Truyện ngắn
Thiên đường phàm tục
09:33 | 07/03/2016

DƯƠNG THÀNH VŨ

Đội khai thác vật liệu và chuẩn bị mặt bằng xây dựng thị trấn đến huyện lỵ vào một sớm mùa đông núi rừng còn giấu mình trong màn sương và trên cao là ánh sáng trắng toát.

Thiên đường phàm tục
Minh họa: Đinh Cường

Để khỏi ngủ qua đêm ngoài trời, đội trưởng ra lệnh cho mọi người bắt tay vào dựng chỗ ở. Nhờ nền đất có sẵn và cầu kiện lắp ghép đơn giản, khi mặt trời xế bóng, sương mù dâng lên phủ kín thung lũng, chúng tôi đã che xong lán trại. Đêm xuống, trong ánh sáng lắt lay của ngọn đèn dầu, tiếng gió gào thét man rợ va vào vách tôn mỏng manh; toàn đội họp để nghe phân công nhiệm vụ trong những ngày tới. Sau đó hai ba người dồn chung một giường ngủ cho ấm.

Năm giờ sáng tiếng kẻng chói tai lôi chúng tôi ra sân tập thể dục theo loa phóng thanh huyện. Tôi kinh ngạc thấy đội trưởng quần đùi áo may-ô đang chạy tại chỗ trong biển sương lạnh buốt. Tập thể dục xong bọn tôi vội tràn vô bếp tập thể sưởi ấm và chờ nhận phần ăn sáng ; tay cán bộ kỹ thuật thì về phòng ở trên ban chỉ huy đội nấu nước trà; riêng anh đội trưởng còn chạy một vòng quanh huyện trước khi nhảy xuống suối tắm, sau đó mới lên uống nước trà khan với tay cán bộ kỹ thuật.

Đội trưởng 30 tuổi, văn hóa lớp 10, vào đảng năm 18 tuổi, sĩ quan chuyển ngành, có vợ con ở ngoài Bắc, mấy năm qua chỉ bày tỏ tình cảm với nhau bằng những lá thứ đựng trong phong bì làm bằng giấy viết đơn đóng khuôn dấu đen thui, trước khi tới tay người nhận; dáng người cương nghị, đôi mắt bừng bừng như mắt thánh tử đạo, bộ râu quai nón rất đẹp nhưng luôn cạo nhẵn dù anh hết lòng ngưỡng mộ bộ râu Phi-đen.

Tay cán bộ kỹ thuật xấp xỉ tuổi tôi, có bằng trung cấp xây dựng và trình độ chính trị đủ để đấu tranh quyền lợi cho bản thân, lừ đừ biếng nhác theo quán tính bao cấp, răng hơi hô, đôi mắt phản trắc, áo quần tóc tai nghiêm chỉnh.

Còn chúng tôi gồm 22 mạng, đủ loại lý lịch đa đoan, lắm thành phần xã hội, trình độ lộn xộn, ốm yếu như ánh sáng đèn màu.

***

Tất cả chúng tôi được phân thành hai tổ lao động mỗi tổ 10 người và tổ cấp dưỡng 2 người. Tôi được cử làm tổ trưởng tổ một. Nhiệm vụ hai là đào đất san mặt bằng lổn ngổn hàng rào thép gai, cùng hệ thống hầm hào phòng thủ thay cho chiếc máy ủi đất của công ty bị đồng chí nào đó gỡ mất con heo đầu nằm bẹp dí, khiến anh thợ lái đi phất phơ cả mấy tháng nay ở thị xã, tất nhiên là vẫn lãnh lương đủ. Chúng tôi nghi ngờ chính hắn muốn vô hiệu hóa phương tiện làm việc của mình. Để động viên tinh thần anh em, trong buổi họp anh đội trưởng còn đọc cả thơ: "Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ. Đời vui thế khi ta làm chủ". Rồi lại: "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Thơ thẩn bao giờ cũng bay bổng tuyệt vời hơn nai lưng ra mà cuốc đất.

Đào đất là công việc quá nặng nhọc đối với dân thành phố, nhưng điều chúng tôi ngán hơn là những cạm bẫy chết người, sót lại sau chiến tranh còn dấu mình dưới mặt đất. Dù anh đội trưởng quả quyết đã rà mìn cẩn thận ở khu vực thi công, anh em trong tổ vẫn chống cúp ngao ngán nhìn nhiệm vụ cách mạng giao phó. Tôi phải tỏ ra dũng cảm. Thấy tôi làm, tổ viên lần lượt làm theo. Bánh xe số phận bắt đầu khởi động, trở thành ý chí tập thể buộc mọi người tuân phục. Tất nhiên anh em không sợ tôi, họ sợ bản án vô hình treo lơ lửng trên đầu sẵn sàng bổ xuống cùng lời luận tội đanh thép. Và hình như nỗi đe dọa dấu mặt còn khủng khiếp hơn bản án nghiêm khắc được tuyên bố công khai theo tinh thần pháp luật.

