Truyện ngắn
Thân phận cô giáo Hường
17:39 | 09/01/2015

XUÂN ĐÀI

Sáng nay, ông Phúc tiếp chuyện cô gái điếm. Anh trung sĩ dẫn cô gái vào phòng Ban chỉ huy.

Thân phận cô giáo Hường
Ảnh: internet

Ông Phúc bỏ tờ báo xuống bàn, đứng lên kéo ghế mời cô gái ngồi, với tay rót ly nước trà:

- Cô uống đi, rồi chúng ta bắt đầu.

Mặt cô gái phờ phạc, hai mắt quầng thâm.

- Dạ- cô gái ngập ngừng - Xin ông cho phép tôi được khai lại với ông sự thật. Tôi không phải là…

Ông Phúc cười, ngắt lời cô gái:

- Bây giờ vậy nhé. Mọi thủ tục, cán bộ chấp pháp đã làm việc với cô. Hôm nay, theo yêu cầu của cô mới có cuộc gặp gỡ này, đúng vậy không? Thế thì, cô cứ coi đây là một cuộc nói chuyện thân tình - Ông Phúc ngừng lại nhìn cô gái đang vân vê gấu áo, nói tiếp: nếu cô không phản đối ý kiến tôi thì chúng ta bắt đầu nhé. Vậy, trước khi tập trung cải tạo lao động, cô muốn gặp Ban chỉ huy để nói điều gì, cô cứ tự nhiên. Tôi là Phó công an quận.

Ba ngày hôm nay, kể từ cái buổi tối bị bắt, lần đầu tiên cô được nghe giọng nói lịch sự của một ông công an lớp tuổi cha chú cô. Cô cảm động rơm rớm nước mắt.

- Thưa ông - giọng cô hơi run - Hôm mới bị bắt về quận, tôi khai là Nguyễn Thị Bích, cư ngụ ở Hố Nai, Biên Hòa là tôi khai… trong lúc đầu óc rối bời. Mong các ông thứ lỗi cho điều gian dối đó. Tôi tên thật là Huỳnh Thanh Hường, làm nghề dạy học, chủ nhiệm lớp 11A3, trường… (cô gái khai rõ ràng tên trường, tên người Hiệu trưởng, nhưng xin các bạn tha thứ cho, không tiện chép ra đây). Tôi năm nay 31 tuổi, có hai con, đều là con gái. Chồng tôi đã chết cách đây gần hai năm. Anh nằm liệt giường hơn ba năm, bị bệnh cột sống và thần kinh tọa…

Cô gái, trước lúc gặp ông Phúc, định kể hết mọi khổ cực, thiếu thốn mà ba mẹ con đã chịu đựng trong mấy năm ròng. Nhưng bây giờ, đối diện với người có chức có quyền quyết định số phận đời cô, tự nhiên cô bỗng thấy tự ái, không việc gì phải quỵ lụy, phải năn nỉ, phải hạ mình. Số phận đẩy đưa ra sao, cô cam chịu, chỉ thương hai đứa nhỏ ở nhà, mấy hôm nay không biết sống ra sao.

Thấy cô ngồi yên không nói tiếp, ông Phúc dụi mẩu thuốc lá vào gạt tàn, hỏi giọng nhẹ nhàng:

- Cô dạy môn gì và được bao lâu rồi?

Cô gái cắn chặt môi, ngồi yên, lơ đễnh nhìn vào tấm lịch năm Dần có hình con cọp xinh xắn và hung dữ treo trên tường, phía sau lưng ông quận phó. Mãi tới khi không chờ được nữa, ông Phúc nhắc lại câu hỏi, cô mới sực tỉnh:

- Thưa ông, tôi dạy sử. Hết hè này là được tám năm. Tôi tốt nghiệp đại học năm hai mươi ba tuổi.

Ông Phúc khẽ lắc đầu, đứng lên đi lại góc phòng mở công tắc quạt trần. Tiếng quạt chạy vù vù không xua được cái ngột nhạt nặng nề. Quay trở lại ghế ngồi, ông Phúc che miệng húng hắng ho. Ðịnh hỏi thêm điều gì đó, không hiểu sao, ông lại đứng lên bước ra hành lang, chắp tay sau lưng đi đi lại lại. Linh tính nghề nghiệp báo cho ông biết phạm nhân không nói dối. Cô gái cúi đầu lặng yên, tủi hờn đè nặng lên thân phận.

Một anh công an cấp dưới đẩy cửa vào gặp ông Phúc. Hai người rì rầm chuyện trò ngoài hành lang. Khoảng vài phút, anh công an quay ra, im lặng như lúc vào.

Ðứng một mình trên hành lang lầu hai nhìn qua cổng gác là đường phố. Người xe đi lại bình yên. Có thực bình yên không? Ông Phúc khe khẽ thở dài. Cô gái không nghe tiếng thở dài não ruột ấy. Lúc quay vào, ông Phúc hỏi cô gái số nhà, đường phố rồi lúi húi ghi vào sổ tay. Ghi xong ông nói:

- Chúng tôi sẽ xác minh, nếu đúng sự thật như cô vừa trình bày, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho cô làm lại cuộc đời.

Cô gái cảm thấy bị xúc phạm. Song cô hiểu, lúc này không nên nói thêm một điều gì nữa. Cô đã quá mệt mỏi với người cán bộ chấp pháp, đôi co, lời qua tiếng lại, lúc nhẹ nhàng khi gay gắt, cuối cùng thua cuộc phải ký vào biên bản nhận mình là gái điếm.

- Dạ thưa ông. Các ông cho tôi trở về nuôi con, tôi sẽ sống khác. Tôi tin không bao giờ còn phải gặp lại các ông trong hoàn cảnh bi thảm như thế này.

Ông Phúc ngạc nhiên, thật sự ngạc nhiên, cô gái không hề dùng đến một lời van xin mà ông thường gặp ở những người rơi vào hoàn cảnh cô. Ông với tay cầm bình nước, rót thêm vào ly phía cô gái. Nước tràn ra bàn.

- Cô uống đi, rồi về phòng giam, chờ. Quyết định như thế nào, chúng tôi sẽ cho cô biết trong ngày hôm nay.

Cô gái ngồi yên, không đụng tới chén nước mặc dù khát khô cổ. Cô nói:

- Thưa ông, nếu các ông cho tôi về để trở lại làm nghề dạy học, tôi xin các ông một điều - Cô đã phải hạ mình dùng chữ xin và cô nín thở cắn chặt đôi môi tái nhợt để khỏi bật ra tiếng khóc - Xin các ông rộng lượng mà không thông báo cho trường tôi, cho địa phương tôi chuyện này. Hoàn cảnh cùng quẫn đã đẩy đưa tôi. Tôi không phải là con điếm đâu, không bao giờ là con điếm. Ký biên bản là một điều bắt buộc, xin các ông xác minh lại cho.

Cô gái dù bản lĩnh rõ ràng thì lúc này vẫn là một người đàn bà yếu đuối và thất thế. Tiếng khóc cố ghìm trong ngực đã bật ra. Cô gục đầu vào mép bàn, nức nở. Ông Phúc lại che miệng húng hắng ho. Dứt cơn ho, tựa lưng vào ghế, ông nhìn đau đáu vào cái mạng nhện trên trần nhà nơi có con mồi nhỏ tội nghiệp đang tìm cách thoát thân.

***

Ở phòng tiếp dân công an quận, người đàn ông trạc ngoài năm mươi vừa xuất trình chứng minh thư vừa nói với anh thiếu úy:

- Tôi là tổ phó dân phố, giữ chân an ninh. Tôi tới đây là có việc vậy nè. Ðể tôi kể đầu đuôi chú nghe. Kế nhà tôi có cô giáo tên là Huỳnh Thanh Hường mấy hôm nay đột nhiên mất tích làm tụi nhỏ con cô kêu khóc quá trời. Ðói nữa. Bà con lối xóm lục lạo khắp nhà cô giáo không còn một hột gạo. Cực vậy đó chú! Cho mấy đứa con nít ăn uống không khó. Nghèo thì nghèo, chớ bà con lối xóm chúng tôi còn nuôi được chúng nó dài dài. Khó, là cảnh gà con mất mẹ cứ nháo nhác. Bà con cử tôi đi kiếm cô giáo. Không cử thì tôi cũng đi. Có mấy người thấy tôi xách xe ra đi, tháp tùng luôn, đang đứng ngoài cổng quận chờ. Tôi đã lên phòng cảnh sát công lộ, ở bên ấy cho biết, hai hôm rày chỉ có một vụ đụng xe bị thương nhẹ. Người bị nạn là phụ nữ, đang nằm ở nhà thương Chợ Rẫy. Không giấy tờ nên không rõ tên. Chúng tôi tới đó rồi, không phải cô giáo. Tôi nói lộn xộn, chú ráng chịu khó nghe, cảm phiền chú nhé- Anh công an gật gật đầu, tủm tỉm cười- Nói không đúng chú bỏ qua cho, chúng tôi chỉ sợ cô giáo nghe lời kẻ xấu, thời buổi này thiếu gì kẻ xấu, xui dại chạy mánh chạy mung, buôn bán bậy bạ gì đó. Nghèo đói quá, tính nước liều, làm tàng mà bị bắt vô đây. Chú làm phước coi giùm công an quận có giữ ai tên là vậy không. Tôi có mang theo hình cô giáo Hường đây.

