TRẦN THỊ LINH CHI
Hễ nhắc đến Huế là ngoài bao kỷ niệm cũ xưa, bao hình bóng tưởng như đã phôi pha lại vụt hiện ra rõ mồn một như mới ngày hôm qua.
Trong cái chuỗi mênh mông của ký ức, cả năm giác quan cũng như bừng sống dậy để rồi quy tụ vào những đối tượng mà hình như lắm người xa Huế đều công nhận, và nói ra e kém thi vị: món ăn. Tôi ngỏ ý này với Như Khuê khi Như Khuê từ Mỹ về đến thăm tôi ở TP. Hồ Chí Minh. “Quả đúng vậy”, Khuê nói, “Mình nhớ Huế đến quay quắt, nhớ món ăn Huế đến ngẩn ngơ”. Thế là chúng tôi quyết định về thăm Huế để được sống lại với những hình ảnh ngày xưa và để có dịp thưởng thức các món ăn Huế. Nghĩ cho cùng thì sự thưởng thức này không chỉ yêu cầu ở khẩu vị mà chủ yếu là niềm mong ước được sống, được “nếm” Huế của những chuỗi ngày cũ đã vời xa.
Chuyến xe lửa của chúng tôi sẽ khởi hành vào sáng hôm sau. Trong lúc ngồi tán gẩu, chúng tôi bỗng nhắc đến bà Bích Liên, một nữ sĩ của đất thần kinh. Bà cũng từ Mỹ về từ nhiều tháng nay để dưỡng căn bệnh lao đang ở thời kỳ cuối, và hình như để được nằm xuống mãi mãi tại quê nhà. Thế là tôi và Như Khuê quyết định đến thăm bà.
Tôi hồi hộp đưa danh thiếp cho người nhà, không biết bà còn nhận ra tôi. Thời gian xa cách đã gần nửa thế kỷ. Mình đến thăm bà vì lòng thương yêu hay là để thỏa tính tò mò? Chúng tôi được đưa vào một căn phòng thoáng rộng. Bà cũng vừa ngồi dậy xỏ hai chân vào đôi dép cườm, chị người nhà dìu bà ngồi xuống bộ ghế xa lông đặt gần đó. Tóc bà bạc phơ, tuy gầy yếu xanh xao, nhưng gương mặt còn phảng phất những đường nét đẹp. Đôi mắt bà trũng sâu, vừa lạc lõng, hoang vu, vừa có cái gì rất gợi nhớ.
Chúng tôi kính cẩn chào bà:
- Mời hai cháu ngồi.
Tôi và Khuê cùng ngồi xuống.
Bà nhìn Khuê rồi chuyển qua nhìn tôi:
- Cháu là Đông Hương.
Tôi dạ một tiếng thật nhỏ, mà lòng băn khoăn thán phục sự minh mẫn của bà. Bà vui vẻ tiếp:
- Cô bé Nam Giao ngày xưa, ta nhận ra cô chỉ vì đôi mắt... cô đó.
- Dạ thưa bác, cháu chẳng bao giờ quên được những năm tháng xưa... Cứ mỗi lần tết đến, ba mẹ cháu đều thôi thúc hai chị em cháu đến hồ Vọng Nguyệt chúc tết bác. Mỗi lần như vậy bác đều tặng cho cháu và em Hoa, mỗi đứa một cái đãy bằng vải hoa rất đẹp, trong đãy lại có thêm mấy tờ giấy bạc mới tinh. Thế là hai chị em cháu chạy xuống ngả ba chùa Từ Đàm ăn bánh đúc mật.
- Ừ, ngày tết mấy cô gái bán bánh đúc mật, áo dài phết đất, chân đi guốc mộc ung dung với đôi gánh quảy trên vai. Bánh màu xanh lục, thơm mùi lá dứa, được rưới đường mật làm bằng mộng nếp. Chỉ vậy thôi mà thơm ngon tuyệt vời!
Bà nhìn qua Khuê.
- Hình như bác có gặp cháu ở đâu.
- Dạ ở San José qua một đôi lần họp Quốc Học Đồng Khánh.
- A, ra cháu mới về thăm quê.
