Truyện ngắn
Một mảnh trời xuân
09:07 | 07/07/2016

DƯƠNG THÀNH VŨ

Tôi vốn mê văn chương, lòng say mê ấy không giúp tôi viết được một câu thơ đoạn văn nào cho ra hồn nhưng lại khiến tôi trở thành kẻ bán sách cũ ở vỉa hè.

Một mảnh trời xuân
Minh họa: Nguyễn Tuấn

Chính nhờ cái nghề này mà tôi có dịp quen biết nhiều nhà văn nhà thơ, trong đó có nhiều vị tôi từng ngưỡng mộ qua tác phẩm. Thôi, mình bất tài vô tướng thì cứ ăn theo tài năng của họ để lấy tiếng vậy. Tôi quyết định kể câu chuyện dưới đây.

Những ngày giáp tết vừa qua có những đợt truy quét dân chiếm ngụ nơi công cộng một cách bất hợp pháp để sinh sống, nhằm trả lại vẻ mỹ quan cho thành phố. Cộng đồng chúng tôi đón nhận "tai họa" ấy với mức độ khác nhau. Với dăm ba chục cuốn sách bày trên tấm ny lông, tôi chỉ túm bốn góc xách lên chuồn lẹ là coi như không tổn thất gì, anh chàng sửa xe đạp thì có khi vì quá hăng say lao động nghề nghiệp phục vụ khách hàng nên bị tịch thu luôn thùng đồ nghề; mấy bà bán hàng thì sau khi gánh chạy tán loạn, thì đã qua cái thời điểm đông khách, nên đành gánh về cho cả nhà ăn trừ cơm; mấy cô gái ăn sương bờ bụi thì bị hốt sạch về nhà giam "ăn tết"; chỉ có tay bán số tự chọn, người tôi mượn chép câu chuyện này giùm thì nhờ mang nhãn hiệu đại lý cho nhà nước nên chẳng hề hấn gì. Thú thật toàn thể cộng đồng của chúng tôi, kể cả những tay lưu manh đều mong được làm đại lý như anh ta mà không được, vừa hợp pháp vừa ngon ăn.

Năm hết tết đến ai cũng mong kiếm được ít tiền đón xuân. Chúng tôi vẫn kiên cường bám vỉa hè mỗi khi vắng mặt "thần công lý". Đồng thời chúng tôi cũng thừa khôn ngoan cắt cử người làm công tác cảnh giới báo động cho mọi người khi có biến để tránh tổn thất. Chỉ có đám chị em là không thể tiếp tục hành nghề được. Trong số chị em hành nghề mua vui cho những gã đàn ông, có một chị có hai đứa con, đứa nhỏ chị dẫn theo vào nhà giam, còn đứa lớn, đang đi xin ăn đâu đó, ý chị muốn nó được tự do trong những ngày tết, chắc theo chị dù sao nó cũng sung sướng hơn đón tết trong tù và khi chị được thả thì lại có một số tiền do em bé kiếm được. Tất nhiên cháu bé đã giáo dục theo kiểu của chị để đủ khôn ngoan dành tiền nộp cho mẹ. Vì có ý để cháu bé ở bên ngoài nên trước khi theo công an về đồn chị gởi nơi chỗ tôi một cái bọc nhỏ áo quần cho cháu bé. Sau đó chị vui vẻ vẫy tay chào tạm biệt cộng đồng chúng tôi. Đối với những kẻ như chị thì đón xuân trong tù cũng không phải là điều bất hạnh so với đón xuân ở trong công viên ngoài vỉa hè, lại khỏi phải đóng tiền cho bọn ma cô, bọn dẫn mối, bọn gì gì đó. Lúc nhìn đoàn ăn sương nằm đất của bóng đêm, của mái hiên đời, nhếch nhác, bẩn thỉu, tàn tạ, dưới ánh sáng ban ngày và vẻ hào nhoáng của phố phường diễn qua, tôi cảm thấy có một cái gì đó bức xúc trong lòng. Cũng cần nói thêm là dù không làm thơ viết văn được nhưng trái tim tôi có nhược điểm là dễ xúc động như một nghệ sĩ.

