Truyện ngắn
Tiếng hú trên đồng
16:08 | 11/02/2009
NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

Một lũ trẻ nít chừng 11,12 tuổi chân đất đầu trần, quần áo tóc tai xơ xác, túm tụm chơi trò “Chấp me - che muống” trên khoảng cỏ rộng có tên là Zạ Zàng. Nơi đó, ở giữa cánh đồng mênh mông ngập ngụa nước bỗng nổi lên một cồn đất cao rộng phủ đầy cỏ may, cỏ mật...    
Bọn trẻ xúm quanh một con bé choai choai da trắng xanh, nét mặt thanh tú hiền hậu như Đức Mẹ có cái tên rất kỳ quặc: Ri. Con Ri ngửa lòng bàn tay, bọn trẻ giơ ngón tay trỏ chập vào giữa lòng tay nó hát theo nhịp đôi: Chấp me - Che muống - Cuống sắc... đến chỗ Hầu... nhảy! Nhanh như cắt bàn tay con Ri nắm lại, đứa nào chậm nhất bị túm chặt tay, bịt mắt, sẽ làm “quạ” săn đuổi bọn kia. Đến đây, câu hỏi đáp, lại nhịp ba: Ăn cơm ai? Ăn cơm cha! Lúc này bọn trẻ tản mát khắp bãi cỏ chỉ còn đứa làm “quạ” trả lời các câu hỏi: Uống nước ai? Uống nước mạ!

Bất chợt, con Ri buông thả thằng “quạ”, rồi vang lên trong gió lạnh quá chiều: “Hu...ú con mau về kẻo quạ tha đi”. Đồng thời với tiếng hú, bàn tay nó giơ lên đón bọn trẻ lúc đó đang nháo nhác như một đàn chim luồn lách “quạ” chạy tới nấp bóng “mẹ”. Đôi tay con Ri giang ra lồng lộng, tiếng nó cười lanh lảnh, đôi mắt lơ xanh dài dại đón những đứa trẻ sà vào...
Tôi ở trong số trẻ nít ấy. Và tôi, không biết nhờ một lực hấp dẫn nào, bao giờ cũng nhanh chân nhất tránh được “quạ”, lao đầu vào giữa lòng Ri, áp tai vào chính giữa đôi vú nhỏ mới nhú lên sau làn áo của nó, nghe gấp gáp những tiếng thình thịch mơ hồ xa xăm. Rồi, ngay sau đó là những khối thịt của lũ bạn chồng lên tôi ngột ngạt và say mê.

Thực ra, Ri có một cái tên kép nghe rất lạ tai: Ma Ri ! Cô rơi từ đâu xuống làng tôi không ai biết, cũng không ai tò mò hỏi. Một bà đi phiêu bạt từ đời nào bỗng về làng với một con bé xanh ngắt, mỏng tang như cánh chuồn, rụt rè như cái bóng. Nghe nói ông nội nó là người ngoại quốc. Cơm, gạo, cá và nắng gió đồng chiêm đã nuôi con bé lớn lên. Và khi chúng tôi, lũ trẻ mục đồng bao giờ cũng nghịch ngợm, chơi cái trò trên đây thì Ma Ri đã 13 tuổi. Kỳ diệu thay, không một ai ngoài tôi biết nàng đã vào tuổi dậy thì. Có lẽ đó là cái lý do duy nhất khiến tôi bao giờ cũng hăng hái nhanh nhẹn đến cuống quýt tránh bàn tay tử thần của “quạ” để lao vào khoảng không gian giữa vòng tay nàng, húc đầu vào chính giữa cái khoảng giao thoa đôi gò bồng đảo vừa rắn vừa mềm mới nhú lên.

