Truyện ngắn
Chiếc áo second-hand
09:25 | 26/12/2016

PHẠM DUY NGHĨA

Chiếc áo kẻ màu tím sẫm.
Một chiều thu ảm đạm tôi rời công sở sớm hơn thường lệ. Trên đường về qua khu chợ ven đô, tôi quyết định tìm mua một chiếc áo hàng thùng.

Chiếc áo second-hand
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Sau khi bới tung cả núi quần áo nhàu nhĩ bày trên tấm bạt trong gian chợ, không chọn được chiếc nào ưng ý, tôi tìm sang dãy đồ second-hand treo bán trên vỉa hè dọc công viên bên hồ. Trong cả rừng áo bạt ngàn, tôi bắt gặp một chiếc áo kẻ carô tuyệt đẹp màu tím sẫm. “Hàng của Pháp, cổ điển, trẻ trung, đúng phong cách vintage đấy bác” - chị bán hàng, trông già hơn tôi vài tuổi, nói. “Bác chơi loại này mới độc, chứ quần áo Hàn, Nhật thì đầy”. Mặc cả một hồi, tôi mua chiếc áo với giá bảy chục ngàn. Lật cổ áo, nhìn đường may sắc sảo, tôi rất mê. Màu tím trên những đường kẻ quyến rũ tôi, gợi nhớ những cánh đồng oải hương mênh mông tím ngát xứ Provence, vùng đất đẹp mê hồn, nước Pháp.

Màu tím sang trọng của chiếc áo còn làm tôi mê mẩn đến khi đi vào một ngõ hẹp. Lên cầu thang của khu tập thể cũ thoảng mùi lông chuột, tôi đẩy cửa khẽ bước vào một căn phòng chật ních người. Khóa học thiền bắt đầu từ bảy giờ. Thầy Đà, một người bí ẩn như pho tượng cổ, đang cùng cả lớp tĩnh lặng trong tư thế thiền. Mùa đông năm trước, tôi và các học viên lớp cấp một đã được thầy khai thông huyệt đạo trên người bằng việc mở sáu luân xa mạch đốc. Khóa học mùa thu này, học viên lớp cấp hai sẽ được mở tiếp các luân xa ở hõm cổ và trên ngực, tức hai luân xa mạch nhâm.

Tôi từ lớp học thiền về đến nhà khi đã mười giờ tối. Thả chiếc áo mới mua vào máy giặt, tôi dành hai mươi phút cho ăn uống tắm rửa rồi chuẩn bị ngồi thiền. Mình sẽ ngồi liền hai tiếng đồng hồ - tôi nghĩ - một việc mà mình chưa đủ kiên nhẫn thực hiện bao giờ. Để xem cơ thể có gì khác không, sau khi được mở thêm hai luân xa mới.

Tôi uống một cốc nước lạnh, đẩy tấm kính cửa sổ phòng ngủ cho không khí ở ngoài tràn vào. Và ngồi ở giữa phòng trên tấm thảm trong tư thế hoa sen, tức kiết già. Đêm ở khu chung cư ngoại thành thật yên tĩnh, nhất là trong căn hộ ở tầng cao nhất của một nhà báo sống độc thân như tôi. Ngoài tiếng gió xao xác từ rặng dừa thổi qua cái ao nhỏ dưới kia, hay đôi khi là tiếng mèo động dục kêu hoang và tiếng guitar ảo não của mấy chàng sinh viên ở trọ đang bước vào mùa thất tình, nơi đây về khuya không một tiếng động.

Tôi nhắm mắt lại, tập trung quán tưởng thu năng lượng vào các luân xa trên người. Nhiều phút trôi qua, những ý nghĩ vụn như những con bọ len lỏi trong đầu khiến tôi không thể nào định tâm được. Tôi nghĩ đến chiếc áo hàng thùng. Bảy chục ngàn thì đúng là rẻ rồi, chỉ tiếc đã hơi sờn trong cổ áo. Nghe nói chơi hàng thùng có thể bị lây bệnh từ người chủ cũ, ngày mai mình cho áo vào nồi luộc, đời bọn vi khuẩn thế là xong. Dùng một thứ đồ mà không biết chủ cũ của nó là ai, đang trôi dạt ở phương trời nào, còn sống hay đã chết mục xương rồi, kể ra cũng là một cái thú.

Có tín hiệu từ chiếc máy Panasonic báo đã giặt xong. Tôi đứng dậy bỏ dở cuộc thiền. Khi cầm chiếc áo mới mua vừa giặt treo lên giàn phơi, tôi giật nảy mình. Một cái gì như dòng điện chạy vào tay nhói buốt.

Mười hai giờ kém năm phút, tôi vào phòng ngủ tiếp tục thiền. Tôi tắt hết điện trong nhà, chỉ để một bóng đèn quả nhót màu xanh dịu. Bằng nỗ lực cao độ, tôi gạt bỏ hết tạp niệm trong đầu để tập trung quán tưởng. Từ mênh mông vũ trụ, một vệt sáng hình nón chứa tiên thiên khí tràn vào cơ thể qua luân xa số bảy tại đỉnh đầu. Khi luồng sáng mang địa khí từ thẳm sâu trái đất chiếu rọi vào luân xa số tám và số chín mới được mở, tôi nhanh chóng chìm vào vô thức. Như trôi bồng bềnh trong không trung.

