XUÂN ĐÀI
Hẻm Đuôi Voi ngoằn ngoèo, gập ghềnh, sâu hun hút, mùa mưa lầy lội, mùa nắng hâm hấp như lò rèn. Cuối con hẻm, ở góc khuất, có ba con người cư ngụ. Thường tụ tập sau mười giờ đêm.
Người lớn tuổi nhất, gần bốn mươi, gầy, cao, da đen xạm, gọi là Tư Bắc Kỳ. Hai thằng bé, bằng tuổi nhau, sinh trước giải phóng một năm, Giáp Dần, tuổi Tây mười bốn, tuổi ta mười lăm. Một thằng tên Hải - Nguyễn Khoa Hải. Một thằng tên Đớ, không nhớ họ mình là gì. Dân bụi đời gọi Đớ chôm.
Mỗi người kiếm ăn một cách. Dựa dẫm, đùm bọc, thương yêu nhau. Đã ăn nằm cùng một manh chiếu rách qua hai mùa mưa trong con hẻm hiu quạnh, dưới vòm mái tôn thủng lỗ chỗ.
Hôm nay thằng Hải bị bệnh đột ngột từ chiều, mò về hẻm sớm hơn mọi ngày. Đầu nóng như lửa, nằm co ro, úp mặt vào tường, sốt ruột chờ anh Tư với thằng Đớ. Khi nghe tiếng chân thằng Đớ, từ đầu hẻm bước vào. Thằng Hải khe khẽ rên, là tiếng rên báo hiệu nó đang bệnh. Hải thều thào hỏi mấy giờ. Thằng Đớ áng chừng hơn mười giờ vì không còn nghe tiếng tivi ở mấy nhà trong hẻm vọng ra. Thằng Đớ đi tới đi lui, ngong ngóng anh Tư. Mọi lần anh Tư đâu có về trễ thế này. Nó bảo khỏi chờ anh Tư, mình nó đưa thằng Hải đi nhà thương cũng được. Thằng Hải lắc đầu không chịu. Nó nghĩ thằng Đớ là đứa ngu, không có mảnh giấy tùy thân dính túi mà dám vô viện cấp cứu. Bữa trước thằng Hải nghe bà con xầm xì cái vụ anh Lê Hoàng ở nhà hát Mùa Xuân, tan diễn, xông vào cứu kẻ lâm nạn, bị cướp đâm ở trước rạp Hưng Đạo, chở vô bệnh viện cấp cứu, máu ra như xối, phải mổ, họ bảo thân nhân đi mua dao lam, mua băng, bông, bệnh viện không sẵn các thứ này. Lại bảo cần phải tiếp máu may ra mới cứu sống nạn nhân, nhưng phải nộp tiền ngay. Những người đưa anh vào viện, diễn viên trong đoàn vét túi, không đủ tiền, xúm vào năn nỉ thầy thuốc cứ tiếp máu, nhà hát sẽ trả sau. Những "lương y như từ mẫu" ngoảnh mặt đi, phớt lờ. Phải tiền trao cháo múc, như ở chợ trời vậy. Biết là có van lạy thêm cũng vô ích, một người phóng xe về nhà lấy tiền. Nộp đủ tiền, được tiếp máu, rủi thay, mọi việc quá muộn, vết thương nặng, hơn tiếng đồng hồ sau, anh Lê Hoàng tắt thở. Anh ấy là nghệ sĩ, họ còn cư xử tệ vậy, huống chi nó, một đứa bụi đời.
Vừa lúc anh Tư thất thểu đi vào hẻm. Thằng Đớ lao ra đón, hấp tấp kể lại bệnh tình thằng Hải. Anh Tư sờ trán, sờ tay, sờ chân thằng Hải... hạ lệnh ngắn, gọn: Thằng Đớ đi kêu xích lô vô đây, tụi bay khỏi lo chuyện tiền nong, tao đang ứ đọng tiền mặt đây. Anh cười.
Xích lô trờ tới, hai anh em dìu thằng Hải lên xe, đầu nó gối lên đùi anh Tư, hai chân gác lên cẳng thằng Đớ.
- Bác chở tui đến Bùi Chu, tên mới là đường Tôn Thất Tùng, phòng mạch bác sĩ Nguyễn Kim Bảng, chuyên trị bệnh con nít. Khúc Sương Nguyệt Ánh nhìn chéo sang. Bác biết khúc đó không?
- Biết! Ngồi gọn vào.
Tới phòng mạch, anh Tư xuống bấm chuông. Đèn trong nhà bật sáng. Cô gái khoảng mười bảy, nhìn qua song cửa nói vọng ra:
- Má cháu đi trực rồi. Chú đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhi đồng. Đừng chần chừ. Má cháu có mặt ở đó. Cứ nói đại là người nhà bác sĩ Bảng, họ cho vào liền. Nghĩ sao không biết, cô gái bảo đợi tí xíu. Cô quay vào, loáng cái, trở ra đưa cho anh Tư cái danh thiếp của bác sĩ Bảng, dặn: Chú cứ trình cái cạc này cho phòng trực. Bác thường trực dễ tính lắm. Cô gái mở toang cửa, đi như chạy đến chỗ xích lô, cúi xuống sờ tay vào trán thằng Hải, kêu khẽ: Em bị nặng đó, tội nghiệp...
Anh Tư cảm ơn cô gái. Chần chừ có dễ đến ba phút, anh bảo bác xích lô đưa đến đường Cách mạng Tháng Tám, khúc chợ Ông Tạ, phòng mạch bác sĩ Đoài. Không may, phòng mạch đã nghĩ mấy tháng nay, chủ nhà cho biết bác sĩ đi đoàn tụ với gia đình bên Mỹ và mách đến phòng mạch ở ngã tư Bảy Hiền. Anh Tư bảo bác xe vui lòng chờ tới đường Nguyễn Cư Trinh. Xe quay đầu.
Thằng Hải thì thào: Chị gì con bác sĩ Bảng tốt quá.
- Người tốt thường ngu - Thằng Đớ triết lý như một kẻ từng trải.
- Mày nói vậy là sao? Anh Tư vặn lại.
- Dạ, hôm nay mà gặp băng cướp, xong liền, nhà bác sĩ Bảng sẽ bị hốt sạch.
- Băng của tụi bay đã bày đặt như vậy để cướp lần nào chưa? Rồi hả! Đồ khốn nạn.
- Đâu có anh Tư. Tụi em chỉ chôm chỉa lặt vặt chớ có cướp của giết người hồi nào. Tên em đó, Đớ chôm chứ có ai kêu Đớ cướp.
- Sao mày lại nghĩ ra cái trò giả vờ ốm đau, bày đặt cướp của - giọng anh Tư gay gắt như sắp đánh thằng bé.
Thằng Đớ phân bua:
- Em thấy trên báo mô tả giật gân như vậy, thì em nói... Không tin anh cứ hỏi thằng Hải.
Từ nay tao cấm thằng Hải mang mấy tờ báo công an tỉnh lẻ về đọc cho thằng Đớ nghe. Hai đứa nghe rõ không? Thứ báo lá cải, tuyên truyền bạo lực, tụi bay đọc chỉ hư đốn thêm.
Hai thằng nhỏ nín thinh.
