Truyện ngắn
Bức tranh
10:15 | 06/05/2016

LÊ MINH PHONG
 
* Như một thứ linh dược từ trời
gửi tới Chocolateyram

Bức tranh
Tranh: Lê Minh Phong

Để vẽ được một bức tranh cho ra hồn bạn cần phải có nhiều thứ. Ít nhất, bạn cũng phải nắm được linh hồn của bạn bất luận là bạn đã chết hay vẫn còn sống. Sống hay chết đôi khi cũng chỉ là những cách nói khác nhau trong những gam màu u tối ấy. Trong những gam màu ấy tôi nghe có ai đó đang gọi tôi. Tiếng gọi mơ hồ và xa xăm như những làn mưa trong rừng thẳm.

Tối rồi. Tiếng gọi ấy càng rõ hơn. Càng lúc tiếng gọi ấy càng rõ và tôi nghe đến nhức buốt cả tai. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi bật dậy và thở hồng hộc trong đêm tối. Tôi nhìn vào màn đêm. Màn đêm không cùng. Có gì trong đêm, có gì trong những gam màu u tối ấy mà tiếng gọi cứ thảm thiết dai dẳng như một mớ ký ức vỡ vụn không lời. Tôi bắt đầu phết màu lên bố. Mẹ tôi nói rằng tranh của tôi lúc nào cũng đen như đêm.

“Đầy chết chóc.” Bà nói.

Tôi đã chuẩn bị mọi thứ cho một bức tranh mới. Đôi khi tôi không biết trước được rằng tôi sẽ vẽ cái gì. Nhưng rồi khi tiếng gọi ấy gần hơn tôi đưa tay đi theo tiếng gọi và những hình thể ngay lập tức hiện ra trên bố. Ngoài trời đang mưa. Mưa như muốn át đi tiếng gọi nhưng tiếng gọi dai dẳng hơn những sợi mưa. Tôi sờ lên má tôi, sờ lên mắt tôi, tai tôi, mũi tôi... để cố mường tượng được khuôn mặt của mình. Bây giờ mọi thứ mới thực sự bắt đầu. Tôi bế tôi đặt lên manh chiếu cói. Tôi không nghĩ rằng tôi lại nặng như vậy. Bao nhiêu đêm thức trắng để men theo tiếng gọi ấy mà tôi vẫn còn trọng lượng trong thân xác. Tôi thở dài. Ngoài trời mưa cũng đang thở dài não ruột. Tôi thấy ớn lạnh khi tôi chạm vào da thịt tôi trên manh chiếu cói. Mẹ lau nước mắt cho tôi. Tôi nói với bà rằng hãy cẩn thận với những vết chém mới sau ót của tôi. Mẹ tôi cũng thở dài. Bà đang cố hết sức lo lắng cho tôi, bà không màng đến bà, phụ nữ là giống loài chịu nhiều hy sinh. Bà để mặc bà đang thoi thóp thở trên sàn nhà. Bà nhúng khăn vào nước nóng rồi chườm lên trán tôi. Tôi nói với mẹ hãy lo cho thân xác mẹ trước đi nhưng mẹ tôi phớt lờ những lời van xin yếu ớt của tôi.

Ai đó đang tưới màu xuống trên đầu chúng tôi. Tôi nghe thấy mùi sơn dầu hắc trong mũi. Sơn dầu chảy xuống trên đỉnh đầu và loang ra cả bức tranh của tôi. Rồi họ hát. Họ là ai, hay họ là những người đã gọi tôi từ những gam màu ấy. Ai gọi tôi đó, ai gọi tôi đó. Họ mải mê gọi rồi họ hát. Họ hát rằng:

