HẠO NGUYÊN
1.
- Thế mà đã chín mùa hoa văn nở. Tôi năm nay bốn mươi chín tuổi. Ở cái tuổi này, một vài người đã biết rõ con đường mình đi sẽ về đâu.
Trần bỏ thêm một thanh củi vào bếp lửa, thì thầm.
- Còn cậu?
Tôi không kịp nghĩ anh hỏi gì, nên chỉ cười lặng lẽ.
- Năm nay cậu bốn mươi rồi nhỉ?
Ngoài kia là đêm. Những đêm tôi chưa bốn mươi tuổi và những đêm bốn mươi tuổi của tôi có gì khác nhau? Ngày mai, có thể tôi sẽ lại đi. Nhưng tôi hoàn toàn không đoán chắc con đường mình đi sẽ về đâu. Những hành trình trên mặt đất mênh mông này, đôi khi vô định đến đáng buồn.
- Anh không tiếp tục ư?
- Tiếp tục?
Trần nhìn tôi, ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa thương cảm. Tôi lảng tránh ánh nhìn ấy bằng cách cúi xuống cời lửa.
Trần nói với tôi mà như nói một mình, giọng nhẹ thoảng và trang nghiêm như hương trầm:
- Nhiều khi ngồi lại cũng là một cách để tiếp tục hành trình.
2.
Một buổi sáng, năm tôi hai mươi lăm tuổi, bố bảo tôi:
- Hôm nay bố sẽ đi, rất xa.
Tôi nhìn bố. Dù điều ông nói không khiến tôi ngạc nhiên, nhưng việc ông bỏ tôi đi vào buổi sáng như thế này có gì đó hết sức phi lý.
- Bố sẽ đi đâu? Sao không cho con đi cùng?
Bố nhìn ra góc vườn, nơi hoa văn lặng lẽ mọc giữa bốn bề cây cỏ xôn xao.
- Mỗi người đều có một chuyến đi cho riêng mình. Bố cũng thế, và con cũng thế. Không một ai có thể chia sẻ hành trình của kẻ khác.
Ông nhấp một ngụm trà, rồi nhìn tôi:
- Đó là một sự xúc phạm.
Tôi lơ đãng nhìn ra phía hoa văn. Ở đó, nắng mai chiếu vào sắc lá, bừng lên một màu xanh mộng mị.
- Vì thế, bố sẽ đi.
Cây hoa văn trồng trong vườn đã lâu, nhưng chưa bao giờ nở. Nghe bố nói, một vị du tăng, trong một lần ngang qua đây, đã gieo hạt giống hoa văn trong vườn.
Đột nhiên tôi quay sang bố:
- Bố sẽ đi tìm nhà sư đó ư? Người đã gieo…
Không để tôi nói hết câu, bố lắc đầu:
- Thời gian đầu thì bố có ý định như thế. Nhưng dần dà bố hiểu, đi tìm cũng không ích gì.
- Vậy bố đi đâu?
Bố không trả lời, ông bảo:
- Con uống trà đi.
Tôi lặng lẽ nhấp một ngụm trà, rồi nhìn ông, chờ đợi. Bố nhìn ra rất xa, xa hơn góc vườn nơi hoa văn mọc, xa hơn đỉnh núi mờ xa, xa hơn chân trời mờ xa.
3.
- Vậy là bố anh đi từ đó đến giờ?
Trần gật đầu. Tôi nhìn Trần, có hàng trăm câu hỏi muốn dành cho anh, nhưng cuối cùng chỉ biết im lặng nhìn anh.
- Tôi chờ ông suốt mười lăm năm, hy vọng ông sớm đến đích và quay về. Cũng trong thời gian đó, tôi chờ hoa văn nở.
Phải. Nhưng cả hai điều đều không xảy ra suốt mười lăm năm ấy.
- Thực ra tôi hoàn toàn có thể đi tìm ông sớm hơn. Nhưng không ai chăm sóc hoa văn. Mà bố dặn phải chờ hoa văn nở thì mới làm gì thì làm.
Trần nhìn mông lung ra ngoài đêm, rồi anh nói:
- Thôi ngủ đi. Nom cậu mệt mỏi lắm rồi.
