cả hai đều có cảm giác rằng định mệnh đã sắp đặt suốt hai mươi năm nay để họ có buổi trưa này. Sau những giây phút ấy, chàng ôm nàng vào lòng. Nàng vùi mặt vào ngực chàng, ngủ như trẻ thơ. Quanh họ chỉ có tiếng chim oanh líu lo, tiếng gió rì rào qua tán lá… Và chàng cũng chìm vào giấc mộng với một cơ thể thơm ngát bên cạnh mình.

Khi chàng tỉnh dậy thì nàng không còn ở đó. Không một lời từ biệt, không một kỷ vật cho lần gặp gỡ, nàng đã biến mất. Nhưng nàng đã kịp để lại một vết cắn trên vùng ngực trái của chàng, mà mỗi khi quá nhớ nàng, vết cắn ấy lại đỏ rực lên, hằn rõ dấu hàm răng ngọc để lại trong tột đỉnh hạnh phúc. Mỗi khi quá nhớ nàng, vết cắn ấy lại đau nhói.

Mấy ngày sau, không thể chịu đựng nỗi nhớ nàng, chàng đã bỏ làng ra đi, bỏ Miền Không Gốc Tích ra đi, về vùng biển, để tìm nàng.

Và chuyến đi ấy kéo dài đến tận bây giờ.


13.

Người A nói, giọng chua chát:

- Lẽ ra chúng ta đã có thể đi khỏi nơi đây, nếu lúc ấy các anh nghe lời tôi. Cuối cùng các anh được gì? Chỉ vì sợ hãi mà các anh đã bỏ qua cơ hội duy nhất. Các anh bảo tôi là kẻ hèn nhát khi giũ bỏ trách nhiệm để chạy trốn. Nhưng thực chất các anh cũng là kẻ hèn nhát khi không dám đào tẩu để bảo vệ mạng sống của mình.

Người B nói, giọng mệt mỏi:

- Bây giờ có nói gì thì cũng muộn rồi. Suốt mấy năm qua, chúng ta đã tranh cãi mãi về chuyện này, có giải quyết được gì đâu?

Người C nói, giọng gay gắt:

- Tôi thà chết còn hơn chịu nhục khi vì tham sống mà từ bỏ chức trách của mình. Đến giờ, dù không tiêu diệt được bệnh dịch, tôi vẫn thanh thản vì không chịu đầu hàng.

Anh lặng lẽ ngồi nghe họ tranh luận, không dám chen vào một lời, dù sao chăng nữa, đó hoàn toàn là câu chuyện nội bộ của ba ông bác sĩ này.

Người A hằn học:

- Anh nói hay lắm. Anh đề cao trách nhiệm, nhưng anh hoàn toàn bất lực khi phải giải quyết vấn đề. Anh cứ nghĩ rằng chỉ cần đề cao trách nhiệm là đã được vinh danh, là đã được mọi người xưng tụng ư? Thật buồn cười. Chỉ có những kẻ ngốc mới đâm đầu đi nhận một nhiệm vụ mà thừa biết là mình không đủ khả năng để giải quyết.

Người C nói, đượm buồn:

- Thực ra khi được giao nhiệm vụ này, tất thảy chúng ta đều chưa hình dung được chúng ta sẽ phải đối đầu với cái quái quỷ gì. Nhưng nếu chúng ta thoái lui, thì ai sẽ làm nhiệm vụ này thay chúng ta? Có thể các anh bảo tôi mù quáng. Đúng, nhưng tôi không tàn nhẫn. Tôi chấp nhận vào chốn này, vì tôi không muốn để người khác phải chết khi nhận một nhiệm vụ không phải của họ.

Người B nhìn xuống đất, trầm ngâm:

- Ước gì lúc đó chúng ta có trang thiết bị đầy đủ hơn, có lẽ mọi việc sẽ khác.

