Truyện ngắn
T&P
15:30 | 17/08/2015

NGUYỄN HIỆP

Bước đi của ông nghiêng bên này, ngả bên kia, bóng nhảy qua nhảy lại thành hai chiếc bóng của một người.

T&P
Minh họa: Nhím

Lâu ngày chày tháng, hai chiếc bóng được gọi tên, có cuộc sống riêng, thậm chí rất cá tính nữa là đằng khác. Ông nói: T - chiếc bóng bên trái như con ó đen hãnh tiến, kiêu ngạo, rình rập ăn nhòe bóng kia, nó biết cách gây ấn tượng lên trí tưởng tượng... P - chiếc bóng bên phải như con mèo mun ngái ngủ. Khi P co cuộn mình lại, vô cảm như vậy, ông biết nó đã sập bẫy T, loại bẫy ý thức này giăng ra không phải để cho con mồi mắc vào mà là để cho con mồi tự mắc bẫy chính mình.

Ông đã thấy, đã nhận ra điều đó theo từng bước chân khập khiễng giữa nắng chang chang, giữa chiều chói gắt, giữa mưa lá rơi, giữa mù bụi đỏ... Chợt ông nhìn quanh, tim loạn nhịp thình thịch trong lồng ngực, ông sợ người khác phát giác ra bí mật riêng tư ấy. Có người đã gọi ông là “lão già chấm phẩy”, nhưng tiệt không ai thấy bí mật hai chiếc bóng của ông, nó sờ sờ ra đó nhưng không ai thấy.

Giờ thì tiếng rao “Cô Bấc Chưng Bơ” của ông đã thành cái tên quen thuộc, ai ai trong làng biển này cũng gọi ông như thế, họ không dòm ngó tới bước chân ông nữa, không soi mói đến T và P của ông nữa. Ông đã tạm yên tâm về mặt dư luận, (đôi khi ông nghĩ cất tiếng rao thật ấn tượng để người ta chú ý tập trung cái này mà quên cái kia cũng là một cách làm hay). Cứ tưởng T, cái bóng thứ hai bên trái mới có vấn đề, hóa ra cả hai đều làm ông bắt đầu thấy lo. T và P như hai phụ chú của cuộc đời ông, chúng có bề nào ông cũng chẳng được yên.

*

Tôi cũng chẳng được yên. Câu chuyện về hai chiếc bóng của ba tôi luôn là nỗi ám ảnh trong từng giấc ngủ của tôi. Sở dĩ tôi biết bí mật ấy của ông vì có lần tôi đã vô tình chứng kiến cuộc nói chuyện của ông với hai chiếc bóng trên suốt đường đi bán bánh chưng của ông. Tôi lặng lẽ đi theo như chiếc bóng thứ ba, ngoài T và P của ông. Tôi nghe nhưng ông nào có hay.

Tôi nghe nhưng ông không hay. Như một đoạn băng hư, cứ giáp vòng thì nó lại áp vào cái mép đọc của trống từ, tiếng rao thật to, giọng kéo dài “Cô bấc chưng bơ...”. Xong, “đoạn băng” lại thả trôi rì rì, thì thào, thì thào. Chân lại liêu xiêu, nghiêng ngả, đầu lại cúi gầm, miệng thì thầm với T và P. Không biết T và P có nói gì với ông không, nhưng thường thì ông hay mắng nhiếc P rồi lại mắng nhiếc cả cái chân gỗ là đồ hèn hạ, tê liệt, trơ lì, vô cảm. Có khi ông khen ngợi T là đồ khôn lỏi, biết phô trương quyền lực, biết cách đi đêm, biết cách tự tôn vinh mình.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời ông, ông vẫn âm thầm hy sinh vì tôi mà ông chẳng hề hay biết, đôi khi tôi thấm buồn vì sự im lặng đến hờ hững của ông với tôi. Tôi biết trái tim ba tôi là nơi trú ngụ nhiều nỗi đam mê và nhiệt huyết. Ông bị đày ra Côn Đảo vì tham gia phong trào biểu tình của sinh viên miền Nam chống chiến tranh, chống độc diễn, chống giả danh giả nghĩa. Tưởng mục xương trong tù nhưng chưa đầy năm, nhân có phái đoàn thanh tra quốc tế đến Côn Đảo, ông dùng mảnh chén vỡ mổ bụng để phản đối những hình thức tra tấn dã man của nhà tù. Ông ôm đống ruột phòi ra, lết đến gần song sắt và hô lớn: “Đả đảo!” Họ đã thấy. Với sự can thiệp của phái đoàn, ông được thả về, chịu quản thúc một thời gian. Để tránh cuộc tổng động viên, tổng động lùa của quân cộng hòa, ông đã tự hủy bàn chân trái của mình, bị nhiễm trùng, phải tháo khớp lên tận gối. Buổi sáng, từ bệnh viện chỉnh hình, ông hay tin chiến tranh chấm dứt. Ngồi nhìn chằm chằm vào một bên chân cụt của mình, người ông bàng hoàng, đau đớn, mắt cứ dại đi...