Anh công an đỡ tấm ảnh từ tay bác tổ phó an ninh. Tấm ảnh màu cỡ 18x24 rõ nét, chụp hai vợ chồng ngày cưới, đứng cạnh xe hoa. Ngắm nghía một hồi lâu, anh công an trao lại bác tổ phó, anh nói:

- Bây giờ thế này bác nhé. Các bác cứ về nghỉ, cháu sẽ xác minh ở quận, nếu quận nhà không giữ ai tên là Hường, cháu sẽ điện thoại hỏi các quận bạn, phối hợp với bà con dân phố, tìm cho ra cô giáo. Hay là thế này, bác cứ để tấm hình lại đây để chúng cháu tiện làm việc. Bác khỏi lo, chúng cháu giữ gìn cẩn thận, xong việc sẽ trao trả tận tay bác. Hình đám cưới là quý lắm, kỷ niệm một đời mà bác.

Bác tổ phó an ninh gật đầu ưng thuận. Bác rút từ túi ngực ra gói ba số mời anh công an. Anh công an cảm ơn, xin lỗi không biết hút. Bác rút một điếu, bật lửa. Rít một hơi, bác hỏi:

- Vậy chúng tôi có phải làm đơn trình bày sự vụ không chú?

- Dạ khỏi. Các bác khỏi phải làm. Ðịa chỉ nhà bác, nhà cô giáo, cháu ghi sổ đây rồi. Bây giờ bà con cứ yên tâm chờ, chúng cháu sẽ cố gắng làm thật nhanh.

Bác tổ phó đứng lên, chắp tay chào anh công an, ra về. Ði được mấy bước, bác ngoái lại dặn:

- Tìm lẹ lẹ cho mấy đứa nhỏ nó nhờ nghe chú. Tội nghiệp, hai hôm rày chúng gào khóc nghe mà xót ruột.

Mấy người trong tổ dân phố chờ trước cổng, thấy bác tổ phó đi ra, nét mặt vui vẻ, tíu tít xúm lại hỏi. Bác kể mọi việc vừa xảy ra, rồi buông một câu:

- Vậy là đâu vào đó.

- Ðâu vào đó là sao?

Bác tổ phó đủng đỉnh:

- Công an sẽ kiếm cô giáo giúp mình, mình khỏi phải chạy ngược chạy xuôi vất vả.

- Chắc không đó bác?

- Sao lại không chắc. Tìm được hay không, công an sẽ cho biết liền. Tôi nhìn vào khuôn mặt dễ thương, cách nói năng lễ độ của chú công an là tôi biết chú ấy không hứa lèo. Tôi có nghề coi tướng mà - Bác cười sảng khoái - Mấy ông mấy bà chỉ ưa nói xấu công an.

Một ông trán cao, hói, dáng dấp trí thức cười nhạt:

- Bà con có ai nói xấu ai đâu. Chỉ ưa nói thiệt thôi. Nghĩa là cái gì cũng phải có tiền. Muốn được việc là phải thả tiền ra, thả vàng ra, không thì … chờ đó giải quyết sau.

Bác tổ phó đủng đỉnh:

- Công an ăn đút lót ở đâu tôi không biết, chớ từ sáng đến giờ, vào hai nơi liền, người ta xử sự tử tế, đàng hoàng. Mời thuốc lá người ta không hút, mình quê một cục. Vậy là dư gần nguyên bao thuốc.

Một người trong bọn tiếp lời:

- Chỗ đông người làm le vậy thôi bác ơi. Cứ tay đôi, bác đưa gì mà họ từ chối, tôi cá đi bằng bốn chân. Tôi làm nghề tài xế tôi lạ gì. Có hôm nghe thổi cái rẹt, tấp vô lề, thằng cha công an cười rất tươi, nó hỏi chuyện như quen mình từ thuở nào. Mình hiểu ý rút hai tờ cho nó. Ðường vắng mà. Không cho ấy à, được ông cứ đi, nhưng lần sau thì nó phạt tới số. Nó có hàng trăm lý do để phạt. Nhưng mà nói cho cùng, cái thời buổi đồng lương không đủ sống nên bê bối hết trọi.

Một thanh niên trẻ nhất đám góp thêm một câu:

- Lái xe cứa hành khách. Công an cứa lại lái xe. Vậy là huề. Chuyện ăn đút lót có nói đến tết công-gô cũng không hết. Theo cháu, dẹp chuyện tầm phào đó đi. Bây giờ vậy này, sẵn có thuốc ba số, ta vô quán nhậu lai rai cho vui. Cháu có tiền đây, các bác các chú khỏi lo. Cháu bao hết để đền ơn bà con lối xóm đã có lòng tốt với mẹ con cô giáo.

Vẫn cái giọng chậm rãi, bác tổ phó nói:

- Bộ mày có họ hàng với cô giáo sao mà bày đặt vậy. Ai ham nhậu đi với nó. Còn tôi về cho bà con hay tin, cho tụi nhỏ hay tin, đặng còn lo liệu. - Bác dúi bao thuốc ba số vào tay anh thanh niên - Thuốc đây, cầm đi mà đi nhậu. Mày cứ nhậu nhẹt tối ngày chỉ khổ vợ con…

Bà con dân phố và cả cô Hường nữa đều không biết việc này: người công an trẻ bước vào phòng ông quận phó khi ông đang trò chuyện với Hường là người đã tiếp bác tổ phó. Anh đến đúng lúc. Ngành công an có được bao nhiêu người như anh ấy?

***

Ngay chiều hôm đó, cô giáo Hường được tha. Cô không về nhà vội. Về ngay, tụi nhỏ mừng, nhưng giải thích sao đây với bà con về sự vắng mặt của mình mấy ngày liền. Còn nhà trường nữa, khó nói quá. Suy nghĩ cân nhắc một hồi, cô định rẽ vào nhà người bạn vay ít tiền để đi xe xuống chỗ lành, sực nhớ tới lá thư của ông Phúc phó công an quận đang nằm trong túi áo, cô dừng lại bóc coi. Khi đưa lá thư, anh trung sĩ bảo chú Phúc dặn là lúc nào về tới nhà hãy mở, nhưng sốt ruột, cô không thể chờ về nhà. Ðứng dưới mái hiên tiệm may, cô bóc lá thư dán rất kỹ. Cô sững người. Trong thư có một ngàn đồng và mẫu giấy viết vỏn vẹn mấy dòng: "Cháu Hường, cho phép chú được gọi như thế. Trước đây chú và ba cháu cùng một đơn vị bộ đội, lính đặc công. Chính chú là một trong những người chôn cất ba cháu. Ba cháu hy sinh ngày 18/06/1972, đúng không? Chú mới chuyển ngành sang công an. Chú gởi số tiền ít ỏi này để cháu mua kẹo cho tụi nhỏ. Ðừng nghĩ ngợi gì. Chú rất đau lòng trước thân phận của cháu. Mong rằng chú cháu mình có dịp gặp lại nhau trong một hoàn cảnh vui vẽ. Chúc cháu và hai đứa nhỏ mạnh giỏi. Chú Phúc"

Nhiều người đi đường ngạc nhiên thấy một cô gái vừa đi vừa chảy nước mắt. Qua buổi trò chuyện, cô biết ông Phúc là người tốt, song lòng tự trọng của một nhà giáo trong cô, buộc cô phải suy nghĩ: bao giờ có tiền sẽ trả lại ông Phúc, cô không thể nhận đồng tiền thương hại của bất cứ ai.

Hường ra lộ, đón xe. Tới thị xã Biên Hoà, cô tìm nhà Lành, bạn học thời sinh viên sư phạm. Lành thua Hường một tuổi, cũng dạy cấp ba đang sống độc thân. Thấy Hường tới chơi đột ngột, Lành rất mừng, đáng lẽ nói một lời vồn vã thông thường, cô lại trố mắt ôm chầm lấy bạn, kêu lên:

- Trời ơi, sao mày ốm nhom vậy Hường. Trông như người vừa ở nhà thương về. Gặp mày ngoài đường chắc tao nhận không ra. Tụi nhỏ sao, khỏe không?

Hường bỗng òa khóc nức nở, Lành rất đỗi ngạc nhiên:

- Con quỷ, sao vừa tới đã khóc vậy mày?

Hường vẫn khóc tức tưởi như một đứa trẻ con. Khóc cho vơi tủi nhục, khóc để nói thật với bạn, nói ngay, chứ không để đến mai. Ngày mai, có thể Hường sẽ nói dối. Nói dối với ai, còn tha thứ được, chớ không thể nói dối với Lành. Nói dối với Lành là có tội. Trong số bạn của Hường, Lành là đứa thân nhất, tốt nhất, thương mến Hường hết lòng. Những ngày chồng Hường nằm liệt giường, dù ở xa, cứ vài ngày Lành lại xuống một lần, lúc lon gạo, lúc ít tiền giúp đỡ gia đình Hường. Bát cơm Phiếu Mẫu đó, sống để bụng, chết mang theo, nếu quên là vong ơn, Hường vẫn dạy hai đứa con điều đó.