Người A nhìn anh, mỉa mai:

- Chúng tôi không phải là những kẻ bất tài. Nhưng cậu thấy đấy, đây là thứ dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Cậu hiểu chứ? Chưa từng có. Nghĩa là chúng tôi không hề biết căn nguyên, triệu chứng và diễn biến của nó, không hề biết phải dùng thuốc gì, phác đồ điều trị ra sao. Và đau đớn hơn, không hề biết mình phải phòng bệnh như thế nào để khỏi bị nó tấn công trước khi tấn công nó. Vậy mà chúng tôi vẫn phải đâm đầu vào cái làng ấy. Một sứ mệnh tàn nhẫn! Ấy thế mà khi tôi đề nghị bỏ về vì không thể làm gì được trước dịch bệnh, hai ông bạn này lại xỉ vả tôi. Một người bảo tôi là hèn nhát, một người bảo tôi ráng chờ đợi, biết đâu lại gặp may mắn gì. Chỉ toàn những kẻ cố chấp một cách mù quáng, những kẻ nuôi chủ nghĩa hy vọng đầy màu sắc dị đoan. Mấy năm rồi mà họ vẫn không sáng mắt ra.

Người A dừng một lát, rồi chỉ vào anh:

- Bây giờ lại có thêm một tín đồ của chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Này, cậu đã chuẩn bị gì cho cái chết của mình chưa? Nếu chưa thì tôi sẽ giúp cho, tôi sẽ đào trước cho cậu một cái hố.

Anh suýt nổi cáu, nhưng rồi chỉ nhìn lại và cười:

- Nếu tôi chết thì có lẽ tôi không cần cái hố nào đâu. Cảm ơn anh.

Người B nói:

- Thật tình tôi khuyên cậu đừng đi vào đó. Cậu không hình dung được đâu, tất cả những gì khủng khiếp nhất mà cậu từng biết cũng chẳng nhằm nhò gì so với những điều cậu sẽ gặp phải trong cái làng ấy.

Người B dừng một lát, rồi bối rối gãi đầu:

- Nhưng biết đâu, cậu sẽ gặp một may mắn nào đó, một cơ hội nào đó để tìm ra cách điều trị, như Archimedes ngày xưa tìm ra lực đẩy của nước vậy…

Người A bĩu môi:

- Vứt mẹ cái chủ nghĩa ảo vọng của anh đi cho tôi nhờ. Tôi phát ốm vì nó rồi.

- Anh bạn, người C nói, anh A nói có lý, mặc dù tôi văng tục vào chủ
nghĩa cá nhân vị kỷ của anh ta, anh ta có lý là cậu không thể đi vào làng chỉ với một ý chí suông. Cậu cần phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều người, đặc biệt là chính quyền, phải được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế hiện đại, phải có kế hoạch, thậm chí phải mời chuyên gia nước ngoài. Một mình cậu sẽ không làm gì được đâu. Tất nhiên, tôi không mong phải đào cho cậu một cái hố.

Người A chế giễu:

- May là anh không bảo cậu ta cứ vào làng đi, rồi sẽ được tuyên dương. Này, anh bạn, chúng tôi còn được báo đài đưa tin, nhưng cậu thì không đâu nhé, vì cậu hoàn toàn đơn độc.

Người B gật gù:

- Đúng, cậu hoàn toàn đơn độc.

Rồi ngẫm nghĩ một lát, người B tiếp:

- Mà không chỉ có cậu, tôi cũng thế, tôi cũng đơn độc. Tất cả chúng ta đều đơn độc, ngay cả khi chúng ta tập hợp lại với nhau, cũng chỉ để nhân sự đơn độc lên nhiều lần, hoàn toàn không giải quyết được vấn đề gì.

Anh mệt mỏi đứng dậy, lặng lẽ chào ba người đàn ông. Anh không hy vọng gì sẽ được họ giúp sức hay khuyên nhủ trước khi vào làng. Anh phải đi. Một mình.

Đường còn chưa biết bao xa, mà bóng chiều đã nghiêng về phía Tây phân nửa.

14.