Tôi gật đầu. Đến lúc này tôi mới cảm nhận rõ sự rã rời trong từng sợi cơ bắp thịt. Cũng phải, chặng đường tôi vừa đi qua không hề ngắn ngủi và dễ dàng chút nào.
Đêm đỉnh núi lạnh vắng và thanh khiết. Tôi nằm chênh chao giữa nỗi nhớ về Sương Mai và tiếng tụng kinh trầm trầm. Cuối cùng tôi thiếp đi, bóng hình Sương Mai cứ lãng đãng quanh chiêm bao. Sương Mai ơi, giờ tôi xa em bao nhiêu rồi?
4.
Tỉnh giấc khi trời vẫn còn tối, tôi đã nghe tiếng tụng kinh lan ra trong không gian tĩnh mịch. Sau vách tường kia, Trần đang nhập định trong lời của Phật. Tôi nghe loáng thoáng “…Chư vi trần, Như Lai thuyết phi vi trần, thị danh vi trần, Như Lai thuyết thế giới, phi thế giới, thị danh thế giới…”.
Tôi rón rén ra khỏi giường, đến bên cửa sổ. Trăng hạ tuần rải xuống núi non một làn sóng bạc. Đâu đó tiếng thú săn đêm chộn rộn về hang. Đâu đó tiếng suối rì rầm. Và đâu đó, trong sâu thẳm ngàn cây, thoảng mùi hương lạ lùng.
Tôi đứng mãi trong mùi hương xa vời ấy, tự hỏi là mùi hương trầm trên bàn thờ Phật, hay mùi lan rừng, hay mùi những nàng tiên núi cao tắm trăng cuối tháng?
5.
Một buổi sáng yên lành, hoa văn trên tay, Trần khép cổng nhà và dấn bước vào con đường không thể đoán định trước. Hoa văn đã tựu thành đêm qua, và giờ anh biết phải làm gì. Có lẽ bố anh cũng đã biết trước giờ khắc này, nên ông mới ra đi như thế. Giờ thì anh đi, để mang hoa văn đến cho bố, để được thấy ánh mắt toại nguyện của ông khi nhìn nét hoa văn tựu thành rạng rỡ.
Trần quyết định đi về hướng Đông. Thực ra không có cơ sở nào để đoán hướng bố anh đã đi, nhưng anh vẫn quyết định đi về hướng Đông. Mười lăm năm đã qua, có thể bố anh đã gặp được vị du tăng, đã được thấy hoa văn nở, hoặc đã theo vị du tăng đi khắp cùng trời cuối đất, hoặc đã bình thản ngồi nhìn tuổi đời mình trôi cùng ngày tháng, hoặc đã nằm lại đâu đó trên đường mà ngắm trời mây. Dù có thế nào thì anh vẫn phải đi tìm bố, để báo với ông là hoa văn đã tựu thành.
6.
- Mất mấy tháng ròng tôi mới đến được Làng Bên. Lúc đó hoa văn đã khép. Tôi phải chờ đến khi hoa văn tựu thành lần nữa thì mới có thể tiếp tục lên đường. Không thể đi tìm ông khi trên tay mình vẫn là hoa văn ngày cũ.
- Tôi hiểu.
Trần cúi xuống nhặt một con sâu trong kẽ lá.
- Loại sâu này phá rau lắm.
Tôi nhìn con sâu bò từ ngón tay Trần xuống đất rồi chầm chậm nhích vào bụi cỏ. Thế giới màu xanh của nó tuy nhỏ mà vô biên, rau và cỏ, cỏ và rau, nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp. Con sâu nhỏ bé ấy sẽ sống trong thế giới ấy bao nhiêu kiếp khi tôi hoàn thành kiếp sống của mình?
- Có một điều khiến tôi hy vọng, là nghe dân làng nói rằng, khoảng mười lăm năm trước, có một người đàn ông như tôi miêu tả, tức bố tôi, đã từng đến và ở lại một thời gian, chừng hai năm, sau đó ông lại đi.
- Ông làm gì ở đó?
- Nghe nói ông mở lò rèn.
- Lò rèn?
