Truyện ngắn
Truyền thuyết về kê quyền
09:45 | 28/01/2017

TRẦN BẢO ĐỊNH   

1.
Trường gà Bến Nghé vắng lặng từ rất lâu sau trận tử chiến giữa Kim Ô và Nhật Nguyệt. Đông Định Vương thẫn thờ đứng nhìn bầu trời Gia Định chớm vào tiết xuân, mùi máu gà vương vãi đấu trường hắt hơi theo gió khác chi mùi máu chiến binh ở chốn sa trường.

Truyền thuyết về kê quyền
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Thời loạn, tất lấy loạn trị loạn! Vương suy nghĩ rất lung: “Một đất nước mà chia năm bờ cõi, thì đất nước còn gì đất nước?”(1). Gió thổi thốc vạt chiến bào phát ra tiếng kêu như tiếng tặc lưỡi: “Dân tình sao chịu thấu!”...

- Bẩm Chủ soái, trời ngả chiều rồi! Mời Chủ soái, về thôi!

*

Đêm Gia Định lặng như tờ, yên nhưng không tĩnh. Yên là do mấy tầng lớp quân canh giữ. Không tĩnh vì dân chúng vẫn âm thầm theo Nguyễn Ánh ngầm chống lại Tây Sơn. Tại sao, họ chống lại Tây Sơn? Vương tự hỏi chính mình chẳng biết bao lần như thế! Nỗi buồn gặm nhấm, ngấm vào trong lắm lúc bực dọc khiến Nguyễn Lữ trằn trọc suốt đêm không ngủ nằm nghĩ miên man…

Năm lên mười, Lữ cùng hai anh Nhạc, Huệ khăn gói xuống Bằng Châu (An Nhơn) thọ giáo thầy Đinh Chảng tu thân, học chữ, luyện công. Được hai năm, mẹ cho lên An Thái bái sư Trương Văn Hiến, người thầy giáo danh thơm khắp vùng Tuy Viễn. Lúc này, Huệ và Lữ tiếp tục sự học, còn Nhạc trở về nhà coi sóc cơ sở làm ăn thay cha(2). Ngoài việc dạy chữ, giáo Hiến dạy luôn cả võ và chỉ dạy Miên quyền duy nhất cho Lữ. Có lẽ, qua thời gian sống chung, gần gũi thầy đã thấu rõ tư chất lẫn thể chất của trò. Một thể chất tuy mảnh khảnh nhưng ẩn chứa một tư chất đậm đặc lòng nhân ái.

Trăng đầu hôm, thứ trăng non mang gió chướng thổi về từ biển mơn trớn, vuốt ve người xa xứ lăn tăn nhớ nhà. Lữ cứ đứng tần ngần lặng nhìn bóng trăng khuya chạnh lòng nhớ bạn, nhớ quê, nhớ những trận đá gà ăn sâu vào tâm hồn thời thơ ấu. Gà chọi Bình Định, từng nổi tiếng “Hùng kê” khắp dải đất miền duyên hải, không hẳn nó có tầm vóc, cơ bắp to khỏe mà vì sự chịu đòn bền bỉ, ra đòn nhanh và chính xác! “Yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều”(3). Nghiền ngẫm, Lữ đã nghiệm ra Hùng kê, nó có một cái gì đó thuộc về căn cơ qua những thế lùi-tấn, chạy-nhảy, đá-móc, né-mổ, đâm-xỉa… chọt thẳng vào tử huyệt đối phương thay cho cơ bắp chẳng khác mấy với lối võ Miên quyền thầy đã từng dạy. Ngoài giờ học, những lúc rảnh rỗi Lữ thử luyện Miên quyền kết hợp pha lẫn các thế đánh Hùng kê, hình thành một thứ võ gà tuyệt chiêu kỳ thú khi qua tay người; cái thể chất mảnh khảnh như tiếp nhận khí lực cuồng phong “âm- dương nhất thể” thi triển nhanh như tia chớp, biến hóa chẳng khác dòng nước chảy sông Côn mùa lũ.

Nhất cử, nhất động của Lữ, giáo Hiến đều âm thầm theo dõi, không bỏ sót một chi tiết nào!

