Truyện ngắn
Người của phố
08:31 | 14/10/2014

DIỆU ÁI

1.
Đang học năm thứ ba, em bảo sẽ lấy chồng. Mệ nhất quyết không chịu. Mệ sợ em lầm lỡ nên mới vội vàng như thế, cứ cầm tay nấn ná hỏi dồn. Chứ không, có ăn học đàng hoàng mắc mớ chi học hành chưa xong đã vội chuyện chồng con, hả con.

Người của phố
Minh họa: Nhím

Em cười nhẹ nhàng trấn an mệ, nhà người ta hứa sẽ nuôi con cho tới khi học xong, ra trường họ xin việc cho con luôn mệ à. Dù gì, cậu An cũng cần lấy vợ, mợ Hạnh chờ cậu lâu rồi. Mệ lấy cái khăn mùi xoa bạc màu, lau vết trầu tèm nhem quanh môi, thở dài nói ờ, em quyết rồi mệ không cản, chỉ sợ em khổ thôi. Em lấy được chồng như chị Thừa thì mệ mừng, coi như nhà này có phước, con gái nhờ phước cha. Ba con dầu mới sống tới ba mươi năm trên đời nhưng chăm tích đức thì con mới được vậy, nhớ nghe con. Em dạ thưa mà lòng nặng trĩu.

Vậy là em lấy chồng cái rụp, hệt như người ta ra ngã tư, ngoắt tay lên một chuyến xe và đi. Ngày mặc váy cô dâu, em thẹn thùng lắm, chẳng dám mời bạn bè. Bà con trong xóm tới dự đám cưới chỉ lăm lom nhìn cái bụng em, coi có lùm lên không mà học chưa xong đã vội cưới. Mệ chảy nước mắt, hết đi ra đi vào vì cứ quên cái này cái kia. Khi xe đưa dâu chở em vào Đà Nẵng, mệ chạy ra sau bờ sông đứng tránh. Cậu An cũng lui sau đó mà chậm nước mắt. Mệ thở dài với cậu, ít bữa coi ngày, rước con Hạnh về đi con, nó đi chưa tới đường lộ mà nhà đã quạnh quẽ rồi. Mợ Hạnh là giáo viên mầm non, đã qua một chuyến đò nhưng không con cái. Mợ không sắc nước hương trời như mạ chị Thừa nhưng tính tình hiền hậu. Cậu An bảo thương mợ cũng bởi thương cái nết hiền ấy.

Hồi Tết, chị Thừa dẫn chồng con về thắp hương cho mạ. Chiếc ô tô mới cáu đi vào cổng khiến cả làng xôn xao, con nít người lớn kéo nhau ra đường đứng ngó. Cả nhà chị bước xuống xe chẳng khác chi Việt kiều. Chị dặn em đừng gọi chị là chị Thừa nữa, (cái tên đó của ngày xưa bởi chị có cục thịt thừa bằng hạt đậu ở mắt, giờ không thấy nữa) nay gọi chị là Thùy Miên. Thực ra, tên khai sinh của chị là Nguyễn Thị Miền.

Mỗi lần chị Miền (tức chị Miên, em chưa quen cái tên kiêu sa này lắm) về thăm là nhà em rộn rã vui như Tết. Mệ khom lưng chống gậy lững thững theo thằng cháu nghịch ngợm. Cậu An cúi người ngồi nói chuyện với anh con rể giàu có. Nghe anh chị và cả đứa cháu nói giọng miền Nam đặc quánh, em ngỡ như mình đang ở Sài Gòn. Mệ với cậu An cũng lạ, đang nói tiếng quê với nhau, nghe con cháu nói giọng thành phố cũng trập trẹ vài tiếng, kêu sợ con cháu không hiểu. Lạ đời, nó lớn lên bên mình hơn hai mươi năm sao mệ lo không hiểu tiếng mình. Bữa đó, chị Miên bảo cậu An rước mợ Hạnh về ở cùng cho vui. Chị lấy chồng rồi, sau này em cũng theo chồng, đâu ở mãi với mệ và cậu được. Mệ nói, làm người thành phố nên chị Miên thoáng hơn, chứ ngày xưa ở nhà, nghe người ta ghép đôi cậu An với mợ Hạnh là chị lườm nguýt, trừng mắt, dậm chân dậm cẳng dữ lắm tề.

