Truyện ngắn
Hồ Nhớ
14:40 | 07/01/2014

HOÀNG THU HÀ

Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.

Hồ Nhớ
Minh họa: Nhím

Ý tưởng cả nhóm sẽ đi chơi hồ Nhớ là do Thuấn khởi xướng. Thuấn hay về đó câu cá dịp cuối tuần, quen được bác Giạ có ngôi nhà ở ngay bên hồ. Hai vợ chồng bác Giạ năm nay đã ngoài bảy mươi. Con cái đã lên thành phố lập nghiệp, mỗi tháng kéo nhau về thăm hai bác một đôi lần. Thành ra ở nơi hoang vu này, những người già ở lại bao giờ cũng mong có khách đâu đó ghé ngang chơi. Thuấn ban đầu về câu cá nơi đây vào nhà xin ly nước uống, sau nhờ chút nghỉ trưa, rồi sau chầu nhậu mà mồi là những con cá lóc câu được với bác trai, đã thành ra thân thuộc như con cháu trong nhà.

Cả nhóm năm đứa có đợt nghỉ mấy ngày liền đang chưa biết đi đâu, nghe Thuấn kể hay ho về hồ Nhớ thì lập tức ok ngay. Ba gái hai trai, dĩ nhiên Thuấn lo cần câu cho ba người, còn của Vân và Thông thì... - “Hai đứa bây lo cho nhau nhá, thằng Thông tập dần đi là vừa”. Thuấn nói, Thông cười: - “Tao đem theo súng săn chứ cần câu nhằm nhò gì”, - “Thế càng tốt”. Thuấn cười cười.

Thuấn lo cho ba đứa là Thuấn, tôi và Ngần. Không kiếm ra thằng con trai thứ ba nên Ngần biết mình phải tự chạy xe máy về. - “Chả sao, tao quen vậy rồi” - Ngần nói với tôi - “Thằng Thuấn nó để ý đến mi thì mi cho nó cơ hội đi” - tôi nói với Ngần. Tôi cũng chưa có tình cảm gì nhiều cho Thuấn, nhưng yểu điệu như tôi mà chạy xe máy chín chục cây số thì oải quá. Ngần cười - “Bởi vậy nên cái số tao nó thế, bao giờ cũng phải giả vờ cứng rắn như con trai”.

*

La cà dọc đường, ăn trưa, đến hai giờ chiều cả bọn mới đến nơi.

Hai vợ chồng bác Giạ đón chúng tôi bằng một ấm nước chè tươi. Gốc miền Trung, ấm nước chè mời khách của bác Giạ giữa thung lũng vắng quả là điệu nghệ và mang hơi hưởng bản sắc quê nhà. Nhưng chỉ có Thuấn và Ngần là xơi được, còn lại ba đứa của nhóm thì lắc đầu lè lưỡi vì cũng đã từng bị say nước chè đứ đừ. - “Bản lĩnh dạ dày Việt đấy” - Thuấn nháy mắt với tôi, nói rồi cười ha hả.

Thuấn thoáng đãng, phóng khoáng như anh vậy. Nhưng Thuấn lắm trò, nhiều tật, nhiều lúc như trẻ con nên không thể khuất phục tôi như anh. Ở anh là sự phóng khoáng của từng trải. Chính vì thế mà tôi yêu và ngưỡng mộ anh, dù anh ở rất xa, gần như không có thật trên đời.

Tôi đem biếu bác Giạ hộp nước yến. Bác bảo bỏ vào tủ lạnh cho bác. Tôi mở tủ lạnh, oh, quá nhiều thực phẩm và lủ khủ chai lọ đồ hộp. Bác Giạ cười - “Tụi nó đem về có thiếu thứ chi mô, nhưng mà nó bận việc quá nên ít về, bác cũng nhớ”. Tôi nhìn bác, nhà tươm tất, đầy đủ dù là ở nơi hoang vắng, nhưng cũng vắng bóng sự đầm ấm bên nhau của các thành viên trong gia đình. Tôi nhớ ba mạ tôi ở miền Trung, tương lai rồi cũng như thế này đây sao?