Bên ngoài cửa sổ, gió vẫn rì rào thổi. Có tiếng còi xe vẳng lại, từ phía cầu Thăng Long. Nhưng tôi không để ý những âm thanh cơ học đó. Tôi nghe thấy một tiếng động khác, sâu lắng và tinh vi hơn, phía sau lưng, cụ thể là từ chiếc giàn phơi bên trên máy giặt. Nó đang di chuyển một cách âm thầm và chính xác, như làn sóng điện, đến gần tôi. Mặc dù thiền định bao giờ cũng làm nóng người lên, lúc này tôi bỗng thấy lạnh hơn, và cảm thấy rõ ràng, nó - cái âm thanh mơ hồ đó - đã ở ngay trước mặt tôi, trong gang tấc.

Đúng vào giây phút ấy, điều diệu kì xuất hiện. Tôi nhìn thấy rõ mọi vật quanh mình dù vẫn ngồi yên và không hề mở mắt. Cơ thể tôi đã khai mở một năng lực tiềm ẩn nhờ thiền định, đó là nhìn được bằng con mắt thứ ba - con mắt vô hình nằm tại luân xa số sáu ở giữa trán. Có con mắt trời cho ấy, người ta có thể đọc báo thậm chí lái xe trong khi hai mắt kia bị bịt kín. Nhận ra sự màu nhiệm, tôi run rẩy bàng hoàng.

Và tôi còn bàng hoàng hơn khi nhìn thấy ngay trước mặt mình là một người nước ngoài. Ông ta ngồi ở đầu giường, bên cửa sổ và nhìn thẳng vào tôi. Ánh đèn cao áp ngoài trời rọi xuống khung cửa khiến khuôn mặt ông ta như bức tranh siêu thực bị xẻ làm đôi, một nửa chìm vào bóng tối xanh nhạt, một nửa hắt sáng bạc như vôi, và từ đám râu tóc rậm rạp màu hung ứa ra những giọt gì đỏ tươi như máu. Tôi chưa kịp hỏi vì sao ông ta lọt được vào căn hộ bé nhỏ này, khi mọi cánh cửa đều khóa chặt, thì con người dị thường đã cất tiếng nói:

- Tôi là nông dân làm nghề trồng nho ở Chianti, vùng Toscana, miền trung nước Ý. Tên tôi là Giotto...

Hồn ma ở lớp học thiền

Mùa đông năm trước, tôi đã được chứng kiến những chuyện lạ lùng xảy ra tại lớp học thiền. Mặc dù thầy Đà nói rằng lớp học của thầy chỉ nhằm mục đích nâng cao sức khỏe và chữa bệnh - nghĩa là chẳng có gì ám muội - hiện tượng mà thầy gọi là “thần kinh giả” ấy vẫn diễn ra.

Hôm ấy là buổi học thứ tư của lớp cấp một tại nhà thầy. Từ sẩm tối, gió mùa đông bắc tràn về lay giật các cánh cửa rầm rầm, hơi lạnh ùa vào phòng và tranh ảnh trên tường rung sột soạt. Cả lớp đang tọa thiền, bỗng một học viên cao lớn đẹp trai bưng mặt khóc. Tiếng khóc rấm rứt, ấm ức to dần rồi xé ra thành tiếng kêu ghê rợn khàn khàn như tiếng khóa rỉ không giống tiếng người. Anh ta không ngớt đập đầu xuống nền và khi ngẩng mặt lên, ai nấy đều kinh hãi. Hai tròng mắt trợn ngược trắng dã mất hẳn con ngươi, một vệt máu đỏ tươi chảy ngoằn ngoèo giữa má. Thầy Đà, vẻ như quá quen với hiện tượng này, vẫn ngồi sau chiếc bàn và điềm tĩnh hỏi:

- Chết từ bao giờ, vì sao mà chết?

Người thanh niên, tên là Cường, rên xiết:

- Họ ép cung, dùng nhục hình... Tôi bị oan... Tôi không giết người... Tôi chết đau đớn cùng cực lắm mọi người ơi...

Rồi chực lao đầu vào tường sau khi nhắc đến một phiên tòa nào đó với vẻ tột độ căm thù. Thầy Đà vẫn bình thản hỏi:

- Là nam hay nữ, ở trong người này từ bao giờ?

- Tôi là đàn ông, chết năm ba bảy tuổi. Nương nhờ trong cậu ấy sáu năm rồi.

- Cư trú trong cơ thể người khác như vậy là bất hợp pháp - Thầy Đà nghiêm nghị nói - Số kiếp mình thế, có nghiệp thì phải trả, đừng oán trách ai. Hãy ra khỏi người ta, rồi đi theo thầy tổ mà tu hành.