Giết đi…
giết đi…
rồi nhận lấy khẩu phần…
rồi nhận lấy thịt thơm…


Và mẹ tôi lại nói về những linh hồn thất tán. Bạn có tin vào linh hồn không. Linh hồn nở đây hoa lau, hoa lau trên da thịt mẹ tôi nở bung ra khắp trời Hà Tịnh. Mẹ vẫn mải mê ca hát với những linh hồn. Mẹ tôi nói có những linh hồn bay theo loài chim có mỏ màu hồng và đôi cánh bạc. Tôi nói rằng điều đó chỉ nằm trong huyền thoại. “Huyền thoại là khói.” Tôi thều thào trong khi tay tôi vẫn nắm lấy chiếc cọ đã toe đầu. Màu trên chiếc cọ nhỏ từng giọt xuống thân thể mẹ tôi trong khi bà đang bất động trên nền đất lạnh.

Khi ở nhà, cha tôi thường ngồi đấy, trên cái thùng gỗ của ông. Một cái thùng màu đen và nặng. Có lần tôi đã thử nhấc nó lên nhưng không nổi. “Tay tao rụng rồi, tìm đi, tìm giúp tao, tay tao rụng mất rồi...”. Cha tôi nói và khóc rồi lại cười. Đáo để. Khi say, cha tôi thường mở cái thùng gỗ ấy ra rồi lí nhí những tràng âm thanh khô khốc. “Gián cắn nát của tao rồi. Rụng hết rồi, tìm đi, dí dầu lũ gián xuống nền nhà giúp tao... bụp... bụp... bụp...”. Nhiều lần ông rống lên như ma ám khi nhìn vào cái thùng gỗ tối tăm ấy. Ông không cho bất cứ ai nhìn vào thùng gỗ của mình. “Chúng mày không xứng.” Nhiều lần ông nói như thế với chúng tôi. Và cũng nhiều lần tôi cố đặt ông vào trung tâm của bức tranh mà tôi đang vẽ nhưng ông không chịu. “Tao muốn đi lại hơn, tao già rồi.” Ông nói.

Mẹ tôi cũng có thêm những vết thương mới. Bà vui sướng và khoe khoang với tôi. Rồi bà nhảy như một con chim sơn cước ngay trước mặt tôi, ngay trước giá vẽ của tôi. Tôi không thể nào vẽ được những điệu nhảy ma quái của bà, bà luôn di chuyển khiến mắt tôi mỏi mệt. “Đứng yên để con vẽ.” Tôi gắt lên nhưng mẹ tôi dường như không nghe thấy. Bà lôi từ tóc bà ra những vết chém mới và huyên thuyên mãi về những màu sắc lấp lánh trong từng vết chém. Tất nhiên vết chém nào cũng có màu đỏ nhưng cần phải nhận thấy những sắc thái khác nhau của màu đỏ. Tôi thích màu máu đông. Tôi thích sự xâm chiếm của màu đen lan dần trên màu đỏ. Đôi khi quá trình ấy diễn ra trong chớp mắt nhưng cũng có khi chúng diễn ra một cách chậm chạp. Mẹ tôi cứ đi lại mãi không thôi. Bóng bà trải dài và luôn di động trên sàn nhà. Có khi chiếc bóng của bà đổ xuống ngay trên thân thể của bà đang thoi thóp thở trên nền đất lạnh. Không có cách nào để vẽ lại được hơi thở yếu ớt của bà. Cũng có thể tôi cần phải học hỏi thêm nhiều về kỹ thuật trong hội họa.

Bây giờ đang là mùa đông. Cha tôi thường để chúng tôi ở nhà rồi ông đi lang thang đâu đó. Có khi ông đi quá khung tranh của tôi. Việc ông đi quá khung tranh của tôi khiến tôi lo sợ. Khi cha tôi đi quá mặt phẳng trên bức tranh mà tôi đang vẽ có thể sẽ khiến những họa tiết nằm ngoài sự kiểm soát của tôi được hình thành trong sự sợ hãi của tôi. Tôi sợ những họa tiết nằm ngoài tri nhận của mình. Tôi muốn tất cả nằm trong sự chi phối của tôi. Và tôi đã gọi ông trở lại nhưng rất ít khi ông nghe lời tôi. “Đừng vượt quá những giới hạn. Về đi.” Tôi hay thét lên như thế với cha tôi bởi tôi biết nếu ông đi quá những giới hạn chắc chắn khi trở về ông sẽ phải gánh thêm những vết chém mới trên thân thể. Nhiều đêm, ông trở về trong mưa gió và trên tay ông là những con thú với những cặp mắt sáng như lân tinh và những cái xác mèo hoang có màu xanh của lá cọ được xâu vào nhau bằng một sợi dây thừng.

