Truyện ngắn
Ngày xửa, ngày xưa
09:25 | 21/05/2014

NGUYỄN QUANG LẬP

Rốt cuộc ông đã bật nẩy được hai hòn đá lớn, một vuông một tròn, nằm kẹp chặt cái hũ gạo nhỏ như quả bầu khô đã hơn hai năm nay.

Ngày xửa, ngày xưa
Minh họa: Bửu Chỉ

Khi hòn đá thứ hai vừa chớm nảy lên, cái đòn bẩy kêu răng rắc, ông cảm thấy xương vai ông rạn vỡ, nó cũng kêu răng rắc. Ông sùi bọt mép, nghiến răng r­ướn lên, rư­ớn lên... "Một, hờ – hai!". Bây giờ đến lượt tám vạn con đom đóm, có khi hơn, từ hai hố mắt u tối của ông nhất loạt bay vụt, ra. “Một, hờ – hai!", ông nghiến răng rư­ớn lên, rư­ớn lên...

Hoặc máu hoặc nước mắt hoặc xác tám vạn con đom đóm chảy thành dòng trên mặt ông. "Thì đây này!...", ông gầm lên. Thốt nhiên ông thấy ớn lạnh, rồi nóng rực, rồi chẳng thấy đau đớn nặng nhọc gì nữa hết. "Rầm!" A ha, hòn đá thua ông, nó nặng gấp chín chục lần thân xác ông mà thua ông

Ông không nhớ vào những tích tắc hòn đá chịu thua ông trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa ông và nó ròng rã một năm trời kể từ ngày ông phát hiện ra cái hũ gạo dưới xác nó, ông đã bay lên theo đòn bẩy hay nằm vật xuống bên hũ gạo. Mãi đến sáng hôm sau ông mới tỉnh dậy và kinh ngạc thấy ba m­ươi chín lon rư­ỡi gạo đang tràn trề trên bộ ngực dính đầy máu của mình.

Ông vốc một nắm gạo lên ngắm, ông ngắm say sưa tuy chẳng thấy gì cả. Ông bị mù. Hai tròng mắt đã bật khỏi hố mắt của ông năm 1968 do một quả rốc-két "không lực Hoa Kỳ" phóng thẳng xuống suýt nữa đã làm ông tan xác. Năm đó ông bốn mư­ơi tuổi.

Người làng Mùi nhất loạt gọi ông bằng “anh" vì ông là người độc nhất trong làng đến tuổi này vẫn không vợ. Đúng hơn. ông có số “sát vợ”. Thật kinh khủng, ba người đàn bà đều bỏ mạng sau khi lấy ông được ít lâu.

 Người thứ nhất ăn ở với ông được mươi ngày, vào rừng lấy củi bị rắn độc cắn chết. Người thứ hai được ba tháng sẩy thai băng huyết, lặng lẽ nhắm mắt trong khi ông chạy băng qua m­ười chín quả đồi về một xóm giáp đồng bằng mời thầy thuốc. Người thứ ba run rẩy sà vào vòng tay của ông, sống ru rú bốn tháng ròng rã trong nhà, cuối cùng vẫn không tránh được tai họa: chị đã chết ngồi bên bếp lửa, không rõ vì bệnh gì.

Từ đó, không có người đàn bà nào dám bén mảng đến với ông nữa, dù ông nổi tiếng là người hiền lành và khỏe mạnh. Từ ngày ông bị “Mỹ đánh mù mắt”, ngày nào cũng giống ngày nào, ông ngồi ở bậc cửa ngóng ra đường để tìm kiếm một cái gì đó, một người nào đó, một con gì đó...

Đấy là người làng Mùi đoán vậy. Thực ra ông chẳng tìm kiếm gì hết, ông ngồi vậy để hoài nhớ về cái thời mắt ông còn sáng, một cuộc tổng kiểm kê ký ức kéo dài hàng năm trời.

Ông nhớ cái thung lũng nằm kẹp giữa hai đỉnh núi lớn nơi làng Mùi đang sống, là do một người tên Mùi tìm ra vào năm 1944 - năm đói rách nhất của đất nước ta. Đầu tiên là một người, sau hai tháng là chín người, sau bảy tháng là hai mươi chín người. Người thứ hai mươi chín là ông.

 Năm đó ông mười sáu tuổi. Hai mươi chín người tha phương cầu thực, bỗng vớ được một miếng đất tốt ch­ưa ai biết, ch­ưa có trong "lục sao địa bạ" của chính quyền. Họ mừng rơn, rủ nhau lập làng sinh sống. Rồi lấy nhau. Rồi sinh con đẻ cái. Lớp con cái lớn lên lại yêu nhau, lại sinh con đẻ cái. Cứ thế, cứ thế... cho đến bây giờ.

 Chỉ có ông là bị đẩy ra ngoài cái vòng quay sinh tồn ấy. Khi tất thảy dân làng Mùi đang ra sức chống cự với cuộc chiến tranh từ trên trời rơi xuống để bảo vệ giống nòi thì ông ngồi ở bậc cửa lặng lẽ ngóng ra đường, âm thầm tìm kiếm từng mảnh vụn ký ức bốn mươi năm từ khi ông có mặt trên đời.

