Truyện ngắn
Linh huyệt
15:28 | 23/04/2015

TRẦN THÚC HÀ

Đoàn Mã Kỳ đã tìm thấy vùng núi thiêng. Đến được đấy còn phải đi một quãng xa. Mã Kỳ chọn đám đất trống, tầm nhìn quang, buông tay nải, tựa lưng vào gốc cây lớn, cởi dép cỏ, duỗi đôi chân sần sùi vết xước còn tươm máu nghỉ sức.

Linh huyệt
Minh họa: Nhím

Mã Kỳ tu một hơi rượu đựng trong chiếc bầu khô. Có chút men nồng làm cho khuôn mặt to bè, cằm bạnh, hốc hác, đôi má lõm sâu, lưỡng quyền nhô ra cùng với màu da xám chì của kẻ trải qua bao gian nan nhọc nhằn tươi tỉnh lên đôi chút. Mã Kỳ đưa tay áo nâu sẫm chùi mấy giọt rượu dính trên đôi môi mỏng. Hai con mắt to dưới cặp lông mày rậm xếch ngược chợt sáng lên khi thấy trong nắng chiều một đám mây trắng dấp dáng hình rồng vờn trên đỉnh núi! Dưới bóng mây ấy là chín ngọn núi liền mạch trải dài trên chục dặm từ thấp đến cao theo thế rồng vươn lên, được bao bọc trong trăm ngọn núi trùng điệp, thâm u. Mã Kỳ sung sướng thốt lên: Núi thiêng! Đại Long Sơn đây rồi! Nơi mà trước khi bị giết cha của Mã Kỳ dặn Mã Kỳ phải đi tìm cho được hàm rồng trên Đại Long Sơn.

Tàn chiều. Mặt trời lặn về phía núi. Trên dãy núi thiêng bùng lên vầng hoa lửa.

Đêm xuống. Để tránh thú dữ, Mã Kỳ tìm chạc ba một ngọn cây cao, buộc chéo tấm vải qua người nghỉ đêm. Mã Kỳ không ngủ. Về khuya sương lạnh buông xuống, Mã Kỳ lấy trong tay nải thanh quế nhỏ đưa vào mồm ngậm cho ấm người, kéo hai múi vải thừa quấn qua người, ngồi bó gối mặc tiếng xao xạc của thú rừng đi ăn đêm, tiếng hổ gầm đâu đó vang vọng, Mã Kỳ chăm chú nhìn đỉnh núi cao nhất, có hình dáng rồng bởi về đêm khí thiêng có thể xuất hiện khoảnh khắc nào đó mà xác định hàm rồng! Sang canh ba, Mã Kỳ nghe như có tiếng sấm vọng. Mưa chăng? Ngước nhìn sao vẫn lung linh. Chợt ở hướng núi cao xuất hiện một luồng mây vàng từ đỉnh núi tỏa ra bốn phương. Mây vàng nhạt dần trên bầu trời khi nắng lên. Không thể khác! Nơi ấy là rồng phục, là khí thiêng của Đại Long Sơn.

Ngày đến. Lượng sức mình khó vượt qua suối lớn núi sâu Mã Kỳ tìm đến một ngôi làng nhỏ lẫn khuất bên rừng cây, nhờ một thổ dân khỏe mạnh đưa đường, mang theo lương ăn. Phải mất mấy ngày Mã Kỳ mới leo hết chín ngọn núi, lên đỉnh ngọn núi cao nơi mà ban đêm Mã Kỳ thấy mây vàng xuất hiện. Mã Kỳ nhận ra trên đỉnh núi cao ấy hình dáng rồng. Tuy đã nhận ra hình thế như vậy, nhưng kiến thức về long mạch của mình không được bao nhiêu nên Mã Kỳ chưa tìm được hàm rồng nằm ở đâu đó. Mã Kỳ ghi chép lại những gì đã trông thấy rồi quyết định trở về sẽ nhờ những vị uyên thâm địa lý xác định. Mã Kỳ xuống núi.

