Truyện ngắn
Người trong rừng sớm
11:02 | 14/05/2008
“Ai cũng biết rằng tạo hóa sinh ra đất, nước, cây cỏ, chim muông, thú vật... và con người. Động vật có trước con người có sau. Như vạy họ là tiền bói của con người. Đã không thờ kính tiền bối, lại làm điều ác với họ, con người phải gánh chịu lấy hậu quả. Âu đó cũng là lẽ trời...!”

Chú tôi nói câu ấy trong một buổi chiều ảm đạm tôi đến thăm ông sau một chặng đường gần nửa nghìn cây số đi tàu hỏa và ngót hai chục cây cuốc bộ ngược rừng, khi được tin Lâm, thằng em điện về là ông bị trọng bệnh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi gặp lại ông qua nhiều năm xa cách. Nom ông chẳng có vẻ gì là người đang ốm nặng cả: Dáng vóc cao to, nước da như vỏ gỗ, chân tay của người mới ngoài năm mươi tuy không còn được săn chắc như xưa nhưng không thể nói là khẳng khiu, èo uột.
Ông đang nằm trên chiếc giường sạp nứa kê sát vách nhà thưng bằng gỗ đẽo, bỗng ngồi thót dậy vui mừng khi nghe tiếng Lâm gọi:
- Cha ơi, anh Luân tới rồi!
Tôi vừa tháo gỡ túi đồ đạc hành lý ra khỏi vai, vừa chào ông, hỏi thăm sức khỏe bệnh tình của ông. Tôi ghé ngồi vào cạnh ông, đưa tay sờ vào người ông xem ra sao. Bằng một động tác dứt khoát khó có thể có ở motọ người đang nằm liệt giường gần một tháng, như thằng lâm đã nói với tôi, ông gạt tay tôi ra không cho đụng vào người. Lặng im hồi lâu, ông ho khan một tiếng, rồi cất giọng nói cái câu trên. Trong lúc nói, ông không hề nhìn tôi và thằng Lâm mà nhìn đâu đó, như không nhìn cái gì hết . Tôi chú ý đến đôi mắt của ông. Có lẽ đó là sự đổi thay duy nhất ở ông trong giờ phút này. Đôi mắt vốn màu nâu sáng và tinh như mắt sơn dương của người thợ săn kỳ cựu giờ đây vằn lên những tia u ám ngang dọc hỗn độn như mây trời lúc rừng động. Tôi rùng mình thốt nghĩ: “Thế là không xong rồi!”
Chú tôi nói dứt câu nói lạ lùng trên lền nằm xuống, quay mặt vào vách. Và từ đó, ông bất động, mặc cho tôi và Lâm khuyên dỗ, van nài, lạy lục ông.. mỗi khi đưa cơm cháo thuốc men tới. Hai ngày sau, ông trút hơi thở cuối cùng một cách lặng lẽ, vô cùng thanh thản.
Hai anh em tôi cùng với sự giúp đỡ của bà con xóm của rừng nơi chú tôi trú ngụ, đã lo xong tang lễ chu tất theo đúng phong tục của địa phương. Mộ chú nằm trên đỉnh một ngọn đồi thấp và trọc, đầu mộ kéo một đường thẳng vuông góc với nhà chú là điểm chính giữa của hai chóp núi nhọn mờ mờ xa xa, đó là hướng về phía quê tôi, nơi chôn rau cắt rốn của chú.
