Truyện ngắn
Trăng sáng vườn dưa
09:03 | 10/12/2014

HỮU PHƯƠNG

Nắng gắt. Những đợt gió Lào đầu tiên ồ ồ thổi qua cánh đồng đất cát, cuốn bụi mù mịt, ném cát vào mặt lão Điểu.

Trăng sáng vườn dưa
Nhà văn Hữu Phương - Ảnh: baoquangbinh.vn

Lão bước vội vã, lúp xúp, đúng hơn là lão lủi, dọc theo bờ phi lao cao bằng đầu người, cằn cỗi và vàng hoe, mắt dớn dác trông chừng bốn phía. Theo sau, con chó vàng cụp đuôi, như thể để tỏ rõ sự tận tụy với chủ. Thỉnh thoảng nó dừng lại giỏng tai nghe ngóng, dáng điệu y hệt lão.

Chẳng có ai nhìn thấy lão cả. Ai nhìn lão mà làm gì? Người ta còn bận túi bụi với mùa màng đang chín rộ, phải gặt hái xong trước cơn lụt tiểu mãn, cấy lúa hè thu, gieo mạ vụ mùa, cày ải kịp thời vụ... Trăm công nghìn việc! Chỉ có lão là rảnh rỗi, vì tuổi bảy mươi, lão làm sao nhận nổi ruộng khoán?

Cho nên lão chuyên trồng dưa, nhẹ nhàng và thu nhập khá. Cả một vùng cát chạy từ đường quốc lộ đến ven biển, có một thời bốn năm tháng chỉ xanh dưa. Dưa của các đội, dưa của cá nhân, mênh mông chi xứ!...

Lão Điểu lẩn vào nhà, đúng hơn là vào lều. Túp lều ở bìa làng, rạ lợp đã mốc thếch, nhưng cột tre cắm xuống đất còn xanh; dựng đã được vài năm, từ khi lão bỏ vùng kinh tế mới trở về.

Thực ra, đời lão ít nhất hai lần đã có nhà to. Lần thứ nhất khi lão còn thanh niên, chưa vợ, hoạt động trong đội du kích, ở với cha mẹ. Hai anh đầu của lão đã có gia đình, ở riêng. Khi cha mẹ mất, hiển nhiên cái nhà to ấy là của lão. Lần thứ hai, khi hòa bình lập lại, lão chạy không kịp theo anh trai vào Nam, phải ở lại miền Bắc, làm ăn cùng vợ con trong hợp tác xã. Ngôi nhà thứ hai này xây cất đàng hoàng, tường quét vôi ve lợp ngói đỏ, có phòng lồi và ban công hẳn hoi. Nó vẫn còn đó, ở giữa làng, nhưng không còn là của lão nữa! Lão tiếc đứt ruột, nhưng đành ngậm bồ hòn. Bây giờ lão một mình chui đụt trong túp rạ này. Thế mà đời vẫn chưa thôi trả đũa lão những cái tát đau điếng và nhục nhã...

Cũng tại lão cả thôi! Không, nói cho chính xác thì cũng tại, một phần ở đàn bà. Không đúng à? Lần mất nhà thứ nhất gắn với con đĩ Loan, chồng nó đi lính cho Pháp chết trận, khi nó mới một đứa con. Nhà nó ở đầu làng, cạnh cây đa cao to, bên cái giếng làng hình vuông xây bằng đá tổ ong, nước trong văn vắt. Gốc đa sần sùi vết dao chém, vết đạn; chằng chịt rễ, ngang đầu người có treo một cái kẻng bằng vỏ bom: ở chạng ba cao chót vót có đặt một cái sạp, bằng mấy que tre buộc ngang dọc, làm chỗ đứng cho chòi quan sát. Đấy là vọng gác của quân du kích làng Nam Phúc. Giặc từ đồn Hoàn Lão, đồn Chánh Hòa, thậm chí cả đồn Sen Bàng, đồn Am Tiến có động tĩnh là ở đây biết ngay: và tiếng kẻng hiệu báo vang lên.

Gái một con trông mòn con mắt, Loan lười việc đồng áng, nhưng giỏi nấu rượu lậu, nên trông ả càng trắng trẻo, nõn nà, như thể gái mười tám, khiến chàng trai tơ Điểu không dừng được, phải lén lút, thậm thụt đi lại.