Xế chiều, khi tôi đã quên khuấy cái bọc và chuẩn bị về thì bé gái ấy xuất hiện. Như đã được chuẩn bị chu đáo cho những tình huống bất ngờ, cháu bé không tỏ ra bối rối lo lắng mà chỉ hỏi tôi mẹ cháu có gởi áo quần lại cho cháu hay không. Đúng là dân mái hiên đời thường trưởng thành trước tuổi, chai sạn ngoài sức tưởng tượng và khinh thường biểu đồ khoa học của các nhà tâm lý học uyên-bác. Cháu bé chỉ bằng tuổi con gái út của tôi, nhưng con bé nhà tôi ra dáng tiểu thư lắm, mỗi lần vợ tôi đi trực là tiểu thư nhất quyết đi theo, nếu không cho thì chẳng chịu ăn chẳng chịu ngủ. Và điều đó làm cho tôi, dù là kẻ có trái tim nghệ sĩ, cũng thấy được vuốt ve êm ái. Thử hỏi trên đời còn có gì làm cho con người khoan khoái thỏa mãn bằng sự cảm nhận mình ngon lành hơn đồng nghiệp, may mắn hơn láng giềng?.

Lấy cái bọc xong con bé liền dựa vào tường, gần chỗ tối và ngủ. Thấy nó ngồi ngủ gà ngủ gật bên đường thì trái tim đầy nhược điểm của tôi lại xúc động. Tôi chợt nhớ ra vợ con tôi đã về hết ở bên ngoại ăn tết, từ hôm nay là 20 tết cho đến mùng ba tôi chỉ ở một mình. Hay là cho con bé về nhà ăn tết với tôi? Tính ra cũng chẳng tốn kém gì lắm mà lại vui cửa vui nhà, có người để sai vặt. Con bé cũng không đủ sức để nạy khóa tủ hay bóp cổ tôi để lấy của. Sau khi tính lại kỹ càng tôi quyết định cho con bé về nhà ăn tết với tôi.

Gởi bao sách xong tôi lay con bé dậy. Phản ứng đầu tiên là nó đưa tay chận túi tiền dấu trong ngực áo, khi nhận ra tôi nó an tâm ngước nhìn bằng đôi mắt ẩn đục và vô cảm. Tôi bảo nó:

- Mi có muốn về nhà tau ăn tết không?

Nó hơi ngạc nhiên nhưng không nói năng cũng chẳng tỏ thái độ gì chỉ lẳng lặng gặt đầu. Ôm cái bọc đứng lên. Tôi bỗng ngần ngừ với cái lòng tốt của mình trót trưng ra. Không chú ý đến giao động trong tôi, nó bình thản leo lên yên sau xe đạp của tôi, cái bọc giữ chặt giữa hai tay vịn yên và ép vào bụng. Đến nước này muốn xua đuổi lòng nhân từ cũng khó, tôi đành chở nó về nhà. Tới nhà tôi hỏi:

- Cháu ăn chi chưa?

- Chưa - Nó đáp cộc lốc, tay vẫn ôm khư khư cái bọc nhỏ như sợ tôi chộp mất.

Tôi bảo nó:

- Cháu cất cái bọc rồi ra bể nước tắm rửa xong thay áo quần, rồi ăn cơm với chú. Có tiền bạc chi chú cất cho ít bữa cháu về với mẹ cháu chú đưa lại cho...

Nó lẳng lặng tới đầu giường nhét cái bọc xuống gầm rồi đưa tay giữ chặt hơn bị đựng tiền. Tôi ngao ngán lắc đầu rồi nói:

- Thôi được, cháu cứ giữ tiền lấy, nhưng ra bể tắm rồi thay áo xống cho sạch sẽ. Muốn ăn tết trong nhà chú thì phải sạch sẽ.

Nó lại lắc đầu nguậy nguậy rồi nói:

- Lạnh lắm!

