Truyện ngắn
Nhạn quá trường không
15:08 | 24/03/2009
NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

Ông không hề dè sẻn lời khen, không phải lời khen theo kiểu hạ cố mà biểu lộ tưng bừng mức độ trọng thị trước chốn đông người với hàng lô lốc những kẻ quen lâu hay chỉ nghe tên và gặp mặt buổi đầu tiên. Cái tính ông nó vậy, nụ cười hiền hậu thường trực trên môi không có chỗ cho những phê phán gắt gao hay ban phát các bài học ở tư thế cây đa cây đề.  Dù rằng ở phong vận ông, lịch duyệt và tuổi tác, ông có tính ấy thì cũng nhiều người chấp nhận được. Thông điệp toát ra từ cách sống cách nghĩ của ông, anh em đúc kết lại là không xem vấn đề gì là nghiêm trọng cũng không xem vấn đề gì là tầm thường. Nếu có chăng, nghiêm trọng nhất là không có người để nói chuyện và tầm thường nhất là có người để nói nhưng lại nói những câu chuyện nhạt phèo. “Người bạn trẻ phù cương thường” - biệt danh của một thần tượng cần lao chi bảo, nghe đâu là cháu họ xa, được ông quý mến  từ tính tốt đến nết xấu - buông lời bông lơn:

- Hạ thần có ít bắp rang, thỉnh hoàng thượng nhắm Bàu Đá nóng.

Ông ngẩng mặt cười hề hề:

- Khanh có rượu cá ngựa còn bơi lững lờ trong chai trẫm mới chiếu cố giá lâm.

Nói vậy rồi ngay tắp lự, ông cắp tập bản thảo tiểu thuyết còn chưa ráo mực lên đường mà ai không hiểu sẽ cho ông lạm dụng vừa được mời rượu vừa được xuất bản miệng tra tấn người nghe, dù là các tửu đồ thi sĩ tri kỷ tri âm. Ông uống ít, và nói cũng ít, chỉ vừa đủ  những lời gan ruột, nhưng thường chơi lâu, từ chập tối sao hôm đến tảng sáng sao mai. Đứa cháu họ mà ông hay gọi người bạn trẻ chiều ông đến tận giọt cuối cùng, với chiếc xe thổ mộ cọc cạch mà sau mỗi bận ngẫu hứng, anh ta và con ngựa già phong sương hầu ông qua các chặng đường vô thường của trăng sao và mùi dã ly lan thần diệu trong đêm. “Phù cương thường”, đấy là mấy chữ hiếm hoi ông  đánh giá chuyến đi, lâu dần gắn liền với biệt danh của người bạn trẻ. Khi những giọt nước mắt màu hồng ngọc hiếm hoi ứa ra trên đôi mắt đờ đẫn, đó là lúc ông im lặng tuyệt đối và cũng xin đừng ai nói thêm một lời nào nữa. Con ngựa già dường như cũng hiểu mọi âm thanh đều vô nghĩa nên tiếng vó của nó cũng rụt rè dè dặt hơn. Đến chân cầu Hoàng Thành, ông ra hiệu dừng lại. Từng tờ bản thảo của quyển tiểu thuyết mà một doanh nhân lễ phép đề nghị được vinh dự hỗ trợ in trọn gói để tặng bốn phương, bị xé vụn, rơi lả tả xuống dòng sông như hoa khế hoa mận quay cuồng trong trận bão rớt. Người bạn trẻ rất hiểu ông, năm năm trước ông đã giành phòng tranh ngót mấy chục bức cho lửa. Nước, lửa, sấm, gió, núi, đầm là năm người bạn khôi nguyên minh định cho tâm thế mình, ông đã từng bộc bạch như thế.

Khác với mọi hôm, hôm nay ông không về nhà. Cái bóng người gầy gò liêu xiêu bước chậm rãi xuống bến đi dọc dòng sông vậm vạp, nhiều bụi cây nhô ra xùm xoà soi trên dòng nước trong như lọc. Tuổi học trò của ông còn ẩn nấp đâu đó trong những bờ trạng nguyên đỏ rực, những tổ chim dồng dộc vắt vẻo trên đọt lá dừa và những tiếng dế kêu tinh tươm trong bãi phù sa đậu xanh và cà chình óng ả. Buổi chiều một ngày rằm, ông được mẹ đưa qua đò Phù Trầm, đến chào ông đồ nho, một thầy giáo làng goá vợ, cha con chiu chít, trông thấy ai cũng mủi lòng. Cô con gái  độc nhất trong gia đình bưng khay nước trà tiếp khách, thoáng đã ra nhà sau. Bộ áo quần nhiều mảnh vá không che nổi thần thái tiên nga với nét nghiêm trang đôn hậu, đặc biệt là ánh mắt đài các, hút hồn không chịu nổi. Chính ánh mắt ấy, trong một tình cờ chết người, ngẩng lên chạm vào mắt ông, cồn cào và buốt xói ngay từ phút giây găp gỡ đầu tiên. Ông bị thất thần, đột ngột ngước lên trời lẩm nhẩm “mắt
hoàng hậu”, làm cho cả mẹ và thầy giáo một phen bối rối, không hiểu dọc đường ông có nghịch ngợm gì động chạm đến trên trước mà bị ma xui quỷ ám làm vậy. Năm ấy nàng  mười lăm, ông mới mười ba.