Với ông, ba anh em nhà Tây Sơn mỗi người một vẻ và cả ba hội đủ yếu tố: Thiên thời (Nhạc), có tài điều hành, tổ chức kinh bang tế thế; Địa lợi (Huệ), có sức mạnh phi thường, đường đao uy vũ, thao lược thần tốc, có tài điều binh khiển tướng; Nhân hòa (Lữ), lại có tài ngoại giao, thu phục nhân tâm, cốt cách đạo gia tiềm ẩn căn cơ võ học. Có lẽ, đây là khí thiêng sông núi tái tạo đang ứng với sấm truyền lan tỏa trong dân chúng: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” chăng? Giáo Hiến như bừng tỉnh, ngửa mặt nhìn trời Tây Sơn vằng vặc sao, bỗng mỉm cười lẩm nhẩm một mình:

- Thời khắc đã đến… Cớ sự sẽ thành đại sự!

2.

- Bẩm Chủ soái, ở Gia Định gà nòi để đi chiến trận. Hay dở, thắng bại vốn gốc từ mẹ truyền giống và dạy dỗ.

Đông Định Vương lắng nghe viên Trưởng cấm vệ nói về căn cơ giống gà đá ở vùng đất do ông trấn nhậm, cai quản coi có gì khác, có gì đặc sắc và vượt trội so với gà xứ Tây Sơn.

- Nghĩa là, mái quyết định chớ chẳng phải trống?

Đông Định Vương vặn hỏi viên Trưởng cấm vệ.

- Bẩm Chủ soái, đúng vậy! Không ai hiểu con bằng mẹ và ngay từ lúc con chào đời, mẹ cận kề nuôi dưỡng và bảo vệ con chớ không hẳn là cha. Người lão luyện, kẻ tinh đời mới có thể thấu suốt và tiên đoán được tài năng con mái gốc nòi sẽ tạo ra những đứa con lẫy lừng chiến trận ở ngày mai. Cố nhiên, con mái gốc nòi bao giờ cũng tự nó có một trường phái riêng, không lẫn vào đâu: Thiết diện vô tình, Tiều phu đốn củi, Nhơn đầu hổ...

Nghe viên Trưởng cấm vệ nói, Vương liền liên tưởng tới câu thành ngữ trong dân gian “chó giống cha, gà giống mẹ”. Ngài vui ra mặt!

- Vậy, đòn và thế mái nòi dạy đàn con?

- Bẩm, rõ là vậy!

Rồi, viên Trưởng cấm vệ thành Gia Định nói rằng: Mỗi con mái nòi đều có những ngón đòn độc, những thế bí truyền rất hiểm, không lọt ra ngoài như đá sỏ ngang, đá chém, đá mé... thậm chí “hồi mã thương” kiểu La Thành. Nhưng, trong đàn gà đâu phải con nào cũng học và thực hành thông thạo những điều mẹ dạy, để trở thành tướng “bách chiến bách thắng” lưu danh thiên cổ. Nó phải hội đủ những điều kiện về tiêu chuẩn: Tướng - Tông - Lông - Vảy...

- Bẩm Chủ soái, bỉ nhân xin mạo muội nói một câu đắc tội.

Nguyễn Lữ vốn tư chất hiền lành và có căn tu từ rất sớm. Ngài vừa chủ nhân, vừa nạn nhân bị cuốn hút vào vòng xoáy nghiệt ngã của thời cuộc “tranh bá đồ vương”. Vì tình máu mủ ruột rà, vì nghĩa đối với Tây Sơn, ngài chưa vượt nổi lên trên thị phi và thế sự. Ngài hiểu, lúc lâm nguy viên Trưởng cấm vệ sẵn sàng chết thế mình, nên nói một câu bỡn cợt để có tiếng cười giữa chủ và tướng!

- Với ta, tội chỉ có rẻ chớ không có “đắc”. Ngươi nói thử, ta nghe!

Viên Trưởng cấm vệ quỳ xuống:

- Đất Gia Định điêu linh, lòng người Gia Định ly tán! Cớ sao nên nỗi? Dân chúng và tướng sĩ thành Gia Định, chê trách Chủ soái mê đá gà hơn lo việc nước!

Từng cơn gió bấc từ phương Bắc mang cái lạnh về Nam, làm chiến bào Chủ soái thành Gia Định run lên và run lên từng chập, từng hồi; không biết cái run lên đó, vì tức giận lời viên Trưởng cấm vệ vừa nói hay run lên, vì sự bất lực trước tình cảnh đất nước bị phe phái phân cắt từng mảnh vụn, dân tình oán thán khắp nơi!?

3.

