Truyện ngắn
Cỏ non xanh tận chân trời
08:21 | 08/10/2015

NHẬT CHIÊU 

Đúng là công viên rồi. Nhà của nhà thơ ở gần đây thôi. Chỉ cần xuống trạm xe buýt gần công viên, đi bộ năm phút là đến nhà tôi, đó là lời dặn dò của nhà thơ mà tôi còn nhớ như in.

Cỏ non xanh tận chân trời
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Anh tha thiết mời tôi đến nhà chơi. Vốn lười những chuyện thăm nom thù tạc mà vẫn nhận lời mời của nhà thơ mới quen này chẳng qua vì một quyển sách quý anh khoe đang có và muốn cho tôi xem.

Công viên thì đây rồi nhưng nhà anh thì ở đâu? Đi bộ năm phút về hướng nào? Tất nhiên địa chỉ chính xác tôi đã lưu trong điện thoại di động.

Tìm điện thoại trong chiếc túi xách nhỏ mới hay nó không cánh mà bay. Mất. Chiếc túi xách nhỏ thường chỉ chứa điện thoại và sách. Chỉ còn lại cuốn sách. Dây kéo có khoảng hở đủ cho vài ngón tay luồn vào xoáy chiếc điện thoại nhỏ đi.

Đi đứt là chuyện đó xảy ra trên xe buýt. Có thể là vào lúc tôi đang ngồi trên băng ghế dành cho người già mà dán mắt vào trang sách. Hoặc là lúc tôi sắp xuống trạm, đứng gần cửa sau, đang bị ai đó chen lấn.

Vậy là trước mắt không liên lạc được với nhà thơ. Ngoài chi tiết anh ở gần công viên, tôi không nhớ gì hết. Tên đường, số nhà... là những thứ tôi hay quên nhất.

Không sao, sẽ hỏi thăm những người gần đây thôi. Anh cũng có chút tiếng tăm với mấy tác phẩm Hành Phương Bắc và Truyện K.

Song tôi cũng biết tiếng tăm một nhà thơ trong thời đại này chẳng là gì so với ca sĩ và chân dài. Nhà thơ chẳng thể nào hot bằng dù có thời họ tự ví mình với loài chim nào đó ngứa cổ hót chơi. Nếu một chiếc cúc trên áo cô ca sĩ nổi tiếng nào đó bỗng dưng tuột khuy thì điều ấy sẽ trở thành đề tài nóng hổi cho vài trăm bài báo. Chứ cái chết của một thi sĩ thì chẳng thể nào sánh nổi với biến cố khuy cúc nọ.

Chưa kịp hỏi ai, một cảm giác bất an đã lan khắp người tôi. Công viên. Thành phố này có biết bao nhiêu công viên. Trước mắt tôi là công viên nào vậy? Đón xe buýt, tôi lại không để ý xem là xe buýt số mấy. Chưa hết, đây có đúng là khu đô thị mới mà tôi đang cần đến? Hiện đang có nhiều khu đô thị mới mà.

Không nhớ nhà thơ ở khu đô thị mới nào, đường phố nào, gần công viên nào vậy mà tôi vẫn lên xe buýt, xuống trạm vì nhìn thấy một công viên. Ngớ ngẩn hết chỗ nói.

Không nhớ nhưng vẫn đi bừa vì tin vào cái nhớ nhân tạo mang theo bên mình mà bây giờ thì nó đã mất tích.

Có điều an ủi là tuyệt đẹp cái công viên không tên ở ngay trước mặt, cách tôi chừng trăm bước dù tôi chưa nhìn thấy rõ nó lắm do cận thị.

Trước tiên phải vào thăm cái công viên xanh màu cỏ non này. Xem ra rất mênh mông, tạo nên cái cảm giác cỏ non xanh tận chân trời mà đã lâu rồi không thấy lại.

Công viên chứ không phải là đồng hoang. Vậy mà tôi thèm khát đạp chân trần lên cỏ xanh mà nhớ đạp thanh hội, đạp thanh ca trong thơ xưa.

Cỏ non. Như đứa trẻ, tôi muốn chạy nhảy, nằm lăn trên cỏ vào một ngày vừa có nắng vừa có gió, có tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Nhà thơ mà tôi cất công đi gặp thường viết về cỏ với một thứ ngôn từ mê li ngây ngất. Ở cỏ, anh nói, sự sống - xanh rờn - nẩy nở là cái mê diệu của mặt đất này, và mọi thứ cây mọi thứ hoa đều là cỏ.