2.

Em biết chồng thương em như người ta thương con nít. Dù bận công việc, chồng cũng đón đưa em tới trường, chở em đi chơi cho khuây khỏa đầu óc mà học hành. Mùa hè, cứ chiều chiều chồng lại chở em ra biển. Nhìn vẻ mặt đờ đẫn của em, chồng cười, đừng nói với anh là em không biết bơi. Em lắc đầu. Đâu, em biết bơi từ lúc nhỏ xíu. Mệ bảo, em vốn thích nước. Hồi nhỏ, mỗi lúc em khóc, mệ cho vô thau nước ngồi là nín. Tắm ba mươi phút mà không chịu ra. Lúc biết đi, mệ cho em tắm trong cái xô để có khoảng không mà chọi chân, như thế mau biết bơi. Mệ thả em bơi ở sông từ sớm. Mười lăm tuổi, em bơi được từ bờ này qua bờ kia, còn thách cả đám con trai trong xóm bơi thi. Có bận, em mặc nguyên áo quần ra sông tắm, mệ la dấm dẳng, lớn rồi, chúm chím hết rồi mà còn đi tắm sông, tao cấm nghe. Bất giác, nhớ đến đó em thèm mùi sông quá.

Chồng đưa em vào một nhà hàng để thưởng thức hải sản. Cậu nhân viên bưng dĩa ghẹ hấp to bự chảng, con cá chẽm đầy thịt, rồi một nồi lẩu to đùng bốc khói. Chồng gắp từng miếng bỏ vào chén, tự dưng em chảy nước mắt vì nhớ nồi cá bống thệ rim, nhớ nồi ốc gạo thơm mùi sả. Chồng lại cằn nhằn, có cần xúc động thế không, bà xã?

Nhà chồng neo người, ba chồng mất sớm, chỉ có hai mẹ con sống trong căn nhà hai tầng. Về làm dâu, đầu tiên, chồng bắt em tập nói giọng miền Nam, bỏ những “chi mô, răng, rứa, tê, nì” đi, không gọi mệ mà hãy gọi là bà, mẹ chứ không phải mạ. Chồng quyết tâm gột rửa cái gốc gác nông dân, quê mùa của em. Em rầu rĩ chẳng tìm được lý do để bảo vệ mình, chỉ bảo rằng cái gốc quê mùa ấy tựa như hơi thở, e rằng có muốn cũng không hết được đâu. Chồng cười, yêu anh, hãy thay đổi vì anh chứ, vợ của một giám đốc không thể quê mùa thế được. Em lại nghĩ khác, nếu chồng yêu em, chồng phải chấp nhận con người em chớ. Giây phút ấy, em nhớ lời mệ, lấy chồng vui vẻ, sống tốt như chị Miên mệ mừng lắm con, vậy là em nuốt lại cái câu vừa định nói, thấy cổ họng nghẹn ứ bởi ngôn từ.

Cuối tuần, em xin phép chồng qua nhà chị chơi. Ở cùng thành phố, nhưng đây là lần đầu tiên em qua thăm nhà chị. Em nhớ quay quắt những buổi chiều, mình với chị Thừa - của ngày xưa - ngâm chân dưới cồn còng lưng đãi hến. Cả buổi bán được chục ngàn bạc mà cực thấu trời. Khi người ta khai thác cát, dòng sông bị xói đi. Mỗi ngày máy sục cát vớt hết bao ngọt ngào, hến vơi dần. Vậy nên chị bắt đầu về biển mua cá làm nước mắm. Chị lanh lợi, có duyên buôn bán nên hàng chuyển vào tận thành phố. Duyên nợ sao, gặp chồng chị bây giờ. Rồi chị một bước lên làm bà chủ, phụ việc cho công ty thực phẩm của nhà chồng.

Cô giúp việc bảo em đợi vì bà chủ đang đắp mặt nạ. Thằng con chị chào em xong chúi đầu vô màn hình trò chơi điện tử. Em chạy lại định sà tay ôm nó, vuốt ve thủ thỉ hệt như hai chị em ngày xưa, thế mà nó nhìn em với ánh mắt xa lạ vô hồn, nên thôi.