Tiếng kêu khóc vang lên thê thảm như người bị hành hình. Thầy Đà đặt tay mình lên đỉnh đầu Cường, bàn tay kia đặt vào vai anh ta. Người trợ lí của thầy, vốn là một học viên cao cấp, nắm lấy ngón chân cái của Cường kéo mạnh. Một cái gì vô hình đang được rút ra khỏi người Cường. Anh ta giãy giụa một hồi rồi mở mắt nhìn quanh, thẫn thờ như tỉnh dậy sau một giấc mơ, không nhớ gì mọi việc vừa diễn ra cả.

- Năng lượng lạ trú ẩn trong hạch thần kinh của người bị bệnh thần kinh giả - Thầy Đà giảng giải - Trục xuất nó phải cho thoát ra ở đầu ngón chân cái đồng thời tác động vào luân xa số năm và số bảy. Đây là phương pháp rút giò.

- Thưa thầy, năng lượng lạ có phải chính là... vong hồn của người đã chết? - Một học viên hỏi.

- Đúng vậy. “Thần kinh giả” được dùng như một thuật ngữ khoa học, thực chất đó chính là người có vong trú ngụ trong thân mình. Đến khi tập thiền, dương khí từ bên ngoài rót vào cơ thể qua các luân xa làm nóng lên, linh hồn không chịu nổi mới bật ra tiếng khóc. Cõi âm là lạnh lẽo, cõi dương là ấm nóng, người âm không chịu được sức nóng nên mới hiện nguyên hình.

- Thưa thầy, như vậy ta sống cùng ma, ma ở trong ta lâu ngày mà ta không biết?

- Đúng thế, thậm chí cả đời. Nhưng không phải ai cũng có vong lạ trong người. Và nếu có, thì một người có thể chứa nhiều vong. Thiền định không chỉ giúp cho việc phát hiện vong, mà trong khi tu tập một số hiếm người còn tự mở ra những khả năng đặc biệt và có thể nghe thấy, nhìn thấy được linh hồn ở quanh mình.

Buổi học cuối cùng, một nữ học viên trắng trẻo xinh đẹp lại đột nhiên vật vã lăn lộn như cá rô mắc cạn. Trong người chị ta có vong của một người đàn ông nào đó. Vừa mở miệng, cái vong ấy đã chửi bới ầm ầm. Ông ta nói rằng khốn nạn cho tao phải sinh ra và chết đi ở một xứ sở chẳng ra gì. Chửi chán, ông ta lại cười khùng khục. Rằng kiếp trước chắc là tao mắc tội nên mới phải đầu thai vào xứ này. Sang thế giới bên kia, thằng nào tu tốt thì được đầu thai vào những xứ ngon lành, thằng nào tu kém thì phải đầu thai vào mấy xứ lởm khởm hơn.

Nghe ông ta hằn học chửi, mấy cô cậu thanh niên rúc rích cười: “Ma này phản động quá”. Một người dọa: “Bé cái mồm đi một tí, công an đến bắt bây giờ”. Ông ta im bặt, lấm lét nhìn ra cửa. Rồi chợt nhớ ra điều gì, ông ta cười lớn: “Tao là ma rồi, ai bắt được tao?” Có người hỏi vì sao ông lại tá túc trong người chị này, con ma trả lời: “Tao thích con mẹ này vì nó xinh lại hay đi du lịch. Mùa hè nó thường đi tắm biển. Tao thích nhìn con gái ở bãi tắm”.

Cả lớp cười. Thầy Đà cũng cười. Thầy bảo vong gắng tu cho tốt nhé, để kiếp sau được đầu thai vào mấy nước Bắc Âu, còn bây giờ thì hãy buông tha cho người ta để đi theo thầy tổ. Thầy đứng dậy, đặt bàn tay lên đầu chị học viên xinh đẹp, có anh trợ lí giúp sức, phải mất khá lâu hai người mới làm cho chị ta trở lại bình thường.

Thầy mở cánh cửa sổ. Bên ngoài, trăng mùa đông tỏa ánh sáng xanh tê tái, tiếng gió lùa lá khô trong ngõ hẹp như một tiếng thở dài. Cả lớp chúng tôi kính cẩn nhìn lên ngài Dasira Narada - thầy tổ của pháp môn, trong bức hình treo trên tường. Lại thêm một linh hồn theo ngài lên đường, để giải thoát.

Người đàn ông xứ rượu vang đỏ

Anh đã bao giờ nghe nói đến Toscana, một vùng quê đẹp và thanh bình bậc nhất nước Ý? Anh cứ nhắm mắt như vậy nhé, tôi sẽ đưa anh đến đó, một giây thôi. Đây rồi con đường nhỏ ngoằn ngoèo uốn lượn qua những đồi nho, đồi ô liu. Và kia, ngôi nhà bằng đá lẻ loi trên đỉnh đồi, được viền xung quanh bởi những cây trắc bá xanh rờn hình tháp. Kia nữa, những lâu đài, nhà thờ và tháp cổ thấp thoáng bên trang trại, điền trang, đẹp như trong cổ tích. Người ta gọi Toscana là “thiên đường mơ ước”, không phải vậy, nó còn hơn cả một thiên đường.

