Truyện ngắn
Một ngày xứ em
14:41 | 03/04/2014

ĐOÀN LÊ

Em dắt dẫn tôi vào chuyến đi đột ngột này. Tôi biết. Ra sân bay lúc ba rưỡi sáng, tôi một mình bước trên những đường phố Hà Nội vắng ngắt, lành lạnh sương đêm.

Một ngày xứ em
Minh họa: Bửu Chỉ

Một chiếc lá sấu đã rụng theo gió, áp chặt vào vai áo tôi. Em gửi nó tới bầu bạn cùng tôi chăng? Và sự trùng hợp giữa ngày em mất với ngày tôi đặt chân tới Huế lần đầu tiên cũng do ý em muốn thế chăng?

Sau gần một giờ ngồi trên phi cơ, mệt mỏi căng thẳng vì những kỷ niệm, tôi đã bất chợt ngủ thiếp đi. Rồi bàn tay em nhỏ nhắn và mềm ấm nắm lấy tay tôi siết nhẹ như thầm nói: "Dậy đi anh". Tôi giật mình tỉnh hẳn ngủ. Phía dưới kia, những núi mây trắng đọng lơ lửng. Xứ Huế của em hiện ra trong buổi sớm bàng bạc.

Nhưng không có bàn tay ai cả. Chỉ có tay tôi đang đặt ơ hờ trên đùi mình. Tôi cố nén hơi thở nặng nhọc từ sâu thẳm lồng ngực.

Chiếc máy bay sà xuống. Những trảng cát trắng cùng đám cỏ cây cằn cỗi hiện rõ. Tôi nhận ra một cánh diều giấy trắng bay lượn vẫy tôi, chỉ vẫy riêng tôi thôi. Lòng tôi bỗng nôn nóng lạ kỳ.

Chiếc máy bay rùng nhẹ, trượt trên đường băng. Nó giống một sinh vật yếu đuối, run rẩy cọ xát với mặt đất thân thuộc sau những giờ phút cô độc trên không trung. Tôi cũng vậy. Con đường nào đây tôi sắp được đi sát bên vết chân em, sau những năm tháng cô đơn.

Anh Phan ra đón tôi. Nhìn vẻ mặt anh hoan hỉ, tôi ân hận quá. Suốt cuộc hành trình tôi đã quên bẵng anh cùng mục đích chuyến đi này.

Anh Phan đưa tôi về nhà khách ở đầu một con lộ yên tĩnh.

- Ít nhất cậu cũng có một ngày nghỉ ngơi thật sự. Sáu giờ sáng mai chúng ta đi Đà Nẵng. Công việc gấp lắm rồi.

Trên tầng lầu nhà khách, giờ đây tôi có thể lắng nghe tiếng rì rầm mơ hồ từ đường phố xa vọng tới. Tôi lại có thể thay ngọn gió heo may đến sớm, lùa qua cửa sổ, mang theo tiếng xôn xao những vòm cây ngoài cổng.

Anh Phan bảo tôi:

- Ngó bộ dạng cậu phờ phạc quá. Ngủ đi nhé. Chiều thấy thật thư thái hãy đi dạo chơi. Tôi rất tiếc cậu dừng lại Huế có một ngày. Chao giá đưa cậu đi thăm lăng tẩm được nhỉ.

Một cô bé dáng thanh mảnh, tóc xõa ngang vai, bưng khay nước lên phòng chúng tôi. Anh Phan giới thiệu:

- Cháu Diệp, phục vụ viên nhà khách. Cậu cần gì cứ bảo cháu lo liệu, đừng ngại.

Gương mặt Diệp thuôn gầy, đôi má hồng với một khuôn mắt to luôn nhìn xuống bẽn lẽn. Có bé trong chừng mới biết làm người lớn trong tuổi mười chín. Tôi không dám nhìn Diệp lâu, sợ cô bé ngượng nghịu. Tiếng chú của tôi đối với Diệp còn hơi trẻ, tiếng anh lại quá già.

- Cám ơn cháu. Tôi nói.