Lê Công Hoàng là người đầu tiên noi gương tôi. Hoàng là dân Đại chủng viện Sulpice ở Huế. Được chuyển vào Giáo hoàng học viện - Đại chủng viện Pio X - nhờ vào kết quả học tập, sắp được thụ phong linh mục thì cách mạng vô sản và vô thần thắng lợi. Anh ta bỏ chủng viện về nhà sau đó lên đây gọi là "nhận thử thách của Chúa". Chàng hăng hái cũng chẳng rụt rè sợ hãi, trước khi bổ cúp xuống hắn chỉ lầm bầm bằng giọng trang nghiêm:

- Tất cả do ý chí của Thượng Đế!

Theo gương vị linh mục chưa có văn bằng là thiên thần sa đọa Ngọc Hạ. Vốn con nhà giàu chỉ vì hấp thụ thứ cặn bã của lối sống cũng như tiêu hóa một cách ngu dốt triết học phương Tây hiện đại mà bỏ nhà, bỏ học đứng ra lập "Băng dấn thân" với tuyên ngôn hành động nghe như đang vận động tranh cử làm nghị sĩ quốc hội. Đến ngày giải phóng miền Nam các thành viên của nó đã biến thành ma cô, đĩ điếm hoặc bụi đời, nghiện hút xì ke. Tất nhiên Ngọc Hạ cũng không thoát khỏi định mệnh ấy.

Cựu thủ lĩnh "Băng dấn thân" chẳng thèm cầu cứu Đấng Tối Cao cũng không than thân trách phận, chỉ liếc nhìn tôi bằng đôi mắt đẹp và buồn.

Các thành viên còn lại lặng lẽ cam chịu. Chú nhóc An rơm rớm nước mắt, chú đang học lớp II, vì cha là thiếu tá đang bị cải tạo còn mẹ quen ăn không ngồi rồi nay không nuôi nổi con ăn học nên chú phải lên đây kiếm cơm. Ba cô gái thuộc xóm nhà thổ bị giải tán hình như ngẫm ra làm lại cuộc đời coi bộ không hấp dẫn, vui vẻ như trong sách báo phim ảnh cách mạng. Một cô vốn là dân tiểu thương, không biết các ông cán bộ phường vận động tài tình như thế nào mà cô ta hăng hái bỏ sạp hàng xén đang phát tài ở chợ thị xã xung phong lên đây, mới giáp mặt thực tế đã vỡ mộng mất hết khí thế tiến công cách mạng. Một tay côn đồ anh chị từng ăn cướp, chém người vào tù được cách mạng đại xá nhưng vẫn không khoái đổ mồ hôi để hoàn lương. Người cuối cùng là Nguyễn Xuân Tính vừa mới được thăng cấp trung sĩ nhất chưa kịp "rửa lon" và lãnh lương mới thì toàn bộ Quân lực Việt Nam cộng hòa xách súng chạy dài. Hắn vừa làm vừa càu nhàu:

- Giọng này bỏ xác ở đây chứ chẳng chơi.

Tay anh chị được thể để theo:

- Lý lịch tao mà ngon lành tao không ngu gì lên đây.

Hắn vừa nói vừa liếc dò phản ứng tôi. Trong tổ lý lịch tôi ngon lành nhất, có cả một ông chú là cán bộ cách mạng mà cho tới lúc cách mạng thắng lợi tôi mới khai báo. Số phận tôi cũng may mắn suông sẻ nhất nếu không kể đến chuyện tự dưng bỏ học ngang xương (dù hai năm nữa là hoàn thành chương trình đại học) để làm theo khẩu hiệu: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Thành thật mà nói lúc ấy tôi hãnh diện lắm, chỉ sau này khi hiểu thêm cuộc đời tôi mới đủ tấm lòng cảm thông, chia sẻ nỗi bất hạnh, tôn trọng ước mơ của từng số phận con người; không còn nhìn họ qua lý lịch để phân loại đối tượng chính trị. Tôi cũng hiểu thêm rằng cách mạng trước nhất là một bi kịch của con người trên bình diện nhân loại. Trước bi kịch ấy chiến sĩ cách mạng phải có cái Tâm lớn để có thể yêu một nhân loại cụ thể có đủ khuyết tật của con người, thay vì thứ tình yêu nhân loại trừu tượng, nhân dân huyễn hoặc. Nhớ lại hôm ấy tôi thấy thật may mắn đã tảng lờ lời khích bác của tay anh chị nhắm vào tôi, chú tâm làm công việc bình thường của mình không lên giọng chính trị với hắn.

***

Qua một ngày làm việc không có sự cố nào xảy ra mọi người yên tâm hơn. Hôm sau làm được một chặp Nguyễn Xuân Tính hét tướng lên: "Có xác người!" rồi lôi trong lòng đất ra chiếc giày đinh còn dính nguyên đoạn xương ống chân. Hắn ngắm nghía chiếc giày bốt-đờ-sô rồi phán:

- Cỡ giày bự chang này chắc là của tụi Mẽo!