- Đúng vậy. Người ta còn bảo, trên bất cứ dụng cụ gì do ông rèn nên, đều có trang trí một biểu tượng rất lạ. Người ta đưa cho tôi xem, dao, rựa, búa, lưỡi cày, kéo…, tất thảy đều có hình đó.
Trần chăm chú nhìn vết con sâu bò trên luống đất xốp, như nhìn một dấu chim di qua bầu trời.
- Cậu biết không, đó chính là hoa văn, theo trí tưởng của ông.
7.
Một ngày không bận rộn nơi Trần ở càng khiến tôi nhớ nhiều về Sương Mai. Qua một quãng đời quá nhiều biến cố, kỷ niệm về nàng càng thêm phần hư ảo, như thể một cuộc tình mặn nồng rồ dại nào từ muôn kiếp trước. Tuy thế, không lúc nào không khiến tâm trí nhói đau khi nghĩ về.
Này Sương Mai, giờ còn lặng lẽ ngồi chải tóc khi mặt trời ngấp nghé trên bậu cửa mỗi sớm? Còn rưng rưng khóe mắt khi bầy chim quen trong vườn bỏ đi vào mỗi mùa thiên di? Còn hân hoan hát ca khi mưa xuân về đầu ngõ? Còn im lìm bờ môi khi chiều làm giông âm ỉ phía cuối trời?
Này Sương Mai, giờ tôi xa em bao nhiêu rồi?
8.
- Dĩ nhiên, phải đợi đến khi hoa văn tựu thành lần thứ hai thì tôi mới tiếp tục lên đường. Có lẽ là hơn một năm. Dù sốt ruột vì sợ lâu quá sẽ mất dấu bố, nhưng rõ ràng là tôi không thể vội vã. Suốt thời gian ở Làng Bên, tôi ở nhờ nhà vợ chồng một lão nông. Tôi giúp họ việc đồng áng và dạy chữ cho các con của họ. Cô con gái đầu lòng của họ là Nắng Mai.
- Nắng Mai?
Tôi sửng sốt nhìn Trần. Nắng Mai? Tại sao lại là Nắng Mai? Liệu có mối quan hệ lạ lùng nào với Sương Mai của tôi không?
- Đúng, Nắng Mai.
Nắng Mai lúc đó chừng mười sáu. Quá trong trẻo và mộng mị. Quá thơ ngây và chất chứa hiểm họa. Những lúc rỗi, Nắng Mai thường dẫn tôi ra bờ sông. Bên bờ sông chan chứa ấy, đã đôi lần tôi suýt giết chết hoa văn.
- Tại sao?
Sau này tôi mới hiểu, số mệnh của tôi là dành cho hoa văn, ngoài ra, tôi không có quyền dành cuộc đời mình cho bất cứ điều gì khác, kể cả đó là Nắng Mai. Đôi lần, người con gái ấy đã nhắm nghiền mắt chờ nụ hôn đầu. Và đã đôi lần tôi suýt hôn em. Nhưng đúng vào những phút giây ấy, luôn có một tiếng nói trong tâm trí: Trần ơi, không được đâu! Và mỗi lần như thế, nước mắt Nắng Mai rơi.
Tôi im lặng nhìn Trần. Ngày xưa, đã bao nhiêu lần tôi làm đau tâm hồn tinh khiết của Sương Mai?
- Đêm tôi chuẩn bị rời Làng Bên, trăng sáng. Nắng Mai chờ tôi nơi bờ sông. Khi em trút xiêm áo để sà vào lòng tôi, tôi chỉ biết quỳ xuống tạ lỗi. Chúng tôi nhìn nhau và khóc.
Trần nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Cậu biết không, đó cũng là giây phút tôi linh cảm rằng, tôi đã thuộc về hoa văn, mãi mãi.
9.
Lại mất thêm mấy tháng nữa để Trần đến được Làng Bên Cạnh. Và cũng như ở Làng Bên, anh nghe nói rằng bố anh đã từng đến đây, ở gần hai năm. Ông làm thợ mộc. Và cũng giống hệt Làng Bên, những đồ gỗ ông làm ra đều trang trí biểu tượng lạ lùng ấy: hoa văn trong trí tưởng của ông.