Nếu đất nước của chúng tôi là một chiếc ủng thì Toscana nằm ở khoảng giữa về phía miệng ủng. Thời trai tráng của tôi đã qua đi ở đó, giữa màu xanh mướt của những dải đồi mênh mông, màu vàng tươi trong vắt của nắng, màu vàng rực của những cánh đồng hoa hướng dương nở rộ vào tháng bảy và màu vàng xuộm trù phú của những thảm lúa mì. Nơi ấy có đàn cừu đeo chuông nhìn xa như nấm trắng vãi trên đồi, và đó cũng là nơi tôi đã gặp nàng, Veronica.

Lần đầu tôi gặp nàng là giữa mùa thu hoạch nho, lúc nàng đang lùa cừu từ trên đồi về trang trại. Khi ấy là cuối mùa hè, những vệt nắng vàng ươm đang tắt và hoàng hôn xanh ngát dâng ngập núi đồi. Chúng tôi gặp nhau trên con đường nhỏ màu xám, hai bên có hàng cây trắc bá như hai hàng lính đứng lặng im. Nàng giấu nụ cười sau một cái cây, còn tôi thì nháy mắt gửi kèm chiếc hôn gió về phía nàng và trước khi từ biệt nhau ở cuối đường, giữa tôi và nàng đã có một tia sét nhỏ. Ngày hôm sau khi mặt trời lặn tôi chờ gặp nàng bằng được ở chân đồi, và tàn bạo như một tên cướp, trong ráng chiều đỏ thắm, tôi đã quyết liệt hôn nàng. Nụ hôn ngọt hơn cả một đồi nho đã hạ gục tôi, khiến tôi đi suốt đêm như một thằng điên trên bình nguyên Toscana và say lịm trong hầm rượu của một lâu đài cổ, giữa nồng nàn hương rượu nho ủ trong những thùng gỗ sồi. Vụ mùa kết thúc cũng là lúc chúng tôi đã yêu nhau, cùng nhau làm đủ thứ chuyện. Chà, giá như anh biết được tình yêu của đàn ông Ý chúng tôi bạo liệt thế nào...

Còn bây giờ, anh muốn biết về chiếc áo? Nó không đến từ nước Pháp như người bán hàng đã nói với anh. Chính Veronica đã tặng tôi chiếc áo đó, trước khi chúng tôi đi Dolomiti một vài tháng. Nàng mua nó tại Milano, kinh đô thời trang nước Ý. Tôi thích màu tím của đường kẻ carô trên áo, vì nó giống với màu sangiovese. Vì tình yêu với Veronica mà tôi đã mặc nó biết bao lần, điều đó lí giải vì sao trên cổ áo có vết bợt.

Sau khi tôi đến Dolomiti và không trở về, chiếc áo đã bị ai đó ở quê nhà gửi sang nước ngoài trong một chuyến hàng viện trợ. Lần theo dấu vết của nó, tôi qua những cánh rừng thưa đi về miền Đông Á, và bây giờ có mặt ở đây...

Thần hộ mệnh

Gần sáng, người đàn ông đến từ bến bờ Địa Trung Hải vẫn rì rầm kể cho tôi nghe về miền đất của mình. Mặc dù ông ta nói bằng thổ ngữ Tuscan, tôi vẫn hiểu được và nhận ra tình yêu say đắm của người nông dân này với cố hương, nhờ một phép màu nào đó phù trợ.

Câu chuyện ấy vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi như những giọt mật sau khi ngủ dậy, và việc đầu tiên tôi làm khi đến cơ quan vào buổi sáng là lên mạng tìm kiếm thông tin về vùng Toscana. Tôi ngạc nhiên khi biết đó là một vựa nho khổng lồ, xứ sở huy hoàng của rượu vang, và cái từ sangiovese mà Giotto nhắc lại nhiều lần với vẻ tự hào chính là tên một giống nho đỏ khó trồng đã sản sinh ra dòng rượu vang Chianti nổi tiếng toàn thế giới. Chưa hết, Toscana còn có thủ phủ là Firenze - cái nôi rực rỡ của thời kì Phục hưng châu Âu.

Nhưng tất cả những điều đó không làm tôi bận tâm. Điều thú vị đối với tôi lúc này là đã có con mắt thứ ba ở trán nhờ tập thiền, và quan trọng hơn, là lời hứa của Giotto. Ông ta nói sẽ phù hộ cho tôi bất cứ khi nào tôi mặc chiếc áo hàng thùng đó trên người.

Và tôi hồi hộp chờ sự linh nghiệm.

Điều may mắn đã đến dồn dập khiến tôi kinh ngạc. Lần đầu mặc chiếc áo của Giotto cũng vào quãng thời gian tôi có chuyến công tác lên miền núi. Tôi đã thoát nạn trong gang tấc cùng nhóm phóng viên khi vừa ra khỏi một khu rừng thì rừng cháy, vừa qua một cây cầu thì cầu bị lũ cuốn trôi, và tuyệt vời hơn là trong một đêm bị lạc ở bản người Tày tôi đã tình cờ gặp một thầy lang, được ông cắt cho thang thuốc bí truyền chữa khỏi tiểu đường mà bao ngày tập thiền tôi vẫn không giảm bệnh. Đêm ấy, khi đang một mình giữa đồi hoang trong sương mù xanh lam dưới trăng mờ leo lét, tôi thoáng thấy Giotto với tấm áo choàng đỏ rực, bay như một con dơi ở phía trên mình.