Chàng lên một con thuyền và cứ thả trôi theo dòng sông, trôi theo những thác ghềnh. Chàng cần đi về hướng mặt trời mọc. Quê hương nàng ở đó. Biển!

Một buổi sáng lộng lẫy, mở òa ra trước mắt chàng là vùng trời nước mênh mông xanh thẳm. Suốt ngày đó, chàng chèo thuyền men theo bờ biển, vào các làng để tìm nàng, nhưng hoàn toàn bất lực. Làng này chỉ qua làng kia, vùng này chỉ qua vùng nọ. Chàng đã vào ba trăm lẻ ba ngôi làng ven biển, lên ba trăm lẻ ba hòn đảo, qua ba trăm lẻ ba vùng đất. Nhưng không ai biết nàng, không ai giống nàng, không ai có vẻ như mang dòng máu cùng với nàng.

Chàng đi mãi, thấm thoắt đã hơn mười năm. Bây giờ chàng đã ngoài ba mươi tuổi. Một hôm, chàng gặp một bà lão đánh cá trên một bãi biển vắng, nghe chàng kể về nàng, bà bảo:

- Ta biết rồi. Cô ấy không phải là người bình thường. Cậu bảo cô ấy tự bơi đến bến sông làng cậu mà không cần thuyền bè, đúng không? Cô ấy thuộc dòng họ người cá đấy. Khi lên bờ thì có hình hài như người thường, nhưng khi xuống nước thì đôi chân biến thành đuôi cá.

Chàng chăm chú lắng nghe, vết cắn nơi ngực trái lại đỏ rực lên, đau nhói.

- Thế dòng họ cô ấy sinh sống ở đâu?

- Lâu lắm rồi, có lẽ cả mấy trăm năm nay, người ta không còn gặp dòng họ ấy nữa. Người trên đất liền căm ghét dòng họ ấy vì họ quá xinh đẹp, quá thánh thiện, quá tài giỏi. Ghen tỵ với dòng dõi thanh cao ấy, người đất liền phao tin rằng nhân ngư là phù thủy, uống máu người và ăn thịt trẻ em. Họ bị xua đuổi khỏi các làng chài ven biển, ra sinh sống ở các hòn đảo. Nhưng dần người đất liền cũng tiếp tục xua đuổi họ ra khỏi các hòn đảo. Họ phải lên thuyền đi đến một nơi hoàn toàn không ai biết, để được sinh sống yên ổn.

- Nơi ấy ở đâu vậy bà?

- Ta không biết, nhưng chắc chắc rất xa, nơi những con thuyền của người bình thường không bao giờ đến được. Nghe người xưa kể lại là chỉ có nhân ngư mới quay trở lại nơi này, còn không ai có thể biết họ ở đâu, và có biết cũng không thể nào đi đến nơi ấy. Chúng tôi gọi đó là Biển Ngoài Tầm Với.

Chàng trai lại dong buồm, đi về hướng đông. Những chiếc thuyền chàng gặp trên mặt đại dương đều không biết Biển Ngoài Tầm Với ở đâu. Chưa ai từng gặp người nào như nàng. Mọi câu hỏi của chàng chỉ được trả lời bằng những cái lắc đầu.

Nhưng chàng vẫn không bỏ cuộc, chàng tiếp tục dong buồm, đi về nơi mặt trời thức dậy mỗi ngày. Chàng tin rằng chàng sẽ gặp nàng.

Sau bao nhiêu năm lênh đênh trên mặt đại dương, chàng trai cho thuyền vào một vùng đất liền, đến lúc ấy chàng nhận ra đây chính là nơi mình gặp bà lão năm xưa. Hỏi ra thì bà lão đã mất. Đã mười lăm năm nữa trôi qua, bây giờ chàng đã ngót nghét năm mươi tuổi.


- Hoàn toàn không thể gọi là chàng trai được nữa.

Cô gái cười buồn. Anh nhìn ông lão đang ngồi bất động trên thuyền câu.

