Truyện ngắn
Thanh gươm và bức tượng bằng vàng
14:24 | 18/07/2014

TRẦN THÚC HÀ
         Tặng H.T.V

Ông đã về hưu. Ông có căn phòng làm việc rộng rãi đầy đủ tiện nghi tại nhà riêng, khi cần thì ông ngồi vào bàn.

Thanh gươm và bức tượng bằng vàng
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Căn phòng còn có bức tượng bán thân của ông đúc bằng vàng, lớn hơn người thật đặt trên một chiếc đôn lớn làm bằng gỗ lên nước màu nâu bóng, và cách một khoảng cao bên trái bức tượng, trên tường treo một thanh gươm vỏ đen thẫm, khắc chạm những con rồng uốn lượn bằng bạc lấp lánh. Thanh gươm là báu vật của gia tộc ông truyền lại từ trước cách đây mấy trăm năm. Thanh gươm được một người thợ tài giỏi lúc bấy giờ rèn đúc. Người thợ luyện cả chục lần trong lò lửa cháy rực cho đến lúc khối thép tinh khiết hơn cả vàng ròng mà độ rèn nên thanh gươm chém vào gỗ vào sắt gươm không cong lưỡi mới thôi. Trải qua năm tháng bao lần xông pha trận mạc khí phách chống kẻ thù đã thấm đẫm vào thanh gươm, làm cho thanh gươm kết tinh sự thiêng liêng bất tận của đất trời sông núi tạo ra một sức mạnh ghê gớm mỗi khi dùng đến. Ông được nghe kể cụ tổ xưa của ông rèn gươm, tìm đến Lam Sơn tụ nghĩa dưới cờ Lê Lợi. Ông nội ông là thân tín của Đề Thám. Đại sự Yên Thế bất thành ông về quê ẩn náu. Năm 1945, bố ông lấy thanh gươm lên từ trong một thùng dài bằng gỗ lim được chôn sau vườn dẫn đầu dân chúng khởi nghĩa lên huyện cướp chính quyền. Rồi bố ông trao cho ông, lúc ông mười bảy tuổi theo tiếng gọi ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm cứu nước. Thanh gươm đã cho ông lòng quả cảm, ý chí kiên cường gian khổ không lùi bước suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Ngày miền Bắc được giải phóng, ông chuyển qua làm công tác chính trị, thanh gươm đưa về quê. Bây giờ nó được treo trang trọng nhất trong phòng làm việc của ông.