Giờ, mắt ông loạn rất nặng nhưng đêm nào ông cũng chong cây đèn hột vịt, rà cái kính lúp to như bàn tay qua qua lại lại trên từng trang sách; trưa nào ông cũng rà cái kính lúp qua qua lại lại trên từng trang báo. Trước đây, tôi thường nghe ông tức tối bình phẩm rồi thở ra đánh thượt mỗi khi đọc những bài báo nói về các vấn nạn của đất nước. Sau, ông không biểu hiện thái độ như vậy nữa... Ba tôi là người rất quý thời gian, ông tặng tôi cái đồng hồ dây da cũ với lời dặn: “Nhớ là phải lương thiện trong từng khoảnh khắc của đời mình.” Tôi cũng từng nghe ông nhắc nhở T và P nhiều lần nội dung đó, dù ông không tặng đồng hồ cho chúng.

Đang ngồi suy nghĩ về ba chợt tôi bần thần khi nghe tiếng rao bán bánh chưng của ba tôi đến gần sát quán cà phê. Tôi khẽ xoay lưng, đầu làm như có ai rịt kéo xuống. Tôi biết mình không đủ tư cách ngồi quán cà phê trong khi ba tôi dầm sương dãi nắng bán từng cặp bánh chưng hai ngàn đồng như vậy, dù đối với những thanh niên khác chuyện sáng sáng hẹn hò quán xá là thường, không to tát gì. Nghỉ hè. Tôi nhảy xe đò sớm về nhà nhưng ba tôi đã khép cửa đi bán từ lâu. Trên sân nhà, lá xoài non bị sâu ăn rơi rụng nhiều quá, những chiếc lá xanh non, mỏng tang, yếu ớt bệt đầy mặt đất. Gió heo hút, không đâu có cơn gió buồn đến quặn lòng như cơn gió qua sân nhà tôi. Khung cảnh làm héo hắt lòng người. Tôi nghĩ đến T và P, hai chiếc bóng, hai người bạn của ba tôi mà thở ra ngao ngán. Thả cái túi dết đựng mấy bộ đồ vào khung cửa sổ, tôi bước từng sải chân dài ra quán cà phê... Tôi đưa tay nhìn đồng hồ: tám rưỡi sáng. Chắc ba đã bán gần xong. Hình dung cái cảnh ông lọc cà lọc cạch dắt chiếc xe đạp đi bán bánh chưng về, trong cái giỏ đựng bánh giờ lại thay bằng mấy tờ báo, điều đó làm tôi mỉm cười. Ông già thật lãng mạn.

“Cô bấc chưng... bơ... ơơơ...”. Tiếng rao bám bên tai tôi, nhức nhối. Tự dưng xương sống dợn lạnh, tôi đặt ly cà phê chưa kịp chạm môi xuống mặt bàn. Sao hôm nay tiếng rao của ba tôi lại trôi về phía ấy? Bất cứ con đường nào cũng dẫn đến một nơi chốn, một địa chỉ, nhưng con đường ấy thì không, nó bị cắt ngang bởi cái hố thẳm do người ta phóng con đường tức ngang đường nước chảy. Rồi cơn lũ quét đi ngang, xoáy cuốn thành vũng sâu, mép đường thòi ra nham nhở, tảng sỏi đỏ bám thẻo mẻo bên trên không chân sẵn sàng rơi xuống bất cứ lúc nào. Tôi nhớ như in cái bẫy này. Trước, người ta đổ đống cát cao ngất sáng trưng áng ngữ, nhưng rồi cát bay, cát chuyển động, cát rã dần trong gió, vực lộ ra lần hồi, nó trở nên đáng sợ đối với người dân làng biển này. Vậy mà tiếng rao của ba tôi đang trôi về phía ấy.