Mười ba tuổi với bông hoa nhỏ vừa trong lòng tay, một đêm sương, ông đứng chết trân nơi giếng vuông cạnh bờ thành rêu phong nhà thầy học. Tiếng ai thốt lên trong trẻo và ngân vang, như tiếng của mảnh trăng thượng huyền va vào lòng giếng:

- Ơi đừng hái dã ly lan!

Trời ơi, cái tên dã ly lan có lẽ đắm đuối đâu đó chốn dân gian mà không thể tồn tại ở những văn bia hay thư tịch cổ, bởi cả triều đình cấm đoán suốt nhiều thế kỷ. Truyền rằng, một lần nọ, ngoài thành trời hạn hán lâu ngày, lâm vào cảnh mất mùa đói kém, vua và hoàng hậu thân ra lập đàn cầu mưa và cúng chẩn bần cho thiên hạ. Tất cả các kho thóc tích trữ của hoàng gia được mở cửa, kẻ xay giã người đun nấu suốt một tuần trăng nhằm hồi phục sức lực cho tất thảy nam phụ lão ấu da bọc xương, đến nỗi con rô con diếc dưới đầm hay một mụn chuối con trên rừng xa cũng sạch sành sanh không còn để cầm hơi. Vì số lượng gạo có hạn, mỗi gia đình được làng kê biên vào sổ bộ, nộp cho quan trưởng bếp để bảo đảm mỗi người chỉ được nhận một suất cháo trong ngày. Tất cả thần dân đều hoan hỉ với ân đức của vương triều. Nhưng trăm họ luôn luôn cứ để sót một người qua ngày bằng nước lã, ơn vua lộc nước không hề thấm tới. Người ấy không ai khác hơn người đàn ông đa cảm nhất trăm họ, tình nhân muối mặn gừng cay thuở hàn vi của hoàng hậu!

Từ ngày ánh mắt thấm đẫm mây nước của người con gái thôn Phù Trầm gieo vào lòng vị vua trẻ vi hành đi câu cá những nỗi niềm xốn xang đến mất ăn mất ngủ, chàng lực điền có tâm hồn mềm yếu kia đã như điên như dại khi hiểu cơ sự không còn cách nào cứu vãn nổi.

Không hiểu sao, sự ưu ái của hoàng hậu với người tình cũ, luôn không được toại nguyện. Bao nhiêu lần, quan trưởng bếp theo mật lệnh, cho xe ngựa  chở lương thực lên nhà “vị thần dân kỳ lạ” trên đồi cao, là bấy nhiêu lần hoặc gẫy càng, tuột bánh, hoặc con bạch mã đứt ruột lăn đùng ra chết. Sốt ruột, hoàng hậu can đảm thân hành đi thăm người tình, bỏ mặc những đàm tiếu xung quanh và giông bão có thể ập tới trong hoàng gia sau chuyến đi này.

Trước cổng gạch đá ong giậu bìm phủ kín, hoàng hậu không thể bước nổi qua. Bỗng từ trong căn nhà, một giọng nói sang sảng cất lên:

- Xin nàng hãy để cho ta tự do về trời. Ta và nàng đã là vợ chồng từ kiếp trước, kiếp này tạm thời dang dở. Hồng phúc của tiền định chỉ cho phép ta có nhau ở kiếp sau. Mà kiếp sau không lâu la gì, đã gần kề rồi. Ta sắp rời trần gian, chuẩn bị nghi lễ đón nàng bên kia thế giới!

Một làn gió thiên cổ đã rợn ngợp khắp thân thể và tâm hồn hoàng hậu. Hoàng hậu bị đóng đinh bởi những lời không biết là của kẻ điên rồ hay bậc thánh nhân. Nhưng nếu nhìn được vào cõi lòng, người ta sẽ thấy trong đó ruột gan nàng đã bị đâm chích bởi trăm ngàn mảnh thuỷ tinh, tái tê, quằn quại, không còn chống đỡ được dù là một hơi thở võ vàng tiều tuỵ trước khí hậu bạo tàn này. Những câu nói từ gan ruột thiên cơ đã tức khắc đẩy nàng tìm xuống chân đồi, gieo mình trong làn nước sông xanh, đột nhiên và quyết liệt, bỏ mặc chàng trai bí ẩn với lẽ huyền vi của trời đất mà chàng nắm trong lòng tay kiêu hãnh. Thi thể nàng được đưa từ bến Phù Trầm về nội cung, dọc đường nảy ra loài hoa đưa tiễn mong manh trong trắng, có thể bảo dữ dội có thể bảo điềm tĩnh, có thể bảo dân dã có thể bảo khuê các, có thể bảo vĩnh cửu có thể bảo phù du. Hoa dã ly lan ra đời trong đau đớn giăng mắc khắp non cao sông rộng như vậy. Không ai được động đến nó nếu còn muốn tìm lấy trên cõi đời này một tia chớp khải hoàn của tình yêu không ngang trái, đó là lời nguyền xuyên tuế nguyệt của nhà vua truyền ra khắp thôn cùng xóm vắng.