Đặt cuốn sách xuống bàn, đầu óc ông choáng váng, chao đảo, nóng bừng khi ông đọc những gì thể hiện trong cuốn truyện. Ông không mấy khi đọc sách văn học. Trên giá sách của ông thường những sách lịch sử, chính trị kinh điển. Lần này nghe có tác phẩm xôn xao trong dư luận, người giúp việc đã tìm cho ông cuốn sách đó. Ông ngồi thừ ra một lúc cho tĩnh tâm, lần lại những gì đã diễn biến nhà văn mô tả thì nhân tố tích cực, những việc tốt đẹp được đề cập ít quá, tương lai không lấy gì rạng rỡ cho lắm, mà mọi hoạt động, ý thức, lối sống của một số người chỉ xoay quanh đồng tiền là mục đích trên hết, làm thoái hóa lương tâm đạo đức bất chấp đấy là ai không từ một thủ đoạn mánh khóe nào để đạt được giàu có; tài sản của quốc gia rơi vào một nhóm nhỏ, làm cho một số trở nên nghèo khổ; và cái vật chất có được của những kẻ giàu sang đều từ mồ hôi nước mắt của người khác. Lạ thay một con người được liệt vào hàng ngũ trí thức, người của công chúng lại có cách nhìn tệ hại sai lệch không thể chấp nhận được! Quan điểm thế nào của tác giả thì phải đi sâu xem xét nhiều góc độ của những người am hiểu tường tận văn chương. Nhưng đây là một cuốn sách xấu, gieo rắc vào người đọc những điều không tốt. Tại sao người ta không thấy Cách mạng giải phóng dân tộc đem lại ấm no cho mọi người và thực tế đã như vậy, làm gì có chuyện cướp ruộng cướp làng trao vào tay cho cho một nhúm người! Đất nước đi lên, phải to đẹp hơn mười ngày xưa, tiến đến một nền công nghiệp hiện đại ngang tầm thế giới thì không có cách nào khác phải phát triển các khu đô thị, các khu chế xuất, khu công nghệ cao tất phải có đất xây dựng chứ! Tay nhà văn này thiển cận thiếu hiểu biết: vì lợi ích của đại đa số mà một vài người chịu thiệt thì đấy là một quy luật phát triển của nhân loại, làm sao tránh được! Có thể nào gọi đó là tước đoạt? Rồi xã hội ta làm gì có Maphia, một vài vụ giết người xảy ra đây đó chẳng qua là sự thù hằn cá nhân mà trên trái đất này dù văn minh đến đâu, luật nghiêm đến mấy cũng không sao tránh khỏi. Nghiêng về một phía, chỉ thấy tối tăm nặng nề! Chợt một đám mây thoáng qua rồi quên đi mặt trời luôn chiếu rạng cỏ cây vạn vật sinh sôi nẩy nở. Điều sau này thì không thể chấp nhận được: Mọi của cải to lớn có được của một số người được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bị xem là đồng tiền bẩn, do sự móc nối giữa doanh nhân bất hảo với quyền lực đen. Rõ ràng nhìn vậy là lệch lạc, không công bằng mà còn là kẻ thọc gậy bánh xe tiến trình đi lên của xã hội! Gắn kết giữa nhà nước với doanh nhân là mối quan hệ kinh tế tất yếu bất kỳ một thể chế nào để phát triển làm giàu cho đất nước và họ cũng có phần trong đó. Tác giả này thực sự không thấy điều đó chăng? Hay gặp một vài sự rối ren tạm thời rồi xâu chuỗi nâng lên thành điển hình gây một sự ồn ào để người ta chú ý đến mình? Gì thì gì cũng cần uốn nắn, phải đi vào con đường chung, định hướng. Nghĩ thế, ông tự bằng lòng với mình. Nhưng chỉ chốc lát thôi! Vốn điềm tĩnh và thận trọng sự sáng suốt trong đầu óc ông lóe lên như ánh chớp thoáng qua nhắc nhở ông rằng không tỉnh táo dễ trở thành sai lệch, rồi có cái gì đó không được thuyết phục thỏa đáng cho lắm hiện dần, giằng co với sự bằng lòng trước đó làm đầu óc ông căng thẳng hơn, tựa như thường khi đang bàn định một công việc hệ trọng mà sự suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn tác động vào thân xác ông, làm cho người ông rã rượi.

Ông có một đặc điểm đáng quý, cứ sau một lần mệt mỏi vì vùi đầu vào công việc hay trước một thông tin gây sốc ông thường dùng một ấm trà có tẫm hương liệu quý - ông không mấy khi dùng rượu trừ lúc đối ngoại - để lấy lại trạng thái cân bằng. Ông nâng chén trà nhâm nhi từng ngụm một. Hương thơm nhè nhẹ tỏa vào khứu giác, vị đậm đà vừa chát vừa ngọt thấm vào gan ruột làm cho cho ông lâng lâng sảng khoái, thần kinh dịu lại, mọi căng thẳng tiêu tan. Ông ngả lưng trên chiếc ghế tựa, buông lỏng cơ thể để tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời. Nhờ những phương pháp đó để kìm nén, điều chỉnh ngoại cảnh tác động đến bản thân mà ông có một phong độ thần thái hoạt bát tráng kiện như một người đâu chừng mới sáu mươi.