- Dạ.

Tiếng "dạ" xứ Huế nghe thương quá. Hơn mười năm trước, tôi đã xao xuyến biết bao vì tiếng dạ ấy của em.

Tôi đỡ chén nước Diệp nâng mời tôi. Và tôi lại hoảng lên. Trên cổ tay trắng ngần của cô bé cũng lấp lánh một ánh vòng bạc. Tôi ngó trân trân đôi tay rồi ngước nhìn Diệp. Cô bé cảm biết ánh mắt xoáy vào mình nên thoáng nhìn trả lại. Lúc đó hẳn tôi lố bịch lắm. Diệp hơi ngỡ ngàng, tủm tỉm cười.

- Chú cần những chi, xin cứ bảo cháu.

Trời cho cô bé này vẻ dễ thương với một nhan sắc đặc biệt, cái nhan sắc có mãnh lực khiến người ta nhẹ vơi những khó nhọc đè nặng trong lòng. Tuy nhiên tôi bị bất ngờ vì một lẽ khác. Đâu đâu tôi cũng thấy đôi tay em hiện ra.

Tôi quay sang anh Phan để lấy lại bình tĩnh.

- Đúng thế, tôi phải ngủ một chút anh Phan ạ. Đêm qua lục đục ra sân bay từ ba giờ sáng, mệt quá,

Anh Phan ra về để tôi nghỉ ngơi. Nhưng giấc ngủ chẳng đến cho. Tôi bồn chồn như trước cuộc hò hẹn với em ở đoạn đầu rừng có gốc cây mục. Tôi quyết định trở dậy, mặc quần áo ra phố với một chút hy vọng bâng quơ.

Tôi gặp Diệp dưới sân nhà khách.

- Chú không ngủ ư?

­- Chú muốn đi thăm cầu Tràng Tiền. Diệp chỉ lối giúp chú với.

- Ngay đây mà chú. Qua cổng nhà mình một đoạn, phía yên trái đó.

Diệp hớn hở chỉ lối cho tôi. Tôi cảm ơn cô bé, quay vội đi, không dám để mắt tới ánh sáng bạc trên cổ tay đang huơ Iên vui vẻ của Diệp...

- Sau ngày giải phóng, dù em nhất định dấu đến cùng, anh cũng vào Huế tìm em bằng được. Rồi em sẽ thấy một hôm có tiếng gõ cửa...

- Ừ, biết nhà người ta ở mô mà gõ cửa?

­- Cúc nói lộ ra rồi nhé. Nhà em gần cầu Tràng Tiền, đúng không?

- Ôi, cái Cúc...

- Nếu anh tìm không ra, anh sẽ đứng giữa cầu nhảy xuống sông Hương.

Tôi nửa đùa, nửa thật nói như thế, em nhớ chứ? Đêm ấy, lần đầu tiên tôi dám hôn em. Trăng thật sáng và sương ướt đẫm tóc em, mái tóc đã thưa đi vì những cơn sốt rét Trường Sơn.

Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Thương nhau rồi xin kịp về mau
Kẻo mai tê nắng xế qua cầu
Bạn còn thương, bạn nỏ biết gửi sầu về nơi mô
.

Em thường hát những câu đó để trêu tôi để tôi cuống quýt vì từng lời, từng lời của em. Giọng em mượt mà tinh nghịch, thấm vào trận địa chúng tôi những buổi em đi hái rau rừng, leo lên tận chốt bộ đội.

- Tao biết có cu cậu chết vì mấy câu hát của cô bé Huế này, ơi cậu nào còn viên thuốc cảm không đấy?

­- Chu cha, tha thiết ác thật! Tao cũng biết một câu hò Huế, để tao hò hộ cái thằng bị cảm ấy cho cô bé biết tay: "Hò ơi... Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp. Anh đi chưa kịp, tội lắm em ơi..."

Đám bạn tôi được dịp ồn ào bàn tán, chĩa mũi nhọn tấn công tôi. Sau này họ đều thương em vô cùng và không ai dám nhắc đến tên em, đến những câu hát họ thuộc lòng từng âm sắc giọng em.