Trở về Hà Nội tôi còn gặp may đến mức mọi người phải ghen tị. Tiền bạc tự chui vào túi, quyền lợi tự đặt vào tay, đàn bà thì tôi chẳng tán tỉnh ai mà họ cứ tự dưng tìm đến. Giotto vốn là một chàng trai phong tình, phóng đãng, có lẽ vì thế mà ông ta phù hộ cho tôi đặc biệt về khoản này.

Suốt mùa thu, hầu như cứ giặt xong lại mặc nên chiếc áo chóng bạc và có nguy cơ sớm trở thành miếng giẻ lau nhà. Lo sợ điều đó, tôi cất áo vào tủ, chỉ những dịp hiếm hoi mới sử dụng. Đời tôi còn nhiều việc cần đến nó. Làm xong tiến sĩ là kế hoạch năm năm lần thứ nhất. Tráng men lớp lí luận, trang sức thêm vài chứng chỉ phụ rồi tìm đường thẳng tiến là kế hoạch năm năm lần thứ hai...

Những đêm thanh vắng, thỉnh thoảng người trồng nho nước Ý lại về. Ông ta lấy làm khó hiểu khi thấy tôi có quá nhiều tham vọng. “Các anh không sống - ông ta nói - mà chỉ chen lấn. Các anh đặt ra những cái đích, rồi suốt đời chạy đến đó. Nếu anh tới Chianti sẽ thấy một cuộc sống chậm. Các cửa hàng gần trưa mới mở cửa, và mặc dù mười giờ mới tối nhưng năm giờ chiều đã đóng cửa rồi. Người dân xứ tôi luôn có tiếng là ham vui, ham sống, yêu đời. Dù vụ mùa bận rộn thế nào tôi và Veronica cũng không bỏ xem cuộc đua ngựa không yên diễn ra hàng năm tại phố cổ Siena, hay ngồi thuyền gondola trên dòng kênh ở Venezia, xem đua thuyền ở đây vào tháng chín...”.

“Các ông may mắn được trời cho một số phận khác, một cuộc đầu thai khác” - tôi nói. “Chúng tôi sinh ra đã thấy sự nghèo khó, nên phải tìm cách tự cứu mình”.

Vị thần hộ mệnh của tôi im lặng. Những lần hiện về của ông ta trở nên thưa thớt và đôi khi chỉ chập chờn như một đám khói hình người với hai màu đen trắng âm bản. Không đi vào phòng mà tụ lại thành khối trên ban công và ở đó khá lâu. Rồi tan loãng vào không khí.

Con rắn trên núi Dolomiti

Anh có nghe tiếng nhạc réo rắt trên đường phố? Anh có trông thấy đám đông sặc sỡ đang diễu hành? Đó là lễ hội thử rượu vang mừng vụ mới vào trung tuần tháng chín ở Chianti. Chao ôi là vui. Tôi và Veronica nắm tay nhau, cùng ăn bánh pizza, ăn phô mai với mật ong và nhảy múa cùng mọi người. Mùa thu, bắt đầu từ giữa tháng chín, vào lúc nho vừa thu hoạch hết, luôn là mùa đẹp nhất trong năm của chúng tôi. Những ngày hè tất bật đã qua đi mang theo nỗi lo thời tiết thất thường làm hỏng mùa màng, và tôi được thỏa sức rong chơi cùng nàng trên các nẻo đường nước Ý. Veronica hoang dã và trung thành. Nàng đã cùng tôi leo lên tận đỉnh tháp nhà thờ có mái vòm lớn nhất thế giới ở Firenze. Nàng đã nhắm mắt tung đồng xu cầu nguyện xuống chân đài phun nước Trevi. Tay giơ que kem gelato và nhoẻn cười rạng rỡ, trong nắng vàng tươi thắm, nàng đẹp hơn mọi thiên thần...

Tháng mười, chúng tôi đi về miền đông bắc để chinh phục dãy Dolomiti. Veronica muốn đi vào mùa đông vì nàng thích được tham gia trượt tuyết tại đó, nhưng tôi thuyết phục nàng đi vào lúc này khi vùng núi hoang sơ chưa bị làm ồn bởi nhiều du khách. Veronica chấp thuận. Nàng luôn chiều tôi như chiều con chó nhỏ của nàng.

Chúng tôi lái xe đến hồ Garda rồi đi bộ vào núi. Rợn ngợp như đứng bên bờ tiền sử là cảm giác của tôi khi nhìn thấy Dolomiti. Những đỉnh nhọn hoắt lởm chởm phủ tuyết, những vách đá dựng đứng thăm thẳm vút lên trời. Dưới chân núi là những dải rừng thông xanh rì, thung lũng hẹp mà sâu, và đồng cỏ tuyệt đối yên tĩnh.