Tôi cho anh em ngưng làm việc về báo với anh đội trưởng. Anh lên ngay hiện trường và ra lệnh đào xác chết lên để đem chôn. Xác chết đúng là lính Mỹ xương cổ còn đeo tòn ten thẻ bài ghi tên họ số quân. Đào rộng ra một đoạn nữa thì gặp hai bộ xương người Việt Nam nằm chồng lên nhau. Nhờ những mảnh quân phục rách bươm, đôi giày đinh cỡ nhỏ, thẻ bài và đôi dép lốp cùng cái nịt nhựa màu đà, chúng tôi nhận ra hai bộ xương đó của một người lính Sài Gòn và một người lính giải phóng. Từ ngực trở lên cả hai bộ xương còn nguyên vẹn chỉ có phần dưới là trộn lẫn với nhau. Có thể hình dung khi người lính giải phóng xung phong tiêu diệt người lính Mỹ rồi đánh xáp lá cà ôm vật người lính Sài Gòn thì một trái bom hạng nặng, hoặc một quả đại pháo chụp lên đầu họ. Nhìn đống xương lẫn lộn anh đội trưởng đâm ra khó xử, bởi khó biết chắc lóng xương nào là của đồng chí mình để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, còn lóng xương nào là của lính ngụy để sai chúng tôi chôn trong rừng cùng cha lính Mỹ. Thấy anh thừ người ra suy nghĩ tôi dè dặt góp ý:

- Thôi thì sống thù chết bạn, chôn chung cả hai vào một chỗ cũng được.

Anh đội trưởng vụt quắc mắt nhìn tôi bừng bừng lửa giận làm như tôi vừa nhục mạ anh không bằng. Anh quát:

- Mày câm mồm lại!

Rồi ngồi xổm cúi nhặt từng lóng xương cẩn thận ráp vào phần trên người lính giải phóng cho thật khớp. Chúng tôi nín thở nhìn. Bỗng anh ngẩng lên truyền lệnh:

- Cả tổ về nghỉ sáng nay. Bảo thằng Kỷ (tay cán bộ kỹ thuật) lên đây gặp tôi.

Chúng tôi về đến lán trại được vài giờ đồng hồ thì nghe tiếng nổ. Tổ hai cuốc phải trái mìn cóc làm cho bốn mạng bị thương. Lính huyện đội liền rà mìn lại - lần này thì anh đội trưởng đích thân theo dõi và tự kiểm tra lại các ngóc ngách bằng kinh nghiệm lính đặc công của mình - cuối cùng đã lôi ra từ hiện trường làm việc của tổ tôi 2 trái mìn ba chấu, một trái mìn chống tăng có gài kèm một trái mìn cóc để bẫy cả người. Quả là phước đức ông bà để lại, nếu không có những xác chết chắc chắn chúng tôi sẽ toi mạng cả lũ. Đêm đó có người bí mật lên thắp hương tạ vong linh ba người chết. Tôi không biết con người có lòng kia, kiếm hương ở chỗ nào, bởi trong huyện chẳng có hàng quán chợ búa, còn cửa hàng thương nghiệp thì không bán cái món mê tín ấy.

Dù đã rà đi soát lại kỹ càng nhưng ấn tượng vụ nổ vẫn chưa thể phai mờ trong tâm trí, chúng tôi vừa làm vừa run nên năng suất không thể nào cao được. Nếu công an không cẩn thận đóng chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào huyện sau khi tai nạn xảy ra thì rất nhiều người đã chuồn về thị xã! May sao trong tình trạng gần như bế tắc thì Nguyễn Xuân Tính đề xuất một sáng kiến tuyệt vời.

Số là trong căn cứ quân đội miền Nam và Mỹ còn cả ngàn đầu đạn cối 105 ly chưa sử dụng. Nguyễn Xuân Tính bảo rằng chỉ cần mua ở bộ đội làm đường ngòi nổ và dây cháy chậm là có thể dùng số đầu đạn đó để đánh đất, vừa an toàn lại vừa có năng suất cao. Anh đội trưởng hưởng ứng ngay. Hai người lính từng coi nhau là tử thù sẵn sàng tiêu diệt nhau lúc ấy hợp sức lại cùng làm công việc có ích cho dân tộc hơn chuyện bắn giết. Và thành quả của thứ văn minh giết người được chúng tôi dùng vào việc chuẩn bị mặt bằng xây dựng thị trấn tương lai một cách rất hiệu quả.