Con đường không có địa chỉ đến. Tiếng rao văng vẳng... Tôi bắt đầu lo lo trong bụng. Tôi cảm thấy sợ khi nhớ lại lời ba nói cách đây không lâu: “Mọt sinh ra từ T. P sập bẫy, cho mọt bùng nổ giống nòi. Chắc chắn đến một ngày mọt sẽ tràn ngập từng bầy, từng đàn trong da thịt ba. Cả T và P đều nhung nhúc mọt. Được thôi, ba sẽ cho chúng leo núi, rồi đến gần đỉnh, ba sẽ bước một bước đưa tất cả bọn chúng vào khoảng không.”

Từ ngày xảy ra biến cố do cơn lốc, ba tôi luôn có những hành vi bất thường... Xứ này, ra ngõ gặp lốc, loại tai họa quen thuộc. Lốc dở nóc nhà báo hại bao kẻ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Lốc phủ đầy rác rến vào cả rạp đám cưới khi tiệc vừa dọn ra làm cô dâu chú rể méo mặt, thực khách ngậm tăm ra về. Lốc hốt hết khoai sắn bà con đang phơi đem đổ ra biển... Nhưng chưa có một biến cố do lốc nào giống trường hợp ba tôi. Năm ấy, ba tôi đang ngồi lau lá chuối nơi chân đống rơm thì bị một cơn lốc bất ngờ bốc mang cả rơm cả ông bay về phía biển. Cơn lốc xoáy tròn, dựng đứng lừ lừ cuộn qua trước mắt tôi. Tôi thấy ba tôi đang vùng vẫy trên trời nhưng chỉ biết há hốc miệng đứng nhìn chết trân. Một lúc sau tôi mới hoàn hồn la hét kêu cứu. Trai làng ở gần đó nhào lên hai chiếc ghe nổ máy rượt theo cơn lốc, ụn rơm vàng xoáy tròn trên trời, hai chiếc ghe như hai chiếc lá trôi trên những con sóng lớn. Chợt cơn mưa ập đến xối xả, ụn rơm và ba tôi biến mất. Hai chiếc ghe ba lốc đang tăng tốc hết cỡ bỗng sựng lại. Ngơ ngác. Bất lực. Mọi người quần ghe thành những đường tròn rộng dần, nước sủi bọt trắng hếu. “Biển cả biết đâu mà lần.” “Chỉ còn hy vọng xác tấp vào bờ.” “Đợi thôi!” Ai đó có ý kiến. Có người còn hoang mang buột miệng: “Hay ông già đã... bay lên trời?” Tôi không chịu, nhảy xuống biển lặn hụp trong nước mắt ràn rụa. Tôi là đứa con lớn lên chỉ biết ăn học, nhưng tôi sinh ra ở làng biển, từ nhỏ tôi đã lặn hụp trong những con sóng, tôi bơi như cá nên có người còn phong cho tôi biệt danh “con trai của sóng.” Tôi rà người sát xuống đáy cát, tôi lượn người lên, quật người xuống, mắt mở trừng trừng nhìn dáo dác khắp một vùng lớn trong lớp nước xanh lờ mờ ấy. Cuối cùng, mọi người cũng xốc nách đưa tôi lên ghe, tất cả tiu nghỉu tập trung về nhà tôi. Những khuôn mặt thất thần, những tiếng thở ra ngao ngán, đau đớn trước cuộc sống như con ve cái kiến quá đỗi mong manh. Mọi người đã bắt đầu bàn tính chuyện tang chế. Tôi khi ấy lúc tỉnh lúc mê, tôi cứ tưởng tượng ra hai bàn tay tuyệt vọng của ba nhấp nhô trên sóng. Cảnh “dội đèn” của ba ngay trước mắt tôi. Tôi la hét, đập ngực tự trách chính mình là đứa con vô cảm. Tôi choàng dậy, thoát ra khỏi cơn mê và đối diện với thực tại là ba đã mất tích. Mắt tôi chợt ráo hoảnh, người tê điếng. Tôi bó gối ngồi nhìn chằm chằm vào bóng đêm.