Ta đâu có nước để mà lo, ta đâu có đất để mà giữ. Cái đó thuộc về anh của ta. Ta không muốn núi sông phải khắc tên mình, thì ta nào mong dân chúng tung hô “vạn tuế”! Đông Định Vương biếng ăn, mất ngủ, bởi sợ cái sự ngày mai của Tây Sơn.

Hằng đêm Vương nhớ nằm lòng lời giáo Hiến căn dặn:

- Võ học trong thiên hạ là bể học mênh mông, người học võ chủ yếu vẫn luyện theo hai phái chính: Ngạnh công và Nhuyễn công.

Ngạnh công, thích hợp cho người có thể lực cường tráng, chuyên dùng lực tấn công đối phương thủ thắng như Thiết sa chưởng, Thất bộ công… ra đòn như vũ bão.

Nhuyễn công, dành cho người có thể trạng mảnh khảnh, ốm yếu, tánh khí ôn hòa chuyên dùng nhu lực, chủ yếu tự vệ; thế võ nhẹ nhàng uyển chuyển nhưng ra đòn độc và nhanh như tia chớp khắc chế đối phương như Nhất chỉ thần công, Thái cực quyền… Đó là nguyên lý cơ bản của võ học nhưng chưa hoàn toàn tinh thông, một khi người luyện võ đạt đến cảnh giới thượng thừa, thì Ngạnh hay Nhuyễn sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, bởi nó phát ra bằng nội-ngoại-khí công tương tác cộng lực và biến hóa theo nhơn tâm hoặc thú tâm tùy thuộc kẻ sử dụng. Thầy dạy Miên quyền cho con không nhằm giúp con trở thành hổ tướng, tranh “bá đồ vương” trong thiên hạ, mà nhằm giúp con bảo vệ thân con giữa thời tao loạn; đồng thời, con có thể dùng nó khai thông huyệt đạo chữa bệnh cứu người. Tuyệt nhiên, tự nó không có chữ “Hùng” ở đây. Nếu có, chỉ có chữ “Nhẫn”. Không hoặc thiếu “Nhẫn”, chẳng thể tiếp cận được với Miên quyền đến cảnh giới cao, con hãy nhớ kỹ!

Nguyễn Lữ không thể nào quên cái đêm trăng thu năm đó, sau khi phụ người nhà của thầy đi lấy nước sông Côn phía tả ngạn về làm bún song thằn. Mồ hôi mồ kê còn dính lưng áo và lấm tấm trên mặt, thầy bảo ra sau vườn nhà có chút chuyện. Sương níu ánh trăng trải dài cánh đồng qua An Vinh lấp lánh huyền ảo. Thầy đưa tách trà Thiết Quan Âm đương bốc khói, rồi nói:

- Uống đi con cho đỡ mệt và ấm bụng!

Tiếng vạc kêu rời rạc qua bầu trời trăng.

Nhìn đứa học trò bằng ánh mắt trìu mến và tinh tường, thầy chậm rãi giảng dạy:

- Chữ Võ, viết theo lối Hán bao gồm một bên chữ Chi (ngừng lại), một bên chữ Qua (giáo mác), nghĩa là ngừng chiến đấu, tấn công; là tự vệ cùng tạo hòa khí tương ái, tương thân. Và, Đao trên Tâm dưới; ghép lại thành chữ Nhẫn. Đao sẽ chặt Tâm, khi Tâm không yên. Nếu Tâm yên, Đao tức khắc bị vô hiệu, là Đạo. Được - Mất từ đây, Họa - Phúc cũng từ đây!

Hồi đó, thôn nữ An Vinh đảm đang việc nhà, trai tráng An Thái ngày lao động kiếm sống, đêm tập luyện võ nghệ nung nấu chờ cái ngày... “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” cùng đứng lên diệt loạn thần Trương Phúc Loan, lấy chính nghĩa phò Thái tử Nguyễn Phúc Dương cứu lê dân. Có lẽ vì vậy, người Bình Định có câu: “Trai An Thái, gái An Vinh”.

Thầy trầm ngâm, cái trầm ngâm của bậc hiền nhân tự chủ bản thân và nắm vững cái thời đẩy cái thế thành đại cuộc.