***

Với thời gian sóng gió ban đầu lắng xuống. Cuộc sống của chúng tôi bước vào nhịp đơn điệu tẻ ngắt của một vùng đất không có sân khấu nghệ thuật, không có chợ búa quán hàng, không có sách truyện báo chí giải trí... Nối liền chúng tôi với thế giới bên ngoài là những chuyến xe năm thì mười họa lên huyện mang theo những vật dụng tối cần thiết cho sự tồn tại của con người và hệ thống truyền thông chỉ nhằm tới một mục đích duy nhất là cung cấp cho mọi công dân một niềm tin không có quyền hoài nghi, chối bỏ về một thiên đường trong cõi đời phàm tục ở ngày mai... Vẫn mỗi sáng tinh mơ bị lôi dậy trong cái lạnh khủng khiếp ra sân tập thể dục với anh đội trưởng áo may-ô quần đùi đang chạy tại chỗ trong biển sương mù mịt; vẫn túm tụm hơ lửa ở bếp tập thể nhìn anh đội trưởng lao xuống suối tắm; vẫn từng đêm tán gẫu phi thuốc lào quốc doanh hoặc nghe anh đội trưởng vẽ vời về một kỷ nguyên cho phép mọi người tiêu xài hưởng thụ tùy thích không tính tới khả năng làm việc cống hiến cho đời, để rồi sáng thức dậy xơi một miếng bánh luộc làm bằng bột mì tí tẹo như voi phất lá tre, đánh vật với ngọn đồi quỉ quái...

Với thời gian trong công trường đã xuất hiện những cặp tình nhân hứa hẹn tặng cho nhau một đám cưới tập thể. Tay cán bộ kỹ thuật cũng đã thay đổi chính kiến theo tán tỉnh một cô xuất thân từ chốn lầu xanh. Còn trái tim tôi thì ôm ấp hình bóng Ngọc Hạ, có điều cô nàng lại dâng tâm hồn mình cho đức cha chưa được thụ phong mà do thân hình cao lớn trắng trẻo như Tây nên tôi đặt cho hắn biệt danh "Thực dân kiểu cũ". Chỉ riêng anh đội trưởng vẫn sống như vị chân tu giữa đám con gái lượn lờ. Có lần vui vẻ tôi nói đùa: "Anh cũng nên kiếm một em cho đỡ nhớ nhà". Anh quắc mắt: "Mày đừng bố láo! Mất búa liềm như chơi!".

Cùng với thời gian anh đội trưởng hiểu chúng tôi hơn, đã không còn nhìn chúng tôi chỉ là đám thanh niên hư hỏng do nhiễm nọc độc văn hóa Mỹ - Thiệu. Với tinh thần cầu tiến, anh đã nhờ tôi và tay "Thực dân kiểu cũ" dạy cho anh học ngoại ngữ (chúng tôi có nhã ý mời tay cán bộ kỹ thuật cùng học nhưng hắn phán: "Tôi không học thứ tiếng của bọn đế quốc xâm lược. Sau đó viết đơn tố cáo chuyện ấy với công an). Do vốn tiếng Anh của tôi tồi tệ nên anh đội trưởng cũng nhận được một cách tồi tệ, với môn tiếng Pháp thì tình hình tuyệt diệu hơn, bởi tiếng Tây của tay sinh viên Đại chủng viện thì không chê vào đâu được.

Dẫu sao cũng phải công tâm mà nói thời gian ấy đối với chúng tôi thật đẹp, cuộc sống đáng tin cậy. Tôi nhớ một hôm cửa hàng thương nghiệp cao hứng bán mỡ heo cho đội. Thế là món cá khô nướng mặn chát trường kỳ kháng chiến được thay thế bằng món cá rán mỡ tuyệt trần. Nguyễn Xuân Tính vừa cắn một miếng cá vào miệng đã hét tướng lên bằng ngôn ngữ lính tráng:

- Mỡ quyết định chiến trường!

Té ra con người cũng cần mỡ như cần tình yêu và lý tưởng cách mạng. Thật ra chẳng phải cửa hàng bấy lâu thiếu thịt mỡ heo, họ chỉ thiếu một tấm lòng với chúng tôi. Điều kỳ lạ là mọi người hình như coi đó là chuyện bình thường, nhất là những cán bộ có cỡ thường xuyên nhận thịt tươi thay vì cá khô như chúng tôi. Làm sao chúng tôi có thể xây dựng được một nền văn minh cao hơn trò kinh doanh mua bán kiểu dân chủ tư sản bằng tâm hồn ích kỷ, cục bộ và nhẫn tâm? Từ đó chúng tôi khôn ra, thường bí mật cứ ngồi trong tổ đánh cá bẫy chim trong giờ lao động nhằm cải thiện bữa ăn. Đội trưởng có biết việc ấy nhưng, thấy chúng tôi xanh xao quá nên giả lơ không biết, còn với tay cán bộ kỹ thuật thì phải hối lộ mới xong. Tất nhiên anh đội trưởng không đụng tới khoản thức ăn tay cán bộ kỹ thuật xoáy được của chúng tôi, nhưng cũng không dám phê bình hắn, bởi anh cũng có lỗi trong việc buông lõng chúng tôi. Nhìn anh ăn uống kham khổ chúng tôi không đành lòng kiếm cách mời anh dự một bữa ăn tươi nhưng không những từ chối anh còn phê bình chúng tôi thẳng thừng. Lòng kiêu hãnh của anh quả ghê gớm.