Lành ra dây phơi lấy khăn đưa cho Hường bảo vào nhà rửa mặt rồi ra nói chuyện, Hường cầm lấy khăn nhưng lại nói:

- Thôi, chẳng rửa ráy làm gì, tao lúc này dơ bẩn lắm rồi. Tao vừa bị công an bắt. Ðược tha là tới đây liền.

Lành trợn tròn mắt:

- Thiệt hả? Làm sao mà bị bắt?

- Họ gán cho tao tội làm điếm.

- Sao lại có chuyện kỳ vậy?

- Họ cũng có lý của họ. Thủng thẳng tao kể mày nghe. Hôm nay là thứ sáu phải không? Chiều thứ ba vừa rồi, nhà tao không còn hột gạo nào. Dốc hết các túi, đếm đi đếm lại vẫn chưa được một trăm đồng. Không còn cái gì đáng giá để bán. Mang bộ quần áo tao vẫn mặc lên lớp đi cầm, mụ cầm đồ chê tới chê lui, không chịu với giá một ngàn. Bực quá tao ôm về. Quả là bộ cánh sang nhất của tao cũng quá tàng rồi. Nếu không có hai đứa nhỏ, hôm đó tao dám nhảy xuống cầu Bình Lợi cho xong cuộc đời. Ðầu óc cứ phừng phừng, rối bời, hết cách xoay xở nuôi con. Những chỗ có thể vay mượn được đều đã dơ mặt ra cả. Chờ lương, phải cả tuần, mà chỗ tao có bao giờ người ta chịu phát đúng ngày đâu. Vậy là, dúi hết số tiền cho hai đứa con, dặn má về trễ thì ra đầu hẻm ăn tạm bắp luộc, rồi sang bác Ba coi tivi. Hết chương trình Bông hoa nhỏ thì về nhà chờ má. Nhìn hai đứa hốc hác vì miếng ăn miếng uống mà giận đời, giận mình. Thế rồi tao đi. Ði đâu, làm gì, quả thực lúc đó chưa định, chỉ mong cho nó nhẹ cái đầu. Tao cứ bước thảng thốt trên lề đường, vấp lên vấp xuống như một mụ khùng. Ði một chập, thấy ngôi nhà thờ trước mặt, tao rẽ vô quỳ dưới chân Ðức Mẹ. Mày biết tao là đứa ngoại đạo, nhưng chẳng còn biết cầu cứu vào đâu. May ra Ðức Mẹ nhân từ rủ lòng thương. Thú thật với mày, chưa bao giờ tao thấy Ðức Mẹ đẹp như hôm đó.

Lành giục Hường uống nước. Hường nhấp một ngụm, nói tiếp:

- Ra khỏi nhà thờ, thay vì quay về đi vay gạo lối xóm, không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào tao lại thất thểu đi về hướng ga xe lửa. Giữa đường gặp con Thảo. Mày còn nhớ con Thảo học khoa Hóa không? Cái con Thảo lai đó. Gặp tao, coi bộ nó mừng rỡ, lại còn khen là tao vẫn duyên dáng như thời con gái. Nó khen đãi bôi, tao thừa biết. Kệ nó. Kéo tao vào tiệm giải khát nó kêu hai ly sữa đá cà phê, rồi hỏi chuyện. Ðang buồn, có người trò chuyện, vậy là tao giãi bày hết hoàn cảnh bi đát của mình. Nó ngồi nghe chăm chú, mủi lòng, rơm rớm nước mắt. Ngồi dịch lại gần, nó nói với tao một tràng tiếng Anh, thứ tiếng Anh hổ lốn của nó, mày còn lạ gì, nhưng nhờ trời phù hộ, tao hiểu được, đại để nó bào sẽ ra tay cứu vớt mẹ con tao.

Không nói năng gì thêm, nó bảo đi. Dọc đường tao gạn hỏi là nó sẽ ra tay cứu vớt tao bằng cách nào, nó cứ vòng vo tam quốc. Khi thì tao hiểu là nó sắp giới thiệu tao với một bà già nhà giàu để chạy hàng nước ngoài. Khi thì tao hiểu là nó có người bà con, anh em làm thủy thủ tàu viễn dương, nó muốn mai mối sao đó. Nó cười cười nói nói, vui vẻ hết cỡ. Còn tao, dù nghe nó vạch ra viễn cảnh huy hoàng trong tầm tay, cũng không làm sao vứt cái bộ mặt rầu rĩ đi đâu được.

- Cái con Thảo đã bỏ dạy mấy năm rồi - Lành nói - Xạo có bằng, ai còn lạ gì, sao mày tin nó được.

- Ngu vậy mới nên chuyện. Ðể tao kể tiếp mày nghe. Lúc tao với nó đến trước một biệt thự xinh xắn, không lớn lắm, kiến trúc theo lối Pháp, trời đã nhá nhem tối. Nó bấm chuông. Một bà gầy, cao, mặt mỏng, lối độ ngoài bốn mươi, mặc xoa Pháp, xủng xỉnh chùm chìa khóa ra mở cổng. Bà đon đả chào hai đứa. Vừa vào tới phòng khách, chưa kịp ngồi xuống, bà đã hỏi tao:

- Em vào nghề lâu chưa?

- Dạ, gần chục năm rồi.

- Lâu vậy hả, sao chị chưa thấy em tới đây lần nào?

- Con Thảo nhanh nhẩu:

- Nó là bạn cũ của em, chị Tư! Lâu lắm rồi, bây giờ mới gặp lại nhau. Chị Tư cho em nói riêng chuyện này tí xíu. Nó kéo bà chủ nhà ra hành lang, thì thầm to nhỏ một hồi lâu. Khi quay vào nó bảo tao cứ ngồi trò chuyện với chị Tư, nó đi công chuyện một lát quay lại rước. Bà Tư vào buồng mang ra một lô họa báo nước ngoài đưa cho tao, rồi tất tả đi lên lầu. Thứ họa báo rẻ tiền của Saigon ngày trước, tao chẳng buồn coi. Lòng dạ rối bời, tao cố phỏng đoán mọi việc. Bà Tư quay xuống, ngồi cạnh, âu yếm vuốt tóc tao, hệt như chị hai tao ngày xưa. Lâu rồi không có ai nuông chiều, bây giờ được một bàn tay mềm mại vuốt ve, tao xúc động thật sự. Nước hoa hảo hạng từ thân thể bà tỏa mùi thơm nhẹ, lan khắp phòng, gợi nhớ thời con gái.

- Tới với chị cũng có nhiều cô giáo lắm - bà Tư mở đầu - bây giờ làm cho Nhà nước, đủ ăn là người biết xoay xở, còn nữa đói dài. Cực nhất là nhà giáo các em, ít khi có bổng lộc. Như cô Thảo đó, chuyển sang làm việc khác mới mát mặt được vậy. Hoàn cảnh em, Thảo vừa kể với chị, thiệt là… không biết nói sao. Nhưng trời phú cho em sắc đẹp. Ðàn bà mà có sắc, chớ lo gì. Cái nghèo cái khổ thoảng qua thôi. Chị làm bà mai mát tay lắm. Mấy đứa tới đây vài lần là có đôi lứa liền, đều gặp được người hào hoa cả. Em rồi cũng vậy thôi, chịu cực lúc ban đầu…

Từ trên lầu, ông trung niên ăn mặc chải chuốt lộp cộp đôi giày đi xuống, theo sau là cô gái trẻ ăn diện đúng thời trang. Họ gật đầu chào tao. Bà Tư vội vã ra mở cổng. Nhìn cảnh vừa diễn ra, lại liếc mắt qua mấy tờ Playboy, lúc này tao mới biết đang ngồi chỗ nào. Ðầu óc quay cuồng, giận con Thảo lai quá. Bà Tư quay vào, tới chỗ khay nước, đưa bình trà lại. Tao đang định chào bả để về thì có tiếng chuông. Bà Tư xủng xẻng chùm chìa khóa ra mở cổng. Một chàng trai còn trẻ, cỡ tuổi thằng ba nhà mày bước vào. Hắn gật đầu chào tao, tủm tỉm cười, ngồi vào ghế đối diện. Bà Tư bả lả gõ gõ vào đầu hắn, nói một câu trách móc như hát cải lương:

- Bấy lâu nay lê gót bốn phương nào mà không ghé thăm chốn bồng lai này hả cậu Thắng?

Giá lúc khác tao đã không nhịn được cười. Cậu thanh niên cao ráo, mặt mũi coi được, dáng dấp con nhà có học hành chút ít, chớ không đến nỗi bụi đời. Hắn đủng đỉnh trả lời bà Tư:

- Tàu tụi em vừa về mấy hôm nay. Công an bủa vây quá trời. Mấy thứ hàng hóa chưa giải tỏa được. Tính xong mọi việc, ghé chị liền, chứ đâu dám giang hồ nơi khác.

- Cô Thảo mà không tới chắc mấy cậu bỏ tôi luôn.