Hơn mười năm qua, giờ đây tôi mới lần về xứ em. Em có giận không? Em có chờ đợi tôi trên thềm cửa nhà mình những ngày cha mẹ giỗ em như hôm nay không?

Tôi đi thong thả, nhấm nháp cái vị cầu Tràng Tiền. Một vài, nhớ em. Hai vài, nhớ em... Rồi tôi đứng sững, ngó khoảng trống, nơi cái vài cầu thứ ba đã bị mất. Vì chiến tranh, chắc thế.

Khoảng trống làm tôi gai gai người. Nó phô bày sự mất mát giữa lòng thành phố, khiến cho hai dòng người xuôi ngược không ai đành lòng dửng dưng, nhất định như vậy. Nó đâu chỉ là nét gạch nối vô hình giữa vài cầu thứ hai với vài thứ tư. Nó, nét gạch nối dậy nuối tiếc giữa quá khứ với hiện tại, hoặc giữa em với tôi.

Tôi không cưỡng được ý muốn dừng lại ở khoảng trống. Rốt cuộc tôi cũng chưa đi kịp hết cầu Tràng Tiền, đứng tựa thành cầu, tôi cúi nhìn dòng sông Hương. Một đám rong non xòe rộng dưới làn sóng lăn tăn. Theo dòng chảy, những cọng rong mềm dập dềnh lay động, đến nỗi tôi nghe ra tiếng chúng xào xạc giống một tàn là trước gió.

"... Thì anh sẽ đứng trên cầu nhảy xuống sông Hương..."

Lúc đó tôi sẵn sàng nhảy xuống sông Hương thật. Nhưng bây giờ tôi chỉ đứng đây, tưởng tượng đang thả mình trên đám rong xanh, xoa dịu mình rằng được nhởn nhơ như loài cây cỏ thật hạnh phúc.

Một hôm tôi đã nảy sáng kiến, tháo gỡ trái bom bi chưa nổ, lấy được cái vòng thép bạc bên trong. Tôi biến nó thành thứ trang sức đeo vào cổ tay em.

Nhưng em rất thích nó ư đúng không? Đứng cạnh con suối róc rách em đã sung sướng tới mức ôm choàng lấy tôi, giấu mặt vào vai tôi thì thầm:

- Em sẽ đeo chiếc vòng tay này suốt đời cho cả hai chúng mình.

- Tôi càng thương em. Món quà tình yêu khiến cho trái bom bi mất ý nghĩa tàn bạo!

Ngỡ như khắp Trường Sơn đều biết chuyện cái vòng bom bi. Cả tiểu đội nữ bảo dưỡng cung đường của em nhao nhao lên. Cả đơn vị lính chốt bạn tôi hùa theo. Họ gọi chúng ta là "anh chị ấy". Họ đặt chuyện huyền thoại về đám cưới với chút chế giễu âu yếm. Chị ấy quyết định đám cưới sẽ tổ chức tại Huế sau ngày giải phóng. Cô dâu đội khăn Hoàng Hậu đi theo sau những chú bé rước cặp đèn lồng rực rỡ. Anh ấy lại muốn một đám cưới giữa rừng. Hai họ sẽ tổ chức cuộc liên hoan văn nghệ suốt một tuần liền. Trong tuần lễ trăng mật, nhà trai vẫn khống chế máy bay tiêm kích lẻn từ sườn U Bò tới oanh tạc, nhà gái vẫn đào đất, vác đá, lấp hố bom trên cung đường "của mười ba cô". Cứ ngừng tiếng bom đạn, hai họ lại tập trung ở lán Hạnh Phúc, kết toàn hoa lá rừng, để liên hoan với anh chị ấy. Nhà gái sẽ thách cỗ cưới toàn thịt cheo chẻo.

Riêng tôi, nghe đến sốt ruột cái chuyện đám cưới, đôi khi nằm ngủ, tôi cũng bắt được quả tang mình nghĩ về ngày cưới em, về một đêm tân hôn...