Trần ở lại Làng Bên Cạnh qua một đêm thì hoa văn lại khép. Không thể tiếp tục hành trình vì không biết chắc khi nào hoa văn tựu thành, anh đành nán lại. Anh xin dựng một túp lều nơi bãi đất trống tiếp giáp với cánh đồng làng, không tạo mối quan hệ thân thiết với bất kỳ ai.
Tại đây, anh mất gần một năm chờ đợi để hoa văn tựu thành lần thứ ba. Trong thời gian đó, anh đi làm mướn cho người trong làng. Và cũng trong suốt thời gian đó, đêm nào Nắng Mai cũng đến với Trần. Có khi là qua làn gió đêm, có khi là qua ánh trăng len vào giường lạnh, có khi là một tiếng chim khuya thao thiết giữa trời. Dù là bằng cách nào thì Trần cũng biết chắc đó chính là Nắng Mai. Anh đau đớn khi nhận ra rằng tình yêu của Nắng Mai dành cho anh là quá sâu nặng. Trần có mặc cảm như đã phạm phải một tội ác khi khước từ tình yêu ấy. Nỗi sám hối về điều đó khiến anh cay nghiệt với chính mình. Chỉ khi nghĩ về hoa văn, về bố thì anh mới được cứu rỗi đôi chút.
Nhưng đêm đêm, bằng cách này hay cách khác, Nắng Mai vẫn đến bên Trần. Tình yêu của người con gái ấy đã hóa thành hơi thở của trời đất, theo mãi anh trên từng chặng đường.
10.
- Ở Làng Tiếp Theo, tôi sống cùng một ông lão mù. Vậy là đã ba năm từ ngày tôi mang hoa văn đi tìm bố. Có một điều tôi thấy rõ là càng ngày tôi càng hiểu hoa văn hơn. Tôi đã có thể gần như biết trước khi nào hoa văn khép và khi nào sẽ tựu thành. Vì thế, tôi phần nào làm chủ được thời gian của mình.
- Ông lão mù ư?
- Phải. Cụ đã ngoài chín mươi tuổi. Hầu như không bao giờ nói năng gì, đôi lúc tưởng là câm.
Ngày ngày, tôi dẫn ông cụ ra bờ biển. Ông hay ngồi ở một mỏm đá cao ven bờ để câu rùa biển. Nghe người làng nói ông đã ngồi ở mỏm đá này gần bảy mươi năm, nhưng chưa bao giờ câu được con nào.
Có lần tôi đem thắc mắc ấy ra hỏi ông, tại sao ông phải mất cả đời để đợi câu được rùa biển. Ông cười:
- Thực ra câu được hay không không quan trọng. Mà vấn đề là làm gì khi câu.
Tôi không hiểu ý ông lão, nên đành im lặng. Cứ như vậy, buổi sáng tôi dẫn ông ra biển, đến chiều lại dẫn ông về. Rồi tôi cũng được ông trao cho một cần câu. Dĩ nhiên hai ông cháu không bao giờ câu được rùa biển. Chỉ có lũ cá mắc mồi, đủ để hai ông cháu sống qua ngày.
Một buổi chiều, như mọi buổi chiều, về nhà, tôi lo cơm nước, ông lão ngồi ngoài sân lọ mọ sửa cần câu. Khi tôi mang mâm cơm ra, ông cười mãn nguyện:
- Quả thật, nó vẫn luôn ở ngoài ấy.
Tôi ngạc nhiên:
- Cái gì ở ngoài ấy? Mà ở đâu vậy ông?
- Con rùa. Nó luôn ở ngoài biển.
Tôi không rõ ông lão dựa vào đâu để nuôi dưỡng niềm tin ấy. Nhưng khi nhìn thấy nụ cười làm sáng ngời khuôn mặt ông, và giọng nói nhẹ nhàng nhưng chắc nịch ấy, tôi biết điều ông tin là hoàn toàn xác đáng.
11.
- Còn cậu? Tôi chắc rằng đó cũng là một câu chuyện dài, phải không?