À nhãi ranh! Mày định bắt ông nấu nước cho mày tắm nữa phải không? Tôi cáu tiết thật sự và bắt đầu nguyền rủa sự mủi lòng ngu ngốc của mình. Ở đời thì chán vạn chi cảnh khổ, ngay cả nhà nước lo còn không xuể hơi đâu mà rước nợ về phần mình, tất nhiên khi có ý định đem con bé về nhà, tôi nghĩ khác. Thôi, lòng nhân ái biểu lộ chừng đó đủ rồi. Tôi nói với con bé:

- Nếu mi không chịu tắm rửa cho sạch sẽ đàng hoàng thì ôm gói tau chở ra lại ngoài đường mà đón tết.

Nó bối rối nhìn tôi một chút rồi lẳng lặng tới lôi cái gói ra ôm vào lòng như tỏ ý đã sẵn sàng. Thật ra thay vì ôm cái gói bọc tím bằng cái áo cũ, con bé xách trên tay cái túi xách thì trông đỡ buồn tủi hơn. Và chính cái đó lại làm trái tim đa sầu đa cảm của tôi xúc động. Ôi hạnh phúc cho những trái tim cứng rắn. Nếu là con gái tôi thì không dễ gì tuân phục cảm nhận như thế. Ngay từng ấy tuổi đầu nó đã ý thức vị trí nó trong cuộc đời, điều ấy có lẽ cũng đáng làm cho ta ngẫm nghĩ. Nhưng lạy trời, lúc đó thì trái tim tôi đã mạnh mẽ lên, tôi dắt xe ra cửa. Không đợi bảo ban, con bé tót lên ngồi ở yên sau với cái bọc trong tay. Cũng như lúc leo lên xe về nhà tôi, con bé không biểu lộ một xúc cảm nào làm tôi đâm ra bứt rứt khó chịu, tôi sực nhớ là con bé chưa ăn tối, trước khi ném trả nó trở lại vỉa hè thì một người có giáo dục như tôi không thể nhẫn tâm tới mức chẳng thí được cho nó bữa ăn trong lúc có ê hề đồ ăn vợ tôi trữ cho ba ngày tết. Dù sao chính tôi đã chở nó về nhà với nhã ý tốt. Nghĩ thế tôi bảo nó: "Xuống, tau cho ăn rồi hãy đi". Con bé im lặng bước xuống đứng xớ rớ nhìn tôi đi cất xe rồi lục tìm thức ăn. Tôi hỏi:

- Mày thích ăn mì tôm nấu thịt không?

- Thích - Con bé gật đầu trả lời.

- Mày ăn hết một tô bự như ri không? - Vừa hỏi tôi vừa đưa cái tô lên.

- Hết - Nó vẫn đáp gọn lỏn.

Cháu bé nhà tôi mà ăn một bữa một phần tư cái tô này thì cả vợ tôi lẫn tôi tạ ơn bà cụ có ngàn cái lạy. Vừa bẻ hai gói mì và thịt ram xắt mỏng vào tô rồi đổ nước sôi từ bình thủy ra tôi vừa nghĩ ngợi như vậy. Và cái tâm trí viễn vông của tôi còn nghĩ thêm rằng, thì ra một hành vi được xem là cao quí với con bé này thì lại quá bình thường với con bé kia chỉ vì bé này là con của một cô gái điếm chẳng liên hệ tình cảm gì với tôi - con bé kia là con của chính tôi. Cái luận lý ngàn đời được mọi người trong mọi xã hội nâng lên thành trách nhiệm đạo đức và được tạo hóa phú thành bản năng, thì sức mấy tôi cãi lại được, cho dù có trái tim nghệ sĩ, thấm nhuần triết lý nhà Phật, hay lý tưởng vào chủ nghĩa cộng sản thì cũng chẳng ăn thua. Và hình như tôi có đọc trong một cuốn sách nào đó người ta viết rằng, chính thói vị ngã và sự tư hữu là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội chứ không phải là lòng từ bi hỷ xả lại càng không phải do sự diệt dục...