Thuấn mặc quần short tự bao giờ, hối: - “Nè, đi thay áo quần rồi đi câu thôi”. Tự nhiên tôi không thích thay quần short nữa, dù có bới theo. - “Dương mặc như vậy cũng được mà”. Ngần nhìn tôi cười cười. Con gái nhiều khi thiệt lạ vậy đó, không chịu được thì thôi. Tôi biết mình không xinh đẹp như những người con gái khác. Thuấn thích tôi là ở chỗ tôi có cái hay của người con gái lịch lãm, vui vẻ song cũng biết nghiêm túc đúng lúc. Thuấn vui tính, pha trò khắp nơi và lũ con gái xinh đẹp yêu Thuấn cũng nhiều, nhưng Thuấn để ý đến tôi bởi không phải lúc nào các chiêu pha trò của Thuấn cũng được tôi hưởng ứng. Cái đó người ta bảo là sự phấn khởi và sợ hãi của tình yêu đấy, ghê chưa. Cảm nhận được điều đó, đôi khi tôi cho phép mình tỏ ra bướng một chút, như lúc này đây, áo sơ mi, quần Jin dài xả ống xuống sệt đất đi câu.

Vạt cỏ như mềm hơn trong bóng râm. Ba chúng tôi ngồi dưới bóng một gốc sung cao lớn. Thông đã dẫn Vân đi săn phía trên đồi mọc đầy dương liễu. Ngần ngồi dịch ra cách tôi và Thuấn thật xa, đeo kính râm, thu lu một chiếc cần câu bất động với một dáng ngồi bất động. Có cái gì bất trắc và đầy tủi thân lăn tăn chạy vơ vất trên mặt hồ. Anh thường nhắc đừng để những cái nhỏ nhặt làm hỏng cái lớn một cách vô lý. Thì đấy, thái độ cứ ra mặt làm bướng không chịu thay đồ của tôi, cái ngồi dịch ra xa của Ngần, nó khiến Thuấn im lặng hơn mọi khi. Chạy chín mươi cây số từ thành phố về đây để như thế này à? Thuấn im lặng, tôi im lặng, Ngần im lặng, những cái phao cũng im lặng. Tôi ôm cần. Anh kể anh cũng thường đi câu và thích cái tĩnh lặng mặt nước. Tôi tựa má trên đầu gối, miệng hơi mỉm cười, mắt lim dim nghĩ về anh. Anh như một triết gia hiền lành, tiếc là anh gần như không có thật. Ừ, mà em nói thật đấy, anh xa quá, như không có thật trên đời.

Nhưng mà cứ như thế này mãi thì cũng chán chết, sẽ đi về đâu cơ chứ, mục đích của chuyến picnic này có phải là để câu được cá đâu mà im lặng cúm núm thế này. Tôi lấy máy ảnh trong túi ra và lia quanh hồ. Một cái toàn cảnh hồ Nhớ, nét uốn của bờ hồ phía xa kia như một nét đường cong eo thon con gái. Tôi lia máy sang phía Ngần. Nàng đang chống cằm tư lự. Bằng chứng đấy nhé, tương tư anh chàng nào rồi mà chưa khai thiệt ra đây? Tôi lia máy sang Thuấn. Anh chàng biết tôi chụp ảnh bèn xoay người lại, giơ hai ngón tay chữ V. Ôi dào, chiến thắng cái gì được cơ chứ, khi ngồi mãi chả được con cá nào, lại không biết chiều chuộng làm mất hứng cả người ta đấy. Tôi zum máy chĩa sang phía bên kia hồ. Loại máy ảnh này zum đến vài trăm mét, ở xa vẫn thu về rõ như con sâu đo cong mình bò trong lòng bàn tay. Trời gió nhiều, âm u như sắp mưa, những bụi cây lúp xúp nở hoa tím chùm. Chợt tôi giật mình, mặt tái mét như chàm đổ, mắt chăm chú nhìn những gì đang diễn ra trong ống kính. Dưới lùm sim mua tím ngát, Thông và Vân quấn vào nhau, cái áo của Vân xanh xanh được cởi ra nằm rinh rích trên bờ cỏ. Và người Vân đang rướn lên... Bất giác tay tôi ấn lên phím chụp, như một phản xạ không điều kiện...