Nghe bà Tư nhắc con Thảo, tao hỏi:

- Vậy Thảo đâu rồi anh?

- Bà Thảo hả, tôi đang ngồi nhà hàng với mấy đứa bạn, bà tới kéo ra ngoài … đẩy lên xe xích lô, thò tay vào túi áo, rút bao ba số bỏ vào xách tay là dông liền, đi ngả khác. Hẹn chín giờ chúng ta quay lại nhà hàng gặp bà ấy! Chúng ta là hắn và tao đó mày! - Hắn quay sang bà Tư - Chị đi ra ngoài mua giùm em gói ba số, không có ba số thì hêro, Jét, Con Mèo cũng được.

- Nhà có sẵn, khỏi đi đâu cậu. Thuốc ngoại hồi này lên giá quá trời.

Bà Tư chưa kịp đi lấy thuốc, lại có tiếng chuông, hệt như tiếng chuông con Thảo bấm hồi nãy, hai hồi, một hồi bốn lần bấm. Sau này, bị bắt vô công an, nghĩ lại tao mới biết đó là mật hiệu. Tao mừng trong bụng, tưởng con Thảo quay lại. Bà Tư vội vã xách chùm chìa khóa đi ra. Lần này không phải một người, một cặp mà là một đoàn sáu người, bốn đàn ông và hai đàn bà. Bà Tư vào trước, mặt biến sắc, theo sát sau là hai anh công an.

- Mời các bác, các chú ngồi - Bà Tư đon đả - cô cậu đây là em họ tôi tới chơi, cậu đây là…

Anh công an ngắt lời:

- Khỏi phải giới thiệu dài dòng bà Tư. Bà cho chúng tôi làm nhiệm vụ.

Vậy đó, tao bị bắt cùng gã thanh niên và trên lầu còn có hai đôi nữa.

- Vào công an mày chịu nhận làm điếm à?

- Ngu gì mà nhận. Tao trình bày đầu đuôi xuôi ngược, nhưng cái thằng cha chấp pháp, đúng là đứa mắc dịch, nó hỏi thì ít mà xỉ vả thì nhiều. Hắn truy ép bằng cái giọng nhỏ nhẹ, từ tốn, giá hắn cứ nổi xung lên xô ghế đập bàn, thần kinh mình có khi lại đỡ mệt. Cái lý ở trong đầu hắn: đang ngồi ở chỗ chứa điếm với một gã đàn ông, trong người không có giấy tờ tùy thân, sao lại là người tử tế được? Mệt quá, căng thẳng quá, thương con muốn sớm được về, cuối cùng tao đầu hàng, chịu ký vào biên bản nhận mình là con điếm.

Lành nghe bạn kể, mặt tái dần, cô vừa đau vừa giận, cô nói:

- Phải kiện lại, chớ không để vậy được. Ðể vậy còn ra cái thể thống gì nữa. Trước sau gì họ cũng đưa giấy về địa phương, về trường. Mày tính tới điều đó chưa?

- Thôi mày ạ, bút sa gà chết, tao đã chịu ký nhận. Vả lại - Hường nói chậm rãi từng tiếng - Nếu hôm đó không bị bắt, tao cũng chưa biết sẽ ra sao. Có khi đói quá, không chừng dám liều một lần lấy tiền nuôi con. Thôi thì mình chưa làm điếm nhưng thân phận cũng chẳng hơn gì con điếm. Bị bắt, tưởng xui mà hóa hên, đời mình vẫn còn trong sạch. Trước khi được tha, tao có gặp ông quận phó, do tao đề nghị và ông tiếp. Tao có xin ông đừng thông báo về địa phương và về trường. Ông im lặng, nhưng tao tin là ông ấy chấp nhận điều đó. Trời đất, chút nữa quên không nói với mày việc hệ trọng này. Tiễn tao ra về ông quận phó có viết cho tao mấy dòng lại còn cho cả tiền nữa. Hóa ra ổng là bộ đội cùng đơn vị với ba tao ngày xưa. Tao tính, vài hôm nữa sẽ viết thư cho ông, mong ông điều tra lại, xác minh kỹ càng để danh dự của tao vẹn tròn. Chứ ngành ta một số cô giáo cùng quẫn phải đi làm điếm là điều có thật. Viết thư chứ không làm đơn kiện lại, tao tính vậy nó nhẹ nhàng, tình cảm hơn, mày thấy có được không?

Hường đưa lá thư cho Lành. Chăm chú, Lành đọc như dò từng chữ, từng lời ông quận phó.

Hai cô giáo im lặng hồi lâu, không ai nhìn ai, tủi hổ cho cái danh hiệu kỹ sư tâm hồn mà mấy người no đủ thường hào phóng tặng các thầy cô trong ngày lễ khai trương.

- Lành à, mày thương tao, tha thứ cho tao, bởi vì nếu bảo là, trong chuyện vừa rồi, tao không có lỗi gì, e không đúng hẳn- Hường nói chậm rãi - đã - có - lúc - tao - buông - thả. Mà - buông - thả - và - sa - ngã - là - khoảng - cách - không - xa. Tao tới với mày hôm nay có hai việc. Việc thứ nhất đã xong, nói thật tất cả. Việc thứ hai, bây giờ tao nhờ mày ra đón xe xuống thành phố rước hai đứa nhỏ lên đây. Tao tính vầy, mày bảo là tao tới chơi, bị cảm đột ngột, kéo dài, bây giờ đỡ rồi, mày mới đi được. Tao chắc khi mày đến, bà con lối xóm sẽ xúm vô thăm hỏi, lựa lời mà nói dùm cho êm chuyện.

Minh họa: BỬU CHỈ


***

Mấy ngày sau, ông Phúc nhận được lá thư của cô giáo Hường viết kín bốn trang giấy học trò, nhờ ông xác minh lại sự việc để danh dự của cô không bị bôi nhọ. Ông Phúc đọc xong thở dài. Cất lá thư vào ngăn kéo, ông nghĩ thư thả sẽ làm việc này. Trước mắt ông phải lên gặp Năm Dũng, bạn bộ đội thời chín năm. Năm Dũng ở cùng phường với cô giáo Hường, thế nào cũng biết rõ hoàn cảnh. Ông sẽ bàn cách giúp đỡ, may ra cô thoát được cảnh túng quẫn trước mắt.

Sáng chủ nhật tới chơi, chưa kịp uống nước, ông đã kể lại tường tận mọi việc cho Năm Dũng nghe và đưa lá thư của cô giáo cho Năm Dũng đọc. Ðọc xong. Năm Dũng ngồi thừ người nghĩ ngợi, lát sau hạ giọng:

- Ðau vậy đó. Các nhà giáo khốn quẫn đến vậy là cùng. Lương giáo viên cấp ba, chứ chưa nói cấp một, tiện tặn lắm cũng chỉ sống được trên dưới mười ngày. Thầy giáo, cô giáo nào, lúc này cũng phải có nghề phụ. Phụ mà hóa chính. Làm đủ các việc, từ ngồi đầu đường bán thuốc lá, bán xôi, bán bắp nướng, bắp luộc, bán vé số, đạp xích lô… Tư cách nhà giáo coi như cái giẻ rách.

- Cô giáo Hường lúc này làm gì? - Ông Phúc ngắt lời ông Dũng.

- Làm gì ấy à? Thủng thẳng tôi kể ông nghe. Bây giờ ông cho tôi biết điều này cái đã. Các ông đã gặp con mụ chủ chứa với con Thảo để xác minh theo yêu cầu của cô giáo Hường chưa?

- Mắc nhiều công chuyện quá, chưa làm được. Con mụ Tư chúng tôi đã cho đi tập trung cải tạo lao động. Chỗ mụ cải tạo cách thành phố trên trăm cây số. Cán bộ thì mỏng, chưa bứt ai lên đó được. Còn con Thảo dông mất tiêu, không biết đâu mà tìm. Vả lại, chuyện đó cũng chưa quan trọng lắm, tà tà tụi mình sẽ làm. Cái cần làm ngay, hôm nay tôi lên đây để bàn với ông là làm sao lo cho ba mẹ con cô giáo đỡ khổ đã.

- Không được - Ông Dũng gắt - sao các ông lại cho cái việc xác minh là chưa quan trọng. Theo tôi, cái đó quan trọng nhất, cần thiết nhất, phải làm ngay. Danh dự con người, tư cách con người, đôi khi còn cần hơn miếng ăn. Người ta có thể chịu đói, chịu rét chứ dễ gì mà chịu được nhục. Tôi mong ông, bạn bè tôi nói thiệt, ông cần bắt tay làm ngay trong ngày mai, không thể coi nhẹ danh dự nhà giáo như vậy. Còn việc cô Hường yêu cầu không cho địa phương và nhà trường biết, các ông có làm không?

Ông Phúc im lặng hồi lâu, nghĩ ngợi, cuối cùng nói thật với ông Dũng.