***
Trước khi bỏ nhà đi bụi đời, thằng Hải đã học hết lớp bảy. Nó rất mê sách báo. Sáng nào cũng ghé sạp đường Nguyễn Đình Chiểu đọc ké. Đọc riết, nó trở thành người thân của bác chủ quán. Bác chủ quán trước kia là luật sư, mất sở làm, đi bán vé số một thời gian dài, mới che lều mở quán sách được gần năm nay. Ngó mặt mũi thằng Hải khôi ngô, thật thà, nói năng lễ phép, bác thương nó như con. Thằng Hải đọc đủ các loại báo ở sạp, riêng báo công an nó xuất tiền ra mua, bởi còn phải đưa về hẻm đọc cho thằng Đớ nghe. Thằng Đớ không biết chữ, khoái mỗi báo công an, rặt chuyện lừa đảo, cướp của giết người. Nhờ đọc báo, băng nó đã thoát được mấy vụ, hỏi sao nó không khoái. Cũng là cách "đọc và làm theo báo" chớ sao. Ít lâu nay, không muốn thằng Hải tốn kém, bác chủ báo cho nó mượn hẳn tờ công an, mai sáng trả. Có hôm làm mất, hay nhàu nát, thằng Hải móc túi trả tiền, bác chủ sạp xoa đầu nó không nhận. Có lần ghé sạp, trời mưa rả rích, không đi lượm bao ni lông được, thằng Hải ngồi tỉ tê kể chuyện gia cảnh nhà nó cho bác chủ sạp nghe. Nó bảo, theo ông nội cho biết, tới nó, là bốn đời bỏ đất cố đô vào sinh sống ở Sài Gòn, cố nội làm quan Triều Nguyễn, bất mãn sao đó, từ quan, vô Nam lập nghiệp bằng nghề dạy chữ nho. Nối dõi tông đường, ông nội nó cũng làm nghề gõ đầu trẻ, chỉ khác là dạy chữ tây với chữ quốc ngữ, cố nội và ông nội thằng Hải, vẫn theo nó kể là hai nhà thơ. Khi thằng Hải, nhắc tên họ, nói cả bút danh ông nội, bác chủ sạp à à mấy tiếng: biết, biết, bác có đọc thơ ông cháu đăng ở các báo thời trước. Vậy cháu có làm thơ không?
- Dạ cũng có. Nhưng thơ cháu dở ẹc bác ơi.
- Xứ của cháu, ai không biết làm thơ coi như không phải người Huế. Tạp chí "Sông Hương" đăng thơ Phương xích lô, Mùi Tĩnh Tâm, là anh Mùi làm vườn ở hồ Tĩnh Tâm đó. Thơ hai anh này khá lắm. Mai mốt chắc còn có thơ của Mệ - Hoe - cơm - hến, O - Nga - bánh - bèo. Rồi cháu nữa, Hải - bụi - đời.
Hai bác cháu thú vị, cười sặc sụa. Lát sau, bác chủ sạp bảo.
- Nói chơi vậy thôi. Cháu gởi thơ đăng báo cứ Nguyễn Khoa Hải mà ký. Giòng họ cháu, được nể trọng lắm đó. Vậy chớ ba cháu có làm thơ không, bây giờ ở đâu?
- Dạ, ba cháu là sĩ quan ngụy, cấp đại úy.
- Chắc đi cải tạo về lâu rồi hả?
- Dạ không. Ba cháu tử trận hồi đầu năm bảy lăm lận, khi rút chạy từ cao nguyên trung phần. Ba cháu là kỹ sư cầu đường, sĩ quan công binh mà bác.
Trời mưa kéo dài, không ai ghé sạp mua sách báo. Hai bác cháu thỏa thuê chuyện trò. Thằng Hải cho hay, ba nó có hai anh em, em ba là o Thanh, gia đình ở trên Lâm Đồng, làm mướn cho các chủ trại cà phê. Ngày ông nội nó mất, o lặn lội về Sài Gòn chịu tang cha, sau đó rước nó lên. Nó bực mình khi gặp ai o cũng xụt xịt: "Tội nghiệp thằng cháu côi cút!" Việc chi phải nói vậy. Lúc đó nó đang học lớp sáu. Còn má nó bỏ đi lấy chồng ở dưới miền Tây đã mấy năm, lấy ông cán bộ cấp tỉnh, làm vợ bé, bỏ mặc hai ông cháu sống lủi thủi với nhau. Người như vậy là tệ, nhưng nó không giận má, chỉ thương. Ngày ông mất, o Thanh có nhờ người nhắn nhe, chờ mãi, không thấy má nó về.
- Vậy trước đây cháu ở đường nào?
- Dạ, ở miệt Phú Nhuận, đường Ngô Tùng Châu. Nhà trệt, ba gian, không rộng lắm, nhưng được cái ở ngay mặt tiền. Khi ông cháu xuất tiền ra mua, giấy tờ nhà đứng tên ba cháu. Đằng nào cũng thuộc quyền ba cháu, ông nội thường nói với bà con lối xóm như vậy. Sự đời lại không thế bác ạ. Sau giải phóng ít năm, ông cháu có làm đơn lên quận lên thành, mong cấp trên cứu xét để được sang tên cho cháu. Ông cháu đi lại tốn kém bộn tiền mà không xong. Cái tình thuộc về ông cháu, cái lý thuộc về chính quyền, o Thanh cứ nói hoài nói hủy câu này mỗi khi có ai trong giòng họ nhắc đến ngôi nhà. Ngày ông chết, cháu ôm quần áo theo o Thanh lên Lâm Đồng, người ta đến niêm phong nhà, sau đó phân cho một gia đình cán bộ, nghe nói họ cũng phải mất mấy cây vàng mới vào ở được. Mặt thằng Hải buồn buồn, lúc hạ giọng nói câu sau đây:
- Hễ nhớ tới ông nội, nhớ tới cái bàn thờ ba cháu, nhớ thời nhỏ được chiều chuộng, cháu lại mò về Phú Nhuận, đi qua đi lại trước ngôi nhà vài lượt đó bác. Bà con lối xóm trông thấy, kêu vô hỏi chuyện, rồi cho quà. Thực lòng cháu không muốn nhận quà nhưng bà con la mắng, cháu phải cầm vậy.
Bác chủ sạp báo, tháo cặp kính lão ra lau vào vạt áo, ngắm nghía thằng Hải ngỡ nó không phải đứa mười bốn tuổi. Cuộc đời lang thang, ăn đường ngủ chợ đã dạy nó nói năng từng trải như một người lớn tuổi. Bác chủ sạp hỏi:
- Cháu đi nhặt ni lông thế này đem bán ở đâu, ngày được bao nhiêu?
- Dạ bán cho mấy chú ba ở Chợ Lớn. Ngày cũng kiếm đủ hai bữa cơm bình dân. Tụi cháu ăn tại mấy quán vỉa hè treo biển "Cơm sinh viên" rẻ lắm bác ạ. Bây giờ sinh viên với bụi đời tụi cháu là dân mạt hạng, nhiều người thương.
Trời vẫn không chịu ngớt. Câu chuyện giữa hai bác cháu không còn những tiếng cười như lúc đầu. Bác chủ sạp bước ra ngó trời, quay vào nói:
- Hải này, trưa nay ở đây, bác đãi cháu một bữa cơm ngon lành. Thức ăn bác mua dư dật, có sẵn bếp điện, nồi niêu soong chảo. Nếu chiều vẫn mưa, bác bao tiếp buổi chiều. Đừng ngại. Vui lòng nhận lời nhé anh bạn người Huế?
- Dạ, cám ơn bác. Chắc chút xíu nữa là tạnh. Trời Sài Gòn tính đồng bóng như đàn bà, chợt mưa chợt nắng mà bác. Mưa cháu cũng phải đi, lỡ hứa bao cơm thằng nhỏ. Thằng này chưa tới mười tuổi, quê đâu ngoài Thanh Hóa, cả nhà sắp chết đói, vô đây đi ăn mày. Nó lạc mất mẹ với mấy đứa em, đứng giữa đường khóc như cha chết. Cháu dỗ nó nín, cho nó ăn tô hủ tiếu, bảo cứ đứng đó, may ra mẹ quay lại kiếm. Không thấy mẹ cứ ngồi đó đợi, trưa nay cháu quay lại, cho đi ăn cơm thịt. Nó cứ đòi đi theo cháu. Cháu phải năn nỉ hồi lâu mới chịu ngồi lại. Có khi mẹ nó cố tình làm vậy cũng nên bác ạ. Dắt con theo, không chừng chết đói cả lũ. Để nó vậy, ai muốn nuôi, dắt về.... Người mẹ đang tâm làm như thế, chắc cũng đau thắt ruột lắm...