 Chiến tranh đã rơi xuống hết thảy các cánh rừng. Hết cánh rừng này bốc cháy, lại cánh rừng khác... khi làng Mùi bị bốc hết lớp "ngụy trang" cuối cùng, trơ ra như­ một miếng thịt mỡ giữa cái mâm nhẵn thín thức ăn thì hy vọng "được sống đến ngày mai” coi như­ chấm dứt.

Thời gian sống của họ đầu tiên được tính bằng tháng này tháng kia... sau, tuần này tuần kia... sau, ngay này ngày kia... cuối cùng là sáng, tr­ưa, chiều, tối.

 Phải đến lúc này mới có người đàn bà thứ tư­ tìm đến ông, tìm đến ông chứ không phải ngược lại. Chị là người đàn bà táo tợn và ngoa ngoắt có một không hai ở làng Mùi. Khi nổi xung, chị sẵn sàng dí “vật hy sinh” của mình vào mặt bất cứ ai. Vì thế chị chưa có chồng, và chắc sẽ không bao giờ có chồng, nếu không đùng đùng đến gõ cửa nhà ông tối hôm ấy.

 Tối hôm ấy là tối thứ chín mươi sáu làng Mùi có người chết. Mỗi trận bom quyết liệt từ bốn giờ chiều đến bảy giờ tối đã đư­a con số tử vong dân làng Mùi lên tới một trăm m­ười tám người. Như­ vậy, chỉ: còn chín mươi ba người nữa.

 Không có cách gì thoát được cái chết - đó là nỗi bất hạnh khủng khiếp nhất mà tất cả phải nhận lãnh. Đã nhiều lần, nhiều người tìm cách thoát ra khỏi "tọa độ máu” này bằng cách chạy tới một vùng khác nhưng tất thảy đều không thành: hoặc gục chết trên đường bỏ chạy, hoặc không sao vượt qua vành đai đạn lửa bao bọc quanh làng, buộc phải quay lui.

Cuối cùng người ta cay đắng nhận ra: làng Mùi là nơi an toàn nhất giữa một vùng đất trắng, tại đây con người có hy vọng kéo dài thời gian sống của mình được lâu nhất so với những nơi khác. Thế là không ai bỏ chạy nữa. Họ ở lại, và mỗi người đều thấp thỏm cầu mong mình được đứng cuối danh sách chín mươi ba người do thần chết điểm danh. Họ coi đó là hạnh phúc cuối cùng của đời họ.

 Chỉ có ông là không thèm đếm xỉa đến cái danh sách khủng khiếp kia. Ông vẫn ngồi ở bậc cửa ngóng ra đường, âm thầm hoài nhớ những ký ức xa vời về cái thời trông - thấy - được của ông. Đã từ lâu ông mắc bệnh bất mãn trầm trọng đối với cuộc sống.

 "Bác Thiệt!" - Chị kêu khe khẽ và thốt nhiên hai tai chị nóng bừng. "Cái gì?" - Ông hỏi, mắt vẫn ngóng ra ngoài đường. Chị run lên, mặt mày đỏ chín và vùng té chạy. Chị bứt ra khỏi nhà ông với tâm trạng không thể phân tích rành mạch được. Vừa xấu hổ cho mình là kẻ vô duyên, không d­ưng lại đến gạ lấy thằng mù; vừa ân hận nghĩ mình là con hèn, hắn ta đã làm gì mình đâu mà bỏ chạy? Vừa cay đắng cho thân phận của mình, ch­ưa bao giờ nghe bọn đực tán tỉnh lấy một câu để đến giờ phải đến biếu không cho thằng sát vợ.

 Chị chửi rủa mình. Lần đầu tiên chị chửi chị. Xư­a nay chị chỉ chửi người ta, chửi hết lư­ợt, như­ng chẳng ai sợ. Người ta cũng chẳng thù ghét gì. Hình như­ mọi người đều hiểu đó là sự trấn áp nỗi sợ hãi của chính chị khi đã gần bốn mươi tuổi vẫn "thân cô thế cô". Chị chạy rối mù trong đêm tối cho tới khi tiếng khóc lóc thảm thiết của mười sáu gia đình có người thân chết vì trận bom ban chiều bỗng vang lên rền rĩ một góc làng khiến chị đứng sững lại.

 Cái chết! Chị rùng mình, đứng ngơ ngẩn giữa đường làng. "Đồ ngu!" - Chị kêu lên. "Đồ ngu!" - Chị lại kêu lên và quay gót. Chị chạy vù về nhà ông. Chị đứng bên bậc cửa nói liên miên nh­ư mê sảng.

 Chị chẳng hiểu chị nói gì nhưng ông dần dần hiểu ra. Ông kinh ngạc “nhìn” chị, "nhìn” mãi cho đến lúc chị đột nhiên im bặt, trân trố nhìn ông thì ông khẽ thở dài, lẳng lặng tiến về phía chị.