- Vậy là ông ấy không tìm được nàng?

- Sau khi nhận ra rằng mình không bao giờ tìm ra được nàng nữa, ông ngược thuyền về quê. Nhưng làng ông đã dời đi nơi khác sau một biến cố khủng khiếp. Ông trở thành kẻ không quê hương. Cuối cùng ông cập thuyền tại bến sông này, làm nghề chài lưới kiếm sống qua ngày.

Kể cả đến lúc ấy, vết cắn trên ngực trái vẫn không ngừng đau nhức, đặc biệt là mỗi đêm khuya. Nó vẫn rực sáng lên, nhói trên da thịt ông, không cho ông yên. Ông ôm ngực, thì thầm:

- Ta biết nàng giận ta, nàng chờ ta. Nhưng ta đã đi giáp một vòng trái đất mà vẫn không thể tìm ra nàng. Hãy tìm cách thông tin cho ta biết nàng ở đâu, ta sẽ lại lên đường.

Đêm đó, trời đang giữa mùa mưa gió mà bỗng tạnh vắng khác thường. Vầng trăng sáng trong và thanh thản. Ông ra ngoài mũi thuyền, ôm ngực, vẫn thì thầm như đang trò chuyện với nàng. Vết cắn trên ngực mỗi lúc một nóng rực, một đau đớn, đến khi ông suýt ngất đi vì đau đớn tột độ thì nàng xuất hiện.

Từ vết cắn sáng rực trên ngực trái của ông, nàng bay ra, ban đầu như một làn hơi mỏng, sau tụ dần thành một hình hài, và khi ông kịp định thần thì đã thấy nàng ngồi bên cạnh ông, tựa vào vai ông. Ông cảm nhận rất đủ đầy rằng nàng vẫn dịu dàng, vẫn xinh đẹp, vẫn thơm ngát như xưa. Nàng không hề già đi.

Niềm hạnh phúc bóp nghẹt tim ông, nước mắt ông giàn giụa, ông nắm lấy tay nàng, bàn tay nhỏ bé nằm trong đôi tay chai sần:

- Ta đã đi tìm nàng suốt bao nhiêu năm qua. Nàng đã ở đâu, đã đi đâu, sao mãi bây giờ mới cho ta gặp lại. Nàng có biết ta đã trải qua những năm tháng tuyệt vọng như thế nào không?

- Em vẫn ở đây, chưa từng đi đâu xa anh.

- Ở đây?

- Vâng

Nàng cười trẻ thơ, trách yêu ông:

- Anh không hề yêu em. Em đã ở lại đây, ngay trong vết cắn này, nhưng anh không hề hay biết. Mỗi lần thấy anh bắt đầu một hành trình, em đã báo hiệu rằng anh đang đi sai đường bằng cách làm vết cắn đau nhức, nhưng anh không hề biết, anh đã không yêu em như em tưởng.

Nàng hôn lên những sợi tóc đã điểm sương của ông, hôn lên những nếp nhăn trên vầng trán của ông, hôn lên những giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông sống trong tuyệt vọng suốt hơn ba mươi lăm năm nay. Còn ông thì chỉ biết im lặng, lắng nghe giọng nói của nàng, lắng nghe hơi thở của nàng, lắng nghe làn hương của da thịt nàng…

­
- Kể từ đó ông ấy không già đi nữa?

- Đúng vậy.

- Ông ấy có thể bất tử chăng?

- Còn nàng ở đâu? Nàng có ở với ông ấy không?

- Nàng vẫn ở với ông ấy, ngay trong vết cắn trên ngực trái, đó là cách tốt nhất để ông có nàng và cũng là cách tốt nhất để bảo vệ nàng.

- Đã có ai được gặp nàng chưa?

- Ông ấy kể với tôi là ông ấy và nàng rất kín đáo. Nàng chỉ bước ra khỏi vết cắn khi chỉ có mình ông trên thuyền, và chỉ xuất hiện vào đêm khuya.