Bao nhiêu lần tỉ tê trò chuyện với thằng Hải, xem cách cư xử, nói năng, cho dù nó nói rặt giọng Sài Gòn, bác chủ sạp vẫn nhận ra cái cốt cách xứ Huế trong nó. Bác biết nó bỏ Lâm Đồng, bỏ o Thanh về Sài Gòn cũng chỉ vì hai câu chửi xúc phạm, hai câu thôi, trong một lần, của chồng o: Mả cha cái họ nội nhà mày! Mả cha cái xứ đa trá đa dâm nhà mày! Chửi nó thì được, đánh nó cũng được, nhưng nó không cho phép ai đụng vào dòng họ Nguyễn Khoa và xứ Huế lễ nghĩa mộng mơ mà ông nó đã truyền lại niềm tự hào.
Niềm tự hào của Hải, đã có lần bị thằng Đớ và Tuấn vẩu đưa ra chế diễu. Tuấn vẩu là "sư phụ" của Đớ trong băng chôm chỉa, ngoài ba mươi, đã từng đi lính dù đóng quân ở Huế. Thằng Đớ mở đầu.
- Mày nhận là người Huế, lúc nào cũng đem ra khoe, như là khoe quần áo mốt không bằng. Vậy mà xứ mày to nhỏ, méo tròn ra sao mày chưa biết. Còn tao, rành sáu câu cái xứ Huế nhà mày. Tao đã ra đó hai lần. Xứ mày nghèo rách mồng tơi, cà chớn chẳng kém ai.
- Ra tận Huế móc túi cơ à. Đẹp mặt ghê.
- Nghề tao chỉ có vậy, mày khỏi phải chửi. Để yên tao kể cho mày nghe. Có lần vào chợ Đông Ba, gặp con mụ ăn mặc đỏm dáng, cái túi xách cũng coi được, tụi tao nẫng liền, mở ra chỉ có hai trăm đồng với lại tập truyện rách bìa, ném trả vào mặt mụ, cho mụ quê một cục. Xứ mày là chúa làm đỏm bề ngoài, trong bụng chẳng có cái gì. Tao kể mày nghe chuyện này vừa tức ói máu vừa buồn cười. Bữa đó tao và Tuấn vẩu hứng chí kêu xích lô đi từ cửa Thượng Tứ vô miệt Mang Cá chơi, gã xe đòi ba trăm, khỏi trả giá, tụi này leo lên xe. Xuống xe đưa ba trăm, gã đòi sáu trăm, nói một câu xanh rờn: Mỗi người ba trăm chớ! Dữ dằn như Tuấn vẩu cũng lắc đầu bái lạy người Huế nhà mày. Thấy chưa, xứ mày ba xạo có kém ai đâu.
Anh Tư nghe, tức thay cho thằng Hải, anh khiêu khích:
- Xứ nó còn cái gì xấu nữa hai đứa bay kể nốt ra. Còn bị gã xích lô nào cho ăn quả lừa nữa không?
Thằng Đớ nói:
- Lừa nữa thì không. Nhưng có cha xe đạp thồ này thì khùng hết biết.
- Khùng sao?
- Tụi em kêu xe đạp thồ từ Bao Vinh về chợ Đông Ba. Anh Tư đã ở Huế thì rành quá rồi, hơn năm cây số chứ đâu có ít, gã xe thồ đòi giá rẻ rề, bốn trăm. Lần đó em đi cùng với thằng Toản càng cua, người nó nhỏ thó, nên gã ưng thuận đèo cả hai. Đã có bài học lần trước, em hỏi: Hai đứa bốn trăm hay mỗi đứa bốn trăm. Gã xe thồ cười: hai chú chớ lờn mặt anh. Bốn trăm là bốn trăm, đâu có chuyện tào lao tính gấp đôi vậy. Xuống xe, tụi em trả tiền, lì xì thêm một trăm là năm, gã lắc đầu không nhận. Vừa cởi áo lau mồ hôi, gã vừa hỏi: hai em có thích thơ, anh đọc cho nghe vài bài. Hỏi vậy, anh Tư bảo có khùng không?
Thằng Hải bỗng cười ré lên:
- Người Huế tao là cái ông đó đó. Còn cái ông xích lô chắc là người xứ tụi bay mò đến Huế kiếm ăn mới nghĩ ra cái cách moi tiền ba xạo vậy.
Anh Tư cười tán thưởng trước câu đối đáp láu cá của thằng Hải. Tuấn vẩu và Đớ chôm tức tứa máu, không biết nói sao, ngồi đực mặt. Một lúc sau Tuấn vẩu mới hạ giọng:
- Tao nói cho mà biết. Mày ở xa xứ Huế, lúc nào cũng vỗ ngực, Huế tao thế này, Huế tao thế nọ. Còn dân Huế thứ thiệt, sinh sống ngoài đó lại hay tự chế nhạo mình cho mọi người ôm bụng cười với nhau. Họ không thèm hát: ơi Huế của ta, ta có Huế ngọt ngào, mà hát sao mày biết không? Huế thơ Huế mộng, Huế thộng bộng hai đầu. Thộng bộng là rỗng tuếch nghe mày. Người Huế còn hò thế này mày nghe mới đã tai:
Huế ta bây chừ nẩy nòi đĩ điếm
Điếm lượn trên bờ, điếm lặn dưới sông
Đĩ điếm thời nay đâu chỉ đàn bà mà có cả đàn ông
Vì cái bọn điếm đực ấy mới... đến nông nỗi này.
Hát xong Tuấn vẫn cười hơ hớ. Khi thường, răng lợi hắn đã nham nhở. Bây giờ cười khoái chí, nhìn vào mặt chỉ thấy toàn răng là răng, những cái răng mã tấu cáu bẩn.
Thằng Hải vặn hỏi:
- Có điếm đàn ông là sao?
Tuấn vẩu, vẩu răng ra đáp:
- Riêng câu hỏi ngớ ngẩn vậy, mày đã không xứng đáng nhận mình là người Huế rồi. Dân Huế người ta thâm trầm sâu sắc. Nghe họ nói điều gì, chớ hớp hớp hiểu liền. Phải suy đã, phải nghĩ đã. Có khi phải suy nghĩ nát óc mới vỡ lẽ câu nói của họ, câu hát của họ.
Thằng Hải ngồi lặng, mặt rầu rầu, hai mắt bỗng nhiên đỏ ngầu, nếu không phải là hai thằng cùng cảnh vô gia cư như nó, mà là những đứa khác, nó đã đứng lên vặn cổ cho hả giận vì dám đưa quê hương hiếu đễ, lễ nghĩa và gia giáo của nó ra mà diễu cợt, báng bổ. Lát sau, Hải đứng dậy, nhổ nước miếng, nói giọng Huế:
- Mấy người là dân chôm chỉa. Đi tới mô cũng lo bị bắt, nhìn vô ai mà chẳng xấu, nhìn vô mô mà chẳng xấu, riêng chi Huế tui.
Tuấn vẩu nghe nói vậy, động lòng, thương thương thằng bé, song vẫn không buông tha. Hắn cũng bắt chước giọng Huế:
- Rứa thì Huế mi là Huế thơ Huế mộng, Huế đẹp Huế giàu, răng mi không ra ngoài nớ cho sung sướng, tội chi ngủ bờ ngủ bụi ở đây cho cực hè. Hay mi ra mà coi tụi điếm đực đang phá Huế của mi ra răng cho biết!
Anh Tư trừng mắt nhìn Tuấn vẩu, quát:
- Quân vô lại, có im mồm đi không! - Anh nhìn sang bộ mặt rầu rĩ của thằng Hải, nói tiếp - Em đừng tin hai thằng mắc dịch đó. Quân trộm cướp nói lời trộm cướp. Em là Huế và Huế là em đó. Hai thằng này chỉ biết móc túi, chứ biết cái gì. Anh nói để em hiểu, dân tộc nào biết tự diễu cợt mình là dân tộc thông minh. Còn ngược lại, vỗ ngực khoe khoang, đó là dân tộc ngu dốt và hợm hĩnh. Những người thông minh, sống cao hơn kẻ khác một cái đầu mới tự chế nhạo mình, đó mới là người quân tử. Em ở xa quê, bao giờ cũng nghĩ tốt đẹp về quê hương, tự hào về quê hương, không làm điều xấu để mang tiếng quê hương, đó cũng là cách sống của người quân tử. Huế là vậy đó. Muốn hiểu xứ Huế, người Huế, phải có học thức và tấm lòng. Anh cũng có một quê hương, con cháu sĩ phu Bắc Hà để tự hào.
