NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
Nhà chị tôi cách trường Nguyễn Hoàng khoảng 400m. Hè năm 1970, tôi ra ở nhà chị để thi vào trường Nguyễn Hoàng. Thời đó học trò trường tư chỉ có 5% được thi tuyển vào lớp 10 của trường.
Nhà chị tôi có cái giếng trong, cả xóm đều tới đó gánh nước. Anh chị tôi thường đi vắng. Tôi ra giếng treo võng đọc sách dưới tàng cây ổi. Buổi chiều, có con bé khoảng lớp tôi gánh đôi thùng tới, giọng trong veo, “anh chi đó ơi cho em xin đôi nước”. Tôi cười và nói cô tự nhiên. Tôi lại đọc sách tiếp, giả đò không thèm để ý con gái, nam nhi mà. Cô ấy múc đầy nước, rồi chào anh em về nghe. Chữ “nghe” cao lên, lảnh lót như tiếng chim.
Em quẩy thùng nước đi rồi mới thấy lòng mình chao động theo bước chân trần, chơi vơi nhịp gánh. Hai thùng nước đầy sóng sánh có mấy vệt nước rơi vãi ra ngoài. Thương chi lạ.
Đêm lại mơ tưởng, mộng mị lung tung, ba giờ sáng tôi đã thức giấc, nằm lơ mơ nghe từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc. Con gà gáy tiếng rất khàn. Con gà trống mạ tôi gửi để ăn mừng ngày tôi xong đệ nhất cấp, nó có biết vài ngày nữa chết không, mà gáy tiếng khàn khàn buồn bã thế.
Rồi chiều mai cũng tới, nhưng chậm hơn, do lòng mình cứ ngóng trông. Bốn giờ chiều tôi đã tắm rửa, chải tóc, mặc bộ đồ đẹp nhất ra dưới tàng cây ổi “đọc sách”. Hôm đó đọc Gió đầu mùa của Thạch Lam…, chẳng có chữ nào vào đầu, chỉ trông chờ em gánh nước. Nước đầy cả giếng, cần chi xin. Nhưng em vẫn lễ phép, “anh chi đó ơi, cho tui xin đôi nước”. Tôi bật dậy khỏi võng chào em lí nhi: “Cô cứ tự nhiên”. Em cười, cái răng khểnh như nở hoa sau làn môi đỏ mọng. “Anh học trường mô”. Tôi ngập ngừng không biết trả lời sao cho thân thiện, bèn nói đại: “Niên khóa tới tôi sẽ học Nguyễn Hoàng”. Nói rồi mới thấy mình dại, mới thi xong chắc chi đã đậu. “Anh học ban chi. Em cũng học lớp 10, ban B”. Lỡ rồi, nói đại luôn, “Tui học ban C”. “Hi hi, mấy anh ban C là lãng mạn lắm”. Đứng đối diện thành giếng, em vừa múc nước vừa chuyện trò. Cái áo rộng cổ của em hé một chút bờ ngực mỗi lần em cúi xuống múc nước. Nói thiệt, từ nhỏ tôi chưa bao giờ thấy bờ ngực trần con gái. Hồi đó con gái ăn mặc kín đáo lắm. Tôi trân người, cuốn sách trên tay rơi xuống nước. Tôi xấu hổ sợ em biết ý đồ của tôi. Mà tôi có ý đồ gì đâu, chỉ “chộ” chớ không phải cố nhìn.
Ngày sau rồi ngày sau nữa, em vẫn tới gánh nước, nhưng luôn mặc áo sơ mi gài nút tới cổ. Chúng tôi vẫn nói chuyên trên trời dưới đất. Có lần nói chuyện đến 20 phút. Cô em thấy chị lâu về bồng em chạy ra tìm, hỏi “răng lâu rứa, mạ la tề”. Cô chị nói dối, “Đang hỏi anh về… bài thơ…”. Cô em lườm cái bồng em quay đi. Em lại cười, “chào anh em về. Khi mô rảnh qua nhà em chơi, ba mạ em quý bạn bè em lắm”. Trời, sướng muốn xỉu.
Những tưởng đời vui lắm. Ai ngờ!