Chị Miên bước ra, la thằng con vài câu trước khi cười với em. Và khi nhìn qua em, câu đầu tiên chị bảo:

- Trời, lấy chồng giàu mà mặc đồ quê quá, ra ngoài không trang điểm hả?

Em cười méo mó, định nói chẳng lẽ đi gặp chị cũng phải mang mặt nạ sao nhưng may mà em nuốt kịp. Em lại mắc nghẹn bởi một câu từ chân thật.

Chị bảo, chị có bằng đại học rồi, chẳng thua gì em. Thời đại này, có tiền có tất. Những câu chuyện chị kể xoay quanh chuyện kiếm tiền, nhà ở khu này khu kia, mỹ phẩm, áo quần rồi qua chuyện giữ chồng. Em vốn mù tịt nên chủ yếu là nghe chứ không nói. Có điều, nhìn chị, cứ băn khoăn không biết mấy năm sau, em có vậy không, có khi nào em thấy mình lạ với chính mình không. Về nhà, mệ và cậu có phải giả giọng để nói chuyện với em không biết nữa.

Em chào chị rồi về. Trước khi đi, ngó say đắm bộ móng tay móng chân được vẽ nghệ thuật của chị, em nhớ tha thiết cái bàn tay xương xẩu chắc nịch cầm thúng đãi hến và cả bàn chân ngâm nước sông bạc phếch ngày xưa. Chồng em nói phải, đúng là tiền bạc nó gột được hết, chỉ là mình muốn hay không thôi.

3.

Chừng khuya, khi phòng làm việc của chồng vẫn còn sáng đèn, em học xong mở cửa ra ban công đứng ngắm phố phường ban đêm. Thành phố thức khuya, chẳng như ở quê, giờ này nhà nào cũng tắt đèn đi ngủ. Ngước lên trời, nhìn mải miết chẳng thấy trăng đâu, những mái nhà cao ốc, những tòa nhà chật cứng không gian. Giữa tiếng xe cộ và ánh đèn đường vàng vọt, em thèm nghe tiếng ếch đồng rỉ rả, thèm ngắm những ánh đom đóm chập chờn. Nhớ những đêm rằm như thế này, em hay mang chiếc giường tre ra giữa sân rồi ba mệ cháu nằm nói chuyện tào lao. Ở quê tối ngủ cũng chẳng cần đóng cửa, cứ mở hết cửa cho thông thoáng từ nhà sau lên nhà trước, ở đây ban ngày cũng then cài chốt chặt. Lúc nào cũng hoài nghi và đề phòng đến mệt mỏi. Hôm qua, em bị chồng la vì cái tội cho một bà già vào nhà uống nước. Chồng bảo nhỡ đâu bà ta thuộc băng nhóm lừa đảo nào đó, vào xem xét rồi nếu không có người có thể kề dao vào cổ mà lấy hết đồ đạc tiền bạc đi. Em nghe mà kinh hãi, cứ thắc thỏm bà ấy già rồi, già hệt như mệ, sức đâu mà lừa với lại kề dao vào cổ. Chồng chìa những tờ báo rồi bảo em nên chăm chỉ vào mạng đọc thông tin, ở thành phố mà ù ù cạc cạc như thế, mất nhà có ngày. Nghe chồng, em mon men vào mạng, để rồi cập nhật xong thông tin mà nhìn đâu cũng nghi hoặc và sợ hãi. Hóa ra, ở thành phố, cái đắt đỏ nhất chắc chắn là niềm tin giữa người với người.

Phía nhà dưới có tiếng lục đục, phòng mẹ chồng còn sáng điện. Mẹ mở cửa, ra sân ngồi và ngước lên. Hai mẹ con bắt gặp nhau trong ánh nhìn sâu thẳm. Em khoác áo rồi đi xuống dưới, hỏi mẹ mất ngủ để em pha sữa. Mẹ bảo không cần đâu, rồi quay qua em hỏi, hồi trước con nói quê con ở đó có gần Vĩnh Linh không?

- Dạ, cũng khá xa mẹ ạ, nơi đó nằm cuối quê con. Mẹ có người quen ở đó sao?