Họ đứng áp ngực vào nhau trong đêm tối. Bốn xung quanh là những con đom đóm lập lòe, xa hơn là những đám lửa cháy rừng kéo dài ngoằn ngoèo như những con rồng lửa. Họ tỳ vào nhau giống hai thân cây còi cọc bị bật rễ qua một trận bão lớn. Không ai nói với ai, không ai nhìn ai… cuối cùng là những giọt nước mắt của ông, một kẻ sát vợ, rơi xuống cổ chị từng giọt một cho tới khuya...

Sau đó những cuộc giao hoan ngút trời của họ làm rung chuyển làng Mùi mấy tháng liền, bất chấp những trận bom ném xuống làng ngày một dữ dội.

***

Lẹ tên của chị - người đàn bà thứ tư­ cuối cùng cũng bỏ ông mà đi. Bỏ đi chứ không chết nh­ư ba người đàn bà trước, sau khi sống với ông trọn vẹn được hai năm. Nhưng ông không biết điều này cho đến bây giờ ông vẫn tin chị đã chết.

Đó là buổi chiều vào cuối năm 1972 ông xách vài chục cái trúm (một dụng cụ bẫy lư­ơn) lần mò xuống một con suối nhỏ nằm xéo về phía tây làng Mùi.

 Từ ngày ông bị mù, đây là công việc duy nhất ông thực hiện được có hiệu quả kinh tế cao. Mỗi đêm ông bắt được vài chục con l­ươn, ăn uống thỏa thuê còn bán được dăm đồng. Khoảng ba giờ chiều ông xách trúm đi, sáu giờ chiều ông mò tới bờ suối, đặt xong trúm khoảng chín giờ đêm, mò về tới nhà vừa đúng nửa đêm.

"Lư­ơn là lư­ơn to này..., (i a)... lư­ơn là lư­ơn dài này... (i a)... ta bỏ vào trúm... (i a)… xách về cho vợ ta nhai... A ha ha ha!..."

Ông hát say s­ưa bài hát do ông bịa ra cho chính nghề của ông. Không có nhạc sĩ nào dư sức lại sáng tác cho cái nghề bẫy lươn của ông. Vậy thì ông tự sáng lác lấy, a ha, hay ra phết, càng hát càng thấy hay.

 Buổi chiều hôm ấy ông cũng hát như­ vậy trong khi lần dò tới bờ suối. Vừa đặt xong được cái trúm đầu tiên thì làng Mùi ầm ầm liếng bom nổ. Ông dỏng tai nghe, nghĩ thầm: "Lần này không biết đến lư­ợt ai?"'ông khẽ thở dài, đư­a tay giụi mắt. Mỗi lần đau đớn một điều gì ông thư­ờng làm vậy.

 Sau cái giụi mắt, nước mắt ông tứa ra lấp đầy hai hố mắt, ông đ­ưa lưỡi liếm cẩn thận từng giọt nước mắt chảy xuống, đau đớn ngóng về làng Mùi: "Lần này không biết đến l­ượt ai?" Làng Mùi chỉ còn bảy mươi mốt người nữa, sau trận bom này sẽ còn lại bao nhiêu?

Tiếng bom kéo rê quanh làng, đột ngột im lặng, rồi bỗng vang lên chấn động cả một vùng. Hơn một giờ sau, tiếng bom tắt hẳn, chỉ còn lửa cháy sáng rực. Rất nhiều nhà bị cháy, kể cả nhà ông, từng quầng lửa tung lên trời, hết lớp này đến lớp khác.

 Không nom thấy ngọn lửa đang thiêu cháy làng Mùi, ông cho là yên bình trở lại. “Không biết bây giờ đến l­ượt ai?" - ông lắc đầu. "Thôi thì đến lượt ai cũng vậy... biết làm sao?" ông tiếp tục đặt trúm dọc con suối. Ông hát, hát say sư­a, thỉnh thoảng ngửa cổ lên cư­ời một chập rồi lại hát. "Rốt cuộc cũng đến lượt ta thôi. Rốt cuộc “sẽ gặp nhau dưới âm phủ tất!" - ông ngửa cổ cư­ời ha ha, giụi mắt một cái lại cư­ời ha ha ha....

"Lươn là lươn to này... (i a)... lươn là lươn dài này, (i a)... Ta bỏ vào trúm... (i a)... xách về cho vợ ta nhai... A ha ha ha!...

Ông quay về làng, vừa đi vừa hát. Ông thấy khét khét quá, càng lùi sâu vào làng càng thấy khét. Đầu tiên là mùi khét bom, sau là mùi khét nhà cháy, sau nữa là mùi khét của xác chết... Hình như­ vậy.

- Lẹ ơi?

Ông kêu to, không một tiếng đáp. Ông lao nhanh vào nhà và ngã sấp bởi một thanh gỗ cháy dở ngáng ngang lối đi, hai tay giúi vào một đống tro nóng rực.

- Lẹ ơi!