Trần nhìn tôi bằng ánh mắt soi thấu. Tôi bối rối nhìn xuống tách trà. Chuyện của tôi ư? Ký ức của tôi là một nhà kho tồi tàn, trong ấy chỉ toàn những thứ hoen rỉ, rách nát. Tôi có gì để kể đây? Ở giữa nhà kho ký ức của mình, tôi chỉ là kẻ cố cùng, lẩn thẩn gọi tên những thứ đồ vứt đi bằng giọng tiếc thương ráo hoảnh.
Gió ngàn đưa vào phòng trà làn hương thanh mát. Tôi nhìn ra cửa sổ, ngoài ấy, trùng trùng xanh. Bất giác tôi nghĩ đến Sương Mai. Dường như em đang đứng bên cửa sổ, dịu dàng nhìn tôi, khóe môi cười bao dung. Ơi Sương Mai, sao em lại cách xa tôi đến thế?
Tôi ngập ngừng bắt đầu:
- Chuyện của tôi, nếu có gì đó đáng kể, thì chỉ có Sương Mai.
- Sương Mai?
Tôi biết Trần ngạc nhiên vì điều gì. Phải, Sương Mai hay Nắng Mai đều là những kỷ niệm dù ngọt ngào hay đớn đau cũng vô cùng trân quý.
12.
Bắt đầu từ Làng Tiếp Theo, không thấy dấu hiệu của bố nữa. Hoàn toàn không ai biết về ông, như thể ông chưa từng qua đây. Nhưng tôi biết chắc chắn ông đã đi con đường này. Vì sao ư? Không, hoàn toàn không có căn cứ nào. Nhưng điều gì đó mách bảo tôi như thế. Tôi gần như thấy được những vết chân của ông trên đường, hơi ấm của ông vương trong không khí, tiếng thở khoan khoái của ông ở mỗi chặng dừng chân. Tôi biết rõ mình đang đi đúng theo con đường của ông. Chỉ có điều ông đã đi trước tôi rất xa, phải, rất xa.
Khi đến Làng Xa Hơn, hoa văn lại khép. Tôi biết trước điều đó. Tôi cũng có thể dự đoán khi nào hoa văn sẽ tựu thành lần nữa. Đến lúc đó, tôi hoàn toàn thảnh thơi với chặng đường sắp tới. Tại đây, tôi đi làm vườn cho người ta. Chăm sóc những khu vườn như thế dễ dàng hơn chăm sóc hoa văn rất nhiều.
Ngoài thời gian làm vườn, tôi ra biển. Cậu tưởng tượng được không, ông lão ở Làng Tiếp Theo gửi cho tôi một cần câu, kèm theo lời nhắn. Tôi không đoán được bằng cách nào ông biết nơi tôi ở. Ông nhắn: “Chàng trai, giữ hộ tôi chiếc cần câu, phòng khi rùa biển về mà không gặp tôi”. Chỉ thế thôi, không giải thích gì thêm. Thế là lúc không bận làm vườn, tôi lại ra biển. Biển ở đây xa làng hơn. Nhưng cũng như ở Làng Tiếp Theo, tôi không thể gặp rùa biển. Những lúc ngồi thả câu, tôi lại nhớ đến ông lão với nụ cười thanh thản ngời sáng, và tôi cũng tin rằng nó vẫn luôn ở đó, con rùa biển quyến rũ và đỏng đảnh ấy.
13.
Rời Làng Xa Hơn, Trần tiếp tục đi về hướng đông. Dấu hiệu của bố anh vẫn mù tăm. Nhưng anh hoàn toàn không nao núng. Bằng linh cảm, anh nhận ra rằng bố đã biết hoa văn tựu thành không chỉ một lần. Lòng trí anh hoàn toàn thảnh thơi, dù con đường phía trước vẫn mờ mịt.
Hoa văn khép lại khi Trần đến một thung lũng. Ở đó toàn chim chóc. Trần lưu lại đây qua hai mùa mưa. Đêm, Trần ngồi đối diện với hoa văn trong hang đá, lắng nghe hơi thở của nó, lắng nghe những tình tự của vô tận không gian mà nó thầm thì với anh, lắng nghe những chuyện đời mà nó đã chứng kiến dọc đường gió bụi khi cùng vị du tăng rong ruổi. Ngày, Trần ra thung lũng, bầu bạn với chim chóc, nhặt trái cây cho lũ chim vô tư lự, giúp làm tổ cho những con chim mới đến, theo dõi sự lớn khôn của lũ chim mới ra ràng.