Đêm ấy rất thuận lợi, trời tối như bưng, phiên gác của Điểu bắt đầu từ nửa đêm. Bốn bề yên tĩnh, chìm đắm trong giấc ngủ của con người và cây cỏ là tiếng côn trùng ri rỉ. Chỉ có ngọn đèn hạt đỗ có lé ra ở buồng nhà Loan, như muốn nói điều gì. Đêm cuối xuân sương xuống lành lạnh. Bây giờ mà uống một ly rượu cốt, và... chậc, thằng địch bây giờ cũng lo ngủ với vợ con, chứ đi đâu! Đầu đang nghĩ mà chân Điểu đã đi về phía ấy lúc nào...

Không biết lúc đó là mấy giờ, tiếng súng nổ chát chúa bên tai dựng Điểu dậy. Trời sáng rõ. Thôi chết rồi! Giặc đã vây kín bốn bề. Gã lao ra vườn, lủi ra cổng sau định chạy lên phía rừng thông, nơi căn cứ du kích. Nhưng gã bị ngay hai tên lính lê dương, như đứng chờ sẵn, quật ngã, trói gọn. Cả làng Nam Phúc chìm trong khói lửa, trong tiếng súng nổ, tiếng la hét của người và súc vật. Ngôi nhà của gã, bằng gõ và lim đen bóng, thành tro than trong dịp ấy.

Mười hôm sau, những người đi chợ đã thấy gã, trong bộ quần áo màu cứt ngựa, đầy những túi là túi, mũ chào mào, kẹp súng mát, đi lại nghênh ngang trong đồn Hoàn Lão. Gã đã thành một tên phản bội từ đó. Gã viết thư gọi hai anh bỏ hàng ngũ du kích, về hàng Pháp. Thế là cả ba anh em gã, được sung vào lính, đoàn tụ trong cái hàng rào kẽm gai của đồn Hoàn Lão, căn cứ trung tâm của quận lỵ Bố Trạch, nơi đầy rẫy Tây đen và gái điếm, mà bấy giờ gã Điểu say mê gấp mấy lần ả đĩ Loan của gã ở quê. Liền những tháng sau đó, nhiều du kích làng Nam Phúc và mấy làng lân cận, bị chặt đầu, bêu trước cửa chợ.

Gã Điểu, chẳng mấy chốc, đã lên đến chức đội nhất, khét tiếng gian ác, được Pháp tin cẩn, đi đâu cũng có lính tháp tùng, bảo vệ. Như một con gà chọi say máu, gã lao vào chém giết và chơi bời trác táng thâu đêm, chẳng nể sợ ai; trong một dịp đi càn, đã gặp một cô gái xinh đẹp, con gái ông Cửu Sang, ở làng Chùa, và gã cướp nhất quyết cho bằng được.

Gần đình chiến, có một sự xúi quẩy cho ba anh em gã: người anh đầu, thậm thụt với một ả góa xóm bên, bị du kích đón đường, tương cho một băng súng máy vào ngực, chết gục cạnh đường tàu. Còn gã, suýt chết trong một trận càn, bị một viên đạn găm vào phổi, phải vào viện mất mấy tháng. Vết thương ấy đã làm cho gã bị bỏ rơi lại, khi người anh thứ hai kịp xuống tàu, di cư vào Nam.

Nhiều khi gã lấy làm lạ là tại sao người ta không giết gã. Đôi bàn tay của gã đã dính biết bao máu người! Có lẽ cái câu phương ngôn "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại" đã cứu gã. Người ta chỉ đưa gã đi học tập, cải tạo vài năm, rồi trả về với vợ con. Bấy giờ người ta chỉ nói đến chuyện xây dựng hợp tác xã, đến chuyện sản xuất và chiến đấu chống Mỹ, không ai nhắc đến chuyện của gã, người ta cố quên đi cho gã.

Nhưng gã thì gã không quên, gã vẫn nhớ. Thậm chí gã vẫn tin có ngày... ừ, có ngày gã trở lại sung sướng như thời sống vương giả trong đồn Hoàn Lão. Niềm tin ấy là nguyên nhân gã để mất ngôi nhà thứ hai...