Em đi học cùng đường với tôi, mặt có khi như lạ, như quen. Đôi mắt trong veo đen láy khi cười rạng rỡ, khi buồn hiu hắt, xa xôi. Chạm mặt nhau chỉ gật nhẹ đầu. Không ai chào ai, như người lạ. Con gái Quảng Trị “nết na”, oan nghiệt thế, mới đau. Đôi guốc cao gót làm dáng em khoan thai hơn, như rướn người lên trong tà áo dài tha thướt. Sáng nào tôi cũng ra đầu ngõ canh em rồi theo sau, cách khoảng vài chục thước cho an toàn. Thế mà em cũng biết, thỉnh thoảng quay lui, cười nhẹ cái.
Cho đến một ngày, em khóc rống lên, ở nhà xác Tiểu khu QT, ba em chết trận. Tôi đứng ngoài hàng rào kẽm gai, thấy em vật vã, em cúi xuống lạy cha, em bật lên hung dữ. Tôi không còn thấy chiếc răng khểnh, không tơ tưởng gì đến cây ổi, và giếng nước ngày thơ. Tôi khóc nức nở vào chiều đông năm ấy, đạp xe theo quan tài đi trong mưa gió, hơn mười cây số về quê em. Tôi lại đạp xe một mình trong mưa gió chạy về cho kịp, thời đó ban đêm không ai dám ra đường.
Ôi. Tôi sẽ đến nhà em như lời hẹn ước, như lời mời hồn nhiên của em. Phải chi còn ba, nhỉ.
Mấy ngày đi học không có em phía trước, buồn và thương em đứt ruột. Đầu tuần lại thấy em đi học với chiếc khăn tang. Gặp tôi đầu ngõ em chỉ khóc, không nói gì. Vẫn em đi trước, tôi theo sau. Mắt tôi nhòe đi. Bóng áo trắng như dải khăn tang chấp chới phía trước, lao đao lung linh lờ mờ nhang khói.
Chiều về em lại qua gánh nước. Em lặng lẽ múc nước. Nghe rõ tiếng nước lách tách trào ra chảy ngược xuống giếng. Đôi vai em mệt mỏi theo từng tao dây gàu. Đôi mắt buồn rượi nhìn tôi không nói gì. Tôi hỏi câu vô duyên: “Bài vở em có theo kịp không”. Em nói: “Em không thiết học hành gì nữa, chắc em nghỉ học để lo cho các em”.
Lần cuối em gặp tôi vào một đêm trăng, em đi gánh nước trễ hơn. Em nói “mai em về quê với mạ, để hương khói cho ba, và săn sóc ông mệ nội, gần tám mươi tuổi rồi. Em phải bỏ học. Nhớ trường nhớ bạn lắm nhưng biết mần răng đặng chừ. Bé Lĩnh (tên đứa em gái) gửi lại cho dì để tiếp tục đi học. Em còn hai em gái nhỏ, mạ một mình mần răng lo nổi. Tội nghiệp ôông mệ, chưa có cháu trai đích tôn. Em về quê, sáng đi học anh có còn nhớ em không. Sáng mô em đi học cũng có ý chờ anh, và biết sau lưng khi mô cũng có anh theo. Em biết anh thương mạ con em. Hôm đang quỳ làm lễ trước quan tài ba, thấy anh cứ lấp ló nhìn em, rồi anh lên lúc mô không hay. Em chạy ra đường anh đã xa rồi. Thấy anh đạp xe chạy trong mưa thương lắm”. Bé Lĩnh chạy qua nói, “Chị ơi, mạ nói chị cứ nói chuyện với anh đi, mai nhà mình về làng rồi, để em gánh nước về cho”. Tôi không nói được câu nào, chỉ cầm tay cùng em khóc miết. Tôi đưa em một đoạn về nhà, em bảo, “mời anh vô nhà đi, đừng sợ, từ ngày ba mất mạ cứ nhắc anh đó, vô đi”. Tôi theo em vào nhà. Di ảnh của ba em khói hương nghi ngút. Mạ em đang thắp nhang, quay ra “chào cháu”. Tôi vẫn đứng yên lí nhí “dạ”. Em bảo, “Anh thắp nhang cho ba đi”, em đưa tôi cây nhang, tôi vái lạy rồi quay ra cùng gia đình ăn chè đậu huyết. Mạ em nhìn tôi sửng sốt, hỏi “Cậu tên gì?” “Dạ tên M”. “Năm ni cậu mấy tuổi?” “Dạ mười bảy”. Bà nói: “Con trai tuổi Tỵ là gian nan lắm, bác trai cũng tuổi Tỵ, hơn cậu hai giáp, nhọc nhằn cả đời, cho đến lúc chết tiền lương tháng trong bóp vẫn còn nguyên, chưa tiêu đồng mô hết”. Con Mai tuổi Ngọ, chắc đời con cũng như đời mạ”. Bà hưng hức khóc. Mai và Lĩnh cũng nhòe nước mắt. Bà chậm rãi “Con Mai và con Lĩnh sinh ở đây, bác trai nói đặt tên Mai Lĩnh để mai lớn khôn biết nhớ núi nhớ sông, “Núi Mai, Sông Lĩnh”, nhớ nguồn cội của mình là dân Quảng Trị”.