- Tuy nhiên, rất có thể một chiếc thuyền câu khuya nào đó đã gặp may?

- Anh có muốn được nhìn thấy nàng tiên cá ấy không?

Câu hỏi của cô gái khiến anh tê tái. Làm sao anh có thể nói với cô rằng anh cũng muốn như con người hạnh phúc kia, được giữ trọn vẹn tình yêu trong trái tim mình, được giữ suốt đời người yêu thương nơi ngực trái của mình?

15.

Anh đi tiếp qua hai cánh rừng luôn giăng bẫy sương mù để đánh lạc hướng anh, mà anh gọi là Hai Lừa Lọc; qua hai con suối mà mỗi ngụm nước uống vào đều có thể khiến mất hoàn toàn trí nhớ, mà anh gọi là Hai Xóa Sổ; qua hai hang động mà hơi lạnh từ đá tỏa ra sẽ khiến chân tay tê liệt nếu chạm phải, mà anh gọi là Hai Áp Chế.

Ra khỏi hang động cuối cùng, đi chừng mươi phút nữa, anh bắt gặp bên vệ đường, ba nấm mộ với ba phiến đá nhỏ làm bia, với những vết khắc vội vàng, gần như cẩu thả:
 

Bác sĩ A

Chết ngày tháng

Bác sĩ B

Chết ngày tháng

Bác sĩ C

Chết ngày tháng


16.

Chiếc xe đi trong đêm mưa tầm tã. Nhìn ra ngoài khung cửa kính chỉ thấy một không gian trắng xóa vô
nghĩa. Trong xe, mọi người gà gật ngủ.

- Anh không ngủ ư?

Cô gái gấp cuốn sách đang đọc, quay sang nhìn anh, giọng âu yếm. Anh cảm giác trái tim mình đang được lấp đầy bởi ánh nhìn ngọt ngào của cô.

- Đi xe trong cơn mưa như thế này mà ngủ thì lãng phí quá.

- Cứ như đi trong sự cô tịch triền miên.

- Một sự cô tịch dễ chịu!

Suốt từ đầu hôm đến giờ, khi chiếc xe đi vào vùng mưa, tâm hồn anh như được gột sạch khỏi những lo âu về hành trình sắp đến. Anh ngắm rèm mi cong vút trên đôi mắt trong veo và yên tĩnh lạ thường
của cô:

- Em đang đọc gì đấy?

- Kahil Gibran anh ạ.

Cô lật cuốn sách ra, và đọc nho nhỏ cho anh nghe một đoạn:

“But if you love and must have desires, let these be your desires:

To melt and be like a running brook that sings its melody to the night.

To know the pain of too much tenderness.

To be wounded by your own understanding of love;

And to bleed willingly and joyfully.

To wake at dawn with a winged heart and give thanks for another day of loving”[i]


Anh lắng nghe chất giọng sâu thẳm và đầy cảm xúc của cô. Anh bất ngờ nhận ra rằng thơ Gibran qua giọng đọc của cô bỗng mang những sắc màu mới mà trước đây anh chưa hề cảm nhận được.

“And beauty is not a need but an ecstasy.

It is not a mouth thirsting nor an empty hand stretched forth,

But rather a heart enflamed and a soul enchanted.

It is not the image you would see nor the song you would hear,

But rather an image you see though you close your eyes and a song you hear though you shut your ears.

It is not the sap within the furrowed bark, nor a wing attached to a claw,

But rather a garden for ever in bloom and a flock of angels for ever in flight”[ii]


Anh thiêm thiếp ngủ giữa những âm thanh bồng bềnh của cô gái và Kahil Gibran. Anh mơ thấy mình đang bơi thuyền trên một mặt hồ xanh trong, quanh bờ hồ trổ đầy những đóa bồ công anh, và trên mặt hồ, một đôi thiên nga đang tình tự.

Chiếc xe vẫn băng đi trong cơn mưa triền miên, như không hề có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Anh ngủ thật yên lành, thoảng qua trong giấc ngủ một mùi hương xa vời.