Tuấn vẩu xì một tiếng, đứng dậy phủi đít quần:
- Xứ của anh tôi cũng rành lắm, anh Tư. Đầu tháng ba vừa rồi, tụi này đi làm ăn ngang dọc ngoài Bắc, thưa thiệt với anh, từ đất Thanh Hóa trở ra, tới đâu cũng gặp con cháu sĩ phu nhà anh bị gậy đi ăn xin. Ở chợ Phù Ly, có bà ăn mày bán đứa con chừng ba tuổi, giá mười ngàn. Người mua là anh bộ đội già. Anh giao tiền xong, bà có con cứ ngồi khóc tức tưởi. Bồng đứa trẻ đi một đoạn, thương tình, anh bộ đội quay lại cho thêm bà mẹ năm ngàn nữa. Người tốt như vậy là tôi phục. Anh đừng cho dân trộm cắp chúng tôi không còn tình người. Nhận thêm tiền bà mẹ càng khóc vật vã hơn. Thế mới hay là đồng tiền nó bạc. Sáng hôm sau người ta đồn đại ầm lên, bà ấy xót con, khóc hết nước mắt, gần sáng ngủ lịm đi bị móc sạch tiền. Tụi tôi phải nhảy tàu, chuồn về Hà Nội liền, lớ rớ bị bắt oan.
- Tụi bây lấy của người ta chứ còn ai vào đây nữa!
Tuấn vẩu thề độc:
- Tôi mà lấy, chút nữa ra đường xe cán bể đầu. Còn nhiều chuyện đau lòng ở xứ anh, thích nghe, tôi kể tiếp cho mà... tự hào.
Tư xua tay:
- Đủ rồi, đủ rồi... Mày cút đi. Đừng giữ giọng xóc óc ra đây.
- Người như anh còn sợ sự thật, không muốn nghe sự thật huống chi mấy người có chức có quyền.
Tuấn vẩu bước đi, uốn éo như diễn viên lên sân khấu, liếc nhìn thằng Hải, nghêu ngao hát: ơi Huế của ta.... Vượt qua phong ba Huế đi lên kiên cường. Chào anh con cháu sĩ phu và em Huế kiên cường, tôi dông...
- Cút đi cho rảnh mắt. Lần sau còn quay lại đây tao cho ăn đòn.
***
Xin trở lại chuyến xích lô chở thằng Hải đi cấp cứu. Đến con hẻm cuối đường Nguyễn Cư Trinh xe dừng lại, anh Tư hỏi bao nhiêu tiền. Bác xe bảo cho bao nhiêu cũng được. Anh Tư rút ra sáu tờ một ngàn. Bác xích lô trố mắt, chi mà nhiều rứa, tôi lấy ba tờ thôi.
- Bác cũng là dân Huế ạ?
- Không. Dân Hà Tịnh. Một thứ Hà Tịnh bị quê hương chối bỏ.
Anh Tư đùa lại:
- Quê hương chối bỏ hay bác chối bỏ quê hương?
- Anh răng tui rứa. Cùng cảnh tha phương cầu thực cả mà.
Chia tay bác phu xe già, anh Tư đưa thằng Hải tới nhà người bạn cũ, làm nghề y tá chích dạo. Thằng Hải được uống thuốc, sau khi anh y tá thăm bệnh, cặp nhiệt độ. Anh y tá giữ thằng Hải nằm lại qua đêm để theo dõi. Anh Tư và Đớ cuốc bộ về con hẻm Đuôi Voi quen thuộc. Thành phố vào khuya, vắng, thấp thoáng bóng vài người công an và dân phòng đi tuần tra. Họ là đối tượng lánh mặt của hai anh em..
Sáng hôm sau, ngủ đẫy giấc, thằng Hải thấy trong người khỏe hẳn. Trẻ con dễ đau và chóng lành. Anh y tá Lê Quý Hiền xách cặp lồng ra đầu phố mua cháo gà. Bưng tô cháo nóng hổi, thằng Hải nhớ tới ông nội, nhớ tới má, nhớ tới một thời ấu thơ được nuông chiều, nó rơm rớm nước mắt. Anh Hiền hỏi Hải quen anh Thắng hồi nào. Nó ngớ người không hiểu anh Thắng là ai. Anh Hiền tủm tỉm cười: Tư Bắc kỳ là anh Thắng đó, Đỗ Tất Thắng. Tên là Tất Thắng mà suốt đời thất bại. Qua trò chuyện, Hiền mới vỡ lẻ thằng Hải chưa hề biết một chút gì về lai lịch Tư Thắng, đồng đội của anh, thủ trưởng của anh. Lúc Hiền về làm y tá đại đội, Thắng đã là đại đội phó. Thắng hơn Hiền sáu tuổi, đi bộ đội thời chống Mỹ, năm bảy tư, lúc đang học đại học kiến trúc năm thứ hai, tròn mười chín tuổi. Đất nước thống nhất được hai năm, Thắng phục viên. Anh không trở về ngôi trường đại học xưa, hoàn cảnh gia đình kinh tế eo hẹp sao đó, anh xin vào làm công nhân xây dựng. Năm xảy ra chiến tranh biên giới, là đảng viên, bí thư chi đoàn, anh tình nguyện tái ngũ. Gần tám năm đánh giặc ở Campuchia, đi từ thiếu úy trung đội trưởng lên đến đại úy tiểu đoàn phó. Anh đánh giặc có nét riêng, rất bản lĩnh, nổi tiếng khắp sư đoàn. Bảy năm liền là chiến sĩ thi đua, đáng lẽ được phong anh hùng, nếu không có cái lần nóng nảy, táng một chiến sĩ hai bạt tai khi biết cậu ta dở trò thô bỉ bóp vú cô gái ở Sóc Tà Khét.
- Anh Tư là đại úy, học tới đại học sao không xin được việc làm hả anh Hiền? Thằng Hải hỏi với cái giọng buồn buồn.
- Tà tà anh kể chú nghe. Cách đây gần ba năm, trung đoàn về nước, bọn anh được phục viên. Anh Tư Thắng ra Bắc tìm đơn vị xây dựng cũ. Đơn vị làm ăn thua lỗ sao đó, giải tán. Anh Tư ba lô khăn gói về quê. Bố anh đã mất từ hồi anh chưa vào đại học. Anh về giữa lúc mẹ già đang ốm nặng, về hôm trước, hôm sau bà cụ thều thào: Mẹ được nhìn thấy con lành lặn là mẹ yên lòng nhắm mắt xuôi tay được rồi. Nói xong bà cụ tắt thở. Nhắc lại chuyện này với anh, anh Tư chảy nước mắt, bảo: may mà đơn vị xây dựng rả đám, chứ không mình chẳng được gặp mẹ, số tiền dành dụm trong mấy năm đi lính, cộng với tiền phục viên, anh Tư trang trải vào đám ma bà cụ hết sạch. Anh Tư kể với anh, sau đó anh ấy ra Hà Nội tá túc nhà người anh ruột. Người anh là giáo viên cấp hai, lương ba cọc ba đồng, thương em, chạy ngược chạy xuôi xin việc, không đâu nhận, lý do đơn giản, đã không có hộ khẩu lại thiếu tiền trà lá.
Thằng Hải nói xen vào:
- Gặp cảnh thế này, ông nội em hay chửi "tổ cha cuộc đời vô hậu"!