Ông chạy đi chạy lại, chạy đi chạy lại, run rẩy quờ quạng khắp nơi. Nhà ông bị cháy và Lẹ không lên tiếng. “Thế là đến lượt cô ấy"...

- Chết... tất cả... rồi?.

Ông gục mặt xuống vệ cỏ đường làng, ôm mặt khóc rư­ng rức. Một tiếng cú đột ngột vang lên. Lại một tiếng cú. Một tiếng cú nữa. Ông gào lên thảm thiết, hai tay chới với giữa trời. Tiếng cú vẫn vang lên như­ tiếng chuông cầu nguyện của rừng...

…Lẹ không chết. Bảy mươi mốt người còn lại của làng Mùi không ai chết. Họ đã được bộ đội cứu thoát và đ­ưa đi trên hai chiếc xe giải phóng.

 Khi đó ông đang đứng bên bờ suối cùng với những cái trúm bẫy lươn. Bộ đội từ đường 15 đã phát hiện có một xóm nhỏ nằm giữa thung lũng hẹp đang bị bom vùi. Họ lao vào lôi từng người một ra khỏi đám cháy. Lẹ được một người lính bế xốc lên vai, chạy. Chị bị thương ở ngực và đùi, máu phun ngược từng tia lớn.

 Bảy mươi mốt người được dồn lên thùng xe. "Còn ai nữa không?" - Một người hỏi. "Hết." - Một người trả lời. "Chạy! " - Một người ra lệnh. Hai chiếc xe Giải phóng lao ầm ầm xuống dốc. Làng Mùi trước mặt mọi người là những ngọn lửa cao vút lên trời. Lẹ tỉnh dậy sau ba giờ xe chạy, chị lờ mờ nhớ ra... "Chồng tôi đâu?" – Chị kêu to – “Chồng tôi hả? Chồng… tôi…” Không ai trả lời, hoặc có người trả lời mà chị không nghe thấy.

 Chị lịm đi, chỉ còn nhớ mình khát quá, khát không thể nào chịu được. Chị chợt thấy có một con suối trong veo, tràn qua ngực mình. Con suối nhiều nước quá, nước ngập tràn, ào ào chảy vào những cái trúm đầy lươn cứ dập dềnh, dập dềnh…

Vào lúc đó, chồng chị đang lê lết khắp làng, ôm mặt khóc rưng rức.

***
Ba mươi chín lon rưỡi gạo, mỗi ngày ăn nửa lon, vậy là ông sẽ sống ít nhất bảy mươi lăm ngày nữa. Ông mỉm c­ười. Bây giờ trăng đang lên, ông nhận thấy bằng cảm giác rân rân, máy lạnh ở hai thái d­ương. Những lúc lòng ông yên tĩnh nhất, hai thái d­ương còn cho ông biết mặt trăng đang nằm ở hư­ớng nào, méo hay tròn.

Vậy là ông cảm được ngày và đêm, ngày và đêm, lại ngày và đêm... ông sống đơn độc giữa thung lũng này. Cứ qua m­ười ngày, ông lại tìm một cái cọc cắm sâu giữa sân nhà. Đã bảy mươi chín cái cọc được cắm xuống, vậy mà không có ai tìm đến ông, dắt ông ra khỏi vùng rừng hoang vắng này.

 Tám mươi chín cái cọc, nghĩa là thiếu vài cái cọc nữa sẽ chẵn hai năm. Ôi chao, hai năm! Ông đã trụ được hai năm! Trên thế gian này hỏi có ai nh­ư ông? Không có! Không thằng đếch nào được như­ ông hết! Ông ngửa mặt cười ha hả...

Ông nhớ nhất cái cọc đầu tiên được cắm xuống. Đó là m­ười ngày lạ lùng của đời ông. Ngày thứ nhất, ông ngồi ôm mặt khóc cả ngày, lúc lúc ông bật dậy chạy nh­ư điên, hét vang rừng.

 Ngày thứ hai, ông im lặng chờ chết. Sống không có người hỏi sống có tích sự gì nữa? Ông ngồi lên một tảng đá cao, chờ máy bay tới. Coi như­ xong một đời người, coi như­ xóa tên năm dòng họ giữa thung lũng này.

Ông là người chứng kiến tất cả cái chết người làng Mùi, giờ đến lư­ợt ông. "Bố mày đến lượt đây này, bớ Đế quốc Mỹ!" - Ông gầm lên. Nhưng máy bay không tới, hôm đó là ngày yên tĩnh - Không có tiếng máy bay, cả tiếng ôtô bộ đội chạy trên đường 15 cũng không có.

 "Mẹ khỉ? Cái gì muốn đều đếch được." - ông cười gằn. Ngày thứ ba, ông quyết định sống. Chư­a nghĩ ra lý do sống để làm gì nhưng ông quả quyết chờ chết là kiểu chờ đợi ngu nhất.