Hồi cha mẹ tôi còn sống, ông bà thường kể chuyện rằng trong nhà ông nội tôi con cái đông, nhưng chỉ chú tôi là người đặc biệt hơn cả. Mặt mũi dáng vóc đã chẳng giống ai trong gia tộc, tính tình cũng khác người. Khi còn nhỏ thì không có gì phải nói, đến khi lớn lên, đi học, rồi trưởng thành, sự trái tính trái nết của chú tôi nhiều khi làm cho cả nhà bực bội, ngao ngán. Một lần vào dịp kỵ giỗ, bà tôi đong nếp vào một chiếc rá to, mang ra giếng để vo, sửa soạn hông xôi. Vào nhà trên để lấy cái gì đó, đến lúc ra giếng thì ôi thôi, bà thấy rá nếp chỉ còn sót lại vài dúm, còn chú tôi đang lụi cụi xúc phân phát cho một đám người ăn xin đi ngang qua đường. Bà tôi chẳng còn cách nào khác là quày quả đi chợ đong mớ khác. Chú nói: “Cúng cho người đã chết hưởng là từ lòng thành. Phát cho người đang sống ăn cũng từ lòng thành. Hai việc ấy giống nhau!”. Một lần khác, đang đêm khuya, hàng xóm bị kẻ trộm đột nhập vào nhà, họ kêu la ầm lên. Cả nhà ông tôi vùng dậy, gậy gộc chạy ra trợ giúp. Đến lúc trở về, điểm mặt lại không thấy chú đâu cả, nơi chú thường nằm giường chiếu vẫn y nguyên. Mọi người lo một ngờ hai, chẳng lẽ chú lại là tên trộm bên hàng xóm vừa chạy thoát? Đêm đó chẳng ai trong nhà ngủ tiếp được cả, cứ chong chong cho đến sáng. Khoảng trời tan sương, từ dưới gầm ván gian thờ, thấy nhô lên một cái đầu, rồi một người lồm cồm bò lên. Chú tôi! Mọi người há hốc mồm. Hóa ra chú đã ngủ dưới đó suốt đêm. Gầm gian thờ của ông nội tôi rải toàn cát trắng phau dày dễ đến hi gang tay, là nơi cực kỳ mát mẻ và sạch sẽ, hồi còn nhỏ vào mùa hè các cô chú tôi thường chui xuống đó chơi. Trong lúc ông bà tôi, cha tôi mắng mỏ chú là điên khùng, thì chú tỉnh bơ, từ dưới lên là vươn vai hít thở một cách thoải mái, như chẳng có gì quan trọng phải bận tâm cả. Đoạn, nói: “Việc chính là ngủ. Ngủ ở đâu cũng là ngủ, chẳng phải thức. Trên giường hoặc trên cát, khác chi nhau?”... Đại khái sự trái khoáy chủa chú tôi là như thế. Nói tóm lại, từ việc lớn đến việc nhỏ, chú đều làm theo ý mình, chẳng nghe theo ai hết. Vạ nhất mà việc chú làm đúng như lòng người khác thì chẳng qua đó là ý chú trùng hợp với ý người khác mà thôi, chú bảo như vậy.
Ông tôi không ngớt lời than phiền về chú, nào “Vô phúc, đẻ ra một thằng dở người dở ngợm!”, nào “Lạc giống lộn giòng ở đâu vậy, khổ chưa trời!”. Bà tôi nhớ rằng hồi lên chín, sau một trận đậu mùa thoát chết, chú sớm có những dấu hiệu của sự ngẳng đời đó. Bà nói là do ma đậu ám. Đôi ba lần, bà đã mời thầy cúng giải để đuổi ma đậu đi. Và bà tin rằng, đâu rồi ra có đó,chú sẽ không sao cả.
Quả như vậy thật, chú tôi lớn lên, khỏe mạnh, thông minh như mọi người, càng học càng giỏi, năm hăm hai tuổi đậu luôn hai bằng cử nhân triết và văn chương. Đến lúc này, trong nhà không còn ai nghĩ chú điên khùng nữa. Nghe nói luận văn tốt nghiệp của chú về triết là “Luậ về sự chết”. Chú cho rằng sự chết như sự sống, hai sự này là một, là giống nhau, hình bóng với nhau. Chết chẳng qua là một cách sống, tiếp tục sống mà thôi...