Hai tuần vắng em, đêm nào tôi cũng nằm chiêm bao thấy em chít khăn tang khóc vật vã. Có khi thấy em cười như mếu, chiếc răng khểnh như búp hoa nhài chưa nở mà sao héo buồn thế.
Sáng chủ nhật hôm đó tôi đạp xe mười cây số về làng em. Tháng hai trời còn mưa bấc. Đằng xa, làng em mù mù lũy tre. Lúa thì con gái gợn sóng run rẩy theo từng luồng gió bấc. Tôi đứng rất lâu trước ngõ, nghe tiếng hò ru em vẳng ra từ mái nhà tôn:
“Ru em em thét cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
……..
Kim may vô áo đứt rồi
Tiếc công thầy mẹ đứng ngồi… chọn kim”
Ạ ơ ờ… Mạ bồng con ra ngồi cầu Ải Tử
Vợ trông chồng lên núi vọng phu
Biết răng chừ bóng xế trăng lu
Con ve kêu… rồi… mùa hạ, biết mấy thu… gặp chàng”.
Tiếng hò ru em xóm quê buồn như tiếng khóc. Tôi dắt xe đi vào sân kêu, Mai ơi. Tiếng hò im bặt. Em chạy ra, trân nhìn tôi. Mắt chớp chớp, hai giọt nước mắt lăn chậm trên gò má ửng chút hồng. Em gầy đi quá. Tôi hỏi, “Mạ đi mô?”. “Dạ đi chợ”. “Đi chợ Quán chợ Cầu hả… Mai hò hay lắm”. Em thành thật: “Về đây mỗi lần ru em lại nhớ anh. Hồi ở trên tỉnh, em không dám hò vì sợ “quê” với anh”. “Anh cũng quê mà. Mai hò tiếp cho anh nghe đi”. Em ngửng lên, cười nhẹ “Thì anh hò đi, Mai nghe”. Tôi hò một bài, em cười, bảo “Anh hò hay lắm, nhưng có chỗ sai lời”. Em lại cầm tao nôi, mái tóc nghiêng xuống trên chiếc nôi tre, con bé đang thiu ngủ giật mình khóc. Em lại dỗ dành, giọng hiền như mẹ, rồi cất giọng, tiếng à ời dài ra, càng về sau càng mềm đi, nhỏ đi như chỉ còn hơi thở. Ạ ơ hờ… Em thương anh, hái dâu quên giỏ, bứt cỏ quên liềm/ xuống sông gánh nước, đôộc chìm… gióng trôi... Em lại khóc nức lên, hai tay úp mặt cúi đầu, tóc rủ xuống rung theo từng nhịp nấc. Tôi để tay lên vai em, an ủi: “Đừng khóc, buồn lắm. Anh có mang về cuốn Truyện Kiều tặng em”. Em nói trong tiếng nấc: “Kiều, Kim Trọng chi nữa anh ơi. Đêm nằm ngủ em cứ mơ đang đi học, lại thấy anh thất thểu theo sau. Bữa nay anh đừng về nữa, không an toàn mô. Thôi, anh lên đi. Có dịp em ghé thăm anh, và bạn bè”.
Tôi nắm tay em, bàn tay lạnh run run. Em kéo tay lại, nhắc: “Anh lên liền đi, buổi chiều ở đây thỉnh thoảng hai bên rình bắn nhau đó”. Em tiễn tôi ra cổng, đứng nhìn theo. Tôi đạp xe như điên trong mưa bấc. Ngoái lui thấy bàn tay em vẫy vẫy, rồi hình ảnh em nhòe đi trong mưa, lũy tre đen thẫm lại.