Để nâng cao chất lượng bữa ăn tập thể, anh đội trưởng làm theo cách của anh: Tăng gia rau màu và mỗi chủ nhật một mình anh vào rừng kiếm củi cho bếp tập thể (trong lúc đó chúng tôi mạnh ai lo kiếm riêng thức ăn cho mình). Có lần muốn lập công tôi xin đi với anh nhưng anh gạt phắt:

- Mày chưa có tinh thần tự giác lao động đâu... Đừng có giở trò xum xoe cơ hội!

***

Chúng tôi sống yên ổn như thế hơn một năm. Vào một buổi chiều tay cán bộ kỹ thuật gọi cả hai tổ về ban chỉ huy đội bốc hàng từ những chiếc xe vận tải đầu tiên chở vật liệu xây dựng từ công ty lên cho đội để chuẩn bị khởi công xây dựng công trình. Xe nhiều mà người bốc dỡ ít nên có ba xe phải ở lại.

Đêm hôm đó cánh lái xe chiêu đãi cho cả đội một bữa liên hoan trang trọng tưng bừng có cả rượu, thịt gà, khô mực... thuốc đầu lọc ngoại nhập thơm phức đựng trong hộp in màu sắc trang nhã, lịch sự bọc trong giấy bóng trong suốt, khiến cho bao thuốc Sông Cầu vốn quá sang trọng đối với chúng tôi trở nên lọ lem, tồi tàn nằm bên cạnh. Không quen uống rượu nên mới làm mấy ly cả bọn mặt mày đỏ gay chuyện trò rôm rả. Đội trưởng trong đà phấn khởi cũng mày tao chi tớ ngất trời, anh còn hăng hái góp vào một chuyện tán gái rất lính. Tay cán bộ kỹ thuật từ khi có "bồ" bớt đi vẻ hung hăng con bọ xít của kẻ tự cho ta lập trường đầy mình coi thiên hạ như cỏ rác. Lúc này hứng chí bên người yêu hắn cũng góp váo một điển hình tiêu cực của một vị thuộc loại bất khả xâm phạm trong huyện ủy, đội trưởng phải tốp hắn lại. Nguyễn Xuân Tính có vẻ là một thiên tài kể chuyện tiếu lâm khiến cho bàn tiệc hứng thú sôi động. Cánh lái xe thỉnh thoảng xài ngôn ngữ "Đan Mạch" dù có đầy phụ nữ trước mặt. Qua câu chuyện của họ chúng tôi mới biết bên ngoài chuyển động ghê quá. Cán bộ cách mạng cũng nhiều tay chơi bạo hơn cả thương gia người Hoa Chợ Lớn. Trong xã hội mới cũng diễn ra đủ trò bi hài oan trái, thậm chí hối lộ cũng có giá cả công khai... Chỉ khác xã hội cũ ở chỗ báo đài ta hoàn toàn không thông tin, không lên án chuyện đó, ở đâu, lúc nào cũng nói tới thành công tốt đẹp, thắng lợi rực rỡ, gương mặt chiến sĩ thi đua... Đến lúc đó chúng tôi mới hiểu tại sao qua những thành tựu vĩ đại được công bố đều đặn trên báo như thế mà chúng tôi càng ngày càng đói rách hơn.

Ngọc Hạ mặt mày rạng rỡ và có vẻ chú tâm theo dõi cánh lái xe mô tả cảnh ăn chơi ngất trời của những tay cán bộ "trúng mánh". Nàng hỏi ngây thơ như thiên thần:

- Sao Nhà Nước không bắt họ đi cải tạo?

Tay anh chị ngứa nghề định nói gì đó nhưng liếc thấy cặp mắt nảy lửa của đội trưởng ném sang, hắn im re. Một tay lái xe khoái chí bảo:

- Cô em ở trong xó rừng này ngố quá. Nhà Nước là ai? Là người như cô em và anh đây - hắn cười hô hố - khi những đồng chí kính mến đó chịu nhận quà, chịu ăn nhậu thì ổn cả. Cô em nghĩ coi mấy chục năm gian khổ rồi bây giờ phải hưởng thụ gấp kẻo về hưu thì có mà xơi rau muống... Làm cách mạng chứ đâu phải đi tu mà chê tiền chê gái...

Đội trưởng thấy chói tai chỉnh ngay:

- Yêu cầu đồng chí nói năng cẩn thận, đừng bôi bác chế độ.

Tay lái xe vẫn cười:

- Làm gì mà nóng tính vậy ông anh...