Đoàn Mã Kỳ con Đoàn Thượng. Thời Lý suy tàn, Đoàn Thượng cát cứ phương đông vùng Hải Dương. Nguyễn Nộn ở phương bắc. Nộn thôn tính đất của Thượng, vây hãm mấy năm trời rồi làm cỏ gia quyến Thượng, xưng Đại Thắng Vương. Nộn hàng phục Trần Thủ Độ, được nhà Trần gả công chúa Ngoạn Thiềm, phong Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương. Đoàn Mã Kỳ mới mười lăm tuổi, lúc hỗn quan hỗn quân trốn thoát được trong cuộc tắm máu của Nguyễn Nộn.

Cảng Vân Đồn ở ngoại vi Thăng Long có Thương điếm của người khách phương Bắc. Người khách tuy là một thương gia, nhưng y thạo thiên văn địa lý, giỏi mưu mô, có tài đánh vào lòng người mà làm tan rã nhân tâm. Đến Đại Việt chuyện buôn bán là cái che lấp ở bên ngoài. Trước khi vào Đại Việt, y đã đọc được bản tấu trình để lại cách đây gần năm trăm năm về trước của Cao Biền Thái thú Đô hộ sứ cai trị nước Nam với vua Đường: Xứ ấy thường có sao sáng xuất hiện, long mạch trải dài trên toàn cõi An Nam nên thời nào cũng xuất hiện quân vương, hào kiệt mà phương Bắc không có cách gì trừ diệt, khuất phục được. Thượng sách là phải yểm phá hết long mạch nơi cội nguồn hun đúc anh tài xuất hiện. Song hành cùng kế ấy, khơi dậy lòng tham lam quyền lực, dùng vàng bạc lung lay người bản địa, cho cát cứ đối lập làm phân rã cường sinh ắt sẽ dễ bề sai khiến. Bản tấu của Cao Biền giờ là trọng trách của y. Vào Đại Việt bảy năm làm thương nhân, y đã bỏ ra nhiều vàng bạc vậy mà chưa lôi kéo được một triều thần nào hướng về Trung Nguyên, bởi xã tắc sơn hà thời hào khí Đông A vững như bàn thạch. Nhưng y đã đi đây đi đó, nhìn trời mây, hình sông thế núi, dò la trong dân gian, y biết được cách Thăng Long chừng bốn trăm dặm có Đại Long Sơn. Trên Đại Long Sơn có rồng phủ phục, Linh huyệt ở mắt rồng. Linh huyệt ấy là nơi tỏa ra Nguyên khí cho toàn cõi Đại Việt để có sức mạnh bất diệt. Yểm phá được Linh huyệt ấy là triệt tiêu chí khí của Đại Việt. Nhờ phát hiện đó mà y nhận ra rằng cả ngàn năm nay triều đại Trung Hoa nào cũng không khuất phục được Đại Việt dù đã đem binh hùng tướng mạnh cùng hàng trăm nhà thiên văn địa lý, pháp sư yêu thuật yểm trừ các long mạch. Theo y, họ không tìm ra được Linh huyệt này. Họ càng không biết Linh huyệt này sẽ tỏa ra nguồn sinh khí mà hồi sinh các long mạch đã bị yểm trừ. Y cảm thấy vui sướng là người xuất chúng trong hàng ngũ những nhà thiên văn địa lý của nước Trung Hoa từ trước tới nay. Nhưng muốn đến được nơi ấy chuyện không phải dễ. Y nhận ra, y không dám vào chốn thiêng liêng bản xứ: Đại Long Sơn nằm sâu giữa trùng điệp núi rừng. Và dù có đến được thì điều cốt yếu là y không đủ bản lĩnh uyên thâm để phát hiện ra Linh huyệt. Y biết ở Thăng Long có một người làm được việc đó. Tuy thế, việc đào núi và lấp biển còn dễ hơn là mua chuộc người ấy.