Sẽ đến lúc người ta xót xa thương tất cả những chuyện huyền thoại bông đùa trong chiến tranh.

Tôi đã lấy vợ. Đêm tân hôn, tôi kề bên thân thể mềm dịu nóng ấm chờ đợi của vợ tôi. Tôi giống đứa trẻ mê mẩn và nhút nhát. Tôi sắp phải vượt qua ranh giới cuối cùng, rất thiêng liêng, để từ đó cuộc đời tôi với người thiếu nữ này hòa tan vào nhau. Tôi cảm nhận được trong từng hơi thở, từng cử động e dè của vợ tôi niềm rưng rưng hiến dâng cho tình yêu. Tôi thấm thía biết ơn lẫn khao khát mãnh liệt...

Nhưng đột nhiên vào đúng giây phút hạnh phúc trọn vẹn nhất, một luồng điện buốt giá xâm chiếm tôi. Trong nháy mắt, tất cả như sụp đổ, vỡ toác ra. Nó giống hệt những lần tôi chưa kịp thấy tiếng máy bay gầm rít thì một trái bom đã bùng lên ngọn lửa chói chang, táp vào người tôi luồng gió rát bỏng cùng những mảnh vụn đất đá.

Tôi nằm chết lịm, bàng hoàng, cố hiểu xem sự gì xảy ra. Chung quanh tôi vẫn mát dịu mùi hoa cưới đặt trong phòng, tiếng tích tắc đồng hồ, và tấm áo ngủ, một món quà tặng quý giá mầu xanh lục vắt trên ghế, gió khẽ động những nếp lụa làm chấp chới cánh hạc thêu.

Nào có gì khác lạ đâu?

Lúc đó tôi nhận ra bàn tay vợ tôi, người vợ bé nhỏ đang run rẩy nép sát vào tôi siết lấy tay tôi bằng những ngón nhỏ mềm, đầy ân ái, da diết.

Tôi bỗng chìm nghỉm vào vùng bom đạn Trường Sơn. Lửa cháy, mùi khét thuốc súng, mùi hăng lá cây giập nát. Cả người tôi nôn nao sóng dậy cảm giác kinh hoàng tuyệt vọng khi tay em từ một mặt đất bề bộn vươn lên, níu lấy tay tôi, xoắn lại với nỗi đau đớn thầm lặng. Chao ôi những ngón tay em...

Hóa ra là thế. Tôi hôn vợ tôi trong những giọt nước mắt nóng mặn. Một đêm tân hôn khốn khó!

Rồi tiếp đến những ngày tháng dài tôi quên bẵng em. Đời sống quanh quẩn thu hút tôi vào quỹ đạo một anh cán bộ cần mẫn, một người chồng có trách nhiệm, quan tâm đến giá rau lợn hơn tin tức nghệ thuật. Tôi không xấu hổ với em khi thú nhận như vậy. Tôi vẫn nghĩ con người được may mắn nhờ bản năng dễ thích ứng với hoàn cảnh. Còn trái tim vốn mang chức năng một cái bơm máu, miễn là người ta tránh đụng chạm đến những vết da non của cái bơm máu ấy.

Bỗng nhiên tháng trước anh Phan ra Hà Nội. Anh rủ tôi vào Đà Nẵng xây dựng nhóm tượng đài. Tôi chẳng rõ vì sao đã nhận lời, để hôm nay được sống một ngày kỳ lạ, mười một tháng chín.

Cơn gió dâng lên từ lòng sông Hương. Chiều gió cuốn mạnh, xoáy lấy tôi, cái kẻ phiền nhiễu đứng mãi bên cầu Tràng Tiền. Tôi đành thong thả quay trở lại, rẽ vào quán cà phê gần đó, gọi ly nước mát. Quán chẳng có khách. Tôi cùng ông già chủ quán bắt chuyện nhau. Chuyện vu vơ về lăng tẩm, chùa chiền, về thời tiết ở Huế. Rồi không duyên cớ, tôi bỗng thắc thỏm hỏi ông già:

- Bác ở đây lâu chưa?