Có điều tôi cần lưu ý độc giả là, trong thời gian ấy, dù cùng chơi chung một trò, trên cùng một bãi cỏ, thở hít chung một khoảng gió trời, thân phận lũ trẻ vẫn khác nhau. Chúng tôi được đi học còn Ma Ri thì không. Lạy Chúa! Em là con hoang, mẹ lại nghèo hèn nên luôn bị khinh rẻ. Thứ nữa, em lại đẹp một vẻ đẹp xa xôi gợi sự thương hại thì ít mà cảnh giác thì nhiều. Người đời thường đố kỵ và bảo thủ không muốn ai đẹp hơn mình, không ưa những điều gì lạ. Em khổ mà không biết. Chiều chiều trên bãi cỏ Zạ Zàng em vẫn hồn nhiên ưỡn bộ ngực mới nhú ra trước gió, giơ cao vòng tay lên vầng hoàng hôn, hú lên một tiếng lảnh lót “... Con mau về mạ kẻo quạ tha đi!”.
Sau này nhiều năm, khi đã trưởng thành trong học vấn, tôi được nghe nhiều về một khoảng giao thoa văn hóa hai dân tộc Việt - Chàm. Quê tôi ở miền Trung Trung Bộ, nơi chính cái vùng đất khô cằn châu Ô châu Lý mà sử ghi lại rằng, Chế Mân vua nước Chiêm Thành đã không ngần ngại cắt phăng làm vật dẫn lễ, cưới cho được công chúa Huyền Trân nhà Trần.

Quảng Bình là đất Ô Châu
Ai đi đến đó quảy bầu về không.
Cùng với những dấu tích thành Lồi, thành Nhà Ngo và các tích ma Le, ma Hời, cái trò chơi “Chấp me - Che muống” cùng tiếng hú dài ngút ngát của Ma Ri rất có thể là minh chứng cho cái sự giao thoa trên đây! Bắt tay vào viết luận văn tốt nghiệp về đề tài này thốt nhiên tôi nhớ tới nàng, nhớ đôi mắt xanh ngơ ngác, vòng tay mảnh mai. Tôi, khi lao đầu vào cái vùng “giao thoa” mềm mại kia, đâu có biết rằng, dưới lớp áo, dưới cả lớp da xanh mỏng kia, trong huyết quản là sóng giao thoa hai dòng máu Âu - Á, mà chiến tranh với bao biến động đã xô dạt một cánh chim nhỏ về quê tôi. Hồi đó, khi tôi lên đường đi học cấp III nàng cũng biến mất không một lời giã từ.

Ma Ri ! Em ở đâu?
Đọc bức thư của một “sếp lớn” từ Hà Nội gửi vào gợi ý tôi làm luận án về “đề tài văn hóa địa phương”, ông anh họ tôi dãy nảy lên:
- Dẹp, dẹp, dẹp! Phó nghè với chả hương cống. Mẹ nó, bao nhiêu thằng có học hành chó gì đâu mà vẫn giàu nứt đố đổ vách. Chỉ cần một chức vụ, một chủ tài khoản, chú hiểu chưa?! Chú không giương mắt lên mà nhìn vợ chú khốn khổ khốn nạn đến chỉ còn răng với mắt đó à? Mấy đứa con chú kia, nhìn đi, con Pơ-rô-phéc-xơ gì mà chỉ có mỗi thứ đồ chơi là... đất cát, chẳng khác đếch gì con kẻ chài. Ba mẹ chú như chiếc bóng dật dờ hôm sớm ở quê, mỗi tháng chú gửi về được mấy đồng? Cả cái nơi chú ở đây có hồn là cái nhà không? Cái thứ chú đạp đi đạp về đấy có phải là cái xe? Giao thoa văn hóa là cái con mẹ gì?! Sao mấy thằng ở nhà lầu, ngồi xe lạnh, tắm bia loong không “giao thoa” cho cái đồng lương giáo khổ ở trường công của chú?! ...