Dịp may có một không hai đã đến với y. Chiêu Vương Quốc Trần Ích Tắc em ruột vua Trần Nhân Tông, con thứ Thượng Hoàng Thái Tông. Thuở lên mười đã tỏ ra thông minh xuất chúng, kinh sách đưa mắt nhoáng qua nhẩm lại không thiếu một chữ. Mười sáu tuổi thì Ích Tắc coi vương tôn hoàng tử trong nội không ai bằng mình. Năm hai mươi tuổi Ích Tắc ngửa mặt lên trời: Đã sinh ra Ích Tắc sao lại làm con thứ? Ích Tắc hận mình không được làm vua, bất mãn trong lòng. Lại có bọn Lê Diễn, Phạm Cự Địa, Trịnh Long được Trần Nhân Tông cân nhắc thăng chức nhưng Thượng Hoàng Thái Tông không chấp nhận. Bọn họ hậm hực, cấu kết làm tay chân cho Trần Ích Tắc. Ích Tặc lập bè cánh trong bóng tối. Bọn Diễn, Địa móc nối được với người khách buôn ở Vân Đồn. Người khách đã đem nhiều vàng bạc cho bọn Ích Tắc, luôn bày mưu cho Ích Tắc làm những việc mờ ám. Một hôm, Ích Tắc lén lút đưa người khách vào tư dinh của mình. Ích Tắc hỏi:

- Ngươi có kế gì đưa ta lên làm vua?

Đây là cơ hội hiếm có của người khách để triệt tiêu Linh huyệt nơi khởi nguồn Nguyên khí của quốc gia Đại Việt, người khách đáp:

- Có nhiều. Tuyệt chiêu hơn hết là yểm trừ Linh huyệt nơi hộ mệnh cho đế vương hiện tại. Linh huyệt chết thì đế vương băng hà, Chiêu Vương Quốc sẽ lên kế vị.

Ích Tắc hỏi:

- Linh huyệt ở đâu?

- Không nói ra tường tận được. Kẻ tôi tớ này đã nhiều lần cho người lên núi nơi có Linh huyệt, có đi mà không có về.

- Vậy ai làm được điều đó?

- Trình Chiêu Vương Quốc, kinh thành Thăng Long này duy nhất chỉ có một người, nhưng khó mua chuộc. Người ấy là Đặng Tiên sinh. Tiên sinh uyên bác sách sử cổ kim, thông tỏ thiên văn, thấu suốt địa lý là hiền nhân ẩn dật miền ngược, mấy năm nay cùng cha già hạ sơn làm điều thiện.

Ích Tắc nói:

- Ta cũng nghe nói đến người này. Ta sẽ nghĩ cách sai khiến người này. Rồi người đó làm gì?

Người khách đáp:

- Người đó sẽ tìm ra Linh huyệt. Chiêu Quốc Công bí mật sai người đào một cái hào chém đôi linh huyệt.

- Được! Được. Ta sẽ cho khởi sự. Người sẽ giúp ta một tay.

Người khách hả hê vì bẫy được Ích Tắc vào kế hiểm. Người khách quỳ gối nói khẽ vừa đủ Ích Tắc nghe: “Không thành, hãy tựa lưng phương Bắc!”

Theo chỉ dẫn của người khách bọn Diễn, Địa, Long đã mời Đặng tiên sinh vào phủ Chiêu Quốc Vương.

Đặng Tiên sinh sống ngoại đô. Tiên sinh trước họ Lý, dòng dõi vua chúa. Lý tàn. Tránh sự truy diệt của Trần Thủ Độ, cha con Tiên sinh trốn lên mạn ngược, đổi họ. Nhớ cố hương quay về Thăng Long. Hận cũ chưa phai. Ngày ngày lại thấy họ Trần chễm chệ trên ngai vàng lòng thêm u uất. Nhưng không vì thế để cuộc sống mòn mỏi với buồn nản. Cha con Tiên sinh đêm đêm thao thức với chữ Tri, động đến chữ Tâm, khơi dòng chữ Dụng nên cha con Đặng tiên sinh làm thuốc cứu bệnh. Tiên sinh lại khăn gói rày đây mai đó từ núi sâu rừng thẳm đến những đồng hoang bãi vắng tìm đất lành khí vượng, tìm thuốc quý chữa bệnh ghi thành sách cho đời. Kẻ sĩ đế đô nghe tiếng người hiền thường đến uống rượu đàm đạo cùng cha con Tiên sinh.

Trần Ích Tắc tỏ ra trọng vọng nâng chén ngọc mời Tiên sinh rượu quý:

- Ta nghe nói phương Nam có Đại Long Sơn xin Tiên sinh lí giải cội nguồn, vị thế cho ta tường tận.