Niềm tin ấy vẫn sống ngắc ngoải trong đầu gã, thầm kín, không ai biết được, kể cả vợ con! Bởi bên ngoài, gã đã là một nông dân cần cù, chăm làm lụng. Quần đùi xanh lấm tấm bùn và áo bà ba đen bạc phếch, đầu đội cái nón mốc xám, gã lùi lủi đi theo con bò và cái cày một cách mẫn cán; đôi khi vui miệng, gã còn cất lên điệu hò giã gạo (mà gã hò mới hay làm sao!) trêu ghẹo mấy mẹ, mấy o ở tổ cấy. Chẳng còn lại dấu vết gì của anh lính tàn bạo ngày xưa trên con người gã Điểu, trừ đôi mắt đôi lúc bất chợt lóe lên vẻ thâm ác, ít người nhìn thấy; và, hai chiếc răng vàng đứng cạnh nhau ở khóe miệng trên, thỉnh thoảng cũng lóe lên như đôi mắt. Có sức khỏe, sẵn nhân công lao động, hai vợ chồng và ba đứa con trai đến tuổi, đã làm cho gia đình gã thu nhập càng tăng. Xây nhà, xây sân, lập vườn, trồng tiêu; nói chung gã làm ăn khá giả.

Bây giờ gã lên lão lâu rồi, người khô đét. Vết thương ở phổi vẫn hành lão luôn, không biết nó cảnh tỉnh lão hay nhắc nhở lão điều gì. Ba thằng con trai tuổi sàn sàn nhau đã lần lượt lập gia đình, làm nhà ở riêng. Người ta nghĩ: đời lão Điểu thế là thỏa mãn, không còn trông đợi điều gì!

Thế mà, lão vẫn còn mong đợi! Không ai biết lão vẫn còn mong đợi. Người ta nói: "Chết, đít cà cuống vẫn cay!" có lẽ không sai đối với lão. Người anh trai thứ hai của lão mắc kẹt ở Sài Gòn, không kịp di tản sau ngày Ba mươi tháng Tư, viết thư nói điều gì với lão, mà thấy lão đôi lúc bất chợt đăm chiêu, suy tính...

Có lẽ, cái điều lão chờ đợi hai mươi năm đã đến chăng? mà mùa xuân 1977, nhân cử ấy trong xã có đợt vận động đi xây dựng vùng kinh tế ở Tây Ninh, lão viết đơn xin đi, cùng với ba con trai. Thế là cái cơ ngơi to lớn của ông cha và ba thằng con trai được bán tống bán táng đi cho kịp.

Nhưng chừng được một năm, người ta thấy lão, như một con chó không lông, cùng ba thằng con trai phờ phạc, đưa gia đình tan tác trở lại quê nhà. Người con gái xinh đẹp xưa kia của ông Cửu Sang đã không trở về. Bà chết vì sốt rét cùng với ba đứa cháu, con của ba người con trai bà.

Người ta đổ rằng lão Điểu vỡ mộng. Lão nhận được thư anh trai và tưởng rằng thời cơ đã đến, khi quân Pôn Pốt đánh sang, quân của Phun-rô và bọn phản động nước ngoài từ Tây Nguyên đánh xuống, lực lượng trong nước ngóc đầu dậy, đánh tới, thế là giải quyết xong!...

Và người ta đã giải quyết xong thật. Quân Pôn Pốt bị đánh tan tác đến tận sào huyệt, những toán gián điệp nước ngoài bị nhốt trong vành móng ngựa, và bọn phản động trong nước sợ hãi, xanh mặt, im re! Chỉ có lão Điểu là dại, lão, ngóc đầu dậy, và bị ba anh con trai của lão túm cổ, trị cho một trận; chúng hiểu được ý đồ của người cha kéo cả gia đình vào đây làm gì! Và ba anh em ngậm ngùi vì mất ba đứa con và một bà mẹ, bỏ ông bố, kéo nhau về quê. Cho nên bây giờ lão phải lủi thủi ở riêng, trong một túp lều lợp rạ ở bìa làng, con cháu chẳng thèm dòm lại.

Bây giờ, lão Điểu đã bảy mươi hay quá bảy mươi? Cô đơn và tiều tụy, nước da đã ngả sang màu khó tả: Vừa răn reo tái xám của cơn sốt rừng mang theo, pha lẫn màu vàng bủng của thiếu ăn; vừa khô đét và bóc vảy từng mảng. Đôi mắt kéo màng đục lờ đờ; bộ râu thưa vài sợi trắng quăn queo; cái đầu không tóc, loang lổ những vết chàm sẫm, to bằng đồng xu. Người ta nói "Đói rụng râu, sầu rụng tóc" có lẽ là nói như vậy. Những ống tay, ống chân của lão chỉ còn da bọc xương, hằn rõ những mắt xương thô lố. Nom lão như một con ma, đến nỗi nhác trông thấy bóng, trẻ con đã bỏ chạy!