- Ông thông cảm cho, trước lúc thả cô giáo Hường, bọn mình phải phối hợp với công an quận ông, để về địa phương thẩm tra, do vậy công an phường đã biết chuyện này. Ông yên tâm, chỉ có cậu trưởng phường và cậu công an khu vực biết thôi. Tôi đã dặn cậu trưởng phường lặng lẽ tìm cách giúp đỡ gia đình cô giáo, không được nói với ai…

- Hỏng, hỏng, vậy là hỏng - Ông Dũng nói nhát gừng, không giấu sự giận dữ - Ông biết làm vậy là hỏng chỗ nào không? Hỏng là vì cha trưởng công an phường này một thằng bê bối. Bê bối ra sao tôi sẽ kể với ông sau. Còn cô giáo Hường ấy à, tôi tin những điều cô trình bày trong lúc hỏi cung mà cô nhắc lại trong lá thư gởi riêng cho ông là đúng sự thật. Một con điếm thực thụ, hoặc một cô giáo đã nhắm mắt làm đĩ không bao giờ nghĩ tới nhân phẩm nhiều như vậy đâu. Thư viết riêng cho ông, một điều chú, hai điều con, là cô ấy gởi gắm lòng tin vào ông, một người đáng bậc cha chú, đồng đội của ba cô. Còn cái bữa ông tiếp chuyện cô ấy như ông vừa nói với tôi, cô Hường gọi ông và xưng tôi như một người xa lạ, theo tôi điều đó cũng là tư cách, cũng là bản ngã rõ ràng. Cô không muốn hạ mình quỵ lụy van xin trước mặt ông, một người đang đại diện pháp luật, đang nắm trong tay quyền lực. Tôi là cán bộ theo dõi tình hình giáo dục quận này, tôi biết cô Hường là giáo viên dạy giỏi, trọng nhân phẩm, được đồng nghiệp yêu mến, học trò kính trọng. Thời buổi này, cô giáo mà được học trò kính trọng là khó lắm ông ạ. Cô Hường đời sống quá khổ, quá nghèo, phòng giáo dục biết điều đó, nhân dân phường biết rõ điều đó. Trước kia không đến nỗi nào, từ cái ngày chồng đau ốm nằm liệt giường mấy năm ròng, một tay cô chăm sóc, hầu hạ, bán sạch đồ đạc, đến khi chồng chết, cái nhà trống trơn. Lại kể ông nghe cái nhà của cô Hường. Cái khu tập thể đó, trước vốn là một khách sạn lớn và đẹp nhất nhì Thành phố. Từ ngày cánh ta về ở phá hết trọi. Tháo cửa kính bán. Tháo cầu tiêu bán. Cầu tiêu Nhật Bổn mà. Thứ này thị trường rất hiếm. Nhà có hai cái tháo một cái đã đành, nhà có một cầu tiêu cũng tháo, chỉ cần hai hòn gạch và cái lỗ là được. Cái bụng đói bắt cái đầu người ta nghĩ thế và làm thế. Cũng chẳng phải chỉ có bà con cư ngụ ở đó tháo gỡ không đâu, mấy ông bà nhà đất đến quản lý cũng tháo, cũng phá, có khi còn mạnh tay hơn cả bà con. Chung quy cũng là do cái cơ chế vớ vẩn mà ra. Vớ vẩn quá đi chớ ông. Ai đời cái khách sạn đẹp như thế, phòng nào cũng có máy lạnh, có hai hệ thống nước nóng và lạnh lại không biết khai thác cho hợp lý lại để làm nhà ở. Cái thằng chủ tư bản nó xây nhà làm khách sạn, tiện nghi theo lối khách sạn, đến ở một đêm hay dăm ba đêm là đi, phòng ăn phòng nhảy, đâu ra đó. Bây giờ mỗi nhà một bếp. Sống mà không có bếp sao được, vậy là bếp trong nhà, bếp ở hành lang dựng đủ kiểu. Cái khách sạn xuống cấp, hư hại nặng. Nhà đất bắt tay vào việc mà họ gọi là giải tỏa. Ðược dịp đục nước béo cò. Ban giải tỏa trên giấy tờ đủ thành phần, đúng lệ bộ, nhưng thực ra chỉ có công an và nhà đất. Công an các ông là do một vị thiếu tá chỉ huy, nhà đất do bà phó giám đốc chỉ huy. Tổ chức lại, thu xếp lại, ổn định trật tự cái ngôi nhà là cần thiết, ai cũng nghĩ vậy. Cái mà tôi muốn thuật lại với ông là cách làm. Cách làm thật bậy. Trước hết họ dồn tất cả những gia đình ở các tầng dưới, từ lầu một đến lầu ba lên tít trên cao. Các gia đình này là các cán bộ nghèo, làm đủ các nghề. Cô giáo Hường nằm trong số ấy. Bị đá hất lên đến lầu tám, trước ở dưới lầu một được hai phòng, mỗi phòng khoảng mười sáu mét, bây giờ ba mẹ con nhét vào một phòng, lý do hộ nào bốn người trở lên mới được hai phòng. Chồng chết, đã thiệt người, thiệt tình cảm lại thiệt luôn chỗ ở. Ba lầu dưới ông biết để cho ai không? Công an nhà các ông chớ ai vào đó nữa. Nói cho ngay là cũng có vài hộ thương binh hưu trí được ở thấp. Số này là cái phép tượng trưng của ban giải tỏa thôi. Chắc trong báo cáo tổng kết cuối năm, mục chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên, công an nhà các ông phải khoe ra chớ, hay là ém nhẹm.

Lại nói thêm chi tiết này với ông. Gia đình cán bộ xơ vin thì bốn mạng hai phòng, còn công an hai vợ chồng trẻ cũng hai phòng đàng hoàng. Ðấy, cái chung cư nằm bên kia đường, có thì giờ ông lân la qua đó chơi, coi tôi nói đúng hay sai?

Nghe Năm Dũng kể tới đó, ông Phúc chau mày buột miệng hỏi:

- Thiệt vậy hả?

- Bộ tôi bịa chơi hay sao? Nhất định tôi sẽ viết thư lên ban lãnh đạo ngành ông. Tôi nói dông dài về ngôi nhà vì nó liên quan đến đời sống cô Hường mà ông đang quan tâm. Liên quan thế này. Trước ở dưới thấp, có hai phòng, dùng một phòng vừa làm phòng khách vừa dạy thêm. Học sinh có kỳ lên tới gần hai chục em, dạy cả chiều lẫn tối, cũng kiếm đủ ăn. Bây giờ bị hất lên quá cao, lại chật, dù cô có dạy giỏi cách mấy, học trò cũng chào thua, bởi leo tới nơi chỉ có ngồi mà thở. Học trò đi kiếm cô khác học thêm, thiếu gì cô giáo dạy giỏi, lại có nhà ngoài mặt tiền.

- Vậy từ đó tới giờ cô Hường làm gì thêm?

- Ðủ nghề. Nấu bún riêu, ra ngồi đầu đường. Bún riêu không ngon bằng mấy bà người bắc, ế, lỗ vốn, bỏ nghề. Lại phụ giúp bà Phụng, đội nắng đội mưa lọc cọc cái xe đạp đi thu mua giấy loại. Lúc đầu cũng có đồng ra đồng vào. Mới mát mặt chưa đầy một tháng, bà Phụng móc ngoặc thế nào đó với tay trưởng phòng văn hóa để mua giấy loại. Giấy loại mà có đủ nghị quyết, tổng kết thi đua cuối quý, cuối năm, có cả lý lịch cán bộ, đơn khiếu nại, đơn xin việc. Một anh chàng ở cơ quan ấy cần giấy gói ra tận sạp bà Phụng để mua. Trong cái mớ giấy anh ta mua về, trớ trêu, có cái lý lịch của anh và cái đơn xin vào Ðảng. Ðảng đã không được vào, lại bị người ta đưa ba đời nhà mình ra bán ve chai, ức quá, anh ta báo công an. Xử lý tay trưởng phòng ra sao tôi không rõ, chỉ biết bà Phụng bị gọi lên gọi xuống, cuối cùng tịch thu giấy phép kinh doanh. Bà Phụng chuyển sang nghề khác, kéo theo sự thất nghiệp của cô Hường. Sáng thứ ba tuần trước, gặp cô Hường tôi hỏi bây giờ làm gì, cô ngập ngừng mới nói thật, bà hai Huệ vừa nhường cho cái chân quét chợ. Cái chợ ở xa nhà, thuộc quận ngoại ô, không ai quen biết, ráng làm lấy tiền nuôi sắp nhỏ, cô bảo vậy. Kể cho tôi nghe xong, tủi thân cô chảy nước mắt và dặn:

- Chú như cha con, con nói thiệt, xin chú chớ cho ai biết việc này. Nhà trường biết, tủi hổ lắm, chị hiệu trưởng thế nào cũng la con. Tội nghiệp chị bị bệnh tim.