-­ Bốn đời chú à.

-­ Những gia đình quanh cầu Tràng Tiền bác quen biết nhiều không?

- Cũng khá... À, chú hỏi như rứa làm chi?

Mắt ông già thoáng lên một ánh nghi ngờ. Vẻ người tôi lại có thể giống gián điệp được ư?

- Tôi có người bạn gái, nghe đâu nhà ở ngay bên cầu. Tôi đang muốn tìm thăm.

- Trời đất ơi, chú hỏi vậy chừ biết trả lời ra răng. Ít nhất chú cũng phải cho tôi biết tên chi, nghề chi, con cái nhà ai, may ra tôi mới giúp được chú.

- Cô bạn tôi đã hy sinh ở Trường Sơn năm bảy tư. Hy sinh đúng ngày hôm nay đây. Cô ấy tên là Hương Giang.

­- Hương Giang... Hừ, con gái có cả ngàn người tên Hương Giang kia, đến cái khách sạn phía kia cũng Hương Giang đó.

Ông già làu bàu, nhíu mày nhìn nơi nào rất xa. Tôi thấy mình ngớ ngẩn. Hương Giang đấy, ngay trước mắt tôi, một dòng chảy xanh mịn, những lá thuyền cong, lướt đi nhẹ như một tiếng nói thầm.

- Chú nói bạn chú hy sinh ngày hôm nay à. Vậy để xem nhà ai quanh đây có kỵ nhỉ... Có, có đây, nhà ông Út Cung.

Tôi ngột thở, ghé gần ông già chờ đợi. Ông già chợt ngẩn ra, bối rối nói tiếp:

- Nhưng là giỗ vợ ông ta. Sau Mậu Thân, bà ấy bị bọn ngụy lôi ra bắn ngay trước cửa nhà!

Hy vọng bùng lên, lụi đi, diễn ra trong nháy mắt. Nó để lại cảm giác mệt mỏi, trống rỗng. Tôi lơ đãng nghe tiếng ông già xa vời tận đâu đâu.

- Chim trời cá nước, biết nơi mô mà tìm… Không hiếm nhà có con cái hy sinh trong chiến tranh... Mấy ai đã nguôi ngoai. Nhưng bề ngoài, chú thấy Huế an bình quá hà...

Vâng, bề ngoài xứ Huế êm ả, tĩnh lặng thật. Cả mùa thu Huế cũng tới không ồn ào. Cây lá không rực gắt. Mây trắng bạc. Ngọn gió se lạnh người ta thường gọi "gió có nhân" cũng len lén ngấm vào da thịt không gây buồn bã.

***

Tôi đã qua một ngày xứ em, tràn đầy và nhức nhối kỷ niệm.

Sáng sớm mai khi tôi rời khỏi đây, chắc Diệp chưa tới làm việc. Muốn viết vài chữ từ biệt cô bé nhưng không viết nổi. Cô bé có thông cảm cho sự im lặng của tôi không?

Người ta đôi khi gặp những hỗ trợ tình cờ. Chiều nay cô bé ấy đến, ngồi trước mặt tôi, tâm hồn trong veo của một thiên thần sẵn sàng chia sẻ, cứu rỗi mọi nỗi thống khổ. Tôi như người chết đuối bỗng gặp mảnh đất đặt chân.

Tôi cũng không ngờ đã kể chuyện em cho Diệp nghe. Em biết đấy hơn mười năm nay tôi chưa hé răng với ai. Tôi sợ phải miêu tả lại, sợ những lời nói sẽ đập ngay vào thần kinh mình. Kể cả chiều nay, tiếng nói khó nhọc của tôi nghe chừng vẫn kết dính với nhau, đọng lại trong căn phòng, đang còn lởn vởn quanh đây.

Có lẽ Diệp chẳng hiểu "ta-luy" là gì, sức mạnh của một quả bom tấn ra sao, những lán hầm Trường Sơn ra sao. Nhưng cô bé đón nhận từng lời ngắn gọn, nửa vời của tôi bằng tất cả xúc cảm tiềm tàng trong cơ thể. Mỗi lần tôi dừng lại lâu lâu, cô bé lại thì thầm giục:

- Chú ơi, rồi sao nữa chú?

