Truyện ngắn
Ngôi nhà mồ vắng chủ
07:44 | 25/12/2014

HỒ TRUNG LIÊN

Vẫn còn đêm. Tôi choàng dậy bật điện. Ánh sáng lao ra hòa vào lớp trăng mỏng tràn xuống từ ngọn núi phía trước.

Ngôi nhà mồ vắng chủ
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Chưa bao giờ tôi chìm vào trạng thái như thế này. Mê man. Chợp mắt lại ác mộng hiện tiền. Có bàn tay vô hình bóp nghẹt tim. Mồ hôi nhễ nhại. Tôi không dám nhắm mắt nữa; hơi chìm vào giấc ngủ là bắt đầu của sự khiếp đảm. Từ ngày đặt chân lên đại ngàn gió núi, tôi gần như sống với những linh hồn. Những bức tượng nhà mồ trò chuyện với tôi trong thinh lặng. Thời gian tàn tạ trôi. Ngôi nhà lá tạm bợ vẫn nguyên xưa, bên trong những bức tượng nằm ngồi ngổn ngang. Không ai lên tiếng trách cứ tôi điều gì. Chưa bao giờ tôi mất hết hứng thú và khả năng sáng tạo trước những bức tượng nhà mồ buồn não. Phải chăng sự xuất hiện một nhân vật mới đã làm đảo lộn hết thảy? Nàng oán hờn, cản trở tôi hay ai đó bên kia thế giới đang giam giữ nàng trong cơn đau của ái tình. Linh cảm thần chết đang sờ gáy, vẫn gượng dậy nhìn bức tượng dở dang. Bất lực. Muốn chẻ, tước, đốt đi, nàng hãy tự tìm cho mình một gốc cây nương náu. Mới nghĩ vậy nước mắt tôi chực ứ. Nàng đang bơ vơ trong những chiều lạnh, trong tiếng chiêng xao xác rung ngân từ bản. Tôi cầm rìu đẽo thêm mấy nhát. Bỗng rùng mình. Máu. Tôi đang đẽo vào thân thể một con người bằng xương thịt, nhát dao sâu nhất ăn cả vào xương tủy. Tôi ngã vật. Trước lúc chìm vào một dạng chết lâm sàng, mùi nồng nã của gỗ mít tươi nguyên còn len vào thớ não.

Tôi không sợ những linh hồn bước ra từ vô số bức tượng mình tạo dáng. Vẫn luôn cô đơn trong cuộc trò chuyện, còn họ chưa bao giờ xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Khuôn mặt nàng chưa lộ, vết tạc thô buồn thảm, chưa ai trong bản có thể nhận ra. Hay chăng vì thế nàng xuất hiện trong cơn mê sảng của tôi với hình dạng nhầy nhụa, lấm lem gớm guốc. Giá nàng thét gào hãy mau tạc hình hài để nàng được thừa nhận trong không gian cõi khác. Và cứ mỗi lần tôi dựng khúc gỗ, đẽo vào một nhát dao tức thì máu tuôn. Tháng tám trăng vằng vặc. Tôi lập lờ dưới trăng, bước đến cả bên mộ nàng. Nàng không ở đó. Ngôi nhà mồ lẻ loi hiu quạnh, lá cây chất đầy ngõ. Hướng cửa chính đêm nào trăng cũng rọi. Lần cuối cùng tôi vuốt lên bầu má còn hồng lúc nàng nằm trong chiếc quan tài bằng gỗ lọt sâu dưới huyệt. Tôi nhớ rõ thế nằm của nàng, đêm thu nào ánh trăng cũng phả vào khuôn mặt rỡ ràng ấy. Thật khuya trăng mới khuất vào rặng núi, đó là thời điểm nàng ngủ giấc dài cho đến lúc mặt trời nhô cao phía sau đầu.

Ngọn núi đã thấp xuống. Dự án khai thác quặng khiến nó như con rắn quằn quại đau đớn. Càng tới gần trông thân thể ấy lở loét, nước rỉ từ lòng núi đỏ quạch. Tôi miên man rít thuốc. Đêm. Tĩnh lặng. Chỉ duy căn nhà của già làng chong đèn. Mấy con dê nằm ở sân còn thức, đôi mắt long lên. Già Pia ngồi bên bếp, trên là nồi rượu từng giọt chậm rơi xuống bát. Già không hỏi tôi, với tay lấy chai thay vào bát rượu, hơi bốc thơm nồng.