Cứ nghĩ Ích Tắc muốn hiểu biết của mình thêm phong phú, cũng như bao buổi trò chuyện cùng bạn bè khi tiên sinh phát hiện ra một điều mới lạ, Đặng Tiên sinh thưa:

- Phương ấy, chín ngọn núi vươn lên từ một giải đất bằng, được bao bọc bởi hàng trăm ngọn núi khác. Tên chữ tổ tiên gọi Đại Long Sơn. Chúng dân quen gọi Núi Thiêng. Bởi những đêm giông bão trên núi ấy vẫn trời quang, rực sáng; lại có nhiều cây thuốc quý cùng muông thú đầy đàn. Núi theo thế Long, đuôi chạm suối lớn, mình uốn khúc, đầu ngẩng cao về phương Đông. Hình vun đắp vạn thuở. Khí thiêng triệu năm trong trời đất hòa nhập vào mà tạo nên Đại Long sơn. Trên Đại Long Sơn có Linh huyệt.

- Tiên sinh đã lên đến đó?

- Dạ chưa! Chỉ dạo quanh chân núi.

- Sao ngươi biết được?

- Nhìn thấy thế núi trong toàn cõi biết đấy là Đại Long Sơn; lại thấy những ngôi sao lớn khi ngang qua núi đều mờ nhạt đi mà biết ở đấy có hào quang của mắt rồng sáng tỏa. Linh huyệt ở nơi mắt rồng.

- Ngươi đúng là một nhà thông thái. Nay người đi tìm Linh huyệt cho ta! Ta cần chiếm lấy Linh huyệt. Ích Tắc nói giọng cứng như đá.

Khuôn mặt Đặng Tiên sinh vuông, vừng trán rộng đôi mày thanh tú, mắt sáng, ở tuổi tri thiên mệnh bỗng tái xám như có con thú dữ đi tới. Cứ ngỡ Ích Tắc tỏ tường hồn thiêng mạch nguồn non sông, hiểu thấu cơ trời mà bồi bổ tri thức tìm điều hay phụ tá cho hào khí Đông A ngày thêm thịnh trị. Nào hay, Ích Tắc lục vấn với ý tà tâm, thâu tóm. Họa đã khơi mầm. Phải đối mặt với điềm dữ Đặng Tiên sinh ngẩng cao đầu thưa:

- Trình Chiêu Quốc Vương. Xưa nay đấy là chốn thiêng liêng chỉ trừ những hiền nhân đi kiếm thuốc cứu bệnh, không ai được bước chân đến Đại Long Sơn, lại càng không dám quấy động đến mắt rồng, bởi đó là Linh huyệt khởi sinh Nguyên khí, Nguyên khí tỏa ra Vượng khí trong toàn cõi cho dân an quốc thịnh đời đời. Nay Chiêu Quốc Vương tính chuyện động đến là trái với đạo trời, gây đại họa, người đứng đầu trăm họ sẽ bị trừng phạt là vua đoản mệnh.

Ích Tắc mặt mày hớn hở, cười lớn:

- Người quá lo xa. Không có ông vua này thì có ông vua khác. Không có chuyện gì mà ta kiêng nể, không dám làm. Bây giờ ta cần người lên Đại Long Sơn tìm mắt rồng - Linh huyệt cho ta. Ta sẽ ban thưởng cho ngươi.

Đặng Tiên sinh kinh hãi, cúi đầu. Lặng im một lúc, Đặng Tiên sinh thoáng nghĩ phải chăng đây là cơ may để ta mượn tay Ích Tắc khơi mầm họ Trần nồi da xáo thịt cho ta thỏa lòng oán hận, cho dòng họ ta dưới đất đen nguôi ngoai tủi hờn dưới bàn tay hủy diệt của Trần Thủ Độ. Nhưng rồi kẻ sĩ trong ông lên tiếng: Không vì sự hèn hạ ích kỷ ấy mà ta thực hiện mưu đồ của hắn làm cho trăm họ khốn đốn, máu lại chảy khi giặc ngoại xâm đang lăm le thôn tính nước ta. Không thể! Cha con ta chọn bốc thuốc chữa bệnh, cứu một vài người giờ chỉ lối cho kẻ gây họa muôn dân? Phước mới như ngọn cỏ, mà ác ta khơi ra sẽ như đỉnh núi. Đó không phải xử sự của kẻ đọc sách thánh hiền. Đừng vì hận riêng mà lương tâm không lên tiếng:

- Cớ sao Chiêu Quốc Vương lại dám gây họa?