Đến mùa mưa thứ hai, Trần đã hoàn toàn thấu hiểu hoa văn, biết rõ lúc nào nó lại tựu thành, lúc nào nó sẽ khép, sẽ bao nhiêu lần nữa thì anh đến nơi cần dừng lại.
Buổi sáng hôm rời thung lũng, Nắng Mai đã đến với anh qua tiếng hót con chim tước. Trần đứng dưới gốc một cây dủ dẻ, ngước lên vòm xanh, lắng nghe tiếng chim. Nắng Mai tiễn biệt anh bằng một khúc ca thiết tha và hoan hỉ. Trần hiểu, nàng cũng đã đi đến nơi tận cùng của tình yêu, và từ giờ sẽ thanh thản dõi theo bước đường của anh. Trần vẫy tay chào khi con chim tước bay đi.
Hoa văn vừa tựu thành trên tay anh. Và chặng đường phía trước cũng không còn xa nữa.
14.
- Vậy là hoa văn tựu thành lần thứ năm khi anh rời thung lũng?
- Đúng vậy.
Trần vừa xong một buổi trò chuyện trong im lặng cùng hoa văn. Bây giờ anh nhóm lửa cho bữa cơm chiều. Tiếng lửa bắt củi lách tách khiến không gian trở nên ấm áp. Trần kể:
- Nơi dừng lại tiếp theo là Chợ Rộn. Hoa văn tựu thành đúng một năm tôi ở đây. Tuy nhiên, tôi không cần vội vã. Bố đã đến nơi ông cần đến. Và tôi cũng sẽ dừng lại ở nơi tôi cần dừng. Tôi không tìm ông nữa. Tôi ở lại Chợ Rộn một năm, phụ việc trong các quán ăn. Hoa văn thơm ngát trên tay tôi từng phút giây, khi dọn bàn, khi rửa chén bát, khi ngủ, khi ăn, khi ra phố mua các món đồ lặt vặt cho chủ quán. Im lặng và thuần khiết, hoa văn nở suốt một năm ấy.
Trần đưa tôi xem một tập giấy đã cũ nhàu.
- Ở đó, tôi sống trong ngôi miếu bỏ hoang cuối Chợ Rộn với một người gánh hàng thuê. Anh ta chừng ngoài ba mươi tuổi. Ngày, anh đi gánh thuê hàng hóa trong chợ, tối về chong đèn ngồi cắm cúi ghi chép. Thi thoảng anh ta bỏ đi vài ngày, không rõ đi đâu, nhưng lúc nào về nhìn anh cũng có gì đó đổi khác, dường như anh đã tránh đi để làm mới con người mình.
Tôi lật từng trang giấy, hẳn là Trần đã đọc đi đọc lại rất nhiều.
- Đó là những điều anh ta đã ghi chép suốt thời gian ở miếu hoang.
Tôi ghé lại gần ngọn đèn, cố đọc một đoạn với những nét mực mờ:
Ở đâu là nơi từng sống, hẳn ở đó phải là nơi từng chết. Mèo ơi, cả ta và mi đều hiểu rõ điều này: mi đợi bắt chuột thực ra là đợi bắt được chính mình. Khi mi đi vào bóng đêm chính là mi đi vào thẳm sâu bản thân mi đó. Ở đó mi từng sống và từng chết.
Như một ngọn gió, ta và mi rong ruổi giữa sống và chết, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, kẻ săn mồi và con mồi, miếng ăn và sự mất mạng. Này mèo, bí mật này giữ kín giùm ta: kẻ đi tìm thực ra lại là cái được tìm. Khi hiểu được bí mật này thì cứ hoan hỉ tùy tâm mà ca hát hoặc im lặng. Một người bạn cũ của ta nói một câu rất hay về điều này. À, hẵng chờ một tí, để ta nhớ xem. Tuyệt đối không được sốt ruột, ta có vô lượng kiếp để nhớ, mi có vô lượng kiếp để chờ nghe. À há. À, bạn cũ của ta nói rằng: ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
- Toàn những ghi chép kiểu như thế. Hoàn toàn khó hiểu, phải không?