Khuya, mọi người đã ngủ say, số người nhà gần đã ra về, tôi chợt nghe tiếng đẩy cánh cửa liếp tre. Một bóng người run run bước vào nhà. “Ba!” Tôi rú lên. Mọi người dồn nhanh vào góc nhà, ai cũng đưa tay bịt mắt lại. Họ tưởng đó là hồn ma của ba tôi. Ba tôi lặng lẽ bước đến cái sạp tre, nhấc bình trà ủ ấm trong trái dừa khô cắt miệng, không cần ly, cứ thế ông tu ừng ực. Tôi biết không phải là ma nên nhào tới ôm ba khóc rưng rức như một đứa bé. Khi sắp mất cha, ta mới biết người cha cần thiết với ta như thế nào.

Ba kể: “Thật ra cơn lốc đã làm rơi ba lúc còn ở gần bờ. Ba ngất xỉu ngay từ đầu, chẳng biết trời mây gì nữa. Khi tỉnh lại thấy mình nằm nơi mép sóng, dòm qua dòm lại thì chỗ ấy là bãi biển lạ hoắc. T và P bị mất tích, ba vòng vèo tìm mãi mà không thấy. Đành một mình về làng, phải mất một chút để định hướng, khát nước cháy cổ.” Vậy ra lúc chúng tôi cố rượt cơn lốc thì cơn lốc chỉ còn mang ụn rơm mà thôi. Ai nấy nghe chuyện đều cười ra nước mắt. Người làng không hiểu hai nhân vật mất tích T và P là ai nhưng họ tự lý giải với nhau: “Ông già mê sảng.”

*

Sau đó, tôi đi học mà trong lòng cứ lo lắng không yên. Hơn hai năm tôi mới dám lòng nhủ lòng: “Không sao.” Cũng nhờ câu nói như vầy của ba mà bụng tôi mới yên được. Hè năm ngoái, tôi dầm mưa sửa lại mấy chỗ dột trên mái nhà. Mưa lạnh quá, tay chân tôi cứ run lập cập không thể rút được đầu nụt lạt mà vặn. Ba đứng dưới thấy vậy nói vói lên: “Đừng nghĩ đến hơi ấm trong khi lạnh! Kệ nó, cứ ‘lạnh là lạnh’ thì nó sẽ tự qua.” Tôi thực hiện theo, quả thật là như vậy. Tôi thầm nghĩ: “Ông già bán bánh chưng mà cũng minh triết ghê.” Vậy là tôi tin ba, tôi nghĩ ba tôi có ít nhất hai nhân cách: Một nhân cách “Cô bấc chưng... bơ... ơơơ...” là tấm lòng hy sinh không bờ bến vì con trai. Ở làng này, người ta gọi ba là ông già “Cô bấc chưng... bơ... ơơơ...” mà ít ai hiểu được từng tiếng ấy có nghĩa chính xác là gì. Chỉ cần nghe “cô bấc... chưng... bơ...” là vẫy tay: “một cặp”, “hai cặp”... Ngữ nghĩa ngôn từ đối với họ chẳng là cái thá gì. Cũng có người suy được rõ ràng: “Cô bác mua bánh chưng bơ...” thì hay cười tủm tỉm vì giọng rao lơ lớ của ông già. Nhân cách thứ hai của ba chỉ một mình tôi biết. Ngoài tôi ra, không ai biết T và P là ai. Cũng có thể đó chỉ là một ý tưởng bệnh hoạn bất thần đè nặng lên ba làm cho ba không thể kiểm soát được, cũng có thể tôi chưa có được cái nhìn “xuyên- thấu-rõ-ràng” như ông.

Một lần cha con tôi đi rọc lá chuối ngang qua căn chòi cũ trong vườn, tôi hỏi ba:

“Ba à, bánh chưng hình khối vuông mang ý nghĩa gì vậy ba?”

“Không hiểu thật à? Hình vuông tượng trưng cho đất, là biểu tượng đó mà. Số bốn cũng là tượng đất. Vậy chớ nhìn cái bánh chưng bốn góc con không thấy được cảm giác rắn chắc à? Trời! Văn hóa Việt mà còn chưa biết thì biết gì bây giờ?”

“Ruộng đất và đàn bà có đồng nhất không ba?”

“Đã tìm thấy T và P. Sẽ mưa liên tiếp, nước dâng lên trừng phạt lũ mọt đang ngập ngụa trong tội lỗi...”.

“Ủa, ba nói gì vậy?”