Được. Ở đây cỏ đang bước tới chân trời và tôi đang bước đến chân trời của cỏ.

Để gặp nhà thơ của lá cỏ, có thể là Whitman của thời nay, trong xứ sở này.

Bước chân tôi như reo vui. Cỏ non đang phóng màu xanh vào không gian. Đôi mắt tôi cũng bắt chước cỏ, phóng một màu xanh đi.

Cỏ, cỏ, cỏ, cỏ...

Chưa bao giờ cỏ hào phóng đón đợi tôi như hôm nay.

Chưa bao giờ tôi yêu cỏ như hôm nay vì tình yêu cỏ xanh của nhà thơ đã lây sang tôi.

Lâng lâng, tôi bước vào công viên. Cởi giày, tôi định bước chân lên thảm cỏ đầu tiên. Chỉ vài bước dẫm nhẹ thôi rồi sẽ cư xử đúng luật: không dẫm lên cỏ xanh.

Nghệ thuật trồng cỏ ở công viên này là tạo nên một cảm giác cỏ mọc tự nhiên. Ta nhìn thấy một đồng cỏ mênh mông hơn là một thảm cỏ tỉa tót ngay hàng thẳng lối.

Cỏ non xanh tận chân trời ngay giữa lòng đô thị. Đó là một dung hợp lý tưởng, ba trong một: đô thị mới - thiên nhiên mới - nghệ thuật mới.

Đó có phải là cái mà người ta gọi là “urbanature” (phố thiên nhiên) trong cái nhìn mới hiện nay?

Khi lòng bàn chân tôi chạm vào cỏ, một cảm giác lạ lùng bất ngờ dội thẳng vào tim tôi. Kinh hoàng.

Cỏ,cỏ, cỏ, cỏ...

Cỏ ư? Không phải cỏ.

Không phải cỏ như tôi biết từ ấu thơ. Không phải cỏ của Lý Bạch, Nguyễn Du, Whitman,...

Không phải cỏ mà người nông dân nào cũng biết.

Không cỏ non mà cũng không cỏ áy.

Vì đơn giản thôi, đấy là cỏ giả.

Hay là tôi lầm. Lẽ nào như thế cái đẹp này?

Ngồi bệt xuống cái thảm xanh mênh mông, tôi lướt chậm lòng bàn tay lên những nhánh cỏ vô cùng bắt mắt này.

Dù được làm ra rất thiện xảo, đây thật là cỏ giả.

Ngắt một cọng đưa lên mũi ngửi. Không có mùi cỏ. Không có mùi vị gì của một trạng thái sống. Không có mùi vị gì của nẩy nở hoặc tàn phai.

Cỏ ơi, tôi gọi.

Lầm rồi, tôi nhủ. Phương thảo thê thê Anh Vũ châu (Bờ Anh Vũ cỏ xanh ngời ngời xa).

Lầm rồi, tôi ơi! Anh Vũ chỉ là con vẹt giả giọng người.

Đây có phải là sân cỏ để chơi bóng không? Rõ ràng không phải.

Trên đồng cỏ đôi khi tỏa bóng đại thụ. Và chẳng bao lâu, tôi đã nhận biết những đại thụ oai phong ấy, những cây cao bóng cả lồng lộng ấy cũng là hàng giả kỹ thuật cao của thời đại bêtông.

Rồi đến đài phun nước. Nhìn xa, đó là những lệ đài đẹp mê hồn, long lanh và óng ánh, ngân nga và rì rào. Lại gần, thấy ngay cả nước phun và âm thanh nước đều giả. Nước chỉ là nilông công nghệ cao.

Chưa hết. Có cả những con chim đang gù đang hót trên các cành cây. Nhiều nhất là hoàng yến. Lạ lùng nhất là những con yểng với bộ cánh nhung đen sang trọng, với đôi mắt đẹp có quầng vàng lộng lẫy. Yểng có thể giả giọng người rất tài. Nhưng trong công viên này, tất nhiên là yểng giả, thế mà nó cũng kêu ríu rít khi thấy tôi.

Xin chào xin chào

Chúc vui chúc vui

Những con yểng máy này đang giả giọng chim yểng thật khi nhại tiếng người. Đây là bắt chước cái bắt chước, giả cái giả.

Không biết nhà thơ mà tôi đang tìm có thường ra công viên này không? Những bài thơ được ca ngợi là tuyệt đẹp của anh phải chăng được viết ra trong công viên này giữa khung cảnh thiên nhiên nhân tạo đầy lừa mị?