Sau một lúc thư giãn, đầu óc ông trở nên minh mẫn, sáng suốt. Những gì cuốn tiểu thuyết đề cập trở lại trong đầu óc. Lần trước, nó làm cho tim ông đập nhanh hơn, giây thần kinh căng ra với một thái độ không vừa lòng, có lúc ông chăm chắm nhìn vào trang sách như trước mắt ông là kẻ không thật lòng, thiếu thiện cảm với cuộc sống, gián tiếp xúc phạm đến ông mà cả đời ông theo đuổi cho một sự nghiệp tốt đẹp. Bây giờ có cái gì đó không được thuyết phục cho lắm vừa chớm lóe lên như tia chớp, nó như gây nên một tiếng động mạnh giữa đêm khuya, ông giật mình nhưng không hoảng hốt. Ông lắng nghe, ông lật trái lật phải, từ nhiều góc độ giống như trước đây ông đưa ra một điều gì hệ trọng đều xem xét kỹ lưỡng tận từng chi tiết. Không bất di bất dịch với tiếp nhận ban đầu, ông tách mình ra làm hai, phản biện và bảo vệ, lấy tinh thần vì con người làm chính với cách nhìn rộng mở hơn. Đừng thấy thuốc đắng mà ngần ngại! Xưa nay tiếng nói chối tai vốn dị ứng của con người, người nghe chẳng thấy dễ chịu chút nào, thậm chí là bi kịch nhiều tháng năm sau nó mới được sáng tỏ, và nhờ nó mà một phần tiến hóa của cuộc sống được đẩy lên nhanh hơn. Cuốn tiểu thuyết gai góc đấy! Tác giả đã đi theo một con đường khác mới nghe qua như là kẻ không có thiện cảm, đào bới cái xấu nâng lên thành một hệ thống. Không phải! Chỉ ra cái xấu cũng là một cách tìm ra điều tốt đẹp, thức tỉnh tốt đẹp. Ông có biết về tác giả này. Một con người nghiêm túc, không vụ lợi. Tác giả thường dồn cả tâm huyết lên trang giấy. Lớp người đó dù năm mươi phần trăm phản ảnh sự thật, thậm chí chỉ cần có hai mươi phần trăm cũng được xem xét một cách đúng mức. Ông biết rằng không một người nào, không một nơi nào chỉ có cái tốt mà không có điều xấu. Không vì thế bỏ qua. Cần phải có thái độ. Cuốn sách vừa đọc lập luận chặt chẽ, dẫn chứng rõ ràng thì không thể nói không có doanh nhân bất hảo đi đêm với quyền lực chiếm đoạt vật chất của xã hội để trở thành đại phú mà không từ một hành vi vô đạo đức nào dựa trên các miếng mồi gái và tiền, khi cần thì họ sẵn sàng đưa ngón đòn độc ác. Quá lắm! Quá giới hạn làm người! Xưa nay ông sống trong chốn yên tĩnh, được tiếp nhận những lời tốt đẹp, vật chất đầy đủ, con cái có địa vị, người trên nể trọng, lớp dưới tận tụy, lễ phép, những lời nói chối tai, những diễn biến quá đà không tốt chẳng mấy khi đến tai ông. Giờ thì như ánh ban mai đã hửng, như người vừa tỉnh giấc, đầu óc sáng suốt. Tác giả không vu khống, không xuyên tạc. Tác giả nhìn thấy điều người ta bỏ qua, cảnh báo diễn biến thời tiết. Ở đâu thì ông không tường tận. Ông nhớ lại ngày tại chức, có một đại gia bằng cách đi vòng quanh với lời không quên ơn ông để được chữ ký của ông mà dễ dàng thâu tóm một dự án xây những lâu đài biệt thự, trung tâm thương mại, khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Bấy giờ ông chỉ nghĩ không người này thì người khác khi đất nước đi lên phải có những vùng kinh tế quy mô như thế. Ông không hay biết rằng đó là hai thế lực kình địch trong bóng tối, đã xảy ra những cái chết mờ ám trong lúc giành giật lẫn nhau nhưng bất phân thắng bại, chữ ký của ông làm cán cân nghiêng hẳn về một bên. Kẻ thắng cuộc thâu tóm cả trăm ngàn tỉ đồng lợi nhuận, trở thành đại gia trên cả đại gia, dân chúng mất đất mất làng tan tác lang thang