TRẦN THÙY MAI
(Lời kể của một họa sĩ)
Vâng, đó là ba thứ thuốc với ba màu sắc khác nhau. Viên sinh tố hình bầu dục màu đỏ hung với rất nhiều chất an thần. Viên Côphitol màu nâu, viên dexametazone da cam dùng trị loét lở.
Và tôi, một người không cần an thần, không bị chàm loét, nghe theo lời một ông lang tây, đã uống đều đặn một ngày ba lần toa thuốc đó. Chỉ trong vòng mười ngày tôi tăng đến năm cân: không hiểu những thứ thuốc trên cấu kết với nhau thế nào trong cơ thể tôi để tạo thành chuyện lạ. Có thể là một thứ chuyện khó tin nhưng có thực, mà cũng có thể là sự điên rồ của một người đàn ông bốn mươi chín tuổi. Sự điên rồ ấy khởi đầu từ Akikô...
Hình như đã hơn một lần tôi nói với Akikô rằng chúng mình không nên ở gần nhau. Nhưng lúc nào Akikô cũng cho rằng tôi đùa cợt. Có lẽ là người phương đông, nàng tin vào định mệnh. Và tôi cũng là người phương đông...
Tôi đến quê hương Akikô đã từ lâu, nhân cuộc triển lãm tranh theo lời mời của một hiệp hội quốc tế. Ở Đông Kinh, tôi gặp và quen nhiều bạn bè người Nhật. Nhưng câu chuyện chưa bắt đầu... Mãi năm năm sau, trong phòng tranh tại Sài Gòn, người ta giới thiệu với tôi một cô gái Phù Tang khoảng ngoài hai mươi tuổi, tóc dài cuốn cao sau gáy với một chiếc cài màu đỏ. Cô ta đi cùng với một nhóm du học sinh Việt Nam về thăm quê. Đó là Akikô.
Akikô đã xem tranh của tôi tại Tokyo, thuở ấy cô chưa vào Đại học. Có lẽ cô đã từng phác hoạ cho mình một chân dung tưởng tượng về tác giả, nên khi gặp tôi, cô nhìn sững một lúc không nói được câu gì.
Đêm trước, nhân khai mạc phòng triển lãm, tôi đã uống rất nhiều rượu. Vì vậy, lúc ấy có lẽ tôi hiện ra trước mắt Akikô với một hình dung tiều tụy, trong bộ y phục thùng thình, mái tóc điểm những sợi trắng trước tuổi. Hình ảnh đó khô héo, mệt mỏi, khác hẳn những gam màu phong phú mà Akikô còn giữ trong ký ức. Nhìn tôi một lúc với đôi mắt một mí to đen, rồi chợt cô thốt lên:
- Ông đấy ư? Nhưng sao ông gầy quá! Trong những bức tranh ông không giống ông bây giờ, trong tranh, ông huyền hoặc, dịu dàng và khao khát. Có lẽ da thịt ông đã vào hết trong tranh rồi ư?
Những người vây quanh ồ lên cười thú vị, và tôi cũng cười. Câu hỏi có thể sỗ sàng và ngớ ngần đối với lần gặp gỡ đầu tiên, nhưng vì nó được thốt ra với giọng nói của người nước ngoài với tất cả sự khám phá chân thật, nên bỗng hóa thành chân chất, dễ thương nếu không nói là duyên dáng.
- Tha lỗi cho tôi, Akikô, nếu khuôn mặt của tôi làm cho cô thất vọng. Có lẽ đúng như thế đấy, ngoài những bức tranh ra tôi không còn gì nữa.
"Có đấy chứ, thưa ông". Akikô nói, mắt nàng nhìn mắt tôi, và sau nàng cho tôi hay nàng muốn nói tôi có đôi mắt rất đẹp, trong đó nàng đã thấy linh hồn những tác phẩm mà tôi vẽ ra: khao khát, dịu dàng và huyền hoặc.
Akikô nói tiếng Việt thành thạo vì là sinh viên môn Việt ngữ tại một trường đại học lớn ở Matxcơva. Nàng không đẹp, nhưng lần đầu gặp nàng, tôi đã giữ lại một ấn tượng khá kỳ lạ: sự phối hợp giữa mảnh mai và tròn trĩnh, với khuôn mặt tròn, mái tóc cuốn tròn, chiếc cổ cao mảnh dẻ và đôi mắt to đen.
Chúng tôi đi chơi giữa Sài Gòn, ban đầu đi trong đám đông, rồi, dần dần tôi và Akikô tụt lại đàng sau dưới những cơn mưa tháng bảy. Akikô tỏ vẻ quấn quít tôi một cách đặc biệt, nàng bảo rằng tuần trước ở câu lạc bộ âm nhạc mấy ông nghệ sĩ Việt Nam tinh nghịch đã đòi đấu giá để ngồi gần nàng, còn bây giờ thì nàng sẵn sàng đấu giá cao nhất để đi cạnh tôi. Vẻ thân mật hồn nhiên của Akikô làm tôi cao hứng và trong lúc cùng nàng băng qua một khoảng tối chập chờn của góc phố đêm, trong chiếc ô màu, dưới mưa bay, tôi đã tìm cách thử hôn người con gái dễ mến ấy. Không may cho tôi là nàng đã từ chối với vẻ phật lòng được trình bày dưới một hình thức lịch sự.