“Ừ ừ...”.

Tự dưng câu trả lời của ba lại chẳng nhập gì với câu hỏi của tôi. Ba tôi bối rối rồi bảo tôi đi nhanh ra khỏi chỗ này. Tôi cứ ngỡ có một ký ức thời thơ trẻ nào đó làm cho ba chợt nhớ lại và xúc động. Những người già thường hay vậy mà. Nhưng không phải, tôi thấy rõ ràng khuôn mặt ông đang biến sắc. “Ba khó chịu trong người.” Ba chỉ giải thích như thế rồi bươn đi. Tôi chỉ còn biết lúp xúp chạy theo. Mãi sau này tôi mới biết là do ông đi ngang mấy cây cột mục của căn chòi, những cây cột bị mọt ăn, cứt mọt tràn ra đầy quanh chân cột.

Sau đó, tôi thấy ông soạn mấy tấm áo mưa cũ chằng đụp tứ tung trong buồng ngủ. Ngạc nhiên tôi hỏi:

“Mưa đâu có dột mà ba che tứ tung vậy?”

“Con nghe gì không?”

“Có gì đâu.” Tôi lắng tai một hồi rồi trả lời.

“Đó, suỵt suỵt! Mọt quá nhiều! T và P đều có mọt.”

“Con có nghe gì đâu.”

“Có. Chỗ nào cũng có... Cả cái bóng bên trái cũng có...” Ông bất thần chạy bung khỏi cửa buồng, lao thẳng ra sân, đứng sựng nhìn bóng mình, ông chắc chắc lưỡi, rồi lại ngay lập tức chạy ngược vào nhà. “Mọt... mọt...” Ông rúm người lại ngồi thụp xuống một góc tối. Tôi ôm chầm lấy ba. Hai cha con cùng khóc.

“Hổng có đâu ba, mà mọt chỉ ăn cây thì có gì đâu mà ba sợ dữ vậy.”

Ba ôm tôi khóc thành tiếng như một đứa trẻ: “Ba biết nó ăn cây chớ, nhưng ác cái nó lại nghĩ mình là cây. Mọt mà con! Nó chẳng từ thứ gì đâu.”

Suốt đêm đó, tôi dỗ ông đủ cách ông mới chịu thiếp đi. Thật khổ cho ba! Trước đây, ba cứ chắc chắn mình bị ung thư máu chỉ vì một lần ông chảy máu nướu răng. Tôi bán cả cái tủ thờ khảm xà cừ của ông nội để lại (cái vật duy nhất mà ba tôi cho rằng mọt chưa đụng tới được) để đưa ba vào bệnh viện ung bướu. Xét nghiệm, thử máu, chụp hình các kiểu, cuối cùng bác sĩ nói: “Không có gì.” Bây giờ lại chuyện ám ảnh mọt. Khổ thân cho ba tôi!

Tưởng đâu ba chỉ dừng ở đó, không ngờ chứng hoang tưởng ở ông ngày càng cường điệu, ngày càng trầm trọng.

Hồi còn học phổ thông, tôi thường giúp ba mấy việc vặt như ngâm muối bẹ chuối làm dây buộc, khều than ra khỏi bếp, đặt ấm nước cho ba luôn có nước nóng mà châm, lật giở lớp bánh trên cho khỏi bị lại gạo... Sau khi chất bánh vào xoong, khiêng lên bếp, nhóm lửa xong, ba tôi thường tháo cái chân giả ra rồi cứ thế ngồi lặng bên bình trà, một tay chống cằm. Trước đây, ông hay hứng chí kể tôi nghe chuyện người con trai thứ mười tám của vua Hùng là Tiết Liêu đã nhờ một vị thần hiện ra trong giấc mộng chỉ cho cách làm bánh dày bánh chưng. Bánh chưng vuông tượng đất, nhân bánh tượng ơn cha mẹ sinh thành. Chính vì ý nghĩa đạo lý ấy mà hoàng tử được vua cha truyền ngôi... Kể hết sự tích xa xưa, ba lại kể chuyện gần hơn, lúc vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh trong dịp Tết nguyên đán, toàn dân ngâm bánh chưng xuống ao để dành ăn Tết muộn. Nhờ nhựa bánh, nước đâu có thấm vào được. Trong những dịp Tết nhứt, ba làm hai cái bánh vuông lớn đặt lên bàn thờ tổ tiên và luôn miệng ngâm nga:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Ba tôi làm gì nói gì cũng gắn với bánh chưng, đôi lúc tôi nghĩ cái biểu tượng về nền văn hóa lúa nước ấy đã thành máu thịt của ông...