Sớm hôm đó, ngày mười một tháng chín như hôm nay, tôi cùng ba cậu bạn đi gùi hàng ở kho về qua lán tiểu đội nữ "của mười ba cô". Tôi đã hái đầy một mũ quả cơm xôi và me rừng cho em. Mấy chàng lính vừa kịp đặt gùi hàng xuống hiên, Cúc đã nhanh như cắt bưng ra mấy bát chè củ mài, mời mọc.

- Mấy anh ăn đi. Ăn thiệt tình nhé. Em sẽ đặt thêm một xoong chè nữa cho mấy anh yên tâm. Đội quân nhà em bữa ni lấp mấy hố bom để thông đường, trưa mới về kịp cơ.

Tôi chưa nhắc đến tên em, Cúc đã nhìn xéo tôi, bỡn cợt:

- Thương nhau ra làm giúp cho chóng đi chứ. Hắn đang rủ em chiều ni lên thăm anh. Hắn nói có chuyện chi rất bí mật phải hội ý ngay với anh. Ôi cha, hay là chuyện đám cưới chăng?

Cúc cười ròn tan, hai má đỏ lựng vì bếp lửa.

Tiếng cười của Cúc đột ngột dừng lại. Tiếng súng, tiếng bom, tiếng rít căng thẳng của máy bay cường kích bỗng ào đến cùng một lúc. Người chúng tôi rùng theo mặt đất. Trong cơn bão lốc âm thanh, tôi cố nghe tiếng cao xạ ở chốt chúng tôi dồn từng chặp. Ruột gan tôi nóng ran mê mụ.

Tôi không nhớ trận oanh tạc chấm dứt lúc nào. Những giây phút ấy trôi đi trong khoảnh khắc ý thức bị tê liệt. Tôi cùng ba cậu lính chạy bổ xuống cung đường có hai chiếc xe tải đang bốc cháy lẫn tiếng kêu gọi hỗn loạn.

- Chú ơi, rồi sao nữa?

­Chú chạy tới khu hầm sập xa nhất. Nhiều người cùng ùa đến. Một vạt núi lở đá đè ụp xuống căn hầm chữ A. Quả bom nổ cách đây chưa đầy bốn mét... Rồi chú nhận ra Hương Giang bị sập hầm bên trong.

Tôi không kể cho Diệp biết vì sao tôi nhận ra em. Ấn tượng bi thảm sẽ quá sức chịu đựng của cô bé. Ngay chính tôi, qua bao năm tháng, hình ảnh cánh tay em lọt giữa khe hở hai cây xà, vươn lên vẫy gọi, cầu cứu, vẫn làm tim tôi đau thắt. Cánh tay giống một búp cây trăng trắng, mọc lên từ mặt đất vừa bị cày xới ám đen, đang còn nghi ngút khói. Chiếc vòng bạc xoạc xuống, mép tiếp nối nhấn sâu vào lần da tay em, rạch một đường nhỏ rớm máu.

Tôi còn nhớ lúc đó đã nhào tới, ôm lấy bàn tay, miệng gào rống tên em, hy vọng ở dưới lòng đất em biết có tôi bên cạnh để mà can đảm chịu đựng. Bàn tay em nhơm nhớp mồ hôi, lạnh toát, níu lấy tay tôi bằng những ngón run rẩy. Có thể em chẳng biết đấy là ai, nhưng qua từng cử cộng yếu ớt, em âm thầm cất tiếng tha thiết đòi sống. Còn tôi, mặc dù điên lên vì tuyệt vọng, tôi không đủ sức gỡ khỏi tay em, miệng lảm nhảm xin em cố chờ, tôi sẽ không để em chết. Lúc đó tôi sẵn sàng đổi cả đời tôi để lấy từng giây, từng nửa giây sự sống cho em.