 "Thôi bỏ mẹ tôi rồi suýt nữa bỏ mạng!"- Ông hét toáng lên và tung tăng đi mò gạo nấu cơm. Nhà ông bị cháy, hãy còn hũ gạo m­ời hai lon chôn dư­ới gốc đào. Ông moi lên, nấu đầy một xoong to, và ăn ông ăn cả ngày, vừa nhẩn nha nhai cơm với muối rang vừa nghĩ ngợi lung tung, ch­ưa ra đầu cua tai nheo gì hết. Cuối cùng ông quyết định: sống, nghiến răng mà sống, chờ người đến đ­ưa về đồng bằng. Đư­ờng 15 không xa, nhất định bộ đội sẽ phát hiện ra ông.

Ngày thứ tư­, ông lò dò tìm đến từng nhà trong làng, gom từng lon gạo rơi vãi. Ông nhận định: sẽ còn lâu bộ đội mới tìm ra ông, vậy phải "dự trữ chiến l­ược". Bốn ngày sau đó, ông liên tục đi tìm gạo, muối và tất cả những gì có thể nhai được về chất đống trong túp lều của ông vừa mới dựng tạm, để “bò vào bò ra” bằng các mảnh tranh, tre sót lại sau đám cháy.

 Ngày thứ chín, ông chợt nhận ra hình như­ máy bay không còn oanh tạc nữa, hình nh­ư đã bốn ngày nay không có tiếng máy bay, có lẽ vì mải tìm nguồn "dự trữ chiến l­ược" mà ông không để ý. "Ờ nhỉ, ngay cả tiếng ôtô trên đường 15 cũng thư­a thớt hẳn". - Ông nghĩ thầm, hồi hộp chờ đợi...

Ngày thứ m­ười... chao ôi, cái ngày thật đáng nhớ. Buổi sáng, ông trở dậy, đi ra ngõ dỏng tai lên nghe. Ông đứng im phắc hàng giờ liền, chờ đợi... không có tiếng máy bay, vẫn không có tiếng máy bay! "Hay là hết chiến tranh?" - ông run lên. "Có thể lắm chứ!" trống ngực ông đập thình thịch, mồ hôi chảy đầm đề ngực áo. Ông sợ cái điều vừa phát hiện bỗng chốc biến mất.

Kiên nhẫn nắng nghe thêm vài giờ nữa, khi đã hết mức chịu đựng, ông hét lên: "Hoà bình! Hoà bình! Ối cha mẹ ơi!..." Ông vừa chạy vừa hét: "Hoà bình rồi, bà con ơi, Lẹ ơi…. Sao không ai gắng sống thêm mười ngày nữa…"- ông ngồi khóc tu tu.

Đến sẩm tối, ông bàng hoàng nhận ra chính mình đang gặp phải bất hạnh mới. Ờ nhỉ, nếu hoà bình thì…gay! Gay to rồi! Đường 15 sẽ không có ai lên và chẳng ai đến thung lũng này làm gì nữa, tất cả sẽ nhào về đồng bằng để kiếm sống. Vậy là chỉ mình ông thôi, mình ông sống vật vời ở đây cho tới ngày hết số lương thực "dự trữ chiến lược".

- "Bỏ mẹ tôi rồi" - Ông kêu lên đau đớn…

Quả đúng như vậy. Đã hai năm ròi vẫn không có ai lên. Số lương thực "dự trữ chiến lược" đã cạn. Thần chết đang đuổi bắt ông từng ngày một. Làng Mùi đã biến dạng không còn làng nữa, chỉ là vùng đất bằng đầy cỏ tranh và những cây dẻ non mọc rậm rịt.

 Những con thú nhỏ đã tìm về sinh sống. Đôi khi có những bày lợ rừng ké nhau qua mặt ông, đôi khi có vài con rắn trườn qua bụng ông vào những giờ ông ngủ…

Đã nghe tiếng mang tác mỗi ngày mỗi gần. Và sau đó là tiếng hổ, thỉnh thoảng có tiếng hổ gầm lên ghê rợn ở phía sau con suối năm xéo phía tây làng Mùi.

 Nhưng mọi sự hăm dọa của súc vật không làm ông sợ hãi bằng nỗi cô đơn khủng khiếp mà ông đang chịu đựng. Ông nhớ đời sống làng Mùi, nhớ phát điên lên được. Nhớ ông Sạc sứt môi hay ca vọng cổ, chị Tím tâm thần hay đứng nói một mình, thằng Hi hay ăn trộm gà hàng xóm, mụ Xanh chúa chửa hoang… và Lẹ, người đàn bà táo tợn, ngoa ngoắt có một không hai ở làng Mùi. Khi nổi xung, Lẹ sẵn sàng dí "vật hi sinh" của mình vào mặt bất cứ ai. Thế mà ông đã yêu chị, yêu đến phát cuồng mỗi bận bế xốc tấm thân nóng rực ấy nên mà hôn mà cắn mà run bắn,…

 Tất cả đã chết, làng mùi đã chết, chỉ còn ông. Bảy mươi chín cái cọc đã cắm lên ghi dấu sức chịu đựng chịu đựng về nỗi cô đơn của ông.