Veronica leo núi rất cừ. Qua những rừng lá kim đang rừng rực chuyển màu, tôi và nàng nghỉ chân tại một ngôi nhà gỗ trên triền núi. Đêm xuống, trong veo và lạnh, không khí cổ tích bao phủ trong sắc vàng óng ả của rừng thu. Khi đang cùng ăn bữa tối đơn giản với món pasta thịt nguội, Veronica bỗng hét lên. Nàng chỉ cho tôi thấy một con rắn đang nhanh nhẹn bò lên thành ghế chỗ tôi ngồi, toàn thân màu đỏ tươi, chỉ nhỏ bằng ngón tay cái. Giữa núi non lạnh lẽo, không hiểu nó từ đâu ra. Ở Toscana, tôi chưa từng bắt gặp con rắn nào đẹp thế bao giờ.

Tôi lấy cành thông khều con rắn thả vào một thùng gỗ sồi lớn đặt ở góc nhà, rồi yên trí ngồi ăn nốt chỗ pasta còn lại. Sau khi tráng miệng bằng những mẩu bánh cantuccini thả vào cốc rượu, Veronica đi lại và ngó xuống chiếc thùng gỗ sồi. Đáy thùng trống không. Con rắn đã biến mất.

Cả hai chúng tôi đều kinh ngạc. Dù mọc chân, con rắn cũng không thể bò lên được tới miệng thùng. Điều quái đản khiến Veronica sợ hãi, và đến nửa đêm, khi nàng đã ngủ, tôi lại thấy con rắn đỏ tươi ấy bò vào nhà và nhanh chóng tiến về phía giường. Có vẻ như nó không định tấn công tôi mà chỉ muốn báo cho tôi biết một điều gì đó. Tôi dùng hai cành thông kẹp cổ rắn, mang nó ra khỏi nhà và quẳng xuống một cái vực đen thẳm mờ sương. Con rắn nhìn tôi lần cuối với cái nhìn buồn bã, rơi dọc theo vách núi và va phải một gờ đá, nảy lên như vòng lửa nhỏ rồi biến mất vào sương mù.

Sáng hôm sau Veronica đột ngột đòi quay về. Nàng nói rằng suốt đêm nàng ngủ mơ thấy con rắn, đi tới đâu nó hiện ra tới đó và ngỏng đầu nhìn chúng tôi như muốn chặn đường. Em sợ lắm, về đi Giotto, nàng nói. Veronica vốn tin vào những điều huyền bí, còn tôi tuyệt nhiên không. Giấc mơ ngốc nghếch của nàng không thể là lí do để tôi bỏ cuộc. Sau một hồi cãi vã - lần đầu tiên kể từ ngày gặp gỡ - Veronica ứa nước mắt, và chúng tôi tiếp tục lên đường.

Qua những con đèo hiểm trở, gần trưa chúng tôi đến một bãi bằng phẳng thênh thang. Một bên là vách đá hun hút sâu, thẳng đứng, triệu năm trước bàn tay thần kì của tạo hóa đã xén gọn vuông vức như ta dùng dao cắt ngọt một tảng bánh mì. Trên một vách núi ghê gớm khác, nơi có dòng suối tuyết trắng như sữa chảy ra từ những khe đá xám, ngọ nguậy đôi ba chấm nhỏ, đó là những nhà leo núi chuyên nghiệp đang gửi tính mạng vào một đoạn dây thừng. Giữa mây xanh biếc và nắng tươi vàng, một chiếc khinh khí cầu chầm chậm bay. Tôi hét vang như xé cả trời xanh. Tôi nhảy như hóa cuồng bên mép vực. Tôi muốn Veronica thấy nỗi lo của nàng thật là ngớ ngẩn. Trên đời chẳng có quỷ ma nào hết. Chỉ có tự do, lạc thú, biển trời.

Khi mảng đá vôi dưới chân sụt vỡ, tôi không biết mình đã ngã vào khoảng không như thế nào. Rơi dọc theo vách núi một quãng dài, người tôi đập vào một gờ đá nhô ra đột ngột và tiếp tục rơi. Giây phút cuối cùng của con rắn ra sao, lặp lại với tôi lúc này như thế.

Tôi đã chết trước khi chạm đất. Bằng chứng là tôi nhìn thấy một thân xác giống hệt tôi vùn vụt rơi xuống, trong khi tôi vẫn đang bồng bềnh bên vách đá xám lạnh, giữa không trung. Phải khá lâu sau tôi mới ý thức được là mình đã chết, nhưng vẫn tồn tại, nghĩa là có linh hồn.

Tôi rơi xuống một thung lũng lấm tấm hoa bồ công anh. Thung lũng dài và hẹp, có một hồ nước nhỏ phẳng lặng được hình thành từ vạn năm trước bởi băng hà. Người đã chết thì mất bóng, tôi nhận ra điều đó khi soi mặt xuống nước mà không thấy gì. Ngồi bên xác mình, trên cỏ, tôi đau đớn nghe tiếng Veronica khóc ở trên cao. Ngoài việc nhờ gió thổi khô những giọt nước mắt, tôi chẳng thể làm gì được để an ủi nàng.