Mọi người đào đất như phát rồ. Tôi nghe những tiếng quát hỏi tôi liên tục: "Còn sống không? vẫn sống đấy chứ?" Tôi không trả lời, chỉ gật gật đầu.

Em đã cố đợi, tôi tin thế. Cho đến lúc những ngón nhỏ siết lại, giật nhẹ vài lần rồi đờ ra, buông tay tôi héo rủ xuống...

Chúng tôi chôn cất em cùng hai cô bạn gái hy sinh ngày hôm đó trên đồi cao. Tôi tự mình đặt lên nấm mộ tấm bảng ghi: Nguyễn Thị Hương Giang, sinh ngày 15-4-1954 tại Huế, hy sinh ngày 11-9-1974. Cái cọc ghim bảng tôi cố tình để thật cao. Từ trên chốt, tôi có thể nhìn thấy em ở sườn đồi bên ấy.

Một hôm Cúc bỗng bật khóc, nói với tôi:

- Anh có thấy không, mỗi lúc nhớ nó, trông lên đồi... Cái cây gỗ giống như cánh tay... Tội lắm.

Từ bữa Cúc nói, mỗi chiều hoàng hôn đỏ lựng, những ngọn núi tím đen lại, tôi cũng nhìn ra một cánh tay vươn lên ở sườn đồi xa, đậm nét cho tới lúc những ngôi sao đầu tiên nhấp nháy sáng mới chịu nhòa trong bóng đêm...

Sau giải phóng ít lâu, gia đình đã tìm đưa mộ em về Huế. Cũng nhờ Cúc báo tin cho tôi biết. Nhưng rồi tôi mất tin Cúc luôn, chưa kịp hỏi địa chỉ nhà em.

Một cơn gió lạnh ùa vào phòng. Tấm rèm lụa hoa bay tung. Tôi dụi điếu thuốc lá vào gạt tàn, miệng khô đắng. Căn phòng im lặng đến nỗi tôi nghe rõ tiếng lá cây ngoài thềm cửa sổ. Những chiếc lá cuống nhỏ chỉ khẽ gió cũng đủ run lên thật tội nghiệp.

Tôi bỗng áy náy đã thổ lộ với một cô bé câu chuyện nặng nề. Tôi quay nhìn Diệp. Từ lúc bắt đầu kể chuyện, chưa một lần tôi rời mắt khỏi bao thuốc lá, cái bật lửa và đôi tay tôi. Tôi nhìn chúng để giữ bình tĩnh.

Hai nắm tay nhỏ nhắn đỡ lấy cằm, cô bé ngồi bất động, thu mình lại. Đôi mắt nâu to đầy bàng hoàng vẫn còn lạc ở nơi nào đó. Những hạt nước không ngừng tụ lại, nở tròn, ngập ngừng ở bên bờ mí căng thẳng rồi rơi thật bất ngờ xuống đầu gối cô bé, vỡ thành những hạt li ti trên lụa.

- Chú không muốn làm cháu buồn. Tha lỗi cho chú.

­- Mình phải tìm được cô ấy hôm nay, thắp cho cô ấy nén hương chú à.

Diệp khẽ nói trong lúc lấy tay lau nước mắt trông rất trẻ con. Tôi đưa khăn tay cho Diệp. Cô bé lúng túng từ chối.

- Chú không hy vọng. Tôi nói.

Diệp đứng lên, ngượng nghịu chào tôi. Cái dáng mảnh mai bước êm ra cửa. Cô bé này hay xuất hiện đột ngột và bỏ đi cũng lặng lẽ.

Tôi mệt nhoài. Châm điếu thuốc lá rồi tôi nằm xuống đi-văng. Điếu thuốc rơi khỏi tay lúc tôi thiếp đi như người kiệt sức.

- Chú ơi, chú ngủ đấy ư?

Tôi choàng dậy. Cái âm thanh mượt như nhung lướt qua tôi, âm thanh xứ Huế, nó làm tôi rùng mình.

Diệp đứng bên cửa, quần áo tề chỉnh, tay cầm bó hương, đang đợi tôi tỉnh táo lại.