*

Nếu Miên quyền là con mắt, thì chữ Nhẫn là con ngươi của mắt. Mắt nhìn mọi sự vật, nhưng mắt không thể hành động. Muốn hành động, mắt phải có công cụ hành động mà công cụ hành động sắc bén đó, không có gì tốt hơn là “võ gà”! Đặc biệt võ gà Gia Định. Đông Định Vương nhiều lần tự hỏi: Cơ duyên trời đất tặng ta chăng?

Ngài thường nói với Trưởng cấm vệ, rằng ngài không thích thú “Gà chạy xe buông tát”, bởi nó thiếu chất người quân tử. Vừa bỏ đòn đã giả bộ bỏ chạy, đối thủ tưởng đối phương hèn nhát nên rượt đuổi, bất ngờ đối đối phương phóng những đòn chí mạng vào chỗ hiểm, đối thủ dính đòn vô phương cứu. Dẫu không thích thú, nhưng nó giúp cho Vương nhận ra các nối điểm đặt chân chỗ nào: Đòn hầu, chủ yếu đặt vào hầu; đòn kiềng, chủ yếu vào vai, nách, lưng; đòn mé, chủ yếu vào tạng và khoan mặt. Thường lối vào, lối khóa và khắc chế đối thủ ra sao, tâm tính nó cũng thể hiện như vậy. Thật ra, chỉ kẻ háo thắng, dựa vào sức mạnh cơ bắp mới dính đòn.

Vương nhẫn nại đưa từng thế đá của từng loại gà nòi đất Gia Định bổ sung vào Miên quyền điểm qua 12 tử huyệt trên thân pháp của đối phương sơ hở. “Lùi tát hay cắt dọc buông tát”, sự biến tấu đòn dọc; đòn kiềng vai, đầu mặt, cần non... chờ đối thủ vào đúng nhịp, bộ cước lùi lại vừa tầm, tung nhanh đòn dọc chính xác vào đối thủ. Ở căn cốt Miên quyền gọi nhẫn nhịn là chờ cơ hội kết thúc.

Nhiều ngày, Đông Định Vương say mê ngồi hằng giờ chú tâm, mục kích gà nòi Trấn Giang đá kiểu “Bướng trên săn thủ cấp”, nó giống chiêu thứ năm và thức thứ ba của Miên quyền: Nhẹ nhàng đi lối trên, ngón trỏ (nhất dương) điểm huyệt thái dương, vỗ nhân trung với động thái cực nhanh và dứt khoát. Gà Trấn Giang có biệt tài săn mắt và mỏ đối thủ, đồng thời sử dụng tuyệt chiêu dùng đôi cựa đút lỗ tai, khiến đối thủ tá hỏa tam tinh, bỏ chạy xấc bấc xang bang.

Những thế đá “cắn gối”, “đá mu lưng”, “bấu diều cắn kiềng”, “dong trâu đuổi tảng”, “đá vỉa”... ẩn chứa điều kỳ diệu Cương - Nhu trong nguyên lý Đao - Tâm. Một khi Cương - Nhu hòa lẫn nhau, việc chi Âm - Dương chẳng là cần nhau và trong Âm đã có Dương, trong Dương đã có Âm, hễ biến tất có hóa!

*

Tiết xuân Gia Định ấm áp, lòng người Gia Định hào hiệp, hào sảng và không có cái bụng hẹp hòi, cố chấp. Giặc đến, tụ nhau đánh; đánh không lại, rã hàng lẩn trốn đợi thời. Thời thuận thế, họ tiếp tục tụ lại đánh tới... Cứ vậy, kéo dài tháng này qua năm nọ, dẫu kẻ sở hữu “sức mạnh cái thế” cũng chẳng thể chịu nổi. Đông Định Vương bồi hồi nhớ lại:

- Trong Miên quyền thầy ta dạy có lối nội công. Lối đó, chẳng khác mấy cái lối vào đòn và chịu đòn của con gà tử mị, nghĩa là lối yếu mềm, nhu không nhược, giả chết. Gây đối thủ chủ quan, tạo đối thủ cao đạo khinh địch. Về chuyện này, Tây Sơn đã sử dụng lối nội công chiếm gọn hai kho lương nơi Càn Dương và Nước Ngọt, vây và dọa Tuần vũ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ ấn tín, kim bài; bỏ thê tử, bỏ áo mão cân đai, chẳng kịp mặc nội y... chạy thục mạng về Tân Quan.

Đông Định Vương mơ màng, tự hỏi:

- Tại sao, các lối đá của gà xứ Gia Định giống và trùng khớp với các lối đánh của Miên quyền?