Và... đủ thứ  văng ra đầy phẫn nộ.
Ông anh họ tôi làm báo, bỗ bã vậy nhưng không ác. Bởi vậy mà rồi tôi vẫn nhận làm, vẫn đi Hà Nội nhiều lần để dự hội thảo xin kinh phí quốc gia cho cái đề tài tầm cỡ “quốc tế” này. Lần này cũng đi xin tiền nhưng có khác là với tư cách vệ sĩ, tháp tùng ông Phó Chủ tịch. Nhiệm vụ của tôi, một cử nhân cao học sắp bảo vệ luận án tiến sỹ là “Mua, đóng gói, bảo quản từ Quảng Bình ra Hà Nội và khi có cơ hội thì giao tận tay cho người có quyền một món quà đặc biệt lớn và nặng cân mà chỉ có ở đất phố biển Đồng Hới mới có, mới sắm nổi”. Đó là 10kg mực khô và... mẹ ơi! 5 can nước mắm ngon đặc biệt thơm nhức mũi.

Xe chạy dập dềnh, bấp bổng, ngoằn nghèo qua hết miền Trung. Sau khi quay nhìn thùng xe để kiểm tra cho chắc chắn 5 can nước mắm không có nguy cơ bị đổ, tôi ngả người ra ghế mơ màng đến tiền đồ sán lạn. Chúng tôi sẽ xin được kinh phí nhờ vào món đặc sản của quê hương và lòng hảo tâm của một ông cục, vụ, viện trưởng nào đó ở Thủ đô. Rồi tôi sẽ viết về sóng giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm, sẽ đi điền dã khai quật những di chỉ, những thành Lồi, lội về gốc tích của những vùng tối đầy ma Hời, ma Le. Sẽ tìm ra cái cội nguồn Mũi Muống, Mũi Nhọn trong nghệ thuật đóng thuyền của dân đi biển Đồng Hới. Sao cái “bộ phận đàn bà” lại được biểu tượng bằng Mũi Muống của thuyền lưới nhỉ? Cái mũi Muống này có liên quan gì đến trò chơi “Chấp me, che muống” chứa đầy nội dung đấu tranh sinh tồn của cộng đồng kia không? Má tôi áp vào thành ghế đập dồn, mềm mại; cái cảm giác mềm mại quen quen, như thể đã được thưởng thức ở đâu. Lạ thật, đâu đây có tiếng tù và rúc, tiếng gì giống con chim le le kêu hay tiếng nghé ọ trên đồng. Tiếng nghé ọ sao lanh lảnh như tiếng kêu, tiếng hú buồn bã tiếc thương của những thần dân vùng đất luôn là nơi giao tranh đổi chác.

Chúng tôi đã lưu lại ba ngày ở Thủ đô chờ vị cứu tinh có thể ký ra tiền bạc. Có người bày vẽ và chỉ đường, cho nên tối hôm ấy chúng tôi có mặt ở dinh thự của vị “đại quan”. Tất nhiên quan “tham tri” vắng nhà. Tiếp chúng tôi là mệnh phụ phu nhân. Gọi là thế nhưng thực ra chỉ đồng chí Phó Chủ tịch kính mến của tôi là được ngồi trong sa-lon nói chuyện. Còn tôi và cậu lái xe thì xớ rớ vòng ngoài “kính nhi viễn chi” nghe lỏm và khi có dấu hiệu “thông đường” thì chuyển tải số hàng hóa đặc biệt vào, sao cho mặt hàng gây được ấn tượng mạnh nhất, hiệu quả nhất.
Bên kia bàn là một thiếu phụ sang trọng. Từ góc nhìn qua bờ vai và một góc gáy của sếp, tôi lặng lẽ quan sát bà. Một vẻ đẹp sung mãn mà kín đáo, không thanh tao cũng chẳng dung tục, xa ngái, mơ màng và hơi uy nghiêm. Nhìn lâu hoa mắt tự dưng tôi liên tưởng đến một điều gì vời vợi như cái tháp chuông nhà thờ nơi thị xã tôi ở. Vào đó, khẽ hú lên một tiếng nhỏ, âm sẽ được khuyếch đại phóng to mà thanh vẫn nét. Bà nói giọng Hà Nội, nhất là lại phát ra giữa đôi môi hồng hào, thanh thiết và cao cả kia.