- Uống đi.

Tôi làm ngụm lớn. Rượu chảy tới đâu nóng rật tới đó. Tiếng khà thật mạnh. Tôi cúi mình bóp trán. Già Pia đứng dậy cầm con dao cắt miếng thịt khô trên dàn ném vào bếp. Tôi làm thêm ngụm nữa. Rượu ngon réo lưỡi. Già Pia nâng bát uống hết chỗ rượu còn lại. Rượu đã giọt thêm được một khúc chai. Tôi đẩy củi, khơi than. Mỡ thịt khô cháy khét. Tôi nhai miếng mồi, nhìn già Pia nén thuốc vào nõ. Già ém hơi thuốc sâu nơi cuống họng, mãi mới thả cuộc đặc quánh. Tôi nhìn đôi mắt hơi nheo và làn da nhăn rúm ấy, nghĩ đến lúc mình sẽ đẽo bức tượng nhà mồ cho già bằng hình ảnh bây giờ.

Chuếnh choáng, tôi bước về với một quyết tâm sẽ đẽo xong bức tượng cho nàng ngay trong đêm. Tiếng đứa trẻ khóc dài. Dường như nó đã khóc lâu lắm. Căn nhà đỏ điện. Chồng nàng có qua nhà khác ngủ lại? Em gái của nàng chắc đang trong ngôi nhà ấy dỗ cháu. Tôi đứng lại phía ngoài. Người con gái ấy tôi đã nhầm là nàng lần đầu tiên bắt gặp khi đặt chân lên vùng đất của đại ngàn xanh thẳm. Định bước vào. Chút ánh sáng hắt ra từ phên vách. Tôi kịp thụt vào tàng cây, và bước.

Ngả lưng lên sàn, châm điếu thuốc riết mạnh, sẽ tỉnh táo hơn để tôi hoàn thành chân dung nàng. Nhưng rồi thứ nhựa đặc quánh trong không gian trùm xuống. Càng cựa quậy nó càng quyện lại dẻo quẹo, cho đến lúc toàn thân tôi mỏi rời. Thấy mình chới với giữa mặt biển vắng tanh, với những nhịp bơi chậm dần, xuội dần... Tôi sẽ ngủ một giấc sâu nhất từ lúc chạm vào thân thể nàng, nếu như không có tiếng chạm khoét vào thân gỗ, đều đều. Nó đánh thức tôi một cánh lặng lẽ, nhưng lúc tôi vừa tỉnh thì giật mình, vùng dậy chộp lấy đèn pin rọi vào bức tượng dở dang - là nàng. Tại sao tôi không rọi vào những bức tượng khác hay vào bất cứ thứ gì trong nhà; một phản ứng như được chỉ đạo từ tâm thức, tôi không lý giải được. Điều tôi nhớ ngay đến đầu tiên lúc từ cơn ác mộng hay từ cõi chết bước ra chăng nữa chính là nàng. Khúc gỗ mít nằm nguyên chỗ cũ, không ai đẽo thêm một nét. Nàng còn mờ trong sương ảo.   

Tôi bó gối nhìn ra. Một thế ngồi rất giống với nhiều mẫu tượng đã tạc. Khu nhà mồ của bản hầu hết là tượng từ chính đôi bàn tay tôi. Đó là lối ngoặt cuộc đời. Từ một người điêu khắc nghiệp dư, đại ngàn rừng Tây Nguyên hoang dã cuốn hút. Một chiều ngắm những bức tượng nhà mồ đặt đúng không gian của nó, tôi lặng điếng trước nỗi cô đơn, u hoài, xa xăm đến đau đớn của họ. Tôi tìm đến với người tạc tượng, hồi đó ông chưa là già làng, say sưa đẽo khuôn hình cho những linh hồn nương náu. Tôi theo học, rồi thật ngẫu nhiên phải thực hiện tác phẩm đầu tiên là người vợ quá cố của già Pia. “Tao run tay không tạc nổi” - ông nói vậy và giao cho tôi một khúc gỗ. Bây giờ nó vẫn còn ngoài mồ, với vệt mòn năm tháng, đen xỉn. Từ đó già Pia phó thác cho tôi việc này. Khách du lịch mê man chụp hình quay phim, hỏi liệu có thể mua một bức tượng. Tôi lắc đầu, tượng chỉ đẽo khi người ta về cõi khác. Rồi khu nhà mồ trở thành điểm tham quan... Tôi và nàng đã hẹn gặp nhau ở đó sau hơn chục năm biền biệt. Đêm trăng mờ nhòa, lấp ló những khuôn mặt nhà mồ không sửa hướng nhìn mãi mãi. Chúng tôi ngồi trên một phiến đá cổ từ bao đời nay.