Xem chừng mì đã chín tôi bưng ra bàn và bảo con bé ngồi vào ghế mà ăn cho đàng hoàng. Nó vâng lời ngay, bỏ cái bọc dưới bàn và cầm muỗng xúc ăn. Thấy nó ăn quá ngon miệng tôi phát thèm, liền làm cho mình một tô. Con bé nhanh chóng thanh toán tô mỳ rồi ợ một cái rõ to khi tôi chưa kịp đụng tới tô của tôi (bằng nửa tô tôi làm cho nó). Tôi hỏi nó có ăn nữa không thì nó lắc đầu, tôi rót nước cho nó. Được ăn no ăn nóng, khuôn mặt nó hồng hào lên chút đỉnh, ngây thơ lên chút đỉnh, nhìn nó thề có trời tôi cảm thấy hài lòng và không muốn ném nó ra đường chút nào. Để lương tâm thanh thản tôi hỏi nó thêm một lần nữa:

- Bây giờ ăn no rồi, cháu có chịu đi tắm và thay áo quần cho sạch sẽ hay không. Nếu chịu chú không chở trả lại ngoài công viên nữa.

Nó rút vai hoang mang một thoáng rồi trả lời:

- Lạnh lắm!

Chà, thế là xong chuyện nhé. Tôi nuốt vội tô mì, cố giữ cho cơn giận đừng tiêu tan rồi cả quyết dắt xe ra cửa. Nó ôm gói đi theo tôi, và cũng như lần trước thấy tôi khóa cửa xong, tay cầm ghi đông là nó liền leo lên yên sau tỏ ý sẵn sàng lên đường. Để củng cố quyết tâm, trên đường đi tôi lập luận rằng giữa lý tưởng và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách, ngay cả kẻ tự coi cả đời mình cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh cho những kẻ bất hạnh thì cũng chẳng ai chia tiêu chuẩn thịt của mình cho kẻ ăn mày, đọc một bài diễn văn thật cảm động về tình người, phát biểu một cách lôi cuốn về lòng nhân ái bao giờ cũng dễ làm hơn là chia xẻ cho đồng loại ít đồng bạc lẻ, ngay cả các vị tu hành đã mấy ai có ý định rước một đứa bé bơ vơ bẩn thỉu như thế này về, tất nhiên là ngoại trừ những thủ thuật từ thiện để bịp con chiên. Suy nghĩ vài chuyện như thế cũng đủ thời gian ra tới công viên, nơi thường trú của con bé. Phanh xe lại tôi chưa kịp ra lệnh cho nó xuống thì nó nhảy xuống đất. Chẳng cám ơn cũng chẳng nhìn tôi từ biệt, nó ôm gói chạy biến vào một góc đường ở ngã ba. Đúng là con nhà mất dạy. Đến lúc này thì tôi chẳng còn gì để mà ray rứt, bèn ghé một quán cà phê. Nâng ly cà phê trên tay tôi thở phào: "Thế là thoát nợ... Lần sau chớ dại mà bày đặt cái chuyện thực hành lòng nhân từ..."

Lúc tôi định ra về thì con bé bước vào, té ra nó tranh thủ đi xin ăn ngay. Nhìn thấy tôi nó tránh không tiến tới phía tôi ngồi nhưng vẫn cần mẫn hành nghề. Tôi nhận ra ngay sự khờ khạo của mình khi nghĩ rằng con bé sẽ cảm thấy sung sướng khi được đón tết ở nhà tôi. Nó có cái nghiệp của nó và mọi sự cứu giúp đều vô ích nếu tự thân không muốn thoát ra, tôi muốn nói tới sự cứu giúp triệt để hơn chút lòng từ thiện của tôi. Hình như đó là quyền tự do tối thượng mà tạo hóa trao cho mọi cá thể, cái tự do bi tráng ấy cho phép con người chọn lựa cả sự nô lệ lẫn sự giải thoát. Con người tự do trước mỗi hành vi của mình, nhưng tổng số hành vi ấy lại trói buộc con người vào một nghiệp chướng nào đó. Có lẽ trong khoa học thực nghiệm điều ấy dễ nhìn thấy ở định luật nhân quả chẳng hạn, hơn là trong siêu hình học. Nhưng quả là vô lý nếu tự do đồng nghĩa với hư vô. Tôi còn tự triết lý một hồi nữa rồi về nhà. Khi tôi ra khỏi quán, con bé đang đếm số tiền mới xin được trước khi cho vào cái túi giấu trong ngực áo. Nó ngước nhìn lên khi tôi đi ra, cũng bằng đôi mắt không có chút cảm xúc.