Ngần như đoán ra việc gì đó, day sang tôi: - “Có chuyện chi à?”. Tôi nói “không” như phản xạ, rồi buông máy, thổn thển thở gấp, tim đập mạnh và tay chân bối rối kinh khủng. Đúng lúc ấy Thuấn hú to rồi giật lên một con cá lớn. Tôi lia ống kính sang phía Thuấn. Anh chàng cười tươi như hoa, đẹp trai ra phết bên con cá đang vẫy vùng lọt vào mấy bức ảnh liền. Ngần cũng chạy tới xem cá. Con cá to thật. Thuấn nói đây là con cá trê cụ, con này cỡ một ký. Tôi nhìn chiến lợi phẩm đắc ý của Thuấn trong lúc Thuấn nhảy tưng tưng, hát tưng tửng. Hai con mắt cá tròn ngầu chịu trận, và hai cái râu nữa, giờ nằm lơ quơ một cách phóng dật, bất cần...

Bất giác tôi vỗ tay hoan hô Thuấn, mắt dõi nhìn sang phía bờ hồ bên kia xem hai người bên đó có phản ứng chi không. Đúng là chỉ mấy trăm mét, song mắt thường không trông thấy gì, và cũng không thấy họ phản ứng chi...

*

Trời có vẻ sắp mưa thật. Thuấn bảo có lẽ thu dọn cần câu đi là vừa. Tôi bướng thêm lần nữa: - “Thì đợi mưa rồi hẳn hay, về chi sớm, đằng nào tối cũng ở lại nhà bác Giạ mà”. Thuấn chiều tôi, ngồi lại. Anh nói có những chuyện chỉ nên mình mình biết, rồi thôi, rầy rà làm chi. Tôi học ở anh được cái đó, như chuyện của Vân và Thông hôm nay chẳng hạn, may mà tôi, chứ rơi vào tay người khác thì sẽ kêu ầm lên cho mọi người đến xem. Rồi tôi sẽ xóa mấy tấm ảnh này đi, nhưng tạm thời để vậy đã. Tôi ngửa mặt lên trời, thấy lòng thơ thới bởi mình như đã trưởng thành hẳn lên và cũng cao thượng chán. Kể ra quen với anh cũng hay. Anh hãy dẫn một câu thơ anh nói là của bạn anh: “Ồn ào chi lắm biển ơi/ một li nước ngọt cho đời, được chưa?”. Nhưng sao mà anh xa quá, gần như không có thật.

Tôi đi xuống cầu ao ra tận ngoài rìa mép cách hồ cả chục thước rửa tay. Bất ngờ sấm giật gần như ngay trên đầu đánh đùng một tiếng cực lớn, tưởng có thể vỡ tung cả mặt hồ. Trong cơn hoảng hốt, tôi trượt chân khỏi cầu ao và quăng cả người xuống nước. Tôi chỉ kịp kêu lên: - “Thuấn ơi! Cứu!!!” rồi thấy mình ngập ngụa và chìm lỉm. Tôi cố chọi đạp thật mạnh nhưng không tài nào trồi lên được, mắt mũi miệng đầy nước ọc vào. Rồi cái chân trái của tôi không chọi được nữa, hình như cái móc sắt từ chân cột của cầu ao đã kịp móc vào lai quần của tôi. Tôi càng hoảng hốt và uống nước nhiều hơn. Cơn hoảng loạn chỉ tạm vơi một chút khi tôi nhận ra Thuấn đang lặn xuống cứu tôi. Nhưng chỉ một chút thôi, sau đó gần như tôi chỉ còn có phản xạ bản năng là chụp níu lấy Thuấn. Thuấn cũng rất nhanh chóng nhận ra vấn đề, tháo cái lai quần Jin ra khỏi cái móc sắt và kéo tôi lên bờ. Ngần giúp Thuấn vắt người tôi lên vai Thuấn. Anh chàng vác tôi chạy sốc vòng quanh bãi cỏ cho nước trong người tôi ọc ra. Tôi mở mắt và thấy mình đang thở, bắt đầu tin là mình còn sống. Tôi nhận ra trời đang mưa rất to, và hơi ấm từ lưng của Thuấn làm tôi hạnh phúc vô chừng vì còn sống. Tôi thấy hình như mình mỉm cười rồi ngất đi lần nữa.