- Nhà tôi đang về quê thăm mẹ ốm, về việc này tôi sẽ nói lại.
Tôi giật mình, sờ tay vào chiếc can nhắc thử. Được việc rồi đây. Trong những giây phút khẩn trương này không hiểu sao tôi vẫn bị một cái ăx theo thói quen của người làm ngôn ngữ. Sao bà lại nói “mẹ” nhỉ? Người Hà Nội lịch lãm lắm, bao giờ cũng nói “bà cụ thân sinh”. Lại nữa, từ “mẹ” được phát âm hơi dài và nặng.
- Dạ thưa chị!... Sếp của tôi nhỏ nhẹ - nghe nói chị đã từng đi qua và ghé lại tỉnh chúng tôi một thời?
Đến lúc rồi, tôi quài tay cầm ôm gói mực, trong đầu phác nhanh một bài “đít cua” mà chắc chắn người trình bày bao giờ cũng lắp bắp.
- Về việc này... gì chứ văn hóa thì nhà tôi... vả lại đất Quảng Bình cũng chẳng xa lạ gì ... - Tôi ngước lên nhìn bà như ngắm nghía một vị ân nhân. Tôi biết sức mạnh của phái yếu trong những cuộc này. Ơn trời, chúng tôi đã đến đúng chỗ. Sắc diện bà vẫn không đổi. Bà nói chậm rãi, hơi thấp giọng trong khi các ngón tay sếp tôi đan xen vào nhau. Còn tôi, một tay mực, một tay nước mắm chuẩn bị tiến lên. Cậu lái xe, một cựu sĩ quan thì đứng nghiêm như sắp ra trận.

Vào đúng cái thời điểm căng thẳng mà trên sân khấu người ta thường gọi là cao trào ấy bỗng vang lên một dòng nhạc. Cánh cửa phòng trong bật mở. Tôi ngước lên, và như một vầng hào quang sáng chói, dưới ánh đèn nê-ông xanh dịu toàn bộ nội thất tòa nhà hiện lên mà chỉ một phép Monta nhỏ cũng đã thu hết vào góc nhìn đầy các cỡ cảnh: Toàn - Trung -  Cận và Đặc tả. Tự dưng trong tôi dâng trào một cảm giác mệt mỏi đến rã rời. Tôi cúi xuống nhìn gói mực, can nước mắm và bộ điệu cóc cáy của hai chúng tôi: Tôi và cậu lái xe. Một thiếu nữ mặc váy đầm lướt tới gần thiếu phụ:
- Mẹ, con đi khiêu vũ.
Lại giật thột. Tôi như con thạch sùng đeo bám nơi trần nhà động một tý là tính nước quay đầu chạy trốn. Gương mặt cô gái giống mẹ nhưng trẻ trung và thánh thiện diệu kỳ. Một hạt bụi nào đó trong đáy sâu bộ nhớ của tôi chợt động cựa. Cái gương mặt xinh đẹp thoát tục này mình đã thấy ở đâu?!
- Tôi thầm văng tục để chấm dứt cho sớm cái ý nghĩa viễn vông - Cái thằng nhà quê xấu xí như mày thì làm sao có dịp gần với một thiên thần như vậy!?