Lão sống được có lẽ nhờ kinh nghiệm trồng dưa. Dưa của lão trồng ra nhiều lứa. Khi xung quanh trái còn xanh thì lứa dưa sớm của lão đã chín, đen bóng trên nương, lão bán được tiền. Khi xung quanh đã vãn, chỉ còn bán dưa nánh, thì lứa dưa tiếp theo của lão vẫn còn lăn lóc cả nương, như đàn lợn con béo múp; bấy giờ, lão một mình một giá, lại được tiền. Sau lụt tiểu mãn, ngọn dưa bị bết đất, rụi hết; xung quanh người ta bỏ hoang, sấp ngửa theo việc đồng áng, lão Điểu còn kịp làm một lứa dưa trễ, dưa non, không để chín, bán cho người ta muối trường, dành ăn trong mùa mưa lũ.

Phân bón dưa lão chuẩn bị quanh năm, rất cẩn thận. Lão nhặt phân trâu bò rơi vãi dọc đường thôn, trên bãi chăn dắt gia súc, dưới gốc những tán cây rợp bóng, nơi bọn trẻ thường buộc trâu bò những trưa nắng; phơi khô, rồi đem đốt, lấy tro bón. Ơn trời, đất vùng này cát nhẹ, tốt dưa, dễ làm, nên cái sức vóc tàn tạ của lão vẫn còn cựa quậy được. Lão đào những cái hố hình tròn, rộng chừng một mét, sâu hơn gang tay, rồi cho phân tro xuống, trộn kỹ cùng đất cát; xong đấy, lấy bàn tay vỗ nhẹ lên mặt đất, cho lì, để giữ ẩm; cuối cùng, lão găm hạt dưa xuống, thành từng nhóm. Mỗi hố như thế ước chừng mười hạt. Dưa của lão chẳng sâu sia, bệnh tật gì; lại sai quả, cứ ngọt lự, rất ăn khách.

Mỗi mùa dưa, lão thu cũng khá tiền. Có điều, trăm thứ bà rằn đều nhìn vào đấy: từ hạt gạo, củ khoai, đến hạt muối, con nắm, nhưng có lẽ thu hút nhiều nhất là rượu, có ngày lão chỉ uống rượu trừ bữa. Những ngày như thế, chỉ tội cho con chó vàng, cứ ngồi chòm rõm, chờ mãi mà vẫn không thấy chủ ném cho cái chụt khoai nào!

Năm nay lại được dưa, khách mua kéo về đông lắm. Khách Nhà nước, khách tư thương, cứ dập dìu; họ mua mỗi lần hàng ô tô. Chẳng mấy chốc, đống dưa đã vãn. Các lều giữ dưa lần lượt được dỡ hết. Chỉ còn trơ lại cái lều giữ dưa của lão Điểu, hai mái bằng lá mía ải xám, như cái hầm chữ A trong chiến tranh, và vườn dưa còn lăn lóc những quả, da xanh thẫm, bóng loáng dưới nắng hè của lão.

Bấy giờ, gần như suốt ngày, suốt đêm lão Điểu ở ngoài ruộng dưa. Một ấm nước chè xanh hâm đặc, một dãy khoai lang luộc sẵn, thứ khoai đất cát vỏ màu hồng sen, bột vàng, thơm và bùi, và một cái tẩu, không biết làm bằng thứ gì, lão giữ được từ hồi còn ở lính, đen bóng vì mồ hôi và xái thuốc; đôi khi còn có cả cút rượu. Mùa dưa chính, lão sang thế!

Trẻ chăn bò tất nhiên là sợ lão; nhưng lại thèm những trái dưa. Lũ quạ cũng thế! Cho nên lão phải ngồi chòm rõm trong lều, mà trông ra, không dám nằm. Lão chờ thêm vài hôm nữa cho được giá, bọn tư thương là mua liều mạng lắm; chúng sợ Nhà nước mua hết đi mà! Chúng mua cao, trả tiền liền, có khi lại còn biếu lão cả rượu nữa!

Để đuổi lũ quạ, lão làm hai con bù nhìn đứng gác hai đầu. Quả thực, hai con bù nhìn cũng rách rưới y hệt lão, thành ra, lũ quạ chỉ lượn quanh, đôi khi có nhắm mắt sà xuống thì rồi phải hoảng hốt bay lên, vì những con bù nhìn bị gió lay, gật gật, như sẵn sàng chộp lấy chúng.