Tôi tỉnh dậy lần thứ hai sau khi Thuấn hô hấp nhân tạo cho tôi. Mưa vẫn to lắm, Ngần đang đứng căng tấm áo mưa che cho cả hai. Thấy tôi mở mắt, Thuấn đỡ tôi ngồi dậy, nhìn tôi lo âu. Tôi tựa người hẳn vào Thuấn, như thực chứng một hàm ơn, không còn do dự gì nữa.

Thuấn sốc tôi lên vai và cõng tôi về. Ngần lẽo đẽo ôm các thứ cần câu, túi xách và cả con cá lớn theo sau. Tôi tin cậy áp cả người mình lên lưng Thuấn, trong lòng hiểu mình đang dậy lên một tình cảm sâu nặng với người con trai này. Sự bướng bỉnh của tôi hay cái lai quần rắc rối đều vô nghĩa. Cũng như tình cảm của tôi dành cho anh cũng vô nghĩa trong lúc này. Hơn nữa, anh đâu có thật! Phải không?

*

Bác Giạ đi từ ngoài vào thẳng đến chỗ tôi. Thấy tôi ngồi ngơ ngác, bác cười cười: - “Vừa đi cúng cầu hồn cho con về đó, hết chục trứng gà đó nghe con. Số con còn lớn phước lắm”. Tôi lí nhí “Cám ơn bác!”. Tôi nhớ hồi nhỏ ở quê, thằng em trai tôi cũng từng suýt chết đuối một lần. Hắn đi học về, mới tập bơi nên chưa rành mà đã nhảy xuống sông ôm cái cây cột. Ai dè chiếc đò máy chạy qua, gặp khi hắn ôm cây cột lỏng tay, sóng đừa cả người hắn ra cách bờ cả mấy thước. May mà có người lớn kịp xuống cứu. Tối đó, ba tôi cũng bảo mẹ tôi luộc ổ trứng gà, thắp nhang hai bên đường từ dưới bến sông lên đến tận nhà, cứ cách một bước chân thì thắp một cây nhang, vài bước chân đặt một cái trứng luộc. Ba nói, cúng như thế cho hồn vía thằng em tôi nó biết đàng mà trở lại nhà, chứ hồi chiều đã thất kinh hồn vía, đi lạc phiêu dạt muôn phương rồi.

Thuấn lấy cho tôi ly nước, chờ tôi uống xong cất ly rồi ngồi xuống bên cạnh. Lần đầu tiên tôi thấy tội nghiệp và thương Thuấn. Hình như chỉ chờ có vậy, Thuấn thử nắm bàn tay tôi và tôi để yên như thế. Ừ nhỉ, còn chi nữa mà đòi hỏi thêm ở Thuấn. Cái mạng sống này, nếu không có Thuấn nhanh tay nhanh chân lúc chiều vớt tôi khỏi cái móc nơi cầu ao, thì có còn ngồi đây dõi theo ánh mắt yêu thương kia không? Nhưng cũng tới lúc đó rồi mà tự nhiên không hiểu sao tôi lại mong giá lúc đó người đưa tay ra cứu mình là anh chứ không phải Thuấn. Muốn được anh bây giờ ôm mình vào lòng an ủi chứ không phải là Thuấn đang rụt rè nắm lấy tay mình. Tôi thấy tôi đang hơi quá đáng. Nhưng rồi lòng chợt dịu lại, khi nhận ra bàn tay Thuấn đang rất ân cần. Sự tận tình của Thuấn đang ngấm vào tôi, khiến tôi vừa hàm ơn vừa cảm mến.

Ngần xoay người bước xuống bếp, nói “tau đi phụ bác gái nấu cháo đây”, nhưng ý là hai người cứ tự nhiên đi nhé. Tôi cúi mặt xuống, e lệ mỉm cười hạnh phúc. Hình như có thoáng chốc tôi thấy anh đang bay đi, như một làn khói. Anh nói anh thích khói lam chiều, hễ khói bay lên mái nhà là báo hiệu một buổi chiều đầm ấm trong mái tranh quê. Anh giờ như khói lam. Tôi nhận ra Thuấn ôm tôi tự lúc nào, và tôi cũng như làn khói, nhưng tôi không bay nữa. Mà tôi bay làm chi nữa...