Đội trưởng cắt ngang:

- Thôi khuya rồi anh em về nghỉ lấy sức mai còn lao động.

Thế là bữa tiệc đang hào hứng tự nhiên tan sòng. Trước khi giải tán tay lái xe khá điển trai nháy mắt với Ngọc Hạ một cách đểu cáng:

- Cô em theo anh đi... Thích thứ gì anh chìu thứ ấy.

Ngọc Hạ trân trân nhìn hắn. Hắn mỉm cười rút trong túi một hộp nhỏ, dúi vào tay nàng:

- Tặng cô em làm kỷ niệm sơ ngộ.

***

Tôi biết Ngọc Hạ không ưa gì tay lái xe ấy. Nhưng một cô gái như nàng trong tình cảnh thiếu thốn trăm bề khó dũng cảm vứt hộp quà đựng chai nước hoa Thái Lan, xà phòng Luxe, phấn son Lào cùng vài thứ lỉnh kỉnh cần thiết trong việc trang điểm nhan sắc. Nó như một món quà được bà tiên nhân từ tặng cho nàng trong một giấc mơ đẹp đẽ. Về giá trị thì khỏi nói, Ngọc Hạ chỉ sờ tới được sau hai năm làm việc cật lực và không tiêu pha một xu.

Hôm sau đi làm, thiên thần Ngọc Hạ toát ra một mùi thơm lạ lùng và quyến rũ đối với cộng đồng huyện lỵ. Nàng đã đánh phấn ngay trước khi đi ngủ vào tối qua dù chẳng ai đi trang điểm khi sắp chui vô giường tập thể. Nhưng ban ngày thì làm việc túi mũi ngoài trời các cô phải lấy khăn bịt mặt như hiệp sĩ trong xi nê để bảo vệ da mặt thì đánh phấn sao được. Còn chờ tới chủ nhật thì quá sức chịu đựng đối với nàng. Hôm đó Ngọc Hạ làm việc uể oải, đến giờ giải lao giới nữ bao quanh nàng cùng săm soi ngắm nghía mình trong chiếc gương nhỏ xíu xinh xinh của nàng. Tự dưng tôi ước ao bà chủ tịch Hội phụ nữ huyện bỗng thích làm dáng hơn chuyện họp hành, hô hào khẩu hiệu. Khi cái đẹp trong thực tế không được coi trọng thì sự tha hóa sẽ nảy mầm. Tôi nghĩ rằng lý tưởng cách mạng không phải là cái đẹp duy nhất trên đời. Nguyễn Xuân Tính nhìn đôi mắt long lanh hơi sâu hơn ngày thường do được tô bút chì đen ở mi mắt của Ngọc Hạ, phán một câu xanh dờn.

- Giọng này trước sau gì "bả" cũng chuồn theo mấy cha lái xe.

Nghe hắn nói hốt nhiên một nỗi buồn chụp xuống hồn tôi. Hình như đến lúc ấy tôi mới cảm nhận rõ ràng sẽ mất Ngọc Hạ. Không phải mất vào tay con người có nghị lực, có học thức, tự trọng, vị tha... như Lê Công Hoàng mà mất vào tay một thằng buôn lậu, ăn cắp, trơ tráo... Sự sỉ nhục ấy quá lớn lao đối với tôi. Tôi thổ lộ ý nghĩ ấy với Lê Công Hoàng thì hắn nói:

- Tao có đọc câu này của một nhà văn Nga: "Con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống". Tất nhiên đó là quan niệm vô thần. Tuy nhiên sẽ tai hại nếu chỉ lo xây hội trường Đảng cho hiện đại thay vì đầu tư xây nhà ở cho dân chúng. Bởi tất cả mọi công trình chính trị đều sẽ sụp đổ nếu không được xây dựng trên nền móng tình cảm của nhân dân. Đừng nên có ảo tưởng ai cũng khoái nhìn những hội trường, nhà truyền thống nguy nga hơn có một ngôi nhà ấm cúng...

***

Những đoàn xe vẫn nối đuôi nhau đổ vật liệu vào kho của công trường mang theo những thông tin mới mẻ và những gói quà cho Ngọc Hạ làm xáo trộn cuộc sống yên tĩnh của chúng tôi. Và điều tôi linh cảm về Ngọc Hạ đã xảy ra. Một đêm có cánh lái xe ngủ lại, với tinh thần cảnh giác cao, tay cán bộ kỹ thuật đã rình bắt tại trận Ngọc Hạ "hủ hóa" với chàng lái xe thường tặng quà cho nàng.