Lão chỉ lo nhất thằng Duệ, cái thằng trời đánh thánh đâm, hắn chăn bò cho hợp tác xã: gặp lão là miệng hắn châm chọc, như thể lão là bạn chăn bò của hắn.

- Này, lão Điểu, hắn nói, lão thì chỉ còn hai tay bíu trên dương gian, hai chân kia đã chòi chòi dưới âm phủ rồi, làm cho ai ăn? cho mấy bà bán rượu chắc?

Nói, rồi hắn cười hì hì, bế xốc lão Điểu lên như bế trẻ con, chưa thôi cợt nhả:

- Cho bọn này quả... Bọn này còn... khiêng lão ra đồi chớ!... Hì hì...

Lão Điểu cố vùng vẫy để trằn ra khỏi tay thằng Duệ. Lão thừa biết cái âm mưu của hắn: hắn ôm lão là có đứa hái dưa ở đằng kia. Nhưng lão chẳng giận nó được lâu, bởi nó là người duy nhất lui tới nhà lão, hỏi thăm lão có đau ốm gì không.

Ban đêm thì ít sợ mất hơn. Từ làng ra đây có hàng cây số, lại trái đường, ai ra làm gì! Nhưng lão vẫn canh giữ, phần vì nằm cũng như nằm đây, lại đỡ đi lại: phần vì ở đây gần đường quốc lộ, ngộ nhỡ có đứa nào ác, nó ghé ô tô lại thì lão mất nhờ. Cho nên, đêm lão cũng nằm còng queo trong cái lều này.

Đêm nay, trăng rồi sáng phải biết! Hoàng hôn xòa những ngón tay màu hồng từ phía mặt trời lặn, vươn về phía biển. Người ta bảo đấy là rồng hút nước, sắp mưa; nhưng lão Điểu chẳng tin, bởi mùa này chiều nào cũng thế, và gió lào thổi rạc cả cỏ cây - Lão Điểu đi một vòng quanh ruộng dưa, lầm bầm điều gì trong miệng, rồi trở về lều. Con chó vàng đi sau, ngửi hít dấu chân lão. Giờ này trên đồng dưa đã lắng lại, phía đường cái ô tô cũng thưa dần. Cái nóng và gió lào đã dịu đi quá nửa. Lão Điểu lôi ấm chè xanh ra, chiêu một ngụm, rồi thư thả ngồi ngắm những vì sao đầu tiên nhấp nháy trên bầu trời.

Trăng đã nhô lên mé biển, đỏ như lòng quả dưa chín cắt ngang. Lão thấy yêu đời. Con người gần đất xa trời ấy còn thấy yêu đời mới lạ! Lão chui vào lều, lôi ra cút rượu, rút cái nút bằng lá chuối khô cuộn tròn, quay mặt về phía vầng trăng, như thể trăng là người hầu rượu cùng lão, tu liền một hơi không biết gì trời đất.

Khi con tim yếu ớt, già nua của lão bỗng đập rõ tiếng, như trẻ lại đôi phần, lão quay lại, toan chui vào lều, thì cận kề ngay trước mặt lão, như thể chui từ dưới cát lên, một người con gái, trong ánh trời nhá nhem và ánh trăng chưa sáng rõ, tuổi chừng hăm sáu hăm bảy, cái áo màu thẫm không biết xanh hay đen, quần lụa đen xắn lửng ống chân, và đôi quang gánh nhẹ tênh.

- Ông ơi! cô gái nói, cháu ở Lộc Hòa, đi bán dưa ở chợ Hoàn Lão, ế quá, trễ mất xe ông ạ!

Vừa nói, cô gái vừa bỏ đôi quang gánh xuống và ngồi xệp trên đất cát, hai tay vuốt xõa ống quần, vẻ mệt mỏi của người đi bộ xa. Chuyến xe đò cuối cùng chạy vào lúc bốn giờ rưỡi chiều, xe đâu còn bây giờ!

- Qua Ba Dốc cả đêm một mình, cháu sợ lắm! ông cho cháu... nghỉ tạm đây rồi sớm cháu về...

Lão Điểu rờ rẫm chui vào lều, chẳng nói chẳng rằng, bươi cát, dúi cút rượu xuống cho vững, rồi khẽ nằm xuống trên nền cát trải rạ làm chiếu. Lão biết nói gì! Đuổi người ta cũng chẳng được! Con gái đi đêm đi hôm một mình, qua cái Ba Dốc quạnh vắng, mà người ta đồn là nhiều kẻ cướp ấy, làm sao được! Còn cho người ta nghỉ thì... chậc, lão có gì mà cho? Cái lều bằng nắm tay, lão cũng còn nằm trên đất. May mà gió to, gió lào khô rang, khiến cho lũ muỗi xiêu bạt đi đâu.