Rời trường đại học, ra đời, chú không xin việc, nhận việc ở đâu cả, trở về làng nằm đọc sách. Mấy rương sách to mang từ tỉnh về của chú, có đủ loại đông tây kim cổ, hầu như chẳng thiếu một thứ gì. Vùi đầu vào sách như thế đến ba bốn năm. Ông tôi nóng ruột, giục chú lấy vợ, ừ thì không chịu đi làm việc nhà nước, không chịu ra ngoài xã hội, thì phải chịu việc trong nhà, lo dựng xây gia thất vợ con chứ! Chú thản nhiên: “Lấy vợ? Thử định nghĩa vợ là gì. Không lấy vợ có chết không. Mà có chết, chẳng qua là...” Ông tôi cáu quá, ngắt lời: “Mày câm ngay đi cho tau nhờ!”. Đến năm chú ngoài ba mươi, không thể chịu được và cũng không thể lần chần được nữa, ông tôi đi nhắm vợ cho chú. Đó là một chị người làng làm nghề bán hàng xén vừa đẹp người vừa tốt nết, tính tình lại chu đáo, vừa rộng rãi vừa chi li. Định làm lễ hỏi và lễ cưới một lần cho gọn, nhanh chóng đưa chú tôi vào cái thế bị “kìm kẹp dịu êm” một cách ngon lành. Chú biết chuyện, chỉ lặng im, không lý sự chày cối như mọi lần, tuồg như có vẻ chịu phép. Cả nhà mừng rỡ khôn xiết.
Một hôm vào đúng giờ hoàng đạo, chú xuất hiện bất ngờ trước mặt ông bà tôi và mọi người trong nhà, với một gánh đầy sách vở trên vai, cúi đầu:
- Thưa cha mẹ, đã đến ngày con phải ra đi. Con xin chịu lỗi vì đã không thể làm vui lòng cha mẹ. Xin cha mẹ đừng can ngăn con, can ngăn với không can ngăn cũng là không; con nhất quyết ra đi! Sống ở nhà hay sống ở nơi đâu, cũng là sống! Con kính lạy cha me, kính chào cả gia đình!
Nói rồi, chú quay lưng, thong thả bước những bước dài ra cổng. Mọi người không biết làm gì, cứ đứng khựng như trời trồng, nhìn theo chú.
... Thời gian cứ thờ ơ vô cảm trôi qua... Chừng năm sáu năm sau, trong lúc chúng tôi đã gần phai lãng chuyện xưa, thì được thư chú từ rất xa gửi về. Cha con tôi tìm đến tận nơi thăm chú. Ngôi nhà nhỏ của chú nằm ở bìa một cánh rừng, hơi tách riêng ra cái xóm núi có khoảng hai chục nóc nhà không đến nỗi hẻo lánh lắm vì cách nhà ga đường sắt chỉ già một buổi đi chợ. Sau lưng nhà, một con suối nhỏ nằm dấu mình dưới tàn rợp của cây, chỉ khi nào vạch lá xuống đến tận mép bờ mới thấy, chú tôi đặt tên cho nó là “suối âm thầm”. Bấy giờ chúng tôi mới biết chú là đã có con, con nuôi. Đó là thằng Lâm, một thằng bé đen đúa, tóc hơi xoăn, chú nhặt được trên đường và mang theo. Thằng bé chừng ba tuổi, không biết cha mẹ là ai quê quán nơi nào cả. Chú học theo nghề đi săn, do một ông già cao niên xóm núi truyền dạy cho. Ngày qua tháng lại, chú trở thành một thợ săn nổi tiếng trong vùng. Thằng Lâm theo đó mà lớn lên, cũng trở thành một tay bợm trong nghề, dân xóm núi ai cũng nể mặt...
Xong ba ngày cho chú, tôi sửa soạn trở về quê nhà. Tôi nói thế nào, bàn ra sao Lâm cũng chẳng nghe, nói để sau rồi tính, giờ đây cha em nằm xuống, chẳng lẽ bỏ đi ngay, ai hương khói, ai trông nom mồ mả? Anh cứ yên tâm ra về, kẻo ở nhà chị và các cháu mong. Đừng lo gì cho em cả, em khắc biết phải làm cái gì, làm ra sao...!
Mấy tháng sau, tôi nhận được một gói bưu phẩm khá to. Mở ra xem, thì ra một cuốn ghi chép của chú tôi, kèm lá thư của thằng em. Lâm viết vỏn vẹn có mấy dòng: “Em vừa cúng cong một trăm ngày cho cha em. Em gửi cuốn nhật ký của cha em nhờ anh giữ hộ. Nghĩ rằng có thể có ích cho nghề nghiệp của anh. Giã biệt. Xin giã biệt. Tạ từ...!”