Trong giấc ngủ giữa đêm mưa ấy, có một giây lát, ngực trái của anh bỗng nhói đau.

Anh bừng tỉnh, đúng lúc đôi môi cô vừa rời khỏi khuôn mặt anh.

Hơi ấm của nụ hôn vẫn còn trên mắt anh, trên gò má anh.

Và, anh thấy, cô khóc.

17.

Trước mặt anh là một ngọn núi cao vút mà nhìn mỏi cổ vẫn không thấy đỉnh. Mây trắng che mù phía trên kia. Ngọn Tuyệt Vọng!

Anh bắt đầu. Hoàn toàn không có một con đường nào cả. Theo kinh nghiệm, anh đi tìm một con suối. Mọi con suối đều xuất phát từ điểm cao để đổ xuống nơi thấp. Men theo những con suối là cách dễ dàng hơn cả để lên đến đỉnh núi.

Cuối cùng, sau khi đi vòng quanh một hồi, anh cũng tìm thấy một khe nước nhỏ phía đông. Anh cũng thấy cửa hầm đã bị nổ mìn, đá lấp kín, dây leo và gai góc mọc đầy. Bất giác một cơn tức giận làm anh nghẹn thở.

- Khốn nạn!

Anh lần theo dòng nước, càng lên cao càng khó đi. Mệt bở hơi tai. Chân tay rã rời. Khí trời lạnh lẽo mà mồ hôi vẫn đẫm áo anh. Trong đầu anh rộn lên mấy câu thơ cô đọc đêm qua:

And when you have reached the mountain top, then you shall begin to climb

And when the earth shall claim your limbs, then shall you truly dance[iii]


Bây giờ cô đã đi đến đâu? Anh vẫn còn cách đỉnh một khoảng vô tận, anh chưa thực sự nhảy múa. Còn cô, cô đã đi đến đâu trong hành trình của mình, và lúc này đây cô đang làm gì?

- Anh sẽ ở lại đó, cho đến khi bệnh dịch bị tiêu diệt, hoặc là anh bị tiêu diệt. Còn em, em sẽ đi đâu?

- Anh có nhớ một đoạn trong “Lời thiêng” của Gibran không? Rồi cô đọc: Nếu bạn muốn ngắm thung lũng, hãy trèo lên đỉnh núi; nếu bạn muốn ngắm đỉnh núi, hãy vươn lên mây trời, nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu mây trời, hãy nhắm mắt lại và suy tư.

- Nghĩa là…?

Cô gái cười, một nụ cười bao dung và chứa đầy bí ẩn. Đến bây giờ anh vẫn chưa hiểu ý nghĩa của nụ cười ấy.

Anh dừng chân trên một phiến đá phẳng lì, rửa mặt và đem lương khô ra ăn. Thật may là hôm trước anh đã mua được một khẩu súng săn. Kho thức ăn ở đây chắc không thiếu. Anh nhớ lời con khỉ: Tốt nhất là nương tựa vào thiên nhiên, thiên nhiên lúc nào cũng giàu có và bao dung. Có thể chiều nay anh sẽ nhờ vả thiên nhiên một tí.

Sau khi nghỉ trưa, anh lại đi. Đường càng lúc càng nhiều gai góc, càng nhiều đá nhọn lởm chởm cứa nát đế giày. Giữa trưa mà hoàn toàn không thấy mặt trời. Không gian cứ u u minh minh. Mọi tiếng động như bị thủ tiêu bởi sự câm lặng đáng sợ.

Đến sẩm tối thì anh có thể chắc chắn là mình đã đến tận nơi con suối phát sinh: một hồ nước lớn. Anh nghỉ đêm ở đây. Thiên nhiên đã cho anh vay một con gà rừng và rất nhiều củi.