Lão Điểu nghiêng người, đẩy ấm nước chè xanh ra trước cửa lều. Cô gái hiểu là ông mời nước, nhích đến xách ấm nước lên. Nhìn quanh, biết là không có bát, không nói gì, cô gái ngửa cổ uống ực mấy hớp, rồi cất ấm vào chân lều, ngồi nắn bóp lòng bàn chân của mình.

Đầu óc lão Điểu cũng thoáng có những câu hỏi nghi ngờ đối với cô gái, nhưng đều bị loại bỏ: Gái làm tiền chăng: thì ai chọn lão già không tiền! (Của đáng tội, đợt dưa sớm lão cũng bán được mươi nghìn, giờ còn chút đỉnh, lão nhét ở trong ngực áo). Kẻ lưu manh ư? Thì lão có gì mà lừa lọc! Hay kẻ trộm? Sức ấy thì gánh được mấy quả? Giỏi lắm thì được bảy tám quả, trong khi vườn lão có hàng trăm!

Men rượu đã làm mềm muội các khớp xương và những ý nghĩ của lão, lão ngáy khò khò, thở ra bằng mồm phập phù của người không còn răng...

Không biết lúc ấy là mấy giờ, chắc khuya lắm. Có lẽ các phân tử rượu đã bốc hơi hết trong mạch máu lão Điểu, nó thừa ra thứ nước không phải rượu, cần được tống đi. Lão trở mình, ngồi nhổm dậy. Trăng sáng quá, sáng như ban ngày, đến nỗi đôi mắt mờ đục của lão cũng nhận ra được những vỏ dưa lấp lánh ở trong vườn dưa.

Lão Điểu khom lưng, định chui ra khỏi cửa lều, chân vấp ngay một vật gì mềm mềm, lão nhìn xuống, nhận ra người con gái ngủ nhờ.

Lão đi vòng quanh ruộng dưa một lượt, sau khi đã làm xong cái việc mà thần kinh đánh thức lão dậy. Gió biển đưa lên mát lạnh, khiến lão tỉnh ngủ. Bốn bề mênh mông, vắng lặng. Hai con bù nhìn như hai người chết rũ ở hai đầu ruộng dưa. Con chó vàng đi sau lão cũng uể oải, ngáp dài...

Lão Điểu chui vào lều, thật bất ngờ cho lão: người con gái ngủ nhờ đã nhích vào nằm trong lều, đôi chân sóng soài ngáng đường vô của lão, vẻ còn mê mệt giấc say khiến lão không dám bước chân qua. Ở nông thôn, người ta kiêng bước chân qua chân người khác, nhất là người ấy chưa chồng hay chưa vợ; mà cô này chắc là chưa chồng. Lại nữa, khi bước chân qua, ngộ nhỡ cô gái thức giấc, có thể co chân, làm lão ngã, mà ngã vào cái tuổi này thì khó dậy được!

Lão Điểu cúi xuống, định bụng nhấc đôi chân cô gái lên, đặt xuôi ra, để lấy đường đi. Nhưng đôi chân mát rượi, trắng ngần dưới ánh trăng, chẳng rụt lại, mà giơ lên, gác vào đầu gối lão, ống quần lụa mỏng chảy vào, lồ lộ cả bộ đùi nõn nà, khêu gợi. Lão Điểu vội gạt nó xuống đất, định bước qua, nhưng nó lại vẫn gác lên gối lão như cũ. Lần này bàn tay lão không gạt nổi nó nữa, ngược lại, từ đôi chân trắng như nặn bằng sáp ấy, như có một luồng điện truyền qua tay lão, khiến lão tê dại, bần thần ngồi xuống cạnh cô gái...

Có một mùi thơm, lâu ngày không gặp, nên lão không rõ là mùi gì, nhẹ và thoảng. Đúng rồi, mùi phấn và nước hoa tỏa ra từ da thịt con gái. Ngày xưa, ở lính lão lạ gì cái mùi này, nó ngào ngạt ở các cô gái làng chơi, chỉ thoáng thấy bóng gã trung sĩ nhất là chúng ưỡn ẹo: "nầy thầy đội ơi... đêm nay em là của thầy... Thầy là ông hoàng đêm nay trên thân thể em...". Và đêm nào cũng thế, rượu sâm banh và gái đẹp ngập lút đời trai lão...