Ích Tắc cười:

- Có họa mới làm nên việc lớn. Ta đâu chỉ trị vì đất Đại Việt!

- Xin Chiêu Quốc Vương kiềm chế. Họa đến, liệu trăm họ còn đủ sức đề phòng giặc Nguyên Mông?

- Ngươi nhầm! Ta không gọi Nguyên Mông là giặc. Ngươi chớ hỏi ta nhiều. Ta cần người đến Đại Long Sơn cố mà tìm thấy Linh huyệt để khỏi bước xuống huyệt mộ ta đào cho cha con ngươi. Bây giờ người được phép đến thăm thân phụ người đang ở trong phủ của ta.

Đặng Tiên sinh cố trấn tĩnh. Thì ra cha ta đã bị Ích Tắc khống chế.

Nhìn thấy cha già đã ngoài bảy mươi tuổi ngồi bên song cửa mắt đăm đăm nghĩ ngợi, Tiên sinh quỳ sụp, nước mắt đầm đìa:

- Cha! Vì con mà cha lao lý! Cha ơi…

Phụ thân Tiên sinh mình gầy, râu tóc bạc trắng, mắt sáng nâng con dậy:

- Đâu phải thế! Lúc này con không được yếu mềm. Cha con ta không thoát khỏi cái chết bởi kẻ tà tâm. Không đi không được. Con cứ đi đi. Những tháng ngày ở chốn rừng xanh núi thẳm con sẽ nghĩ ra một điều gì đó có ích cho đời. Ta chỉ dặn con: Hạ một chữ có thể yên dân, có thể loạn nước!

Toán người danh nghĩa đi tìm cây thuốc quý với vài mươi người lính lực lưỡng nhưng ăn vận theo lối phu khiêng vác, hầu hạ do Lê Diễn cầm đầu. Người khách Vân Đồn, Đặng Tiên sinh đóng vai thầy thuốc, mặc áo xám rộng ống, tóc búi củ tó, tay cầm quạt, nằm võng, có vải che nắng. Trên đường đi mấy trăm dặm Diễn không bao giờ dừng chân ở trạm. Người khách Vân Đồn không cho Diễn giao dịch với bọn tổng lý, sợ lộ cơ mưu.

Trước khi đặt chân lên Đại Long Sơn, Tiên sinh cho đốt trầm hương để mọi người tẩy uế bụi trần, vái lạy núi thiêng. Người khách không chịu vái, nói đất Thiên tử không vái lạy chư hầu. Đặng Tiên sinh ngửa mặt lên trời mà than: “Quân ngạo mạn!”

Tiên sinh mở túi da, đặt la bàn định hướng.

Vượt qua con suối rộng bằng chiếc bè nứa. Phía trên bến vượt là dòng thác lớn từ núi xa đổ về. Nước như mây trời bay xuống rồi từ từ trôi xuôi trước chân núi Đại Long Sơn. Nước suối trong trông rõ mặt người. Những đàn cá lưng xanh, bụng trắng chao nghiêng sánh cùng những hòn đá cuội lấp lóa ánh mặt trời. Đôi bên bờ suối từng đàn bướm khoe màu sắc. Chiếc bè cập trên một bãi cát mịn, vàng tươi. Tiên sinh đặt chân lên sườn núi trải dài của ngọn núi thấp trong dãy Đại Long Sơn. Nơi đây nhiều thảm cỏ mượt mà như tấm nhung xanh. Bóng dáng con người làm cho đàn hươu ngơ ngác nhìn, đàn voi thản nhiên đi qua, mấy con hổ vằn nằm ghếch đầu lên tảng đá phơi nắng sớm. Ngọn núi thứ ba, thứ tư có những hàng cây cả ngàn năm tuổi, gốc lớn, rễ bành ra vồng lên bốn phía cao quá đầu người, cành xòe tán cho lũ chim trú ngụ ríu rít. Đỉnh núi cao nhất cũng là đỉnh núi cuối cùng, rừng thưa hơn, nhiều tảng đá lô nhô xen trên những bãi đất bằng nhỏ. Mùi hương của hoa của cây cỏ phản phất dìu dịu với không khí trong lành ngỡ như trong một vườn hoa lớn.