***

Về tới nhà lòng tôi nhẹ nhõm khi nghĩ tới một cái Tết thoải mái (phải nói không có chi thanh thản cho bằng lương tâm không bị vướng bận). Tết này tôi có thể ngao du mút chỉ với bạn bè mà không bị vợ cằn nhằn bởi những chuyện lễ nghĩa với người này kẻ khác. Thật vô lối, trong cơ hội được tự do như vầy mà rước cái của nợ vào người. Mình cứ tự lo cho mình sống đàng hoàng lương thiện là quá tốt rồi, cứ để cho người khác tự lo phần họ. Đó là cái lý sáng suốt nhất. Nhưng còn cái tình?. Xem ra cái cõi người không đơn giản. Thì mặc xác cái cõi người, triết lý thiền có một lời khuyên rất xác đáng: Hãy sống cho trọn vẹn từng giây khắc sống, từng giây khắc sống là tất cả ý nghĩa của cuộc tồn sinh, ý thức giây khắc mình đang sống là chuyện trọng đại hơn hết thảy mọi thứ, dù đó là giây khắc đau đớn, phương chi tôi đang sống những giây khắc sung sướng thì dại dột chi chuốc lấy nỗi khổ tâm. Với tất cả lý và khôn ngoan nhất, trí tuệ nhất, mà tri thức tôi có được như vậy, đáng ra trái tim khốn nạn của tôi phải thấy thơ thới hân hoan mới phải, vậy mà tôi lại cảm nhận có gì không ổn. Người ta nói rằng kẻ thành đạt luôn luôn làm chủ trái tim. Nghĩa là luôn luôn điều khiển sự rung động của nó theo ý đồ của mình. Nhận xét đó quả là xác đáng, ít ra cũng với kinh nghiệm của tôi. Trong đời mình nếu tôi đủ bản lĩnh bán đứng người thân hay dối trá cho thật bài bản thì không đến nỗi nào ra vỉa hè bán sách cũ để rồi bất cứ thằng cha cán bộ tép riu nào cũng quát nạt được. Tôi nghĩ ngợi lan man khi ngồi cô độc bên ly rượu cho qua buổi tối. Đến lúc cảm thấy đói bụng, tôi đứng dậy kiếm đồ ăn và nhớ tới con bé. Không biết giờ này nó đã đói bụng lại chưa? Đã từng có thời gian dài chịu đói khát, tôi hiểu sự tiêu hóa của kẻ luôn luôn bị cái thiếu ăn ám ảnh. Một lần tôi chứng kiến hai cô công nhân nề nhân lúc bốn người bạn chung phòng bỏ cơm tập thể, hai cô đã xơi gọn mâm cơm dành cho sáu người. Khó mà đòi hỏi phẩm chất văn minh nơi con người thường xuyên đói khát, thường trực ý thức vô nghĩa của mình trước cộng đồng xã hội. Mà cũng lạ, hành tinh này đâu có thiếu thốn gì, chỉ thiếu một thứ rất đơn giản mà cả phần nhân loại may mắn lẫn phần nhân loại bất hạnh chưa đem ra ứng xử với nhau trong đời thường. Đó là tinh thần văn minh. Tôi chưa bao giờ tự coi mình là thứ nhân loại văn minh, nên không hề có ý định đem hai cái áo len của con gái tôi chia bớt một cái cho con bé ăn mày, nhưng lại cứ bứt rứt khi ngẫm ngợi mình ăn uống thừa mứa như vầy mà con bé lại đang đói, dẫu là con bé nhìn tôi bằng tia nhìn ẩm đục vô cảm và đáp trả lòng tốt của tôi bằng thói cặn bã mất dạy... Nhưng kìa, có ai chịu dạy dỗ nó như con bé nhà tôi đâu. Nhà trường và cả những phúc lợi xã hội hiện nay đâu có khoản nào dành riêng cho hạng người đó, ngoại trừ chi phí trại giam hay bảo vệ trật tự vệ sinh công cộng. Loại người này hay phóng uế bừa bãi và loạn đả nhau lắm. Vậy thì cặn bã và mất dạy đâu phải lỗi tại nó, cớ chi mà tôi lại nổi nóng. Để chứng tỏ cái sự có giáo dục và đức hạnh của mình chăng? Mà xét về đức hạnh và cái sự đáng kính trọng theo chuẩn mực đạo đức xã hội chủ nghĩa thì nghề nghiệp bán sách vỉa hè của tôi lại càng đáng nghi ngờ.