- Cuộc đời không phải lúc nào cũng vô hậu cả đâu em. Nhưng con người ta được số phận an bài hết trọi. Anh Tư lộn về quê bán nhà. Anh ấy kể, gần nửa làng đi kinh tế mới, nhà rẻ rề, bán như cho, vừa đủ một suất vé tàu vào Sài Gòn. Em biết câu họa vô đơn chí không? Có hả, giỏi. Trên tàu, bọn khốn nạn nẫng gọn ba lô anh Tư. Quần áo, chứng minh thư, giấy tờ phục viên mất sạch. May mà cái thẻ đảng để ở túi áo ngực là còn. Em nhìn thấy thẻ đảng bao giờ chưa? Đẹp lắm, nhưng nó lại vô tích sự không giúp được anh Tư việc gì trong lúc này. Có lần, chính nó lại xuýt gây "tai nạn" cho anh ấy, số là thế này. Hôm anh Tư mới vào, ngủ nhà anh, nửa đêm công an kiểm tra hộ khẩu. Anh Tư xuất trình thẻ đảng. Cái ảnh ông đại úy trong thẻ đẹp trai, tự tin, còn cái hình hài ông đại úy ngồi trước mặt tiều tụy, quần áo nhếch nhác, họ nghi, cho là anh Tư xài thẻ giả. Dong lên đồn ngủ với muỗi một đêm, mai sáng tha về, xác minh sau. Đã gần hai năm nay, họ không trả lại thẻ đảng, anh Tư cũng không buồn đòi... Mà thôi, em chẳng nên nghe những chuyện tầm phào thêm mệt.
Hiền sờ tay vào trán thằng Hải, gật gật đầu, hỏi nó có thích uống nước chanh để anh pha. Hải lắc đầu. Chuyện đời phiêu bạt, đa đoan của Tư Thắng đang hấp dẫn, nó tò mò hỏi:
- Sao anh không giữ anh Tư ở lại đây với gia đình?
- Dạo mới ngoài Bắc vô, anh Tư ở đây. Hai anh em chạy khắp nơi xin việc. Cũng giống Hà Nội, không có hộ khẩu, không chỗ nào người ta nhận. Hôm trước má anh tính bán cái tủ gương, phụ thêm ít tiền, mua cho anh Tư cái xích lô, chân co chân duỗi, kiếm sống qua ngày. Anh Tư gạt đi, đâu có chịu. Năm ngoái, anh ấy định về Long Khánh làm rẫy, má anh cản không cho đi. Gương mấy gia đình ở hẻm này, bán cửa bán nhà, đi kinh tế mới, chịu không thấu bỏ về hết trọi, còn sờ sờ ra đó. Anh Tư mày khái tính lắm, không muốn nhờ vả ai lâu. Hôm bỏ ra đi, anh bảo với anh: Sức dài vai rộng như tao, cứ níu gấu quần bà già ăn bám, nhục lắm. Vả lại, ở đây, em biết không, dăm bữa nửa tháng, người ta lại sục vô vặn hỏi giấy tờ tạm trú làm anh ấy bực mình.
Má anh Hiền đi bán hủ tiếu rong về, cười xởi lởi, hỏi oang oang từ ngoài sân:
- Thằng nhỏ sao rồi, lành bệnh chưa? Tao mua cho hai anh em tụi bay một lố bánh cam đây. Ăn liền cho nóng.
Hiền tất tả chạy ra đỡ gánh hàng cho mẹ. Đặt đĩa bánh cam lên bàn, giục Hải:
- Bánh cam bà "Sấu chín năm" ngon có tiếng, em ăn đi. Ăn xong uống thêm hai viên thuốc nữa. Thuốc anh gói để trên tủ, cái gói trắng trắng đó. Ăn uống rồi, ngủ một giấc, chiều là lành hẳn. Bây giờ anh phải tới Bộ tư lệnh lấy lại giấy tờ phục viên cho Tư Thắng. Hôm nay họ hẹn, chắc được. Không có giấy tờ tùy thân có ngày người ta hốt vô Chí Hòa thì khốn. Anh đi chút xíu về liền.
Hiền đội mũ, khoác xắc cốt, dong xe đạp ra đường.
***
Thằng Đớ ôm cái mặt sưng vù, còn vương vài giọt máu khô trên má, ngồi cả ngày trong hẻm không ló mặt ra đường. Tối nay anh Tư về sớm đưa thuốc kháng sinh cho nó uống. Anh lấy dầu nóng xoa vào những vệt tím bầm trên mặt, trên người thằng Đớ. Lần này nó bị đánh nặng hơn những lần trước.
Thằng Đớ không cha không mẹ, nói cho đúng là nó chưa bao giờ nhìn thấy mặt cha mặt mẹ mình. Nó cũng có một bà mẹ nuôi. Lúc mới tám tuổi, nó theo bà làm nghề dắt mối gái điếm ở trước công viên Tao Đàn. Mẹ nuôi bị đưa đi tập trung cải tạo ngoài Duyên Hải. Nó bơ vơ, bị các đầu nậu đàn chị dằn mặt, bỏ nghề, nhập băng Tuấn vẩu đi chôm chỉa giựt dọc. Tư Thắng thương nó như em ruột, đang tìm cách dạy dỗ nó, dứt nó khỏi cái nghề mà xã hội khinh bỉ. Hơi muộn, vì thằng Đớ đã gần mười lăm tuổi, thói giang hồ thấm vào máu nó quá lâu rồi.
Dắt Đớ ra quán bà Tư Mập, anh Tư gọi hai tô hủ tiếu. Tô đặc biệt, có thêm trứng cút dành riêng cho Đớ. Anh ăn tô thường. Ăn xong không cần hỏi nó đã no hay chưa, Tư Thắng sang bên kia đường mua thêm ổ bánh mì nhân thịt dúi vào tay nó. Trở về hẻm, bụng Đớ căng như bụng cóc mật.
Thường ngày, khi trò chuyện, anh Tư xưng tao và gọi thằng Đớ bằng mày. Hôm nay khác. Anh nói với nó bằng cái giọng nhỏ nhẻ:
- Từ mai em ở "nhà". Anh đưa ngàn rưỡi ăn sáng và trưa, còn dư mua thuốc hút. Đang mệt không nên hút thuốc nhiều. Chiều về anh lo bữa cơm tối cho cả hai anh em. Anh sẽ cố gắng về sớm. Lúc nào lành vết thương, theo thằng Hải đi nhặt bao ni lông. Có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, thiếu thốn bao nhiêu, anh phụ giúp. Được không? - thằng Đớ im lặng không trả lời - Nếu không thích lang thang theo thằng Hải thì theo anh ra chợ Cầu Muối khuân vác. Chịu nắng, chịu mưa mới có tiền. Em còn theo băng Tuấn vẩu có ngày người ta đánh tan xương. Ai mất của mà không xót, kể cả của cải mà bọn người này lừa đảo người khác. Họ đánh như lần này còn phúc to đó em.
Thằng Đớ cúi đầu, lắng nghe, chân di di trên mặt đất. Đời nó chưa bao giờ được nghe những lời bảo ban nhẹ nhàng. Lúc sau nó hỏi:
- Nghe nói dân chợ Cầu Muối dữ dằn lắm phải không anh Tư?
- Dữ dằn với kẻ dữ dằn. Phu phen với nhau người ta sống sòng phẳng. Mình không làm điều gì quấy, sống biết trên biết dưới là người ta thương. Em bỏ thói chửi thề đi. Cứ theo anh rồi biết. Ưng không?
- Dạ, em xin tháp tùng anh. Hay anh Tư cho cả thằng Hải vô băng mình luôn.
Tư Thắng cười, nói nửa thật nửa đùa:
- Tôi với đồng chí cộng tác làm việc, làm người lao động lương thiện, lúc nào đồng chí cũng nổi máu giang hồ đòi lập băng, lập nhóm. Băng này, băng nọ là chuyện của kẻ trộm cướp. Còn thằng Hải là dân xứ mơ xứ mộng, để nó lang thang lượm ni lông và làm thơ. Nó đọc thơ cho em nghe bao giờ chưa?
- Dạ có. Khổ thấy mồ, mà thơ với thiếc của nó rặt chuyện trời trăng mây gió. Dở ẹc.
