Truyện ngắn
Chuyện tình
08:03 | 27/03/2014

HẠO NGUYÊN

1.
Em đi loanh quanh ngôi nhà của tôi, nhìn mọi đồ vật với vẻ mặt ngạc nhiên. Em đứng lại trước một bức tranh. Đó là bản sao bức “Tiếng thét” của Edvard Munch. Khuôn mặt em biểu cảm một nỗi cô đơn không tả xiết.

Chuyện tình
Minh họa: Nhím

Tôi muốn đến bên em, vỗ về đôi lời. Tôi định đứng lên, nhưng may sao em đã rời khỏi bức tranh đó. Giờ thì em đến bên bàn làm việc của tôi, cầm lên một vỏ sò biển, ngắm nghía đầy ngạc nhiên. Bỗng dưng con sò phát ra những âm thanh kỳ lạ, như là tiếng sóng biển. Khuôn mặt em sáng lên một vẻ mê mải trinh bạch. Tôi say đắm khuôn mặt em vì thế, biểu cảm vô cùng, hoàn toàn chân thực và sinh động. Đêm nào tôi cũng mơ thấy khuôn mặt em. Đôi lúc rất rõ ràng, nhưng nhiều khi hết sức mơ hồ, như một biểu tượng. Khuôn mặt ấy, với những đường nét dịu dàng thanh khiết, cái sống mũi tao nhã, đôi môi hiền, đôi mắt hiền, vầng trán tỏa sáng đã in vào tận cùng tâm thức tôi, ngời lên trong những giấc tôi mơ, tựa một vì sao, một vầng trăng, một lấp lánh cầu vồng.

- Anh đang nghĩ gì thế?

Em đã đến bên tôi tự lúc nào, thì thầm ngọt dịu.

- Nào, nói với em, anh đang nghĩ gì?

Tôi ngước mắt lên, ánh nhìn chạm ngay vào đôi mắt thật hiền của em.

- Anh đang tự hỏi em sẽ lạ lẫm với ngôi nhà này cho đến bao lâu.

Em ngồi xuống, mắt nhìn quanh các bức tường.

- Thật sự rất lạ lẫm. Em chưa hề vào những không gian như thế này.

Đúng vậy. Đây không phải là không gian dành cho em, chỗ của em phải là những thảo nguyên thơm ngát mùi cỏ, những cánh đồng huệ tím miên viễn, những con đường hun hút lá vàng rơi, hoặc chí ít cũng là những khu vườn lãng đãng cỏ cây tình tự. Nhưng tôi không có những thứ đó. Tôi chỉ có một căn phòng chung cư chừng ba mươi mét vuông, với bừa bộn những bản sao thô kệch tranh của Paul Klee, Munch và Dali, vài vỏ sò biển câm lặng ngờ nghệch, một cái gạt tàn đầy đầu lọc thuốc lá, một cuốn Cựu Ước cũ mèm, và rất nhiều chiêm bao tăm tối.

- Nhưng anh yên tâm, em sẽ cố làm quen. Hy vọng rồi sẽ ổn thôi.

Em tựa đầu vào vai tôi, đôi mắt hiền khép lại. Có lẽ em đang mơ về những khung trời cũ của em, tiếng xôn xao của bầy sếu cổ trắng vào mỗi mùa di cư, mùi hương nôn nao của cánh đồng hoa bách hợp, màu thu rưng rưng của những cánh rừng phong ngút ngái… Tôi ước có thể mang những thứ đó về cho em. Nhưng điều đó là bất khả. Trong khi em tựa đầu vào vai tôi, tôi lơ đễnh nhìn những bức tranh trên tường. Có thể tôi sẽ chép tranh của Levitan hoặc Monet hay Manet cho em ngắm nhìn, để em vợi nhớ ngày xưa của mình.

2.

- Em biết không, thật bất ngờ khi em đồng ý về với anh.

Ngoài kia là chiều. Một con bướm trắng ở đâu bay lạc vào nhà, đậu rung rinh trên lọ hoa loa kèn trắng. Tôi bắt đầu cắm hoa từ ngày có em về.

Em nhìn cánh bướm trắng, khóe mắt long lanh.

- Em cũng bất ngờ vì điều đó.

Quả là bất ngờ, chẳng có lý do gì chính đáng để em theo tôi về. Tôi đã không hề giấu diếm với em là nơi tôi ở rất chật chội, bản thân tôi là một gã chán ngắt, và những giấc mơ của tôi cũng chán không kém. Thế mà chỉ sau vài giây suy nghĩ, em đã gật đầu.

- Vì sao thế nhỉ?

Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Cả hai đều không hiểu thực ra vì lý do gì mà cả hai đang ở đây, bên nhau, trong không gian này.

- Có phải là định mệnh không?

Chúng tôi cùng im lặng. Con bướm trắng sau một hồi suy nghĩ, đã rời lọ hoa và bay đi. Tôi và em cùng nhìn theo. Nó sẽ đi đâu, cánh bướm vô danh ấy? Và liệu sau này có còn gặp lại nhau?

- Giá như bây giờ có một cây đàn piano.

Tôi lên tiếng phá tan im lặng. Em cười:

- Anh sẽ đàn ư?

Tôi gật đầu. Trong tôi, giai điệu da diết của bản Serenade của Schubert chợt ngân lên. Em khẽ ngân nga “Sie verstehn des Busens Sehnen, Kennen Liebesschmerz, Rhren mit den Silbertưnen, Jedes weiche Herz”(1).

Tôi choàng tay ôm em. Bờ vai mỏng manh của em run lên.

Mình cùng ngồi đây, nhé em, cùng im lặng. Có thể đâu đó, ở một nơi xa lắm, một nơi mà anh và em chưa bao giờ đặt chân đến, có con chim họa mi đang hót. Phải, em hãy lắng nghe, đâu đó, rất xa, đang vang lên một tiếng hót tha thiết đến nhói lòng.

3.