Ông Phúc đọc báo cáo có biết chuyện nhà giáo túng thiếu, năm nào ở Thành phố này cũng có hàng trăm thầy cô bỏ nghề. Trong số các cô gái điếm bị bắt về quận làm nghề cô giáo chiếm tỷ lệ không phải nhỏ. Nhất là trong các dịp nghỉ hè, ông đau lòng. Nhưng chưa bao giờ ông được nghe thân phận cơ cực của một cô giáo nghèo như hôm nay ông Dũng kể. Ngồi chuyện vãn gần cả buổi, ông Phúc liếc nhìn đồng hồ, đứng dậy. Ông Dũng giữ bạn lại ăn cơm, Ông Phúc từ chối và bảo:

- Năm Dũng này, ông quá rành tôi rồi, tôi trước sau vẫn là thằng bộ đội, vẫn là thằng lính nghèo. Túng quẫn đến mức như cô giáo Hường thì chưa. Ở chỗ tôi có cái xí nghiệp đời sống, tôi góp vốn vô cũng kiếm được chút đỉnh. Trước khi chết, bà già để lại gia tài, cũng đỡ khổ. Bây giờ thế này, hàng tháng tôi chở lên ông hai chục ký gạo, ông đưa qua cho mẹ con cô giáo. Ông bảo là của ông, đừng bảo của tôi, cô ấy lại mặc cảm không nhận. Thôi thì - ông Phúc gượng cười - không cứu cả ngành ông được, tôi ráng cứu giúp một gia đình trong cơn hoạn nạn, cứu con một thằng bạn vậy.

Ông Phúc cười thật lớn để che lấp nỗi buồn nặng trĩu trong lòng, bắt tay bạn thật chặt, ra về. Ông Dũng tiễn bạn tới cổng, trước lúc chia tay dặn:

- Ông phải lẹ lẹ xác minh cho cô Hường. Danh dự con người, không phải chuyện giỡn đâu. Còn gạo ông cứ chở lên, rồi tôi tính.

***

Ði quét chợ về, cô Hường nhận được giấy mời hai giờ chiều nay lên công an phường. Chuyện gì đây? Chắc là chuyện thằng con anh trưởng công an phường năm nay không được lên lớp. Vô lý, đây là việc riêng của một học sinh, một gia đình, sao lại tư giấy mời lên phường nói chuyện. Có lẽ là chuyện khác. Chuyện khác là chuyện gì? Chẳng có chuyện gì ngoài chuyện thằng Trứ.

Nguyễn Ðình Trứ là học sinh lớp 11A3, do cô Hường làm chủ nhiệm. Những năm cấp hai, Trứ học vào loại trung bình. Lên cấp ba, quá tệ, lười học, phá phách, đầu têu mọi việc càn quấy. Cuối lớp mười, Trứ thiếu điểm hai môn, nhà trường cho thi lại. Bài làm cũng không đạt yêu cầu, các giáo viên bộ môn thương tình, cho đủ điểm lên lớp. Sang lớp 11, tật nào chứng đó, lại quá quắt hơn. Vụ đám lưu manh do thằng Năm đầu bò chỉ huy, vào tận lớp trấn lột học sinh, các em đồn đại có bàn tay phối hợp của Trứ, không có nội ứng làm sao bọn chúng biết rành rẽ để chỉ lục cặp những em con nhà khá giả. Hôm đó Trứ cũng bị lột cái đồng hồ Citizen mười hai hột. Bọn lưu manh vừa tới chỗ Trứ, cậu đã cởi ngay, lại còn bảo cả lớp có gì thì nộp nhanh nhanh, kẻo đổ máu. Sau hôm đó nhiều bạn chê Trứ là thỏ đế, cậu ta chỉ cười. Ba hôm sau lại thấy Trứ đeo đồng hồ Citizen, giống hệt cái cũ, ai hỏi, Trứ trả lời mới mua. Nhưng Thịnh, ngồi cùng bàn, bảo vẫn đồng hồ Trứ đeo xưa nay. Thịnh nhận ra là do dây có dấu xước. Cô Hường đâu biết ngày hôm trước, Trứ rủ Thịnh đi ăn kem ở bờ sông, bố trí cho băng Năm đầu bò dằn mặt Thịnh.

Năm đầu bò bảo:

- Nói cho mày biết, nếu còn tía lia cái mồm, tụi tao xẻo môi về nhúng tái, nhậu chơi. Nghe rõ chưa con?

Thằng Năm rút con dao sáng loáng dí vào mạng sườn Thịnh. Thịnh giật thót, sợ tái mặt. Thằng Nam đút dao vào cạp quần, nói giọng anh chị:

- Tha cho mày lần này làm phước nghe con. Nếu ai biết những điều tao nói với chú mày hôm nay thì … nhừ xương, rõ chưa?

Nói rồi thằng Năm bất ngờ đấm một cú như trời giáng vào bụng Thịnh, hét:

- Biến!

Thịnh ứ một cái, ôm bụng lảo đảo bước đi, trước tiếng cười chế diễu của Trứ và băng trấn lột.

Thịnh mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, em ở với bà nội. Một bà một cháu. Bà theo đạo Phật, thường dạy cháu điều phúc đức, đừng gây thù oán với ai, nên sau bữa đó, ai hỏi gì về cái đồng hồ của Trứ, Thịnh đều nói là em nhìn lầm. Thịnh học giỏi đều các môn. Nhưng có một em, ngồi bàn sau Trứ học giỏi hai môn toán, văn, nhất là môn toán. Em tên Hòa, nhanh nhẹn, vui vẻ, cương trực và sòng phẳng. Gia đình em thuộc vào loại khá giả. Bố mẹ em là chủ một cơ sở sản xuất đồ nhựa. Ở lớp mười một của cô Hường chỉ có hai em đi học bằng xe Honda cub, là Hòa và Trứ. Nhưng các bạn cùng lớp có cái nhìn phân biệt giữa hai cậu ấm xe cub này. Học sinh lớp mười một, nhỏ tuổi nhất cũng đã mười sáu, đâu phải chưa biết nghĩ.

Các em vẫn nói với nhau: Ðứa nào muốn học giỏi, chơi với thằng Hòa, còn đứa nào muốn biết bún bò giò heo, bít tết ở đâu ngon, cá lóc bỏ lò ở đâu hợp khẩu vị… hỏi Trứ. Trứ còn có cái tài, trời tối mấy mặc kệ, sờ tay vào quần Jean là nói trúng phóc của Mỹ, của Úc hay của Ðài Loan, chỉ có sờ vào đề toán kiểm tra thì Trứ chịu. Lạ cái, thỉnh thoảng có bài toán Trứ làm rất nhanh, trúng hoàn toàn, hưởng trọn điểm mười. Ðiều lạ này chỉ có Hòa biết. Bởi Hoà là "lính đánh thuê" cho Trứ. Mới đây lộ chuyện, do Trứ không chịu thanh toán sòng phẳng. Hòa đòi riết, Trứ gây gổ. Hoà đâu có vừa, Trứ gây, Hòa gây lại. Gây riết rồi đánh nhau. Trứ đánh trước, lại bị Hòa đấm sưng mặt. May có bạn bè can, không thì Hòa bị nguy vì Trứ đã rút được con dao từ trong cặp ra. Bạn bè ôm lấy Hòa đẩy đi, Hòa còn chỉ mặt Trứ:

- Tao chấp cả dao. Mày cậy con ông này cháu ông nọ à, mày có là con trời, tao cũng không ngán, tao ăn thua đủ với mày. Tao thách mày xù tiền bài toán!

Chuyện Trứ và Hòa đánh nhau ở ngoài đường bay đến tai nhà trường. Cô Hường gọi Hòa lên văn phòng hỏi đầu đuôi câu chuyện. Không giấu, Hòa cho cô giáo biết Trứ vẫn thuê Hòa làm toán, mỗi bài tính bằng hai bát phở trả bằng tiền. Cô giáo cười, che miệng hỏi:

- Sao lại tính bằng phở?

- Dạ. Thưa cô, tiền trượt giá hoài, phải tính như vậy cho công bằng. Dạ, ở nhà em, trước đây trả công thợ làm nhựa bằng tiền mặt. Mấy tháng nay ba má em trả bằng giá gạo quy ra tiền. Công nhân họ đòi vậy. Thưa cô, em thấy trả vậy sòng phẳng.

Nhìn vào khuôn mặt trắng, thơ ngây của Hòa, lắng nghe em nói những điều vượt quá tuổi, cô Hường thừ người, không cười nổi nữa. Học sinh bây giờ, xã hội làm biến dạng, khác với thời học trò của cô quá xa.

- Nhà em khá giả, em cần tiền làm gì mà phải làm thuê toán cho Trứ?

Hòa di di đôi dép, thản nhiên đáp:

- Dạ thưa cô, chẳng lẽ em làm công không cho gia đình một đứa giàu có bất chính à. Tiền đó, em góp với các bạn mua quà, hàng tháng đi thăm những đứa nhỏ ở trường mồ côi của quận, khỏi phải xin ba má. Lấy tiền của kẻ bất chính để dùng vào việc chân chính, thưa cô, em không có lỗi a!

Sắp đến giờ vào lớp, có giảng giải điều hơn lẽ thiệt với Hòa lúc này cũng không đủ thời gian, đợi dịp khác. Cô sẽ gặp lại cậu học trò vừa thông minh vừa thực tế đến mức thực dụng này. Nghĩ vậy, cô hạ giọng:

- Làm hộ toán cho người khác trong giờ kiểm tra là sai. Làm toán lấy tiền lại càng sai. Từ nay em không được làm như vậy nữa. Nếu em còn gây gổ đánh nhau với Trứ, cô sẽ đưa em ra hội đồng kỷ luật nhà trường. Em thấy sao?