Đông Định Vương rất vui khi phát hiện điều kỳ thú đó!

Như tâm đã định, buông bỏ thế sự, Vương quyết giao cả cho Thiếu phó Phạm Văn Tham cai quản kể cả việc quân lẫn nội trị. Hẳn là, ngài thấu hiểu lòng người Gia Định không thuộc Tây Sơn. Và, cái thời ló lần lên thuộc về Nguyễn Ánh. Tây Sơn chỉ nắm được cái cơ để đánh Nam phạt Bắc, sống chết sa trường, đánh quân xâm lược giữ vững bờ cõi... Vương từng nhìn trời và tự hỏi: “Như vậy, trời có bất công chăng?”…

4.

Khuya hôm đó, Đông Định Vương cải trang, giả dạng nhận là sư kê Thiệt; đồng thời, kết giao với vợ chồng Bảy Đọi, Hai Chảng, để dễ bề lân la, xâm nhập các trường gà.

Một hôm, Hai Chảng tức cái mình, nói hoài mà thằng chồng cứ trắm trơ trắm trất. Trước nay, mạnh dùng sức, yếu dùng thế; sự thường là vậy. Rồi, Hai Chảng lầm bầm trong miệng:

- Tối ngày, hễ nói ra chuyện đá gà thì y như rằng, phải nhắc sư kê Thiệt. Tui nói: Thiệt ở đây là thiệt thua, có nghĩa thua thiệt chớ không hẳn thiệt thà... Thằng chồng tên Đọi, nghĩa là chẳng còn một cái lông gà mần thuốc hoặc dùng ráy lỗ tai cho đã ngứa! Đọi chơi với Thiệt, thế nào rồi cũng “bán vợ đợ con”.

Đương ngon trớn lầm bầm, lắp bắp một mình; Bảy Đọi mặc quần dài đáy giữa, quần vén ống thấp ống cao; ở trần trùng trục, áo vắt vai; mở cổng rào bước vô nhà xụi lơ cán cuốc.

- Bị đâm lút cựa, phải hôn?

Hai hỏi trỏng, không thèm quay mặt ngó Bảy.

Buổi chiều quê, bóng nắng ngày còn sót lại đâu đó, chầm chậm ngả qua cây rơm sau vườn.

Hai đứa quen nhau nơi đấu trường kê Mỹ Hòa miệt Cao Lãnh. Bảy ở bạn nhà Cai tổng Gà, chuyên nghề “bồng nước” và đưa “Hùng kê sát thủ” đi đá khắp chốn giang hồ lục tỉnh. Ngày đó, Hai thuộc gái “bán trường kê”. Người phương xa thắc mắc: Sao gọi gái “bán trường kê”?

Gái “bán trường kê” là những thôn nữ sau ngày mùa, rảnh rỗi nên bám theo trường gà để bán: Khi thì cháo vịt, cháo lươn, cháo cá... lúc bánh tét, bánh ít, khoai mì, khoai lang... chè thưng, chè môn... nước dừa, nước sâm! Cũng giống như gái “bán vàm”, là những thiếu nữ bơi xuồng, chèo ghe bán thức ăn, nước uống cho khách thương hồ ở tàu thuyền đang neo đậu vàm sông chờ con nước. Sở dĩ thiên hạ né gọi trường gà mà gọi trường kê, bởi kỵ húy Cai tổng Gà!

Má rầy rà Hai hết xiết, Hai Chảng vẫn gọi Bảy Đọi là thằng chồng, không vì lớn hơn chồng năm tuổi mà vì, Hai quen miệng.

- Thằng chồng ơi! Thôi, tắm rửa mình mẩy rồi ăn cơm, kẻo tối!

Chẳng nghe tiếng trả lời trả vốn, Hai ở nhà dưới nói gióng lên nhà trên:

- Thua keo này, bày keo khác!

*

Phải rồi, vợ mình nói có lẽ đúng. Thất bại thường từ những tiểu tiết mà ta không để ý và dễ bỏ qua. Cương vượt trên nhu chưa phải lúc thì đâu hẳn mạnh thắng yếu?

Bảy nằm vắt võng suy nghĩ rất lung:

- Việc này coi vậy mà hệ trọng, cần bàn với Sư kê mới đặng.

Trưa hè nắng cháy da! Cháy da mặc cháy da, Bảy nhất định phải đi gặp thầy gà cái đã.