Thật không dễ dàng khi đưa em về đây. Cả một hành trình dài với rất nhiều rắc rối. Khi ngồi bên em, nắm tay em, lòng tôi lại nhói lên nỗi yêu thương vô hạn vì những gì em đã chịu đựng suốt hành trình.

- Anh có nhớ anh chàng an ninh ở sân bay không?

Ừ, phải. Tôi gật đầu. Chắc lúc đó trông tôi kỳ cục lắm. Khi làm thủ tục lên máy bay ở bộ phận an ninh, tôi bỏ hết hành lý lên băng chuyền, rút cả thắt lưng, bỏ cả bút máy và di động lên. Nhưng khi qua cửa thì bộ phận cảm biến cứ reo liên tục. Anh chàng an ninh dùng máy rà soát, cái máy lại kêu. Cuối cùng phát hiện ra là do tôi mặc áo khoác có dây kéo bằng kim loại. Anh ta yêu cầu tôi phải đi ra lại và cởi áo khoác, bỏ lên băng chuyền. Tôi thực sự lúng túng. Cởi áo khoác ư? Làm sao có thể? Nhìn tôi ngần ngại, anh chàng an ninh lại thêm nghi ngờ. Anh ta cứ giục tôi làm theo yêu cầu. Tôi đành phải bước ra. Nhưng tôi thực sự không biết làm sao cởi áo. Đơn giản là vì em đang ẩn trong áo khoác của tôi. Nếu tôi cởi ra, có thể em sẽ bay đi mất.

- Cái cách anh giấu em thật buồn cười.

Đúng là buồn cười hết sức. Tôi vừa bước ra vừa thò tay vào trong áo khoác, giấu em vào trong áo sơ mi của mình.

- Em nằm yên trên ngực anh, không dám cựa quậy, sợ anh khó chịu.

Em dịu dàng nhìn tôi, má em ửng hồng. Tôi nhớ lại cảm giác lúc đó, cảm giác nhột nhạt trên ngực khiến cả người cứ run lên. Cuối cùng thì cũng trót lọt. Nhưng anh chàng an ninh cứ nhìn tôi đầy nghi kị. Và hình như anh ta cũng cảnh báo êkip bay, nên các cô tiếp viên cứ đi qua chỗ tôi ngồi là lại nhìn cảnh giác.

- Lúc lên máy bay, em rất muốn được ra ngoài, nhìn mây. Nhưng em lại sợ.

Thực ra em có ra ngoài thì cũng không ai thấy. Nhưng không hiểu sao lúc đó cả hai đều sợ. Có lẽ là do cảm giác. Em thì lần đầu tiên lên máy bay, còn tôi thì lần đầu tiên phải giấu một cái gì đó trong ngực áo mình.

- Em nhớ cô gái ngồi cạnh anh trên chuyến bay nữa.

Đó là một cô gái châu Âu, có lẽ người Pháp, vì khi ngồi trên máy bay tôi thấy cô đọc cuốn “Hạt cơ bản” của Michel Houellebecq bằng tiếng Pháp. E ngại cô có thể phát hiện ra tôi đang giấu em, nên tôi cứ ngồi né ra một bên, để lại giữa tôi và cô một khoảng trống mông mênh. Thi thoảng tôi lại nhìn sang cô dò xét. Và cái nhìn ấy làm cô gái khó chịu. Tất nhiên, với thói quen cư xử của người phương Tây, cô không tỏ vẻ gì, nhưng tôi biết cô khó chịu. Đôi lúc, cô ngừng đọc, tháo kính ra, ngồi ngẫm ngợi. Tôi hiểu cô không phải ngẫm ngợi về cuốn sách, mà là đang tự hỏi cái anh chàng châu Á bên cạnh mình có vấn đề gì không mà nhìn mình mãi. Đặc biệt là anh ta cứ đặt tay lên ngực áo như đang cố che đậy điều gì. Và điều đó diễn ra mãi suốt chuyến bay.

- Ở trong này ấm lắm, anh biết không?

Em đặt tay lên ngực tôi, thì thầm. Tôi nắm lấy bàn tay em, tự hỏi sẽ sưởi ấm cho em được bao lâu.

- Đôi khi anh cảm thấy cuộc đời thật ngắn ngủi.

4.

Tôi bắt gặp em lần đầu tiên ở công viên Stanley, Vancouver. Đến Canada, việc đầu tiên là thăm Vancouver. Và định mệnh đã sắp đặt để tôi gặp em ở đó. Giữa ríu rít đoàn người tham quan, tôi nhận ra em ngay bởi mùi hương hoa hồng thơm ngát. Nhưng lúc đó chúng tôi hoàn toàn xa lạ với nhau, em lẩn quất gần tôi một hồi rồi biến mất. Cả ngày đó tôi tìm em, nhưng không thể tìm lại được.

- Thực ra em vẫn đi theo anh, nhưng anh không phát hiện ra, vì em không mang hương hoa hồng nữa.

Đúng vậy. Nhưng ban đầu tôi không nhận ra. Mấy ngày ở Vancouver, tôi luôn có cảm giác lạ lùng là có cái gì đó ở bên cạnh mình. Nhưng chỉ là cảm giác. Thêm nữa, tâm trí cứ nghĩ về em, cứ ngóng tìm em nên cảm giác ấy chưa thực sự đánh động tôi.

Đến khi sang Amsterdam, tôi lại gặp em lần nữa. Tôi biết chắc đó là em. Và phải đến lúc đó tôi mới biết là em vẫn theo tôi.

- Em nhớ không?

- Vâng. Tại vườn hoa Keukenhof.

Keukenhof, một vườn hoa ở thị trấn Lisse, phía nam Amsterdam. Choáng ngợp vì sắc màu, tôi lần ra bờ hồ. Và tình cờ gặp lại em. Lúc đó em đang đùa giỡn cùng bầy thiên nga trên hồ.

- Em mặc váy trắng, phải không?

- Ồ, là anh tưởng tượng thế thôi. Vì anh thấy em đang đùa với bầy thiên nga nên anh tự ám thị rằng em mặc váy trắng.