Không biết do những ý nghĩ lộn xộn bám riết tâm trí hay do sức sống thanh xuân đang bừng tỉnh theo tiếng pháo tống tiễn năm cũ mà đến nửa đêm tôi không ngủ được. Cứ trằn trọc thì khuôn mặt bụi bặm của con bé ăn mày lại hiện lên bên cạnh khuôn mặt hồng hào dễ thương của con gái tôi. Chắc giờ này tiểu thư nhà tôi đang ngủ vùi trong lòng mẹ mơ giấc mơ mùa xuân vui tươi đầm ấm, còn con bé lang thang?. Dù buôn bán ở vỉa hè, tôi vẫn chưa bao giờ thấy con bé ngủ nghê như thế nào dưới "mái nhà" của nó trong công viên. Nếu mẹ nó không bị bắt nó còn có bàn tay mẹ chăm sóc, dù sao bản năng làm mẹ trong người đàn bà cũng không thể mất hết khi gần gũi con mình, dầu người mẹ đó như thế nào đi nữa. Trẻ thơ không những cần đến "bản năng người mẹ" để sinh tồn mà còn để nuôi dưỡng lòng nhân ái. Tự dưng tôi muốn nhìn thấy con bé giờ này ra sao, tôi cũng chợt khám phá ra rằng, nấu một nồi nước nóng cho đứa bé không phải là con mình tắm, lại là đứa bé ăn mày, thì chỉ những vĩ nhân hoặc thủ lĩnh chính trị đang muốn thu phục nhân tâm mới làm được, còn hạng phàm phu tục tử như tôi chỉ có một khả năng duy nhất là tống cổ con bé ấy ra đường, sau đó tự trấn an lương tâm mình bằng một mớ luận lý, nếu như thật sự bản thân còn có lương tâm.

Trời đang mưa. Mưa phùn, nhẹ hạt nhưng lạnh cắt da. Đã một giờ sáng, đường phố trống trơn. Ngoại trừ những người có việc tối cần thiết phải rời tổ ấm của mình, số còn lại ngoài đường là phần nhân loại bất hạnh. Cũng phải công bằng mà nói, không phải chỉ có xã hội có lỗi trước sự bất hạnh ấy mà chính họ cũng có lỗi. Bởi không có chính quyền nào lại muốn có những vết bẩn như thế nên đã bỏ công bỏ của ra cố đưa những kẻ ấy trở về con đường làm ăn chính đáng. Nhưng một phần do người đời có thói ưa bới móc lỗi lầm người khác làm kẻ một lần lầm lỗi khó sống bình thường như mọi người, phần khác do thói quen lười biếng, thiếu nghị lực và quyết tâm làm người lương thiện, hoặc nói theo triết lý nhà Phật là do cái nghiệp phải trả, nên trong đêm ba mươi Tết này, khi mọi người đang yên ấm dưới mái nhà, thì cộng đồng ngoài mái hiên cuộc đời kẻ bị nhốt khám, người chui rúc ở gầm cầu, trong nhà vệ sinh công cộng... Tôi không rành giáo lý nhà Phật lắm, chỉ nhớ đại khái trong đó có nói là lòng lành có thể xóa được nghiệp chướng. Mà lòng lành thì đâu phải dễ kiếm, nhất là ở cái đám ma cô bụi đời. Sở dĩ tôi nêu ra những điều ấy trong tâm trí lúc đi tìm con bé thử nó ngủ nghê như thế nào là để trấn áp trái tim hay nổi loạn của tôi.