phiêu bạt kiếm miếng cơm qua ngày tháng. Ông tự an ủi mình một thay đổi nào mà không có sự thiệt thòi! Rồi sau đó một thời gian ông nhận được một món quà là bức tượng chân dung bán thân bằng vàng. Ông cảm thấy vui. Ông tự hào vì đã được người đời tôn xưng ông qua bàn tay của một nhà điêu khắc tạc tượng tài ba cùng một khối lượng to lớn của vật chất. Ngày ấy con cháu, xóm làng đến chật nhà ông chiêm ngưỡng bái phục một bức tượng uy nghi nhân hậu. Người ta chuyện trò cả bao đời nay chưa ai được vinh hạnh như vậy. Bây giờ ông đã nghĩ khác. Ban đầu nó xuất hiện trong một trạng thái mơ hồ, rồi như bậc hiền triết giác ngộ dưới gốc bồ đề, nhận chân những điều bất thường mà ông được hưởng. Nỗi buồn của sự thánh thiện xâm chiếm lòng ông. Nó đến nhè nhẹ như một vệt xước nhỏ ngoài da, sau nó ngấm vào gan ruột. Làm gì, làm gì khi tay đã nhúng chàm dù không cố ý? Ông rời ghế đi lui đi tới trong phòng vẫn chưa tìm ra cho mình một giải pháp thì cái vô lương tâm, không công bằng bên ngoài lại ập đến đè nặng lồng ngực ông. Không ít những lâu đài, biệt thự, nhà thờ như cung điện được phô bày dưới danh nghĩa kết quả của những con người nhờ vào tài ba trí tuệ lao động không mệt mỏi làm nên, nhưng thực chất trong từng viên gạch, từng mái ngói có được đều từ những thủ đoạn hèn hạ chiếm đoạt mồ hôi nước mắt của người khác. Chao ôi, không phải bịa đặt. Gần đây ông có nghe một phiên tòa xét xử một bị can, tất cả những gia sản của hắn đều do bất chính mà có. Lúc bấy giờ ông coi đó là một con sâu. Nào ngờ, sâu bọ nảy nở ngày càng nhiều, không thể biện bạch được khi tập tiểu thuyết đề cập một cách hệ thống tuy rằng đó chỉ là sự hư cấu, không nhằm vào một ai, không đưa ra một vụ việc nào có địa chỉ nhưng hiện thực ngồn ngộn trong đó làm cho ông không thể gọi đó là bóp méo sự thực! Nó đang luồn vào phòng ông. Điều ấy làm cho ông thêm đau lòng bởi một đời chiến đấu, công tác ông chỉ vì một mục đích cuộc sống tốt đẹp hơn. Bất ngờ ông ngước nhìn lên bức tượng của mình. Cũng như những chén trà thơm giúp ông thư giãn lúc mệt mỏi căng thẳng, thì bức tượng bán thân bằng vàng - khách đến thường thán phục người nghệ sĩ tài ba đã đúc nên một chân dung không những thể hiện đúng cốt cách tâm hồn của ông mà là một tác phẩm nghệ thuật hiếm có, khách không xã giao - ngời sáng biểu hiện một khuôn mặt cương nghị, trung thực và đầy sức sống thanh cao trên bàn làm việc thường giúp cho ông có thêm nghị lực trước những áp lực nội tâm, những vấn đề thời cuộc. Đôi khi ông cũng ngắm bức tượng bán thân của mình lòng dấy lên một niềm kiêu hãnh hiện tại và bất diệt cho mai sau, cho con cháu thấy rằng cần lấy đó mà soi trong lẽ sống. Rồi ông tự hỏi bức tượng từ đâu ra? Mấy năm rồi nhỉ? Dạo ấy có một đại gia không quên ơn ông đã mang tặng ông. Nghe nói dư luận xôn xao về đại gia là Maphia, nhưng thế lực của đại gia giờ mạnh lắm, cả một số báo chí cũng nâng tầm hắn lên thành người xuất chúng. Thậm chí một số tại chức trò chuyện với ông rằng dư luận là sự ghen ăn tức ở nên ông chẳng bận tâm gì về chuyện đó. Bây giờ thì đã khác! Không phải pháp lý mà là văn chương. Văn chương đã động đến những kẻ như đại gia. Văn chương không đưa người ta đến vành móng ngựa. Nhưng văn chương khai mở phơi bày những vùng tối tăm, chỉ ra những con đường xấu; văn chương đi