Chiếc Dream II vụt qua, phả lại mùi nước hoa ngoại đắt tiền. Một lần nữa cái hạt bụi quá khứ lại động cựa nhè nhẹ như mầm hạt nứt vỏ kiên trì đội đá trồi lên. Tôi không còn nghe cuộc đối thoại từ phía sếp, không còn cảm nhận sức nặng của gói quà. Như người mộng du cầm đèn ngược đường hầm mờ ảo đi tìm lại những hẻm nhỏ trong ký ức. Đâu đây có tiếng ầm ào của chiến tranh, một góc tối, ngọn đèn hạt đỗ, con vật gì có đôi mắt xanh lè ngồi nghiến răng. Một vườn sắn, một xóm nghèo. Những mùa giêng hai đói quay đói quắt. Một vầng sáng, giảng đường đại học đầy ắp tiếng cười. Không, không thấy không có thiếu nữ này. Không phải đâu! Mày lầm rồi! Mày lầm rồi! Tất cả là ảo giác, một kiểu hội chứng “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Cả cái bà mệnh phụ quý phái đang tiếp chuyện sếp mày kia, chắc mày cũng thấy phảng phất những nét quen thuộc trong chân dung đường nét và ngôn ngữ?! Đó chẳng qua vì mày đó thôi. Lẩn thẩn, trớ trêu quá đấy!

Tôi chợt tỉnh, nhìn lại, không còn thấy gói mực và can nước mắm đâu nữa. May quá, cảm ơn “trung úy sốp-phơ” đã lẹ làng chuyển vào bếp khi phát hiện bà quản gia thập thò phía trong. Sếp tôi đã đứng dậy. Người đàn bà đã đứng dậy đi ra giơ tay về phía tôi. Theo thói quen, tôi định giơ hai tay đỡ lấy tay bà nhưng chợt nhớ toàn thân mình rất có thể đã ám nặng mùi các sản phẩm của biển. Tôi lùi dần ra phía cửa, trong khi sếp tôi: ông Phó Chủ tịch hiền lành và nhân hậu, không biết ai móc miệng cho và vì mục đích gì đã nói được một câu xanh rờn nhưng thật đúng lúc:
- Thật - là - may - mắn - được - tiếp - chuyện - với - một - phụ - nữ - lộng - lẫy - như - chị.

Trong khoảnh khắc người đàn bà kêu lên một tiếng lanh lảnh, đôi tay để trần múp máp trắng ngần vươn ra trong một cử chỉ ngạc nhiên thích thú. Và tôi, một tay cầm cánh cửa ô tô, sững lại. Một tia chớp nhoằng lướt qua vùng tiềm thức kéo vút tôi về với tuổi ấu thơ xa lắc. Vun vút lướt qua những tầng mây chiều buồn bã rách bươm. Những cánh chim về núi muộn màng. Tiếng chim le le kêu, tiếng nghé ọ trên đồng. Tôi thở hào hển chạy ngược luồng gió đông bắc lạnh buốt, nương theo tiếng hú, nhoàng nhoàng lách qua thằng “quạ”, lao đầu vào khoảng không giữa vòng tay, áp đầu vào khoảng giao thoa mềm mại, nghe xa xăm tiếng dội thình thịch, thình thịch...
- Ma Ri, Ma Ri ! Tôi thì thào.

Đằng kia sếp tôi đã một lần nữa cầm tay tạm biệt. Cám ơn sếp đã vì quê hương, vì tôi mà nói được một lời có cánh kéo về cho tỉnh nhà “một số trăm triệu đồng” ngõ hầu giúp rập cho công cuộc gợi lại cái tên nguyên sơ của vùng đất ấy. “Trung úy sốp-phơ” đã nổ máy. Lạy chúa! Cài số nhanh lên và tăng ga đi để tôi khỏi vỡ òa niềm cảm xúc thành một tiếng hú dài lảnh lót ngay giữa đất Hà thành như một thằng điên: Con - mau - về - mạ - kẻo - quạ - tha - đi...!
Hình như có một cành cây lay động làm đổ xuống vô vàn những hạt nước mát lạnh: Mưa xuân.
N.T.T

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)
Về Cội (05/02/2009)
Đồng hành (09/01/2009)