Bây giờ có một ả như vậy ở đây? Không! Trông nó hiền khô thế kia! Ồ!... mà sao nom giống con Lương nhà lão quá (lão cúi xuống gần mặt cô gái). Lương đấy hả con? Tội nghiệp con bé, nó làm y tá thôn, gan lì không ai bằng. Ở đâu có bom nổ, có nhà cháy, có hầm sập là ở đấy có nó; hai bím tóc ngắn cộc, lúc ẩn, lúc hiện trong khói bom. Ai cũng khen: "Con bé được người được nết đáo để". Nó là con gái út của lão, mới mười bảy tuổi chớ mấy!

Nhưng nó chết rồi. Người ta nói "bom đạn chừa nó", thế mà không đúng - Nó vẫn chết bom. Sau ngừng bắn ít lâu, trong đợt làm đất gieo lúa vãi, (vì đập nước Đá Mài bị bom đánh sập, ruộng không có nước, phải gieo lúa vãi) giữa hàng chục cái vồ đập đất dồn lại, cố làm xong khoảnh ruộng cuối cùng; cái vồ của nó chọn tảng đất to nhất mà đập. Ai ngờ, trong ấy có quả bom bi...

Đúng, con Lương nhà lão đã chết. Mộ nó đặt trong nghĩa trang của xã, ở kia kìa!

Vậy thì đây... không lẽ...

Mà nó là gì đi nữa thì có ảnh hưởng gì đến lão? Lão chẳng mất mát gì, chắc chắn thế; ngược lại lão được nữa là khác! Mấy ai ở tuổi lão được phút may mắn này? họa chỉ có vua chúa ngày xưa! Đích thị là của trời cho. Mà của trời cho thì phải hưởng. Đời lão còn gì nữa đâu, ngoài cái tuổi bảy mươi gần đất xa trời, cô đơn và tàn lụi; chẳng còn gì nữa hết! Vậy thì, cái này ắt là một vật báu trời cho không dễ gì có được. Lão đưa mắt nhìn quanh bốn phía, chẳng có ai, ngoài con chó chồm hổm trước lều, và hai con bù nhìn gật gật, như tán đồng với ý nghĩ của lão. Tay lão bắt đầu rờ rẫm trên thân thể người con gái. Ánh trăng sáng tỏ, đọng vũng trước cửa lều, phả lên làn da trắng ngà một màu linh ảo. Người con gái không phản đối gì, thậm chí, ả còn hơi ưỡn ngực, như dâng mời lão, khiến lão một giây chột dạ. Hay là ma quỷ. (Nếu có ma quỷ thì ắt lão đã làm mồi cho ma quỷ từ lâu rồi, bởi lại giết bao nhiêu mạng người!). Vậy thì có lẽ đây là trong mơ?

Lão Điểu dừng tay lại, véo vào cái đùi bọc da nhùng nhằng của mình; chưa đáng tin; lão nắm vài sợi râu ở cằm, giật mạnh, lão nhăn mặt, đau đến chảy nước mắt. Không! Không phải mơ, thật hẳn hoi! Đích thị là của trời cho! Ý nghĩ ấy lặp lại trong óc khiến lão bình tâm. Lão chỉ tiếc là tuổi đã già, không còn sức để mà tận hưởng nữa. Lão bỗng nhớ đến cút rượu chôn ở chân lều, lão với tay, ngửa cổ dốc cạn, gật gù: Đích thị là của trời cho...

Nhưng trời chẳng cho mỗi người đến hai lần đâu! Vậy nên phải hưởng, chết cũng cam lòng! Mà lão chết là phải lắm rồi, sống chẳng có ích cho ai, con cái nó hắt hủi, nó bỏ rồi...

Thực ra, chúng nó bỏ rơi cho lão là may đấy; nếu không, chúng giết lão lâu rồi; khi mà bên kia chân đồi súng nổ sát sạt, quân Pôn Pốt đang ào ạt tràn tới gần; chúng thấy cha chúng, từ bao giờ, đã lôi ra bộ đồ lính cũ nát, có gắn mề đay, bấy lâu cất ở đâu, bây giờ mang vào, ngồi xếp bằng tròn, chễm chệ rung đùi, trong tư thế nghênh tiếp; đôi mắt vằn những tia máu, lóa lên trong một cái cười khó hiểu, miệng lẩm bẩm một thứ tiếng bồi thều thào: "Bờ-ra-vô! Bờ-ra-vô!..." Tất nhiên ba thằng con trai của lão tóm lão, lột trần, ném bộ quần áo lính có gắn mề đay vào bếp; cho các hy vọng cuối cùng của lão thành mây khói...