Toscana, miền quê ngập nắng thanh bình, lúc này như đã ở nơi nào xa lắm. Mặc dù xác tôi được đội cứu nạn đưa ra khỏi thung lũng một ngày sau đó, tôi vẫn quanh quẩn ở nơi mình ngã xuống, như thói thường của mọi hồn ma. Dolomiti, những buổi hoàng hôn, khi gió lộng ù ù là lúc tôi nhớ quê hương nhiều nhất. Và ở trong cõi vô hình, tôi mới nhận ra, chỉ có tình thương là sâu nặng nhất. Mọi danh và lợi, khi ta sống, chẳng có nghĩa gì.

Lá phiếu cuối cùng

Đã lâu không thấy Giotto trở lại. Đêm đêm tôi vẫn ngồi thiền và chìm đắm vào vô thức nhưng không thấy tiếng động nào lạ ở quanh mình. Lần hiện về cuối cùng của Giotto trước đó là vào cuối thu, khi ấy ông ta nói sắp đi thăm lại bờ biển Amalfi, nơi đã in dấu kỉ niệm của ông cùng người yêu vào một chiều hè lái xe chạy dọc đường biển dài bên vách đá.

Hà Nội đang những ngày rét. Gió lạnh thổi từng cơn qua mặt hồ xám ngắt. Một đêm tháng mười hai, Giotto bỗng hiện về. Ông ta muốn xin lại tôi chiếc áo hàng thùng. “Nó là quà tặng của Veronica nên tôi cần phải mang đi. Thật có lỗi với anh, nhưng vì Chúa, mong anh hiểu. Ở bên ấy, mùa đông cũng đến rồi”. “Tôi trả lại áo cho ông bằng cách nào?” “Anh hãy mang ra trước gió, đốt cho tôi”.

Tôi thẫn thờ. Mất chiếc áo, đồng nghĩa với việc từ nay sẽ không còn được ông ta phù hộ. Liền nài nỉ: “Tôi có thể mặc nó đến hết tháng được không? Tôi phải thi vào lớp lí luận cao cấp cuối tháng này, rất cần ông trợ giúp”. Giotto im lặng, rồi miễn cưỡng bằng lòng. Trước khi giã từ, ông ta nói: “Mọi việc anh đang theo đuổi hôm nay, sau này anh sẽ thấy chỉ là phù phiếm. Khi rời khỏi trần gian, con người không mang theo được gì. Chỉ có trí tuệ và tình thương là còn mãi. Cách sống khôn ngoan nhất là làm một người tốt. Đây là thông điệp, mà từ thế giới khác, tôi mách bảo cho anh”.

Cuối tháng tôi thi đỗ nhờ quay cóp. Vào lúc giám thị phát đề, tôi trông thấy một lớp sương rất mỏng mang hình cái đầu của người trồng nho nước Ý vẩn lên trong phòng thi. Thi xong, tôi không mang chiếc áo ra đốt. Tôi nấn ná chờ một việc khác, quan trọng hơn nhiều.

Một đêm Giotto lại về. Tôi khẩn khoản nói rằng, tôi quá lưu luyến với chiếc áo kẻ màu nho sẫm này nên muốn được mặc thêm một thời gian nữa. Giotto lạnh lùng nói: “Anh có thể giấu người trần nhưng không giấu được người âm. Tôi luôn biết rõ mọi việc anh định làm”. Tôi thú thực, đầu năm cơ quan sẽ tổ chức đại hội, bằng mọi giá tôi phải vào được cấp ủy. Đây là việc lớn của đời tôi, nó còn ý nghĩa hơn cả việc lấy vợ đẻ con, xin hãy ra tay lần chót.

Tôi nói giọng tha thiết. Giotto ngồi trên bậu cửa, quay mặt nhìn xuống những tàu dừa vật vã trong gió lạnh bên dưới khu nhà chung cư. Trước khi biến mất vào bóng đêm, ông ta gật đầu lặng lẽ.

Tôi nhẹ lòng. Danh sách nhân sự bầu cấp ủy gồm tám người, đại hội sẽ loại bỏ một người để lấy bảy. Chưa vợ nhưng đã bốn tư tuổi, mấy năm rồi tôi chỉ giữ chức trưởng phòng, không trúng cấp ủy đợt này thì vĩnh viễn không ngóc đầu lên được. Cuộc chiến trước mặt, với tôi là một mất một còn.

Việc này từ lâu tôi đã tính toán kĩ. Tòa báo của tôi gồm bốn chục người, mỗi người tôi chơi một cách. Tôi vẫn hay đùa bỡn với đám văn thư kế toán, thỉnh thoảng lại cho hoa quả kẹo bánh và không bỏ lỡ dịp khen các em váy đẹp người xinh, nên nhất định họ sẽ bỏ phiếu cho tôi. Chị đánh máy chắc không tiếc tôi một phiếu, vì đã có lần tôi mời chị ta đi ăn bún đậu mắm tôm. Ban biên tập chủ yếu là nam, tháng nào tôi cũng mời bia mấy cậu đàn em, chúng không nỡ lòng trở mặt với tôi được. Mấy ông anh sắp về hưu thì càng dễ, chỉ cần khen dạo này anh viết lên tay quá, có gì mới phải cho em đọc nhé, là xong. Cùng chạy đua vào cấp ủy có trưởng phòng hành chính trị sự và trưởng phòng phóng viên, chắc chắn bọn này sẽ gạch tên tôi vì là đối thủ. Mất hai phiếu, cộng thêm một vài người không thân, cùng lắm tôi chỉ mất năm, bảy phiếu. Thế là thắng rồi.