Một đêm, ông nằm mơ thấy có hàng vạn người chạy ào ào từ đồng bằng lên đây tìm mình. Họ vừa chạy vừa đồng thanh hô lớn: "Cứu lấy ông Thiệt! Cứu lấy ông Thiệt! Cứu lấy ông Thiệt! Cứu! Cứu! Cứu! ….." Trong đó có Lẹ, nước mắt chảy đầm đìa, chị chạy như điên về phía ông.

 Ông choàng tỉnh, ngay lập tức tìm cái cọc dài chạy đến hai hòn đá lớn, một vuông một tròn nằm kẹp chặt cái hũ gạo như quả bầu khô đã hơn hai năm nay, nhiều lần ông cố sức bật nảy hai hòn đá ấy nên nhưng không được. Lần này thì phải được, nhất định được, bởi vì ông nhớ người quá. "Phải về đồng bằng… về với mọi người… Một, hờ… hai" – ông rướn lên… A, ha ha, hòn đá đã thua ông, nó nặng gấp chín chục lần thân xác ông mà thua ông….

 Đổ ba mươi chín lon rưỡi gạo đã rang chín vào ống quần dài, quàng lên cổ, một tay cầm con dao phay đã quá cùn, một tay cầm gậy chống. Ông hăm hở lên đường. "Về xuôi, phải về xuôi, về với mọi người!" - Ông nhắc đi nhắc lại hàng vạn lần trong quá trình hành tiến về với loài người, Ông là người thì phải sống với người, hoạ là thằng ngu mới cam chịu sống với súc vật.

Đồng bằng ở hướng mặt trời mọc. ở hướng mặt trời mọc mọi người đang sống. Thế thì ông phải đi. Chết cũng phải đi. Có cái gì nhai được nữa đâu mà không chết? Vậy thì liều mạng rời bỏ "xã hội súc vật" là đúng. Nếu chẳng may không về được với loài người thì ông buộc chấp nhận cái chết, tốt thôi.

 Nhờ hai thái dương như cái địa bàn, ông định hướng mặt trời mọc. Không cần đường sá, ông vừa đi vừa bò vừa chui… cứ hướng mặt trời mọc mà ông tiến, đếch sợ!

 Ngày đi, đêm nghỉ vì ban đêm hai thái dương không hoạt động được, ông sợ mất phương hướng. Vài ngày đầu ông hơi mệt, mệt và nhừ chân. Sau quen dần, ông thấy cái việc hành quân này còn sướng hơn gấp mấy ngồi co ro ở thung lung lung kia mà nghe chim kêu vượn hót.

"Về xuôi, về với mọi người". Ông lầm bầm đọc thần chú, cắm cổ bước. Ông tưởng tượng mọi người đổ xô ra đón ông như thế nào. Họ từ bốn phương tám hướng chạy đến, kẻ ôm xốc ông, kẻ reo hò, kẻ đứng ôm mặt khóc.

Chứ sao, có ai như ông không nào? Trên thế gian không có thằng đếch nào cả gan sống với thú vật hai năm trời như ông! "Tội nghiệp" – Mọi người nói. "Một người dũng cảm!" – Mọi người lại nói "Một người anh hùng!" – Mọi người đồng thanh hô lớn và deo hò. Và tung hê ông lên trời.

Ông ngửa cổ cười lớn mỗi khi nghĩ đến cái giây phút thần tiên đó. Ông hăng lên, bước bước bước, rồi bò, rồi chui… liên miền ngày này qua ngày khác…

Hơn hai tháng sau, ông gặp được đồng bằng, thật không ngờ, vừa chạm phải cửa rừng ông đã chạy vù vù. "Đồng bằng!" - Ông hét lên – "Trời phù hộ tôi!" Vứt hết dao, gậy gạo, ông chạy. Ông bước hụt xuống một thửa ruộng sau. Lúa! Lúa! "Mọi người!" - Ông kêu váng và ráng sức chạy băng qua hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác.

Khi đã kiệt sức. Ông đứng lại thở, vừa thở ra cười: "Gắng lên? Chỉ vài tích tắc nữa là gặp mọi người thôi mà, gắng lên!..." - Ông thở hồng hộc, cắn răng bư­ớc từng b­ước nặng nhọc. Rồi ông bò, bò như­ một con bò bị thương lê lết qua từng thửa ruộng. Cho tới khi ngất xỉu…

Bây giờ một mình ông, lại vẫn một mình ông, ngồi tựa vào một vách lều hát nghêu ngao giữa chợ thị trấn Đ. đã tàn khách ông đã về với mọi người và những đám đông ông tìm đến là những cái chợ. Phút gặp gỡ đầu tiên của ông với mọi người cũng là một cái chợ nằm trên cồn đất nhỏ giữa cánh đồng.

Người ta lôi cái xác mềm nhũn, bê bết bùn đất của ông lên giữa chợ. Bao nhiêu người lớp trong vòng ngoài vây quanh ông. Ông tỉnh dậy vừa lúc chợ sắp tàn: ông nghe tiếng người, bao nhiêu là tiếng ng­ười lao xao, lao xao...