Có thể là thế. Vậy là tôi đứng đó, lặng nhìn em lướt trên mặt hồ, đến cạnh một đôi thiên nga, vuốt ve bộ cánh trắng muốt của chúng. Rồi hình như phát hiện ra tôi đang nhìn, em lại kiêu kỳ bỏ đi. Tôi đứng lặng nhìn theo, cảm giác lẻ loi đến mủi lòng.

- Thật tội nghiệp cho anh.

Em âu yếm hôn lên trán tôi. Hơi thở em thơm ấm. Tôi kéo em vào lòng. Sau một hành trình dài như thế, tôi và em có quyền thưởng cho nhau những giây phút này, im lặng trong tay nhau và mơ về một khung trời bát ngát.

- Anh sẽ mơ cùng em chứ?

Chắc chắn là thế rồi. Tôi ôm em, thì thầm.

Trong ánh sáng xanh nhạt của cây đèn ngủ, tôi nhắm mắt và đến bên cánh cổng ấy. Em sẽ đi theo tôi. Tôi đưa tay đẩy cánh cổng, phía sau cánh cổng là một khung trời. Tôi và em sẽ bước vào đó. Tôi nắm chặt tay em. Có lẽ việc đó làm em đau. Em xuýt xoa. Nhưng tôi vẫn nắm chặt tay em, vì tôi sợ em bay đi mất.

- Em đang ở bên anh đây. Ngủ đi anh!

5.

Sau khi lạc mất em tại Lisse, tôi tách đoàn để đi tìm. Đó là một quyết định có vẻ điên rồ. Ông trưởng đoàn trố mắt nhìn tôi:

- Cậu đi riêng ư?

- Vâng.

Tôi bối rối nhìn ông.

- Thật ra tôi có một số việc đột xuất phải giải quyết.

- Thôi được, nhưng cậu sẽ về nước cùng lần với đoàn chứ?

- Tôi cũng không chắc được. Nhưng khi nào đoàn đến Paris, tôi sẽ liên lạc lại. Nếu kịp, tôi sẽ đến đó để cùng về.

Thế là từ Amsterdam, tôi đón tàu điện đi Bỉ. Suốt bốn tiếng đồng hồ trên tàu, tôi không tự giải thích được vì sao tôi sang Bỉ. Nhưng điều gì đó, tựa như linh cảm, cho tôi biết là em cũng đang trên đường sang Bỉ. Xuống ga tại tỉnh Namur, tôi đón ôtô đến Liege. Và ngay đêm đầu tiên tại đây, tôi đã thấy em. Lúc đó khoảng tám giờ tối, tôi đang lang thang trên những con đường dốc của phố núi Liege thì nhận ra em. Cũng như tôi, em đang men theo những con đường nhỏ. Tôi cuống quýt chạy theo. Ra khỏi một con ngõ, em hòa vào dòng người hướng về quảng trường Place de Saint-Lambert. Chật vật lắm tôi mới chen được giữa những người Âu cao to để theo dấu em. Cuối cùng, tôi đến một cây cầu bắc qua sông La Meuse. Em đã dừng lại đây. Tôi biết điều đó. Trong không khí vẫn vương mùi hương của em. Một mùi xao xuyến không thể tả được. Nhưng đến đó thì em mất dấu. Tôi đứng lặng trên cầu, nhìn nước sông La Meuse lặng lờ trôi. Em sẽ đi về đâu?

6.

- Lúc đó anh có giận em không?

- Không, không hề.

Tôi nắm bàn tay em, áp lên má mình. Những ngón tay thon dài nằm ngoan lành. Bất chợt em thở dài:

- Lẽ ra em không nên khiến anh vất vả đến thế.

Lúc đó, đứng trên cầu bắc qua sông La Meuse, tôi cũng thở dài. Mất một ngày trời qua biên giới chỉ để thấy dấu em mười lăm phút. Và sắp tới sẽ như thế nào? Tôi sẽ đi đâu để tìm em?

- Thế là sáng hôm sau, anh đón ôtô sang Đức.

- Em biết. Anh đến Aachen.

- Ừ phải, em vẫn theo anh mà. Anh thật ngốc.

Không thấy dấu của em ở Aachen, anh đánh liều đón tàu điện đi Cologne. Không hiểu sao Cologne dạo ấy sương mù nhiều đến thế. Trên những nẻo đường anh qua, thi thoảng những cô gái đứng đường xuất hiện từ trong sương mù. Váy đỏ váy xanh, tóc vàng tóc bạch kim. Đủ cả. Họ mời mọc. Anh lắc đầu. Đôi lúc anh cứ mong em đột nhiên từ trong sương mù bước ra, trêu anh sao đi chậm đến thế. Nhưng không có ai là em cả. Tất cả họ, không có ai là em.

- Thế nhỡ em bước ra từ sương mù thì sao?

Tôi im lặng. Từ trong sương mù ra thì sẽ quay lại với sương mù. Đó là lẽ tất yếu. Em đương nhiên không thể biến mất trong sương mù.

- Có thể lắm chứ anh. Nếu một ngày…

Tôi đưa tay lên môi em, không cho em nói hết lời. Tôi sẽ thiêu cháy hết sương mù trên thế giới này nếu điều đó xảy đến, nếu sương mù làm chìm khuất mất em.

Lang thang dọc bờ sông Rhein suốt một ngày, không thấy dấu của em. Sáng hôm sau, từ Cologne, anh đón tàu điện đi Karlsruhe. Từ Karlsruhe anh lại đón tàu đến Fussen và sau đó sang Áo, ngủ đêm tại thành phố Innsbruck. Suốt mấy ngày ròng rã, nhiều lúc anh tuyệt vọng vì không thấy dấu em. Nhưng rồi tĩnh tâm lại, anh biết mình vẫn đi đúng hướng. Chỉ có rắc rối là nhiều lúc anh đã không tỉnh táo để nhận ra em giữa hành trình rồ dại của mình.

7.

Tại Innsbruck, anh gặp một người đánh đàn violon trên hè phố. Đó là một ông già mù, nom hết sức cũ kỹ với mái tóc trắng ngang vai và chòm râu rậm rịt che kín cả miệng.