Thời gian có tên gọi ấy đã thành dĩ vãng. Giờ, mỗi lần về nhà phụ giúp ba, ba toàn kể cho nghe những cơn ác mộng. Ông nói nhiều lần về chuyện lũ mọt đang hoành hành. Một ngày, tôi thấy ông đang lui cui chất mấy khúc cây đè lên ép cho bánh rền, bỗng ông cắt dây, lột lá một cái bánh, đứng săm soi mãi. Bất thần ông quơ tay hất tung, ném hết bánh xuống đất. Ông đưa chân đạp túi bụi. “Này, mọt này! Mọt này!”

Tôi chạy lại hỏi tại sao, thì ông lắc đầu: “Thật hết chỗ nói, bọn mọt khốn nạn chui cả vào trong bánh chưng, chỗ thiêng liêng vậy mà cũng không được yên. Chúng sinh sôi nảy nở quá chừng, chỗ nào cũng có mọt, từ trên tới dưới, từ trong ra ngoài.” Tôi lượm lại một cặp bánh văng ra còn nguyên vẹn, lột lá chuối ra ngắm nghía nhưng có thấy gì đâu. Tôi vừa thắc mắc liền bị ba phẩy tay: “Con thì thấy cái gì.” Nói xong, ông còn truy tìm mọt trong bàn chân giả của ông và trong mấy cái ghế, ông dùng con rựa chẻ củi chặt tan nát bàn chân giả làm bằng nhựa, rồi chẻ vụn từ chân ghế cho tới mặt ghế. Tôi cảm thấy “những con mọt” của ba bắt đầu khó hiểu, có lẽ ba bị ám ảnh mọt quá nặng rồi. Tôi luôn tìm cách hiểu ba, đồng cảm với ba, chia sẻ với ba trong từng ý nghĩ. Tôi hiểu sự cô đơn trong lòng ông, trong cảnh lùi lũi sống một mình từ khi tôi đi học xa. Nhưng rõ ràng nỗi ám ảnh những con mọt của ba đã đi quá xa. Vì sao mà bị ám như vậy? Câu trả lời của tôi không chắc lắm.

Thấy tay chân ông ngày càng có nhiều vết vải buộc đáng ngờ, tôi quyết tâm theo dõi. Khuya, ba tôi ngồi bên ngọn đèn dầu, tay cầm kính lúp soi soi mãi vào cái dĩa, bàn chân giả mới làm lại đang dựng bên cạnh. Trong dĩa đựng gì thì tôi không thấy được. Cái kính lúp ông dùng để đọc sách thì tôi không lạ. Tôi đẩy cửa bước vào và sựng lại. Tôi đứng như trời trồng, ngây dại nhìn những miếng thịt cắt nhỏ như hột lựu trong dĩa. Tôi vạch tay áo đầy máu me của ông ra thấy rõ ràng vết cắt mới tinh. Mẫu dao lam dính máu ướt rượt vẫn còn đó.

“Ba! Sao ba làm vậy?”

“Suỵt suỵt! Không sao, ba đốt dao lam rồi, không nhiễm trùng đâu.”

Ba tôi đứng dậy ấn cái kính lúp vào tay tôi, nhấn người tôi ngồi xuống ghế rồi ra lệnh: “Nhìn đi! Bên phải ấy, mấy con mọt già đang ngoe nguẩy, mấy con mọt trẻ dương dương tự đắc. Ghê quá!”

“Ba bị nặng rồi. Mình đi nhà thương nghen ba!” Tôi vỗ về.

“Bệnh gì mà nhà với thương. Con nhìn đi, đó, những con mọt tinh vi lắm núp kín trong thịt, nhung nhúc. Trước sau gì nó cũng ăn thịt mình, cho nó ăn trước có phải hơn không, mình lại được ngắm nhìn nghiên cứu chúng nó... Khi nào chúng đầy ra không sót chỗ nào trên cơ thể nữa, ba sẽ cho chúng đi luôn một thể.”

Cái kiểu nói của ba, kiểu tình thế nước đôi giữa thực và hư làm cho tôi luôn hồ nghi, chẳng biết kết thúc ra sao, chẳng biết ba có ra khỏi được nỗi ám ảnh hay không.