- Nếu em cũng liều lĩnh như ông thì người ta sẽ nghĩ gì về em? Nàng nói như tự hỏi chính mình.
- Cô lưu ý đến người chung quanh đến thế sao? Tôi nói đùa để che ngượng.
- Người đầu tiên nghĩ không tốt về em, sẽ là ông.
- Không. Chắc chắn không.
- Bây giờ thì không, nhưng sau này ông sẽ nghĩ.
Tôi không biện bạch nữa vì biết rằng, nếu nói tiếp sẽ sa vào giả dối. "Xin lỗi Akikô, tính tôi vốn hay đùa, và tôi tưởng em cũng thế". Akikô lắc đầu: "Không, nếu một người khác mà thế thì em sẽ bợp tai đấy". Nàng phát âm chầm chậm hai chữ "bợp tai". Chắc Akikô cũng dày công lắm mới thu thập được cái từ dân gian ấy vào kho từ vựng tiếng Việt của mình. Bây giờ nàng sử dụng nó với tất cả thú vị, và nụ cười dễ thương của nàng làm cho câu nói phũ phàng đó bỗng trở nên hồn nhiên, hiền hậu. "Tại sao Akikô lại tha cho tôi cái hình phạt nghiêm khắc đó?" Tôi hỏi, và Akikô điềm nhiên trả lời:
- Vì ông là họa sĩ Vũ. Vì em đã quen biết và quí mến ông từ trước khi ông biết có em trên đời này.
Nàng ngước lên nhìn, đôi mắt to đen, và chợt từ phút đó, trò tán tỉnh đã biến thành niềm rung động thực sự trong tôi.
Cuối tuần ấy Akikô về lại Matxcơva. Tôi lại vẽ, viết, đi chơi, uống hết ly rượu này đến ly rượu khác theo thói quen thường lệ và ngắm bóng mình trên vách mỗi khi về với căn gác nhỏ.
Bỗng một buổi sáng tôi nghe tiếng điện thoại reo. Đó là tiếng nói của Akikô từ bên kia lục địa.
Nàng hỏi tôi có khoẻ không, ăn ngủ thường ngày ra sao, những bức tranh có còn nguyên chỗ cũ không. Tôi trả lời nàng và hỏi thăm về cuộc sống nơi nàng ở.
- Trước kia thì tuyệt diệu ông ạ, còn bây giờ thì tồi tệ hết chỗ nói. Akikô đáp lời tôi.
- Tại sao?
- Vì nhớ. Lúc nào em cũng thấy nhớ.
- Lại nhớ nhà, phải không Akikô?
- Không ông ạ, nhớ Sài Gòn, nhớ Sài Gòn không thể tả.
- Akikô. …??
- Em linh cảm là ở Sài Gòn em đã gặp định mệnh của mình, ấy vậy mà lúc đó em cứ cố tình lẫn tránh.
- Akikô, đã là định mệnh thì không thể lẫn tránh được đâu.
- Ông cũng nghĩ như thế ư? Lạy trời, như thế là điều linh cảm của em có thực.
Từ lần đối thoại cách hàng vạn dặm ấy, mỗi sáng chủ nhật tôi đều thức dậy, nôn nóng, trông chờ được nghe một tiếng nói từ xa vọng lại.
Rồi một ngày, Akikô trở lại thành phố. Tôi không thể ngờ nàng đến vào lúc ấy vì theo tôi nghĩ, nếu mùa hè nàng đã sang Việt Nam thì nhất định kỳ nghỉ đông nàng phải về Tôkyô thăm gia đình. Nhưng quả thực là Akikô đây rồi, nàng có vẻ như đã lớn phổng lên. Trước đôi mắt ngạc nhiên của bà vú nuôi đang lau dọn phòng khách, Akikô ôm chầm lấy bà, hôn chụt hai bên má như thể trẻ con nũng nịu. Nàng nắm tay tôi, hỏi thăm về một bức tranh nàng ưa thích, và tôi phải dẫn nàng lên gác, vì nó được treo ngay trên chỗ tôi nằm.
Bức tranh ấy nhan đề là "Tôi trút nỗi buồn của tôi". Một cái chai không, trống rỗng tận đáy, nằm chỏng chơ trên bàn bên cạnh cái cốc đổ nghiêng. Ngoài cửa sổ, một mảnh trăng lưỡi liềm lạnh, sắc, tất cả chìm trong một màu xanh sâu hút, buốt giá, âm vang.
Đó là nỗi cô độc tận cùng của tôi. Nó vĩnh viễn ở cùng tôi, như bức tranh này.