Cuối cùng tôi đã tìm thấy con bé, nó cũng đủ khôn ngoan để kiếm cho mình một chỗ ngủ dưới một mái hiên khá sạch sẽ, sáng sủa và kín gió.

Con bé nằm chòng queo cố thu mình lại để phủ kín miếng mền rách từ chân cho tới ngang cổ, hình như đang chiêm bao điều không vui nên gương mặt nó hơi nhầu nát, nhìn kỹ, tôi thấy hai dòng nước mắt đã khô trên má nó? Tuy nhiên nói chung, trên gương mặt nó vẫn toát ra nét non dại đáng yêu của đứa trẻ trong giấc ngủ. Tôi bỗng tự hỏi liệu nó có cần tới bàn tay giúp đỡ của tôi không? Và nếu không có tôi trên đời này thì có ảnh hưởng chi tới số phận của nó không? Tư tưởng con người có lẽ là một thứ kỳ quái, nhất là khi con người muốn thực hiện một hành vi tốt, như là tôi lúc này chẳng hạn.

Tần ngần ngắm con bé ngủ tôi lại nhớ con bé con tôi. Đứng về phương diện tình nhân loại, một người đạo đức bình thường như tôi chắc chắn phải mủi lòng trước tình cảnh bi đát của con bé; thế mà đứng một phía khác ở góc sâu thầm kín trong tâm thức, bản năng vị ngã của tôi lại cảm thấy khoan khoái như được vuốt ve khi nghĩ về con gái mình. Đúng tư tưởng là cái kỳ quái, nhưng đáng tiếc thay, không có tư tưởng thì không có nhân loại. Nó cũng kỳ quái như bản ngã. Và thật khủng khiếp khi tiến trình mâu thuẫn của bản ngã biến thành hành vi tập thể.

Con bé bỗng mở choàng mắt. Theo phản xạ tự nhiên tay phải nó chặn ngay vào cái túi đựng tiền dấu trong ngực áo, tuy nhiên nó lập tức buông tay ra và òa lên khóc. Tôi hiểu ngay có thằng khốn nào đó đã cuỗm mất tiền của nó, và quả đúng như vậy. Nghe tôi hỏi, con bé vừa khóc vừa kể lại nó bị một thằng ma cô lột hết tiền và còn cho nó mấy thụi khi nó gào lên kêu cứu. Với bọn lưu manh trấn lột tép riu, con bé là miếng mồi ngon xơi nhất. Chẳng có ai bảo vệ nó cả, kể cả pháp luật. Tôi rùng mình ghê tởm khi nghĩ tới chuyện, nếu con bé lớn hơn một tí xíu nữa chắc thằng khốn đó nó đã không chỉ trấn lột tiền mà thôi...

Con bé chỉ khóc một tí chút rồi gằm gằm nhìn tôi vừa nghi ngại vừa dò hỏi. Lát sau nó sửa lại tư thế rồi chuẩn bị ngủ lại. Đối với nó chỗ ngũ này quá ngon lành nhưng tôi lại cảm thấy thê thảm quá, bởi nếu như tôi không tống cổ nó ra khôi cửa thì chắc nó được ngủ trên giường êm chăn màn ấm cúng và cũng chẳng bị thằng vô lại trấn lột. Một nơi thì giường chiếu mùng mền bỏ không, một chốn thì con người phải lăn ra nền xi măng ngoài mái hiên mà ngủ thì quả là chưa ổn lắm trong cái xã hội tự cho là tiến bộ, trong cái hành tinh tự nhận là văn minh.

Có lẽ sự đời phức tạp thật, bạn ngẫm nghĩ lại xem, khi biểu quyết cái tốt thì trăm người như một ai cũng muốn đưa tay nhất trí kể cả cái tốt đẹp vĩ đại như nổi dậy làm một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, một cuộc cách mạng cộng sản, nhưng để làm một việc tốt nhỏ nhoi như đun ấm nước cho con bé ăn mày tắm thì quả là chuyện khó khăn phức tạp.

Thấy con bé định ngủ tôi bảo:

- Mày có muốn về nhà tao nữa không?