Trưởng phòng hành chính trị sự là một tay không thể tin được. Trước đại hội một ngày, hắn bảo tôi: “Ông yên tâm, dù là đối thủ, tôi vẫn sẽ ủng hộ ông một phiếu”. “Chắc chứ?” - tôi hỏi. “Chắc”. Tôi liền lôi tuột hắn đến trước bàn thờ trong phòng làm việc, đốt một nắm hương, bảo: “Thề đi. Cậu hãy thề trước thánh thần là cậu sẽ bỏ phiếu cho tớ đi”. Nhìn khói hương nghi ngút, hắn luống cuống: “Ông đừng dồn tôi đến bước đường cùng”. “Có thề không thì bảo?”. Hắn lắp bắp: “Tôi thề...”.

Vậy là được thêm một phiếu. Cũng chỉ cho vui, chứ thực ra chẳng quan trọng. Đã có Giotto phù hộ, mọi việc dễ như hái quả trên cành.

Đêm trước đại hội, tôi mang chiếc áo kẻ carô ra là phẳng phiu. Đang bồn chồn nghĩ tới sự màu nhiệm khi mặc nó ngày mai, chuông điện thoại reo, tôi sững người nghe thông báo của cơ quan về trang phục đại hội là “nữ áo dài, nam áo trắng cà vạt”. Mình sẽ mặc chiếc áo ấy ở trong - tôi bực tức nghĩ - bên ngoài là áo trắng cùng complet. Trời đang mưa rét, đếch ai biết mình nhồi trong người những thứ gì.

Sớm hôm sau ngủ dậy, tôi hoảng hốt thấy trời đổ nắng vàng. Đường sá khô cong, bướm bay phấp phới. Sau khi đập vỡ một cái lọ vì tức tối, tôi quyết định mặc đúp hai chiếc áo vào người.

Đại hội diễn ra gần hết một ngày. Sau những báo cáo, nghị quyết lê thê buồn tẻ chẳng ai nghe là đến phần bỏ phiếu. Ngồi cạnh tôi lúc đó là trưởng phòng hành chính trị sự. Khi mọi người bỏ phiếu xong, hắn vẫn ngồi tại chỗ và nhìn trộm tôi, tay che trên lá phiếu. Tôi nhắm hai mắt lại và ngả người trên ghế, giả bộ mỏi mệt. Nhanh như chớp, hắn phóng bút gạch tên tôi rồi điềm tĩnh đứng dậy. Lá phiếu cuối cùng được bỏ vào hòm.

Hắn không ngờ rằng, hành động ấy, tôi nhìn thấy rõ bằng con mắt thứ ba ở giữa trán.

Khi trưởng ban kiểm phiếu lên công bố kết quả, tôi thấy chiếc áo kẻ trong người nóng rực. Người thứ bảy trong danh sách lọt vào cấp ủy là trưởng phòng hành chính trị sự, giành được hai mươi nhăm trên bốn mươi phiếu. Tôi kém hắn một phiếu, với hai mươi tư phiếu thuận và mười sáu phiếu chống. Mặc dù quá bán, nhưng người trượt cấp ủy chính là tôi.

Ra đi cùng gió

Vừa về đến nhà, tôi cởi tung áo xống cà vạt, vắt bừa lên giàn phơi ở ban công rồi cắm mặt chạy ra hồ. Tôi đi quanh hồ liền mấy vòng, đầu như cái hộp trống rỗng. Sau bao ngày nâng niu kính cẩn, lần đầu tiên tôi căm hận chiếc áo hàng thùng.

Tôi quay về căn hộ của mình trước khi sẩm tối. Trời lại trở rét, gió lồng lộng tràn qua thành ban công. Nhìn lên giàn phơi, tôi thấy mất chiếc áo ấy. Có lẽ gió đã thổi bay nó. Tôi nghĩ vậy, và đi xuống bãi đất vườn của một nhà dân ở cạnh tòa chung cư.

Bãi đất rộng và trống trải, nghe nói chủ nhân định san phẳng để xây nhà thờ họ. Cách chân nhà chung cư vài bước, tôi nhìn thấy một đống lửa đã tàn. Trên đám tro củi vụn và cỏ khô là chiếc áo kẻ đã biến thành than, chỉ sót lại phần vải ở cổ tay chưa cháy hết.

Hà Nội, mùa thu 2016
P.D.N
(TCSH334/12-2016)


 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Dị mộng (13/12/2016)
Bóng đêm (22/11/2016)
Mê cung (31/10/2016)
Hấp hối (24/10/2016)
Gió xanh (30/09/2016)