cùng thân phận, khát vọng sống của con người và nâng tâm hồn con người cao đẹp hơn. Nhờ những gì cảm thụ được từ những con chữ đã làm cho suy xét của ông rõ ràng hơn. Không dửng dưng người ta mang tặng cho ông một khối vàng lớn, lớn hơn cả gia tài ông hiện có. Thế thì người ta lấy đâu ra ngần ấy vàng để đúc nên bức tượng mang đến cho ông? Không ai dại gì móc tiền trong túi mình đưa cho người khác một cách vô cớ. Người ta nói mến mộ đức tài mà tri ân, thực chất là sự có đi có lại mờ ám. Không có chữ ký làm gì có tượng vàng! Chao ôi, nhận ra thì đã quá muộn, đã đeo vào cái vòng kim cô tiền của không minh bạch. Một lần, hai lần hay nhiều hơn ông không nhớ. Chúng thuyết phục ông bằng những lợi ích của đất nước. Đúng là lợi ích của đất nước. Nhưng đằng sau đó là lươn lẹo, cái bình phong để chúng dựa vào quyền lực mà trục lợi. Khi đã nắm được các chữ ký quyết định thì ngân sách nhà nước phải oằn lưng chi những khoản khổng lồ, dân mất đất mất ruộng một cách không hợp lý cho chúng thu lợi ngàn tỷ đồng. Dân oan ức kiện tụng khiếu nại thì việc đó của tòa án, công an, chúng bình chân như vại bởi chúng đã nắm đầu cán. Bây giờ vùng tối đã được văn chương phơi bày. Vô tình hay đồng lõa ông đã tiếp tay giúp chúng. Bức tượng tặng ông không phải nhận được sự tôn kính biết ơn mà phần ăn chia. Không ai đào bới chuyện đó ở con đường chính thống, nhưng ngoài đời không trước thì sau người cũng nhận ra sự xuống cấp, không đáng ngưỡng mộ. Có gì cay đắng dâng lên trong lòng ông, làm tan nát sự bình yên trước nay vốn có trong ông, ông gần như tắc nghẹn hơi thở, tai ù, mắt hoa. Ông thấy bức tượng biến dạng không còn là ông nữa, nó vừa vô hồn vừa kinh dị, nó được tạo nên bởi của phi nghĩa, của thằng móc túi, của kẻ cướp giật công quỹ quốc gia. Công quỹ quốc gia là mồ hôi nước mắt có khi cả máu của nhân dân góp lại. Chao ôi! Trong cuộc đời hy sinh chiến đấu cho một xã hội tốt đẹp, trong một căn phòng thanh tao sáng sủa này lại hiện hữu một bức tượng mặt ông đó, hình hài hồn cốt ông đó mà cái chất vàng óng ánh kia lại được đúc nên từ những của cải xấu xa, trái với bản chất ông thì có nên để cho nó tồn tại, gợi lên những điều chẳng hay ho gì. Vậy làm sao ông sống chung đụng với nó? Nó sẽ hành hạ ông hàng ngày, không gì khổ bằng! Còn nó là còn ươm mầm sinh ra bệnh tật không chỉ riêng cho mình, nó còn truyền nhiễm cho con cháu. Điều đó mới thật là một nguy cơ đáng lo, hủy hoại lây lan. Không thể như thế được! Bức tượng sẽ không là hình hài của ông nữa. Nó phải được trả về nơi được tạo ra nó! Đã nhận ra rồi. Đã đến lúc rồi không nên chần chừ để nó tồn tại nữa. Nghĩ được như thế, ông có sức mạnh nhân đôi, lòng quyết tâm như khi vào một trận đánh. Ông rút thanh gươm treo trên bức tường. Thanh gươm lóe lên ánh thép lấp lánh xanh biếc gợi hào khí một thời cho ông quả cảm. Không một phút chần chừ, ông chém vào bức tượng, bức tượng dập móp và rơi xuống bàn làm việc làm tấm kính lót bàn vỡ tan tành, vang lên một tiếng động lớn…

Gươm tra vào vỏ, ông ngồi xuống ghế với tâm trạng sau trận đánh oanh liệt quyết định.

T.T.H
(SH305/07-14)







 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Xóm rau muống (05/06/2014)
Trôi (29/04/2014)
Hồi Cung (24/04/2014)
Đêm rừng lạnh (21/04/2014)
Trăng đỏ (18/04/2014)
Một ngày xứ em (03/04/2014)