***

Sáng hôm sau tôi được triệu lên ban chỉ huy đội với tư cách tổ trưởng bị can. Ngọc Hạ và tay lái xe đang ngồi trước "vành móng ngựa" mà quan tòa là anh đội trưởng và tay cán bộ kỹ thuật bí thư chi hội thanh niên của chúng tôi. Ngọc Hạ cúi gằm mặt còn tay lái xe thì bình thản ngó bâng quơ tờ báo, ảnh lãnh tụ cùng những khẩu hiệu dán trên tường gỗ xù xì, nứt nẻ. Thái độ xấc láo của hắn làm anh đội trưởng điên tiết, mặt đỏ bừng, mắt bốc lửa. Thấy tôi vào anh đội trưởng lên tiếng, giọng hơi run vì quá giận:

- Đồng chí Phú làm thư ký biên bản!

Tôi nhanh nhẩu "vâng ạ" rồi ngồi vào vị trí của mình mở hết tốc lực ghi lại những lời lên án đanh thép của anh đội trưởng và lời rao giảng đạo đức rỗng tuếch của tay bí thư thanh niên dành cho hai đối tượng. Ngọc Hạ khóc tấm tức từ câu luận tội đầu tiên còn gã lái xe vẫn tỉnh bơ cho đến phút ký vào biên bản. Ký xong hắn liếc sang tay cán bộ kỹ thuật kiêm bí thư thanh niên chưởi đổng:

- Đ. M... chỗ người ta nởm nhau mà cũng chõ mắt vào...

Nói xong hắn nhanh chóng ra xe rồ máy phóng thẳng. Anh đội trưởng và tay cán bộ kỹ thuật nhìn theo hắn tóe lửa, nhưng ý thức được quyền hạn ít ỏi của mình nên cả hai nín thinh. Tôi nghe anh đội trưởng văng tục trong cổ họng, chắc không kềm chế được cơn giận. Chờ cho gã tài xế đã lái xe ra đường, tay cán bộ kỹ thuật mới phán:

- Đồ giặc lái!

Còn lại một mình Ngọc Hạ phải gánh chịu tất cả sự phẫn nộ của hai vị cán bộ phụ trách. Lạ một điều lúc đó Ngọc Hạ không khóc nữa. Có lẽ sự xúc phạm quá đáng đã đánh thức con người bụi đời lì lợm trong tâm hồn của cựu thủ lĩnh "Băng dấn thân". Hình như sự nhục nhã đã làm nàng oán ghét người kết tội thay vì hối lỗi như lúc đầu. Khi giải tán "phiên tòa" đội trưởng ra lệnh:

- Đồng chí Phú cho cô Hạ nghỉ không hưởng lương hai ngày để làm kiểm điểm tự giác nhận mức độ kỷ luật.

Trên đường về lán trại dù lòng rối như tơ vò tôi cũng cố an ủi Ngọc Hạ:

- Ngọc Hạ cứ yên tâm... anh em trong tổ chẳng ai ghét bỏ Ngọc Hạ... còn anh đội trưởng tuy nghiêm khắc nhưng rất tốt, biết thương người lỡ lầm...

Ngọc Hạ cắt ngang giọng ráo hoảnh:

- Hạ không cần ai thương hại, Hạ có quyền sống cho riêng mình chứ không chỉ sống cho ý muốn người khác…

Tôi biết Ngọc Hạ nói thế do kiêu hãnh hơn thật lòng. Điều đáng nói là ngay trong tôn giáo cũng có những bài học, lời khuyên về việc đối xử những người lỡ lầm, sa đọa rất quí báu mà vì thành kiến chúng ta không cần biết tới, trong lúc ấy ta lại sản sinh ra những "nhà giáo dục" thích hô những khẩu hiệu trống rỗng. Trước khi chia tay về lán nữ Ngọc Hạ ngước nhìn tôi bằng đôi mắt sâu thẳm long lanh nước mắt và nói:

- Anh tha lỗi cho em... Em không xứng đáng với tình yêu mà anh dành cho... em trước sau cũng chỉ là một con điếm tầm thường...

- Không... không phải...

Ngọc Hạ nở nụ cười méo xệch đẫm nước mắt, cắt ngang lời tôi:

- Anh đừng an ủi em vô ích. Em có còn là đứa trẻ thích lời phỉnh nịnh ngọt ngào nữa đâu... Anh hãy nhớ em từng là thủ lĩnh "Băng dấn thân"... Anh Phú ạ... con người trong thực tế tầm thường hơn con người trong tư tưởng nhiều. Từ lâu em cũng muốn vươn lên sống một cuộc đời đẹp, một tình yêu đẹp..., đời người ai mà không ước mơ như thế... Ai mà lại điên khùng thích làm ma cô đĩ điếm... Em từ bỏ con đường sa đọa để trở lại làm một con người bình thường chứ không phải để làm một nhà tu khổ hạnh hay là một thánh tử đạo cho cách mạng. Tại sao chúng ta cứ phải hy sinh cho nghèo nàn lạc hậu? Tại sao nước người ta cũng như nước mình mà họ giàu có còn mình chỉ đói rách? Vậy ta ưu việt ở chỗ nào?... Đúng ra khi lên đây em cũng tin nhiều điều, em cũng cảm thấy mình tầm thường ích kỷ khi nghĩ tới sự sung sướng cho bản thân... Nhưng bây giờ thì em mới biết mình bị lừa dối... người ta cũng áp phe, cũng chơi bạo, cũng sống như ông hoàng, cũng tiêu xài như điên... còn bọn mình thì chịu đói khát cực khổ, ngay cả miếng thịt tươi cửa hàng cũng dành ưu tiên cho ai đó... Còn cái thằng cán bộ kỹ thuật vô loại ấy nữa. Hắn có ra chó gì mà lớn tiếng mắng nhiếc em: "Cô là đồ đĩ điếm cặn bã... là con chó hoang đứng trong hàng ngũ của giai cấp công nhân... Xin lỗi, cái thứ giai cấp công nhân như hắn em...”