Nếu hồn thơ ấy có thể rung động trước ngụy thiên nhiên ở đây thì nó chỉ có thể phát tiết, một thứ ngụy thơ ca, một giọng thơ giống hệt giọng chim yểng nơi này.

Phải mau chóng rời công viên thôi.

Nhưng tôi vẫn đứng yên.

Cách tôi không xa, gần pho tượng nàng tiên cá diễn ra một cảnh sống thực duy nhất mà tôi nhìn thấy khi bước chân vào công viên.

Trong những ô phấn vẽ trên nền gạch, một bé gái xinh đẹp đang nhảy lò cò. Bé như nhảy ra từ một giấc mơ của ai đó chứ không phải thuộc về thế giới bêtông của khu đô thị này.

Mái tóc bồng bềnh đen biếc bay rập rờn theo từng bước nhảy của bé. Áo váy nâu hồng gọn nhẹ để lộ chân tay thanh tú trắng hồng. Gương mặt bé như được làm từ những cánh hoa mơn mởn, tươi mịn, thanh thoát.

Trước đôi mắt ngạc nhiên của nàng tiên cá, bé gái ấy như đang bay lượn trong vũ điệu thần tiên của trẻ thơ.

Không thể tự ngăn mình đến gần trò chơi mê man của cô bé, tôi bước tới.

- Chào ông, em chào ông!

Đó là lời nói hay tiếng hát? Giọng bé gái ngân nga, truyền đi một niềm vui bất ngờ cho bất kỳ ai biết nghe.

- Chào em, ta chào em!

Tôi cố tình bắt chước kiểu nói năng của em.

- Ông là khách phương xa?

Vừa hỏi em vừa ngừng bước nhảy, chỉ đi lại nhẹ nhàng trên các ô phấn. Tôi đáp:

- Dường như xa dường như gần chẳng biết nữa.

Nhìn vào mắt tôi, cô bé thần tiên nói như thì thầm nhưng nghe rõ từng âm tiết:

Hoặc là xa hoặc là gần

Hoặc là chơi hoặc là nghỉ

Hoặc là vui hoặc là buồn

Hoặc là không hoặc là có

Hoặc là hận hoặc là thương

Hoặc là thức hoặc là ngủ

Em rất sợ phải ngủ, ông có sợ ngủ không?

Rất ngạc nhiên, tôi đáp:

- Không! Sao lại sợ ngủ?

Cô bé lại thì thầm mà từng âm tiết vẫn nghe rõ.

- Ngủ thì chỉ có bóng tối, không có gì khác.

- Em không mơ à?

- Không. Không bao giờ?

- Tại sao?

Bỗng dưng cô bé ngồi xuống, dựa vào bệ đài đang nâng chiếc đuôi dài óng ả của nàng tiên cá.

Đến giờ ngủ rồi, cô bé nói, em ngủ đây. Làm sao để mơ, em đâu được lập trình.

Và đôi mắt với mấy hàng mi cong đen biếc khép lại một cách máy móc.

Đưa tay lay mạnh bờ vai cô bé, tôi hét lên:

- Cái gì? Em không được lập trình giấc mơ?

*

Hắn chạy. Mưa bắt đầu rơi. Hắn chạy.

Ra khỏi công viên. Ra khỏi khu đô thị mới. Ra khỏi những con đường đánh số lạnh lùng. Hắn chạy.

Không phải con đường mà cả thế giới chìm trong mưa.

Những gì hắn vừa thấy có thật không? Hay hắn đang mơ? Một ác mộng.

Hắn đang chạy. Nước mưa bắn tung tóe quanh hắn. Cả thế giới đang tung tóe, tan tác, vỡ vụn, lênh láng, hổn hển, trơn trợt chung quanh hắn.

Tuy nhiên không phải là tôi đang ngủ.

Tôi đang chạy, vậy là tôi hiện hữu.

Tôi đang chạy, hắn hét lên, tôi đang chạy...

Sự thật là hắn không chạy một mình.

Mưa đang chạy với hắn.

Mưa. Thế cũng đủ. Vẫn còn đó mưa.

N.C
(SDB18/09-15)





 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Vệt chàm (30/09/2015)
Lối trong rừng (17/09/2015)
Tình vờ (04/09/2015)
T&P (17/08/2015)
Cún (12/08/2015)
Dài cho mãi sau (02/07/2015)