Sau đêm sương định mệnh, thốt nhiên từ trong tâm khảm, luôn thôi thúc khôn nguôi một đòi hỏi sáng tạo cấp thiết và bền bỉ là ông sẽ vẽ được chân dung lời nói của con gái rượu người thầy học. Ông tự nhủ, dù mình chưa hề là người cầm cọ nhưng chính nàng sẽ bảo hành cho tài hoa nghệ sĩ tiềm ẩn trong chân tơ kẽ tóc của ông. Vẽ cho được để lưu lại muôn đời bản giao hưởng thanh cao và vô tận bên thềm giếng lóng lánh sương lạnh và mùi dã ly lan nửa ma quái nửa thiên thần. Một chút gì xao động, tràn đầy lắm, mong manh lắm, trường hằng lắm, tao loạn lắm, thống lĩnh lắm, nô tì lắm, nhưng nó là của vô biên. Đêm ấy, sau nhiều ngày tháng xé giấy bẻ bút, ông thức nhận rằng chỉ có máu mới làm hiển thị được chân ảnh của thế giới sinh diệt này. Và ông đã cắn ngón tay quằn quại dồn hết thần lực của mình phất những nét tươi ròng trên mảnh lụa trắng như đêm liêu trai. Là người có tư chất từ trong trứng nước, ông hiểu rõ với bức vẽ quỷ thần như vậy, nếu có cơ duyên hoàn thành đúng tâm nguyện, may lắm chỉ đến được không quá một lần trong đời người. Nhưng oái oăm thay, cũng chính đêm đó, ông không thể không thừa nhận sự bất lực của mình trong việc khai thiên lập địa cho lực lượng siêu nhiên từ trái tim bước ra đón ánh sáng mặt trời. Khi tự thú về bức tranh dang dở, ông linh cảm từ trong sâu xa, cuộc kiến tạo của trời và người giành cho ông và nàng, như hai ngôi voi đá vương hậu trước cung điện Đồ Bàn sum vầy và cô đơn, rỏ nước mắt dãi dầu trông nhau mà không bao giờ là của nhau giữa dòng đời sỏi chạy cát bay vô hạn định. Nàng đón nhận những sẻ chia khát vọng của ông, như một tín đồ trước giáo sĩ thành khẩn lột hết tinh thần mình trong cơn đồng bóng. Không nhiều lời, nàng chỉ đáp từ bằng những giọt nước mắt nồng cháy, thay cho lời thề non hẹn biển.

Những dòng ký ức trôi dạt và xô đẩy, đột ngột hiện về như một hội lễ vừa rực rỡ vừa thành kính. Ông cảm thấy rất rõ, những tháng ngày trong cuộc đời trai trẻ được quay lại như một cuộn phim tôn nghiêm và ấn tượng. Chỉ mình ông trôi dạt xuống cửa sông đời người, chuẩn bị mất hút vào biển khơi như vị sứ giả cuối cùng chứng kiến mọi bất trắc khôn lường của thế gian biến cải. Còn nàng ở lại phía bên kia cuộc chiến tranh, trên đầu mút của tuổi thiếu nữ dạt dào, với niềm tin vào tình yêu ngây thơ và trong trẻo, không gì có thể lay chuyển nổi. Trên bờ sông cũ, ông lặng lẽ lặp lại nghi thức hái đoá hoa số phận, quỳ xuống, ngẩng mặt lên trời rồi từ từ thả rơi trên sông.

- Ơi đừng hái dã ly lan!

Tiếng xưa cách ngăn bởi các cuộc chiến tranh, qua hai thế kỷ rồi vẫn còn đồng vọng, thanh thản trong suốt giữa không trung.

“Người bạn trẻ phù cương thường” bỏ cả phiên chợ mười ba tháng mười để huy động vợ con và bạn bè táo tác tìm
ông. Ông thản nhiên như không hề biết có những người xung quanh nắm tay, bá vai mừng rỡ. Ánh mắt cũng như giọng nói của ông đã lạc thần về cõi nào xa lắm:

- Tôi có thể tha tội nhưng nàng không bao giờ để yên cho ông! Tôi sẽ coi ông như chưa từng có trên đời nên đừng bao giờ xuất hiện trước mắt tôi!