Trăng vẫn sáng vào những ngày đông. Mảnh trăng khô ẩn hiện sau lớp mây xám nhiều khi bất ngờ vụt sáng. Rồi một đêm mưa ồ ạt. Tôi thương những bức tượng nhà mồ trần truồng chống má giữa làn mưa không kịp vuốt mặt. Bước đến bên một người, chụp chiếc mũ mình đội hàng ngày lên đầu bà ta. Người đàn bà duy nhất trong bản không chồng. Lúc tôi ngụ cư ở bản bà trông còn khá mặn mà. Không chồng thì sao? Tôi muốn biết cảm giác của bà vào những đêm trăng non nhú mầm nhưng nhức. Nàng đến trước tôi, nương mình bên ngôi nhà mồ co ro tội nghiệp. Không thể ôm nàng giữa rất nhiều đôi mắt đang nhìn. Tôi sợ, những ánh nhìn không soi mói, chỉ có nỗi buồn toát hơi lạnh. Những bức tượng chính tay tôi tạc càng tủi phận, đôi mắt hoang dại như không tin nổi số phận đứt ngang dưới mây trời. Nàng ngước mặt muốn nhận một cú sét xé tan đời mình cho vơi nỗi hận.

“Anh nhìn đi. Vóc dáng này, làn da này, bộ quần áo này, giọng nói này... em đã trở thành người của núi rừng, của bản này rồi. Sống theo chồng chết cũng theo chồng. Già Pia bảo xưa nay trong bản chưa hề có một cặp vợ chồng bỏ nhau. Làm ma cũng là vợ chồng mãi mãi. Anh lên đây làm gì. Chỗ này có gì cuốn hút anh sao ở mãi. Anh không lên đây có phải em đã an phận rồi không. Tất cả chấm dứt lâu lắm rồi. Bao nhiêu năm lưu lạc chốn này em không hề một lần nhớ về anh. Không một lần. Anh đưa hết những bức tượng đã tạc về dưới xuôi đi. Buồn lắm. Não lắm. Nhìn đi. Đâu phải ai từ giã cõi đời cũng buồn rũ rục như anh miêu tả”.

Tôi nhìn quanh khu nhà mồ. Những bức tượng dõi mắt về nhiều hướng nhưng đều một nỗi u hoài. Vợ già Pia, kia là đứa trẻ bị rắn độc cắn; rất nhiều nữa khuôn mặt tôi gần như quên họ. Không một bức tượng bị đánh cắp, không một bức tượng nào gãy đổ ngoại trừ thánh thần và giông tố muốn hủy hoại. Ánh chớp lóe lên soi những vết thương qua mưa nắng dãi dầu, những hốc mắt khô kiệt dòng lệ vẫn lóe hy vọng. Giữa thâm u huyền mặc của rừng, tôi cảm giác đang đứng trước sự phán xử của những đôi mắt suốt đời không ngủ. Nàng là chứng nhân duy nhất có thể cứu chuộc lỗi lầm của tôi lại vụt chạy trở về với ngôi nhà có tiếng khóc trẻ nhỏ.

Thất thểu rời khu mộ. Tôi không về nhà. Triền miên những đêm dài bấn loạn. Tôi không biết về đâu ngoài ngôi nhà của già Pia. Già vẫn lặng lẽ tiếp tôi với bát rượu nóng.

“Nhìn lên núi đi. - Già vừa hút thuốc vừa nói. - Bước về phía núi đi. Lở rồi. Mộ đấy. Núi là ngôi mộ lớn nhất của bản. Mộ sắp bị quật lên rồi”.