Bây giờ Akikô đang nhìn nó, đôi mắt to đen mỉm cười, và tôi đứng lặng ngắm nàng: môi nàng nhỏ và đỏ, đôi má hồng hào, một gam màu hoàn toàn tương phản với bức tranh. Nàng thì thầm:
- Ông Vũ, ông có biết vì sao em quay lại đây không? Em nằm mơ, một giấc mơ cứ trở lại hoài không xua đi được. Em đã nằm mơ thấy bức tranh này, nhưng không phải là một cái cốc mà hai cái cốc nằm song song, và rượu hiện ra trong chai, từ dưới đáy dâng lên dần dần đến cổ chai, rồi tuôn trào ra như suối. Em đã nằm mơ như thế đấy.
Tôi xúc động, giọng khàn đi:
- Vâng, rồi sẽ có một bức tranh như thế, Akikô ạ, có điều nhan đề của nó sẽ khác hẳn: "Tôi đón niềm vui của tôi".
Tôi dang tay, Akikô quay lại, nhắm mắt, đôi lông mi đen dày rợp bóng: "Vâng, vâng, sẽ có bức tranh ấy, nhưng có lẽ không cần phải vẽ ra đâu". Hai chúng tôi ôm nhau, và Akikô vùi đầu trong vai tôi, thủ thỉ: "Anh Vũ, tại sao lúc nào em cũng nhìn thấy anh? Trên trang sách, trên vách tường phòng ngủ, trên sân chơi, trên dòng sông Neva buổi chiều, tại sao nhìn vào đâu em cũng thấy anh?"
Làm sao tôi trả lời được câu hỏi đó? Tôi chỉ biết hôn nàng, cái lưỡi nhỏ ướt tuyệt diệu của nàng ở trên môi tôi; sự cô đơn đã bị xé rách, tôi không còn là tôi như trước nữa.
Tôi không biết diễn tả thế nào về những ngày tháng đó. Akikô đến, rồi đi, rồi trở lại. Khi nàng đến, thành phố như đổi khác, một thứ nắng khác, một hơi gió khác, lạ lùng, xôn xao. Khi nàng đi, có điều gì đó trong tôi như choáng ngợp, một niềm đau mà tôi cảm thấy rất rõ ràng, nhức nhối và êm dịu.
Lần trở lại sau cùng. Akikô ngạc nhiên thấy những bức tranh của tôi đã thay đổi. Thế giới tĩnh vật của những ngày trước khi nàng đến, với những mảnh chai vỡ, những vầng trăng lạnh lẽo, những chiếc đồng hồ chết không nhúc nhích nổi đôi kim rũ liệt, những con búp bê gãy tay gãy chân nằm lăn lóc trong từng góc xó lãng quên, tất cả nằm về một phía căn phòng. Phía đối diện là những bức tranh có nàng, với một gam màu khác, ấm áp và rạng ngời, thế giới của hoa, chim, thiếu nữ, lộc non và sương mùa thu.
- Tất cả là quà tặng cho em đấy, Akikô ạ, và anh treo chúng ở phía đông, vì em từ xứ mặt trời đến đây. Tôi nói.
Akikô chạy đến gần, nàng hôn lên tất cả những bức tranh mới vẽ. Cuối cùng nàng mới hôn tôi, và một lần nữa, cái lưỡi nhỏ ướt của nàng xuyên thủng nỗi cô độc, nhắc tôi nhớ ra mình đã sống một thời kỳ khác.
Hôm sau, Akikô đến nhà tôi với vali trong tay, và trước cặp mắt trợn tròn kinh ngạc của bà vú nuôi, nàng bảo rằng nàng kinh sợ bốn bức tường trắng xóa của căn phòng khách sạn. Thế là, Akikô ở lại. xâm nhập vào thế giới vắng lặng của tôi, nàng mang lại cho nó những gì vốn thuộc về nàng, một cái gì thuộc về mặt trời, cầu vồng và những bông hoa miền ôn đới.
Một kỳ nghỉ lạ lùng bắt đầu, một kỳ nghỉ hoàn toàn không có những tiện nghi du lịch. Không có trượt băng, khiêu vũ, những trò thể thao mùa đông. Chỉ có những buổi tối ngạc nhiên vì điện đột ngột tắt, chỉ có những con dán trong tủ sách, những cái bếp dầu quá xa xưa trong con mắt một người sinh trưởng ở Tôkyô.
Akikô say mê học cách nấu bún mọc, làm bánh đa nem và bún bò kiểu Huế. Việc học tập thực khó khăn, vì bà vú của tôi vốn quí khách, thường chỉ cho nàng tham gia một khâu nào đó có tính cách tượng trưng trong quá trình chế biến món ăn. Mặc dù khi bưng mâm ra vú luôn luôn giới thiệu: “Đây, chính tay cô Akikô làm lấy", nhưng Akikô không hài lòng với sự gian lận đó. Nàng mua sách dạy nấu ăn về để tự xoay xở một mình. Những tác phẩm nàng làm ra thường rất kém cỏi, tuy vậy thấy Akikô vui thích quá, cả tôi lẫn vú nuôi đều phải tỏ ra ngon miệng để nàng cười, sung sướng và hãnh diện về tài nội trợ của mình.