Mọi người không mấy ai hiểu được những câu gay gắt vốn hiếm xuất hiện trên đôi môi hồn hậu, nhiều lúc tưởng chừng như dễ dãi. Chính những u uẩn bị ông cài then đóng cửa quá lâu ngày, đã trở thành con hổ bị bẻ hết nanh vuốt rồi trói nghiến bằng đai thép, chỉ còn không hơn không
kém gương mặt mèo con. Nụ cười mèo con thỉnh thoảng trỗi dậy giữa gương mặt hay cười đã khiến một người bạn học cũ lập nghiệp ở miền Tây, giờ phất lên bằng buôn bán bất động sản, tuyên bố:

- Một đời mày bắt bùn non phải đội mão mang hia, sơn son thếp tía cho rong rêu giun dế, nhưng chưa một lần sờ được chiếc mũ cánh chuồn chứ đừng nói đến ngửi mùi cung vàng điện ngọc. Đời không đền bù cho mày thì tao sẽ đền bù!

- Bạn đưa ông vào bar với thẻ VIP đãi ông chầu rượu “một tấn lúa một chai”, mỗi chai chỉ cần uống một ly cho biết mùi đời. Bạn nổi bật như một nhân vật trung tâm tối quan trọng khi các P.R - nhân viên giao tế - dập dìu săn đón, lắc vai cọ mông. Bạn nhẹ nhàng sai phái P.R, thực chất là các kiều nữ đẩy đưa lả lơi với khách. Bạn hất cằm về phía ông để giao nhiệm vụ cho các em:

- Anh là vua của các em nhưng bạn anh đây là thượng đế của đời anh đấy! Mỗi em khui một chai, bắt đầu là Tequila, Jim Beam, Absolute, sau đó là Hennessy, Napoleon..., thứ nào ảnh thích thì các em khui đến chai thứ mười cũng được.

Mới thoạt nhìn, lòng ông đã chán ngán. Nhưng vì nể bạn, ông cắn răng ngồi non một tiếng rồi kêu mệt, xin được chỗ ngả lưng. Bạn bấm di động nói lóng với ai đó một hồi lâu rồi kêu taxi mời ông vào nghỉ trong khách sạn ba sao. Trong phòng chờ sẵn một bóng hồng kiều diễm, trên người chỉ quấn một tấm voan mỏng, đem khăn nóng lại xoa mặt cho ông. Ông nhận diện ngay, đây là người mẫu mà có lần xem báo thời trang, ông đã  quen mặt vì có cảm tình với dáng vẻ không điệu đàng, hơi hơi hoang lạnh, được lăng xê là “thỏi sô-cô-la của miền nhiệt đới”. Dù chưa từng là vip hay đóng vai vip trong các cuộc chơi bời nhưng ông cũng thừa đủ thông minh để ước định tình thế. Một đời vào sinh ra tử, bạn bè thừa nhận dù ở tình thế nào, có ngàn cân treo sợi tóc đi nữa, ông vẫn luôn luôn giữ được thế an nhiên chủ động. Ánh mắt lịch lãm mà “người bạn trẻ phù cương thường” tôn xưng là trượng phu ngẩng lên làm cho người mẫu bối rối, bắt đầu rơi rụng những cử chỉ lưu loát và lời nói có bài bản của gái giang hồ cao cấp. Ông bước ra bàn pha một ấm trà gừng, mời cô gái ngồi lại tử tế. Thấy dáng vẻ loay hoay không mở miệng được và len lét nhìn ông như muốn xưng tội, một niềm thương cảm trào dâng. Ông nghĩ đến nàng và đứa con gái bé bỏng nếu còn trên đời thì nay cũng đã đáng tuổi người làm bà kẻ làm mẹ của người  mẫu  bão tố này. Cô gái lắp bắp:

- Thưa... thưa... anh...

- Rất vô ích nếu bắt ông làm trái với lòng mình. Ông mời con uống nước.

Rồi ông lục chiếc giỏ cói mang theo, lấy ra một chiếc sáo trúc. Ông gỡ hai đầu sáo trúc, hai khoen vàng rơi ra:

- Ông tưởng bạn ông nghèo khó, đem tặng cho nó. Nhưng giờ thì là phần con. Thôi, con về được rồi đấy!

Cô người mẫu trở nên chân thành:

- Thưa ông, ở đây bọn con chơi có luật. Đã có bạn ông chi trước hai trăm đô và bảo chiều ông hết lòng như nô tì chiều vua, vua khen thì bạn ông thưởng tiếp. Không được lấy của ông, dù chỉ một cắc!

- Đừng từ chối! Đây là ông cho cháu, không vua chúa gì ráo!