Tiên sinh bảo với bọn Diễn dựng cho mình một chiếc lều riêng để được tĩnh tâm và đêm đêm chiêm nghiệm trời đất mà dò tìm Linh Huyệt. Toán quân lính đi theo có một người lính đứng tuổi không nói một lời, luôn nhìn Tiên sinh với một ánh mắt như một chấm hỏi, thấu hiểu. Tiên sinh nhận ra người này có chí khí, miễn cưỡng mà đi theo hầu, lại có biết dăm ba chữ, Tiên sinh cho ở gần, đưa thức ăn nước uống, mài mực giúp Tiên sinh.

Người khách Vân Đồn và Lê Diễn thì khác. Họ chăm chú trên mọi nẻo đường, từng con sông thế núi. Họ thường nói chuyện kín với nhau. Đôi khi người khách cật vấn Đặng Tiên sinh mạch núi này từ đâu đến, con suối kia đổ về xứ nào? Y luôn lén lút chú ý quan sát gương mặt của Tiên sinh mỗi khi Tiên sinh dừng bước nhìn núi non trời mây và ghi chép. Người khách đắc ý, thầm nghĩ y đã đạt được tuyệt mưu! Y đã dụ được Ích Tắc. Không chóng thì chầy huynh đệ vương tôn họ Trần nghi kỵ mà sát hại nhau. Lớn hơn thế, y đã lên được Đại Long Sơn. Dù không chém đứt được linh huyệt thì y đã thủ sẵn trong hành trang một túi da dê đựng máu chó đen để ném xuống linh huyệt, theo phép yêu thuật mà y tin rằng sẽ trừ khử mãi mãi nơi phát sinh ra những anh tài hào kiệt của xứ An Nam.

Gần tháng trời, Tiên sinh chu du khắp năm ngọn núi. Tuy là thời gian ngắn ngủi, nhưng đây là dịp may trời cho. Với Tiên sinh bị đẩy vào thế thúc bách, sinh mạng tính từng ngày, những gì, bao nhiêu năm lặn lội đặt chân trên những miền đất nước chưa kịp hoàn chỉnh đây là cơ hội cho Tiên sinh. Những trang viết vội, Tiên sinh nói với người lính giúp mài mực mà Tiên sinh đã cảm hóa được: “Ta không thể giữ được. Người giữ lấy. Nó có ích đấy”. Khi đã hoàn tất những ghi chép các địa danh cùng những cây thuốc quý trước đây đã tìm được, Tiên sinh thanh thản, lòng không vướng bụi trần bước ra khỏi lều, ngước nhìn đỉnh cao chót vót núi thiêng thành kính tạ ơn trời đất. Bất chợt, Tiên sinh ngỡ ngàng nhìn thấy cận kề đỉnh núi trên một đám cỏ non biếc như tơ có một luồng khí mỏng lấp lánh năm sắc bay lên. Tiên sinh chăm chú nhìn. Tiên sinh phóng tầm mắt xa hơn của thế núi. Tiên sinh biểu lộ một niềm vui khí thiêng sông núi đã cho Tiên sinh nhìn thấy Linh huyệt - mắt Rồng! Tiên sinh định đặt bút chấm điểm Linh Huyệt - mắt rồng trên tấm họa đồ. Nhưng không rõ từ đâu một con chim có màu sắc vành xanh óng ánh rơi trước mắt Tiên sinh giẫy giụa, hấp hối. Tiên sinh giật mình, điềm xấu và làm cho Tiên sinh nhận ra mình đang làm gì, cho ai. Sự sống và cái chết của cha con Tiên sinh chỉ một dấu chấm này thôi! Lời nói của người cha tóc bạc phơ vừa nghiêm nghị trầm tĩnh, vừa tha thiết vang lên trong tâm trí ông như lời trăn trối: Hạ một chữ… Tiên sinh choáng váng! Ôi! Ta không thể vì cha con ta để cho kẻ tà tâm động đến Linh huyệt, làm tiêu tan mạch tồn vong của đất nước. Bằng một thái độ kiên quyết, Tiên sinh gập tấm họa đồ, xếp quản bút cho vào tay áo.