Con bé gật đầu. À, đã mất bọc tiền rồi con bé không còn lý do gì để cảnh giác tôi nữa, do đó chắc lần này về nhà tôi nó yên tâm hơn và cũng tránh chuyện bực mình cho tôi. Sự đời nó phức tạp vậy đó. Tôi giao hẹn:

- Nhưng mày phải chịu tắm rửa sạch sẽ tau sẽ cho cái áo đẹp của con gái tau - Tôi chiêu dụ.

Nó hoang mang ngần ngừ trước sự quyến rũ của cái áo đẹp và những ngày tết no đủ ấm êm với cực hình phải tổng vệ sinh thân thể, cũng cần nói là con bé nhà tôi thì ngược lại, chỉ vấy bẩn một tí là tiểu thư la ầm lên. Cuối cùng nó rụt vai:

- Lạnh lắm!

Con bé lì lợm hết chỗ nói. Trong cái đầu óc u tối, nó chỉ nhìn thấy được cái mái hiên chứ không thể nhìn ra ngôi nhà ấm cúng nếu chịu khó tẩy rửa bản thân để xứng đáng bước vào. Và thề có trời, ngay cả mẹ nó nữa, nếu giao cái nhà tôi cho hai mẹ con nó thì lập tức chúng sẽ biến thành cái chuồng heo mà theo cấp độ văn hóa chúng có thể coi đó là cái nhà. Và xem chừng bọn đó thích chiếm cứ hơn là xây dựng. Tuy nhiên dẫu sao đó cũng là chuyện của người lớn, tôi không thể đòi hỏi những thứ gọi là lý trí và đạo đức nơi con bé bị xã hội vất ra ngoài cuộc đời. Trót đã đến đây, tôi cố dấn thêm một bước chân của lòng nhân ái:

- Nếu tao nấu nước nóng cho mày tắm mày có tắm không? - Tôi hỏi.

Ra chiều suy nghĩ một lúc nó nói:

- Nước nóng sợ bỏng da lắm.

- Đồ ngu, chỉ nóng hâm hâm thôi chớ.

- À, biết rồi... nấu nước sôi rồi chế nước lạnh vô.

- Ừ, tắm không lạnh mà cũng không nóng. Mày chịu tắm không?

- Chú cho ăn cơm cho ngủ giường, cho áo đẹp?

- Tao nói láo mi làm chó chi... Mi làm như mi tắm thì tao đẻ ra vàng.

- Chú cho thiệt nghe! - Nó kiên nhẫn nhắc lại.

- Tổ mẹ mày... Nói thiệt, thôi lên xe.

Trên đường về nhà tôi còn lo ngay ngáy là con bé sẽ còn dở chứng khi tôi đã nấu nước cho nó tắm, đến lúc đó mà tống nó lại ra đường cũng khó mà cho nó ở lại thì cũng kẹt. Nhưng may mắn là nó dội ngay gáo nước lên người sau khi tôi cho nó ăn thêm một lát bánh tét và đưa cái áo gấm cũ của con gái tôi ra làm mồi chiêu dụ. Thấy nó lóng ngóng vụng về không biết kỳ cọ thân thể ra sao, tôi phải ra tay tắm cho nó như tắm cho tiểu thư nhà tôi. Tắm rửa xong, diện cái áo đầm con gái tôi vào, dưới ánh điện con bé trông dễ thương tệ. Tôi bỗng thấy một cảm giác sung sướng tràn trề như vừa tóm được mảnh trời xuân vĩnh cửu trên tay.

Khi đã xử lý câu chuyện tôi kể thành cái truyện ngắn mà bạn vừa đọc xong, tay bán số tự chọn liền phán với tôi: "Ông nên nhớ, vĩ đại như Chúa Jesus cũng chỉ làm tới cái việc rửa chân cho kẻ thấp hèn hơn mình. Chuyện của ông quả là phi chính trị thật sự". À, thì ra thằng bán số tự chọn vỉa hè ấy cũng đáng mặt làm nhà văn lắm.

Huế cuối đông Kỷ Tỵ
D.T.V
(TCSH40/01-1990)






 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Mắt nàng Daphne (24/05/2016)
Bức tranh (06/05/2016)
Giếng cát (21/03/2016)