Tôi gật đầu, rồi đưa tập giấy lại cho Trần. Anh cẩn thận vuốt từng trang rồi đặt lên giá sách.
- Anh ta bỏ đi trong một đêm mưa gió, sau khi đã ghi đến trang cuối cùng. Anh ta đặt nó lên chỗ tôi đang nằm ngủ, rồi đi. Tôi tỉnh giấc giữa khuya thì anh đã đi rồi. Lúc đó, có rất nhiều tiếng mèo kêu ngoài miếu.
15.
Trần tiếp tục đi sau khi rời Chợ Rộn. Hoa văn vẫn chưa khép. Anh đi qua nhiều làng mạc, nhiều thị thành, nhiều truông đèo. Đi và đi, không chờ đợi gì, không tìm kiếm gì, đi chỉ để đến nơi mà anh biết sẽ dừng lại.
Cuối cùng Trần đến đây. Làng Xa Nhất. Trên một đỉnh núi cheo leo. Hoa văn tựu thành lần thứ chín khi anh dừng chân tại đỉnh núi này. Lúc đó anh đã bốn mươi bảy tuổi.
- Đến đây thì hoa văn tựu thành lần thứ chín. Tôi biết đây là nơi tôi sẽ dừng. Tôi đốn gỗ dựng nhà, trồng rau. Cuối mỗi con trăng tôi lại mang củi xuống núi để đổi lấy một số thức cần dùng.
- Vậy là anh sẽ ở đây mãi?
Trần nhắm nghiền mắt:
- Mãi mãi hay tức thời hoàn toàn không có ý nghĩa gì.
Tôi nhìn anh, định hỏi về bố anh, rằng anh đã linh cảm gì về ông cụ, nhưng Trần đã nhắm mắt, như chìm vào sự im lặng của một thế giới khác. Tôi ngồi chờ mãi nhưng Trần không hề tiếp tục câu chuyện. Cuối cùng, ngọn đèn cạn dầu tắt phực, trả lại cho chúng tôi một thứ bóng tối thuần khiết.
16.
Đêm đó tôi không ngủ được. Câu chuyện của Trần khiến tôi nghĩ ngợi, đặc biệt là tập ghi chép và đoạn văn mà tôi đã đọc. Tôi nằm giữa đêm đại ngàn, nghe tiếng gió lách qua các kẽ lá, tiếng sương đêm rơi trên mái, tiếng tụng kinh của Trần. Giữa những tiếng đêm đó, bỗng dưng tôi nghe tiếng cười dìu dặt, rồi một mùi hương thoáng qua. Tôi giật mình chồm dậy:
- Sương Mai?
Tôi lật đật đến bên cửa sổ, nhìn ra. Ngoài ấy đêm đặc sệt. Không có ai. Tôi đứng mãi, căng mắt nhìn vào đêm. Nhưng đúng là không có ai. Tôi buồn bã quay vào, ngồi chờ đêm hết.
Này Sương Mai, giờ xa biết bao nhiêu rồi?
17.
Cơm nước buổi sáng xong, tôi từ biệt Trần. Hôm nay trời đẹp.
Trần gói cho tôi một nắm cơm to nóng hổi.
- Cậu giữ lấy ăn dọc đường. Phải mất một ngày mới xuống đến chân núi.
Tôi nhận nắm cơm, cất vào túi xách.
- Đường còn xa. Nhưng khi nào dừng đi thì mới thấy đường thật gần.
Tôi nhìn Trần, khẽ gật đầu, rồi nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Gió mát rười rượi giữa sớm mai trong lành, đôi tiếng chim gù gieo vào lòng tôi một nỗi nhớ nhung vời vợi mà không rõ là nhớ về điều gì. Bỗng giọng nói của Trần làm tôi giật mình:
- Cậu có muốn mang hoa văn theo không?
H.N
(SH304/06-14)