Mãnh lực ấy đã khiến mọi luật lệ hoang đàng rơi rụng cả. Người mẫu không hề biết đó là gia sản chắt bóp mồ hôi nước mắt của ông. Mắt ông chợt đỏ hoe và nghĩ đến chuyện khác, quên mất cô người mẫu nhìn ông như nhìn người từ hành tinh khác mới rơi xuống trái đất, lí nhí cảm ơn rồi mất hút ngoài khung cửa.

Bây giờ thì nụ cười mèo con đã tắt, thay bằng nụ cười khác, trong cuộc hành hương bí ẩn về bến sông xưa. Đôi mắt lạc thần của ông đang độc thoại với người vô hình mà một đời làm điểm tựa cho tài năng và lối sống của ông. Nàng ơi, ta có lỗi vô chừng khi lỡ đặt vào kẻ gian manh một lòng tin mù quáng. Hắn từ phương trời xa lạc tới đơn vị ta trong vai cán bộ tuyên truyền và tự nhiên bảo tôi với anh là chỗ đồng môn, hồi nhỏ tôi cũng từng là học trò cụ đồ, nhạc phụ của anh. Hắn nài nỉ ta viết thư về để có dịp thăm thầy giáo cũ, bến Phù Trầm xưa! Trong cuộc sống gian khổ ở chiến trường Tây Nguyên, súng đạn và kẻ thù dồn ta vào thế không ngơi nghỉ, ta chưa có thì giờ và cả người tâm giao để bàn về sự nghiệp nghệ thuật. Kịch trường, galery, toà soạn báo, nhà xuất bản, nhà học hội... là những thánh đường  của đời ta trong tâm tưởng tuổi học trò, đam mê say đắm! Hình bóng nàng đã nhập thần vào đó đến mức ta run rẩy trước bức tranh dang dở, thề độc rằng không vẽ được tiếng nói dưới trăng sương và mùi dã ly lan vời vợi ngàn trùng, thì coi như một là trời đã chọn nhầm ta, hai là ta hiểu sai ý trời, khi xem mình là vì thiên sứ, có trách nhiệm phụng mệnh cõi sáng tạo vô biên! Hắn đã một phần nhỏ lấp giùm trong ta chỗ trống ấy khi lõm bõm nói mỗi thứ một chút từ Kinh Thi cho đến Kinh Thánh rồi xoay qua lĩnh vực chính trị Tàu: Tấn sang  Tần, Hán sang Đường, Tam Quốc sang Xuân Thu, lộn xì ngầu cái nọ xọ cái kia v.v... Tuổi trẻ vô tư của ta chưa đủ kinh nghiệm để ứng xử với dạng người như vậy. Từ việc xác lập lòng tin ban đầu, hắn quay sang khai thác tâm tư ta theo chiêu thuật của một nhà phù thuỷ. Hắn còn leo lẻo rằng thầy đã nói, người trí như tôi thì thích biển, người nhân như ông thì thích núi. Như vậy chúng ta phải kết nghĩa anh em để góp cho đời một bức tranh sơn thuỷ hữu tình! Ta đã cầm lòng không đậu trước kẻ lừa đảo hào nhoáng ấy. Bây giờ đi gần hết đời người, ta nghiệm ra thời buổi nào cũng có mô- tip như hắn, kém thì lừa gạt người, giỏi thì lừa gạt cả quỷ thần!

Mùa mưa năm ấy đến với ông như một niềm giải thoát.

Những ngôn từ của thế hệ ông khi bước vào đời, bây giờ nhắc lại, nó có vẻ to tát quá, chưa vẽ chi tiết được hạt nắng, chùm mưa, con đường lầy lội bom đạn và chết chóc mà ông từng coi hết sức bình thường. Nhưng nó có rất thật với tâm hồn ông, đồng đội ông, thời đại ông, khi khoác súng trên vai, thề đắp luỹ xây thành, kiến thiết nền đại chính cho quốc gia, dân tộc. Hình ảnh vị hôn thê trong trắng đến mong manh, ban đầu xuất hiện trong những trang nhật ký xen lẫn những bài thơ và các bức ký hoạ của người thư sinh xếp bút nghiên lên dường tranh đấu, giờ đã nằm gọn trong ba lô kẻ tội đồ mang danh người anh kết nghĩa! Dù chưa bằng lòng với tác phẩm nhưng có người săm soi bình phẩm với những ngôn từ có cánh, chút ơn tri ngộ ấy, theo ông, không dễ gì báo đáp.