- Nắng nôi nóng bức như vậy, chú em gấp gáp tìm qua có việc chi?

Mặt mày Bảy đỏ ké vì say nắng, thở còn chưa kịp nói chi đến chuyện trả lời.

- Thua mấy trận liên tiếp, chú em chạy độ rồi phải hôn?

Bảy vói tay múc gáo nước ực một hơi, tay cầm nón lá quạt sành sạch.

- Sư kê nói nghe tức cười, đã vào chốn giang hồ, Bảy này sợ chi gió tanh mưa máu? Lỡ cháy túi vải, lóc da thay túi, chớ có đâu chơi cái kiểu “trâu bẩn vấy bùn”!

- Chà! Cái thằng một chữ cắn đôi lận lưng còn không có, bữa nay bày trò nói chữ!

Sư kê Thiệt cười ngất, thiếu điều tét háng đáy quần.

- Chú em học lóm chữ hồi nào mà dám, “khua môi múa mép” với qua?

- Hồi hôm con vợ nó dạy. Ai ngu cho mình học lóm!

Vợ tui nó cắt nghĩa, như vầy:

- Đẻ tui, má nín thở rặn banh càng đau muốn chết! Bởi, hình hài tui lớn quá khổ. Đầy tháng, má ngó hình vóc mà đặt tên cúng cơm cho con: Lớn tổ chảng, thì đặt tui là Chảng. Về mần vợ thằng chồng, cái gì của tui cũng chảng, chỗ nào tui cũng chảng... thằng chồng sướng muốn chết! Thằng chồng biết tại sao không?

Thầy gà nghe ngứa lỗ tai, ngẫm nghĩ: “Mới vắng nhau một ngày, hôm nay tự dưng nó nhiều chuyện và mỗi chuyện, nó đi đường hườn rộng quá xá cỡ...”.

- “Gà giống mái, chó giống cha”, gà đá do mẹ dạy nết và truyền thụ võ công; thầy gà không những nuôi dưỡng, coi chân vảy, màu sắc lông, mồng cổ... xổ gà... rồi mang “tướng quân” ra đấu trường với tiểu xảo ra kèo cáp độ mà đặng, mà được.

Nói tới đó, con vợ xề xang:

- Gà chỉ có vậy, thua là lẽ thường; không thua mới lạ!

Sư kê đương ngồi xếp bằng, bật giò ngồi chồm hổm:

- Gà mần sao mới thắng?

Sắc diện Sư kê tố giác Sư kê mất bình tĩnh.

- Qua cả đời lăn lộn trong cái nghề này và cũng từ cái nghề này... Xin lỗi, đâu tự nhiên thiên hạ gọi qua là Sư kê!

Sư kê nhịp song lang:

- Con vợ mày nói ba sàm bá láp, vậy mà mày cũng nghe!

Bảy Đọi quơ tay, cãi lại:

- Con vợ nó không nói miệng, nó mần thiệt... mần “xổ gà” nhừ tử người, chịu đời chẳng thấu!

*

Cơm nước xong, Bảy ra cây rơm lui cui quấn con cúi để đêm un khói đuổi đám muỗi nó bu cắn rát trời gầm. Trời nhá nhem, tiếng gà mái túc túc… túc gọi con về chuồng.

Mùi dầu dừa từ búi tóc vợ bay len lén vào mũi thằng chồng. Như một quy ước bất thành văn, mỗi lần vậy... Vậy là, thằng chồng biết mình phải mần gì cho con vợ vui.

Hai Chảng xổ búi tóc, từng sợi tóc thề phất phơ truyền sự rung cảm khẽ chạm từng thớ thịt trên bụng thằng chồng. Hai Chảng tỉ tê:

- Hồi đó, thằng chồng xách quần áo qua nhà tía má tui mần rể. Nhiều chị em bạn chê thằng chồng con Chảng thấp người, không to xương chắc liền bộ, mần sao đá lớn đòn? Tui cũng hơi nản, vì tui hơn tuổi và thân thể tui “bề thế” gấp đôi thằng chồng. Đoán ra chuyện, má kêu tui mỗi đêm qua ngủ chung với má. Má thì thầm dạy tui:

- Trống “ngon cơm” là loại trống liền bộ xương to, cần cổ trên ngắn thì cần dưới nó dài, mình mẩy đầy đặn thì thịt dưới liền lạc, đùi to như đùi ếch thì thừa sức nhảy qua chông gai, gió bụi. Con ăn ở với nó, sau này tía má sẽ có lũ cháu ngoại ngon tiền, nhất xóm!