- Dạ thưa cô, em hứa không tái phạm những khuyết điểm này nữa. Xin cô đừng báo cho ba má em biết việc này.

- Thôi được, cô mong em giữ lời hứa với cô. Cô hứa sẽ không báo cho ba má em. Em có thể về lớp được rồi.

Tối đó, cô Hường cứ nghĩ về câu nói của Hòa: đồng tiền của Trứ là đồng tiền bất chính. Thế là mọi việc không qua mắt học sinh được. Hòa ở quận khác, còn nói vậy, huống chi trong phường cô. Người ta đồn bố Trứ trước làm công an ngoài đồn biên phòng bờ biển ăn tiền của người vượt biên nên giàu. Anh ta là người khôn, biết dừng lại, xin chuyển về Thành phố. Khi đã có tiền, tiền đẻ ra tiền. Nhiều người đồn nhà đó có tới hàng ngàn cây vàng. Chồng biết làm ăn, vợ cũng chẳng kém. Mẹ Trứ là trưởng phòng lương thực quận. Cơ sở sản xuất muốn được rót gạo, bột mì đều đặn phải nộp thuế cho bà. Giá gạo, giá bột mì cứ lên hàng ngày, bà vớ bẫm lắm. thực hư ra sao, cô Hường không rõ, chỉ thấy Trứ xài tiền như con một ông hoàng. Có lần đến nhà Trứ làm phận sự của giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh, ngồi ở phòng khách, cô Hường có dịp quan sát gian phòng, tiện nghi không thiếu một thứ gì. Cô sợ nhất là con bẹc-giê, vàng hoe như con bê nằm thè lưỡi ở hiên nhà. Lại có bốn con chó Nhật, hai con trắng như bông, mắt đen như hạt nhãn, hai con nâu, khoang trắng, giống chó phốc trông ngộ nghĩnh như nai con, nuôi để chơi, mẹ Trứ cười cười bảo vậy. Năm con chó mỗi ngày ngốn tới vài ký thịt. Có lần người bạn già dặn dò bà Huệ quét chợ điều gì đó, rồi nói chơi là nếu sai hẹn thì làm con chó. Bà Huệ cười phô hàm răng chỉ còn trơ lợi, đáp lại: được làm lũ cho nhà ông trưởng công an phường còn sướng hơn làm người như tôi. Vợ chồng anh trưởng phường có cái thú chơi súc vật. Ngoài vườn còn nuôi con trăn nhốt trong chuồng sắt, rộng không kém chuồng sở thú. Học trò của cô Hường cho biết bán bốn con chuột cho nhà Trứ mua được một lít gạo, nhưng phải là chuột sống trăn mới chịu ăn, Trứ mới chịu mua.

Cô Hường cầm tờ giấy mời trên tay, đầu óc nghĩ liên miên đủ thứ chuyện. Việc để Trứ lưu ban nhà trường đã quyết rồi. Bố Trứ - anh Tần - có dùng uy quyền một lần cuối cùng cũng không thể thay đổi được. Cách đây mấy hôm, thầy Thu, dạy cùng trường cho Hường biết, thầy gặp mẹ Trứ - bà Hiệp - Bà ta gay gắt, quả quyết việc Trứ không được lên lớp chỉ tại cô chủ nhiệm, chứ vợ chồng bà đã thuyết phục được Ban giám hiệu rồi. Mặt bà hầm hầm bảo với thầy Thu:

- Cái con Hường mà chơi vợ chồng tôi, bôi nhọ gia đình tôi, nó cứ liệu hồn. Con tôi học kém, thiếu môn nào nó phải cho thi lại chớ.

Bà này ghê thật. Mềm dẻo mua chuộc không xong, trở mặt. Hôm giỗ chồng Hường, bà đến một cách đột ngột, cầm theo chục cam, nén nhang thơm, loại nhang mang từ Hà Nội vào. Bà thắp nhang, xá ba xá rì rầm khấn vái trước vong linh chồng Hường, làm cô không cầm được nước mắt. Giỗ chạp xong, mọi người ra về, Hường lại bàn thờ sắp xếp, thấy một phong bì dày cộm, mở ra có mười ngàn đồng của mẹ Trứ để lại. Hường giận tím người. Hường biết, trong thâm tâm bố mẹ Trứ không coi Hường ra gì. Ðầu học kỳ hai, Hường viết giấy mời đến lần thứ ba bố mẹ Trứ không thèm đến gặp để trao đổi về việc học và tư cách của con mình. Nỗi đau bị xúc phạm là nỗi đau dai dẳng, khó chịu, nhưng không vì thế mà Hường thành kiến, hắt hủi đứa học trò của mình. Hường đã gặp tất cả các thầy cô của Trứ, tìm cách vực em lên, song vô vọng, bởi bố mẹ em, chứ không phải ai khác đã làm hỏng em. Dẹp tự ái sang một bên, Hường tới tận nhà Trứ vào một tối vừa ngớt cơn mưa. Bố Trứ lánh mặt trên lầu, lúc ở ngoài cổng nhìn vào, Hường còn nhìn thấy bóng anh thấp thoáng ở phòng khách. Mẹ Trứ tiếp Hường mà nhấp nhỏm như sắp sửa đi đâu. Cuộc trao đổi thành ra tẻ nhạt, vô tích sự, mẹ Trứ cứ ừ ào trước những điều Hường nói.

- Việc học của Trứ là như vậy, chị ạ - Hường hạ giọng - em yếu ở tất cả các môn. Anh chị không nên nuông chiều em quá. Tôi biết, anh chị có cho Trứ đi học thêm, em chỉ lấy tiền đi rong chơi chứ không học. Anh chị không biết điều đó, chúng tôi biết. Anh chị nên mời hẳn thầy cô giáo đến tận nhà để dạy em. Nên mời thầy cô ở trường khác, không nên mời thầy cô trường tôi, anh chị thông cảm cho sự tế nhị này. Còn một việc nữa - Hường ngập ngừng - chúng tôi muốn được trực tiếp nói chuyện với anh. Chị vui lòng nói lại với anh để anh lên trường gặp chúng tôi, tốt nhất là vào sáng thứ tư hàng tuần, không thì bất cứ ngày nào cũng được.

- Việc hệ trọng lắm không? Cô có thể nói với tôi được không?

- Dạ, cũng không hệ trọng lắm đâu, nhưng chúng tôi muốn gặp riêng anh. Tôi và chị hiệu trưởng muốn gặp anh vì anh có thể hiểu tính nết của Trứ hơn chị em chúng ta. Vậy chị nhé.

- Thế à! Bà Hiệp thốt lên hai tiếng nhạt nhẽo, dửng dưng.

Chị hiệu trưởng và Hường mong ngóng cả tháng trời, ông Tân cũng không lên để nghe câu chuyện Trứ là đồng bọn của băng trấn lột mà nhà trường đã thu thập đủ chứng cứ. Nhà trường chỉ muốn cùng bố Trứ ngăn chặn hậu họa cho gia đình, không muốn cho vợ ông biết, sợ quặn đau trái tim người mẹ.

Vợ chồng ông Tân phớt lờ tất cả. Bây giờ biết tin con rất khó được lên lớp, lại chạy vạy các thầy cô xin điểm, gặp riêng Hường ve vãn, mua chuộc, đút lót. Ngay tối hôm giỗ chồng, Hường đến nhà ông Tân. Ông Tân vẫn lánh mặt. Người tiếp chuyện cô là bà Hiệp, lần này bà vồn vã như Hường là chỗ thân tình từ lâu. Cô nhẹ nhàng:

- Việc của Trứ vài hôm nữa chúng tôi sẽ xét, có thể em được thi lại để lên lớp. Ðiều cần thiết là anh chị, ngay bây giờ, nên hướng dẫn em ôn tập thật tốt. Còn, chị vui lòng, cho tôi gởi lại cái này.

Cô rút "bì thơ" để lên bàn và đứng dậy đi ngay. Bà Hiệp ngớ người mấy giây, rồi nhanh tay cầm bì thơ dúi trở lại cô giáo, giọng ngọt xớt:

- Có gì đâu cô… đây là tiền tôi phúng chú nhà thôi mà.

- Xin chị đừng làm vậy. Tôi hiểu, tôi hiểu…

Cô lại đặt "bì thơ" lên bàn, bước thẳng ra cổng. Con chó gừ gừ mấy tiếng bị bà chủ cho một đá vào mõm.

Bữa đó cách hôm nay ba tuần. Vợ chồng ông Tân đã biết được quyết định cuối cùng của nhà trường, không cho Trứ thi lại, chỉ có thể cho lưu ban với điều kiện kiểm điểm thành khẩn vụ tham gia trấn lột học sinh.