Ông anh đã lên xuống qua lại như con thoi, từ nơi chiến trường đến vùng hậu phương, từ cơ quan tuyên truyền đến đơn vị  của người em kết nghĩa! Tin tức  gia đình được ông ta cung cấp cho ông đầy đủ, kể cả ảnh vợ và đứa con gái bé bỏng có đôi mắt hoàng hậu được thừa hưởng từ mẹ và làn môi chứa đầy vẻ kiên tâm đến u uất được phó thác từ cha. Trong phong bì, không thiếu một đoá dã ly lan khô. Rồi vì điều kiện công tác, ông lại được lệnh hoả tốc chuyển ra Bắc, đi bộ ngày đêm xuyên rừng. Ấy là mùa mưa năm 1953.

Sau này, khi những cán bộ miền tập kết đầu tiên cập bến cảng Hải Phòng, ông mới nhận được hung tin rằng vợ con ông đã bỏ nhà ra đi biệt xứ. Không rõ nguyên do và hai bên nội ngoại cất công đi tìm nhưng trong hoàn cảnh tao loạn, rất khó khăn di chuyển. Tính đến năm  nay là đã hai năm ròng, biệt vô âm tín. Chỉ có một điều làm ông tối tăm mặt mũi là người ta đồn có một điều gì đó khiến nàng rất căm hận chồng! Đó là nghe người anh kết nghĩa của ông nói lại vậy. Mọi người thì tin, nhưng ông thì không tin. Bằng một linh cảm đặc biệt, ông thấy nàng bồng con
vượt qua các chốt kiểm soát gắt gao của địch, vào tận các vùng rừng núi hiểm trở cao nguyên, đi tìm ông. Ông vừa chuyển quân sang chỗ khác, nàng đã đến chỗ này. Nàng cời tro trên bếp lửa giữa rừng, nướng khoai và dỗ con:” Nín đi, ăn củ khoai này mẹ nướng trên bếp lửa còn hơi ấm của cha để lại, mai sau hiên ngang giúp nước như cha!”. Cho đến bây giờ, ông thấy rõ mồn một là nàng và con táo bạo ngồi trên con thuyền nan vượt sông Bến Hải, chỉ nay mai thôi là vợ chồng cha con gặp mặt! Thấy con khóc, nàng hát ru: “Chiều chiều mây kéo về Kinh – Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta – Đôi ta như lửa mới nhen – Như trăng mới mọc như đèn mới khêu”.

Ngày nối tiếp ngày, đêm nối tiếp đêm. Tiếng ru và hình ảnh vợ con luôn đến chẳng những trong giấc mơ mà cả sáng sớm, giữa trưa, lúc chập tối. Ông đang làm việc, chợt nghe tiếng vợ: “Đừng quấy rầy cha!”. Ông đang pha trà, chợt nghe tiếng  nỉ non: “Mẹ lên uống nước với cha!”. Ông đi ngủ, có tiếng thỏ thẻ: “Cha để con bỏ mùng!”...

Đột ngột, trên bến sông xưa, giữa cảnh mọi người quây tròn xung quanh, đôi mắt trượng phu và nụ cười mèo con quay trở lại, hướng vào “người bạn trẻ phù cương thường”, bất ngờ phán quyết:

-Hãy tát vào mặt ta, bao nhiêu năm rồi ta đã lừa dối con, không hề cho con biết mọi sự thật trên đời! Ta đã sống một cách an nhàn khi tung ra nườm nượp những lời khen ngợi tất cả các bề ngoài hào nhoáng mà tạo hoá đã tác thành cho con người, đó chính là tội ác lớn nhất của đời ta! Giờ đây, ta sắp giã biệt cõi đời này, con hãy tát vào mặt ta thật mạnh rồi mau mau
đánh ngựa đưa ta về!

Mọi người ồn ào một lúc rồi xô đẩy chạy theo chuyến xe thổ mộ đang lóc xóc chìm vào trong sương trắng mờ mịt cuối ngày. Người đi đường hiếu kỳ sẽ tặc lưỡi bảo hình như là đám rước. Đám rước bất đắc dĩ, có lẽ vậy, dừng lại trước ngôi nhà tranh độc nhất vô nhị trong thị trấn chỉ toàn nhà mái bằng, thảng hoặc là một ít nhà ngói. Ông từ tốn bước vào ngôi nhà cô đơn như một bậc chân sư đi sửa soạn cho lễ cúng chay. “Người bạn trẻ phù cương thường” bình tĩnh đến nao lòng và cầu mong chính miệng ông sẽ thốt lên những lời chân thực nhất mà anh biết lờ mờ nhưng chưa hề dám, dù chỉ là mượn chén rượu để xa xôi bóng gió đề cập tới trước mặt ông. Mọi người cũng cảm thấy không khí đang trầm trọng nên tản ra quanh vườn, bên giếng.