- Mọi người? - Ông vùng dậy kêu vang.

Rồi ông quờ tay: chân người. Ối cha mẹ ơi, chân người! Ông òa khóc. Tất cả những ai sót lại trong cái chợ sắp tàn đều chạy đến chỗ ông.

- Bà con ơi, tôi là Thiệt đây!... Tôi ở rừng, hu hu...

Người ta chen nhau vào nom cho đ­ược cái người tên là Thiệt đang bù lu bù loa về một chuyện gì đó mà chẳng ai hiểu gì cả. Còn ông thì hết ôm chân người này lại quay sang người khác, khóc nức nở. Một vài người đàn bà hét toáng lên. Chân giãy mạnh khi ông ôm chầm lấy... Họ cười, ôm bụng mà cười. Ông khóc dữ hơn. Vật vã giữa những bàn chân người. Cuối cùng mọi người cũng đã hiểu ra.

- Bây giờ bác tính về đâu? - Một người hỏi..

- Tôi về với mọi người. - Ông mếu máo.

- Bác tìm ai? Tức là người đó ở đâu? tên gì?

- Một người khác hỏi.

- Tôi về với mọi người: - Ông vẫn mếu máo.

Nhiều người bịt miệng cười, bỏ đi. Một người đàn ông bực dọc khi nghe ông cứ trả lời nh­ư một thằng điên, liền quát:

- Về với ai thì cứ nói đi, người ta chỉ cho. Mọi người là cái đéo gì?

Cổ họng nghẹn đắng, một lát sau ông gầm lên:

- Tôi không hỏi ai hết? Tôi về với mọi người!

- Ô hô hô….

Tất cả cười vang, giải tán. Ông chạy quanh, hai tay quờ quạng. Những bàn chân người đã biến mất, chỉ còn gió và những tiếng cú kêu chập chờn trong hoàng hôn. Ông rũ xuống nức nở khóc mãi.

 Đến khuya ông trấn tĩnh trở lại. Ngồi một mình giữa chợ hoang vắng, ông mới ngớ ra: Ờ nhỉ, ông về xuôi để tìm ai mới đ­ược chứ? Ngu! Ông ngu quá! Bất chợt ông ngửa cổ lên trời cười ha hả.

 Ông tìm về một chợ khác, lại một chợ khác một chợ khác nữa. Bây giờ một mình ông, lại vẫn một mình ông giữa chợ thị trấn Đ. đã tàn khách. Ông ngồi tựa vào một vách lều hát nghêu ngao. Vẫn bài hát đi bẫy lươn ngày nào ông đã hát dọc con suối nằm xéo phía tây làng Mùi.

 Làng Mùi đã chết, chỉ mỗi mình ông cô đơn giữa cái chợ đã tàn khách. Ông nhớ làng Mùi, nhớ kinh khủng. Nhớ ông Sạc sứt môi hay ca vọng cổ, chị Tím tâm thần hay đứng nói một mình, thằng Hi hay ăn trộm gà hàng xóm, mụ Xanh chúa chửa hoang... Tất cả đã chết. Ông cũng đã chết theo họ, ông không có mặt trong đời sống bây giờ, bởi vì ông chỉ là cái bóng giữa chợ đông người.

Người ta coi ông như một kẻ ăn xin. Nhiều người thương ông, giúi vào tay ông một củ khoai luộc, một tấm bánh ch­ưng, một khúc thịt luộc... ông ăn, đói quá thì ông ăn nhưng ông luôn mồm nói với mọi người rằng ông không phải là kẻ ăn xin. Không phải: ông chết rồi: chết rồi cùng với Lẹ, người đàn bà thứ tư­ và toàn thể dân làng Mùi... Bây giờ ông đang trôi nổi giữa đời sống dân làng Mùi, một đời sống chập chờn lúc ẩn lúc hiện...

Lươn là lươn to này... (i a) … Lươn là lươn dài này... (i a)... Bài hát của ông trôi nổi giữa hoang vắng trong đêm tối. Phơ phất những ngọn lá mía khô trên mái lều, ngớ ngẩn tiếng chó sủa hờ, vênh váo tiếng ôtô trên đư­ờng cái quân... chừng nh­ư muốn bẻ vụn bài hát của ông.

 Đôi khi ông chợt nghe tiếng b­ước chân rất khẽ đi quanh ông. "Ai đó?" - Ông ngừng hát hỏi. Chẳng có ai trả lời, tiếng bư­ớc chân cũng tắt ngấm. Lại vẫn tiếng hát của ông trôi nổi giữa hoang vắng. Ông hát để tự ru mình: "Ngủ đi, ngủ đi mày, cái thằng ngu..." Và ông ngủ say sưa cho tới sáng.

Đêm nay cũng vậy, ông đang tự ru mình. Lại có tiếng b­ước chân. Chắc là người nào đang nghè trộm bài hát của ông. "Mặc bố nó!" - ông vẫn hát, không thèm dừng lại hỏi: "Ai đó?" như­ mọi khi. Làng Mùi đã chết, chỉ còn ông. Trong ông, tất cả đã chết. Chỉ còn làng Mùi. Tiếng hát ông chìm dần, chìm dư­ới đáy con suối nằm xéo phía tây làng Mùi đang chảy róc rách qua ngực ông.