Tôi lấy làm lạ về giọng điệu câu cuối, nói chính xác là ba câu cuối của Lâm. Gạt sang một bên nỗi băn khoăn mơ hồ vừa trỗi dậy trong lòng, tôi lần giở những ghi chép của chú tôi, đọc.
Chú viết khá nhiều, nhưng hơi lộn xộn, khi thì chỉ một hai câu, khi thì cả bài, những cảm nghĩ, luận bình bên cạnh những tri thức, kinh nghiệm về cây cối, thú vật, chim chóc ở rừng, cả những quan niệm về thiên nhiên, về lẽ đời, về con người, rồi cả cái “đạo” độc thân không gì lay chuyển được của chú nữa...
Tôi chép ra đây một số đoạn nguyên xi:
“Ngày...
Không đâu như ở trong rừng sớm, con người rất dễ nhận ra nhau. Và điều cốt yếu là: hắn nhận ra chính hắn.”
“Ngày...
Bông hoa nhài trước cửa sổ phòng tôi nở ra vào tháng mười. Bây giờ cảnh quan vùng rừng đã u ám nặng nề. Mùa đông đã tới, những ngày này dễ gì làm cho lòng người, nhất là kẻ xa nhà như tôi yên ổn...
Thế rồi bông nhài nở. Hương nhài lọt qua cửa sổ, lan vào gian phòng tre nứa của tôi. Tôi lững thững đi ra, lại gần khóm nhài. Đấy là bông hoa cuối cùng còn lại của một mùa hè dằng dặc nối sang suốt mùa thu bâng khuâng. Bên bông hoa duy nhất còn lại ấy, vài ba cái nụ trắng rụt rè, hồi hộp.
Thôi rồi, những cái nụ ấy không còn kịp nở thành hoa nữa!
Trời đã trở lạnh từ sáng nay rồi...!”
“Ngày...
Một chiếc lá lốm đốm từ trên cây cao rơi nghiêng nghiêng xuống. Tôi nhìn theo, mơ mộng như mọi người vẫn mơ mộng nhìn lá vàng rơi. Nó rơi nhằm vào một cành cây khác, nằm luôn ở đó. Và, lạ lùng biết bao, chiếc lá bỗng thu nhỏ lại rồi bò ngược lên. Tôi giật mình suýt nữa reo to, ngỡ ngàng nhận ra đó là một con thằn lằn bay. Nó chẳng biết có tôi đứng gần, thảnh nhiên làm cái việc nó vẫn làm là bò lên cao rồi từ đó, bay nghiêng là là sang một thân cây khác.
Lần đầu tiên trong đời, tôi tận mắt thấy thằn lằn bay.
Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ bù lại cho tôi, một người thợ săn cả ngày đi lùng trong rừng mà chẳng thu lượm được gì”.
“Ngày...
Chim vàng anh hết mùa sinh nở thì thay dần màu trên bộ cánh của mình. Mười mấy năm ở rừng, để mắt quan sát hàng nghìn vạn lần tôi mới nhận ra điều bí mật này. Màu lông của chúng cứ sậm dần theo mùa. Từ vàng tươi xuân, sang vàng xuộm hè, thu về hung hung nâu, đông đến không còn chút vàng nào trên người. Bộ cánh màu nâu đất làm cho chúng giản dị hơn, gần gũi hơn và dường như trầm tĩnh hơn trong tính cách.
Hôm nay tôi gặp một đôi vàng anh lâu nay thi thoảng vẫn gặp. bây giờ, có lẽ vừa qua kỳ “vượt cạn”, chúng khoác bộ màu nâu đất đang tìm thức ăn trên cành sau bên lối tôi đang đi tới. Tôi lặng lẽ nhìn chúng, bất chợt nghĩ về sự thay đổi màu lông không chỉ của loài chim này.