“Chúng ta còn cầm cự được lâu nữa không?” Tôi nhìn vào thân thể mình rồi hỏi mẹ tôi. Bà vẫn không trả lời tôi. Bà đang cúi xuống thổi lửa. Lửa đã tắt ngấm từ lâu. Bà bỏ thêm rơm vào trong bếp, những con dòi màu trắng sữa đùn ra từ mùn bếp bắt đầu chui vào những lỗ chân lông dưới chân của mẹ. Bà giết chúng. Tôi vẫn đứng trong góc nhà quan sát mẹ và tôi. Tôi nhìn vào tôi đang nằm bất động. Tôi thấy trên ngực tôi có thêm những vết chém mới. Có những vết chém đã bắt đầu sinh mủ. Những vết chém này rất khó để diễn tả được chúng trên bố bởi rất khó xác định được sẽ phải thêm màu gì vào trong màu đỏ và màu trắng. Tôi vẫn thường dành thời gian để quan sát tôi. Tôi đứng cách xa tôi khoảng hai mét để nhìn vào toàn bộ thân thể của tôi nằm bất động trên chiếu. Tôi nhìn mắt đôi mắt nhắm nghiền của tôi, nhìn vào hai lỗ mũi bất động và đôi gò má xanh xao. Tôi thương mình quá. Làm sao tôi vẽ được đôi gò má xanh lạnh kia. “Phong ơi!” Tôi gọi mình nhưng tôi không đáp lời tôi. Tôi tiến gần hơn về phía thân thể tôi. Tôi đưa tay chạm vào da thịt mình nhưng rồi ngay lập tức tôi rụt tay lại. Tôi sợ hãi khi chạm vào da thịt tôi, da thịt tôi lạnh quá.

“Phong ơi, về nào...”. Đấy, tiếng gọi ấy lại vang lên một cách lì lợm. “Phong ơi, tiến lại gần đây một chút nữa nào. Đừng, đừng quay mặt đi như thế...”. Ai, ai lại gọi tôi. Tôi không biết ai đang gọi mình. Tôi phải tiến lại gần hơn nhưng tiến về phía nào làm sao tôi biết được.

Hình như có ai đó cũng đang vẽ gia đình tôi. Tôi nghe họ nói về ánh mắt của mẹ tôi, về những vết chém mới trên thân thể tôi và về cái màu bùn trên áo cha tôi. Thỉnh thoảng tôi còn nghe cả tiếng cọ quét đi trên mặt tôi. Tôi nghe mùi của sơn dầu bay vào mũi tôi. Ai, ai đang vẽ gia đình tôi. Số phận gia đình tôi đang được vẽ bởi một kẻ nào đó. Ai là kẻ nắm lấy số phận gia đình tôi. Tôi không biết họ vẽ gia đình tôi bằng những gam màu tươi sáng hay cũng chỉ là nhưng gam màu tối tăm.

Số phận. Bạn biết gì về số phận. Bạn biết gì về thân phận mình?

Người ta vẫn rót màu xuống trên đỉnh đầu chúng tôi. Và họ vẫn hát.