Với ý nghĩ chết bây giờ cũng đành lòng, lão Điểu chàng lính về già, quyết định tận hưởng cái "của trời cho" ấy một cách từ từ, nhấm nháp như người uống trà ngon, nhưng lập cập, với cái sức tàn tạ, đói rét, thiếu ăn của tuổi bảy mươi, vừa được tí men rượu khuấy lên. Con chó vàng chồm hỗm trước lều, trố mắt không hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Ngoài kia, hai con bù nhìn cũng ngơ ngác...

Nhưng lão Điểu đã không chết như lão tưởng. Chứng cớ là, khi mặt trời lên, nắng xói thẳng vào mặt, vào gáy, đôi tròng mắt lờ đờ ám mây của lão nhập nhèm mở ra; rồi tiếp đến là các ống tay, ống chân răn reo bắt đầu khẽ nhúc nhắc cử động; cuối cùng thì lão cũng ngồi dậy được. Vật đầu tiên đánh thức bộ não già nua và mệt mỏi của lão là mớ giẻ rách xỉn màu nằm trên cát, ngay trước mặt lão. Lão cầm lên và nhận ra đó là cái quần của mình. Cho đến khi đôi mắt lờ đờ như người sắp chết của lão, bắt gặp nửa người trần truồng, gớm chiếc của mình, thì lão nhớ ra tất cả...

Không biết có một sức mạnh nào đã dựng lão dậy, khi đôi mắt ngỡ không còn sự sống ấy nhìn thấy vườn dưa trống trơn, không còn một quả. Lão cắm cổ, lúp xúp chạy tắt qua vườn dưa, định về nhà; nhưng chân vấp phải một vật gì tròn tròn, trơn tuột, khiến lão ngã té giụi, sấp mặt trên cát. Lão lồm cồm bò dậy, và nhận ra đấy là trái dưa. Không, vườn dưa của lão vẫn còn đây, tất cả vẫn lăn lóc như đàn lợn con béo múp, nguyên vẹn. Lúc nãy, do hoảng hốt và do nắng lóa, lão không nhận ra. Nhưng lạ chưa, nó cứ như một mớ xương đầu lâu, giương những hốc mắt, hốc mũi, hộc miệng sâu hoắm, đen ngòm nhìn lão gườm gườm, đến kinh hãi. Thêm nữa, hình ảnh người con gái hồi đêm cứ chập chờn, khi mờ khi tỏ; mà những khi tỏ, lão lại nhận ra đúng là con gái lão, khiến lão kinh lợm muốn ói lên ở cổ. Lập tức lão vùng chạy, té sấp té ngửa, có khi phải bò lổm ngổm, hớt hãi ra khỏi vườn dưa. Hai con bù nhìn đón đường gật gật, nghiêng ngửa, như ôm bụng rũ rượi cười, giễu lão.

Lão chạy, đúng hơn là lão lủi, dọc theo bờ cây phi lao cằn cỗi, mặt dớn dác trông chừng bốn phía, như sợ ai nhìn thấy. Theo sau, con chó vàng còm cõi lông lá xơ xác, y hệt lão, cũng lo dò bước.

Lão lính già dâm đãng, bây giờ vừa hổ thẹn, vừa khiếp sợ, và vừa đói khát, nằm rũ như tàu lá chuối khô trên cái chỏng tre ọp ẹp trong nhà mình. Thằng Duệ đi vào, tay xách cái ấm nhôm lão Điểu quên lại ngoài lều, cất tiếng trêu từ ngoài sân:

- Ê, lão Điểu! Làm gì mà chạy như bị ma đuổi thế, bỏ quên cả ấm đây này!

Hắn bỏ cái ấm vào xó bếp lạnh lẽo, rồi quay đến khom người, cù vào người lão Điểu:

- Ơ! Lão ốm đấy à?

Lão Điểu không nói gì, chỉ chậm chạp hấp háy đôi mắt lờ đờ; thằng Duệ hiểu là lão nói "Phải!"

Mươi hôm sau, lão Điểu chết. Người ta không hiểu lão chết vì bệnh gì!...

Tháng 2-1988
H.P
(SH33/10-88)





 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Tóc mây (10/10/2014)
Đêm về sáng (25/09/2014)
Mimosa đang ngủ (04/09/2014)