- Cháu nghĩ mình nên tìm cô ấy ở nghĩa địa. Hôm nay ba mạ cô chắc ra viếng mộ, mình sẽ gặp. Cháu đã mượn một chiếc xe máy, chờ chú dưới sân đó. Chú đưa cháu đi với nhé. Cháu sẽ chỉ đường cho chú.

Thế là tôi cùng Diệp ra đi. Tôi không hề hy vọng vào chuyện tìm kiếm phiêu lưu. Tuy vậy tôi vẫn cầu khẩn em dắt dẫn.

Vừa ra khỏi phố xá độ dăm phút, khu nghĩa địa đã kề ngay bên đường. Muôn vàn nấm mộ màu xám nhấp nhô nằm yên bình trên những sườn đồi. Trời chiều âm u. Khu nghĩa địa này tiếp nối khu khác, hoang vắng tĩnh mịch. Cả một thành phố của những người chết! Ở đây, những con rồng, những đóa sen đều thiêm thiếp mơ màng. Ở đây ẩn giấu biết bao cuộc đời, nỗi khổ, niềm vui, và những khao khát tôi không biết được.

Lạ quá, chúng tôi không hề gặp một bóng người đi viếng mộ hôm nay. Tôi đã dừng xe cùng Diệp thử len lách giữa những hàng mộ to nhỏ, xây đủ kiểu, tìm kiếm những bông hoa mới, những chân hương mới, những tàn giấy mới. Lác đác tôi cũng gặp vài vết tích để lại. Nhưng em thì không, một linh cảm cho tôi cũng không.

Trời sẩm tối. Diệp đốt bó hương. Hai chúng tôi chia nhau cắm lên những ngôi mộ chung quanh mình, rồi lên xe trở lại thành phố. Ống quần chúng tôi bám đầy những hạt cỏ may nhặm nhạp.

- Cháu ân hận quá. Sáng kiến của cháu không được việc gì cả.

- Chú cháu mình đã đạt được điều mong muốn. Dù nằm khuất ở đâu, cô Hương Giang cũng sẽ nhìn thấy chú cháu mình lang thang đi tìm.

Tôi an ủi Diệp. Hình ảnh ngôi mộ em nằm trên sườn đồi những buổi hoàng hôn Trường Sơn, cánh tay thẫm đen vươn lên bầu trời tím lịm, có lẽ là nơi em yên nghỉ mãi mãi. Ở trong tôi và ở trong lòng bạn bè chúng ta.

Huế lên đèn từ lâu. Xe tôi đi qua cầu Tràng Tiền đúng lúc có chiếc thuyền đầu rồng chập chờn lướt đi trên dòng sông Hương. Vẳng một giọng cô gái xứ em cất lên. Từ lòng sông tối xanh mơ hồ, cái giọng ấy chìm bổng, đằm thắm.

Ai vô xứ Huế thì vô.
Sông Hương, núi Ngự, con đò thương ai.


Thì tôi đã về đó. Sống một ngày trọn vẹn cho cả một đời. Còn em, em lại tan biến thành tất cả những gì là Huế.

Diệp chia tay tôi ở sân nhà khách. Tận lúc ấy tôi mới nhận ra chiếc vòng bạc trên cổ tay cô bé không còn.

Tôi ngập ngừng hỏi Diệp:

- Vòng tay cháu đâu. Sao chú không thấy nữa?

Cô bé đăm đăm nhìn tôi, đôi mắt trong veo phảng phất nụ cười dịu dàng.

- Cháu sẽ đeo vòng... khi nào chú đi khỏi Huế.

Sợ phải nói gì thêm, cô bé vội bỏ chạy.

Lòng tôi dạt dào hàm ơn. Mong sao mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cháu!

"Huế như thế đó". Tôi thầm nhủ với lòng mình.

11-10-1986
Đ.L.
(SH29/02-88)





 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Chuyện tình (27/03/2014)
Ảo ảnh (21/03/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Hồ Nhớ (07/01/2014)