Mẹ tôi không có lấy một phút để chăm sóc cho thân thể bất động của bà. Chúng tôi không biết còn cầm cự được bao lâu nữa. Cha tôi thì vẫn đi miết. Ông không bao giờ để tâm tới thân thể ông đang đến thời kỳ phân hủy dưới gầm giường mẹ tôi. Tôi để giá vẽ sang một bên rồi cúi xuống nhìn vào gầm giường. Bầy dòi không ngớt sinh sản trên thân thể cha tôi. Tôi thầm trách cha vô trách nhiệm với thân thể của ông. Mặc dù tôi biết rằng khi thân thể đã rách nát với hàng trăm vết chém thì không thể nào cứu được. Nhưng để cho thân thể của mình thối đi là một điều không nên, thậm chí đó là điều cấm kị.

Xin hãy có trách nhiệm với chính thân xác của mình.

Tôi vẫn mải miết vẽ tôi, vẽ thân thể cha tôi và vẽ đôi mắt mờ đục của mẹ tôi. Ở đâu đó người ta cũng đang vẽ gia đình tôi. Tôi đoán chắc gia đình tôi đang được vẽ bằng một bức tranh không màu, mà đó chỉ là một bức tranh được đan dệt bằng những tiếng thở dài não ruột của cha tôi, của mẹ tôi và của chính tôi. Ai, ai đang vẽ gia đình tôi. Xin hãy lên tiếng.

Mẹ lại rót nước vào phích. Bà nâng đầu tôi lên rồi cho tôi uống nước. Khi tôi ho bà thường vuốt lên ngực tôi. Tôi nói với mẹ đừng để thân thể của bà bốc mùi như thân thể của cha. Bà vẫn không nói. Bà quay lại nhìn vào thân thể của bà đang thoi thóp và bất động trên nền đất lạnh. Rồi một lát sau bà đứng lên và bước tới bên thân thể của mình. Bà quỳ xuống sờ lên những vết tím bầm trên gò má và sờ vào những vết thương trên hai bầu vú khô quắt của bà. Mẹ tôi nhìn vào hai bầu vú quen thuộc của mình. Bà lấy tay sờ lên núm vú. Tôi cũng đang nhìn vào lồng ngực héo quắt của mẹ để mong có thể vẽ được cái không khí u ám ấy. Tôi biết, tôi lại cần thêm nhiều màu đen nữa cho bức tranh đang dang dở...

Tôi hỏi mẹ làm sao để vẽ được những linh hồn. Mẹ tôi cười trong khi bà đã rót nước đầy phích. Nước đầy phích rồi nhưng mẹ tôi vẫn rót. Nước sôi tràn phích chảy tới bên thân xác tôi, nước sôi chảy vào hai hốc mắt của cha tôi và ngấm vào tóc của mẹ tôi trên sàn nhà. Bà không trả lời tôi, bà lắng nghe tôi hỏi rồi lại lơ đễnh mỉm cười. Bà cười một cách ma quái. Rồi mẹ tôi khóc và lại nói về những linh hồn thất tán. “Chúng tan mất rồi.” Mẹ tôi nức nở. “Như khói ấy.” Mẹ úp mặt vào tay và khóc trong khi tôi đang nỗ lực để vẽ tiếng khóc của mẹ lên toan.

Tôi không thể nào vẽ được tiếng khóc của mẹ tôi. Tôi luôn nỗ lực để vẽ âm thanh nhưng dường như đó là điều bất khả. Tiếng khóc của mẹ có thể là màu vàng nhạt, cũng có thể là màu xanh lạnh, và cũng có thể là màu máu. Nhưng khi nghe đi nghe lại nhiều lần thì tôi nghĩ tiếng khóc của mẹ tôi không có màu sắc.

Đêm nay trời vẫn lạnh như cái đêm tôi ra đời. Đêm tôi ra đời, mẹ tôi đã khóc ngất đi khi biết tôi là một đứa trẻ có đôi mắt không màu. Mấy ngày sau cha tôi cũng bỏ nhà ra đi. Rồi ông lại trở về với những vết chém trong mắt của mình. Tôi không biết khi người ta vẽ gia đình tôi thì họ sẽ dùng màu gì để diễn tả những vết thương của chúng tôi. Tôi chỉ biết đêm đêm, khi gia đình tôi đang đuổi theo những giấc mơ đói khát ấy thì ai đó vẫn miệt mài vẽ gia đình tôi. Tôi nghe tiếng cọ quẹt đi trên da thịt mình, tiếng cọ có khi nhẹ nhàng có khi phẫn nộ.