- Dạ cháu mới về hôm qua. Sáng mai cháu và Đông Hương về thăm Huế.
- Vui quá hí, còn khỏe mạnh cứ đi chơi.
Đôi mắt bà xa xăm nhìn nắng chiếu hoi hóp trong sân. Bà chợt nói:
- Hai cháu về Huế nhớ giúp bác một việc: “Ghé Kim Luông ăn bánh ướt thịt nướng”. Không biết bây giờ ra sao, ngày xưa thì ngon lắm! Hai cháu nhớ tìm đến “Quán Gió”, chỉ là mái tranh, gió lộng bốn bề, có rặng trúc la đà bên sông. Dường như bác còn nghe cả tiếng chèo khua nước. Và cả tiếng gió giữa chiều xanh xao...
Tôi cảm động tiếp:
- Hẳn là nơi đó bác còn có một kỷ niệm?
Bà im lặng một chút rồi nói:
- Ngày xưa bác vẫn thường đến Quán Gió với một người. Không biết nơi đó có còn nguyên vẹn? Buổi chia tay cuối cùng bác có tặng... ông ấy một sợi tóc. Chỉ vậy thôi.
Bà lấy khăn chặm những giọt mồ hôi vừa vả ra, bà ôm ngực ho lên mấy tiếng. Cơn đau vừa dấy lên, căn bệnh khắc nghiệt hành hạ bà.
Trên đường trở về, Khuê nói:
- Người tình của bà có thể là...
- Là ai... dù cho là ai cũng được! Chuyến đi Huế của mình thêm hấp dẫn bởi mình có thêm một nhiệm vụ!
Khuê còn nói với tôi:
- Bà ấy lãng mạn quá!
- Không đâu, người già họ rất thành thật, nhất là bà ta đang cận kề với cái chết.
Hai hôm sau chúng tôi đến Huế. Chị dâu tôi đã chờ sẵn khi chúng tôi bước xuống ga. Tất cả chúng tôi cùng về bằng taxi.
Nắng đã tắt, con đường Lê Lợi tấp nập áo trắng đi về. Trong sân trường Đồng Khánh, Quốc Học, vải bông hoa phượng cuối mùa còn đỏ rực như những hoa đèn được thắp lên giữa bầu trời mờ đục. Cầu Trường Tiền đã hiện ra, vẫn màu trắng xám đó mãi đến bây giờ tôi vẫn ân cần ngưỡng mộ. Tôi nhìn qua Như Khuê và thấy bạn đang cầm chiếc khăn tay dụi vào mắt.
Xe taxi dừng lại ở phố Trần Hưng Đạo, cả nhà đón tiếp chúng tôi vui vẻ và thân ái.
Một mâm cơm đang chờ sẵn, ôi, thật là thịnh soạn, hình như các món ăn đặc sản của Huế đều được đặt ở trên bàn.
Chị dâu tôi nói:
- Cháo gà nấu với hạt sen Tịnh, thím dùng thử.
- Dạ chắc là ngon lắm! Có bao giờ em được ăn, hạt sen Tịnh nấu với cháo gà?
Tôi nhìn dĩa bánh khoái vàng rụm, dĩa cải non xanh tươi, những cọng ngò điểm xanh và mấy lát vả trắng muốt thật gợi thèm. Còn thêm dĩa bánh cuốn rau muống có tôm chua và thịt heo luộc thật hấp dẫn. Tôi cảm động nhìn những món ăn đặc sản của Huế, không biết mình nên ăn món gì trước, thì chị dâu đã gắp bỏ cho tôi và Khuê mỗi đứa một chiếc bánh khoái. Tôi gắp một ít rau nhúng vào chén nước chấm và cảm nhận được mùi vị quê hương chan chứa. Khuê nói với chị dâu tôi:
- Em ăn đã nhiều nơi và cũng đã tập làm nhiều lần, nhưng không thể làm được một chén nước chấm tuyệt vời như ri.