Vừa lúc "nhà thơ dở ẹc" thất thểu về tới hẻm, miệng đang cạp ngô nướng. Nó rút từ bao bố ra hai trái ngô nóng hổi mời thằng Tư Thắng và thằng Đớ. Vừa xít xoa cạp ngô. Hải vừa nói:
- Tuấn vẩu bị nặng lắm. Gãy bốn cái răng. Mắt trái khâu hai mũi. Mắt phải sưng vù, nhắm nghiền. Gãy bốn xương sườn. Một tay treo khớp vì bị bẻ quặt ra sau lưng. Lâm trận, băng đảng mạnh thằng nào thằng ấy chạy - nó liếc mắt qua thằng Đớ - May có người thương tình chở vô bệnh viện, không thì Tuấn vẩu về chầu Diêm vương rồi. Đúng là tụi bay gặp phải mấy tay võ nghệ cao cường mới bị ăn đòn kiểu đó, phải không Đớ?
Thằng Đớ bĩu môi:
- Võ nghệ cái con mẹ gì. Mấy cha thanh niên nó đánh hội đồng. Không biết ở đâu đâu, lúc đó bọn nó túa ra đông như mối bể tổ. Chúng nó đánh dữ để làm le với người đẹp. Con bé trông ngon cơm lắm. Cái con bị tụi tao giựt bóp đó.
Thằng Hải "hứ" một tiếng:
- Thứ trộm cướp người ta ghét bỏ, cho nhừ đòn lại còn bảo làm le. Nói vậy mà không biết dơ - Nó ngoảnh sang Tư Thắng - Tuấn vẩu không ngờ em tới thăm, cứ nắm tay lắc lắc hoài, hỏi một câu vô duyên: mày không giận tao hả? Lúc em đưa mười ngàn của anh cho. Tuấn vẩu lặng người, ực ực cuống họng, như là nuốt nước mắt ấy. Em thấy tội quá. Trước khi chào ra về, em cho thêm năm ngàn của em. Em nhét tiền vào túi Tuấn vẩu và đi liền.
Thằng Đớ nghe Hải kể chuyện vào thăm Tuấn vẩu, nghĩ mà tức mấy đứa cùng băng chạy thoát, từ qua tới giờ, không đứa nào bén mảng vào đây thăm nó, chúng thừa biết tối tối nó về ngủ ở đây. Nó buột miệng hỏi Hải:
- Mày có thấy đứa nào băng tao ở chỗ Tuấn vẩu không?
- Băng mày là những thằng mắc dịch nào làm sao tao biết được. Lúc tao vô, có mấy đứa đứng xớ rớ quanh giường, chắc tụi nó. Cũng phải biết thương nhau khi lâm nạn chớ. Có đứa nào tới thăm mày không Đớ?
Tư Thắng gỡ kẹt cho thằng Đớ về chuyện các "chiến hữu" bỏ rơi nó, liền nói lảng sang chuyện khác với thằng Hải. Thằng Đớ nằm xuống, quay lưng úp mặt vào tường, khóc xụt xịt. Thằng Hải mắng:
- Có gan ăn cướp có gan chịu đòn bày đặt khóc với khiếc. Bảo đi lượm bao ni lông với tao không nghe. Thích làm biếng, thích ăn ngon, bây giờ ráng chịu.
Tư Thắng bấm vào đùi thằng Hải, ra hiệu cho nó im rồi hỏi:
- Anh đã cho Tuấn vẩu, em còn cho làm gì nữa. Bây giờ em còn bao nhiêu?
- Dạ, em còn gần bảy chục ngàn. Mai sáng ra bưu điện gửi cho o Thanh ba chục. Chẳng biết lúc này giá cước có tăng không? Chắc tăng bộn. Cái chi bây giờ cũng tăng vùn vụt, hết biết nổi.
- Em vẫn lấy địa chỉ ở sạp báo hả?
- Dạ, lần trước nhận được tiền, o gửi thư trả lời em, o viết tội lắm, o dặn không được gửi tiền cho o nữa, o khuyên phải giữ gìn sức khỏe, lâu lâu ghé nghĩa địa thắp nhang cho ông nội, cho ba, o bảo o là người có tội với em, với giòng họ. Thư viết dài lắm, em vẫn lận ở lưng quần đây.
- O đã viết thư bảo đừng gửi tiền nữa, sao em vẫn gửi, không sợ o la sao?
- O dặn là việc của o, o mặc cảm đó anh. Em cứ giành dụm gửi cho o, o em nghèo lắm anh ơi, một mình nuôi bốn đứa con nhỏ. Tụi em của em chưa giúp gì được cho o cả. Em gửi tiền phụ giúp, để tụi nó không bỏ học. Dượng em, chẳng làm gì, ra uống vô uống, say xỉn suốt ngày. Được cái ông ấy chỉ chửi chứ không đánh o bao giờ.
Thành phố vào khuya, ngoài đường đã bớt dần tiếng động cơ xe máy. Thằng Hải đẩy thằng Đớ áp sát vào tường, nằm xuống cạnh. Tư Thắng nằm ngoài cùng. Những điều thằng Hải nói về người cô ruột làm xao động tâm tư Tư Thắng. Anh nhớ tới làng quê, nhớ tới anh em, bà con ruột thịt. Chị cả anh, theo chồng, dắt một bầy con lít nhít đi kinh tế mới ở Sơn La, đã lâu không có tin tức, chẳng biết sinh sống ra sao. Người anh thứ hai, ông giáo nghèo, sống lầm lũi trong ngõ giếng Mứt ngoài Hà Nội, lúc nào cũng hậm hực với thế sự. Người làng anh, bạn học thời thơ ấu của anh, mỗi người một số phận. Thằng Đường leo đến chức Cục trưởng, đi công tác có xe con đưa đón. Thằng Thuấn học bên Nga về, có bằng tiến sĩ, lấy cô vợ hơn nó tám tuổi, con ông Bộ trưởng. Chẳng biết nó lấy vợ hay là lấy ông Bộ trưởng. Bà con kể rằng, có lần thằng Thuấn cưỡi ô tô Vonga đưa vợ con về làng vào lúc mất mùa, đói vàng mắt, bị tụi trẻ con, nửa đêm bôi đầy cứt trâu vào nệm xe. Khổ anh tài xế, rửa cả ngày chưa hết mùi thối. Thằng Chưởng thân phận lại rẽ qua một nhẽ khác. Nó đi bộ đội, cũng đánh nhau ở Campuchia với Thắng, vấp mìn cụt hai chân, không thích sống ở trại thương binh, về làng sống với mẹ già. Mẹ nó là người tần tảo. Thằng Chưởng là con trai một. Mẹ nó muốn có cháu nội, hỏi hết đám này đến đám khác, không cô nào thèm lấy. Mẹ nó gặp ai cũng ca cẩm, so sánh, rằng là thương binh thời chống Pháp được quý như vàng, các cô tranh nhau cưới về làm chồng, thương binh thời nay, thằng con cầu tự của bà đó, các cô làng này coi như rơm rác. Ai cũng thương bà, ái ngại cho bà, mặc bà rên rỉ, chỉ có cụ Thống, chú ruột bà là mắng xa xả vào mặt, rằng là thời xưa khác, thời nay khác. Xưa, người ta thích vinh quang hão huyền, nay người ta thích thực chất. Rước của nợ ấy về mà nuôi báo cô suốt đời à! Còn thằng Chưởng, nó để ngoài tai lời ca cẩm của mẹ, lời chì chiết của ông chú, gặp ai cũng cười hơ hớ, hăng hái bàn chuyện đổi mới tư duy. Cái thằng đến lạ, chẳng bận tâm tới hai cái chân cụt. Thằng Trọng, bạn cùng lớp với Thắng là một thứ quái đản. Nó học giỏi, luồn lọt như rắn, thích đua đòi ăn diện, trốn bộ đội bằng cách xin vào ngành công an. Chẳng biết bằng cách nào, chỉ hơn mười năm leo lên đến thiếu tá, công tác ngay thành phố. Bị tù ba năm vì tội ăn đút lót làm hộ khẩu cho mấy đứa bất hảo. Ra tù, vợ bỏ, sống nhếch nhác, lang thang suốt ngày ở các quán rượu, gặp ai, bất kể thân sơ cũng ngửa tay xin tiền. Nó đã vượt qua cái không biết nhục, trở thành một đứa lì lợm. Gặp nó, Thắng vừa giận vừa thương, anh rút túi cho năm ngàn, nói vài lời khuyên bảo. Nói là thừa, Thắng biết vậy, nhưng đã quen mồm giáo huấn người khác từ ngày làm cán bộ đại đội.