- Ồ, em biết ông ấy.

- Em biết ư?

- Vâng. Sao anh lại ngạc nhiên thế? Ông ấy hay ngồi bên vỉa hè gần nhà thờ Thánh Jacques.

- Nhưng sao em biết? Em có ở đó đâu?

- Anh ngốc lắm. Em có ở khắp mọi nơi.

Tôi à ra vỡ lẽ. Đúng vậy, em hiện diện ở khắp mọi nơi. Làm sao tôi lại quên sự thật hiển nhiên ấy chứ?

- Ông ấy tên là Rainer Maria Rilke.

- Sao?

- Vâng. Em ngạc nhiên nhìn tôi. Rainer Maria Rilke. Sao anh?

- Chẳng lẽ ông ấy là nhà thơ Rainer Maria Rilke? Ông ta mất lâu lắm rồi cơ mà?

- Em không biết. Em chỉ biết ông ấy là Rainer Maria Rilke, người đánh đàn gần nhà thờ Thánh Jacques. Ông ấy hay chơi nhạc của Johann Strauss.

- Đúng vậy. Khi anh gặp thì ông ấy đang dạo khúc đầu của bản The Blue Danube.

Anh đứng lặng nghe bản nhạc, một phần vì mệt mỏi, một phần vì tiếng violon cuốn hút anh. Một lát sau, ông ta dừng chơi, thì thầm:

- Cậu đã đi thật xa đấy, chàng trai. Cố lên nhé. Cũng sắp tìm được rồi. Nhưng hãy nhớ là điều cậu tìm kiếm không thuộc một thế giới nào. Nhớ lấy.

- Ông ta nói bằng tiếng Đức chứ? Hay tiếng Việt? Hay tiếng Anh?

- Anh không rõ. Anh nào có biết tiếng Đức. Tiếng Anh thì bập bà bập bõm thôi.

- Chẳng nhẽ ông ấy biết tiếng Việt? Không đâu.

Anh thực sự không biết ông ta nói với anh bằng ngôn ngữ gì, chỉ biết là anh nghe ra điều ông ta nói như thế. Anh định hỏi thêm vài điều nữa nhưng ông lão đã im bặt, lại nâng đàn lên và tiếp tục chơi. Đứng mãi không thấy ông đếm xỉa gì đến anh, anh đành bỏ vào chiếc mũ trước mặt ông một đồng euro rồi đi. Cho đến bây giờ, anh vẫn ám ảnh mãi lời ông nói, điều anh tìm kiếm không thuộc một thế giới nào.

- Là em ư?

Tôi nhìn sâu vào mắt em, đôi mắt hiền trong veo. Tận sâu trong đôi mắt ấy, có những thiên hà nào đang vận hành? Tận sâu trong đôi mắt ấy, có một thế giới nào chung cho cả em và tôi? Ít ra thì đến giờ tôi vẫn có thể tự trấn an mình rằng điều tôi đang tìm kiếm là thuộc về thế giới này, bằng chứng là em đang nằm bên tôi, ngực thơm phập phồng hơi thở, da thơm tràn đầy ánh sáng, tóc thơm hàng vạn mùa hoa. Phải, em là của tôi, là của thế giới này.

8.

- Hãy hứa với anh là em thuộc về thế giới này, em nhé!

Tôi bất chợt thốt ra như thế khi em đang đứng bên cửa sổ, nhìn ra biển. Từ căn hộ chung cư của tôi, có thể ngắm biển xanh mênh mông ngoài cửa sổ. Em quay lại nhìn tôi:

- Thì em đang ở bên anh đấy thôi.

Rồi em đến ngồi bên tôi. Tôi bỏ cọ xuống, tay tôi lấm lem màu nước. Em nắm tay tôi, dịu dàng:

- Anh đừng nghĩ đến ông già đánh đàn nữa. Em đang ở đây mà.

Phải. Em đang ở đây. Tôi biết điều đó. Nhưng lời ông già Rilke của em sao nghe như lời tiên tri. Tôi sợ.

Đôi tay thon dài của em ấp lấy những ngón tay lem luốc của tôi. Em thì thầm:

- Em sẽ ở bên anh. Chỉ sợ là anh không chịu được sự thất thường của em thôi.

Đúng, là em thì đương nhiên phải thất thường. Em nhiều khi dịu dàng và thì thầm, mát rượi và êm như một lời ru. Cũng có lúc em ấm nồng, có lúc em nóng rực. Mỗi khi khí trời thay đổi, có thể em sẽ giá lạnh và cay nghiệt, hoặc bỏng rát và phẫn nộ. Cũng có đôi khi, trời quang mây tạnh, tôi ôm em mà như không hề ôm, tôi nắm tay em và bàn tay dịu dàng ấy vuột mất giữa những ngón tay tôi, tôi hôn em và chạm phải cái trống trơn của không khí.

- Liệu anh có chịu được tất cả những điều đó không?

Em nhìn sâu vào mắt tôi. Tôi không biết nói gì. Đôi mắt em đã hút mất linh hồn tôi, cái hố đen quyến rũ ấy nghiền nát tâm hồn tôi trong sự bí ẩn đầy sức mạnh của mình.

- Anh chỉ không thể chịu đựng được việc không có em.

9.

Đêm nay em rất lạnh. Da em trắng rợn. Tóc em như tấm lụa ướp trong tủ lạnh. Hơi thở em phả vào tôi những làn buốt giá.

- Do thời tiết đấy, anh ạ.

Chiều nay áp thấp tràn về. Bầu trời âm u. Và em tôi cũng âm u theo. Tôi đắp cho em một chiếc chăn dày, và tôi ôm em vào lòng. Toàn thân tôi thấm lạnh.

- Giống như đêm ở Venice phải không anh?