Tui mắc cỡ nằm im, bụng vẫn muốn nghe. Má củng cố tinh thần tui:

- Xưa ông ngoại con nuôi gà đá, mê đá gà, đá đâu thắng đó!

- Hay vậy má! Ông ngoại có bí truyền?

Má cười thành tiếng. Trong bóng đêm, tui cảm thấy đôi má lúm đồng tiền đang phồng lên, xẹp xuống theo cái miệng đã hết răng.

- Hay cái con khỉ! Chẳng qua ông ngoại là tay lão luyện dùng gà hầu kiềng - người chơi gà, gọi là gà ôm đấm - pha với gà dựng đá hầu. Kết hợp chúng, chính là “Độc cô cầu bại”!

Ngoài bến sông nắng có mòi dịu dần, Sư kê mê mẩn nghe Bảy Đọi kể chuyện.

- Lúc hai đứa nhập kèo, tui chiếm thế thượng phong “nam trên nữ dưới”, nghĩa là tui có kèo đè lên, nhưng phải thú thiệt rằng, tui hoàn toàn bất ngờ khi bị con vợ bá vai, níu nách tay, ôm miết đầu và cứ vậy đá liên hồi khiến tui chẳng tài nào xoay trở, đỡ kịp!

Sư kê khoái chí, nghĩ thầm trong bụng: Vợ thằng Bảy đã dạy chồng lối “ôm vai và đầu cánh đối thủ”. Với lối đá này, dù có thắng thì đối thủ cũng bị phế võ công; bởi dính nội thương vô phương chữa.

- Rồi, xuất kỳ bất ý, nó rướn mình vào vai ra mé; đánh cực nhanh, đá cực mạnh. Trời đất! vô đấm, ra hầu... mà là hầu mé liên tu bất tận, khiến thằng tui rã rời bất biết!

Sư kê Thiệt chợt nhớ ngày trước thầy của mình từng dặn: Gặp cái ngữ lối đá này, chỉ có gà kiệu, chạy xe buông tát mới trị nổi. Thằng Bảy không biết, đành thúc thủ để con vợ quần cho một trận nát nước tương tàu!

- Tưởng đâu nghĩ tình nghĩa vợ chồng nó buông tha, nào dè nó trở bộ thay lối đánh hiểm chốt lườn, toàn thân tui run lẩy bẩy...

Tội nghiệp, Bảy Đọi ngồi kể chuyện nhà đêm hồi hôm mà trán rịn mồ hôi, dường như tới giờ hồn chưa kịp hoàn vía!

- Đá cái lối đó, dù “người ra nước” là Hoa Đà tái thế cũng bó tay!

Sư kê tự nói với mình như vậy!

*

Những nụ mai vàng bung vỏ lụa, lác đác có nụ đã le lưỡi liếm nắng xuân. Vườn bên, tiếng rọc lá chuối chuẩn bị gói bánh tét bị lấn át và chìm lỉm trong tiếng la hét của hàng chục con bạc, đương hăng say ủng hộ con gà họ đã bắt độ. Tiếng chửi thề lẫn tiếng khen ở trường gà, vang lên từng chập từng hồi mỗi khi cặp gà đá có cú đá “thần sầu, quỷ khóc”.

Hiệp một kết thúc, bất phân thắng bại!

Bảy đâm lo ra mặt, Sư kê bồn chồn và im lặng vấn thuốc rê Cao Lãnh hút. Không lo và bồn chồn sao đặng, bởi tất cả vốn liếng của thầy trò đều nằm gọn trong lối đá con Nhật Nguyệt.

Trong lúc đó, Hai Chảng mặt tỉnh rụi, Hai đương nhiệm “người ra nước”, chăm sóc thương tích và đặc biệt o bế cựa trắng, cựa đen của Nhật Nguyệt. Hai ôm và nút nước dãi từ miệng Nhật Nguyệt, nhỏ to dặn dò con chiến kê trước khi vào hiệp hai.

Hình như Nhật Nguyệt hiểu ý, nó giương cánh và dí mỏ vào môi chủ.

*

Trường gà cuối năm sôi động và hầm hập hơi người.