*

Rồi cuối cùng thì Thông và Vân cũng về đến nhà. Bác Giạ nói hai đứa bây đi về chậm làm bác sốt cả ruột. Thông nói “Mưa to quá nên phải núp mưa, rồi trời tối nên về chậm bác ơi”. Bác Giạ cười khà khà, “Thì tau nói vậy thôi, tau biết tụi bây mà”. Tôi nhìn Vân, tóc rối bời và ướt nhưng cả cọng tóc cũng ánh màu hạnh phúc. Hôm trước thao thao chuyện có nên cho trước cái thì con gái cho người yêu hay không? Vân nói thế kỷ hai mốt rồi, suy nghĩ cũng nên theo đúng thế kỷ, trước sau chi cũng cho người yêu, thì cứ cho chứ bắt chờ đợi làm chi. Tôi nhìn theo Vân đang đi vào trong buồng thay quần áo. Dáng Vân đẹp quá, Vân vừa thành đàn bà lúc chiều rồi mà sao vẫn cứ như con gái đó thôi. Thông oang oang từ trong buồng nhà trên xuống: “Chiều nay thấy con heo rừng, cả hai đứa con nằm rình chưa kịp bắn mà sấm ầm một tiếng đó, tức thiệt bác ơi”. Bác Giạ kêu ha hả: - “Ủa, ai đem heo rừng thả đất này bao giờ vậy? Xưa nay làm chi có heo rừng ở đây? Chỉ có chồn và thỏ thôi con ơi”. Thông vẫn liếng thoắng: - “Xưa nay không có mà chắc giờ có đó bác, hôm trước báo đài nói xe tải chở heo rừng đi qua đây bị đổ, mấy trăm con heo con chạy vô rừng mà bác”. - “Rứa hả, nghe như trong phim hè”.

Tôi bật cười, đúng là đồ nói dối vô thiên lủng. Anh thỉnh thoảng cũng nói dối tôi một chút, một chút xíu cho vui thôi. Ví như tôi hỏi anh đang làm gì, bao giờ anh cũng đáp anh đang nhớ em. Thiệt hay không? Tôi thừa biết không hẳn là thế, nhưng nếu anh không trả lời như thế thì tôi buồn lắm. Ơ mà nếu mai hay kia Thuấn muốn tôi cho Thuấn cái thì con gái của mình, tôi có chịu không? Tôi không biết nữa, cái gì đến thì nó đến thôi. Trước mắt thì lo lặng lẽ bí mật xóa cái hình ảnh Vân và Thông trong máy ảnh đi. Mình là người lớn mà.

Ngần bưng xoong cháo lên nhà. Mùi cháo cá hành thơm lừng cả nhà, xộc cả vào óc, vào mũi miệng, vào tận dạ dày bắt đầu sôi réo khiến tôi tỉnh hẳn. Thuấn dìu tôi sang bàn ăn. Bác Giạ gái nói: - “Cái lườn cá này là phần con Dương nghe, cấm đứa mô đụng vô”. Ngần chu mỏ lắc đầu: - “Con như vầy mà bác không thương con hơn à?”. - “Ơ hay, con Dương suýt chết đi sống lại mà mi kiện tụng làm chi!”. Thông và Vân tròn mắt: “Làm chi mà Dương chết đi sống lại hả bác?”. - “Thì hắn đi bắt cá trớt quớt rớt xuống hồ Nhớ đó, may không thôi Hà Bá bắt hắn đi rồi”. Bác Giạ gái nói, như thể tôi đã là con cháu trong nhà lâu lắm rồi.

Ngoài trời lại mưa. Bác Giạ nói: - “Mùa ni ở đây hay mưa đêm, có mấy đứa về như thế này hai bác vui lắm, nhưng mai tụi bây đi thì hai bác lại buồn”. - “Thì tụi con sẽ sớm về lại mà”. - “Ôi trời, nghe tụi bây hứa mà như chim sáo hứa mùa đông quay về”...

Anh thì đừng có bao giờ hứa như chim sáo mùa đông quay về anh nhé.

H.T.H
(SDB11/12-13)







 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Chiến tranh (03/12/2013)
Bầy mắt (14/10/2013)
Vỏ và cánh (26/08/2013)