Đúng rồi, đêm ở Venice. Từ Innsbruck, tôi lại vượt biên giới Áo và Italia để đến thành Venice. Hôm đó là một ngày rất lạnh. Buổi tối tôi không thể ra đường, nằm dài trong phòng khách sạn. Chừng nửa đêm thì có tiếng động ngoài cửa sổ. Tôi không ngủ được, nằm trong chăn và nghĩ về em. Tiếng động ngoài cửa sổ cứ vang lên, buộc tôi phải ra khỏi chăn. Tôi đến bên cửa sổ, cố nhìn ra nhưng không thấy gì, ngoài kia tối om. Tôi vừa mở cửa ra thì biết ngay em đến. Em lạnh giá tràn vào phòng tôi, không kịp chào hỏi. Tôi chỉ kịp đóng cửa sổ lại và nhìn em. Em trắng và tỏa hơi lạnh từ đầu đến chân. Không kịp hỏi han gì, tôi lấy ngay chiếc chăn mình đang đắp để choàng cho em, và pha cho em một ly nước ấm. Em lặng lẽ ngồi bên mép giường, đôi tay mỏng manh ấp chiếc ly để tìm hơi ấm. Tôi cũng lặng lẽ ngồi trên ghế, nhìn em lạc vào phòng tôi giữa lúc không ngờ. Rồi em lên tiếng:

- Cuối cùng anh cũng đến Venice.

Tôi nhìn em, muốn nói bao nhiêu điều, rằng tôi đã khổ sở thế nào khi tìm mãi không gặp em, rằng giờ đây trái tim tôi như muốn rạn nứt vì niềm hạnh phúc nó đang chứa đựng là vượt quá khả năng của nó. Nhưng cuối cùng tôi chỉ nói:

- Đúng. Và cuối cùng anh đã gặp em.

Em xoay xoay chiếc ly trong lòng đôi bàn tay, cười bối rối:

- Tại trời lạnh quá.

Tôi đến ngồi bên em, choàng tay cho em nép vào tôi.

- Em hãy về với anh, nhé. Dù rằng nơi anh ở rất chật chội, hoàn toàn không phù hợp với em. Dù rằng bản thân anh chỉ là một gã chép tranh thuê làng nhàng, vô vị. Và em biết đấy, những giấc mơ của anh cũng chán ngắt như những bức tranh mà anh tạo nên. Tuy thế, em hãy về với anh. Anh không thể chịu được khi cứ mãi kiếm tìm em, không thể chịu được khi không có em bên cạnh.

Em ngước lên nhìn tôi, đôi mắt hiền trong veo. Sự im lặng của em trong giây phút ấy làm tim tôi ngừng đập. Cuối cùng, tưởng chừng cả một thiên thu trôi qua, em cúi đầu, thì thầm:

- Em cũng không thể chịu được điều ấy.

10.

Bây giờ thì tôi đã có em.

Buổi sáng thức dậy đã thấy em lồng lộng bên cửa sổ, tóc gió xõa kín một góc nhà. Khi tôi ngồi vẽ, em tinh nghịch lượn khắp nơi, làm lệch vài bức tranh, làm tung những phác thảo bằng chì tôi để trên bàn, thổi một cánh hoa đã rụng bay ra cửa sổ. Hoặc đôi khi em bó gối ngồi trầm ngâm nhìn tôi, đôi mắt hiền đăm chiêu, tay mân mê lọn tóc. Hoặc đôi khi em đến sát bên tôi, vuốt ve đầu tóc bù xù của tôi. Tôi liền bỏ cọ xuống, nắm lấy bàn tay em, nhắm nghiền mắt để sự dịu dàng của đôi tay ấy xoa dịu tất cả những mệt mỏi của một tâm hồn đã nhiều khi ưu phiền.

Những hôm đẹp trời, em ấm áp và sáng trong. Em sẽ líu lo suốt ngày, kể tôi nghe về những con thác phương xa em đã đi qua, những cơn mưa xuân, những sự tích của các loài chim di cư.

Những hôm dịu nắng, em mát rượi và tươi mởn. Em sẽ thầm thì bên tai tôi tiểu sử các dòng sông và con sóng, những chuyện bí mật của loài hạc trắng và thiên nga, cũng như những giai thoại lạ lùng của mây trời.

Những hôm âm u, em sẽ buồn bã và không nói năng gì. Lúc đó, cho dù tôi có dỗ dành hay pha trò đến mấy thì em cũng vẫn im ỉm trong góc nhà. Mắt em nhắm nghiền, tóc em rũ rượi trên vai. Tôi đành lặng lẽ ngồi nhìn em, lòng trĩu nặng.

Những hôm mưa mù, thế nào em cũng quay quắt, xám lạnh và khó chịu. Em đi đi lại lại trong căn phòng nhỏ, thổi tung lên tất cả những gì em gặp. Lúc đó thì tôi chỉ biết cầu cho mưa chóng ngớt.

Mùa này chưa có bão. May là thế. Nếu không thì không biết sự tình sẽ như thế nào.

11.

Một đêm, em thì thầm bên tôi:

- Em có thể ra ngoài được không anh?

Tôi bối rối, không biết trả lời như thế nào. Ra ngoài? Tại sao lại phải ra ngoài? Ở trong căn phòng ba mươi mét vuông này, cả tôi và em là một thế giới, tự nó đầy đủ, tự nó trọn vẹn. Ra ngoài liệu có ích gì cho cả hai?

- Được không anh?

Em lại thì thầm, giọng vừa van lơn, vừa hờn dỗi.

Tôi không thể lặng im, đành phải lên tiếng:

- Để làm gì em?

- Em nhớ bên ngoài lắm. Anh biết không?

Giọng em bắt đầu ẩm ướt. Tôi không muốn em khóc chút nào.

- Em nhớ bên ngoài.

Em lại lên tiếng, giọng đầy nước mắt.

- Anh biết đấy. Đã nửa năm rồi em không ra ngoài. Em nhớ những ngọn cây, những góc phố, những mái nhà, những đám lá rụng trên lối đi. Hôm qua nhìn ra cửa sổ, em thấy rất nhiều mây. Ôi, những đám mây, lâu lắm rồi em không cảm nhận được sự bồng bềnh của chúng.