Nhưng làm sao họ có thể vẽ được đôi mắt không màu của tôi?

Ai đang vẽ gia đình tôi. Ai đang gọi tôi từ trong những gam màu. Tôi lại nghe tiếng những gam màu tan chảy vào nhau. Mùi sơn dầu vây lấy thân thể mẹ tôi và chiếc bóng luôn di động của bà bên bếp lửa. Khi lửa tắt ngấm thì mẹ lại hục hặc ho. Bà nói với tôi đừng bao giờ đi quá những giới hạn. Bà lại lảm nhảm về những linh hồn thất tán rồi lại rót nước vào phích cho tới khi nước tràn phích rồi loang ra cả ba thân thể bất động của chúng tôi.

Và đêm nay mẹ tôi đã vùi ngủ trên ngực tôi. Bà đã chăm sóc thân thể tôi cho đến khi bà kiệt sức và vùi ngủ trên ngực tôi. Tôi vẫn đứng lặng trong bóng tối để nhìn những giọt nước mắt của mẹ đang tan chảy trên da thịt tôi dưới nền đất lạnh. Rạng sáng, cha tôi xô cửa bước vào nhà rồi ông lí rí những tràng âm thanh trong cổ họng. Ông nói về những vùng đất hứa đang mọc lên ở đâu đó và người ta đang đi tìm chúng. Mẹ tôi thức giấc và gào khóc khi biết thân thể tôi bắt đầu phân hủy. Bà lồm cồm bò tới bên thân thể bà. Thân thể bà cũng bắt đầu phân hủy bên cạnh thân xác cha tôi.

Giờ đây, mắt cha tôi là hai hòn than rực cháy. “Đi thôi. Bỏ xứ mà đi thôi.” Cha tôi nói trong khi ông đang gom lại những ống xương của chính ông dưới gầm giường. Ông bỏ chúng vào chiếc thùng bằng gỗ của ông rồi cả gia đình tôi đội mưa gió ra đi. Chúng tôi không biết đi đâu. Chúng tôi ra đi và để lại thân thể của mình đang trong thời kỳ phân hủy dưới căn nhà lá của chúng tôi.

Có lẽ chúng tôi đi tìm kẻ nào đang vẽ gia đình chúng tôi, kẻ nào đang nắm lấy số phận chúng tôi.

Mưa rơi trên đầu chúng tôi. Mưa rơi lộp bộp trên mặt mẹ tôi. Nước mưa đầy tràn trong giày cha tôi. Và tôi biết có ai đó đang vẽ trời mưa, đang vẽ gia đình tôi. Vẽ những người bỏ xứ ra đi trong màn mưa trắng xóa. Chúng tôi sẽ tìm bằng được ai đang vẽ nên hình hài chúng tôi.

Và chúng tôi sẽ đi, không biết mình sẽ về đâu trong cuộc kiếm tìm vô vọng này nhưng chúng tôi sẽ đi ra ngoài những hạn định, đi ra ngoài những nét cọ và những cái khung tranh màu đen ấy.

Chúng tôi thề chúng tôi sẽ đi ra ngoài cái bức tranh tối tăm ấy.

Đi về phía bầu trời màu đen có những cánh chim màu trắng đang vẽ nên các thiên thần đội hoa trinh nữ trên đầu bằng những đường bay của chúng.

Và chúng tôi sẽ mặc xác thân xác chúng tôi đang phân hủy trong chính ngôi nhà lợp bằng lá cọ của chúng tôi trên đồi Hà Tịnh.

L.M.P
(TCSH326/04-2016)



 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Giếng cát (21/03/2016)
Phúc Hà (25/01/2016)
Quên (08/01/2016)