Những lúc tôi đi vắng, Akikô trò chuyện với vú nuôi hàng giờ trong lúc vú làm việc. Nàng hỏi tính tình tôi lúc còn bé, những cô gái nào đã đi qua đời tôi, những chuyện điên rồ của tôi hồi hai mươi tuổi. Cuộc chuyện trò thường không dễ dàng vì giọng miền Trung của vú nuôi đầy những từ cổ và tiếng địa phương mà Akikô không thể hiểu được nếu không có tôi làm phiên dịch. Thế nhưng nàng vẫn kiên trì theo đuổi những cuộc đàm thoại khó khăn ấy, và bên cạnh cái thú rèn luyện tiếng Việt còn có nỗi tò mò đầy hứng khởi được biết những chi tiết ngộ nghĩnh về đời riêng của tôi trong quá khứ.
Chiều tối, khi tôi về nhà, Akikô thường ngồi chờ tôi trong phòng vẽ, trên tấm đệm cói tròn, giữa những bức tranh vừa phác thảo. Trước kia tôi chỉ thấy nàng trong bộ âu phục, bây giờ, khi ở nhà, nàng mặc kimônô, những chiếc kimônô lụa mỏng dành cho Sài Gòn mùa mưa. Khi tôi ngồi xuống ghế, Akikô trong bộ áo váy lê thực nhanh trên hai đầu gối đến bên tôi - cái cách di chuyển nhẹ nhàng và duyên dáng đặc biệt của người phụ nữ Nhật. Nàng ôm lấy chân tôi và bắt đầu tháo giày, trong lúc tôi vuốt ve tóc nàng.
- Akikô, ở quê hương em đến bây giờ vẫn còn phong tục này sao?
- Không, anh ạ. Ở thời ông bà em thì có, nhưng bây giờ thì không còn nữa.
- Thế sao em lại làm anh hư hỏng đi như thế này?
- Anh là vị chúa nhỏ của em cơ mà. Em tự phong cho anh như thế và tự tôn thờ anh, không có phong tục nào bắt buộc cả.
Ôi, Akikô, Akikô! Kỳ nghỉ mùa Đông thầm lặng nơi xứ sở không có mùa Đông! Những lúc tôi vẽ, nàng quấn một chiếc khăn lụa Nhật quanh người thay cho tạp dề, ngồi dựa đầu vào chân tôi và loay hoay pha màu vẽ. Nàng đã dẫn dắt tôi, hay đúng hơn, hai chúng tôi cùng nhau bay vào thế giới của những sắc màu không tuổi tên. Là màu hồng phơn phớt như vẫn ửng lên trên đầu những nụ hồng trắng. Là màu sữa lai láng trong những giấc mơ dịu ngọt. Là màu xanh ánh bạc lung linh chỉ hiện ra trong đôi mắt nhắm lại của hai người đang hôn nhau. Là màu tím than huyền hoặc tôi chỉ thấy lan tỏa trên đỉnh màn mỗi lần buông Akikô ra để ngả mình trên mặt đệm, choáng váng, tê mê như chú gấu con say mật buông mình rơi từ cành cao xuống thảm cỏ non.
Hạnh phúc. Hạnh phúc không là tĩnh vật, không là người, không là phong cảnh, tôi không bao giờ vẽ nó ra được. Nhưng nó mãi mãi còn trong những sắc màu. Tôi vẽ hối hả, vẽ không ngừng, sợ kỳ nghỉ qua đi và Akikô lại đem đi tất cả, bỏ lại tôi với nỗi trơ trụi, với nỗi buồn, cái chai rỗng và cái cốc lẻ loi của mình.
Một buổi chiều trở về, tôi thấy vú nuôi đi vắng. Akikô quỳ trên sàn gỗ, cầm cái giẻ lau nhà, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên thái dương.
- Akikô, em làm gì thế? Tôi vừa hỏi vừa nâng nàng dậy, vứt cái giẻ lau đi và rút mu soa ra lau những ngón tay nhỏ hồng hồng. "Vú già rồi, anh thấy không? Nếu mai kia không còn vú nữa, còn ai ngoài em ra sẽ làm những việc này cho anh?"
Tôi ôm lấy đôi vai Akikô và nhìn sâu vào đôi mắt nàng.
Trong đôi mắt ấy, tôi chỉ thấy trong veo, hồn nhiên và chân thật. Đúng, nàng đã nghĩ, từ bao giờ không biết, nàng đã nghĩ như in rằng cuộc sống nơi căn nhà này sẽ gắn bó với nàng vĩnh viễn. "Em nói sao? Akikô?"