Giọng em dần khô lại, nghe rõ vẻ háo hức.

- Và cả biển nữa. Em biết em có thể đi rất xa trên mặt biển. Và sẽ quay lại thật nhanh. Giá như có những cánh buồm thì thật thích. Em sẽ làm chúng căng phồng lên. Lần cuối em ở biển là bao lâu rồi nhỉ?

Em thở dài. Rồi im lặng. Tôi rối bời. Tôi hiểu nỗi nhớ của em, nỗi khao khát của em với thế giới bên ngoài. Tôi ray rứt khi gần như giam lỏng em trong căn hộ chật chội này, với những bức tranh vớ vẩn, những bông hoa đẹp một cách giả tạo và những câu chuyện nhạt thếch của tôi. Nhưng tôi không muốn em ra ngoài. Tôi sợ em sẽ bay đi mất. Tôi tự huyễn hoặc rằng mình đã tạo cho em một thế giới trọn vẹn khép kín, đầy đặn tự bên trong, không cần và không thể có bất cứ sự tham gia nào của bên ngoài. Nhưng rõ ràng tôi không thể tự dối lòng lâu hơn nữa. Và cả em, em cũng không thể vờ như sự hy sinh của em là không hề có. Thế đấy, không bao giờ có một điều gì trọn vẹn tự thân. Và đó là nguyên nhân cho sự đổ vỡ của tất cả những gì đã từng và sẽ tồn tại trên cõi đời này. Tôi lại nhớ đến lời ông già đánh đàn ở Innsbruck, và tim tôi thắt lại.

- Nhé anh. Mai để em ra ngoài một chút, chỉ một chút xíu thôi.

Tôi nắm chặt tay em tỏ vẻ đồng ý. Nhưng lòng tôi quặn lại vì lo âu. Chỉ cần một chút sơ sểnh, em sẽ bay đi mất. Rồi tôi biết tìm em nơi đâu?

12.

Sáng hôm sau, trời nắng nhẹ. Biển xanh rì rào sóng. Khi tôi vừa mở cánh cửa sổ thì em đã dịu dàng bay ra. Em ngập ngừng đôi lát bên ngoài khung cửa, hơi chói mắt vì mặt trời. Một lúc sau, khi đã làm quen với khí trời, em vẫy tay với tôi rồi sà xuống hàng thông ven đường. Em thổi tung những chiếc lá thông rụng, rồi nghịch ngợm đuổi chúng suốt con đường vắng. Tôi đứng trên này nhìn theo em. Lòng đầy lo âu xen lẫn hạnh phúc vì đã mang lại niềm vui cho em.

Đùa nghịch chán với lá thông, em vút lên trên các mái nhà, lên trên cả nóc tòa chung cư nơi chúng tôi ở. Tôi ngước nhìn theo. Từ nóc nhà chung cư bảy tầng, em vút lên cao hơn, cao hơn, rồi bắt đầu hỏi thăm những đám mây trắng đang lười biếng trôi. Đến lúc đó thì tôi không thể dõi theo nữa vì quá xa tầm mắt.

Một lát sau em lại sà xuống cạnh cửa sổ, âu yếm hôn tôi, rồi nũng nịu:

- Anh chờ tí nhé. Em muốn ra biển.

Tôi cười gượng. Tôi còn biết làm gì khác? Thế là em vi vút bay đi, giọng líu lo một giai điệu rộn rã. Từ ven bờ, em ào ra theo những con sóng vừa rút đi, làm tung cát khắp nơi. Em lượn khắp mặt biển như một tiểu yêu nữ, hát vang trên đầu sóng, lay nhẹ những con thuyền, thổi căng những cánh buồm, và tung tăng gót nhỏ trên mặt nước xanh rì rào.

Đến gần trưa thì em về, má ửng hồng vì nắng, tóc bết lại vì hơi nước, môi khô vì muối biển.

- Em mệt quá, anh!

Tôi âu yếm để em tựa đầu vào vai. Lòng tôi chùng xuống. Trái tim lại căng nhức vì niềm hạnh phúc vượt quá sức chịu đựng.

- Được rồi, được rồi.

Tôi vuốt ve đôi vai thanh mảnh của em.

- Vào nhà đi em. Trưa rồi.

13.

- Anh sợ mất em vô cùng.

Tôi ôm em vào lòng, thốt ra những lời không bao giờ muốn nói.

- Cuộc sống là quá dài để anh sống nếu như không có em.

- Làm sao có nhau mãi được anh?

Em nép vào tôi, giọng cam chịu.

- Em là gió. Mà gió thì ngắn ngủi và phù du. Làm sao em ở bên anh mãi được. Một lúc nào đó, có thể em sẽ biến mất.

Tôi siết chặt tay em. Giọng tôi run lên:

- Không. Em không thể nào biến mất. Em có ở khắp mọi nơi mà, đúng không?

Tim tôi thắt lại vì viễn cảnh em biến mất.

- Em là gió. Và vì thế nên em không bao giờ biến mất. Em có tự ngàn xưa và sẽ có đến ngàn sau. Đúng không em?

Em cười dịu dàng trên ngực tôi, thì thầm một điều gì đó tôi không nghe rõ.

- Em nói sao?

- Không, em có nói gì đâu.

Ngón tay em vẽ trên ngực tôi những đường kỳ lạ. Tôi cố hình dung nhưng không hiểu em vẽ gì. Tôi thả ánh mắt suốt cơ thể em, một cơ thể mềm mại đến nao lòng. Tôi biết, một ngày nào đó tôi sẽ chết đi, và em thì vẫn sống mãi. Những ngọn gió không bao giờ chết trên trái đất này. Em sẽ không bao giờ biến mất. Điều đó khiến tôi an tâm. Nhưng ý nghĩ về việc tôi sẽ chết còn em thì sống mãi, sống mãi mà không có tôi khiến tôi chạnh lòng. Tôi muốn sẽ bất tử như em để sống mãi với chuyện tình này? Điều đó là không tưởng. Hay tôi muốn em sẽ chết cùng tôi để chuyện tình này không bao giờ dang dở? Chỉ nghĩ đến điều đó tôi đã tự phỉ nhổ mình. Không, miễn là em đừng bao giờ mất đi, đó là niềm hạnh phúc nhất của tôi rồi. Tôi không mong ước gì hơn. Chỉ mong em đừng bao giờ bỏ tôi đi. Chắc lúc đó tôi sẽ không còn đủ sức lực để mà thét một tiếng cô đơn rợn ngợp như trong tranh của Munch.