Thấy đọng, một con vụt bay. Có lẽ nó không kịp gọi bạn khi bắt gặp cái nhìn như cánh cung của tôi. Hay nó chỉ nghĩ đến sự thoát thân riêng mình, tôi chẳng biết. chỉ biết là con kia vẫn không hay, vẫn mải mê vạch lá tìm kiếm những con sâu hiếm hoi của mùa đông. Lát sau, nó mới ngửng cổ lên. Không thấy bạn nữa, lại thấy tôi, nó vội kêu lên và cất cánh. Tiếng gọi của nó không được trả lời. Bằng chứng là bạn nó bay về hướng đông, còn nó bay về hướng bắc.
Ây là mùa đông. Có lẽ mùa xuân thì khác chăng? Có lẽ... Tôi buồn bã quay đi, lòng trĩu nặng..”
“Ngày...
Nhím là một trong số con vật mà tài định hướng của nó e rằng con người cũng khó sánh.
Nhím đi tới đâu, tiếng nhạc theo tới đó. Ây là tiếng lanh canh, lanh canh phát ra từ những chiếc lông đuôi của nó khua vào nhau.
Ba ngày trước đây, tôi đã thấy một chú nhím bắn cung. Nó đi vào rừng chuối. Nó dừng lại, ngước đôi mắt bé tí nhìn cái bắp chuối như một đốm lửa lập lòe trên cao. Nó đi quanh cây chuối như để định tọa độ phải bắn, các điểm cần dính đạn. Bỗng nó dừng lại và nhanh như chớp, vút! vút! Tôi nhìn lên. Cuống bắp chuối đang rung rung bởi ba bốn chiếc lông nhím cắm vào. Nó lại nhìn lên lần nữa. Biết chắc những mũi tên của mình đã thành công, nhím ta thong dong bỏ đi. Tôi chợt hiểu ra... cũng đi nốt!
Chiều nay tôi ra rừng chuối hôm nào. Cái bắp chuối nọ đã rụng, nằm dưới gốc, nó dường như vừa mới rụng nên còn tươi lắm.
Tôi nấp vào một khóm chuối khác, chờ đợi. Chốc lát sau, không phải một mà hai con nhím xuất hiện từ bụi cây rậm bên trái vạt chuối. Vợ chồng nhím “ăn tiệc” ngay trước mắt tôi, chẳng cần đếm xỉa gì đến tôi cả. Nếu lúc bấy giờ tôi lên tiếng hoặc ló mặt ra, thì đối với cặp tình nhân này, tôi cũng chỉ là một thứ cây chuối mà thôi.
Bữa tiệc kéo dài khá lâu. Hình như đối với những người đang yêu, được yêu, chẳng có việc gì phải vội vã cả. Đúng vậy chăng?”
“Ngày...
Bổ củi bằng nêm là việc bình thường, người đàn ông nào cũng làm được, cũng từng làm, ít nhất là một lần. Chỉ cần đóm cái nêm vào súc gỗ cho đúng thớ.
Riêng tôi, dân của rừng nhiều năm, việc bổ củi bằng nêm hầu như cơm bữa, đến nỗi chẳng có gì phải nói đến, kể đến. Vậy mà hôm nay tôi phải kể. Súc gỗ là một rừng nứa ken dày. Chiếc nêm là... một con lợn rừng!
Mặt trời lên cao, các vòm cây xa nhất, thấp nhất cũng vừa bắt nắng thì tôi vượt qua rừng nứa. Vẻ đẹp của rừng nứa ban mai nắng ấm khó lòng diễn tả bằng lời...
Tôi đi trong bạt ngàn nứa, bụng nghĩ thầm mình chả khác gì một con kiến bé xíu đang bò lách giữa các khe gần như khít rịt của một bó đũa khổng lồ, vô cùng vô tận
Bỗng có tiếng động. Tôi ngoảnh nhìn, trong đầu vụt kêu: “Heo độc!”. Quả nhiên, bên trái tôi cách chừng dăm chục bước, một con lợn đen trũi đang ủi măng một cách chăm chú, đầu quay về trước, đít quay về phía tôi. Tôi hơi hoảng vì hôm nay tôi không đi săn, không mang theo súng, toio qua rừng nứa để băng sang dãy núi bên kia, đến nhà một người bạn rừng mới quen. Thợ săn kỳ cựu như tôi mà nói đến hoảng sợ thì cũng lạ, nhưng thật là thế đấy, con người ai mà chẳng có lúc như vậy.