- Em sắp tốt nghiệp rồi, chỉ còn một năm nữa thôi. Anh Vũ ơi, anh biết không, em đã xin phép cha mẹ em... cho kết hôn với một người Việt Nam.
Tôi xúc động, lặng người đi. "Em... em thực sự muốn ở cùng anh mãi mãi sao? Em đã nghĩ kỹ chưa Akikô?"
Akikô gập đầu, vẻ ngoan ngoãn dịu dàng làm tôi muốn rưng rưng nước mắt. "Có gì để phải suy nghĩ nữa? Ngay từ lần đầu trông thấy anh, em đã linh cảm thấy định mệnh của mình rồi".
- Akikô chưa nghĩ đến một điều là anh không thể rời Tổ quốc được. Nếu anh có thể sống xa đất nước, thì anh đã đi từ lâu rồi.
- Em đã nghĩ đến, em đã hiểu điều đó từ trước khi anh nói - Akikô vừa nói vừa đặt một ngón tay lên môi tôi - Em sẽ về đây, mình sẽ sống cùng nhau nơi này. Em sẽ đi làm và giờ rảnh em sẽ pha màu vẽ cho anh.
Nói rồi Akikô nhìn tôi đăm đăm, nàng ngạc nhiên thấy tôi lặng lẽ trước những lời nói mà nàng đinh ninh phải làm cho tôi vui mừng vô hạn. "Sao thế? Anh không thích như vậy sao?"
"Không, Akikô, không thể được!" Từ đâu đó trong tôi, một tiếng không bật lên, choáng váng. Akikô lùi lại, hụt hẫng, nàng nhìn tôi, ngơ ngác. "Tại sao? Tại sao? Đã bao lần anh nói với em, anh lo sợ sẽ tới ngày em đi, anh không chịu đựng nổi ngày em đi?"
- Em không nhớ ư, cũng đã bao lần anh nói rằng chúng mình không nên ở gần nhau.
- Anh đã nói bao giờ? Tại sao em không nhớ?" Akikô vừa hỏi vừa lùi dần, cuối cùng nàng ngã ngồi xuống sàn nhà gỗ bóng.
Làm sao tôi có thể nói gì với nàng? "Em sẽ sống ở đây trọn đời ư? Với những cái bếp dầu? Những con gián? Những chai rượu của anh, bộ gan không lành của anh, những sợi tóc sớm bạc của anh?"
- Vâng, vâng, với tất cả những cái đó, em đã biết và đã yêu tất cả. Trừ những chai rượu ra, chúng nó hủy hoại anh, em thù ghét chúng vô cùng.
- Vô ích, Akikô, anh không thể thiếu rượu được. Anh đã có khoảng trống mấy mươi năm trước khi em đến, trong mấy mươi năm đó có những lúc anh thực sự muốn hủy diệt mình.
"Nhưng bây giờ? Nhưng bây giờ khi em đã đến?" Akikô kêu lên, mắt nàng nhìn xoáy vào tôi.
- Bây giờ thì quá muộn, thói quen đã gấp thành nếp không thể vuốt thẳng ra được. Anh đã là một con người định hình với tất cả sự bất lực và tồi tệ của nó. Hôn nhân, đó là một hạnh phúc quá lớn mà anh không thể cưu mang.
"Vậy thì những gì anh đã dành cho em là gì? Những điều đã xảy ra giữa chúng ta, không lẽ chỉ là chiêm bao mộng mị thôi sao?" Akikô rên rỉ, miệng nàng hít hà đau đớn như bất ngờ trúng một vết thương. Tôi muốn nâng nàng dậy, muốn an ủi nàng, an ủi chính tôi, nhưng nàng đã trở nên khác hẳn. Nàng bất chợt hờn dỗi, nghi ngờ, xa lánh. Tôi hiểu, nàng không còn tin tôi nữa...
***
Đêm hôm ấy tôi không ngủ được. Nỗi yên lặng của đêm làm vang dội những câu hỏi trong tâm tư. Nỗi yên lặng của đêm làm tôi nghe rõ nhịp đập của trái tim mình, làm tôi nghe rõ tiếng trở mình của Akikô trên chăn nệm. Tôi trở dậy, đẩy cửa phòng nàng. Akikô nằm sấp trên giường, mặt vùi xuống gối, mái tóc xõa dài rũ xuống thành giường, vẽ một đường tròn mềm mại trên sàn nhà gỗ...
- Akikô... Tôi gọi trong khi ngồi xuống bên nàng.
Akikô ngẩng mặt lên. Những ngón tay tôi lồng vào chân tóc nàng mát dịu. Nàng nhắm mắt lại, đê mê và buồn tủi.
Ánh trăng từ cửa sổ hắt vào, trải dài, phủ lên người Akikô. Trăng nhuộm màu huyền thoại trên màu áo, màu tóc, khuôn mặt nghiêng nghiêng của nàng. Tôi nâng khuôn mặt ấy trong hai bàn tay mình: "Akikô, em biết không, ở quê hương anh có một huyền thoại, anh sẽ kể cho em nghe, câu chuyện giữa một nàng công chúa và một anh dân chài nghệ sĩ..."