- Ngủ đi anh!

- Ừ, ngủ nhé em! Anh sẽ mở cánh cửa vào khung trời ấy.

14.

Một đêm trăng sáng, tôi ôm em ngồi trên bộ sofa nhìn ra cửa sổ. Em nhìn mông lung ngoài bầu trời đêm, rồi lên tiếng:

- Anh biết không?

- Sao em?

- Ông Rilke đánh đàn gần nhà thờ Thánh Jacques ấy mà...

- Sao em?

- Cách đây chừng ba trăm năm, em đã gặp ông ta.

- Sao cơ?

Tôi nâng khuôn mặt em lên, nhìn vào đôi mắt em.

- Em nói sao? Ba trăm năm trước à?

- Vâng. Nhưng lúc đó ông không chơi nhạc của Strauss.

Em lại nhìn ra ngoài, im lặng như để nhớ lại.

- Đó là một buổi chiều nắng nhạt. Em tình cờ đi qua thì nghe tiếng đàn của ông. Em nán lại trên tán cây gần đó, lắng nghe. Đột nhiên, ông dừng đàn và gọi:

- Xuống đây!

Em cứ tưởng ông đang nói chuyện với ai. Nhưng phố lúc đó rất vắng. Em cứ nhìn quanh, đúng là không có ai cả. Ông lại gọi:

- Ta gọi cô đấy, cô gió ạ!

Quá ngạc nhiên vì nghe ông ta gọi đích danh, em rời tán cây và xuống gần ông. Ông bảo lại gần nữa. Em lại gần, thế là ông đưa cho em một cái gương soi, và bảo:

- Soi gương đi.

Em nhìn vào gương, thấy một con đường vắng tênh, nắng nhạt khắp nơi, một tán cây đìu hiu lay trong gió chiều.

- Có thấy gì trong gương không?

Em kể những gì em thấy, ông cười:

- Không thấy chính mình trong gương à?

Lúc đó em cười thầm, em là gió, là gió làm gì có diện mạo để soi gương chứ. Thế rồi ông bảo:

- Đi tìm khuôn mặt của mình đi, đừng lang thang nữa.

Tôi chăm chú nghe em kể, chủ yếu vì sự kỳ lạ của câu chuyện, chứ hoàn toàn không hiểu những gì ông Rilke của em nói.

- Rồi sao em?

- Rồi ông không nói gì nữa, tiếp tục chơi đàn. Em tần ngần đứng mãi, không hiểu điều ông ta nói. Đi tìm khuôn mặt của mình? Làm sao được chứ. Em là gió mà, chỉ là một cơn gió thuần tuý.

- Đúng vậy.

Em yên lặng một lát, rồi cầm bàn tay tôi đặt lên ngực em.

- Anh biết không, em đã mất rất lâu để hiểu ra điều đó, cả ba trăm năm.

- Em hiểu rồi ư?

- Vâng.

Em hôn tay tôi.

- Khi gặp anh, em đã hiểu ra. Khuôn mặt của em chính là anh. Em đã hiện diện trong anh, được tượng hình trong anh. Nhờ tình yêu của anh mà em có được khuôn mặt của mình.

Giọng em rưng rưng hạnh phúc. Tôi không biết nói gì, chỉ ôm em thêm chặt, thở thật khẽ để nghe hơi thở của em dịu dàng và yếu đuối bên tôi.

15.

Mùa thu đến. Tôi khá bận bịu. Bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng chép tranh để trang trí dịp Noel và tết Dương lịch. Em thì bắt đầu ướt át và ủy mị, nhiều lúc ngồi thần ra nhìn mây trời. Những đám mây trắng mùa thu bồng bềnh trôi qua khung cửa khiến em như đi lạc đâu mất trong căn hộ chỉ có ba mươi mét vuông này.

Một buổi sáng, trong khi tôi đang loay hoay chuẩn bị giá vẽ thì em lên tiếng:

- Anh ạ, lạ thật.

Tôi dừng tay, nhìn em. Em đang cầm một chiếc gương soi.

- Sao em?

- Em không thấy mình đâu cả. Em đã soi gương cả buổi sáng nay, nhưng không thấy gì. Sao vậy anh?

Tôi cười xòa:

- Em là gió mà. Làm sao em thấy khuôn mặt mình.

Thấy vẻ mặt nghiêm trọng của em, tôi nói thêm:

- Em hiện diện trong mắt anh, thế là đủ rồi. Chẳng phải em đã nói thế sao?

Em im lặng một lúc lâu, như ngẫm ngợi gì.

- Nhưng chả nhẽ sự tồn tại của em phải phụ thuộc vào anh? Nếu anh không nhận ra em, hoặc mai này em không còn anh nữa, thì em lại không có khuôn mặt ư?

Tôi đến bên em, ôm lấy bờ vai của em, dịu giọng:

- Vấn đề là hiện tại, phải không? Tương lai là cái chưa đến, vì thế nó không có ý nghĩa gì với em, với chúng ta.

Lúc đó tôi chỉ biết nói như thế. Lòng tôi cũng rối bời vì những câu hỏi của em. Thật vậy, nếu em tượng hình được là nhờ tôi, thì khi tôi mất đi, em lại trở về phi hình thể ư? Không, không thể nào như thế, một mỹ miều như em không thể phụ thuộc vào điều đó.