Chợt có tiếng động khẽ, rất khẽ. Ông ngừng hát, đầu nghếch sang trái. Một bàn tay bất chợ giúi vào tay ông một "nắm tiền" vừa chạm phải ông đã biết đó là một khoản tiền lớn.

- Ai? Ai cho tôi tiền đây.. - Ông chộp lấy tay người đư­a tiền giữ chặt. Đấy là tay một người đàn bà, ông run lên.

Ai đây? - ông hỏi và lập tức ôm quàng lấy chân người đàn bà đang cố bứt ra khỏi tay ông. Một cái quẫy mạnh. Ông ngã ng­ửa. Người đàn bà bỏ chạy. Ông vùng dậy đuổi theo. Lập tức trống ngực ông đập thình thình:

- Lẹ! Có phải Lẹ không?

 Người đàn bà đã chạy khá xa. Ông vừa chạy vừa ngã giúi giụi.

- Lẹ! Lẹ ơi! Lẹ?

Ông hét vang vang, lồng ngực ông muốn vỡ tung, ông chạy, cứ chạy. chạy mãi và rơi vào một cái hố sâu có lẽ là một hố bom. Ông ôm mặt khóc rưng rức...

Lẹ - người đàn bà thứ t­ư đã bỏ ông mà đi, bỏ đi chứ không phải chết như ba người đàn bà tr­ước. Bây giờ chị có một tên khác, một nghề khác, một lý lịch khác để lấy một người chồng khác ở ngay thị trấn Đ. này. Chẳng hiểu vì sao vậy. Chỉ biết chị đương chạy trốn ông, vừa chạy vừa khóc. Tiếng ông gọi tên chị vang vang. Chị lập tức biến vào đêm tối của mọi người.

Ông bò lên khỏi hố bom lập cập mò về chợ. "Lẹ, đúng là Lẹ rồi" - ông rền rĩ: Đã hai năm ôm ấp nhau lẽ nào ông không nhận ra...

- Lẹ ơi, sao lại thế?... - ông kêu gào thảm thiết.

Nhớ đến nắm tiền hãy còn trong tay mình. Ông giơ nó lên cao - "Lẹ ơi sao lại thế này?...".

Ông khóc mãi. khuya lắm ông mới ngừng khóc, ngồi tựa vào vách lều ngửa cổ cười gằn. Ông giơ nắm tiền lên cười miết - "Cái này đây để tao về với mọi người à? Tiên sư­ bố nó".

Ông rút bao diêm thủ kín trong ngực áo ra. Xòe lửa. Cháy! Tiên sư­ bố nó! ông tung nắm lửa trên trời, đứng cười ha hả. Nắm lửa rơi xuống túp lều thứ nhất. cháy! Rồi túp lều thứ hai bắt l­ửa cháy! Cháy? Cháy! Ông hoảng lên, cố thoái ra khỏi đám cháy.

- Chợ cháy? - Ông kêu to - Bà con ơi. Chợ cháy!

Keng keng! Keng!

Tiếng kẻng báo động, liếng la hét, tiếng kêu cứu, tiếng chân người ào ào ào... lao về chợ. Dập ngay

- Phía này! Cát đâu? N­ước?

- Nư­ớc! Nước!

 - Cứu!

 - Keng! Keng! Keng!

- Thằng nào đốt chợ?

- Thằng nào đất chợ?

- Thằng nào đốt chợ?

Ông nghe rõ tất cả, mồ hôi chảy đầm đìa. Ông bỏ chạy, cắm cổ chạy sấp ngửa trong đêm lối. Sau gáy ông vẫn vang vang tiếng người quát, tháo: "Thằng nào đốt chợ"' ông chạy vù vù.

Ngày hôm sau người ta không thấy ông ở chợ nữa. Người thì nói ông đã bỏ trốn, người thì nói ông đã bị cháy thành tro cùng với hàng trăm túp lều lá mía.

 Mãi đến chín năm sau, mùa hạ 1983, tôi đi theo đoàn địa chất đi khảo sát quặng sắt ở miền tây Quảng Bình, có gặp một cái dốc ngắn, nhiều đá tai mèo gọi là 'Dốc vư­ợn mù'. Một người trong đoàn kể rằng: Có một con v­ượn mù ngồi trên chạc ba cây dẻ ở đỉnh dốc ngửa cổ cười suốt ngày. Cười đến ngày thứ một trăm thì rơi xuống chân dốc chết đáng thương như­ một con người.

N.Q.L
(SH30/04-88)









 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Trôi (29/04/2014)
Hồi Cung (24/04/2014)
Đêm rừng lạnh (21/04/2014)
Trăng đỏ (18/04/2014)
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Chuyện tình (27/03/2014)
Ảo ảnh (21/03/2014)
Trăng thu (11/03/2014)