Tôi kể cho Akikô câu chuyện của chàng Trương Chi chuyện đã nghe từ bé mà đến giờ tôi mới thấy thấm thía đến rụng rời.
Akikô nằm lặng yên nghe, rồi nàng trở mình, tránh hai bàn tay tôi để lại úp mặt xuống gối.
- Có lẽ anh không nghèo khổ, cũng không xấu xí, nhưng Akikô ạ, tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ có một hoàn cảnh không thể vượt qua. Ở chỗ khát vọng thì vô bờ mà thực tế luôn luôn là những cái khuôn quá nhỏ. Rồi cả em cũng thế, em sẽ phải dừng lại trước những giới hạn rất giản đơn mà em không thể không nghĩ đến.
- Vô lý. Không thể có chuyện ấy. Với em, chỉ có một điều rất giản dị, em yêu anh. Chỉ có điều đó có ý nghĩa thôi. Trong những bức tranh của anh, không hề có giới hạn, không hề có sự bất lực. Akikô nói, giọng nàng buồn rầu, lạnh lẽo.
Nàng quay lại, và trong ánh trăng trắng bạc hắt vào, tôi thấy mắt nàng dại đi, tê tái. Làm sao tôi có thể giải thích cho nàng hiểu, những gì ở trong tranh, trong mơ, ở giữa tôi và nàng đều thuộc về một thế giới khác, không bến bờ, thế giới của thần linh. Và thần linh là để cách xa mà tôn thờ, không thể chạm tay vào, chạm vào một phút thôi tất cả sẽ tan biến thành hư vô.
Akikô! Nếu nàng xuất hiện trong đời tôi sớm hơn, chừng mười hay mười lăm năm trước? Nhưng điều đó không thể nào xảy ra được! Còn bây giờ, khi tất cả những sinh lực của một đời đã đi vào gần hết trong thế giới không bờ bến của những bức tranh? Khi trong tôi chỉ còn những giọt tinh huyết cuối cùng, sôi trào mãnh liệt để một mai sẽ thình lình khô cạn? Có thể nào một ngày kia Akikô nhận ra mình đi tìm những giọt cam thơm ngát ngọt lành nhưng chỉ gặp cái vỏ đã khô xác nằm lăn lóc giữa khu vườn hoang phế?
Tôi ôm lấy Akikô, hôn lên khắp khuôn mặt nàng. Tôi vuốt ve khuôn ngực tròn nhỏ nhắn và cảm thấy chất mịn màng của da thịt, chất mịn màng gợi nhớ đến cánh hoa sen, lụa tằm hay lông tơ chim câu. "Akikô, em đã đến, đã đầy tràn trong tranh của anh, vậy mà anh chưa vẽ em bao giờ. Ngày mai anh sẽ vẽ chân dung của em, em bằng lòng chứ?" Akikô lắc đầu:
- Ngày mai, em sẽ về khách sạn... Bốn bức tường ở đó thực khủng khiếp, nhưng còn dễ chịu cho em hơn là phải nhìn nhau, trong lúc này. Anh vẽ em ư, tại sao không vẽ đêm nay, khi em còn ở bên anh?
Tôi đứng lên, đưa giá vẽ vào phòng. Akikô ngồi dậy. Chiếc cổ áo kimônô không cài, để lộ một bầu vú tròn trĩnh. Ánh trăng nhuộm lên bầu vú đó màu bạc của thủy ngân, óng ánh quanh chiếc núm hồng, một màu hồng dịu dàng hài hoà với màu môi của nàng giữa đêm, không trang điểm.
Tôi cúi xuống hôn lên đầu vú Akikô, cái hôn gượng nhẹ nâng niu như hôn lên một nụ hồng bạch. Akikô đưa mắt nhìn lọ sen trắng trên giá sách, và tôi đến bên, rút cành hoa đưa cho nàng. Nàng vuốt ve bông hoa, một cánh trắng lặng lẽ rơi vương nhẹ vào ngực nàng trước khi đậu xuống tà áo kimônô đỏ thắm.
Tôi lại ngồi trước giá vẽ, và phải gục mặt trên nền vải một lúc mới nâng bút lên vẽ được những nét đầu tiên.
Tôi vẽ tặng Akikô chân dung bán thân của nàng, tay cầm đóa sen, như trong một tích xưa, Đức Phật đã cầm cành sen đưa lên khi muốn hỏi về chân lý. Ngày xưa có ngươi đã trả lời câu hỏi ấy bằng một nụ cười. Còn tôi bây giờ, tôi trả lời bằng màu bạc ngân nhũ rạng ngời trên thân thể người tôi yêu. Đó là nỗi khát khao tình yêu và cái đẹp, nỗi khát khao mà tôi đã vắt ráo cuộc đời để dõi theo vô vọng, để cuối cùng chỉ còn lại một hình hài khô xác không còn đủ sức gánh vác trái tim mình.