Đêm ấy, trong ánh lửa bập bùng, anh nằm giữa rừng. Một mình anh và cả một cánh rừng. Một mình anh và cả một bất định của ngày mai. Anh nằm ngẫm nghĩ về những điều đó, và nghĩ về cô. Suốt đêm, đôi mắt trong veo và yên tĩnh lạ thường của cô cứ hiện lên trong anh, như đang muốn làm tâm hồn anh yên tĩnh, như đang muốn giúp anh soi thấu những ngóc ngách u tối nhất của tâm hồn mà chưa lần nào anh thấy được. Anh bất giác sờ khuôn mặt mình, muốn tìm ở đó hơi ấm của nụ hôn cô, hương thơm của bờ môi cô, sự hiện diện vắng mặt của cô trên chính da thịt anh.

“Nếu bạn muốn ngắm thung lũng…” Đoạn thơ văng vẳng mãi trong anh, làm anh thao thức đến tận sáng. Anh khao khát muốn biết cô đi đâu, làm gì. Anh khao khát muốn biết tất cả những gì liên quan đến cô. Vì chỉ như thế anh mới tự chứng minh được rằng: với anh, cô là một hiện hữu thực sự, chứ không phải là ảo ảnh. Tuy thế, nằm mãi cho đến khi con gà rừng đầu tiên cất tiếng gáy, anh vẫn không thể nào đoán biết được hành trình của cô.

Sáng ra, anh chặt tre và nứa để kết một chiếc bè nhỏ bơi qua hồ nước mà anh gọi là Một Xuyên Ngang. Ở bờ bên này không nhìn thấy bờ bên kia, nhưng chắc chắn đây là con đường duy nhất để tiếp tục. Chắc chắn!

Mất nguyên buổi sáng để kết bè và bơi qua hồ. Trời vẫn âm u. Mây trắng lởn vởn như những bóng ma. Đôi khi anh phải hát lên để xua đi cảm giác chết chóc quanh mình.

Có thể giờ này cô ấy đang đi theo những đám mây trời? Những câu hỏi lẩn quất trong đầu anh suốt hành trình của ngày hôm đó. Hay là cô đang đi tìm một nơi để nhắm mắt lại và suy tư? Hay là cô đã lặng lẽ nằm lại trong ngực trái của anh, cho đến một ngày nào đó hiện ra và nhìn anh cười, đầy trách móc và yêu thương? Anh hoàn toàn bối rối khi nhận ra rằng tất cả những câu hỏi ấy đều là ảo tưởng hơn là giả thiết. Và điều đó càng khiến anh buồn bã khi cảm thấy cô quá cách vời.

Qua đến bờ bên kia, anh tiếp tục đi, không nghỉ. Sau khi xuyên qua một cụm rừng khoảng hai cây số, anh lâng lâng khi thấy mở ra trước mắt mình là một con dốc cao. Và, có hẳn một con đường mòn trên ấy, dù cây cối đã nuốt dần, nhưng vẫn thấy rõ đó đã từng là một con đường.

Anh bắt đầu leo dốc. Có vẻ như đây là con đường độc đạo. Dưới chân con dốc là những hố sâu. Hẳn đây là con đường để bắt đầu lên đỉnh của Ngọn Tuyệt Vọng. Chắc chắn chưa đến đỉnh, vì căn cứ vào quãng đường anh đã đi thì độ cao hiện tại anh đang đứng chưa là gì cả, và gió chưa đến mức thổi bạt những chiếc máy bay như lời con khỉ kể. Anh không biết còn bao lâu mới đến đỉnh, nhưng con dốc này thực sự là một tín hiệu tốt. Dù sao đi nữa thì có một con đường để đi vẫn hơn là không biết đi đường nào.

Càng lên cao, con dốc càng hẹp, cây cối mọc ngay giữa đường, đá tai mèo sắc nhọn khiến tay chân rớm máu. Anh vừa lom khom bò qua một lùm cây gai dại um tùm, đang chuẩn bị đứng lên thì va đầu vào một mỏm đá. Anh lùi lại, ngẩng mặt lên nhìn.