Ðúng hai giờ chiều như ghi trong giấy mời, cô Hường lên công an phường. Anh Tân ngồi chễm chệ giữa phòng, sau chiếc bàn lớn. Cạnh anh là Thành, đeo lon hạ sĩ, học trò cũ của cô Hường. Thành học khá, hiền, ngoan, vào ngành công an đã mấy năm, sau khi tốt nghiệp trung học. Thấy cô Hường bước vào, Thành đứng dậy lễ chào. Cô Hường vui vẻ gật đầu im lặng. Cô xuất trình giấy mời cho anh Tân. Anh Tân hỏi luôn, giọng cộc lốc:

- Cô biết chúng tôi gọi cô lên về việc gì không?

- Thưa, tôi nghĩ các anh mời chứ không phải gọi. Cô Hường kéo ghế ngồi xuống. Tân nhếch mép cười.

- Thôi được, chúng tôi mời vậy. Mời cô về việc gì chắc cô đoán được.

Hường cảm thấy nặng nề, không muốn đáp lại, nghĩ làm căng thẳng ích gì.

- Dạ thưa, chắc về chuyện học hành của em Trứ?

- Ðâu có chuyện đó - Tân đáp ngay - Việc thằng Trứ lên lớp, không lên lớp quan trọng gì đâu. Không được lên lớp sẽ xin cho nó đi hợp tác lao động bên Tây vài năm. Vào đại học cô tưởng béo bở lắm à. Cô là người có bằng đại học, thừa biết điều đó. Nó đi Tây, khi về còn có gia tài, càng nhẹ gánh. Lý lịch chúng tôi, khả năng chúng tôi, cho nó đi lúc nào chẳng được? Thôi, không nói vòng vo với cô mất thì giờ. Xin đi vào việc: Mấy hôm nay cô bỏ nhà đi đâu tối ngày?

Tân nói liền một mạch, thô lỗ, khiêu khích. Cô Hường nghẹn đắng trong cổ, cô trấn tĩnh tìm chữ để trả lời:

-Thưa anh, tôi nghĩ đi đâu, làm gì là việc riêng của tôi, sao anh lại hỏi tôi như vậy?

-Người khác nói thế được, cô không được phép đi đêm về hôm. Chúng tôi có trách nhiệm quản lý cô. Quản lý cô là quản lý an ninh xã hội.

Hường vẫn nhỏ nhẹ:

- Anh nói vậy là sao, tôi không hiểu.

Tân cười gằn:

- Dẹp cái trò vờ vĩnh của cô đi! Cô là người như thế nào, cô biết hơn ai chứ.

Tới đây, Hường nhận ra điều gì đó không bình thường. Ông Tân trừng trừng nhìn Hường, nhớ đến những lời chì chiết của vợ tối qua:

Phải cho nó một trận. Thằng Trứ không được thi lại là do nó. Bài báo vừa rồi họ viết vợ chồng mình nuông chiều con để con hư là do nó ton hót với nhà báo! Cái đơn của lò bánh mì Thiên Vương tố tôi ''ăn chịu'' với các cơ sở sản xuất là nó và bọn nhà báo xúi bẩy chứ ai vào đó nữa. Ðơn đang nằm trên quận, trên thành. Tôi đâu có ngán ba cái đơn từ tẹp nhẹp của tụi nó. Chỉ tức là chưa dằn mặt được con Hường! Chuyện thằng Trứ trấn lột học trò cũng là từ cái miệng thối của nó. Cái con điếm không biết thân phận lại còn làm tàng. Anh không trị nó, có ngày nó tố cả chuyện của anh ở đồn biên phòng. Nó sẽ trèo lên cổ anh, trèo lên cổ tôi. Cái đồ con điếm, con điếm… Anh chịu thua con điếm hả?

Hường cố trấn tĩnh. Cô không muốn cho Thành, người học trò cũ, nghe những lời đối thoại giữa anh Tân và cô. Thành ngồi gần như vậy, làm sao em lại không nghe được cơ chứ. Tội nghiệp cô giáo.

- Thưa, thời buổi bây giờ cán bộ đều phải đi làm thêm để kiếm sống. Tôi cũng vậy thôi anh ạ. Ngoài giờ dạy, tôi phải đi làm.

Tân đốp luôn:

- Ði làm! Ði làm! Lại tiếp tục đi làm điếm hả?

Mặt cô Hường tái mét, nghẹt thở, nếu có ai ngồi gần có thể nghe được tiếng trái tim bất hạnh đập dồn dập.

- Anh nói cái gì vậy. Ai làm điếm?

- Còn ai! cô là con điếm! Vờ vĩnh vừa thôi, về làm tờ tự kiểm nộp cho tôi. Tu tỉnh lại mà sống cho đàng hoàng, mà làm người lương thiện. Nhà giáo đi làm đĩ, không biết nhục mà còn già mồm!

Tới nước này thì không thể nhịn được nữa, cô Hường quát to:

- Anh im mồm đi. Tôi là nhà giáo, anh nói năng với tôi phải lễ độ. Anh không được phép thóa mạ tôi, lăng nhục tôi, dạy đạo đức cho tôi. Ðiều đạo đức, nếu cần, tôi phải dạy anh, anh nghe không?

Tân sừng sộ đứng lên:

- Mày đòi dạy đạo đức cho tao hả?

Cô giáo cũng đứng lên, con người hiền lành là vậy, đã không thể làm khác được:

- Ðúng, tôi phải dạy đạo đức cho anh. Vợ chồng anh sống vậy mà không biết nhục hả? Lương anh bao nhiêu? Lương vợ anh bao nhiêu? Anh là một thằng ăn cướp, vợ anh là một con ăn cướp. Bọn cướp đẻ ra ăn cướp, thằng con anh đó.

Tân không ngờ bị phản đòn quyết liệt đến thế. anh ta ngọng cứng lưỡi, xạm mặt, xô ghế bước ra. Nhưng cái quyền lực, cái quyền lực ngự trị một phường xưa nay, giúp anh ta trấn tĩnh lại, đập bàn hạ lệnh:

- Ðồng chí Thành, tống cổ con điếm này vào nhà cầu. Lập hồ sơ gởi lên quận sau.

Tân lại hết sức bất ngờ trước câu nói của Thành:

- Thưa, đây là cô giáo của em. Cô đã dạy em ba năm. Cô là người thế nào, em biết rõ. Thủ trưởng không được làm vậy, em nhắc lại, không được làm điều trái luật pháp.

Nghe tiếng ồn ào ở dưới nhà, mấy anh công an từ trên lầu hốt hoảng chạy xuống. Tân ghờm ghờm nhìn Thành, bắt gặp cặp mắt giận dữ của người dưới quyền nhìn lại. Quay sang những người vừa chạy xuống, Tân quát:

- Các đồng chí, tống cổ con điếm này vào nhà cầu cho tôi!

Nói rồi, Tân chộp tay cô giáo. Cô giáo vung tay, quát lớn:

- Buông ra, đồ dơ bẩn, đồ vô lại. Không được đụng vào người tao.

Trong chớp mắt, chưa ai hiểu đầu đuôi câu chuyện, đã thấy cô giáo thét lên rồi lao mình đập đầu vào tường. Cô ngã vật ra nhà. Máu, máu, máu loang loáng…

- Trời ơi! Cô giáo - Thành thét lên.

Bà con khu phố, bà con đi đường chạy đến xúm đông. Bác xích lô trờ xe tới, lắc đầu: Chắc không sống nổi. Thành cuống quýt vực cô giáo lên xe, giọng run rẩy: nhanh lên, bác ơi, may ra còn kịp!

***

Câu chuyện tôi kể, coi như đã xong nhưng chưa hết.

Thật tình cờ, chỉ mấy phút sau, sau khi xảy ra sự việc cô Hường đập đầu tự tử thì ông Phúc đèo gạo đến nhà ông Dũng. Biết chuyện, để nguyên bao gạo trên xe, ông phóng đi liền, may ra đuổi kịp chiếc xích lô chở cô Hường. Vội quá, hốt hoảng nữa, xe ông tông phải một hòn đá lớn không biết ai ném ra từ bao giờ, xe chùng chiềng, bao gạo văng xuống tung tóe ra đường, những hạt gạo thật trắng…

Ông Phúc dựng xe, ngồi thở dốc…

Ông Phúc - người lính già từng đổ máu ngoài mặt trận, từng chôn cất đồng đội là bố cô Hường - định cứu cuộc sống và nhân cách của trí thức bằng mấy cân gạo ư? Nên nguyền rủa, hay nên coi ông là kẻ tội nghiệp?

Tập hồ sơ xác minh cô Hường không phải là gái điếm đã xong, đang nằm trên bàn làm việc của ông. Mấy tháng qua rồi, quá muộn.

Bà con lối xóm, tôi xin, đừng lời qua tiếng lại quá nhiều. Bà con vui lòng ghé mắt nhìn vào ngôi nhà anh Tân, thấy rõ chứ, ngồi giữa bầy chó, hai vợ chồng nhà ấy cùng với ông nội thằng Trứ, nguyên thứ trưởng một bộ quan trọng đã hạ cánh an toàn sau nhiều vụ tham nhũng tai tiếng đang cùng nhau bàn mưu tính kế tìm cách chạy tội.

12/1987
X.Ð
(SH33/10-88)






 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Sự mầu nhiệm (06/01/2015)
Chị Hoài (19/12/2014)
Tóc mây (10/10/2014)
Đêm về sáng (25/09/2014)