Người làng Thắng, nhân vật quái thai nhất, đang sống gần anh đây. Anh ta tên Đặng. Trần Đặng. Đặng là con nhà ông Mối. Hai bố con Đặng được làng giao cho chân quét chợ xóm Đình, tối tối ngủ lại trong chợ luôn. Quét chợ tưởng khổ mà hóa sướng. Bà hàng bún cho nhúm bún. Bà bánh đúc cho vài miếng bánh đúc nát. Ông hàng thịt cho dăm ba cái xương, múc thêm chút nước xáo. Phiên chợ, hai bố con được bữa no say. Ngày không có phiên, bố con đói dài, lại vác rìu vác búa đi bổ củi thuê trong làng. Ông Mối hiền lành, ngù ngờ. Đặng khôn ngoan, ranh mãnh, hay ăn cắp vặt. Dạo cải cách, gia đình ông Mối là thành phần cố nông duy nhất của làng. Đặng lúc đó mười chín tuổi, được Đội cải cách giao cho giữ chân chủ tịch xã. "Đồng chí cố nông làm chủ tịch" là đúng đường lối, là niềm tự hào của một thời, mơ ước của một thời. Lúc sửa sai, Đặng được điều lên làm liên lạc trên tỉnh, ở lại làng người ta không đánh chết cũng rạch nát mồm vì tội tố điêu, vu oan giá họa. Cái chết oan uổng của đồng chí chủ tịch xã năng nổ thời chống Pháp và việc vu khống đồng chí bí thư chi bộ xã có chân trong Quốc dân đảng để kết án tù chung thân, có "công lớn" của Đảng. Ít lâu sau, Đặng vào học bổ túc công nông, hai năm lên được sáu lớp...
Bẵng đi một thời gian dài, dân làng chẳng rõ anh ta làm gì. Với mọi người Đặng là đồ bỏ, không ai nhắc tới làm gì. Dạo phục viên Thắng gặp cậu bạn cùng huyện công tác ở tỉnh mới biết Đặng đang làm việc trong Nam. Thật tình cờ, nhà Đặng lại ở ngay nơi Thắng cư ngụ. Mặt tiền nhà Đặng ngoảnh ra đường chính, cửa hậu giáp với hẻm Đuôi Voi. Ngôi nhà dài tới ba mươi thước, bốn lầu, đầy đủ tiện nghi. Đặng đang làm phó giám đốc một bến xe nổi tiếng của thành phố. Nhà Đặng lúc nào cũng tấp nập kẻ ra người vào, ăn nhậu, đập phá, nói cười oang oang, vẫn ăn uống bê tha như thời làm thằng quét chợ. Khác là ngày xưa gặm mấy cái xương thừa của thiên hạ. Bây giờ, cơm canh thừa của nhà Đặng có lẫn chân giò, thịt nạc, tôm thẻ... được bà giúp việc tốt bụng tuồn ra cửa sau cho ba con người bất hạnh. Bao giờ Thắng cũng vui vẻ cảm ơn. Nhận cho vui lòng gia chủ. Từ chối, vợ chồng Đặng nổi cáu thì khốn, không cho tá túc sau nhà nữa, sẽ rất khó kiếm ra chỗ khác kín đáo như nơi này. Nhận xong, bà giúp việc vừa khép cửa quay vào, Thắng liền bảo hai đứa em đem ra đầu hẻm đổ cho chó. Anh là người có chữ nghĩa trong đầu, có nhân cách chứ đâu phải hạng lưu manh vô học như Đặng ngày xưa. Anh là con người, hai thằng bé là con người, đâu phải súc vật. Đói cho sạch, rách cho thơm, anh vẫn dạy thằng Đớ điều tâm huyết ấy. Thỉnh thoảng khu phố lại phải giải tỏa một vụ đánh ghen xảy ra ở ngôi nhà Đặng.
Nhiều đêm không ngủ được vì tiếng nhạc xập xình, tiếng la hét từ ngôi nhà bốn tầng vọng ra, Thắng ngước mắt nhìn, chửi đổng: tiên sư bọn quái thai!
Ngẫm sự đời, ngẫm thân phận mình, nhiều lúc Thắng ngán ngẩm, buồn mửa. Gần bốn mươi tuổi, quá nửa đời người, mọi sự đều dở dang: học hành dở dang, binh nghiệp dở dang, tình duyên dở dang (cô người yêu thời sinh viên đã bỏ Thắng đi lấy một kỹ sư Thụy Điển). Chỉ muốn đập đầu, lao vào xe, nhảy xuống sông tự tử. Nhiều lần định vậy mà không làm được, còn tiếc đời, còn ham sống. Bây giờ thì chẳng chết được nữa, mình chết bỏ lại hai thằng nhỏ, người dưng nước lã mà thân hơn ruột thịt này cho ai?
Thằng Hải trở mình. Thế là nó chưa ngủ. Mới tí tuổi mà trằn trọc như ông già, đến tội. Thắng khe khẽ thở dài. Biết Thắng còn thức, thằng Hải hỏi:
- Anh y tá Hiền đã xin lại được giấy tờ cho anh Tư chưa? Thắng nói nhỏ, vừa đủ thằng Hải nghe:
- Chắc chưa xong. Nếu được anh Hiền đã mò tới đây tìm anh. Thôi khuya rồi. Em ráng ngủ đi.
Trời oi bức, mây đen kéo đặc một vùng, chắc sắp mưa.
***
Gần tháng nay thằng Đớ theo Tư Thắng làm mướn ngoài chợ Cầu Muối. Những vết thương đã lành hẳn, nó mập ra, đen hơn trước. Bà con chợ Cầu Muối gọi nó là Đớ Mực Tàu, không ai biết nó từng có cái tên Đớ chôm. Nó bỏ hẳn Tuấn vẩu. Tuấn vẩu ra viện, đến cảm ơn Thắng và thằng Hải. Hắn ra bến xe của Đặng, lập băng cướp mới, được Đặng "ăn chịu" và bao che. Chẳng biết bao giờ lại bị đánh gãy răng lần nữa?
Mấy hôm nay cả thành phố xôn xao về ca mổ tách đôi hai cháu Việt-Đức. Ai cũng mừng cho thành công có một không hai này. Y học Việt Nam giỏi thật. Bác sĩ Việt Nam tài thật! Sáng nào thằng Hải cũng mò ra sạp báo thật sớm, đón tin mới. Tối về kể rành rẽ cho thằng Đớ nghe. Giọng vui sướng, thằng Hải nói như khoe chuyện nhà mình:
- Thằng Đức khoẻ lắm, trả lời được nhà báo hẳn hoi, ngon lành không mày? Thằng Việt cựa quậy được nhưng chưa nói năng gì. Cầu trời cho thằng Việt qua khỏi cơn hiểm nghèo.
Thằng Đớ lo lắng:
- Liệu thằng Việt có sống nổi không?
- Chắc sống. Nói vậy, chớ làm sao tao biết được. Đớ này, ngày mai rằm, tao với mày hùn tiền mua hoa quả về thắp nhang cúng trời phật phù hộ cho thằng Việt, mày chịu không? - Bày đặt! Này Hải, nghe nói con cu lắp cho thằng Đức phải không mày?
Thằng Hải đá vào mông thằng Đớ:
- Nham nhở. Bỏ cái thói nói năng nham nhở đó đi mày. Kêu là bộ phận sinh dục. Ừ, người ta lắp cho thằng Đức.
- Mấy đứa có chút chữ nghĩa tụi bây là sính lịch sự dỏm. Con cu thì cứ gọi quách là con cu. Sinh dục, sinh dục... là cái con mẹ gì. À mà, nghe nói mỗi đứa chỉ có một chân phải không? Còn cái chân thứ ba thì sao, họ cưa bỏ hả?
- Chơn này chỉ là một khúc thịt thừa chồi ra. Bộ giữ lại lắp cho mày sao, hỏi gì mà ngu vậy.