Trước mắt anh là một vách đá cao chót vót, có lẽ phải bằng một tòa nhà năm trăm tầng, phẳng lì từ chân lên đến đỉnh, chắn ngang con đường độc đạo. Nhìn mãi lên cao, anh dụi mắt, nhìn xuống ngang tầm, một dòng chữ khắc trên đá hiện lên trước mắt anh:
 

ĐẤT KHÔNG LỐI VÀO


Nét chữ tuy mờ nhưng vẫn có thể nhìn rõ.

Những con chữ đâm vào mắt anh. Đau.

Anh vứt ba lô xuống đất, lại nhìn lên đỉnh vách đá chờn vờn trong đám mây, rồi lại nhìn xuống dòng chữ, bất giác anh dang tay ra, ngửa mặt lên bầu trời u ám, khóe mắt căng ra đến tứa máu, hét to đầy phẫn uất:

-A…aa…aaa… …aaaa… …aaaaa………

Tiếng hét của anh dội vào vách đá, vang ra khắp tứ phía, tạo thành một cơn sóng âm khủng khiếp, làm lũ chim rừng đập cánh ào ào rồi bay đi trong hoảng loạn, làm cả một đợt lá khô rùng rùng rơi xuống đất, như bị một cơn bão quét qua.

Lúc này, bóng đêm đã cuống cuồng quăng lưới lên khắp con dốc. Bạt ngàn rừng dưới chân anh chìm dần trong sương chiều và bóng tối. Anh ngồi lặng lẽ giữa nhập nhoạng, ngước nhìn hàng trăm đám mây lũ lượt kéo về, đen đặc cả bầu trời.

… nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu mây trời, hãy nhắm mắt lại và suy tư.

Anh hít một hơi thật sâu để bình tĩnh trở lại.

Cho dù thế nào đi chăng nữa, anh đến đây không phải để tìm hiểu mây trời.

Anh nhủ thầm.

Đúng thế!

Cho dù thế nào đi chăng nữa, anh đến đây không phải để nhắm mắt và suy tư.

Anh nhủ thầm.

Đúng thế!

Chắn chắc là như thế!


H.N
(SH285/11-12)
 

 



[i] Nhưng nếu thương yêu mà vẫn cần khát vọng, thì hãy xem đây như khát vọng của mình: Được tan chảy và được là dòng suối - hát êm êm khúc nhạc cho đêm nghe. Được biết cái đau của quá nhiều dịu ngọt. Được tổn thương vì chính sự hiểu biết về tình yêu. Được nhỏ máu sẵn sàng và vui vẻ. Được thức dậy lúc bình minh với trái tim chắp cánh, và cảm ơn một ngày nữa để thương yêu (Nguyễn Ước dịch).

[ii] Và cái Đẹp - không phải là một nhu cầu mà là một sự ngất ngây. Nó không phải là một cái miệng khát khao hay một bàn tay trắng đang chìa ra phía trước, mà là một tâm hồn say mê và một trái tim nóng hổi. Nó không phải là bài hát để nghe hay ảnh hình để ngắm, mà là một bài hát bạn nghe dù đóng chặt đôi tai - và một hình ảnh bạn nhìn cho dù nhắm nghiền đôi mắt. Nó không phải là chất nhựa nằm trong vỏ cây bị rạch, hay chiếc cánh gắn vào một cái móc tay, mà là một khu vườn trổ hoa muôn thuở và một bầy thiên thần bay lượn mãi không thôi (Nguyễn Ước dịch).

[iii] Và khi đã lên tới đỉnh núi rồi thì bạn sẽ bắt đầu trèo. Khi đất đòi bạn tứ chi thì bạn sẽ thực sự nhảy múa.

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Sâu hút (26/10/2012)
Mặt biển (23/10/2012)
Nhện và người (16/10/2012)
Rừng (08/10/2012)
Mùa gió Tam Giang (28/09/2012)
Màu khói (17/09/2012)
Ma Di Gô (31/08/2012)