Em thở dài:

- Không lẽ mọi thứ vô thường đến thế sao, anh? Tất cả những điều này, anh và em, tình yêu này, sự tượng hình của em trong anh, tất thảy sẽ biến mất ư? Em đã chờ suốt ba trăm năm để được thấy chính mình trong anh, chẳng lẽ điều đó không có ý nghĩa gì? Tại sao đến một lúc nào đó em lại phải trở về với trạng thái không còn hình thể nữa? Anh có thấy điều đó là hết sức phi lý không?

Em nói một hồi không dứt, rồi gục mặt xuống. Tôi nhìn đôi vai của em run lên tuyệt vọng. Và tôi chỉ còn biết ôm em, lòng ngậm ngùi không nói nên lời.

Buổi tối, trong lúc em ngủ, tôi lặng lẽ gom hết những tấm gương trong nhà mang đi vứt. Có thể điều đó sẽ khiến em thôi ám ảnh vì sự thôi thúc được nhìn thấy khuôn mặt của chính mình. Rồi tôi vào giường, nằm bên em, không dám ôm em vì sợ em thức giấc. Tôi cứ nằm đấy, lặng nhìn em ngủ, thi thoảng lại nấc lên trong mơ. Nếu có một đấng siêu nhiên nào đó, xin hãy khai thị cho tôi cách thức để em thôi là gió nữa, để em trở thành một thịt da thực sự là người. Tôi đã thầm khấn nguyện như vậy.

Nhưng có lẽ những đấng siêu nhiên đã bỏ đi hết rồi. Không có một khai thị nào cho tôi suốt những đêm thao thức.

16.

Mấy ngày này em hoàn toàn mất kiểm soát. Đơn giản là vì mùa đông đã đến, gió mùa liên tiếp tràn về. Em lúc nào cũng cáu gắt, nặng nề và giá buốt. Em lồng lên khắp căn phòng nhỏ, thổi tung mọi thứ. Trong nhà thường xuyên vang lên những tiếng loảng xoảng của đồ đạc đổ vỡ. Khi dịu lại, em ngồi khóc, rồi rầu rĩ đi thu nhặt đồ đạc, sau đó e dè đến bên tôi, nép vào lòng tôi đầy hối lỗi như một con mèo nhỏ hư hỏng. Tôi chỉ biết ve vuốt thân thể mềm mại giá lạnh của em, vỗ về đôi lời hoặc pha trò trêu chọc. Tôi không thể trách em được. Nhưng sau những phút giây ấy thì đâu lại vào đấy. Em lại làm rối beng mọi thứ, thổi tấm lịch bay vèo ra cửa sổ, làm rơi một bức tranh của Klee xuống nền nhà, lật ngã lọ hoa, tung giấy nháp bay khắp như một đám lá bàng rụng. Tôi lo lắng nhìn em. Trong cơn cuồng nộ ấy, tôi e là em sẽ quên mất chính mình, sẽ bị cuốn vào thứ bản năng đen tối của những trận bão. Và khi nhận thấy em sắp bị cuốn vào, tôi lại liều lĩnh đến bên em, ghì chặt em lại, mặc em la hét và giãy giụa. Tôi và em như hai đối thủ trong một trận đấu sống còn, một kẻ ra sức khống chế, một kẻ điên cuồng thoát ra.

Đó thực sự là những giây phút khủng khiếp nhất mà tôi từng trải qua.

Khi cơn bão đi qua, hoặc những lúc nắng lên giữa mùa đông, em lại trở về hiền dịu. Nhìn em xanh xao ngơ ngác như chiếc lá bị vùi dập sau giông tố, lòng tôi đầy xót xa. Đêm đến, em ủ kín mình trong chăn, nhìn đăm đăm lên trần nhà, mắt long lanh nước. Khi tôi nghiêng về bên em, em lại úp mặt vào ngực tôi, rấm rức khóc. Tôi ôm em im lặng. Dù không muốn em khóc, nhưng tôi không thể làm gì khác. Mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa trước những giọt nước mắt của em.

- Đó là khuôn mặt của em hả anh?

Em nhìn tôi, giọng giễu cợt cay đắng.

- Không, đó không phải là em.

Tôi nắm bàn tay nhỏ bé của em, thì thầm.

- Vậy đó là ai?

Tôi im lặng. Tôi không biết nói gì.

- Phải rồi, phải rồi, anh im lặng.

Em lại cay đắng thốt lên. Rồi em cũng im lặng. Hai đứa nằm bên nhau, tôi vẫn ôm em, nhưng cảm giác em đang trôi đâu mất, biến đâu mất trong chính cơn tuyệt vọng của em.

- Nào, ngủ đi em. Rồi mùa đông sẽ qua, mưa bão sẽ qua.

Tôi ru em ngủ. Nhưng tôi biết giấc ngủ sẽ không dễ dàng đến với em. Và cả tôi cũng thế. Cả hai đều im lặng nằm chờ những cơn gió chướng thôi réo gào.

Đó là mùa đông dài nhất mà tôi từng trải qua.

17.

Một buổi chiều cuối đông, tôi tỉnh giấc ngủ trưa thì em không còn bên tôi nữa.

Qua khe cửa sổ, em đã bay đi.

Buổi chiều hôm ấy thật vắng. Từng tia nắng trắng bệch rỉ ra từ các đám mây, rơi xuống uể oải, xiên ngang vào căn hộ ba mươi mét vuông của tôi, khiến bức tranh của Munch thêm méo mó.

Tôi lặng đứng bên cửa sổ, nhìn về phía chân trời.

Em sẽ bay về đâu, nàng gió ơi?

Và ở đâu, khi nào, em có thể thấy được khuôn mặt của mình?

Một mai nào đó, có thể là ba ngàn năm sau, em còn nhớ gì không?

Nàng gió ơi!

Nàng gió của tôi ơi!

H.N
(SH301/03-14)

.............................................
(1) Lời ca khúc Serenade, tạm dịch: Hoạ mi hiểu khát vọng trong lòng anh, thấy được nỗi đau tình yêu, với tiếng ca trong vắt, làm rung động trái tim.







 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Ảo ảnh (21/03/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Hồ Nhớ (07/01/2014)