Ngọc Hạ càng nói càng giận run người, càng làm cho tôi hoang mang. Đến chiều đi làm về chúng tôi biết tin Ngọc Hạ bỏ trốn. Chẳng ai ngạc nhiên, chỉ thấy đổ vỡ điều gì đó trong lòng.

***

Tối hôm ấy trời bất thần đổ mưa. Cơn mưa sao mà buồn. Tôi, Hoàng, Tính kéo nhau lên chỗ ở anh đội trưởng và tay cán bộ kỹ thuật phi thuốc lào cho đỡ nản. Anh đội trưởng âu sầu ngồi một mình với điếu cày mù mịt khói. Tay cán bộ kỹ thuật đang hồi say đắm yêu đương nên hễ rảnh là tếch đi hẹn hò với cô nàng cấp dưỡng. Một người đang yêu như hắn mà đủ nhẫn tâm rình mò bắt cho được người khác làm tình thì kể cũng hiếm có.

Thấy chúng tôi lên anh đội trưởng hơi vui. Anh nói:

- Các cậu ngồi chơi... Cậu Phú đấu với mình ván cờ.

Tôi chẳng còn tâm trí đâu mà cờ với quạt nên lắc đầu. Anh đội trưởng ỉu xìu nhồi thuốc vào nỏ rít một hơi rồi chuyền cho chúng tôi. Im lặng một hồi lâu anh đội trưởng mới nói:

- Tụi mày tưởng tao không có những cái riêng tư sao? Tao cũng có tâm tư tình cảm chứ phải gỗ đá gì mà không biết cảm thông với buồn vui người khác. Có điều tao là thằng Cộng sản, tao sống khác tụi mày. Mày thử nghĩ coi, Đảng đứng lên dành độc lập tự do cho ai? Cho cả dân tộc, cho chúng ta, cho cô Ngọc Hạ. Tụi mày phải công nhận cách mạng đã biến cô ấy từ một người sa đọa thành một công nhân xã hội chủ nghĩa sống có ước mơ, có lý tưởng, có phẩm chất tốt đẹp và có ích cho xã hội... cô ta có biết đâu đã có giấy triệu tập cô đi học trung cấp kế toán từ mấy hôm nay. Tao đang chuẩn bị một cuộc liên hoan và công bố bất ngờ thì xảy ra sự việc ấy... Phải, nếu như tao chịu khó lưu tâm tới quan hệ giữa cô Hạ và thằng lái xe khốn kiếp thì đâu đến nỗi nào và nếu như thằng lái xe không làm tao điên tiết thì tao đâu có làm cho cô Hạ phải xấu hổ tới độ bỏ trốn... Trong tụi bây đứa nào xung phong về thị xã tìm cô Hạ đưa cho nó cái giấy triệu tập thì tao sẽ bố trí cho đi công tác thị xã một tuần.

Nguyễn Xuân Tính thắc mắc:

- Ra Hạ vừa bị kỷ luật vậy sức mấy công ty còn cho đi học.

Đội trưởng cười không được tươi:

- Tao có cách của tao...

- Kể cả dàn xếp với thằng Kỷ? - Tôi độp vào.

- Với thằng đó thì dễ thôi... tụi bây cố gắng giúp tao, cô Hạ mà đi làm điếm là tao có tội với Đảng... Nhân đây tao cũng nhắc là phải có lòng tin tuyệt đối...

Anh nói say sưa, giọng đều đều như nhà sư thuyết pháp. Anh cố níu giữ lại những gì có thể được để mang cho chúng tôi niềm tin về một thiên đường giữa cõi trần gian phàm tục mà chỉ có những người cộng sản mới đủ sức xây dựng...

Khi viết những giòng này sau mười mấy năm với những biến động sâu sắc của xã hội, tôi còn biết thêm rằng có nhiều đồng chí quyền cao chức trọng từng được anh ngưỡng mộ và kính mến đã sống không xứng đáng với niềm tin cùng với sự hy sinh của anh.

Vỹ Dạ 1989
D.T.V
(TCSH39/09&10-89)




 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Phúc Hà (25/01/2016)
Quên (08/01/2016)
Quên (07/01/2016)