Tôi ngồi im, lại uống rượu. Lại nhìn khuôn mặt khắc khổ của già Pia, nhận diện thêm những nét khác biệt, ghi nhớ để sau này có thể tạc bức tượng nhà mồ lớn nhất bản.

Những đêm dài trùng lặp như một khuôn mẫu. Có lúc tôi muốn thôi đến già Pia, phá tan cái không gian nhàm chán, thôi tạt qua ngôi nhà có tiếng trẻ ấy. Tại sao? Tôi muốn gầm lên như thú hoang. Rừng cũng tan hoang rồi già biết không. Già lên giữ rừng cho thú hoang sống đi. Rồi tôi đứng dậy, bất lực bước về con đường mòn của những đêm trước. Tiếng trẻ ít khóc hơn trong ngôi nhà còn tiềm tàng âm khí. Người con gái tôi từng nhầm là nàng đã thay nàng nuôi đứa trẻ bằng dòng sữa trong veo của mình. Chồng nàng hút thuốc nhiều hơn, thức khuya hơn. Và đêm nay, biết nói sao khi tôi thấy hai con người nhập lại một khối, đau quặn! Tôi muốn đâm mù đôi mắt nàng để tất cả không hiện diện. Còn tôi vĩnh viễn không được phép công nhận đó là sự thật. Là ảo ảnh bởi men say, bởi thần kinh rối loạn qua nhiều đêm mất ngủ vì ác mộng.

Tôi về hạ cây mít sau hồi nhà, vốn để dành đẽo bức tượng nhà mồ cho già Pia. Tôi nhớ về nàng. Như con thú trúng thương không cách gì chữa khỏi, tôi đã náu mình trong hang lạnh và vết thương ngày một ăn sâu. Thật lầm đường lạc lối khi ngụ cư ở vùng đất nắng gió khô rốc. Có nhắm mắt tôi vẫn đẽo ra bức tượng nhà mồ như thường. Tay nghề tôi thậm chí vượt già Pia. Tôi nhớ đến nàng qua nhiều hình ảnh dưới trăng ở khu nhà mồ của bản. Chưa bao giờ có một nụ cười. Nàng đẹp nhờ năng lượng nỗi buồn. Tôi lại chưa từng soi khuôn mặt mình trong gương từ lúc đến với bản. Tôi chỉ soi mình vào nỗi khiếp sợ cái chết hiện trên những tượng nhà mồ. Bằng tất cả huyết máu và ngón nghề tinh diệu, tôi bắt đầu đẽo tác phẩm quan trọng nhất trong đời. Dẫu máu tứa đầy tay cũng nhất khoát kết thúc trước bình minh. Bức tượng nhà mồ cuối cùng. Tôi sẽ đi khỏi vùng đất này, lãng quên nó như chưa bao giờ đặt chân đến.

Đêm lụi dần. Tôi không ngắm lại bức tượng, không làm nguội nó chỉnh chu hơn mà giữ lại nét thô mộc khắc khổ. Tôi vác bức tượng ra ngôi mộ của nàng. Trăng không còn. Ngọn núi qua ánh chớp thấy rõ hơn vệt đất đỏ chảy loang. Sẽ một ngày núi biến mất. Ánh trăng rọi vào khuôn mặt nàng suốt những đêm thu ướt lạnh. Tôi đặt bức tượng dưới chân nhà mồ. Bây giờ chắc nàng đã hiểu: nàng thực sự yêu tôi. Nàng thực sự khờ khạo giữa đại ngàn thâm hiểm. Tôi quỵ gục dưới chân nàng. Bức tượng xong rồi nàng biết không. Hãy nhập vào cho máu thịt thỏa thuê cơn khát. Rồi hãy đục khoét bức tượng như loài mọt nghiền trong từng thớ gỗ.

Tôi gượng dậy lùi ra ngắm lại bức tượng của chính mình… Hắn nhìn tôi xa lạ. Ngôi nhà mồ nhuốm lạnh. Vĩnh biệt con thú ngoan bé bỏng. Hành trang tôi cõng trên vai: Khúc gỗ đẽo dở dang chân dung nàng đã lau khô vết máu.


H.T.L  
(SH310/12-14)




 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Chị Hoài (19/12/2014)
Tóc mây (10/10/2014)
Đêm về sáng (25/09/2014)
Mimosa đang ngủ (04/09/2014)