Anh rể tôi biết chuyện tôi trốn về thăm em, kêu tôi lại nghiêm mặt bảo: “Cậu dám về làng P à, cậu có biết ở đó nguy hiểm không. Nếu cậu tái phạm thêm lần nữa tôi sẽ mách ba”. Tôi lý nhí nhận tội và hứa không về quê em nữa.
*
Một năm, năm rưỡi… Tôi vẫn đi học một mình. Nhìn tà áo nào cũng có hình dáng em. Chiều nào tôi cũng treo võng dưới cây ổi, bên giếng nước đọc sách, nhìn ra cánh đồng hướng nhà em. Tiếng súng, khói bom, làm tôi thót tim. Tiếng gàu múc nước ai đó cũng rổn rảng như vũ khí chiến tranh. Cũng có những buổi chiều yên ắng, mây lang thang bay từ đông về tây, trên cao vời, mà gió Lào thì thổi ngược lại. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, hơn bao giờ hết tôi thấm đẫm hồn thơ:
“Gió theo lối gió, mây đường mây…”
Và ngọn gió nồm mát rượt hiếm hoi, như mang tiếng hò em về, ngọt ngào mà cay đắng: Kim may vô áo đứt rồi/ Tiếc công thầy mẹ đứng ngồi chọn kim…
*
Mùa hè năm 1972, súng đạn mù trời. Bà con Quảng Trị dắt díu nhau chạy loạn, tứ tán người một phương.
Vào trại tạm cư Đà Nẵng tôi đi tìm khắp, từ Hòa Khánh về Non Nước, chẳng biết gia đình em ở phương mô. Một hôm đang lang thang trên bãi biển Hòa Long, nghe tiếng gọi, “anh M”. Quay lại thấy mấy cô nữ sinh Nguyễn Hoàng mặc đồng phục áo dài trắng đang đi dạo trên bờ biển. Một cô la lên: “Anh M phải không, Lĩnh đây nì”. Lĩnh chạy đến trước mặt tôi, cặp vở ôm nghiêng trước ngực, cúi đầu nói lí nhí, “mạ và chị Mai chết rồi anh nờ. Em ở với dì có xe nhà binh nên đi trước, không chờ mạ được. Nghe người ta kể, thấy mạ, chị Mai và hai em chết ở cầu Dài…”.
Trời đất như quay vòng, tôi quỵ xuống cát. Lĩnh ngồi xuống bên, gục đầu lên gối. Hai anh em im lặng, tấm tức khóc. Tháng mười, trời vần vũ cơn giông, sấm chớp và biển động. Ầm ào gió rít. Mưa ập xuống. Chúng tôi vẫn ngồi thế, trong mưa. Những hạt mưa bắn vào da đau rát, nhòe những vệt cát như những loạt đạn bắn xối xả. Rồi từng dòng, từng dòng nhỏ ngoằn ngoèo chảy thành dòng lớn hơn, từ từ trôi xuống biển.
Mưa ngớt, hai anh em ướt sũng đi dọc bờ biển. Mai tôi đi lính rồi, chưa biết bao giờ về lại Quảng Trị. Lĩnh đi bên thỏ thẻ, “anh M này, ra trường nhớ về cùng Lĩnh đi tìm xác Mạ, chị Mai và các em nghe anh. Anh nì, đêm nào Lĩnh cũng mơ thấy đi gánh nước cùng chị Mai. Có khi em rình, thấy anh chị cầm tay nhau, về méc mạ. Mạ nói, kệ tụi hắn, lớn chút nữa con sẽ hiểu. Giờ em hiểu rồi thì không còn chị để xin lỗi. Mai anh đi, Lĩnh không có gì tặng anh làm kỷ niệm, Lĩnh hát nghe.
Sóng ầm ào, mưa lâm thâm, giọng hát trầm, buồn thảm như lời nguyền, một lời hẹn xa vời không định trước: Ngày mai anh đi, biển nhớ tên anh gọi về… Và Mai nữa, anh sẽ về tìm Mai Lĩnh, tìm hồn sông núi, quê hương.
N.Đ.M
(SH309/11-14)