Trong đấu trường, đối thủ văng ra xa vì dính trọn cú đá song phi trực diện của Nhật Nguyệt. Đối thủ còn đang chới với, tối tăm mặt mũi, Nhật Nguyệt đột ngột “trở bộ thay đổi lối đánh hiểm chốt lườn”.

Bảy và Sư kê hồi hộp... hồi hộp đến đỗi muốn thót...d... Bất chợt, thầy trò cùng la khan:

- Lối Hai Chảng! Lối Hai C...h... ả...n...g!

Cả trường gà nín thở!

Nhanh hơn cắt, Nhật Nguyệt đấm kiềng hốc nách, rướn mình theo thế “Mãnh long quá giang” vít một vít như trời giáng ngay mu lưng đối thủ.

Tiếng cổ võ con bạc và người coi dậy đất!

Bảy Đọi mừng quýnh đít, không kềm chế được, nhảy cà cững.

- Lối… con vợ! Con vợ hết sẩy!

Cả trường gà, chẳng ai hiểu Bảy Đọi nói tí sửu gì.

Riêng Hai Chảng đỏ mặt, phớt lờ như chăm chú xem độ gà đá đang hồi quyết liệt tranh ngôi vô địch!

Nhật Nguyệt đá gãy cánh, tét chân, nát phần hậu và lúc nầy, đối thủ không thể đứng vững, đành gục chịu đòn; mặt đầm đìa bê bết máu và máu, rắc lê thê theo dấu lết chân tuyệt vọng!

5.

Biết thời gian chẳng còn bao lâu, Đông Định Vương gấp rút hoàn tất “Kê quyền”. Một môn quyền cước mà không dùng quyền, chỉ dùng cước để khai thông huyệt đạo. Nếu cơ thể mang tính chất động, thì kinh mạch cũng biến động theo sự vận hành của khí. Và, sự vận hành đó, trong 12 chính kinh của 12 giờ trong ngày. Kê quyền chiếm hữu hình thể tam giác cân: Nhẫn - Miên quyền - Võ gà... đã tạo điều kiện cao nhất để Đông Định Vương biết rõ: “Não bộ là hình ảnh vật chất của tâm, thì kinh huyệt là hình ảnh tinh thần của thân”. Đông Định Vương quả thật hiểu sâu về luật Âm - Dương, đưa “Kê” phối hợp nhuần nhuyễn vào “Miên” cũng có nghĩa, người nắm chắc cái gốc của bề nổi bên trên, bề mặt phía trước, lồ lộ hữu hình... Chính là, cái chìm bên dưới, mặt khuất phía sau, cái tiềm ẩn vô hình... Bởi lẽ đó, mà “Kê quyền” không hẳn thuộc về võ thuật, cái chính là phương pháp “thể dục”, là biện pháp “châm và cứu” phòng trị bệnh trong dân gian Gia Định. Nó hoàn toàn đứng ngoài vòng “cương tỏa” của vua và quan lại, ngoài vòng truyền thống võ Tây Sơn, nó thuộc tài sản riêng và gắn liền tên tuổi của Đông Định Vương Nguyễn Lữ.

*

Người đời sau thường nhắc, rằng:

- Dù Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã đi về chốn phiêu bồng trong cái cõi hư vô, nhưng người Gia Định có mấy ai không nhớ “Kê quyền”, môn võ công giúp phòng bệnh và trị bệnh cho dân nghèo khó, nhất là dân sống vùng biên vực Thất Sơn!(4)

T.B.Đ  
(TCSH336/02-2017)

....................................  
(1) Cuối 1786 và đầu 1787: Trịnh Bồng ở Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An, Nguyễn  Huệ ở Phú Xuân, Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn, Nguyễn Lữ ở Gia Định.
(2) Theo Tạ Chí Đại Trường: “Giáo Hiến, môn khách của Trương Văn Hạnh, viên quan Nội hữu  rủi ro trong cuộc tranh chấp ở triều đình”, “...giáo Hiến đến An Thái sớm nhất là vào năm 1765 (năm Võ Vương mất)”.
(3) Phương châm tác chiến, huấn luyện nghĩa quân của Nhà Tây Sơn.  
(4) Đa phần tín đồ “Bửu sơn kỳ hương” ở Thất Sơn học lối bấm các huyệt đạo theo “Kê quyền”  để trị bệnh cho nhân dân.  







 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Về nhà (05/01/2017)
Dị mộng (13/12/2016)
Bóng đêm (22/11/2016)
Mê cung (31/10/2016)
Hấp hối (24/10/2016)