Ông nhủ người bạn trẻ cùng ông tắm rửa. Rồi ông thay một bộ áo dài đen, đội khăn đóng, rút ra sáu nén hương châm lửa, chia hai người. Sau khi lầm rầm khấn nguyện, ông mời anh bạn trẻ ngồi đối diện:

- Năm thống nhất, ta về với ý nghĩ vợ ta mừng rỡ ra đón, con ta lớn khôn và nên gia thất, có đứa con bé nhỏ vẫy tay chào ông ngoại. Nhưng ta đã đau đớn biết bao khi người đón ta chính là “ông anh kết nghĩa” với bản tự thú dài dằng dặc. Ta không thể nhắc lại từng lời từng chữ như những cây  cọc nhọn chọc vào xương cốt thịt da ta, làm ta ngã xuống ốm một trận thập tử nhất sinh. “Ông anh kết nghĩa” quỳ gối van xin thê thiết ta tha tội trước khi lên đường đi Kim Sơn cải tạo. Chuyện chỉ có vầy, ông ta đã dùng bức thư đầu tiên đến lấy lòng tin của vợ ta và nhạc phụ, Qua bước sơ giao, ông ta dần dần cho vợ ta biết tâm trạng và hành động khó hiểu của ta. Ta đã tâm sự với ông ta đủ mọi cung bậc ngôn từ, nên việc ông ta ngắt đoạn rồi tô vẽ câu chuyện cho hợp lý để gia đình vợ ta tin thì không khó lắm. Bao nhiêu thư từ ta viết về, ông ta không đưa nữa. Rồi một bữa, ông ta làm ra vẻ kinh hãi báo với vợ ta là ta đã phản bội, làm nội ứng báo tin cho Pháp đem máy bay oanh kích. Cả đơn vị đã bị xoá sổ, cán bộ chiến sĩ ở chiến trường rất căm giận, nguyền rủa, tội ác không biết rửa mấy đời mới hết. Tây Nguyên đã lộ, giờ bị truy nã, bọn địch đưa ra miền Bắc để chuyển vùng cài cắm, phá hoại mặt trận Tây Bắc. Trên phát hiện được, bọn chúng nhanh chân báo ta rút đi, trả ơn cho ta bằng một cô vợ đầm rồi đưa sang Paris đào tạo tiếp về tình báo!

Nói đến đây, ông đã thở dốc, thều thào:

- Con chính là cháu ngoại của “ông anh kết nghĩa” và vợ ta!

Khi hắn cho nàng được vào trong cái mê cung lừa dối, hắn ra sức dùng mọi thủ đoạn mánh khoé để tán tỉnh nàng. Nhưng hình như đã có sợi dây vô hình nào đó nối kết với ông, nàng luôn luôn tìm cách từ chối. Và nàng đã bồng con đi biệt tăm để khỏi bị xấu hổ với xóm làng vì hắn luôn mồm rêu rao là ông đã phản bội. Cho đến năm đình chiến thì nàng mới vỡ lẽ. Từ một cán bộ tuyên truyền cứu quốc trong kháng chiến, giờ hắn hiện nguyên hình tên Việt gian,  kẻ lá mặt lá trái, ra sức hô hào tố cộng, diệt cộng. Bước thăng tiến trong đời hoan lộ đã đưa hắn từ chân an ninh xã đi học hành chính quốc gia lên đến quận phó rồi cuối cùng phụ trách ty thông tin chiêu hồi của một tỉnh miền núi. Từ khi còn an ninh xã, hắn đã cho bắt người đánh bằng gậy tre, hộc máu mồm mà chết. Hắn tìm lên tận nơi nàng sinh sống, trưng tập nhật ký mà thời kháng chiến ông đã tin tưởng trao cho, để làm cớ ép uổng “vợ cộng sản”. Rồi bằng vũ lực hắn thét quân lính trói nàng để hãm hiếp. Hậu quả là nàng
mang thai, sau đó sinh ra mẹ của “ người bạn trẻ phù cương thường”. Sau khi sinh con, hắn đến nài nỉ nàng làm lễ cưới. Trông mặt hắn, nàng tởm lợm đến nỗi lên cơn buồn nôn, băng huyết và ra đi không một lời từ biệt.

Đứa con gái của ông và nàng mới tám tuổi, bỏ nhà về tìm nội ngoại để báo tin, trên đường đi đã mất hút trong dòng thác chiến tranh ly loạn, sau giải phóng ông nhắn tin lên đài báo nhiều lần, không có dấu hiệu hồi đáp nào.

Hắn gửi đứa con của hắn và nàng cho một người bà con. Không có hơi ấm cật ruột nào, cô vẫn lớn như thổi. Trông cô có cái vẻ kiêu sa rã rượi của một hòn sỏi nơi đầu ghềnh cuối thác. Năm mười sáu tuổi, cô đi bán cà phê rang, bỏ mối từ cao nguyên về duyên hải. Một tên lính của sư đoàn Mãnh Hổ dụ cô vào đồn tán tỉnh, để lại hậu quả là cái thai oan nghiệt ngày một lớn dần trưng ra trước mặt thiên hạ. Cô bắt đầu hận đời, tìm đến thuốc phiện.