Biết trở về là nhận cái chết. Nhưng Tiên sinh không nỡ nhìn đám lính kia họ chẳng vì ai mà ngày đêm khó nhọc, gầy ốm nơi rừng sâu núi thẳm, chiều chiều buồn bã nghe con chim gọi bạn về tổ mà ngóng vọng quê nhà, Tiên sinh báo cho họ xuống núi. Người khách có đôi lông mày rậm với cặp mắt một mí nhíu trên khuôn mặt hùm hụp đầy quái dị, hách dịch:

- Chưa tìm thấy Linh huyệt sao lại dám hạ sơn?

Tiên sinh đáp:

- Kẻ tối tăm này hữu hạn. Tìm nữa cũng vô ích!

- Người đã tự đưa mạng sống của mình đến chặng cuối.

- Số phận cưỡng sao nổi!

Người khách nghĩ Tiên sinh còn hữu dụng, hắn dịu giọng, mưu đồ khác:

- Còn đấy! Trở về tay không ta chết mà người cũng chết, hãy theo ta qua bên kia Chăm pa.

- Chẳng ích gì. Kiếp người thêm tủi nhục!

- Nhưng ít ra cũng thoát được cái chết nhãn tiền!

- Tạ ơn. Người Đại Việt không ai muốn để hài cốt mình nơi đất khách, hồn bơ vơ!

Tiên sinh thả bộ nơi núi non, khí trời, cây cỏ cây cùng đất giao thoa không chút bụi trần mặc cho người khách mặt bự bự bầm như máu đang đứng như trời trồng.

Đoàn Mã Kỳ kín đáo theo sát Tiên sinh suốt cả cuộc hành trình. Biết được Tiên sinh sắp hạ sơn, Mã Kỳ chép miệng: Con người bậc nhất về âm dương trạch ấy hẳn đã điểm được hàm rồng (Mã Kỳ chỉ biết chừng ấy, không như người khách Vân Đồn đi tìm mắt rồng - Linh huyệt)! Đại long mạch sẽ trùm lên thiên hạ. Xương cốt của cha ta sẽ nằm trong hàm rồng mà thăng vượng truyền sức mạnh cho ta tung hoành khởi sự phục thù, cướp lại những gì đã mất. Cha ơi! Thời cơ sắp đến. Mã Kỳ nhớ lại ngày ấy trong cuộc giành giật thiên hạ, thâu tóm quyền uy cha ta đã thất thế. Biết mình khốn nguy, không thoát được cha ta đã kịp dặn ta phải khổ luyện đèn sách, cung kiếm tinh thông, rồi đi tìm cho được huyệt rồng ngự đâu đó trên những đỉnh núi phương Nam mà táng hài cốt người vào đấy rồi mới vung gươm khởi đại sự. Ngoài ba mươi tuổi, Mã Kỳ đã đủ sức, múa gươm suốt ngày không mệt, khăn gói lặn lội nắng mưa đi tìm long mạch mà bắt gặp Đại Long Sơn. Khi từ núi thiêng trở về, đang đi tìm các vị uyên thâm địa lý để tường tỏ thêm thì có kẻ mách bảo cho Mã Kỳ biết Đặng Tiên sinh lên núi tìm rồng cho Trần Ích Tắc. Mã Kỳ giấu mặt, lần theo Tiên sinh từng bước. Khi đoán chắc Tiên sinh đã tìm được rồng, Mã Kỳ bất ngờ xuất hiện:

- Xin Tiên sinh phiền lòng theo tiểu nhân băng qua núi bên kia!

Đang lưu luyến với đất trời nơi núi thiêng trước khi xuống núi, chợt Tiên sinh giật mình! Trước mắt Tiên sinh là một kẻ tráng niên lạ, y phục một người phu nhưng trong toán quân không có khuôn mặt này. Linh tính báo gặp họa! Tiên sinh trầm giọng, điềm tĩnh:

- Ngươi là ai? Để làm gì?

- Đến nơi hẵng hay. Xin Tiên sinh cứ gọi người hầu chuyện với Tiên sinh là tiểu nhân.

- Không xưng tên, không rõ gốc gác với sự hiện hữu không thuận theo lẽ thường tình ta chỉ gọi ngươi là kẻ ám nhân!

- Tùy Tiên sinh. Xin Tiên sinh cất bước. Tiên sinh cũng biết rằng chỉ chốc lát nữa thôi bọn Lê Diễn sẽ đi tìm Tiên sinh.