Bức chân dung hoàn thành lúc gần sáng, và cả hai chúng tôi kiệt sức ngủ thiếp đi. Khi tỉnh giấc, tôi không thấy Akikô bên mình. Chiếc vali đã chuẩn bị xong, dựng trên nền nhà, ngay giữa phòng. Từ dưới bếp, tôi nghe có tiếng loảng xoảng, tiếng thủy tinh vỡ tan.
Tôi nhổm dậy, chạy xuống. Akikô đập vỡ những chai rượu của tôi. Nàng cầm từng cái chai quật vào vách, trong một cơn kích động mãnh liệt không ai ngờ có thể xảy ra nơi một cô gái vốn dịu dàng dường ấy. Rượu chảy ộc ra lênh láng trên nền bếp, mảnh chai vụn bắn ra dữ dội, bật tung vào tay, vào mặt nàng, sây sát, rướm máu.
"Akikô, em điên sao?" Tôi ôm giữ nàng lại, nhưng nàng vùng ra và cứ thế tiếp tục đập tan đến chai cuối cùng trong kho dự trữ của tôi. "Anh Vũ ơi, nàng bíu lấy tôi, thở hổn hển. Em sẽ đi ngay bây giờ, vì anh không còn cần em nữa, nhưng em xin anh đừng uống rượu. Em không muốn anh chết. Em muốn mãi mãi từ một nơi xa nhớ về, em có thể nghĩ anh vẫn sống vẫn khoẻ mạnh và không bao giờ chết!" Chợt Akikô buông tôi ra, khom người lại, hai tay bụm mặt; rồi một giây sau tiếng khóc bùng lên như xé ruột:
- Anh Vũ ơi, làm sao em có thể sống xa anh được? Em sẽ sống như thế nào đây, không có anh?
Những câu sau cùng, nàng thốt ra bằng tiếng Nhật như độc thoại với chính mình, với định mệnh, và tôi không hiểu gì ngoài những âm thanh thảm thiết - như tiếng kêu của một sinh vật hấp hối. Tôi khao khát đến cháy lòng được ôm nàng, nhưng tôi không thể! Tôi không thể... Chỉ cần chạm vào nàng một khắc thôi, tôi sẽ quên hết những gì tôi đã nói đêm qua, tôi sẽ giữ nàng lại, tôi sẽ giữ nàng lại...
Gục đầu im lặng, tôi tưởng chừng đang có một thỏi sắt nóng đỏ xuyên thủng vào giữa trái tim mình, ở đó máu cứ sôi trào lên, bỏng rát.
Akikô ra đi, đem theo bức chân dung của nàng. Từ đó thế giới của tôi lại là thế giới của tôi, như trước, với bức tranh trên đầu giường: cái chai trống rỗng, chiếc cốc xiêu đổ. Trọn đời tôi không vẽ chân dung tự hoạ, cái chai kia chính là khuôn mặt, là số phận của tôi.
Tôi thấy lại cái cảm giác mà chính Akikô trước đây đã có về tôi. Nhìn vào đâu tôi cũng thấy nàng, trong phòng ngủ, trên sân thượng, trong ánh trăng. Nhất là khi nhìn những vật dụng bằng gỗ trong nhà. Những cánh cửa, tựa ghế, mặt bàn nhà tôi đều làm bằng một thứ gỗ có vân đánh bóng. Những chỗ vân do mắt cây để lại thường ánh lên những vòng đồng tâm: làm mỗi lần nhìn chúng tôi tưởng chừng thấy khuôn mặt tròn trĩnh của Akikô hiện lên từ sau những vòng tròn sâu thẳm của thời gian và ký ức.
Tôi vẽ khuôn mặt Akikô lên tất cả những chỗ vân tròn ấy, và nàng hiện ra cùng tôi. Akikô trên bàn. Akikô trên cửa. Akikô trên giá sách. Akikô trên ghế tựa. Tất cả mọi nơi đều có Akikô, nhưng không một Akikô nào đem lại cho tôi sự trọn vẹn tuyệt vời, không Akikô nào có cái lưỡi nhỏ ướt dịu dàng, không Akikô nào đem lại cho tôi cảm tưởng mịn màng của lụa tằm, hoa sen và lông chim câu.
Những cái chai vỡ với cạnh sắc thủy tinh nhọn hoắt vẫn được tôi giữ nguyên trên một cái giá sắt trong bếp. Từ ngày đó, tôi chỉ uống vang nhẹ, không bao giờ đụng đến rượu mạnh, vì lẽ giản dị chỉ cần nhúng môi vào một giọt rượu thôi, hình ảnh Akikô vùng vẫy như một con thú bị thương sẽ trở lại... Tôi đã bỏ thói quen hình thành từ mười lăm năm. Nếu có một phép màu, thì phép màu ấy mang tên nàng.