Vậy đó mà ngày nào ông cũng đều đặn ngâm nếp, ngâm đậu, ghé chợ mua thịt ba chỉ, đi khắp các vườn rọc lá chuối, ngồi cần mẫn suốt đêm gói từng chiếc bánh chưng nhỏ nhắn. Ông gói bánh chưng rất nghề. Đôi lúc tôi nghĩ ba tôi làm tất cả những công đoạn ấy, cả cái việc chân chấm chân phẩy dắt chiếc xe đạp toòng teng hai giỏ bánh đi bán dạo khắp làng như một chương trình được cài đặt sẵn, cứ tới giờ đó là làm việc này, tiếp theo là làm việc kia việc nọ. Khi còn lại một mình trong căn buồng chằng đụp ni-lon, ông lại biến thành một con người khác, một trí thức lỡ vận bị ám ảnh bởi giống mọt đẽo khoét gỗ, một công dân ưu tư đến điên dại. Có khi tôi phát hiện ra ba đang ngồi bó gối, co rúm người lại, bộ dạng hớt hãi trong góc buồng như đang trốn một ai đó, ông sợ khi thấy bóng mình. Ông nhiều lần càm ràm: T và P là nỗi sợ lớn nhất đời ông. Ông luôn miệng phản đối những lí luận sơ đẳng của T và P; chúng làm cho rác rến bám rễ vào bước chân ông, vào tâm hồn ông. Ông cho rằng T là sản phẩm của một tai nạn, còn P thì cứ luôn thích ngủ quên trong T.

Tôi ngồi đã nóng ghế mà tiếng rao “cô bấc chưng bơ” vẫn im bặt. Tôi thật mâu thuẫn, nghe tiếng rao ấy thì đau nhói trong người, nhưng đợi mãi không nghe được lòng lại chùng xuống bất an. Tôi uống một ngụm cà phê rồi nhìn lại đồng hồ, cái đồng hồ dây da ba cho tôi ngày đầu đi học xa. Hai cây kim đồng hồ đứng yên. Chiếc đồng hồ đã chết. Một luồng điện lạnh vừa chạy dọc xương sống, tôi tái mặt, chồm người ra khỏi quán. Mọi người đang nhao nhao chạy về phía cái hố giữa đường. Ly cà phê chập chờn trắng bạc trước mặt tôi. Trong khi lao đi, tôi chỉ còn nghe loáng thoáng người ta hỏi nhau: “Ai rơớt... xuôống đó vậy?” “Cô Bấc Chưng Bơ... Cô Bấc Chưng Bơ... Cô Bấc Chưng... Bơ..., Cô... Bấc... Chưng... Bơ...”.  

*

Sau này, mỗi lần thắp nhang cho ba tôi, tôi đều cắm thêm hai cây nhang cho T và P. Tôi cứ mãi thắc mắc không hiểu những chiếc bóng, những phụ chú có được siêu thoát cùng với người đã mang nó không?!

Không ai siêu thoát cả. T thường xuyên hiện hồn về nói: “Lỗi tại con đường! Tại con đường tự đánh mất thanh danh của mình. Không phải tôi, tôi chỉ là chiếc bóng.” P thành thực hơn: “Tôi chỉ là đoạn cuối quá trình tha hóa của mọt. Thể xác tôi nuôi mọt chứ không phải tôi là mọt. Sau bao nhiêu cực nhọc, mất mát, tôi được quyền làm con mèo mun ngái ngủ. Tôi được cái quyền ấy quá đi chớ. Tôi có thể làm cho xác chết dựng đứng nhưng không sống lại được. Thông cảm đi!” Thường khi nói xong như vậy, P cuộn mình, chìm nhanh vào bóng đêm. Nhiều lần giữa khuya, tôi giật thót nghe tiếng ba tôi rao lanh lảnh: “Cô... Bấc... Chưng... Bơ... ơơ...” Tiếng rao vô nghĩa hết sức nhưng nó làm tôi nhớ đến bàng hoàng cả người.

N.H
(SH318/08-15)  



 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cún (12/08/2015)
Dài cho mãi sau (02/07/2015)
Dan díu (21/05/2015)
Ngày thứ sáu (13/05/2015)
Linh huyệt (23/04/2015)