- Đây không biết mới hỏi, gì mà khó dễ với tao vậy mày. Đây mà đọc được báo, cóc theo hỏi mày. Vài hôm nữa anh Tư dạy tao học chữ, rồi mày biết tay tao. Hải này, tao thấy bố mẹ hai đứa này vô duyên nhất hạng. Mắc mớ chi không đặt tên đứa khỏe mạnh là Việt, đứa ốm yếu là Đức. Lỡ thằng ốm yếu có chết là thằng phát xít Đức chết. Còn thằng Việt khỏe mạnh là Việt Nam anh hùng đời đời sống mãi.
Thằng Đớ ré lên cười khoái chí.
Thằng Hải dằn giọng:
- Mày vô duyên thì có. Việt Đức là mấy ông bác sĩ ngoài Hà Nội đặt cho bọn nó khi chở ra bệnh viện Việt Đức điều trị, chớ bố mẹ nào đặt.
- Vậy thì mấy ông Hà Nội vô duyên, chớ sao lại là tao?
- Mày có thích nghe chuyện hai đứa đó thì im mồm đi không, để tao ngủ cho khoẻ sức.
Thằng Đớ sực nhớ, thò tay vào cái bị lác, rút ra hai trái ổi chín mọng, dúi vào tay thằng Hải:
- Ăn đi rồi kể tiếp. Phách lối vừa thôi mày.
- Chịu nằm yên hả. Thằng Việt - Đức còn được đi tàu bay qua Nhật. Bên đó người ta chăm sóc hết ý. Kể được chu du thiên hạ như hai đứa này, cũng sướng một đời. Lúc chúng nó khoẻ mới về nước để mổ. Mấy hôm rày, bàn dân thiên hạ, cho tụi nó quà cáp quá trời. Tiền bạc lên tới hơn chục triệu, trái cây khỏi phải nói, đem ra cho dân cả một phường ăn, dám chắc không hết. Có ông gì còn cho cả tiền gửi sẵn trong sổ tiết kiệm, lấy lời hàng tháng. Người tứ xứ ra vô bệnh viện thăm hỏi hai đứa nườm nượp, phải xếp hàng thứ tự như đi đong gạo, chứ không phải dễ như vô nhà hàng ăn nhậu đâu. Sáng nay báo vừa đăng ông phó chủ tịch Bộ trưởng, hay phó chủ tịch Nhà nước chi đó, đáp máy bay từ Hà Nội vô thăm hai đứa, cho quà, chúc mừng các thầy thuốc. Báo còn đăng ảnh của ông chụp chung với tụi nó. Hai thằng Việt Đức số dách thật. Hôm nào báo cũng đăng danh sách người cho tiền cho quà dài dằng dặc. À mà nhớ cha Bắc lùn ở đường Gia Long không? Thằng cha cho hai đứa tới hai trăm ngàn.
Trong đêm tối thằng Đớ ờ ờ mấy tiếng hỏi:
- Có phải thằng cha Bắc lùn chủ tiệm buôn bán xe cúp không mày?. Thằng đó, mày với tao còn lạ gì. Nó là đứa khốn nạn. Mày còn nhớ cái bữa có thằng nhỏ ốm nhom, cầm tập vé số đi thẳng vô nhà Bắc lùn mời mua. Bắc lùn vừa nhai giò lụa nhồm nhoàm vừa đứng lên táng thằng nhỏ hai cái bạt tai hộc máu mũi, mắng: Cút, cút. Xớ rớ vô đây ăn cắp đồ hả? Tội nghiệp thằng nhỏ, lủi thủi bỏ đi, máu ra đầy mặt. Bữa đó tao tiếc không có cái búa trong tay, tao nện cho cha vài búa rồi muốn tới đâu thì tới. Phải thằng Bắc lùn đó không?.
- Đúng rồi, cha đó đó!
Không ghìm được cơn tức thằng Đớ chửi:
- Đù má thằng đạo đức giả. Mày biết không, dạo Tuấn vẩu chưa lập băng, tao với Tuấn vẩu làm mướn cho tiệm sửa chữa xe gắn máy, thằng Bắc lùn vẫn đưa xe cũ tới đó tân trang, ngó như mới, rồi thuê xe ba gác máy chở về Gia Long, coi như vừa mua xe của người mới lãnh hàng nước ngoài về. Thằng đại bịp, bây giờ bày đặt, chơi trò nhân đạo..
Tư Thắng nằm lắng nghe, không ngờ, thằng Đớ lại có ngôn ngữ dữ dằn đến vậy. Té ra nó đâu còn là con nít nữa. Lúc sau, thằng Hải trổ giọng hài hước truyền thống của xứ Huế:
- Thôi mày, tức cha làm gì. Cứ cho là Bắc lùn đạo đức giả đi, nhưng cha cũng là người sòng phẳng đó chứ. Đứa lành lặn nghèo đói cho hai bạt tai, đứa tật nguyền cho hai trăm ngàn. Cũng là hai cả mà.
Tư Thắng trở mình, nhắc:
- Khuya rồi, ngủ đi tụi bây!
Im lặng một lúc, nghĩ sao không biết, thằng Hải rúc rích cười thì thào bên tai thằng Đớ:
- Giá như tao với mày ôm nhau thế này, mai sáng mở mắt ra, nó dính bụng tao vào lưng mày, mỗi đứa bay mất một chân. Chim mày biến mất, còn chim của tao. Người ta chở vô nhà thương mổ xẻ. Tao biếu mày chim, tao không cần tới nó, có nó chỉ tổ vướng. Ca mổ thành công tuyệt vời. Mọi người ào ào đổ tiền vô nuôi tụi mình. Tao với mày được chụp hình đăng báo. Được nằm giường đệm. Được coi tivi màu. Sướng hết biết. Chứ đủ chân đủ tay như vầy, ăn đường ngủ bụi khổ thấy mồ. Lúc đó tao sẽ làm một tập thơ. Bảo đảm với mày báo nào cũng phải đăng thơ của thi sĩ Nguyễn Khoa Hải. Chưa biết chừng thơ còn được dịch ra các thứ tiếng. Tiền nhuận bút chắc bộn lắm. Tao sẽ mua nhà lầu tặng anh Tư để anh cưới vợ.
Tư Thắng nằm lắng nghe suýt phì cười. Anh ngồi hẳn dậy, khẽ la:
- Tụi bày có im đi mà ngủ không. Rúc ra rúc rích, công an nghe tiếng, họ hốt cả lũ bây giờ. Đang lành lặn khoẻ mạnh không muốn, lại ước làm quái thai. Ước ao gì kỳ vậy!
Hai đứa vẫn khoái chí rúc rích cười. Tư Thắng lắc đầu nằm xuống. Trời rưng rưng đầy sao, ánh trăng muộn mằn, nhợt nhạt, xuyên qua lỗ mái tôn, rọi vào hai khuôn mặt thơ dại mà già dặn, đen đúa mà trong sáng. Không biết thành phố này có bao nhiêu trẻ con, không cha, không mẹ, không nhà không cửa, lang thang kiếm sống, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bắt?. Có dễ đến vài ngàn đứa. Có ai nghĩ tới chúng không nhỉ?. Chắc cũng có. Tư Thắng cứ nghĩ vẩn vơ, thao thức, không ngủ. Anh ngước nhìn ngôi nhà của người quét chợ làng anh. Cửa sổ mở toang, đèn sáng dịu, ầm ĩ tiếng nói cười. Ầm ĩ tiếng nhạc Tây, ầm ĩ tiếng cãi vã bằng đủ giọng nhừa nhựa của bọn người quái thai say rượu. Hải và Đớ mơ được làm quái thai. Thời nay, quái thai có khi lại sướng! Thắng ôm chặt hai thằng bé bụi đời vào lòng.
Một giọng hát như hét, văng ra từ ngôi nhà Trần Đặng ném xuống hẻm Đuôi Voi:
Cuộc đời vẫn đẹp sao
Tình yêu vẫn đẹp sao
Tiếng hát như bò rống.
1988
X.Đ.
(SH38/07&08-89)