Mẹ nhìn mông lung vào chậu quỳnh hương trước mặt rồi thả từng chữ “Mẹ muốn về đó, tìm người ấy quá.” Em ngồi im nghe mẹ chồng kể chuyện. Bác ấy cùng quê với mình, là bộ đội đóng quân trong này. Hồi ấy, mẹ theo chân đơn vị đi khắp chiến trường, ngày nào cũng thấy mấy anh em đổ máu. Ở họ, sống chết chỉ trong phút chốc nên ai cũng quyến luyến cuộc đời. Có người biết mình không qua khỏi thì muốn nghe mẹ hát, có người muốn nghe mẹ ru, có người chỉ ấp úng muốn cầm tay mẹ vì chưa bao giờ dám cầm tay con gái. Bác ấy là người đầu tiên cầm tay mẹ, cái cầm tay tưởng như đầu tiên và cuối cùng của đời người nhưng thật kỳ diệu là bác ấy vẫn sống. Sau khi hồi phục, bác ngỏ lời thương mẹ. Giọng bác ấy ấm lắm, nói thương người ta mà cứ ngại ngùng, “tui có điều này, không biết răng mà tui thương Hà lắm, Hà có thương tui không?” Mẹ gật đầu. Vết thương đỡ hơn thì bác được chuyển về tuyến dưới điều trị. Hai người vẫn thư từ với nhau một thời gian dài. Hòa bình, mẹ bị ông bà gọi về nhà để gả chồng. Từ đó, mẹ mất liên lạc với bác.

Bố chồng thương mẹ nhưng biết lòng mẹ luôn có tâm sự, có bận ông giận, tát mẹ một cái rồi bắt mẹ đốt hết thư tình, đốt hết ảnh của bác. Em khóc lúc nào chẳng hay. Hèn gì, ngay hôm chồng đưa em về ra mắt, mẹ cầm tay em và gật đầu. Dễ gì thương người dưng nhanh vậy, cưới dâu về còn nuôi ăn học, lo chuyện việc vàng nữa mà mẹ chồng gật đầu ngay luôn. Hóa ra là vì lòng thương cảm này. Em hứa lúc nào có dịp, sẽ đưa mẹ đi tìm bác ấy. Mẹ nói, chỉ muốn biết coi, bác còn sống hay đã mất, còn sống thì sống có tốt không, nếu chẳng may mất rồi thì thắp một nén nhang cho ấm lòng.

4.

Chồng e dè nhìn bộ ấm trà chắc từ thập niên trước, bờ ly đóng màu chè lâu ngày, rồi nhấp ngụm trà bảo, ngồi đây nghe gió từ sông thổi vào mằn mặn. Tường nhà nham nhở lỗ chỗ, chi chít những tấm bằng và huân chương kháng chiến, toàn là của cậu, dì em. Hình như cả vùng quê này, đi đâu cũng bắt gặp nhiều bờ tường như thế. Hôm nay giỗ ba mạ em, mệ lại kể cho chồng cái chuyện năm xưa, ba mạ trúng bom chết. Một ngày mà em thành côi cút, mệ nói rồi chấm nước mắt, đôi mắt mệ đục ngầu, em từng nghĩ nơi ấy chắc chẳng chảy ra giọt mặn nào nữa đâu, khô khốc, sâu thẳm thế kia mà.

Em ghé mắt ngó ra hàng chè tàu. Ngày mình đi, nó mới ngang hông. Hôm đám cưới, cậu An tỉa thẳng băng, dây tơ hồng vắt ngang vắt dọc vàng rực đẹp đẽ. Bây giờ cả hàng chè xanh mướt đã cao quá vai người. Mệ tặc lưỡi, tại cậu An đi tối ngày, không ai cắt tỉa. Dạo này, sau giờ dạy, cậu đi làm bảo vệ cho người ta, kiếm thêm thu nhập, lo thuốc thang cho mợ Hạnh. May mà em lấy chồng, đỡ một phần vất vả chứ không cậu lại nặng gánh vì mình. Cái suy nghĩ ấy lại kéo em về trạng thái thấy mình lấy chồng là đúng.