Gặp kẻ cường tráng, dữ tướng, mày xếch, mặt lớn lại lâm vào một tình thế không thể khác Tiên sinh đành theo ám nhân. Tiên sinh vừa đi vừa tự hỏi con người kia là ai, từ đâu đến, mưu mô gì đây? Hành vi ám muội là kẻ sát nhân Tiên sinh rùng mình: Sao số phận ta gặp lắm tai ương vậy?

Khi đến một hẻm núi hẻo lánh Mã Kỳ nói:

- Gia quyến tiểu nhân bị giết, thây phơi đầu bãi cho quạ rỉa xác, đã hai mươi năm khổ luyện, tìm đến Đại Long Sơn gởi nắm xương cốt cha vào long mạch mong khí thiêng vượng phát, đủ sức bình sinh giành lại vị thế cũ. Thiên kiến hạn hẹp chút nữa nhầm lẫn. Không còn cách nào khác đành thất lễ với Tiên sinh, mong Tiên sinh chỉ huyệt hàm rồng. Công thành, vàng bạc không tiếc.

Tiên sinh điềm nhiên đáp:

- Ám nhân xem thường ta quá! Ta cũng chẳng hữu ích gì. Vả chăng người đời không nên gây sự.

- Tiên sinh trong ấm ngoài êm, chén rượu vầng trăng, chu du sơn thủy thấu sao hết hờn căm của kẻ cha ông bị sát hại, đêm đêm nghe xương cốt dưới ba tấc đất gào lên bi thiết?

- Đã thế ta chẳng giấu gì ám nhân, cả Hoàng tộc vương triều ta sụp đổ. Vua bác ta phát cuồng, gửi thân cửa Phật vẫn bị bức tử. Vọng tộc ta còn sót lại tụ tập đốt nén hương khóc than những người đã chết. Độc kế của Trần Thủ Độ được bày, chôn vùi họ dưới hầm sâu. Thù oán ngất trời. Nhưng đấy là mệnh đã hết. Sách trời sòng phẳng, tính sổ. Họ trả nợ cho những oan hồn mà kiếp trước dòng họ ta đã gây nên. Nhân - Quả. Luân - Hồi. Kiếp người là vậy! Sao không tu nhân hôm nay cho đời sau phúc ấm? Gây họa, tích ác làm gì? Phải chăng tài trí như người quốc gia đang cần há không giúp rập?

- Vậy dám hỏi ai cung cúc cúi đầu điểm huyệt rồng cho kẻ nuôi rắn trong cung, ngầm thọc dao sau gáy để ngự trên quyền lực chót vót?!

- Tấm họa đồ ám nhân đã tước của ta, nhiều ngọn núi trên họa đồ không có thật, không ai đọc được. Vậy là ta không có gì để nói nữa.

Tiếng nói từ tốn mạch lạc nhưng sắc như dao, nặng như chì, tuyệt đường của Tiên sinh làm cho Mã Kỳ tức giận xé nát tấm họa đồ, gầm lên: Đồ vô dụng! Y rút dao đâm chết Tiên sinh rồi tẩu thoát.

Bấy giờ, Lê Điền sục tìm giết Mã Kỳ. Trần Ích Tắc giam đói thân phụ Đặng Tiên sinh đến chết. Cơ mưu không thành Trần Ích Tắc, Lê Điền, Trịnh Long, Phạm Cự Địa chạy lên phương Bắc nấp bóng quân Nguyên Mông. Xấu hổ, đắc tội trước hào khí Đông A, Ích Tắc treo cổ chết, thây vùi đất Bắc. Bọn tay chân cắp nón lê chân kiếm cơm xứ lạ. Người khách Vân Đồn ở trong trướng của Toa Đô. Y dẫn quân Toa Đô từ Chăm pa tiến đánh Châu Hoan, Châu Ái. Người khách bị quân Đại Việt chém chết trên lưng ngựa cùng với chủ tướng Toa Đô và mười vạn quân Nguyên vùi thây ở Tây Kết, bên lưng y còn túi da dê đựng máu chó đen mà y chưa tìm được mắt rồng để yểm Linh huyệt trời Nam.

T.T.H  
(SH314/04-15)







 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Phóng sanh (18/03/2015)
Hồng hoang biển (29/01/2015)
Sự mầu nhiệm (06/01/2015)