Nhưng thực ra chỉ có một mình Akikô tin vào tác dụng của phép màu ấy, chỉ có một mình nàng tin rằng không có rượu số phận tôi sẽ khác đi. Đã từ lâu, ruột và gan tôi đã cứng lại như một thứ plastic hết thời hạn. Từ mười năm nay, dù không quan tâm gì đến sức khoẻ, tôi vẫn biết mình xuống dốc mỗi khi gặp một người quen sau một thời gian xa cách. Họ đều hoảng hốt thấy tôi gầy tọp hẳn đi, những sợi tóc bạc trước tuổi nhiều gấp bội. Từng năm, từng năm, từ lúc Akikô ra đi cũng thế, không có gì thay đổi, tôi vẫn tiếp tục gầy đi và mệt mỏi, có thể là mức độ còn nhanh hơn trước nhiều, bởi sự cô đơn lúc này còn mênh mông hơn nỗi cô đơn trước khi nàng đến.
Cách đây một tuần, phóng viên một tờ báo trong thành phố đến gặp tôi và báo cho tôi biết bên ngoài đã lan truyền tin đồn rằng tôi đang dùng một toa thuốc mà người gọi là "thuốc ba màu". Ít nhất có một trăm thanh niên trong thành phố đang bắt chước dùng toa thuốc ấy, mặc dù Sở y tế đã thông báo là cách dùng thuốc như thế rất tai hại, cơ thể bị tích nước tạo nên sự lên cân giả tạo. Và sau thời gian ngắn ăn ngon, ngủ yên, sức khỏe sẽ suy sụp nhanh hơn trước rất nhiều.
Trả lời anh bạn phóng viên, tôi không biết nói gì. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao những bạn trẻ khoẻ mạnh và hạnh phúc lại uống thuốc độc vào người chỉ vì một chút tính thời thượng. Còn tôi, mỗi lần nuốt những viên thuốc qua cổ, tôi có cảm giác như mình nuốt những con rết vậy. Nhưng đúng là tôi đã có đôi má đầy đặn và một vóc người nhìn vào không ai dám nghĩ là đang mang một bộ gan suy thoái. Không có thứ thuốc thánh nào khác giúp tôi đạt được điều đó. Mùa du lịch sắp bắt đầu, và biết đâu. Akikô sẽ bất chợt trở về. Nàng sẽ sung sướng biết bao thấy tôi dường như không hề thay đổi và đúng như mơ ước của nàng, có thể không bao giờ chết! Nàng làm sao biết được tôi đã vì nàng từ bỏ một thứ độc dược để rồi lại uống vào người một thứ độc dược khác. Nàng làm sao biết, thuốc ba màu, đó là ước mơ vượt ra khỏi những kích thước hữu hạn của mỗi phận người, dù chỉ trong khoảnh khắc.
Nhưng liệu nàng có còn quay lại? Câu hỏi ấy cứ vang lên, xót xa, mỗi lần tôi nhìn những Akikô hiện lên từ trong lòng gỗ! Đã lâu quá rồi, điện thoại nhà tôi không còn vang lên tiếng nói của nàng, tiếng nói ngày nào đã gởi đến tôi lời tiên tri về định mệnh! Chẳng phải là lúc ra đi nàng đã nói vĩnh biệt, nàng đã nói không chịu đựng nổi khi phải nhìn tôi? Rất có thể giờ phút này, ở quê hương nàng, nàng đã tìm ra một định mệnh khác, và nàng đã để cho tất cả những gam màu của ký ức chìm sâu dưới màu trắng lãng quên như màu tuyết trên đỉnh Fuji.
Có thể thế không, Akikô? Mỗi lần câu hỏi đó vang lên trong tôi, không hiểu vì sao luôn vang dội một câu trả lời từ xa rất xa, như thể từ chân mây vọng lại: Không, không, ngày nào còn sống em còn nhớ, ngày nào còn sống em không bao giờ quên.
Tôi cũng thế, ngày nào còn sống tôi còn đợi. Dù em đã ra đi với nỗi giận hờn, dù em đã nói lời vĩnh biệt, nhưng biết đâu ít nhất một lần nữa trong đời, em sẽ đến. Em sẽ đến và dù chỉ trong khoảnh khắc, tôi sẽ sống lại cùng em những gam màu huyền thoại. Là màu hồng phơn phớt ở đầu những nụ hồng trắng. Là màu xanh biếc trong đôi mắt của những người đang hôn nhau. Là màu tím than huyền hoặc trên cao những đêm hạnh phúc… Niềm mong mỏi ấy âm ỉ mãi trong tôi như cái tàn thuốc dẫu bị gạt lìa ra vẫn cố cháy rực cho đến lúc bạc trắng thành tro.
Akikô! Dù chỉ một lần thôi, xin em hãy quay về! Hãy bay về cùng tôi từ xứ sở của ngàn cánh hạc!
4/89
T.T.M
(SH38/07&08-89)