Ông vẫn đến thăm hắn sau khi hắn từ trại cải tạo về một thời gian, vào bệnh viện vì sốt rét ác tính. Hắn bò xuống giường quỳ mọp ôm chân ông. Ông đỡ hắn dậy, khoan thai và quyết liệt:

- Ông đã nhận tội. Tôi có thể tha tội

nhưng nàng thì không bao giờ để yên cho ông! Nhưng thôi, tôi đến đây chỉ mong ta hãy nói những câu chuyện dễ chịu, để mong bịnh tình ông thuyên giảm.

Hắn khóc bù lu bù loa như một đứa trẻ:

- Tôi cũng chẳng mong kéo dài đời mình. Vô nghĩa lắm ông ạ! Nhưng trăm lạy ngàn lạy, ông hãy vì nàng mà  dìu dắt cho đứa cháu ngoại mồ côi, mẹ nó đã chết trong nghiện ngập, từ lúc nó có bảy tháng tuổi. Đứa cháu ngoại lai, vô thừa nhận.

- Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng mong nó xứng đáng làm người. Một con người đúng nghĩa, không...

Nước mắt ông nghẹn lại trong câu nói dở chừng.

Vài hôm sau, hắn chết. Giữ lời hứa, ông kín đáo ngược rừng tìm xin đứa bé từ một ông lão ăn mày cao nguyên, về nuôi. Thấm thoắt đã gần ba mươi năm rồi, ngoài ông ra thật khó có ai hiểu tường tận lai lịch “người bạn trẻ phù cương thường”. Nhỉnh hơn một chút, nó liền bỏ nhà quyết tâm lao động kiếm cơm tự lập. Ông lặn lội đi tìm nó ròng rã một tháng trời, mang về quê cho đi học tiếp. Nhưng nó hiểu ông nghèo, liền bỏ học ra chợ mon men làm quen với cánh xe ngựa, kiếm cách làm ăn.

Nó lý luận nghe cũng lọt tai:

- Sách vở thiên kinh vạn quyển thì học cả đời hoàng thượng ạ! Hoàng thượng cứ để thần kế tục cái tủ sách của hoàng thượng là xong tất! Thần  không nuôi được bệ hạ thần đã ân hận rồi, để bệ hạ nuôi thần thì nỗi ân hận sẽ gấp đôi!

Ấy, theo ông đánh giá, nó là thằng khá, từ bốc vác thuê lên đến tậu được ngựa xe, rồi lấy vợ, sinh con... Được c   ái con vợ có thẻo đất hồi môn, hai vợ chồng cất công dựng ngôi nhà cấp bốn.

“Người bạn trẻ phù cương thường” dù có lờ mờ biết được chút ít nhưng không ngờ sự đời nó lại éo le đến không
thể tưởng tượng nổi như vậy. Anh ta nghe đến đâu, khóc đến đấy, như chưa từng có một trận khóc dồn nén và bật lên hả hê như vậy. 

Ông đứng dậy với tay lấy rượu rót ra chén và mời mọi người ngoài sân vào. Ông nói như nhập đồng:

- Một đời tôi làm nghệ thuật, thấy cọ thấy màu thì mê vẽ, thấy đất sét thấy thạch cao thì mê nặn tượng, thấy phấn sáp thấy phông màn thì mê sân khấu, thấy giấy thấy bút thì mê viết văn làm thơ! Cũng có giải thưởng này danh hiệu nọ nhưng nói cho rốt ráo, có thể trời đã chọn nhầm mình, hoặc có thể mình hiểu chưa đúng ý trời! Tất cả tác phẩm một đời tôi đã gửi cho những người bạn khôi nguyên là sấm, gió, nước, lửa, núi, đầm. Chỉ một tiếng nói của nàng và mùi dã lan hương bất tuyệt mà cả đời tôi tái hiện không xong, nói gì đến sự nghiệp nghệ thuật cao siêu với lưu danh hậu thế! Lát nữa đây, xin mọi người hãy tiễn tôi bằng những nụ cười, xin đừng ai khóc! Tôi sẽ về trời bằng tâm nguyện ấy. Xong, ông bước lại giường nằm ngay ngắn, tay động đậy yếu dần như muốn vẫy chào cõi thực, miệng lẩm nhẩm đọc bài kệ của thiền sư Hương Hải: Nhạn quá trường không - Ảnh trầm hàn thuỷ - Nhạn vô di tích chi ý - Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm (Nhạn bay ngang trời – Bóng chìm đầm lạnh – Nhạn không có ý để lại dấu tích – Nước không có ý lưu giữ dáng hình).

  
N.T.M
(198/08-05)

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Fóc kiêu ngạo (19/03/2009)
Khan (13/03/2009)
Trang mới (05/03/2009)
Ân tình (24/02/2009)
Quê nhà xa ngái (05/02/2009)