Mệ bảo qua thăm chú, dạo này trở trời chú hay đau lắm. Chú lục đục cho gà ăn với chiếc nạng trên tay. Hồi nhỏ, em hay hỏi bất chợt, sao người chú chỉ được một nửa, một tay, một chân vui rứa. Chú cười khề khà, hiền hậu. Anh ở với chú nên lây cái nết hiền lành tội nghiệp ấy. Chú bảo sau đám cưới em, anh đi xuất khẩu lao động, nghe đâu phải năm năm mới về. Người ta đăng ký ít thời hạn còn anh đăng ký thời hạn thiệt lâu. Dạo mình nhìn nhau rõ nhất, em nghe được cả tiếng thở của anh, là hôm anh bảo em nên lấy chồng đi, lấy chồng thành phố tử tế như chị Miên cho sung sướng, chứ về đất này làm chi. Em cười nhạt bảo lấy chồng dễ ợt, nói xong chỉ mong anh níu lại câu nói của mình, rằng anh đùa thôi, chứ giàu có hẳn gì đã sướng sung. Thế mà anh gật đầu, vậy cưới đi. Lần gặp mới đây nhất là đám cưới em, lần đó thì chỉ nhìn bâng quơ thôi. Anh lăng xăng qua phụ làm rạp, chạy bàn, bưng đá, tiếp khách. Lúc nào đưa mắt tìm anh, em cũng thấy anh ngó lơ chỗ khác. Lúc ấy, em đã tự hứa với lòng mình, sẽ mang vẻ mặt ủ dột thê lương này để nhìn anh đến hết đời còn lại, coi thử lòng anh có tan nát hay không.

Năm năm sau và nhiều năm sau nữa, em sợ em đã là người của phố. Mỗi sáng em thức giấc bằng tiếng đồng hồ khô khốc thay cho tiếng gà gáy sớm. Em cằn nhằn vì đám xe cộ ồn ào trước cửa, rỉ rả về giá xăng tăng, chợ búa ồn ã và cô bán hàng cân thiếu. Em bận rộn với những riêng tư của gia đình mình. Em tưởng tượng con cái em sẽ được nuôi dạy như bao đứa trẻ thành phố. Nó sẽ phân vân giữa con trâu và con bò để gọi tên cho đúng. Sẽ chẳng biết rạ lúa, rơm quê và mùi lúa trổ đòng thơm ngai ngái thế nào. Chẳng bao giờ biết lấy cọng cỏ chơi đá gà, bắt dế chọi nhau hay lượm mấy cục đá mà chơi ô làng. Nghĩ xa xôi vậy nên em thở dài, cái thở dài tưởng như ngàn cây số.

Chú thắc thỏm lo âu nhìn em, thấy vẻ xanh xao tưởng em ốm nghén. Em thỏ thẻ, tại học làm người thành phố cũng khá vất vả. Hai chú cháu cùng cười. Phía chân trời, hoàng hôn buông chậm rãi, nắng vắt ngang lưng chừng núi. Bất chợt, em muốn hỏi về vùng trời đã ngủ yên trong tâm trí chú. Có không một cô y tá người miền trong và cái nắm tay cuối cùng. Mắt chú sáng lên rồi đột nhiên rưng rưng xúc động, chú thở dài:

- Đất trời rộng thênh, rứa mà…

Em từng nghĩ đất trời mênh mông nhưng ở phố một thời gian đã thấy chật hẹp. Nhất là hôm ngồi sau lưng chồng, nghe chồng chỉ trỏ mấy tòa nhà cao vợi vừa xây xong, thì ngược chiều, vừa kịp thấy bóng anh lướt qua rất nhạt. Em biết, từ ngày chị Miên thành người của phố, mắt anh thôi hướng về cồn mỗi khi chiều buông. Ngày xưa, mỗi chiều hai chị em đãi hến, khi bắt gặp ánh mắt anh hay hướng về, em từng ngỡ nó dành cho em. Nên em lại thêm một lần mơ tưởng, nếu em thành người của phố, chắc anh mãi trông về.

Em lẩm bẩm theo chú (vô thức mà bằng giọng của phố), đất trời rộng thênh, vậy mà…

D.A
(SDB14/09-14)







 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Tóc mây (10/10/2014)
Đêm về sáng (25/09/2014)
Mimosa đang ngủ (04/09/2014)