Trong bầu không khí vui vẻ, chị dâu tôi còn hứa sẽ cho chúng tôi ăn nhiều món cháo như: cháo cá kình, cháo cá diếc, cháo nấm tràm, cháo khoai mài... Chị nói: “Những món cháo này ăn vào thì bệnh chi cũng hết”. Bỗng nhiên mà cả tôi và Khuê lại nhìn nhau, có lẽ cũng đang nghĩ đến bà Bích Liên.
Tôi vừa ăn vừa suy nghĩ miên man. Hồi nhỏ tôi có nghe nói đến: Cá kình trị bệnh mất ngủ; cá diếc giải nhiệt; nấm tràm trị thận; khoai mài trị bệnh tiểu đường. Bệnh của bà Bích Liên không nằm trong dạng này!
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm. Trời nhiều mây êm ả, hứa hẹn một ngày đẹp đẽ. Tôi nói với Khuê:
- Mỗi đứa cứ đi lo công việc riêng cho mình, nhưng dù bận rộn bao nhiêu thì hai ngày nữa tụi mình phải đi tìm “Quán Gió”...
Đúng như đã định, hai hôm sau chúng tôi theo con đường phía tả ngạn, ngược dòng sông Hương. Tôi và Khuê đi tới đi lui suốt con đường Kim Luông. Tất cả đường sá đều được xây dựng lại. Nhà ngói nhà lầu đẹp đẽ khang trang. Các cửa hàng bán bánh ướt đều có tầm cỡ lớn. Không còn có một mái tranh hay “Quán Gió” nào! Sau cùng tôi và Khuê chọn được một nơi có vẻ “Quán Gió” hơn hết. Đó là một căn nhà trệt nằm bên bờ sông. Tuy không có rặng trúc là đà, nhưng có vẻ êm đềm thuần khiết.
Trong lúc Khuê gọi nước và bánh ướt.
Tôi vơ vẩn nhìn những làn khói từ bếp lan rộng trên sông. Mùi thịt nướng bay tận mây xanh. Có lẽ bác Bích Liên đang có một sự truyền cảm.
Khuê nói:
- Chà thơm quá! Có lẽ họ ướp đủ cả 11 thứ gia vị: tiêu, hành, tỏi, muối, nước mắm, sả, mè, đường, bột ngọt, ngũ vị hương và ruốc. Điều cần thiết không phải ướp đủ 11 thứ gia vị, nghệ thuật là ướp cho đúng liều lượng của mỗi thứ.
Bánh ướt được trình bày trang nhã. Những cọng rau thơm và thịt kín đáo ẩn dưới lớp bánh mỏng. Khi ăn mình có cảm giác lạnh của bánh, nóng của thịt vừa nướng thật là thú vị. Khuê xuýt xoa khen ngon tuyệt vời, vừa ăn vừa nói:
- Giá mà mình cho vào bọc, đem về làm quà cho bà Bích Liên.
- Sáng mai mình mới lên máy bay, làm sao đem về được?
- Tất cả đã đổi thay, không Quán Gió, không rặng trúc la đà. Sợi tóc chỉ nằm trong giấc mơ, chắc bà ấy buồn lắm!
Tôi nhìn thẳng vào mắt Khuê chậm rãi nói:
- Sợi tóc thì có.
Đôi mày nhíu lại, Khuê chầm chập nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên:
- Sợi tóc!
- Ừ, mình vừa kiếm được cho bác ấy một sợi tóc. Sợi tóc để đời qua một bài thơ.
Tôi loay hoay mở cái “xắc” lấy ra một tờ giấy, cẩn trọng đọc:
“Em tặng tôi sợi tóc của em,
Rồi ngày tháng vèo trôi, em không nhớ nữa.
Năm mươi năm sau,
Khi tìm về được chốn cũ
Tôi gặp một bà già tóc bạc.
Bà chẳng biết tôi
Tôi tặng bà sợi tóc
Bà khóc.
Sợi tóc vẫn còn đen”(*)
Khuê phác một cử chỉ, định nói nhưng lại thôi. Một cơn gió thoảng ngoài sông...
Tôi nhìn lên trời.
Sao tình yêu không trôi qua đi như thời gian?...
T.T.L.C
(SDB9/6-13)
--------------
(*) Thơ Phạm Đình Ân