Sẵn trong tay có cây gậy chống, tôi dang tay vụt cực mạnh vào một cây nứa trước mặt, thét lên một tiếng. Cùng với tiếng thét của tôi là tiếng của thân cây nứa nức toác, nổ tô chẳng khác gì tiếng súng. Con lợn độc giật mình, không kịp biết việc gì xảy ra, hộc một tiếng, lao vào một nhóm nứa lớn. Khóm nứa bị chẻ ra bởi sức mạnh ghê gớm của lợn độc. Rồi nhanh chóng khép lại như bản tính của nứa rừng vốn khép và đứng ken dày bên nhau. Con lợn bị mắc cứng giữa nứa. Độ dày của khóm nứa đã không cho phép nó lao qua hết tầm. Bốn vó của nó thế là châng hẫng, không làm sao chạm được đất. Nó bị kẹp càng lúc càng chặt bởi chính sự quẫy đạp, dãy dụa của nó. Như một chiếc nêm đóng vào súc gỗ không đúng thớ nên không tách ra được, càng đóng càng sâu, cho đến lúc lút nêm...
Tôi chỉ còn mỗi một việc là thở phào trút hết nỗi hoảng sợ, quay trở lại xóm của rừng của tôi, hò hét mọi người vào nơi đã diễn ra cuộc “bổ củi”, tháo “chiếc nêm khiêng về...”
 
“Ngày...
Sương mùa trong rừng dĩ nhiên là khác với sương mùa ở đồng bằng hay thành phố. Còn khác nhau thế nào thì chuyện sau đây của cha con tôi sẽ nói hộ.
Chúng tôi lên nương để làm đất tra vừng từ lúc trời chưa sáng hẳn. Tôi đi trước, thằng Lâm đi sau. Càng lúc sương xuống càng dày, lúc đầu còn lờ mờ, sau chẳng thấy gì cả. Một màu trắng mưng mưng vây quanh, đến mình cũng chẳng cảm là mình hiện hữu. Chúng tôi chỉ đi theo quán tính, theo linh cảm, dật dờ như trôi như bay...
Bỗng Lâm kêu đau bụng, nó rẽ vào một chút và bảo: “Cha cứ đi, đừng chờ. Con sẽ theo kịp ngay thôi”. Tôi biết con toio thạo rừng chả kém gì tôi, còn dũng cảm và tinh khôn thì khó có ai địch lại, yên chí đi tiếp. Quả nhiên chỉ tàn điếu thuốc, đã nghe tiếng bước của lâm theo sau. Tôi ngoái lại, bước lui quàng cái xắc đựng gói cơm bình nước vào vai nó. Chúng tôi im lặng tiếp tục đi. Mà chẳng có chuyện cho cần nói.
Đến nơi, hai cha con vào việc ngay. Sương mùa tan lúc nào chẳng hay. Đến trưa nghỉ tay, tôi bảo con lấy cơm ra ăn. Lâm hỏi”
- Cơm cha để đâu?
- Sao lại để đâu? Tôi ngạc nhiên, Cha đeo vào vai cho con rồi cơ mà?
- Cha đeo lúc nào?
- Lúc sáng, khi con đi ngoài xong chạy kịp cha ấy!
Lâm tròn xoe mắt nhìn tôi. Tôi đọc trong mắt nó “Cha lại ngẳng đời rồi, lú lẫn chuyện chi vậy? Cái xắc đựng cơm nước cha đeo bên vai cha, đưa cho con bao giờ? Lại bảo quàng qua vai cho con nữa chớ! Lạ qúa! Không sao hiểu nổi!”
Lời qua tiếng lại một hồi, chúng tôi đành bực tức ra về. Nhịn đói mà về.
Gần chiều đến nhà. Cái xắc cơm không có ở trong nhà. Vậy là nó đã được mang đi. Cái xắc có ma chăng, nó bay đi mất bởi một quyền linh nào chăng? Chả hiểu ra sao nữa! Chính tay mình quàng vào cổ nó, mình đang tỉnh táo, sáng suốt đây chứ có phải mê muội, lú lẫn gì đâu? Tôi không khỏi rờn rợn, nghĩ đến những lẽ kỳ diệu huyền vi của vũ trụ của thiên nhiên...
Tối một chặp, dân xóm của rừng rậm rịch reo hò. Mấy người trai khiêng về một con gấu khá to vừa bẫy được. toio chạy ra xem. Người bạn thợ săn giơ cao một cái túi, mồm cười to, bô bô: “Bà con à, lạ lùng chưa! Trong cổ con gấu có cái túi này đây! Mang chéo qua vai hẳn hoi nhá!”. Nói rồi, ông ta mang quàng qua cổ, làm mẫu để mọi người xem.
Tôi giật mình xáp tới gần, soi cho rõ. Đúng cái xắc của cha con tôi hồi sáng sương mù. Tôi mở ra. Gói cơm, bình nước vẫn còn y nguyên.
Thằng lâm rũ ra cười. Nó nói:
- Cha “nghệ sĩ’ quá trời! Hồi trẻ, sao cha không xin vào đoàn xiếc, hả cha?”
Và đây là đoạn ghi cuối cùng của chú tôi:
“Ngày...
Con la của giáo hoàng trong truyện Alphonse Daudet để dành cú đá hậu đến 7 năm.
Còn con mang của tôi để dành cú đá hậu đó ít ra là gấp hai lần, ngay trước giờ phút nó chết. Nó chết hay là tôi chết đây?...
Phát súng của tôi hất nó vồng nhảy một cái rồi ngã xuống. Vết thương làm toàn thân nó co giật một hồi rồi im. Xong tôi nghĩ.
Tôi đến gần, vừa đi vừa khoác súng qua cổ. Con mang nằm không nhúc nhích. Tôi nắm hai chân sau của nó định nhấc vắt lên vai. Thì, như một làn chớp, con vật vùng dậy, toàn thân trụ vào hai chân trước. Toi chưa kịp xoay trở, đã “Pộp!”. Cú đá hậu của nó đã dính trúng ngực tôi. Tôi choáng váng buông tay, mặt mày xây xẩm, ngực đau dội...
Còn con mang chúi đầu xuống đất, vẹo cổ, giẫy chết trong một niềm thỏa thuê kiêu hãnh vì đã trả được thù...
Tôi đã bị nó lừa, tôi đã quá chủ quan vì nghĩ mình là dân săn sừng sỏ, hay là bị cái gì, vì cái gì nữa đây...?”
Cách mấy dòng là chữ của Lâm mới viết:
“Anh Luân ơi, còn một chuyện em chưa kể cho anh hay. Chiều hôm đó, sau khi nằm dưới gốc cây nghỉ một lúc, tuy đau đớn là thế nhưng cha em gắng đứng dậy nghiến răng đập gãy nát khẩu súng, tự tay chôn cất con mang ông đã hạ sát cùng khẩu súng từ giây phút đó không còn là ông nữa mà là của rừng. Hai cha con đắp cho mang một nấm mồ, chân mấy ngọn cuống cỏ khô thay hương cắm lên rồi sụp xuống lạy, khấn nguyện. Thề với trời đất, với núi thẳm rừng sâu, từ nay bỏ đứt nghề đi săn”
... Ba năm sau, tôi trở lại xóm của rừng để bốc mộ chú tôi đưa về nằm tại làng quê. Bà con cho biết Lâm đã ra đi từ sau trăm ngày chu stôi, không biết nó đi đâu, biệt tích.
Nhiều năm sau nữa, tôi được tin là lâm đã tìm được hung tích của nó rồi, đã về với cha mẹ ruột rà quê hương bản quán rồi. Tin khác, Lâm đã theo bộ đội cách mạng, giờ làm to lắm. Lại có tin Lâm đã khoác áo thiền sư, trụ trì ở một ngôi chùa xa, tận sát biên giới...

HỒNG NHU
(nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Ngoại thành (14/05/2008)
Sóng ngoài khơi (16/04/2008)
WTC sụp đổ (16/04/2008)
May, rủi (08/03/2008)